intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX: Phần 1

Chia sẻ: Lê Na | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:39

213
lượt xem
34
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Phần 1 Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX trình bày khái quát văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Tham khảo nội dung giáo trình để nắm bắt nội dung chi tiết.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX: Phần 1

  1. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX GIÁO TRÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN NỬA CUỐI THẾ KỶ XIX Người biên soạn: Nguyễn Phong Nam 1
  2. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐỌAN NỬA CUỐI THẾ KỶ XX – ĐẦU THẾ KỶ XX Văn học Việt Nam chặng cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX được coi là giai đọan văn học có tính chất chuyển tiếp, giao thời. Mặc dù chỉ diễn ra trong nửa thế kỷ, khoảng thời gian ngắn ngủi so với một nghìn năm văn học trung đại, nhưng đây là giai đoạn có nhiều sự kiện văn hóa, văn học quan trọng. Văn học giai đọan này có diện mạo, đặc điểm riêng, với nhiều nét khác biệt so với các chặng trước và sau đó. Đặc điểm dễ nhận thấy trước tiên là sự gắn bó chặt chẽ giữa văn học và đời sống xã hội. Từ những biến cố lịch sử, những sự kiện chính trị cho đến không khí thời đại, tâm lý cộng đồng..., tất cả đều được lưu giữ trong tác phẩm. Không những thế, chính văn chương cũng tác động một cách tích cực, góp phần tạo nên sự sôi động của đời sống xã hội lúc này. Biến cố quan trọng, có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với sự vận động của văn học giai đoạn này chính là cuộc chiến tranh xâm lược do thực dân Pháp phát động nhằm vào Việt Nam năm 1858. Nó đánh dấu một bước ngoặt của lịch sử dân tộc, đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn, những đổi thay sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực đời sống, kể cả họat động văn học. Thực ra, dã tâm thôn tính Việt Nam của thực dân Pháp vốn đã có từ trước. Ngay từ thế kỷ XVIII, nhà cầm quyền Pháp trong quá trình giao lưu với các vua chúa bản xứ, đã chuẩn bị âm mưu này rất cụ thể. Thậm chí, những toan tính về việc mở rộng thị trường thuộc địa còn xuất hiện sớm hơn nữa, từ khi các nhà truyền đạo Thiên chúa mới đặt chân đến vùng đất này. 2
  3. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Tuy vậy, trong khoảng thời gian dài hàng thế kỷ đó, người Pháp chỉ hiện diện trong vai trò của những sứ thần, khách thương, cha cố... nghĩa là chưa có ảnh hưởng gì đáng kể đối với vương quốc vốn đang “bế quan tỏa cảng” này. Đối với chủ nghĩa tư bản, trong quá trình phát triển của nó, thị trường, thuộc địa luôn là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Nhân loại từng chứng kiến những cuộc đại chiến quy mô toàn cầu giữa các cường quốc để tranh chấp thuộc địa. Đến thế kỷ XIX thì cuộc chạy đua của các nước Phương Tây như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.... để có mặt tại vùng viễn đông đã trở nên vô cùng gay cấn, quyết liệt. Trong bối cảnh đó, cuộc xâm lược vũ trang mà người Pháp nhằm vào Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam không thể nổ ra sớm hơn là bởi nhiều nguyên nhân. Về phía nước Pháp, những biến động chính trị, những đổi thay trong nội bộ triều đình cùng những rắc rối trên phương diện đối ngoại với các nước lân bang... khiến chính quyền không đủ tự tin để phát động một cuộc viễn chinh cách xa hàng vạn dặm được. Mặt khác, chính cung cách ứng xử của các vua Nguyễn cũng khiến Pháp trở nên chần chừ, phải mất thời gian kiếm cớ, chưa thể ra tay sớm hơn. Các vị vua triều Nguyễn, kể từ Gia Long trở đi đều nhìn thấy rất rõ nguy cơ tiềm ẩn trong quan hệ với Pháp. Ngay tại thời điểm mà mối bang giao còn suôn sẻ thì các vua Nguyễn cũng đã thực hiện chính sách hai mặt: luôn cảnh giác, dè chừng nhưng cũng đồng thời rất biết cách tỏ ra nhún nhường, phải chăng, không để người Pháp phật lòng. Nhìn bề ngoài, Nguyễn Ánh là người gắn bó với Pháp rất khăng khít. Ngay từ khi đang lẩn trốn sự truy đuổi của Nguyễn Huệ, ông đã gửi con trai sang Pháp làm con tin; cho phép các giáo sĩ được tự do truyền đạo. Đổi lại, người Pháp cũng đã dành cho ông hoàng đang lâm cảnh cùng khốn này sự trợ giúp không nhỏ (cả vũ khí lẫn thanh thế). Đến khi lên ngôi, ông còn làm một điều chưa từng có trong lịch sử triều chính nước Việt: bổ nhiệm người Pháp vào hàng ngũ quan chức của mình, cho họ tham gia vào công việc quốc gia (1). Như vậy, xét về bản chất đây đúng là mối ràng buộc giữa "chủ nợ" và "con nợ". Cũng chính vì thế mà có vẻ như ngay từ khi ký kết hiệp ước để cầu viện sự trợ giúp của người Pháp vào năm 1787 nhằm chống lại Quang Trung Nguyễn Huệ, bản thân Nguyễn Ánh cũng đã cảm nhận được tính chất phiêu lưu của nước cờ thế mà mình phải gỡ trong tương lai. Càng về sau, ông càng thấm thía tình 3
  4. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX cảnh "con nợ" (chính trị) của mình và luôn tìm cách để sớm thoát ra khỏi mối ràng buộc với người Pháp. Trước những đòi hỏi ngày càng ngang ngược của Phương Tây, ông đã cố chống đỡ, cố trì hoãn bằng nhiều phương cách. Tất nhiên những nỗ lực đó cũng chỉ làm chậm thời điểm bùng nổ chứ không thể nào tránh được một cuộc chiến đã được kẻ thù mưu tính. Sau khi Gia Long mất, những người kế vị như Minh Mạng, Thiệu Trị, đặc biệt là Tự Đức lại càng lo lắng và hoang mang trước viễn cảnh của giang sơn xã tắc. Nhưng cũng giống như bậc khai sáng triều Nguyễn, họ vẫn tiếp tục một đường lối chính trị sai lầm và bạc nhược. Chỉ có điều hoàn cảnh càng lúc càng khác. Sự nhẫn nhịn của vua tôi triều Nguyễn đã không còn cản được lòng tham của bọn thực dân. Cuộc chiến 1858 nổ ra như một lẽ tất yếu. Ngày 1 tháng 9 năm 1858, thủy quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tiến công vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở màn một cuộc chiến tranh lịch sử, kéo dài ngót trăm năm (1858 - 1954). Đây là cuộc chiến tranh mang tính đại diện cho sự xung đột giữa "Phương thức châu Á" với thế giới tư bản Phương Tây; là một cú "va đập" có tính thời đại, tạo nên những chấn động ghê gớm đối với lịch sử nhân loại nói chung, hai nước Pháp - Việt nói riêng. Vụ gây hấn của Pháp ngay từ đầu đã bị giáng trả quyết liệt. Chiến thuyền và đại bác của đội quân nhà nghề đã không thể nào giành được ưu thế trên chiến trường. Quan quân triều đình cùng những đội dân binh chỉ được trang bị bằng những thứ khí giới lạc hậu thời trung cổ đã khiến kẻ thù phải trả giá đắt. Trên thực tế, người Pháp đã thất bại tại trận đọ sức đầu tiên ở mặt trận Sơn Trà. Thành thử, sau năm tháng sa lầy ở đây, kẻ địch phải bỏ cuộc, đành chuyển hướng tấn công vào phía Nam, nơi mà theo tính toán của họ, do xa xôi cách trở với triều đình, lại ở chỗ đất rộng người thưa, có thể dễ dàng chiếm giữ. Những toan tính xảo quyệt của giặc Pháp xem ra không phải không có cơ sở. Khác với tình hình chiến sự tại mặt trận miền Trung, ở Nam Kì, quân Pháp không quá khó khăn trong việc phá vỡ thế trận phòng thủ của triều đình. Tuy nhiên, có một điều chúng không thể ngờ tới là sự phản kháng mãnh liệt của người dân địa phương. Trong khi các đồn lũy triều đình nhanh chóng bị tan vỡ trước sức tấn công của đội quân xâm lược thì nhân dân lục tỉnh, dưới sự chỉ huy của những thủ lĩnh danh tiếng như Trương Định, Võ 4
  5. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Duy Dương, Nguyễn Thành Ý, Phan Trung, Trần Xuân Hòa, Nguyễn Trung Trực, Đốc binh Kiều... vẫn kiên cường tiếp tục cuộc kháng chiến. Cuộc chiến tranh du kích do những người dân Nam kì tiến hành liên tục trong một thời gian dài đã gây nên bao nỗi kinh hoàng cho đội quân viễn chinh. Quân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn bởi một mặt, cục diện chiến trường diễn biến theo hướng bất lợi, không thể thực hiện được ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh; mặt khác, tại châu Âu, cuộc chiến tranh Pháp - Ý chống lại Áo bùng nổ (4-1859) khiến cho lực lượng quân sự Pháp bị phân tán. Viễn cảnh về một thế trận sa lầy đã hiện rõ trước mắt người Pháp; chủ trương ngừng giao tranh để bước vào thương thuyết được đặt ra. Trong bối cảnh này, nhà cầm quyền Việt Nam đã đưa ra những quyết sách rất lạ lùng. Thay vì củng cố lực lượng, tổ chức dân binh thừa cơ giặc lúng túng mà dấn tới thì vua tôi lại chủ trương hòa nghị với giặc. Đây là lúc triều Nguyễn bộc lộ sự yếu kém toàn diện của mình trong quản lý và điều hành đất nước, trong những quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Những kinh nghiệm triều chính cổ truyền đã không còn giúp ích gì cho vua tôi lúc này. Họ cũng không còn đủ tỉnh táo để nắm bắt tình hình, không còn chút niềm tin nào vào khả năng của chính mình. Trước những ý kiến trái ngược nhau của quần thần, một ông vua vốn thông minh, nhạy cảm như Tự Đức cũng trở nên rối trí. Trong khi thế giặc đã suy, sĩ dân đang liều chết báo quốc thì người đứng đầu quốc gia lại chủ trương "phải gắng sức, khéo dùng lời cảm hóa kẻ địch để họ kiêng nể mà nghe ta. Rồi lựa các sông núi hiểm trở để cố thủ. Chiêu mộ các nghĩa sĩ cứu vãn được phần nào chăng"(2). Triều đình đã không nhận thấy cái hào khí dân tộc vốn tiềm tàng qua nghìn đời nay vẫn đang trào dâng mãnh liệt trong mỗi con người Việt Nam. Vua tôi chỉ còn biết thủ hòa và trông chờ sự cứu giúp từ bên ngoài; cụ thể là mượn uy vũ của thiên triều Mãn Thanh để chống lại "rợ Tây". Điều trớ trêu là ở chỗ nhà Mãn Thanh - nơi trông cậy cuối cùng của Tự Đức - cũng chỉ là một miếng mồi đang bị phương Tây xâu xé. Trong cơn tuyệt vọng vì không còn chỗ trông cậy từ bên ngoài, triều đình quay ra thỏa hiệp với giặc. Các hiệp ước và hàng ước (vào các năm 1862, 1864, 1867) liên tiếp được kí kết để thừa nhận quyền cai trị của Pháp tại Nam kì. Năm 1873, khi đã chiếm cứ được các vùng đất phương Nam, Pháp bắt đầu đánh rộng ra miền Bắc. Phong trào kháng Pháp của văn thân, quân nghĩa xứ Đàng Ngoài nổ ra rộng khắp. Lại một lần nữa, cuộc kháng chiến chống giặc của nhân dân bị triều đình Huế cản trở. Trong khi quân Pháp lao đao vì 5
  6. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX tổn thất, chính quyền Pari chủ trương rút lực lượng đồn trú, trao trả cho đối phương những vùng đất tạm chiếm vì không thể nào chịu nổi những thiệt hại ở chiến trường mới này thì triều đình Huế lại cũng ra lệnh triệt binh, buộc các lực lượng chống Pháp ở đây phải giải tán(!). Trên thực tế, trước sức ép và uy lực của kẻ thù, triều đình nhà Nguyễn đã phân rã và tê liệt từ rất sớm. Với thái độ lúng túng và thiếu quyết đoán, thậm chí là nhu nhược của người cầm đầu, bộ máy chính quyền đã hoàn toàn bị rối lọan. Trước diễn tiến mau lẹ và phức tạp của thế cuộc, các phe phái với những luận thuyết và kế sách khác nhau xuất hiện ngày càng nhiều: có xu hướng ôn hòa, bất bạo động; có xu hướng quyết liệt, khẳng khái; có cả xu hướng thân Pháp, đầu hàng. Các phe nhóm ra mặt bài xích, chống đối nhau ngày càng gay gắt, không thể dung hòa được nữa. Trong bối cảnh đó, những nỗ lực tuyệt vọng của phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu nhằm giành lại ưu thế tại kinh đô đã không thu được kết quả; cuộc phản công lớn với mục đích đánh úp lực lượng Pháp bất thành. Mượn cớ này, quân Pháp quyết định chấm dứt tình thế giằng co bằng những trận đánh dồn dập vào kinh thành Huế. Không thể cầm cự lâu hơn, vua Hàm Nghi buộc phải rời bỏ kinh thành, phát hịch Cần vương (1885), lấy núi rừng Hà Tĩnh làm căn cứ địa kháng chiến. Phong trào Cần vương do các sĩ phu nhiệt huyết nhóm lên ở Trung kì đã làm sôi động không khí đấu tranh trong mấy năm trời. Cho đến 1888, khi vua Hàm Nghi bị bắt, sau đó bị đày biệt xứ, các chính quyền thân Pháp (những Đồng Khánh, Khải Định, Bảo Đại) liên tục được dựng lên thì chút hào khí cần vương cuối cùng cũng tắt hẳn. Thế cuộc càng lúc càng trở nên ảm đạm, thê lương. Đây đáng được coi là thời khắc bi tráng nhất của lịch sử dân tộc. Từ 1900 trở đi, xã hội Việt Nam có những biến đổi quan trọng: thực dân Pháp thiết lập nền thống trị trên toàn cõi, ở tất cả mọi lĩnh vực; triều đình phong kiến chỉ tồn tại trên danh nghĩa; xã hội bước vào giai đoạn chuyển hóa để theo một hình thái khác: phong kiến - tư bản. Phong trào đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân Pháp tiếp tục diễn ra nhưng dưới một hình thức mới. *** Có thể nói rằng lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX là lịch sử của phong trào đấu tranh chống xâm lược, vì độc lập dân tộc - một cuộc kháng chiến lâu dài và khốc liệt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình vận 6
  7. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX động cũng như đặc điểm, tính chất của văn học nước nhà. Văn học giai đọan này phát triển trong sự gắn bó chặt chẽ với các diễn biến của lịch sử, chịu sự chi phối sâu sắc của đời sống chính trị xã hội. Đây là lúc mà tính thời sự, thế sự trong văn học trở thành một đặc điểm vượt trội. Nó được thể hiện ở nhiều khía cạnh: những nội dung chủ yếu trong tác phẩm; mục tiêu, đối tượng hướng tới của văn học; vị thế của văn học trong sinh họat cộng đồng... Đời sống văn học giai đọan này trở nên sôi động khác thường; những biến đổi sâu sắc diễn ra theo nhịp điệu ngày càng nhanh. Vấn đề nóng bỏng nhất, cấp bách nhất lúc này của cả dân tộc chính là "việc nước", là sự tồn vong của giang sơn xã tắc. Đây vốn là chuyện quốc gia đại sự, chuyện của triều đình nhưng vào thời điểm này, nó lại nhanh chóng trở thành vấn đề chủ yếu, thường trực của văn học. Dấu ấn thời cuộc đã in đậm vào văn chương, chi phối sâu sắc đến đặc điểm, tính chất của văn chương. Nó được biểu lộ qua những dự cảm, những thấp thỏm âu lo sự thế, nỗi day dứt về vận nước của các nhà nho tâm huyết, những chuyện gay cấn, gai góc nơi chính trường; xung đột xung quanh chuyện chiến hay hòa, duy tân hay thủ cựu... Đây là chuyện của đời sống thực tế mà cũng là chuyện văn chương, chuyện của văn nhân nho sĩ. Và cũng thật tự nhiên, quá trình vận động đã tạo ra những xu hướng, những dòng mạch văn chương rất khác nhau. Lịch sử văn học giai đọan cuối thế kỷ XIX diễn ra hết sức sinh động, đa dạng, phong phú. Xu hướng văn chương yêu nước đáng được kể đến trước tiên bởi giá trị tiêu biểu và quy mô rộng lớn của nó. Hiện tượng văn học này có vai trò quyết định trong việc làm thay đổi diện mạo và tính chất của văn học dân tộc. Nếu như trước đó, sinh họat văn chương chủ yếu là nhằm đến mục tiêu giáo huấn, truyền bá đạo lý... hoặc là để tiêu nhàn, di dưỡng tinh thần của lớp người hay chữ (ở đây chưa nói đến văn học dân gian - một bộ phận của folklore), thì vào lúc này, vai trò, vị thế của văn chương đã có những thay đổi quan trọng. Văn chương trở thành công cụ truyền thông và quảng bá tư tưởng, trở thành dư luận xã hội. Do vậy phạm vi tác động của nó cũng sâu rộng, kịp thời hơn; giá trị thực tiễn cũng to lớn hơn thời trước rất nhiều. Chưa bao giờ văn học lại được huy động nhằm góp sức vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc một cách triệt để như lúc này; cũng chưa bao giờ sức mạnh của văn chương lại được khai thác, sử dụng một cách hữu hiệu như vậy. 7
  8. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, một câu hỏi mang tính thời đại, được quan tâm nhiều nhất, đó là làm sao để đưa nước nhà thoát khỏi họa ngoại xâm. Thực ra thì đối với nhân dân, mọi chuyện hết sức đơn giản, rõ ràng: giặc đến thì chỉ có một cách là đánh đuổi chúng đi. Đây là bài học lịch sử đã được đúc rút, thể nghiệm suốt hàng nghìn năm qua. Tuy nhiên, đối với vua quan triều Nguyễn thì việc tìm một lời giải lúc này không hề là chuyện dễ dàng. Xung quanh câu hỏi nên chiến hay nên hoà (?) đã tốn không biết bao nhiêu là công phu bàn thảo, với vô số tấu sớ của triều thần, chỉ dụ của thiên tử... nhưng rốt cuộc bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Xét về tư cách cá nhân, không thể nói vua Tự Đức không yêu quý giang sơn xã tắc của mình. Sự thật là trước tình cảnh bi đát của đất nước, vị vua này luôn tỏ ra lo lắng, đau buồn. Có thể dễ dàng nhận ra nỗi lòng trĩu nặng, đầy tâm sự u uất của Tự Đức qua những áng văn chương còn lưu lại đến nay. Tuy nhiên, cái đáng trách nhất đối với ông chính là sự thiển cận trong tầm nhìn, sự nhu nhược, thiếu quyết đoán của người đứng đầu triều đình. Thái độ do dự, lừng chừng của ông thể hiện rất rõ trong những lý sự luẩn quẩn: "lấy lý mà nói, thực là đáng chiến, nhưng lấy thế mà bàn, không bằng hãy hòa, tự nhiên có thể chuyển nguy làm yên, chuyển nghịch làm thuận, thiên hạ có thể vô sự, nước nhà có thể chẳng phải lo lắng gì, xem thế thì "hòa" là một mưu chước rất đúng vậy. (.). Bàn hòa là người có công, bàn chiến là kẻ có tội, pháp luật thực là đúng đắn"(3). Đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến những sự chia rẽ, phân hóa nghiêm trọng trong nội bộ triều đình. Thực tế lịch sử lúc này đã được phản ánh kịp thời, đầy đủ vào trong văn học. Nơi triều chính diễn ra những cuộc xung khắc không chút khoan nhượng giữa các phe phái thì ở chốn nho lâm cũng nổ ra các cuộc va chạm quyết liệt giữa những người cầm bút đối lập nhau về chính kiến. Nhiều cuộc bút chiến sôi động đã diễn ra. Đây là điều chưa từng thấy trong văn học Việt Nam từ trước cho đến bây giờ. Cuộc xướng họa văn chương giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường (4) là một ví dụ rất tiêu biểu. Thực ra, xướng họa thơ ca vốn là một sinh họat rất bình thường của giới văn nhân. Cái khác thường ở đây chính là nội dung, tinh thần và sức lan tỏa, lôi cuốn của nó. Nói đúng ra, đây không phải là câu chuyện văn chương giữa cá nhân với nhau, mà là xung đột giữa hai lực lượng, hai trận tuyến đối lập nhau về quan niệm sống của kẻ sĩ đương thời. Hơn nữa, cuộc luận chiến này cũng không bó hẹp trong phạm vi một vùng, một địa phương giữa những người đồng hương (Phan Văn Trị và Tôn Thọ 8
  9. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Tường đều là người Gia Định) mà nó nhanh chóng lan ra khắp mọi vùng miền, là vấn đề của cả dân tộc. Tôn Thọ Tường là một trong những nho sĩ đầu tiên công khai hợp tác với Pháp và được tin dùng. Với họ Tôn thì đây chẳng qua cũng chỉ là câu chuyện tùy thời, quyền biến thói thường mà thôi, chẳng phải điều gì quá lạ lùng, hiếm hoi (!). Chính vì thế mà trong văn thơ, ông thường vận dụng các điển tích điển cố để nói về cảnh ngộ của mình. "ông coi mình cũng giống như trường hợp Từ Thứ hàng Tào Tháo, hay Tôn phu nhân (em gái Tôn Quyền) theo Lưu Bị (trong truyện Tam quốc chí của Trung Quốc). Giãi bày về nỗi niềm bản thân, họ Tôn phân trần: Phải sao chịu vậy thôi thì chớ / Nhắm mắt đưa chân, lỗi đạo hằng (5). Tâm trạng và lập luận này không phải là cá biệt, trái lại, nó là nét chung cho tư tưởng của kẻ chủ hòa, sợ hy sinh, khiếp đảm trước thanh thế của giặc... nhưng lại không muốn lộ rõ chân tướng nên ra sức tìm cớ che đậy. Tôn Thọ Tường phải viện dẫn cả sử sách kim cổ để lấp liếm, biện bạch là vì thế. Luận điệu của Tôn Thọ Tường đã khiến cho các nhà nho khí tiết, chân chính như Phan Văn Trị lên tiếng. Việc ra cộng tác với Pháp của họ Tôn là một sự điếm nhục không thể tha thứ; bởi vì thực chất đây là làm tay sai, là phản bội dân tộc chứ chả phải triết lý hành xử tùy thời gì cả. Phan Văn Trị đã làm một loạt bài thơ họa lại để vạch trần lý thuyết tà ngụy này: Tai ngơ sao đặng lúc tan tành Luống biết trách người, chẳng trách mình Đến thế còn khoe danh đạo nghĩa Như vầy cũng gọi cửa trâm anh Khe sâu vụng tính dung thuyền nhỏ Chuông nặng to gan buộc chỉ mành Thân có ắt danh tua phải có Khuyên người hãy trọng cái thân danh. (Phan Văn Trị, Họa mười bài Tự thuật của Tôn Thọ Tường, bài III) Nhà Nho Phan Văn Trị dùng ngay chữ nghĩa văn bài của kẻ phản bội để đối lại, vạch trần tính chất giả trá, ngụy biện trong những lời lẽ mỹ miều về đạo lý, về thân danh. Theo tác giả, những kẻ hèn nhát, đầu hàng giặc thì không đáng được xếp vào hạng sĩ phu. 9
  10. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Tuy nhiên dù sao thì những cuộc đối đáp dưới hình thức xướng họa thơ ca như vừa nêu cũng không thể bộc lộ hết tính chất của không khí luận chiến đương thời. Phải đến Nguyễn Xuân Ôn với những bài văn chính luận tranh biện về sự nghiệp cần vương báo quốc của mình thì mới thực sự có một cuộc bút chiến đúng nghĩa. Nguyễn Xuân Ôn (1825 - 1889), hiệu Ngọc Đường, quê ở Diễn Thái, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đỗ tiến sĩ năm thứ 24 triều Tự Đức (1871). Ông từng trải nhiều chức vụ quan trọng ở tỉnh ngoài cũng như ở triều đình. Vốn là một trong những nhân vật chính của phái chủ chiến, sau nhiều lần tâu trình kế sách chống giặc không được vua Tự Đức chấp nhận, ông cáo quan về quê hương mưu sự phục quốc. Năm 1885, hưởng ứng lời hịch Cần vương của vua Hàm Nghi, ông mộ quân nghĩa, lập căn cứ chống Pháp, tạo được nhiều chiến tích vang dội. Cuộc khởi nghĩa kéo dài được ba năm thì thất bại. Ông bị giặc Pháp bắt, nhưng chúng lại giao cho triều đình giam cầm và xét xử. Điều trớ trêu là chính các cựu đồng liêu, những kẻ xu thời tại triều lại tìm mọi cách để khép ông vào tội chết. Những kẻ cầm quyền thân Pháp lập luận rằng một khi triều đình chủ hòa mà còn khởi binh chống Pháp là kháng chỉ, trái mệnh vua. Từ vị thế của một thủ lĩnh cần vương, ông bị quy án phản nghịch, trở thành tội phạm của triều đình. Lối hành xử quái gở đó của triều đình (Đồng Khánh) đã khiến Nguyễn Xuân Ôn hết sức căm phẫn. Trong suốt quãng thời gian bị giam giữ nơi ngục thất, ông đã viết rất nhiều văn bài tranh biện, bác bỏ luận điệu xằng bậy của đám quan lại ở các Bộ, các Viện hùa nhau buộc tội ông. Nguyễn Xuân Ôn khẳng định sự trung nghĩa của mình trong việc theo Hàm Nghi chống Pháp. Điều này đồng nghĩa với việc phủ nhận những ông vua bù nhìn khác, do Pháp dựng lên. Ông đã lên án, kết tội cả một triều đình hèn đớn, lừa mị nhân dân, không xứng đáng làm kẻ đại diện cho dân tộc. Trong bức thư nổi tiếng Gửi các ông quan quen biết ở Kinh (1888), Nguyễn Xuân Ôn viết: "Đứng trước mối thù của miếu xã, biến cố của non sông, không có quyền được trù tính cân nhắc thành hay bại (...). Trong vòng ba năm, lớn nhỏ trăm trận, người chết chất chồng, dân cư tan tác; phá gia tài cung cấp cho binh sĩ mà người ta không oán; hy sinh báo đền nợ nước mà người ta không lấy làm công, là vì nghĩa khí kích thích lòng người vậy. Việc làm tuy không thành, về tình cũng nên được xét lượng mới phải. Mối rường trời đất, thể thống đế vương, tự có công luận muôn đời. Thế mà nay những người 10
  11. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX cầm giữ việc nước lại cho là tướng ngụy, đảng ngụy. Lúc bấy giờ tôi không dám cho vua Hàm Nghi là vua ngụy, cho nên tôi cũng không tự biết mình là đảng ngụy (.). Nay nghe nói bộ Hình định án: những người đầu mục hưởng ứng việc nghĩa, bà con phải liên can, gia sản phải tịch thu, cho rằng đó là chiếu theo luật mà xử án. Tôi thật không biết cái luật cần vương báo quốc mà phạm tội chết ấy là ra tự đời nào (...). Các người cầm quyền bàn việc muốn lấy điều ấy để đẹp lòng người Pháp, nhưng vị tất người Pháp đã cho như thế là phải". Đối với kẻ thù, thái độ của các nhà nho yêu nước rất dứt khoát, không chút nhân nhượng. Chẳng hạn Nguyễn Quang Bích, một thủ lĩnh chống Pháp ở vùng Tây Bắc, trước những giọng điệu đường mật cũng như cáo buộc nham hiểm của kẻ thù, ông đã quật trả bằng những lời lẽ sắc sảo. Ở vào thời điểm khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa, người Pháp thông qua quan lại triều đình đã liên tục gửi thư từ để dụ dỗ, dọa dẫm, kể cả bức bách nhằm lung lạc ông. Nhưng ông vẫn ngoan cường chống xâm lược, chống đầu hàng cả nơi chiến trường cũng như trên mặt trận văn bút. Trong bức thư trả lời quân Pháp dụ hàng, Nguyễn Quang Bích đã vạch trần luận điệu của chúng: "Khi quý quốc sang đây, một rằng hòa hiếu, hai rằng bảo hộ, để rồi chiếm thành trì chúng tôi, đuổi vua đuổi tướng chúng tôi, để rồi lại còn tự quyền lập vua Đồng Khánh, chẳng qua đó chỉ là cái kế bịt tai ăn trộm chuông thôi. Lợi quyền chính trị đều về tay quý quốc nắm cả. Văn thần võ tướng đều bị quý quốc câu thúc trói buộc (...). Giả sử có một nước lớn khác đến kinh lý nước quý quốc cũng như quý quốc đã làm ở nước chúng tôi thì quý quốc cũng phục tùng theo ư? Hay là cũng nghĩa khí ở lòng căm giận lộ ra rồi quý quốc cũng làm như chúng tôi đang làm? (...). Thà chịu tội với quý quốc, quyết không chịu tội với vua nhà, thà chịu tội với nhất thời, quyết không chịu tội với vạn tuế. Một chữ "thú" từ nay xin quý quốc đừng có nhắc lại nữa, xin đừng có khuyên bừa. Chúng tôi cam lòng chịu chết vì nghĩa vua tôi. Quý quốc tự do liệu lấy". Bức thư toát lên cái tư thế, phong thái của người nắm chắc trong tay chính nghĩa. Khẳng khái đanh thép nhưng vẫn điềm tĩnh, sâu sắc. Cái lời lẽ, khẩu khí trên thể hiện nhân cách, bản tính của người quân tử. Lối lập luận khúc chiết, chặt chẽ, đanh thép trong các công văn, tấu sớ, đơn từ của các bậc nghĩa dũng như Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng, 11
  12. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Tống Duy Tân, Nguyễn Quang Bích... đã tạo nên một phong cách chính luận thời đại độc đáo. Thậm chí, còn có trường hợp sĩ phu cả một vùng (từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, đến Quảng Bình) họp nhau dâng sớ tranh luận với vua (Tự Đức). Đây là trường hợp hy hữu, chưa từng thấy trong lịch sử văn thân nước nhà (6). Sau khi hàng ước 1874 được ký kết, phong trào đấu tranh chống Pháp xâm lược và triều đình hèn nhát dâng cao trong tầng lớp nho sĩ. Hàng ước có nguy cơ bị đổ vỡ vì phản ứng quyết liệt của các trí thức tiến bộ. Trước tình hình này, Tự Đức đã xuống chiếu quở trách văn thân bốn tỉnh Trung kì vượt phép, không hiểu tình thế, làm hỏng việc nước. Lập luận của nhà vua càng khiến nỗi bất bình trong dư luận tăng thêm và văn thân bốn tỉnh đã gan góc chống lại bằng một bản tấu vô tiền khoáng hậu: vạch tội triều đình, tuyên bố bất tuân thánh chỉ. Từng điểm, từng lời trong chiếu chỉ của nhà vua bị bác bỏ thẳng thừng, không chút vị nể. Cái lý của những người yêu nước thật hiển nhiên, rành rẽ: "Nay đối phó với bọn giặc kia, khác hẳn và rất khó. Không ngờ bọn bề tôi hại nước chỉ biết hòa là lợi (...). Phàm là người có tai mắt ở trong trời đất, không ai là không nghĩ thấy xấu hổ, huống chi là người trong khoa giáp ư?". Đến như câu khẳng quyết: "Thánh chỉ nói như thế, chúng tôi không dám vâng theo(!)" thì cái khí phách, khẩu khí nhà nho quả thật rất đáng nể trọng (7). Đây có lẽ là hiện tượng tiêu biểu nhất cho lối tranh biện việc nước rất phổ biến thời bấy giờ. Nhìn một cách tổng quát, xu hướng văn chương yêu nước chống xâm lược, chống đầu hàng đã tỏ ra vượt trội, trở thành bộ phận chủ yếu của văn học dân tộc giai đoạn cuối thế kỷ XIX. Nó được truyền tụng rộng rãi và thu hút sự quan tâm của đông đảo quần chúng cũng như sĩ phu cả nước. Sở dĩ như vậy vì văn thơ đã trở thành một bộ phận thiết yếu của đời sống, liên quan đến số phận của mọi thành viên trong xã hội. Đây không còn là chuyện của một ai, của riêng nhà nào, mà là chuyện của cả dân tộc, liên quan đến toàn thể cộng đồng. *** Trong dòng mạch văn chương yêu nước còn có mảng sáng tác nhằm mục đích lên án, tố cáo tội ác của kẻ thù xâm lược và khích lệ, cổ động tinh thần tranh đấu, hy sinh vì đại nghĩa của sĩ dân cả nước. Mảng đề tài này là một sự tiếp nối bền bỉ truyền thống văn chương chiến đấu, văn chương lâm 12
  13. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX trận của dân tộc từ xưa đến nay. Đây cũng chính là một biểu hiện của tính thời sự, của sự gắn bó giữa văn chương và đời sống chính trị xã hội. Vào giai đọan đầu của cuộc chiến, thực dân Pháp còn tìm cách biện minh cho sự có mặt của họ ở đất nước này dưới các chiêu bài tốt đẹp như "bảo vệ giáo dân", "khai hóa văn minh", "vì sự tiến bộ"... của người An Nam. Luận điệu này không phải không có tác dụng; chí ít nó cũng đánh lạc hướng dư luận, cũng khiến những kẻ nhẹ dạ phải phân vân. Tuy nhiên, đối với sĩ phu yêu nước và dân chúng cần lao thì những luận điệu gian trá đó không lừa nổi họ. Người ta nhanh chóng nhận rõ bản chất của kẻ thù. Sự xuất hiện của người Pháp ở xứ sở này chỉ mang đến điều bất hạnh; những hành vi của chúng là "vô đạo", "bất nhơn". Với kinh nghiệm hàng ngàn năm đương đầu với ngoại xâm, người Việt Nam dễ dàng nhận ra bộ mặt thật của kẻ cướp nước, dù đó là lũ cướp hoàn toàn xa lạ và dù chúng có che đậy kỹ lưỡng, tinh vi đến đâu. Văn chương đã nhanh chóng đưa ra được lời đánh giá khái quát rất chính xác: Từ ngày có mặt thằng Tây Phu phen tạp dịch hàng ngày khốn thân Quả thật giặc Tây là nguyên nhân của mọi tai ương mà cả một dân tộc phải gánh chịu. Tính chất hung bạo, nham hiểm của kẻ thù đã ngay lập tức bị lật tẩy, phơi bày trong những sáng tác kịp thời: Ở đâu mà chẳng thấy: đào mồ mả, phá miếu chùa, làm những việc bất nhơn; Ở đâu mà chẳng hay: đốt nhà cửa, hãm vợ con, làm những điều vô đạo! (Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây) Tất cả tội trạng của giặc đều được kê biên trong văn chương một cách đầy đủ, chi tiết. Trong cái cách "ghi sổ, tính nợ" này, ta thấy toát lên nỗi căm uất, thù ghét sâu sắc đối với kẻ thù xâm lược: Từ thuở Tây qua cướp đất, xưng "tân trào" gây nợ oán cừu; Chẳng qua dân mắc nạn trời, hoài cựu chúa mang lời phản trắc. Các bậc sĩ nông công cổ, liền mang tai với súng song tâm; Mấy nơi tổng lý xã thôn, đều mắc hại cùng cờ tam sắc. Bọn tam giáo quen theo đường cũ, riêng thân bất hạnh lâm nghèo; 13
  14. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Bầy cửu lưu cứ giữ nghề xưa, thầm tủi vô cô chịu cực. Phạt cho đến người hèn, kẻ khó thâu của quay treo; Tội chẳng tha con nít đàn bà, đốt nhà bắt vật Kể mười mấy năm trời khốn khó, bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết trẻ già nghe nào xiết đếm tên; Đem ba tấc hơi mọn bỏ liều, hoặc sông, hoặc biển, hoặc núi, hoặc rừng, quen lạ thảy đều rơi nước mắt. (Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh) Không chỉ giặc Pháp mà ngay cả những người Việt theo Tây, những kẻ bị xếp vào hàng "Việt gian" cũng bị chỉ trích, bị phê phán nặng nề, kịch liệt. Tuy nhiên, đối với những kẻ đầu hàng, phản bội dân tộc, trong những lời phê phán còn ẩn chứa một thái độ chế giễu, thương hại: Nào những thuở rèn mác thông, đan nong gỗ, ra đường hăm hở trông như đâm ai chém ai. Đến bây giờ rờ bạc nén, đếm tiền trăm, vào cửa lom khom, ra mặt quì nó lạy nó. Mặt nào tới lĩnh bằng ngày nọ Mặt nào ra xuất thú buổi ni Đã thề nguyền ra sức đánh Tây Lại tiếc của trở về đầu giặc. (Khuyết danh, Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây) Có thể nói văn chương lúc này đã trở thành một phương tiện hữu hiệu để kích động sĩ dân, khơi gợi lòng tự trọng giống nòi, nuôi dưỡng nghĩa khí của mọi người dân nước Việt. Cái sứ mạng cao cả, cái vai trò hiệu triệu, tập hợp quần chúng của văn chương (để "chở đạo", "đâm gian" như cách nói của Nguyễn Đình Chiểu) lúc này đã được vận dụng rất hiệu quả. Không khí trận mạc, tinh thần sôi sục tề tựu "hội quân" thể hiện rõ nhất trong các bài ca, bài vè và nhất là các bài hịch. Trong lịch sử văn học Việt Nam, chưa bao giờ lại xuất hiện nhiều tác phẩm thuộc thể loại hịch như lúc này. Một lọat các văn phẩm nổi tiếng, được truyền lan nhanh chóng, rộng khắp như: Hịch Quản Định, Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây, Hịch sĩ phu kêu gọi chống Pháp, Hịch văn thân Hà Nội gửi văn thân Nam Định, Hịch Lãnh Cồ... Hịch vốn là một thể văn chức năng, dùng để hiệu triệu, hô hào. Đối tượng hướng tới của hịch kháng chiến là toàn thể mọi người có lòng yêu nước thương nòi, không phân biệt sang hèn: 14
  15. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Bớ các quân ơi! Chớ thấy chín trùng hòa nghị mà tấm lòng địch khái nỡ phôi pha Đừng rằng ba tỉnh giao hòa mà cái việc cừu thù đành bỏ dở (...) Bớ các làng ơi! Ơn thủy thổ thảy đều mang nặng Việc thần dân chớ khá lỗi nghì. Phải che đậy nhau mà nương ở đãi thì Đừng lầm tin nó mà xui ra đầu thú (Khuyết danh, Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây) Bớ trẻ già, bé lớn ai ai Đều bội ám đầu minh cho kíp! Chiếu phụng dầu ta lãnh đặng Mũi thiên oai thương kẻ sanh linh Phải cạn lời tỏ hết chân tình Cho con trẻ dân đen đặng biết (Khuyết danh, Hịch Quản Định) Hơn lúc nào hết, đây là lúc thích hợp nhất để dùng những lời hịch kêu gọi khẩn thiết, thúc bách. Chính những bài ca, những bài hịch có tính chất "gọi đàn", cổ động quốc dân chống giặc cứu nước đã tạo nên âm hưởng, không khí đặc trưng của văn chương thời đại. *** Văn học yêu nước giai đọan này đã nhanh chóng trở thành xu hướng chủ yếu, có vai trò chi phối toàn bộ đời sống văn chương nước nhà. Sự vượt trội về số lượng, sức tác động mạnh mẽ đến tình cảm, tư tưởng của cộng đồng và đặc biệt là khả năng tạo dựng mẫu người anh hùng thời đại... đã khiến cho văn học yêu nước nhanh chóng chiếm lĩnh "văn đàn" để trở thành dòng chủ lưu. Đóng góp quan trọng nhất của văn học yêu nước giai đoạn này chính là đã làm nổi bật lên hình tượng nhân vật lý tưởng của thời đại: hình tượng người nghĩa sĩ xả thân vì độc lập của dân tộc. Từ hiện thực cuộc sống chiến đấu của toàn dân, từ những trải nghiệm thực tế của bản thân, các nhà nho nghệ sĩ - chiến sĩ đã tìm thấy chất liệu, nguồn cảm hứng để khái quát nên những hình tượng nghệ thuật độc đáo, có giá trị. Người anh 15
  16. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX hùng mới của thời đại nhanh chóng xuất hiện để thay thế cho các đấng, bậc "trượng phu", "quân tử"... đã trở nên bất hợp thời. Hình tượng người anh hùng cứu quốc trong văn chương hiện lên rất rõ nét và đặc biệt sinh động với những đặc điểm riêng. Đây chính là những nguyên mẫu người thực việc thực trong đời sống được đưa vào tác phẩm. Người anh hùng cứu nước - nhân vật lý tưởng của văn học lúc này là một sự phối kết phẩm chất tốt đẹp của mọi lớp người, từ trí thức phong kiến, bậc sĩ phu lẫn người nông phu, những kẻ vô danh trong xã hội. Tất cả đều dấn bước trên con đường tranh đấu với tinh thần "xả sinh thủ nghĩa" (quên thân vì đại nghĩa). Thực ra thì chẳng phải đến lúc này trong văn học Việt Nam mới xuất hiện hình ảnh con người trượng nghĩa, vì nước quên thân; trái lại, nó đã có từ rất lâu. Thậm chí có thể lần ra bóng dáng của mẫu hình này qua những áng văn ra đời cách hàng mấy trăm năm về trước. Tuy nhiên, chưa bao giờ nó được khắc họa một cách rõ nét, mang dấu ấn thời đại sâu sắc đến thế. Trong đội ngũ những bậc nghĩa sĩ này, nổi bật trước hết là các nhà khoa bảng. Họ đóng vai trò thủ lĩnh các phong trào chống Pháp đầy quả cảm (như Phan Đình Phùng, Trương Định, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích...). Mỗi người trong số họ mặc dù đến với sự nghiệp chống giặc cứu nước theo những con đường riêng, những hoàn cảnh rất khác nhau tuy nhiên lại rất giống nhau về quá trình chuyển biến tư tưởng. Có thể nhận thấy ở họ sự pha trộn rất lý thú giữa những gì thuộc ý thức, truyền thống bền chặt của dân tộc với triết lý, tư tưởng Nho giáo mà họ tu dưỡng, đào luyện suốt đời. Trong tâm hồn của các nho sĩ này đã diễn ra những tình cảm rất phức tạp. Là người trí thức yêu nước, họ quyết dấn thân mưu sự phục quốc nhằm cứu nước nhà thoát khỏi khổ nạn ngoại bang, nhưng trong tư cách nhà Nho, họ cố làm sao cho hành động của mình vẫn nằm trong giới hạn cương thường. Thế rồi khi thực hành việc nghĩa, họ lại thấy cần phải bứt phá ra ngoài vòng cương tỏa của những khuôn phép đã trở nên cứng nhắc, bất hợp thời. Trong văn chương của các bậc sĩ phu ái quốc lúc này có một hiện tượng đáng lưu ý: họ phải mất nhiều công sức tìm kiếm giải pháp để thực hiện lý tưởng của mình. Chính điều này tạo nên nét riêng - một đặc điểm mang tính thời đại, của văn học chặng cuối thế kỷ XIX. So với các chặng trước, văn học lúc này có nhiều sự khác biệt rất quan trọng. Trước tình thế gian nan do phải đối đầu với một kẻ thù hoàn toàn xa lạ, cái khí khái của văn 16
  17. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX nhân nho sĩ vẫn ngút đầy trong thơ văn, thế nhưng chất hào sảng thì không thấy rõ. Lối văn chương trào tuôn hào khí "xung thiên" thời Lý - Trần vắng hẳn; thay vào đó là vần điệu đầy chất bi tráng. Vẫn là mẫu người nghĩa dũng, đầy quả cảm, coi cái chết như không, có điều âm hưởng chủ đạo của văn chương lại đầy vẻ cảm thương thống thiết. Không chỉ những vần thơ tuyệt mệnh (của những người như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy Hiệu, Nguyễn Cao, Phạm Bành...) mang âm điệu này mà phần lớn tác phẩm, nhất là các sáng tác thuộc xu hướng văn chương yêu nước đều có nét bi thương như thế. Điều này có nguyên nhân sâu xa của nó. Có thể nói sự bế tắc của tư tưởng Nho giáo đã khiến cho người nghĩa sĩ trở nên ưu tư hơn trước khi lâm trận. Đây là lúc họ phải vừa đánh giặc vừa nhận đường. Một trong những con đường độc đáo nhất mà họ đã tìm ra là xướng nghĩa Cần vương. Cần vương là thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của bề tôi đứng ra giúp vua chống giặc, cứu nước. Nhưng điều trớ trêu lại ở chỗ không phải ông vua nào cũng có gan chống giặc lúc này, thành thử họ phải lựa chọn, thậm chí phải "dựng" lên ông vua can trường, không sợ hy sinh gian khổ để phò tá. Cũng chính vì thế mà mặc dù trên danh nghĩa, cần vương là hành xử dưới bóng của chữ trung Nho giáo, nhưng thực tế thì đây là lúc các sĩ phu rời xa cái lý tưởng này hơn bao giờ hết. Chính tình cảm yêu nước đã giúp họ vượt qua được ranh giới của những định kiến cố hữu. Những người vốn coi chữ trung như một tín điều thiêng liêng nhất trên đời lại dễ dàng chấp nhận hành động phế bỏ (các vị vua không đáp ứng được yêu cầu thời cuộc), tìm lập bằng được bậc minh quân để ban bố chiếu cần vương. Không nắm được điều này thì không thể giải thích được điều lạ lùng là cần vương mà không có vua (sau 1888, khi Hàm Nghi bị bắt, bị đày ra nước ngoài, phong trào vẫn tiếp tục được duy trì). Có thể nói cần vương là sự lựa chọn thỏa đáng nhất để họ thực hiện lý tưởng cứu nước trong khuôn khổ, phép tắc của nhà Nho. Người nghĩa sĩ chống giặc hành xử với một sự tự nguyện hoàn toàn, dù vậy họ vẫn canh cánh nhiều tâm sự. Thơ văn của họ thể hiện mối ưu tư của những người đa cảm, hay suy ngẫm và cả nghĩ. Điều này cũng không có gì khó hiểu. Thực ra đây là những bức chân dung tự họa của người nghệ sĩ - chiến sĩ trong cảnh huống vô cùng khắc nghiệt chứ đâu phải là mô tả trang hảo hán hăm hở trên đường công danh (!). 17
  18. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Trong muôn mối lo toan về con người, về danh phận, cái làm họ quan tâm hơn cả là triết lý, là ý nghĩa về cuộc sống. Đối với họ cuộc sống có ý nghĩa chỉ khi nó gắn với sự vẹn toàn danh tiết; khi cuộc đời và sự nghiệp cá nhân trở nên hữu ích cho cộng đồng, tên tuổi được truyền lưu thiên cổ. Chính điều này tạo cơ sở cho việc lựa chọn, cân nhắc giữa sự sống và cái chết. Trong quá trình lựa chọn nghiệt ngã này, lời khẳng định bao giờ cũng rõ ràng, dứt khóat: - Thà làm ma có hồn trung vía nghĩa Hơn làm người đeo mặt ngựa đầu trâu (Nguyễn Duy Cung, Hịch kêu gọi chống Pháp) - Sinh nhi luân ư khuyển dương chi dị vực Hà như tử nhi đồng hồ thiên địa diểu minh Sinh nhi vi nhân gian chi huyền vưu phụ chuế Hà như tử nhi vi giang sơn chi quỳnh chi ngọc anh (Sống mà bị chìm đắm trong vòng dê chó Thà chết đi cùng trời đất đi về Sống mà làm vật thừa thịt bướu cõi nhân thế Thà chết đi mà làm cành quỳnh hoa ngọc nơi nước đẹp non kì. Nguyễn Cao, Tự phận ca) Sự lựa chọn được đặt ra ở đây quả là những thử thách lớn đối với bản lĩnh của nhà nho. Tuy sự lựa không hề dễ dàng bởi liên quan đến vận mạng, liên quan đến lẽ tử sinh, nhưng cuối cùng thì cái tinh thần "sống đục không bằng chết trong, thà chết đứng chứ không chịu sống quỳ" cũng được khẳng định. Các văn nhân - chiến sĩ, trong những cảnh huống ngặt nghèo nhất đã biết ứng xử một cách hợp lẽ, đúng đắn. Họ dám hy sinh sự sống quý giá của mình để vì điều nghĩa, cầu danh thơm. Song vốn là những người nhạy cảm, cho nên sâu xa trong tâm hồn họ vẫn còn vương vấn biết bao nỗi luyến tiếc. Trong khẩu khí của người anh hùng vẫn thấy phảng phất một nỗi buồn, vẫn day dứt một tâm trạng bùi ngùi của con người thiết tha ham sống mà phải từ bỏ, phải vĩnh biệt cuộc đời trong khi công danh sự nghiệp vẫn còn dang dở. Thơ văn của các nhà ái quốc lúc này có rất nhiều những dòng tâm sự rất chân thực, rất "đời thường" như vậy. Đây chính là một phong cách tự thuật 18
  19. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX mới mẻ, tươi tắn vốn không phải là điều thường thấy trong văn chương nhà Nho trước đó. Biểu hiện của lối tự thuật - thế sự trong dòng văn chương yêu nước rất đa dạng. Đó có thể là thoáng ngậm ngùi chợt đến của một thủ lĩnh cần vương khi nghĩ về ngày sinh nhật trong cảnh sơn trại bị vây, quân sĩ thiếu đói như trường hợp Nguyễn Quang Bích: Tặc phân mãn địa thái xi trương Sổ thập bì sư nhật sách lương Bắc địa nguyên nhung trì nhạn tín Vân gian thiều mộng thuộc thiên phương Liên sơn thụ ế cầm thanh náo Bàng giản tuyền u vũ khí lương Thê chỉ bất kham trù trướng xứ Cù lao kim nhật ký bồng tang. (Khắp nơi, giặc hung bạo như diều hâu giương cánh Vài chục toán quân mỏi mệt hàng ngày chạy kiếm lương ăn Từ đất Bắc chậm thấy cánh nhạn đưa tin của nguyên nhung Mơ màng tiếng nhạc thiều trên mây còn ở tận phương trời xa Liền núi bóng cây che, tiếng chim kêu rộn rã Bên khe dòng suối thẳm, hơi mưa xuống lạnh Điều khiến ta ngậm ngùi nhất trong cảnh nương náu này Chợt nhớ hôm nay là ngày mẹ cha treo cung dâu tên cỏ cho ta. Nguyễn Quang Bích, Quân lương khuyết phạp) Chút xao động nhỏ nhoi này được tác giả thuật lại một cách thực là thấm thía. Đặt bên cạnh chuyện quân cơ trọng đại, cảnh chiến trận khốc liệt thì chút "giật mình" khi nhớ đến ngày sinh nhật này thật bé nhỏ, phù phiếm. Thế nhưng nỗi ngậm ngùi bởi một sự kiện rất bình thường và cũng chỉ thoáng qua đó lại ẩn chứa rất nhiều tâm sự nhân sinh. Đây là sự nhạy cảm bẩm sinh của một nghệ sĩ thực thụ. Sự tinh tế, chất lãng mạn trong tâm hồn người nghĩa sĩ còn được thể hiện qua những áng văn ghi lại cảm xúc trước cảnh quan đất nước. Tuy nhiên ngay cả ở lối thơ tả cảnh ngụ tình vốn đầy tính chất khuôn sáo này vẫn có những sắc thái riêng. Chẳng hạn bài Quá Chiến Than của Nguyễn Quang Bích khắc họa về một ngọn thác trên con sông Đà: Đà thủy tố chu ngại trách than 19
  20. Nguyễn Phong Nam - Giáo trình Văn học Việt Nam giai đọan nửa cuối thế kỷ XIX Chiến Than hựu thị thập phần nan Thủy thanh bào háo thiên ngưu hống Thạch duẩn lân tuân vạn giáp toàn Xà trận uyển diên vu ngạn chử Hùng sư ẩn hiện điệp cương loan Thánh triều đăng trật đa niên tuế Bằng trượng uy linh điện Thái bàn (Thuyền ngược dòng sông Đà bị vướng nhiều thác có đá Thác Chiến Than lại khó qua gấp mười Tiếng nước ào ào như ngàn con trâu rống Đá mọc như măng lởm chởm, tựa hàng vạn binh khí đâm lên Bờ nước uốn khúc như trận thế rắn bò Ngọn núi trập trùng như đoàn quân gấu dữ ẩn hiện Thần sông ở đây đã nhiều lần được triều đình phong sắc Dựa vào uy linh đó nên vẫn vững chắc như bàn thạch Nguyễn Quang Bích, Quá Chiến Than) Đây không hẳn là bài thơ đề vịnh cảnh vật theo lối thường thấy trong thơ cổ mà có vẻ giống những ghi chép địa đồ của nhà cầm quân. Ngoài ý nghĩa thưởng ngoạn thiên nhiên của một thi gia rất sành ngao du sơn thủy, còn là phong thái của bậc võ tướng đang nghiền ngẫm địa thế, liên tưởng đến chiến trận. Người nghĩa sĩ cần vương là một hình tượng đẹp nhưng cũng rất mới lạ của văn học yêu nước chống Pháp. Ở đây ta dễ dàng nhận ra những đường nét, diện mạo của người tráng sĩ trong văn học truyền thống nhưng đồng thời lại bắt gặp những chi tiết mới mẻ đến bất ngờ, đầy thú vị. Chẳng hạn hình ảnh đoàn quân nghĩa dũng dưới đây: Xuẩn nhĩ dương di hám hải quan Tư hoàng cộng phấn hãn bang gian Tinh kì phất ngạn phong vân biến Khải kích lâm giang thủy nguyệt hàn Giới trụ sĩ phi nho giả phục Chương phùng nhân trước tướng quân quan Khả tri địch khái thần tâm hiệp Bất tác tầm thường kiếm mã khan. (Lũ rợ Tây ngu xuẩn dám dòm ngó cửa biển của ta Nhiều người hăng hái chống đỡ bước gian nan cho nước nhà 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2