intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Các khuynh hướng nghiên cứu văn hóa qua ngôn ngữ - TS. Lý Tùng Hiếu, TS. Nguyễn Văn Huệ

Chia sẻ: Nguyen Nhi | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:57

225
lượt xem
38
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Văn hoá các dân tộc ở Việt Nam là đối tượng nghiên cứu thường xuyên của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau. Và để tiếp cận đối tượng rộng lớn đó, ngôn ngữ chính là một trong những ngả đường chủ yếu, không chỉ của ngôn ngữ học mà cả các ngành khác như dân tộc học, nhân học, văn hoá học... Chính vì vậy nên ngay từ khi các ngành khoa học trên hình thành ở việt nam, việc tiếp cận văn hoá các dân tộc qua con đường ngôn ngữ và ngôn ngữ học đã được tiến hành. Các bạn có thể xem qua tài liệu để cùng hiểu hơn về cách tiếp cận văn hóa qua ngôn ngữ.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Các khuynh hướng nghiên cứu văn hóa qua ngôn ngữ - TS. Lý Tùng Hiếu, TS. Nguyễn Văn Huệ

  1. CÁC KHUYNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU VĂN HOÁ QUA NGÔN NGỮ TS. Lý Tùng Hiếu - TS. Nguyễn Văn Huệ (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) Văn hoá các dân tộc ở Việt Nam là đối tượng nghiên cứu thường xuyên của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau. Và để tiếp cận đối tượng rộng lớn đó, ngôn ngữ chính là một trong những ngả đường chủ yếu, không chỉ của ngôn ngữ học mà cả các ngành khác như dân tộc học, nhân học, văn hoá học... Chính vì vậy nên ngay từ khi các ngành khoa học trên hình thành ở Việt Nam, việc tiếp cận văn hoá các dân tộc qua con đường ngôn ngữ và ngôn ngữ học đã được tiến hành. Tuy nhiên, do đối tượng, phương pháp nghiên cứu chưa được định hình thống nhất, hướng tiếp cận quan trọng ấy vẫn chưa thật sự trở thành một chuyên ngành khoa học như nó đáng có, và phần lớn những người chọn hướng tiếp cận ấy vẫn chưa được trang bị những tri thức và phương pháp liên ngành cần thiết. Hậu quả khó tránh khỏi là những trường hợp suy diễn chủ quan, phiến diện về những "thông điệp" văn hoá, lịch sử chứa đựng trong ngôn ngữ. Trước tình trạng đó, chúng tôi cho rằng cần phải xúc tiến một công trình nghiên cứu tổng quan về lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học, và về đối tượng, phương pháp, giá trị ứng dụng của ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam. Vì vậy, năm 2007 khi còn công tác tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (nay là Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ), chúng tôi đã đăng ký một Đề tài nghiên cứu cấp Viện mang tên Ngôn ngữ học nhân học: phác thảo lịch sử, đối tượng, phương pháp, giá trỊ ứng dụng, và mời một bậc đàn
  2. anh của chúng tôi trong ngôn ngữ học là TS. Nguyễn Văn Huệ tham gia. Ngày 18/2/2008, Đề tài đã được tổ chức nghiệm thu với Hội đồng nghiệm thu gồm GS.TS. Bùi Khánh Thế (Chủ tịch), TS. Lê Khắc Cường, PGS.TS. Nguyễn Công Đức, PGS.TS. Bùi Thế Cường, TS. Tô Đình Nghĩa (Uỷ viên). Dưới đây, chúng tôi cho đăng lại hai chương của Đề tài nói về lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học trên thế giới và ở Việt Nam, để cung cấp thông tin cho những người quan tâm đến hướng tiếp cận văn hoá qua ngả đường ngôn ngữ và ngôn ngữ học. Trong đó, chương nói về ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam đã được đăng trong Tạp chí Khoa học Xã hội, số 7 (119) - 2008, trang 42-55, 33, và đã nhận được sự quan tâm góp ý của thầy chúng tôi, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm. {{{ TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGÔN NGỮ HỌC NHÂN HỌC TRÊN THẾ GIỚI 1. Quan điểm và phạm vi tổng thuật Theo bài tổng thuật "Anthropological linguistics: An overview" ("Ngôn ngữ học nhân học: Cái nhìn khái quát") của Jane H. Hill trong từ điển International encyclopedia of linguistics (Bách khoa toàn thư quốc tế về ngôn ngữ học, 1992: 65-69), "Lãnh vực ngôn ngữ học nhân học - hoặc như một số người gọi là ‘nhân học ngôn ngữ' - được các học giả Bắc Mỹ hồi thập niên 1980 rất quan tâm: họ kế thừa truyền thống nghiên cứu ‘bốn lãnh vực' của sự sống con người: bao gồm nhân học tự nhiên, khảo cổ học, nhân học xã hội - văn hoá và nhân học ngôn ngữ. Nhiều nhà nhân học ngôn ngữ cao cấp đã thụ giáo các học trò của Edward Sapir; và các nhà nhân học ngôn ngữ thường xem Franz Boas, thầy của Sapir, bản thân Sapir và học trò của ông, Benjamin Whorf, là những người sáng lập môn học của mình. Tuy vậy, thuỷ tổ tinh thần của lãnh vực đa diện này rất
  3. phức tạp, có cội nguồn từ chủ nghĩa chức năng của trường phái Prague, chủ nghĩa cấu trúc Mỹ ‘Neo-Bloomfieldian', phương ngữ học và tâm lý học xã hội (xem Murray 1983). Bên ngoài nước Mỹ và Canada, sự quan tâm gần đây trong giới nhân học xã hội Anh Quốc đối với vị trí của ngôn ngữ trong xã hội xác nhận sự lưu truyền từ công trình của Malinowski về các chức năng của các ngôn ngữ ‘nguyên thuỷ' (xem Ardener 1971); Parkin 1982 gọi tên sự phát triển này là ‘nhân học ngữ nghĩa'. Những công trình khác ở Anh Quốc có ảnh hưởng là công trình của Bloch 1975 về thuật hùng biện chính trị trong các xã hội truyền thống, và các công trình nghiên cứu xuyên văn hoá của Goody về tác động của việc biết đọc biết viết (chẳng hạn năm 1977). Tại Pháp, tác phẩm của Claude Lévi-Strauss về sự phân tích truyền thuyết về mặt cấu trúc đặc biệt có ý nghĩa; cũng được lưu ý như vậy là các công trình nghiên cứu của Calame-Griaule năm 1965 về ngôn ngữ ở vùng Dogon của Tây Phi, và nhân học nhận thức của Sperber năm 1985. Ngoài ra, giới học giả Pháp theo lý thuyết xã hội nói chung cũng có ảnh hưởng đến nhân học ngôn ngữ trên phạm vi quốc tế - chẳng hạn đề xướng của Pierre Bourdieu theo đó các hình thức ngôn ngữ có thể cấu thành một loại ‘tài sản biểu trưng', hay quan niệm của Michel Foucault về những giới hạn trong diễn đạt được cấu thành thông qua sự cấu tạo có tính lịch sử gọi là ‘trật tự phát ngôn' ". Ở Việt Nam, Trần Ngọc Thêm trong bài "Đi tìm ngôn ngữ của văn hoá và đặc trưng văn hoá của ngôn ngữ" (Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, 1993) cũng cung cấp một cái nhìn tổng quan về quá trình nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá trên thế giới, bao gồm bốn thời kỳ: "Thời kỳ của Wilhelm von Humboldt (cuối thế kỷ 19) với luận điểm nổi tiếng về tính thống nhất của ngôn ngữ và ‘linh hồn dân tộc'. Thời kỳ những năm 30 của E. Sapir và B. Whorf với luận điểm về áp lực của cách chia cắt hiện thực đặc thù của mỗi ngôn ngữ đối với những người nói bằng ngôn ngữ ấy. Thời kỳ những năm 50 của Claude Lévi-Strauss, người đã vận dụng khá thành công phương pháp cấu trúc của ngôn ngữ học đương thời để nghiên cứu mối liên hệ giữa quan hệ họ hàng và ngôn
  4. ngữ. Hiện nay chúng ta đang bước vào thời kỳ thứ tư, khi mà sự quan tâm đến văn hoá nói chung và mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá nói riêng đang được hồi sinh". Còn theo Nguyễn Văn Chiến trong công trình Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hoá Việt (Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá) (2004) thì việc nghiên cứu ngôn ngữ học về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá bao gồm ba giai đoạn cơ bản: giai đoạn thứ nhất: tiền cấu trúc luận (trước F. de Saussure); giai đoạn thứ hai: nghiên cứu cấu trúc luận cổ điển (F. de Saussure, C. Bally và A. Sechehaye); giai đoạn thứ ba: hậu cấu trúc luận (1920-1930 đến nay). Như vậy, khi nói về quá trình nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá trên thế giới, không phải các nhà nghiên cứu đều thống nhất trong việc phân kỳ lịch sử và trong việc đánh giá sự đóng góp của các nhà khoa học trong lãnh vực này. Nguyên nhân là quá trình ấy khá dài, số lượng tư liệu thu thập được rất khác nhau, quan điểm đánh giá cũng khác nhau. Riêng ở Việt Nam, tình trạng thiếu thốn tư liệu là một nguyên nhân lớn, vì những tư liệu liên quan đã biên dịch và xuất bản thì số lượng không nhiều, còn lượng tư liệu đồ sộ trên Internet thì đòi hỏi rất nhiều thời gian chọn lọc, biên dịch và tổng hợp. Dẫu sao, trên cơ sở những tư liệu quan trọng nhất đã thu thập được trong quá trình theo đuổi lãnh vực này từ năm 1985 đến nay, chúng tôi cho rằng, không thể nói đến lịch sử nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá hay lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học mà không nhắc đến những người đã khai sinh ngôn ngữ học nhân học, nhưng đồng thời, cũng không thể không nhắc đến những đóng góp cho lãnh vực này của một loạt nhà khoa học khác, những người đã tự giác hay không tự giác, góp phần ươm mầm, bồi đắp hình hài cho ngôn ngữ học nhân học ngày nay. Bởi lẽ, từ khi hình thành, ngôn ngữ đã luôn luôn gắn với văn hoá của nhân loại, văn hoá của những tộc người cụ thể. Để nghiên cứu văn hoá, thường người ta phải nghiên cứu cả ngôn ngữ của nền văn hoá đó. Ngược lại, trừ
  5. một số chuyên ngành của ngôn ngữ học ngày nay chuyên nghiên cứu về cấu âm, cấu trúc..., nghiên cứu ngôn ngữ thường là nhịp cầu dẫn sang địa hạt văn hoá, đem lại những phát hiện về nội hàm văn hoá được chuyển tải qua ngôn ngữ. Chính vì vậy mà không phải đến khi ngôn ngữ học nhân học và ngôn ngữ học hiện đại được khai sinh thì mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá và việc tìm hiểu văn hoá thông qua ngôn ngữ mới bắt đầu. Trên thế giới, những công trình nghiên cứu như vậy đã được tiến hành từ rất lâu trước khi người ta nghĩ ra những danh xưng, những chuyên ngành khoa học để định danh, phân loại chúng. Vì vậy, bất cứ công trình tổng thuật nào về lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học cũng cần phải nhắc đến sự đóng góp của các tác giả, tác phẩm đó, mặc dù không phải ai trong số đó cũng có ý thức theo đuổi một chuyên ngành khoa học có danh xưng như vậy. Tuy nhiên, việc tổng thuật cũng cần có giới hạn. Do quy mô có hạn của Đề tài và điều kiện có hạn của thông tin tư liệu, chúng tôi sẽ không thâu tóm hết mà chỉ điểm qua một số nhà khoa học và công trình tiêu biểu của họ đóng góp vào lịch sử nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá trên thế giới. 2. Giai đoạn phôi thai Ngay từ đầu thế kỷ 19, nhà tư tưởng, nhà ngữ văn học người Phổ Wilhelm von Humboldt (1767-1835), sau một quá trình nghiên cứu hàng chục ngôn ngữ khắp thế giới, đã rút ra nhận xét: vì gắn bó với tinh thần, với từng dân tộc hay bộ lạc, và có "hình thức bên trong" riêng, "mỗi ngôn ngữ đều chứa đựng một thế giới quan của mình". Ông lấy thí dụ: trong tiếng Sanskrit, "con voi" được gọi bằng những tên có nghĩa là "con uống hai lần" hoặc "con hai răng"...; mỗi tên gọi ấy tuy cùng chỉ một đối tượng nhưng chứa đựng những khái niệm khác nhau. Và ông cho rằng mỗi ngôn ngữ "miêu tả hoàn cảnh chung quanh mà nó phụ thuộc vào, miêu tả khung cảnh chỉ có thể vượt ra khỏi ranh giới của nó khi gia nhập một khung cảnh khác". Tuy thế, không phải là không có sự thống nhất của thế giới quanh ta. Ông
  6. viết: "Nhiều ngôn ngữ không phải là nhiều tiêu chí của một đối tượng mà là sự nhận xét khác nhau về đối tượng ấy". Chịu ảnh hưởng tư tưởng của Wilhelm von Humboldt, nhà nghiên cứu ngôn ngữ người Đức Heyman Steinthal (1823-1899) đã đi đến nhận định: ngôn ngữ là "tự ý thức, thế giới quan và lô-gích của tinh thần dân tộc". Và ông khuyến nghị: nghiên cứu ngôn ngữ có thể và cần phải đi sâu vào mọi sự sáng tạo tinh thần phong phú của con người; nghiên cứu các hình thức của ngôn ngữ có thể cho ta khả năng đạt tới chỗ hiểu thấu tinh thần của dân tộc: "Các dữ kiện của ngôn ngữ minh hoạ rõ ràng nhất mọi nguyên lý của tâm lý các dân tộc". Đó là một số thành quả và ý tưởng tiên phong về mối quan hệ hữu cơ giữa ngôn ngữ với văn hoá nói chung và văn hoá các dân tộc nói riêng. Những thành quả và ý tưởng đó có được là do giới nghiên cứu ngữ văn ở Tây Âu đương thời đã có quá trình hơn ba thế kỷ tiếp xúc với các nền văn hoá và các ngôn ngữ xa lạ trên khắp thế giới, hệ quả của công cuộc thực dân hoá thế giới xuất phát từ các nước này. Và đến lượt nó, những thành quả và ý tưởng nói trên đã dần dần làm hình thành một khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ nhằm những mục đích học thuật nằm ngoài ngôn ngữ, mà Ferdinand de Saussure gọi là ngôn ngữ học ngoại tại. Như đã biết, Ferdinand de Saussure (1857-1913), nhà ngôn ngữ học xuất sắc người Thụy Sĩ, là người được xem là đã có công đem lại cho ngôn ngữ học tư cách một khoa học độc lập, với nhiều luận điểm được đúc kết trong ý tưởng cơ bản của công trình Cours de linguistique générale (Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, 1916): "đối tượng duy nhất và chân thực của ngôn ngữ học là ngôn ngữ, xét trong bản thân nó và vì bản thân nó". Do quan điểm đó, ông "gạt ra ngoài ngôn ngữ tất cả những gì xa lạ đối với cơ chế của nó, đối với hệ thống của nó, tóm lại là tất cả những gì mà người ta gọi là ‘ngôn ngữ học ngoại tại'". Thế nhưng, cũng chính trong công trình đó, ông thừa nhận: "Phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một chừng mực khá quan trọng, chính ngôn ngữ
  7. làm nên dân tộc". Và trong công trình đó, các môn đệ của ông là Charles Bally và Albert Sechehayye đã dành đến hai chương để ghi nhận những ý kiến của ông về vai trò của "ngôn ngữ học ngoại tại" và về tầm quan trọng của "tài liệu ngôn ngữ đối với nhân loại học và tiền sử học". Tình trạng đó một mặt chứng tỏ sự cực đoan và mâu thuẫn của Ferdinand de Saussure, một mặt chứng tỏ tầm quan trọng không thể phủ nhận của "ngôn ngữ học ngoại tại". Vậy "ngôn ngữ học ngoại tại" là gì? Theo Ferdinand de Saussure, "ngôn ngữ học ngoại tại" là một ngành ngôn ngữ học "đảm đương những việc khá quan trọng và đó chính là những việc được người ta nghĩ đến nhiều hơn cả, khi bắt tay vào nghiên cứu hoạt động ngôn ngữ". Và theo ông, ngành ngôn ngữ học này có bốn đối tượng cần hướng tới: "Trước hết, đó là tất cả những điểm mà ngôn ngữ học tiếp giáp với dân tộc học, tất cả những mối liên hệ có thể có giữa lịch sử của một ngôn ngữ với lịch sử của một chủng tộc hay của một nền văn minh. Hai thứ lịch sử này xen lẫn vào nhau và có những mối quan hệ qua lại với nhau"; "thứ đến, phải ghi nhận những mối liên hệ giữa ngôn ngữ và lịch sử chính trị"; kế tiếp là "những mối quan hệ giữa ngôn ngữ với những thiết chế thuộc đủ các loại như nhà thờ, nhà trường, v.v."; và "cuối cùng, tất cả những gì liên quan đến sự phát triển địa dư của các ngôn ngữ và đến sự phân chia thành phương ngôn đều thuộc phạm vi của ngôn ngữ học ngoại tại". Những thông tin, ý kiến của Ferdinand de Saussure mà chúng tôi tóm tắt trên đây có thể nói vừa là một sự tổng kết về "ngôn ngữ học ngoại tại" trong thế kỷ 19, vừa như một sự gợi ý để các nhà ngôn ngữ đi sau tiếp tục sử dụng ngôn ngữ học để góp phần giải mã văn hoá và lịch sử. Do đó, trong chặng đường phôi thai này, cũng cần phải ghi nhận những đóng góp của ông. 3. Giai đoạn hình thành Bước sang thế kỷ 20, việc nghiên cứu văn hoá, lịch sử các dân tộc từ tư liệu ngôn ngữ đã có bước phát triển đột phá với sự ra đời của các chuyên ngành ngôn
  8. ngữ học nhân học (anthropological linguistics) và dân tộc-ngôn ngữ học (ethnolinguistics). Góp công đầu trong việc hình thành chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học (anthropological linguistics) là ba nhà khoa học Mỹ: Franz Boas, Edward Sapir và Benjamin Lee Whorf. Ba nhà khoa học này, mà người trước là thầy của người sau, đã có những công trình nghiên cứu nổi tiếng sử dụng cả ngôn ngữ học lẫn tri thức và phương pháp của một số ngành khoa học tiếp giáp. Công trình đầu tiên phải kể đến là ba tập Handbook of American Indian languages (Cẩm nang về các ngôn ngữ bản xứ Mỹ) xuất bản vào các năm 1911, 1922 và 1938 của người sáng lập ngành nhân học Bắc Mỹ, Franz Boas (1858-1942). Trước nhu cầu cấp bách phải miêu tả các ngôn ngữ và nền văn hoá của người bản xứ Bắc Mỹ mà phần lớn có nguy cơ diệt vong, Franz Boas trong cuốn sách trên đã lần đầu tiên phác thảo một phương pháp để nhà nghiên cứu có thể điều tra và miêu tả các ngôn ngữ mà mình không quen biết, đồng thời cũng cho thấy thông qua ngôn ngữ, nhà nghiên cứu có thể "đọc" được nền văn hoá của dân tộc nói ngôn ngữ ấy như thế nào. Tư tưởng cơ bản của ông là: "nghiên cứu ngôn ngữ là một bộ phận không thể tách rời của việc nghiên cứu tâm lý các dân tộc trên thế giới... ngôn ngữ là một trong những địa hạt thuận lợi nhất để nghiên cứu sự hình thành các biểu tượng đạo lý". Ông cũng thể hiện quan điểm ấy trong các bài giảng tại Trường Đại học Columbia và từ đó xác lập một khuynh hướng mới trong ngôn ngữ học: Ngôn ngữ học theo khuynh hướng Boas (Boasian Linguistics). Tiếp theo là Edward Sapir (1884-1939), nhà ngôn ngữ học xuất sắc nhất trong số những người theo trường phái Boas. Chịu ảnh hưởng của Boas, Edward Sapir đã đi sâu nghiên cứu cả hai khoa nhân học và ngôn ngữ học, dành nhiều thời gian nghiên cứu các ngôn ngữ thổ dân da đỏ ở Mỹ, Canada, Mexico, Trung Mỹ. Nhưng ông có điểm khác với thầy mình là đã làm cho ngôn ngữ học Mỹ trở thành một khoa học độc lập chứ không còn là một bộ phận của nhân học nữa. Cho đến
  9. đầu thế kỷ 20, với các công trình đầu tay của Boas và thế hệ sinh viên đầu tiên của ông, ngành ngôn ngữ học Mỹ gần như không thể tách khỏi cội rễ của nó là nhân học. Ngay như các bản thảo đầu tay của Sapir cũng chấp nhận sự lệ thuộc lâu đời kiểu Mỹ của các vấn đề ngôn ngữ học vào các vấn đề văn hoá và triết học. Nhưng với công trình Language: An introduction to the study of speech (Ngôn ngữ: Dẫn luận vào việc nghiên cứu tiếng nói) công bố năm 1921, ông đã biện luận cho sự độc lập của ngôn ngữ học như một khoa học độc lập đối với nhân học hay bất cứ ngành khoa học nào khác. Sapir cho rằng khả năng ứng dụng của các phương pháp Ấn-Âu cho các ngôn ngữ không có chữ viết là điều đương nhiên và ngôn ngữ học bản xứ Mỹ sẽ đóng góp một cách đáng kể vào cho ngành ngôn ngữ học chung. Cũng trong công trình đó, ông đã xác lập các luận điểm cho rằng ngôn ngữ là một cấu trúc mang dấu ấn của tư duy, nó mang thế giới quan đặc thù của một nền văn hoá, nó tổ chức và là điều kiện cho tư duy hoạt động. Và rằng, mỗi ngôn ngữ đều có khuôn cảnh riêng của nó, gắn liền với một tập thể có những đặc trưng vật chất làm cho nó khác hẳn với những tập thể khác. Hơn nữa, ngôn ngữ không thể tồn tại bên ngoài văn hoá, nghĩa là sự tập hợp những phong tục và tín ngưỡng có tính kế thừa trong xã hội, quy định các sinh hoạt của đời sống chúng ta. Giữa ngôn ngữ và văn hoá không có quan hệ nội tại hay quan hệ nhân quả, nhưng nội dung của ngôn ngữ lại liên quan mật thiết với văn hoá: "Trong ý nghĩa là từ vựng của một ngôn ngữ phản ánh ít nhiều trung thành với cái nền văn hoá mà ngôn ngữ đó phục vụ, thì một điều hoàn toàn đúng là lịch sử của ngôn ngữ và lịch sử của văn hoá chuyển động theo những đường song song nhau". Quan điểm đó của Sapir đã được người học trò gần gũi và nổi tiếng nhất của ông là Benjamin Lee Whorf (1897-1941) kế thừa và phát triển thêm trong các tiểu luận như Science and linguistics (Khoa học và ngôn ngữ học, 1940), The relation of habitual thought and behavior to language (Mối quan hệ giữa tư duy và hành vi thông lệ với ngôn ngữ, 1941). Và do đó các nhà nghiên cứu đã dùng thuật ngữ Sapir-Whorf Hypothesis (Giả thuyết Sapir-Whorf) để gọi chung quan
  10. điểm của hai ông. Điều đáng tiếc là ngôn ngữ của B.L. Whorf không dễ đọc, và để hiểu được nó người ta phải "phiên dịch" ra ngôn ngữ bình thường! Theo một tóm tắt thường được giới nghiên cứu trích dẫn thì dường như Whorf đã đưa ra hai giả thuyết: "(1) Nhìn chung, những khác biệt về cấu trúc giữa hai hệ thống ngôn ngữ sẽ kèm theo những khác biệt về tri nhận phi ngôn ngữ, dưới một hình thức không cụ thể, ở người bản ngữ nói hai ngôn ngữ đó. (2) Cấu trúc của tiếng mẹ đẻ của bất kỳ người nào cũng ảnh hưởng mạnh mẽ hoặc hoàn toàn quyết định cách nhìn thế giới mà người này sẽ có được trong quá trình thủ đắc thứ tiếng đó" (R. Brown, 1976: 128; theo P. Kay & W. Kempton, 1984: 65-79). Các công trình của Franz Boas, Edward Sapir, Benjamin Lee Whorf và những người kế tục không chỉ khai mở mà còn đem lại cho chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học (anthropological linguistics) một vị thế vững chãi trong các nước nói tiếng Anh cho đến tận ngày nay. Trong khi đó, ở Pháp, các nhà khoa học quan tâm đến mối tương quan giữa ngôn ngữ và văn hoá vẫn tiếp tục tìm tòi theo những hướng riêng, nối tiếp truyền thống đã có của các ngành Đông phương học, ngôn ngữ học, nhân học, dân tộc học. Nổi bật nhất trong số đó là Claude Lévi-Strauss (sinh 1908), nhà nhân học xuất sắc, người đã sưu tầm, phân tích và khái quát các tư liệu nhân học theo một phương pháp luận mới gắn liền với tên tuổi của mình: chủ nghĩa cấu trúc. Công trình Les structures élémentaires de la parenté (Các cấu trúc sơ đẳng của thân tộc) công bố năm 1949 của ông được đánh giá như một cuộc cách mạng về nhân học. Tập tiểu luận Chủng tộc và Lịch sử của ông được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc UNESCO công bố năm 1952 đã vượt xa chủ đề của nó để đưa ra một sự suy nghĩ mới về văn hoá phương Tây, ý nghĩa của văn minh, tính chất bấp bênh của thời gian lịch sử v.v. Tiếp tục sử dụng phương pháp luận ấy, ông đã viết nhiều công trình vừa có giá trị khoa học vừa có giá trị văn chương, như Tristes tropiques (Nhiệt đới buồn, 1955, 1977), Anthropologie
  11. Structurale (Nhân học cấu trúc, 1958, bản tiếng Anh Structural anthropology, 1963), Totemism (Tín ngưỡng tô-tem, 1963), Le triangle culinaire (Tam giác bếp núc, 1965), The savage mind (Tinh thần hoang dã, 1966), The raw and the cooked (Sống và chín, 1969), Myth and meaning (Huyền thoại và ý nghĩa, 1978). Trong khi kiên trì mục tiêu phát hiện những lô-gích xã hội mà trước hết là lô-gích tinh thần, ông cũng đồng thời chấp nhận những sửa đổi điều chỉnh về phương pháp luận khi cần thiết. Đối với ông, các nền văn minh và văn hoá đều có những giá trị lớn, ngang nhau, nói lên tính thống nhất của loài người, trong khi mỗi tộc người vẫn mang sâu đậm những bản sắc của mình. Cùng thời hoặc nối tiếp Claude Lévi-Strauss là một số nhà ngôn ngữ học Pháp, tiếp tục tham gia vào việc khai mở văn hoá, lịch sử các dân tộc bằng cách kết hợp ngôn ngữ học với tư liệu của dân tộc học, khảo cổ học. Trong số đó, có thể kể đến nhà ngữ pháp so sánh Emile Benveniste (1902-1976) với những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Ấn-Âu mà kết quả tìm tòi đã vượt xa khuôn khổ ngữ pháp so sánh. Khi phân tích ý ngh ĩa cơ bản của từ ngữ, ông đã soi sáng tổ chức về mặt kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo của nền văn hoá cổ đại hiện đang còn ảnh hưởng đến nền văn hoá ngày nay. Công trình để lại nổi tiếng nhất của ông là cuốn Problèmes de linguistique générale (Những vấn đề của ngôn ngữ học đại cương, 1939, 1966, 1974, bản tiếng Anh Problem of general linguistics, 1971). Cũng có thể kể đến nhà ngôn ngữ học, dân tộc học André-Georges Haudricourt (sinh 1911) với một loạt bài nói về mối tương liên giữa dân tộc học với ngôn ngữ học và dân tộc-ngôn ngữ học: "Linguistique et ethnologie" ("Ngôn ngữ học và dân tộc học", Ethnologie générale, Vol. XXIV, Paris, 1968), "Ethnoscience et ethnolinguistique ("Khoa học dân tộc và dân tộc-ngôn ngữ học", Annuaire 1970- 1971, Ecole pratique des Hautes Etudes), "Ethnoscience et ethnolinguistique" ("Khoa học dân tộc và dân tộc-ngôn ngữ học", Annuaire 1974-1975, Ecole des Hautes en Sciences sociales)...
  12. Các công trình của các nhà ngôn ngữ học, dân tộc học Pháp đã làm hình thành chuyên ngành dân tộc-ngôn ngữ học (ethnolinguistics) mà hiện nay có thể xem là một bộ phận hữu cơ của ngôn ngữ học nhân học hiện đại, mặc dù nó có hướng phát triển riêng. Ở Liên Xô đương thời, cũng có một vài nhà ngôn ngữ học chú ý đến mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá mà nổi bật là E.M. Vereshchagin và V.G. Kostomarov, với các công trình như Jazyk i kul'tura: Lingvostranovedenie v prepodavanii Russkovo jazyka kak inostrannogo (tiếng Nga, Moskva, 1976) và Lingvostranovedcheskaja teorija slova (tiếng Nga, Moskva, 1980). 4. Giai đoạn phát triển Trong những thập niên cuối thế kỷ 20, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá đã có bước phát triển mới với sự phát triển chuyên ngành nhân học ngôn ngữ (linguistic anthropology) chuyên khảo sát vị trí của ngôn ngữ trong đời sống của các cộng đồng người, và sự phát triển trở lại của chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học (anthropological linguistics) sau một thời gian ít được quan tâm. Nguyên nhân khiến cho chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học (anthropological linguistics) có một thời gian ít được quan tâm là do sự nổi lên của các chuyên ngành, trường phái mới trong ngôn ngữ học. Nhưng vào năm 1992, như chúng tôi đã trích dẫn bên trên, trong bài tổng thuật "Anthropological linguistics: An overview" (International encyclopedia of linguistics, 1992: 65-69), Jane H. Hill đã ghi nhận một sự quan tâm trở lại của các học giả Bắc Mỹ đối với lãnh vực này trong thập niên 1980. Từ đó đến nay, hướng nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học đã liên tục phát triển ở phương Tây, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh. Theo cỗ máy dò tìm Google ngày 12/2/2008, hiện nay có đến 108.000 địa chỉ trên Internet cung cấp
  13. thông tin về từ khoá "anthropological linguistics", mà trong số đó có rất nhiều trang web của các trường đại học nổi tiếng của Hoa Kỳ. Số lượng các ấn phẩm cũng rất lớn, và một số tài liệu trong số đó cũng đã có mặt ở Việt Nam dưới dạng bản sao, bản dịch. Chẳng hạn cuốn Ngôn ngữ văn hoá & xã hội. Một cách tiếp cận liên ngành (2006), một công trình biên dịch rất công phu của Vũ Thị Thanh Hương và Hoàng Tử Quân. Tổng cộng 12 công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh có liên quan đến ngôn ngữ học nhân học đã được tuyển chọn và dịch thuật, cung cấp những thông tin rất hữu ích cho những người quan tâm đến hướng nghiên cứu đó ở Việt Nam: "Mối quan hệ giữa tư duy và hành vi thông lệ với ngôn ngữ" ("The relation of habitual thought and behavior to language" , 1941) của Benjamin Lee Whorf; "Thế nào là giả thuyết Sapir-Whorf?" ("What is the Sapir-Whorf Hypothesis?", 1984) của Paul Kay và Willett Kempton; "Phạm vi vấn đề tính tương đối ngôn ngữ: Phân tích và đánh giá những nghiên cứu thực nghiệm" ("The scope of linguistic relativity: An analysis and review empirical research", 1996) của John A. Lucy; "Đại từ chỉ quyền lực và thân hữu" ("The pronouns of power and solidarity", 1960) của Roger Brown và Allbert Gilman; v.v. Trong giai đoạn này, ngôn ngữ học nhân học thế giới quan tâm đến điều gì? Có thể tìm thấy câu trả lời vắn tắt qua các chủ đề lớn mà tác giả William A. Forley quan tâm giải quyết trong công trình Anthropological linguistics. An introduction (Ngôn ngữ học nhân học. Dẫn luận, 2000), xuất bản ở Mỹ và Anh, như: "Sự tiến hoá của ngôn ngữ" ("The evolution of language"), "Phổ niệm: Những ràng buộc bẩm sinh đối với tinh thần" ("Universalism: Innate constraints on mind"), "Thuyết tương đối: Những ràng buộc văn hoá và ngôn ngữ học đối với tinh thần" ("Relativism: Cultural and linguistic constraints on mind"), "Dân t ộc học của phát ngôn" ("The ethnography of speaking"), "Văn hoá và sự biến đổi ngôn ngữ" ("Culture and language change").
  14. Bên cạnh đó là sự phát triển của chuyên ngành nhân học ngôn ngữ (linguistic anthropology), một bộ phận của ngành nhân học, với những mối quan tâm gần gũi với chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học. Như nhận định của Jane H. Hill trong bài tổng thuật "Anthropological linguistics: An overview" (International encyclopedia of linguistics, 1992: 65-69): "Trong ba mươi năm qua, một ‘nhân học ngôn ngữ' mới chuyên khảo sát vị trí của ngôn ngữ trong đời sống của các cộng đồng người đã phát triển bên trong ngành nhân học, bên cạnh ‘ngôn ngữ học nhân học'. Hai chuyên ngành phụ này có một ảnh hưởng phối hợp quá lớn so với số lượng nhà nghiên cứu ít ỏi của chúng". Theo cỗ máy dò tìm Google ngày 12/2/2008, hiện nay có đến 178.000 địa chỉ trên Internet cung cấp thông tin về từ khoá "linguistic anthropology", mà trong số đó cũng có rất nhiều trang web của các trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ. Số lượng các ấn phẩm cũng vô cùng lớn, và một số tài liệu trong số đó cũng đã có mặt ở Việt Nam dưới dạng bản sao, bản dịch. Vậy chuyên ngành nhân học ngôn ngữ trên thế giới quan tâm đến điều gì? Có thể tìm thấy câu trả lời vắn tắt qua các chủ đề lớn mà tác giả Alessandro Duranti quan tâm giải quyết trong công trình Linguistic anthropology (Nhân học ngôn ngữ, 2000), xuất bản ở Anh: "Phạm vi của nhân học ngôn ngữ" ("The scope of linguistic anthropology"), "Các lý thuyết về văn hoá" ("Theories of culture"), "Tính đa dạng ngôn ngữ học" ("Linguistic diversity"), "Các phương pháp dân tộc học" ("Ethnographic methods"), "Sự ghi chép: từ chữ viết đến những hình ảnh số hoá" ("Transcription: from writing to digitized images"), "Ý nghĩa dưới các hình thái ngôn ngữ học" ("Meaning in linguistic forms"), "Phát ngôn như một hành động có tính xã hội" ("Speaking as social action"), "Những trao đổi đàm thoại" ("Conversational exchanges"), "Các đơn vị tham gia" ("Units of participation"). Chính do sự gần gũi về mục đích, đối tượng và phương pháp nghiên cứu nên ranh giới giữa nhân học ngôn ngữ với ngôn ngữ học nhân học đôi lúc khó xác
  15. định. Đây cũng là tình trạng chung của các chuyên ngành, bộ phận khác của ngành nhân học, do sự chồng lấn về mục đích, đối tượng và phương pháp nghiên cứu của chúng đối với các ngành và chuyên ngành khoa học tương cận như dân tộc học, khảo cổ học, xã hội học, văn hoá học, ngôn ngữ học... Chính vì thế nên, mặc dù kể từ khi Edward Sapir xuất bản công trình Language: An introduction to the study of speech vào năm 1921, ngành ngôn ngữ học Bắc Mỹ đã trở thành một khoa học độc lập chứ không còn là một bộ phận của nhân học nữa, nhưng gần đây lại có một số tài liệu quan niệm ngôn ngữ học nhân học (anthropological linguistics) như là một tên gọi khác của nhân học ngôn ngữ (linguistic anthropology) hoặc như là một bộ phận của nhân học văn hoá (cultural anthropology). Tiêu biểu là Jane H. Hill, người đã dùng lời kết của bài tổng thuật "Anthropological linguistics: An overview" trong từ điển International encyclopedia of linguistics (1992: 65-69) để nói về mối quan tâm của các nhà nhân học ngôn ngữ (linguistic anthropologists): "Các nhà nhân học ngôn ngữ thống nhất ở sự chú trọng chung vào việc nghiên cứu các cuộc đàm thoại diễn ra tự nhiên, và vào việc thừa nhận tầm quan trọng của tính đa dạng xuyên văn hoá trong các chức năng của ngôn ngữ. Họ cũng thống nhất ở sự khẳng định rằng ngôn ngữ gắn bó rất chặt chẽ với nền văn hoá và xã hội con người, và đến một mức độ cao cấu tạo nên chúng. Do vậy, họ xem việc nghiên cứu cấu trúc ngôn ngữ và việc sử dụng ngôn ngữ như một công việc lô-gích đối với khoa nhân học". Nhưng trên thực tế, các nhà ngôn ngữ học nhân học và các nhà nhân học ngôn ngữ không phải luôn luôn có cùng mối quan tâm và có cùng quan điểm. Chỉ căn cứ vào bài tổng thuật của Jane H. Hill và vào nội dung các công trình của hai tác giả William A. Forley và Alessandro Duranti nêu trên, cũng đủ thấy có một khoảng cách nhất định giữa cái được gọi là ngôn ngữ học nhân học với cái được gọi là nhân học ngôn ngữ. Chưa kể sự tồn tại song song hai tên gọi chuyên ngành khác nhau trong cùng một địa hạt nghiên cứu hẳn phải có lý do, thể hiện quan
  16. điểm khác nhau của những người trong cuộc khi họ tự nhận là mình thuộc chuyên ngành này hay thuộc chuyên ngành khác. Trong khi đó, ở Pháp, truyền thống dân tộc-ngôn ngữ học vẫn tiếp tục được duy trì. Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam, nhà ngôn ngữ học Pháp Laurent Sagart, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ học về Đông Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu khoa học Xã hội, Paris, đã có buổi báo cáo khoa học tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về công trình Thoughts of the formation of East Asian language families (Những suy nghĩ về sự hình thành của các ngữ hệ ở Đông Á) do ông thực hiện và công bố vào năm 2004. Theo đó, sự kết hợp các bằng chứng ngôn ngữ học với các bằng chứng dân tộc học và khảo cổ học cho phép giả thuyết rằng hai ngữ hệ Hán Tạng và Nam Đảo xưa kia từng là một (Proto-Sino-Austronesian). Sau đó ngữ hệ Hán Tạng mới hình thành ở phía Tây Trung Quốc; còn ngữ hệ Nam Đảo hình thành ở phía Đông Trung Quốc, thiên di ra Đài Loan khoảng 3.500 năm trước, từ đó phân tán ra khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, v.v. Công trình này của Laurent Sagart cho thấy rằng hướng nghiên cứu dân tộc-ngôn ngữ học vẫn đang được giới ngôn ngữ học Pháp chú ý phát triển và vận dụng. { Tóm lại, căn cứ vào những tư liệu thu thập được, có thể nói về mặt cội nguồn, chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học hiện nay bắt nguồn từ ngôn ngữ học nhân học Mỹ, nhưng đồng thời cũng có mối liên quan mật thiết với các chuyên ngành tương cận như ngôn ngữ học ngoại tại trong thế kỷ 19, dân tộc-ngôn ngữ học và nhân học ngôn ngữ trong thế kỷ 20. Việc phân giới giữa ngôn ngữ học nhân học với các chuyên ngành tương cận nói trên như thế nào, là tuỳ theo quan điểm, mục đích phân loại của nhà nghiên cứu hoặc người tổng thuật. Nếu lấy nguồn gốc và danh xưng làm trọng,
  17. người ta buộc phải tách rời các chuyên ngành tương cận ấy ra, vì chúng có nhiều chỗ khác nhau. Theo đó, không thể xem chuyên ngành dân tộc-ngôn ngữ học như một bộ phận hữu cơ của ngôn ngữ học nhân học hiện đại. Cũng không thể xem nhân học ngôn ngữ và ngôn ngữ học nhân học chỉ là hai tên gọi khác nhau của cùng một chuyên ngành. Ngược lại, nếu như lấy nội dung, lấy những điểm chung về mục đích, đối tượng và phương pháp làm trọng, người ta vẫn có thể, trong khi theo đuổi một chuyên ngành nhất định, tiếp thu những tinh hoa của các chuyên ngành tương cận để bổ sung, phát triển hướng nghiên cứu của mình. Cần lưu ý là giữa các nhà khoa học theo đuổi các chuyên ngành khoa học nói trên luôn luôn tồn tại một số điểm chung rất cơ bản. Điểm chung quan trọng nhất có lẽ là, họ đều quan niệm ngôn ngữ là thành tố thiết yếu cấu tạo nên văn hoá và xã hội, đồng thời phản ánh văn hoá và xã hội, cho nên để có thể thấu hiểu các nền văn hoá và xã hội thì không thể không nghiên cứu ngôn ngữ của nền văn hoá và xã hội ấy. Điểm chung quan trọng kế tiếp là họ thường vận dụng chuyên ngành khoa học này để giải quyết các vấn đề ngôn ngữ của các xã hội thuộc thời kỳ tiền văn tự. Trong công trình này, chúng tôi theo quan điểm thứ hai. TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỬ HÌNH THÀNH NGÔN NGỮ HỌC NHÂN HỌC Ở VIỆT NAM 1. Quan điểm và phạm vi tổng thuật Với tư cách một chuyên ngành khoa học, ngôn ngữ học nhân học chỉ mới bắt đầu bén rễ ở Việt Nam chừng một thập niên. Tuy nhiên, đối tượng, phạm vi, nội dung, phương pháp nghiên cứu của nó không phải là điều hoàn toàn xa lạ đối với các nhà ngôn ngữ học, dân tộc học, nhân học Việt Nam. Bởi trước đó, từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20, việc nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc với những mục đích khác nhau trong đó có mục đích tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với
  18. văn hoá và những thông điệp văn hoá thông qua ngôn ngữ, là công việc thường xuyên của đông đảo các nhà Đông phương học, ngôn ngữ học, dân tộc học Việt Nam và nước ngoài. Các cơ sở khoa học danh tiếng như Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp, Viện Ngữ học Mùa hè của Mỹ, Viện Đông phương học của Liên Xô, Viện Ngôn ngữ học và Viện Dân tộc học của Việt Nam, Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, v.v. đều rất quan tâm và có nhiều công trình nghiên cứu các ngôn ngữ dân tộc ở Việt Nam và Đông Dương, mà mục đích, đối tượng, phương pháp rất gần gũi với ngôn ngữ học nhân học. Và giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu đó cũng cực kỳ to lớn, là tiền đề khoa học vững chắc của chuyên ngành ngôn ngữ học nhân học Việt Nam. Vì vậy, cũng như trên thế giới, có thể nói việc nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam đã được tiến hành từ rất lâu trước khi chuyên ngành này thật sự hình thành ở Việt Nam. Và bất cứ công trình tổng thuật nào về lịch sử hình thành chuyên ngành này ở Việt Nam cũng không được phép bỏ qua những thành tựu nghiên cứu của các nhà Đông phương học, ngôn ngữ học, dân tộc học vừa nêu, vì đó chính là tiền đề, tiền thân hoặc là bạn đồng hành của ngôn ngữ học nhân học ngày nay. Tuy nhiên, ở đây cũng cần hạn định. Mặc dù tất cả các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc, về nhân chủng, về dân tộc... nói trên đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam, nhưng không phải bất cứ công trình nào trong số đó cũng có thể quy vào hướng nghiên cứu ngôn ngữ học nhân học. Xét về mục đích, đối tượng, phương pháp và nguồn tư liệu, chỉ một phần trong số đó thật sự là những công trình nghiên cứu có tính chất liên ngành, trực tiếp liên quan đến sự hình thành ngôn ngữ học nhân học và các chuyên ngành tương tự. Do số lượng, quy mô các công trình nghiên cứu thuộc các lãnh vực nói trên là cực kỳ to lớn, việc tổng thuật về lịch sử hình thành ngôn ngữ học nhân học ở Việt Nam chỉ nên giới hạn trong phạm vi những công trình liên quan trực tiếp đó mà thôi.
  19. Dựa trên quan điểm lịch sử nói trên, chúng tôi xác định việc nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ với văn hoá ở nước ta đã có tuổi đời gần một trăm năm, và bao gồm một số khuynh hướng khác nhau, phản ánh ảnh hưởng của các khuynh hướng học thuật khác nhau đối với ngôn ngữ học Việt Nam. Đại thể, có tất cả bốn khuynh hướng liên quan: khuynh hướng ngôn ngữ học tiếp xúc (contact linguistics) hay khuynh hướng tiếp cận dựa trên lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ (theory of contact language), khuynh hướng dân tộc-ngôn ngữ học (ethnolinguistics), khuynh hướng văn hoá-ngôn ngữ học (culturolinguistics) hay ngôn ngữ học văn hoá (cultural linguistics), khuynh hướng ngôn ngữ học nhân học (anthropological linguistics) và nhân học ngôn ngữ (linguistic anthropology). Dĩ nhiên, trên thực tế không có ranh giới nghiêm ngặt giữa các khuynh hướng đó ở Việt Nam. Không phải nhà nghiên cứu nào ở Việt Nam khi tiến hành một công trình ngôn ngữ học liên quan đến văn hoá, dân tộc hay nhân học cũng có ý thức rằng mình hay công trình của mình thuộc về khuynh hướng này hay khuynh hướng nọ. Nhưng theo hình dung của chúng tôi thì bốn khuynh hướng nghiên cứu nêu trên là có thật. Và sự phân loại như vậy là cần thiết để chúng ta dễ dàng nắm bắt được các cội nguồn của ngôn ngữ học nhân học Việt Nam, đồng thời chỉ ra những nguồn sinh lực mà chuyên ngành khoa học này cần phải thu nạp để làm giàu cho hành trang nghiên cứu của mình. Ngoài bốn khuynh hướng ấy, chúng tôi cũng ghi nhận những công trình khác có chung mục đích nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá, với đối tượng và phương pháp ít nhiều có tính chất liên ngành. Dưới đây xin lần lượt điểm qua các khuynh hướng đó và những tác giả, tác phẩm tiêu biểu theo ghi nhận của chúng tôi.
  20. 2. Khuynh hướng ngôn ngữ học tiếp xúc (contact linguistics) hay khuynh hướng tiếp cận dựa trên lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ (theory of contact language) Lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ đã được manh nha từ thế kỷ 19 với H. Schuchargt (1842-1927), nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Đức, là người đầu tiên nghiên cứu về ngôn ngữ pha trộn (mixed language), về Pidgin và Creole. Sau đó lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ (language contact) trở nên phổ biến từ những năm đầu của thập niên 1950 với công trình Language in contact (1953) của U. Weinreich. Ở Việt Nam, ý tưởng về một ngôn ngữ pha trộn đã được Henri Maspéro nhắc đến khi nói về nguồn gốc tiếng Việt trong công trình "Études sur la phonétique historique de la langue annamite. Les initiales" ( BEFEO, Vol. 12, no. 1, 1912). G. Coedès cũng đề cập đến tiếp xúc ngôn ngữ khi bàn về các ngôn ngữ ở Đông Dương trong bài "Les langues de l'Indochine" (Extrait des conférences de l'Institut de Linguistique de l'Université de Paris, T.VIII, année 1940-1948). Tương tự là S.E. Jakhontov trong bài "Về sự phân loại các ngôn ngữ ở Đông Nam châu Á" (tiếng Nga, 1973, bản dịch Nguyễn Văn Lợi, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1/1991). Một số công trình khác gián tiếp đề cập đến tiếp xúc ngôn ngữ qua khảo sát các từ vay mượn gốc Hán, gốc Pháp... Cột mốc đánh dấu việc giới thiệu đầy đủ và áp dụng một cách có hệ thống lý thuyết tiếp xúc ngôn ngữ vào việc nghiên cứu nguồn gốc tiếng Việt cũng như các ngôn ngữ ở khu vực Đông Nam Á là công trình Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á của hai tác giả Phan Ngọc và Phạm Đức Dương (1983).
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2