intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cuộc nổi dậy Phan Bá Vành

Chia sẻ: Nguyenhai Yen | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

167
lượt xem
15
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cuộc nổi dậy Phan Bá Vành Cuộc nổi dậy Phan Bá Vành (bắt đầu: 1821?, kết thúc: 1827) là cuộc nổi dậy do Phan Bá Vành lãnh đạo nhằm chống lại đường lối cai trị của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam. 1. Bối cảnh & nguyên nhân: Mặc dù các vua đầu triều Nguyễn có nhiều cố gắng, nhưng các mặt nông, công, thương,... đều suy đốn và đình trệ, làm cho các tầng lớp nhân dân mà đại bộ phận là dân lao động nghèo lâm vào cảnh sống ngày càng cơ...

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cuộc nổi dậy Phan Bá Vành

  1. Cuộc nổi dậy Phan Bá Vành Cuộc nổi dậy Phan Bá Vành (bắt đầu: 1821?, kết thúc: 1827) là cuộc nổi dậy do Phan Bá Vành lãnh đạo nhằm chống lại đường lối cai trị của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam. 1. Bối cảnh & nguyên nhân: Mặc dù các vua đầu triều Nguyễn có nhiều cố gắng, nhưng các mặt nông, công, thương,... đều suy đốn và đình trệ, làm cho các tầng lớp nhân dân mà đại bộ phận là dân lao động nghèo lâm vào cảnh sống ngày càng cơ cực. Chẳng những nhà Nguyễn không cải thiện được tình tình mà trái lại, ngày càng thêm rối ren. Nạn chiếm đoạt và tập trung ruộng đất của giới địa chủ, nạn những nhiễu của giới quan lại, chế độ thu tô thuế và lao dịch khắc nghiệt, thêm vào đó là nạn thiên tai và ôn dịch xảy ra luôn...tất cả đã làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt, càng làm bùng lên làn sóng đấu tranh quyết liệt của các tầng lớp nhân dân nghèo đói ở khắp mọi miền đất nước chống lại chế độ cai trị của nhà Nguyễn. Căn cứ sử biên niên của triều Nguyễn, thì chỉ tính trong nửa đầu thế kỷ 19 đã có gần 400 cuộc nổi dậy, trong đó riêng thời Minh Mạng có tới 254 cuộc, lớn nhất là các cuộc nổi dậy của: Lê Văn Khôi (1833-1836), Nông Văn Vân (1833-1836), Lê Duy Lương (1832-1838) và cuộc nổi dậy này. Trong Đặng gia thế phả có đoạn chép: ...Nhân lúc triều Nguyễn nhu nhược, chuyên lo dùng của cải xây đắp thành quách cung điện, bê trễ đê điều, đồng ruộng nông trang luôn năm lụt lội, dân tình đói rách, làng mạc điêu tàn, nhũng loạn khắp nơi...Có ông Phan Bá Vành ở miền Thái Bình, nhân nạn đói năm 1821[1] tập hợp dân chúng chống lại triều đình, được dân đi theo, lập căn cứ chính ở Trà Lũ. 2. Sơ lược thân thế Ba Vành: Phan Bá Vành (?-1827) [2], tục gọi Ba Vành (vì là con thứ ba trong gia đình), sinh trưởng tại làng Minh Giám [3], thuộc huyện Vũ Tiên (nay là huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Cha ông làm nghề chèo đò và nuôi bán cá giống, nhưng vì cha mất sớm nên Phan Bá Vành phải sớm đi làm thuê để phụ nuôi sống gia đình. Trong một bài vè ở Thái Bình có câu:
  2. Minh Giám quê của Ba Vành Mẹ tên là Vẻ, cha sinh chèo đò [4] Thêm nghề bán cá con so, Vành trên lưng mẹ nằm thò cổ ra... Tương truyền, Phan Bá Vành là người rất khỏe mạnh, giỏi võ nghệ và có tài ném lao. 3. Diễn biến cuộc nổi dậy: Bất mãn vì đường lối cai trị của nhà Nguyễn, khoảng năm 1821, Phan Bá Vành tập hợp dân nghèo khổ vùng Nam Định, Thái Bình (tức vùng Sơn Nam Hạ cũ) nổi dậy chống triều đình nhà Nguyễn. Với chủ trương "lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo", ngay từ giai đoạn đầu, người đi theo đã có hơn 5.000, về sau thêm mấy ngàn quân của thủ lĩnh Ba Hùm (người Mường) từ thượng du Thanh Hóa cùng với quân nổi dậy ở các tỉnh lân cận kéo đến hiệp lực, thì lực lượng của ông đã lên đến hàng vạn. Những năm 1824-1825, nạn đói diễn ra ở Hải Dương, Sơn Nam; khiến dân nghèo theo ông càng đông. Lại được sự giúp đỡ của Nguyễn Hạnh (tướng cũ của nhà Tây Sơn, được Ba Vành phong chức hữu quân)[5], Võ Đức Cát (quan nhà Nguyễn bị cách chức)[6], Ba Hùm (thủ lĩnh người Mường)...và một số nhân vật có tiếng ở địa phương như Trần Bá Hựu, Hai Đáng, Chiêu Liễn,...nên thanh thế Ba Vành ngày càng tăng. Bởi vậy sau này trong Vè Ba Vành ở vùng Thái Bình có câu: Nghênh ngang một cõi biên thùy, Thiếu gì tướng tá, thiếu gì binh lương... Tháng 2 (âm lịch) năm Minh Mạng thứ 7 (1826), từ đại bản doanh tại thôn Phú Nhai, thuộc làng Trà Lũ, Phan Bá Vành dẫn quân đi đánh chiếm đồn Trà Lý và đồn Lân Hải (Kiến Xương, thuộc Thái Bình), giết được hai viên thủ ngự sứ là Đặng Đình Liễu và Nguyễn Trung Diễn. Tiếp đó, thủ lĩnh Ba Vành cho quân đánh lan ra vùng Kiến Xương, Vũ Tiên, Chân Ninh (thời Thành Thái đổi thành Trực Ninh)...Trấn thủ Sơn Nam Lê Mậu Cúc hay
  3. được, mang quân đến đàn áp. Hai bên giao chiến ác liệt tại Cồn Tiên (Tiền Hải). Đến khi trấn thủ Cúc tử trận, thì quân triều quăng vũ khí, bỏ thuyền bè mà chạy cả. Nghe tin cấp báo, vua Minh Mạng sai thống chế Trương Phúc Đặng kéo quân ra Bắc để tiễu trừ. Đến nơi, tướng Phúc Đặng cho quân đánh bất ngờ Giao Thủy. Thua trận, quân sư Vũ Đức Cát chạy ra An Quảng, rồi đến xã Đông Hào thì bị bắt và bị giết ngay. Tháng 12 (âm lịch) năm ấy, Phan Bá Vành và Nguyễn Hạnh lại tập hợp được hơn 5.000 quân, mang đi tấn công vào hai huyện là Tiên Minh và Nghi Dương thuộc tỉnh Hải Dương. Tiếp theo, hai ông liên kết với nhóm Tàu Ô để mở rộng hoạt động ra các vùng ven biển thuộc vịnh Bắc Bộ. Liệu chống không nổi, trấn thủ Hải Dương là Nguyễn Đăng Huyên lại phải cầu cứu đến triều đình Huế. Vua Minh Mạng liền thăng cho Trương Văn Minh làm tiền phong đô thống chế chuyên quản lính Bắc thành, để hiệp đồng với tham hiệp Nghệ An là Nguyễn Hữu Thận coi việc quân. Không yên tâm, nhà vua lại chuẩn cho tham hiệp Thanh Hóa là Nguyễn Công Trứ, tham biện Nghệ An Nguyễn Đức Nhuận, quản cơ Thanh Hóa Vũ Văn Bảo, quản cơ Nghệ An Trương Văn Tín cùng mang quân thủy bộ và 14 chiến thuyền ra gấp Hải Dương hội tiễu. Mặc dù vậy, đầu năm Đinh Hợi (1827), quân Ba Vành vẫn kiên trì hoạt động mạnh ở vùng phủ Thiên Trường (Nam Định) và phủ Bo (tức phủ thành Kiến Xương). Nhận được tấu sớ xin thêm quân, vua Minh Mạng bèn sai hậu quân phó tướng Ngô Văn Vĩnh mang hai vệ quân ở Kinh đô Huế, cùng một số lính thuộc vệ quân Thần Sách ở Nghệ An đi gấp ra Bắc. Tính ra, vua Minh Mạng đã điều động hầu hết lực lượng quân đội ở Bắc thành, Nghệ An, Thanh Hóa và một phần ở Huế để đối phó với quân của Phan Bá Vành. Tháng 2 (âm lịch) năm Đinh Hợi (tháng 3 năm 1827), nhà vua cho Thân Văn Duy coi tào binh Bắc thành, kiêm tham tán việc quân. Lúc này, sau khi bị đánh lui ở sông Bổng Điền, quân Ba Vành lại kéo đến vây chặt cánh quân của Phạm Đình Bảo (hay Bửu) ở chợ Quán, buộc các tướng Phạm Văn Lý, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Văn Phong phải mang ba
  4. đạo quân đến cứu, đuổi quân nổi dậy chạy về căn cứ ở làng Trà Lũ. Để chống cự lâu dài, Phan Bá Vành cho quân đào đắp thêm hào lũy ở đây. Tương truyền, có nhiều chỉ huy dưới quyền đã khuyên Phan Bá Vành nên đánh ngay lúc quân triều mới đến, tức lúc họ đang mệt nhọc và chuẩn bị chưa xong. Nhưng vì nghe theo lời người vợ lẽ là Trần Thị Tú (con gái của viên trấn thành Phủ Bo mà ông đã bắt được khi đánh chiếm nơi này), nên ông cứ đóng chặt cửa thành cố thủ. Sau khi quân triều từ các nơi kéo về vây kín Trà Lũ, các tướng nhà Nguyễn liền cho phát pháo tấn công. Quân nổi dậy chống cự quyết liệt, bị chết quá nửa. Biết vợ lẽ thông đồng với đối phương là tướng Phạm Văn Lý, Ba Vành liền sai quân chém chết [7]. Một đêm, Ba Vành cho quân khơi một con ngòi chạy từ sông Cát thông đến sông Ngô Ðồng (sau dân gian gọi con ngòi này là Cống Vành), để mở đường chạy ra biển. Rạng sáng, quân nổi dậy theo con đường thủy ấy ào ạt phá vây, nhưng rồi bị quân triều do Phan Bá Hùng chỉ huy chặn đánh tan tác hết. Trong cơn binh lửa, Phan Bá Vành bị thương rồi bị bắt sống, cùng với 765 thuộc hạ. Trên đường áp giải, Phan Bá Vành cắn lưỡi tử tử, còn số quân lính trên đều bị xử cực hình [8]. Ngay sau đó, theo lệnh của vua Minh Mạng, làng Minh Giám và Trà Lũ bị “tháo dỡ phá hết nhà cửa, lũy tre, cây cối, không sót một thứ gì”. 4. Hai vấn đề cần làm rõ: 4.1 Năm nổi dậy: Cho đến nay, năm Phan Bá Vành nổi dậy vẫn được rõ ràng. Một số tác giả, trong đó có Trần Trọng Kim, Phạm Văn Sơn đã căn cứ vào Đại Nam thực lục, Quốc triều sử toát yếu để cho rằng cuộc nổi dậy xảy ra vào tháng 2 (âm lịch) năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Tuy nhiên, có ý kiến dựa vào quyển Trần tộc gia phả diễn âm (Trần tộc ở làng Đông Thành) để cho rằng đó là năm 1825. Đoạn thơ ấy như sau: Đời vua Minh Mạng lên ngôi, Giữa năm Ất Dậu (1825) sao đuôi (sao chổi) ngang trời. Bỗng đùng đùng bể khơi vang động,
  5. Giặc Ba Vành ngang dọc một phương...[9] Còn quyển Đặng gia thế phả (đã dẫn trên), thì ghi năm 1821. Vậy, rất có thể từ khoảng năm 1821 đến năm 1825, là giai đoạn chuẩn bị, đến tháng 2 (âm lịch) năm 1826 thì cuộc nổi dậy mới chính thức bùng nổ. 2. Nguyên do bị bắt: Mặc dù có một số tài liệu viết rằng Phan Bá Vành đã bị bắt (hoặc bị giết) trong đêm nghinh hôn (hoặc trong đêm về ăn giỗ nhà vợ), nhưng ở nhiều tài liệu khác (tuy có ít nhiều dị biệt) đều cho rằng ông đã bị thương rồi bị bắt trong trận đánh cuối cùng: Sách Quốc triều sử toát yếu (đã dẫn trên) và Minh đô sử đều chép Phan Bá Vành mở đường máu thoát thân nhưng bị Phan Bá Hùng dàn quân ra chặn bắt. Trích trong các sử liệu khác: -Trà Lũ xã chí: Thế tiến thoái đều khốn quẫn, Phan Bá Vành bèn cho đào sông dài hơn 100 trượng từ sông Cát đến sông Ngô Đồng. Nhưng vì nước cạn, thuyền không đi được, đạn đại bác (của quân triều) dội xuống như mưa. Ba Vành bị thương, bị chánh tổng Hoàng Nha là Lê Tuấn do thám bắt sống. -Trần chi tộc phả: (Ba) Vành thu tàn quân đào sông dài ước khoảng 2.000 thước (800m) gọi là sông Xẻ, (cống gọi là cống Vành), một đêm đào sông, đem thuyền ra biển. Rạng đông, quan quân đuổi theo, hai bên bờ súng ra, quân Vành chết gần hết. (Ba) Vành một mình trốn thoát vào bãi lau sậy, hai ngày sau khát nước quá, đi tìm nước uống, bị tổng trưởng Hoành Nha là Lê Điển tri sát bắt được giải về. - Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực: (Ba) Vành mở cống cho thuyền bơi ra; nước cạn thuyền không đi được, quan quân đánh khép lại, bắt được tướng ngụy là Đán, Liễn, Khương, Thự...hơn 10 người, chém vài trăm đầu, giặc nhảy xuống nước chết vài ngàn tên. Vành bị đạn bắn vào đùi, bị bắt...Vành cùng Đán, Liễn bị đóng củi giải đi Bắc thành. Vành tự cắn lưỡi chết.
  6. -Truyện Phan Bá Vành của Văn Lang: ...Bị thương nặng, Phan Bá Vành cho gọi cai tổng Lê Tuấn là con một nghĩa quân thân tín ở Hoàng Nha, cõng ông về nhà cứu chữa. Biết không thể sống, ông sai Cai tổng Tuấn khiêng ông đi nộp quan để lấy thưởng. Ðến địa phận xã Ðồng Phú, huyện Thượng Nguyên (thuộc Mỹ Lộc, Nam Ðịnh ngày nay). Ông đã tự móc rốn, moi ruột tự tử (1827). Sau đó, nhà Nguyễn đã phanh thây Bá Vành thành bốn mảnh, còn đầu thì chặt đem bêu khắp ở các nơi thuộc địa bàn cuộc nổi dậy do ông lãnh đạo. *** Trước đây, Trần Trọng Kim gọi cuộc nổi dậy Phan Bá Vành là một trong số "những giặc có thanh thế to mà quan quân phải đánh dẹp khó nhọc" (tr. 202). Phạm Văn Sơn, thì liệt nó vào "những vụ phiến động ở Bắc Kỳ, có mục đích lật đổ chế độ" (tr. 344). Sau này, một số nhà nghiên cứu sử người Việt, trong đó có Nguyễn Phan Quang, Trương Hữu Quýnh...đã gọi đây là một trong các "cuộc khởi nghĩa tiêu biểu đã làm rung chuyển cả một vùng đồng bằng ven biển Bắc Bộ" (Việt Nam thế kỷ 19, tr. 133), là "cuộc khởi nghĩa nông dân điển hình nhất của đầu thế kỷ 19, dưới thời nhà Nguyễn" (Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 1, tr.459)... Một số tác giả, trong đó có nhóm Trương Hữu Quýnh, đều cho rằng trong lúc Trà Lũ đang bị bủa vây, thì thủ lĩnh Ba Vành đang trúng kế mỹ nhân nên trì hoãn việc chuẩn bị đối phó. Vì vậy, khi quân triều từ các nơi kéo về vây kín, và đồng loạt tấn công thì mọi cố gắng chống đỡ của quân nổi dậy kể như vô hiệu. Tuy nhiên, theo Nguyễn Phan Quang, thì "kế ấy hẳn có ít nhiều tác dụng", nhưng không thể là nguyên nhân "quyết định" khiến đại cuộc thất bại. Giáo sư viết: Trà Lũ, tuy có nhiều ưu thế về mặt địa hình, nhưng một khi quân nhà Nguyễn chốt chặt hết các lối (nhất là lối thoát ra biển), thì mấy ngàn quân nổi dậy bị cô lập giữa một vùng đầm lầy. Ở góc độ nào đó mà xét, việc Phan Bá Vành chuyển toàn bộ lực lượng về Trà Lũ, là một thất sách, thậm chí là một sự mạo hiểm và bế tắt...Kế mỹ nhân của quan tướng nhà Nguyễn, chẳng qua chỉ làm cho đại cuộc này kết thúc nhanh hơn mà thôi.
  7. Được vậy, quan quân nhà Nguyễn đã phải chịu nhiều lao nhọc và tổn thất nặng nề...(Việt Nam thế kỷ 19, tr. 139-140) Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn. Chú thích: [1] Thực tế, ở đồng bằng Bắc Bộ, nạn đói không chỉ có năm này mà đã xảy ra trong nhiều năm liền ở đầu thời Nguyễn. Tháng giêng năm Minh Mạng thứ 7 (1826), quan Bắc thành tâu rằng: “Trong 13 huyện trấn Hải Dương người đói lưu tán hết 108 làng, bỏ hoang mất hơn 12.700 mẫu ruộng, thuế mùa đông năm ngái không lấy gì nạp được” (Quốc triều sử toát yếu,tr. 169). [2]Trong Truyện Bá Vành, Lê Trọng Hàm (tác giả Minh đô sử) cho biết: Phan Bá Vành còn có tên là Đỗ Hiển Vinh. Ông tổ xa của Phan Bá Vành là thái bảo Ngô Từ (cha Quang Thục hoàng thái hậu, và là ông ngoại vua Lê Thánh Tông). Về sau họ này dời đến ở làng Minh Giám thì đổi theo họ mẹ (họ Phan). Theo Lời tựa Phan tộc thống tôn ngọc chí (viết năm 1906), tác giả là Phan Duy Tự cho biết việc đổi họ vì hai lẽ: một là để tránh sự khủng bố của Mạc Đăng Dung đối với con cháu công thần nhà Lê; hai là nguyên quán họ Lê ở Động Phang (hay Động Bàng), nên lấy họ Phan để không quên tên quê gốc (vì âm đọc hơi giống nhau). Theo nghiên cứu của Nguyễn Phan Quang, Phan Bá Vành mất chỉ ở khoảng 40 tuổi (Việt Nam thế kỷ 19 [1802- 1884], tr. 177). [3] Làng Minh Giám là một làng lớn ven sông Hồng, phía Đông có sông Kem chảy từ Kiến Giang ra sông Hồng. Bên kia sông là huyện Giao Thủy, cách bờ sông Hồng khoảng 3 km là xã Trà Lũ, về sau trở thành căn cứ chính của quân Ba Vành. [4] Gia phả của nhánh Phan Bá Vành đã bị thất lạc, nên chỉ biết mẹ ông tên là Mai Thị Vẻ, người làng Cối Kê (nay là xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), còn tên cha thì không rõ. [5] Nguyễn Hạnh là một cận tướng của vua Quang Trung, từng giúp vua Cảnh Thịnh chạy trốn khi Phú Xuân thất thủ. Sau này, vua Gia Long nghe tiếng ông cho mời về, nhưng ông không nghe, chỉ chờ dịp tham gia đánh đổ nhà Nguyễn (theo Phạm Văn Sơn, tr. 344-345). [6] Võ Đức cát, nguyên là Thủ ngự đồn Ba Thắc, vì con phải tội giết người, nên bị cách. Theo Quốc triều sử toát yếu, tr. 169.
  8. [7] Kể theo Truyện Phan Bá Vành của Văn Lang, ( tr. 248-249). Trong sử nhà Nguyễn (Quốc triều sử toát yếu) không có chi tiết này. [8] Chi tiết Phan Bá Vành cắn lưỡi tự tử, căn cứ theo Trương Hữu Quýnh (chủ biên, tr. 459) và Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực (bàn dịch của Viện Sử học (Việt Nam)). Con số 765 quân nổi dậy bị bắt, chép theo Việt Nam sử lược (tập 2, tr.203). Nguyễn Hữu Quýnh (chủ biên, tr. 459) và Phan Ngọc Liên (tổng chủ biên sách giáo khoa Lịch sử 10, tr.131) đều số bị bắt là 7, 8 ngàn người, trong đó có vài trăm phụ nữ... Rất có thể con số này kể luôn cả dân làng Trà Lũ (ý kiến của người soạn). Sử gia Phạm Văn Sơn cho biết thêm, trong số quân nổi dậy bị điệu ra pháp trường, có một tử tù có tướng mạo vạm vỡ, hiên ngang, được tả quân Lê Văn Duyệt đứng ra bão lãnh nên khỏi tội chết, đó là Nguyễn Hựu Khôi, tức Lê Văn Khôi (tr. 347). [9] Tháng 7 (âm lịch) năm Ất Dậu (1825), sao chổi xuất hiện đến tháng 11 (âm lịch) mới lặn, mà lúc bấy giờ thanh thế Ba Vành rất lừng lẫy, nên trong dân gian đã có câu: Chẳng vui cũng thể hội chùa/ Chẳng ngai, chẳng hốt cũng vua Ba Vành, và câu: Trên trời có ông sao tua/ Ở dưới hạ giới (có bản chép là Minh Giám hay Trà Lũ) có vua Ba Vành (Không rõ đây là một trò nhằm lên tinh thần của phe Ba Vành, hay là do óc dị đoan của dân chúng. lời Phạm Văn Sơn, tr. 345). Sách tham khảo: -Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu. Nhà xuất bản Văn Học, 2002. -Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (quyển 2). Trung tâm Học Liệu xuất bản, Sài Gòn, 1971. -Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 4). Tủ sách sử học Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1961. -Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội, 1992. -Trương Hữu Quýnh (chủ biên)-Phan Đại Doãn-Nguyễn Cảnh Minh, Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 1). Nhà xuất bản giáo dục, 2007. -Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ 19 (1802-1884). Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.
  9. -Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam (1427-1858), quyển 2, tập 2. Nhà xuất bản Giáo Dục, 1977. -Văn Lang, Truyện Phan Bá Vành in trong Danh nhân đất Việt (tập 3). Nhà xuất bản Thanh Niên, 1995.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2