Áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp<br />
quyền sử dụng đất tại tòa án nhân dân<br />
Đỗ Duy Khoa<br />
Khoa Luật. Đại học Quốc gia Hà Nội<br />
Luận văn ThS. Luật: 60 38 01<br />
Người hướng dẫn : GS.TS. Phạm Hồng Thái<br />
Năm bảo vệ: 2014<br />
101 tr .<br />
Abstract. Phân tích cơ sở lý luận của việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử<br />
của Tòa án đối với các tranh chấp quyền sử dụng đất. Đánh giá chất lượng áp dụng<br />
pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân<br />
từ năm 2007 đến năm 2011, rút ra những ưu điểm, thành tựu đạt được, những hạn chế<br />
và nguyên nhân của những hạn chế đó. Đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm<br />
nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng<br />
đất tại Tòa án nhân dân.<br />
Keywords.Pháp luật Việt Nam; Luật dân sự; Quyền sử dụng đất; Tranh chấp đất đai<br />
<br />
Content.<br />
1. Tính cấp thiết của đề tài<br />
Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì<br />
nhân dân là chủ trương lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Trong<br />
Nhà nước pháp quyền, các cơ quan tư pháp có vai trò đặc biệt quan trọng, hoạt động<br />
của các cơ quan tư pháp thể hiện đầy đủ và toàn diện các đặc trưng của Nhà nước pháp<br />
quyền. Vì vậy, kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp được<br />
Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.<br />
Trong công cuộc cải cách tư pháp, Tòa án được xác định là trung tâm. Hoạt<br />
động của Tòa án là nơi thể hiện rõ nhất chất lượng hoạt động và uy tín của hệ thống<br />
các cơ quan tư pháp nói riêng và toàn bộ quyền lực nhà nước nói chung. Vì vậy, để<br />
cải cách, nâng cao chất lượng hoạt động của Toà án trong đó trọng tâm là hoạt động<br />
<br />
xét xử là khâu đột phá của quá trình cải cách tư pháp nước nhà trong tiến trình xây<br />
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.<br />
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì trong những năm gần đây các vụ,<br />
việc dân sự ngày một gia tăng. Số lượng đơn đề nghị Tòa án xem xét vụ án theo trình<br />
tự giám đốc thẩm, tái thẩm ngày một tăng và tính chất ngày càng phức tạp. Trong đó<br />
phần lớn là các vụ, việc liên quan đến tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử<br />
dụng đất, nhà ở chiếm tỷ lệ lớn và là loại tranh chấp phức tạp nhất trong số các tranh<br />
chấp về dân sự. Do số lượng các vụ án tăng, tính chất ngày càng phức tạp, mặt khác do<br />
nhiều nguyên nhân khác nhau mà hoạt động xét xử của Tòa án đã bộc lộ những hạn<br />
chế nhất định như để quá thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án theo quy định của pháp luật,<br />
tỷ lệ các bản án, quyết định bị sửa, hủy do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và do<br />
áp dụng sai pháp luật về nội dung vẫn còn nhiều. Đáng chú ý có một số vụ án tranh<br />
chấp về nhà, đất kéo dài qua nhiều năm, nhiều cấp xét xử làm ảnh hưởng đến quyền và<br />
lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như niềm tin của nhân dân vào hệ thống các cơ<br />
quan tư pháp. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số bản án giải quyết tranh chấp nhà,<br />
đất tuyên không rõ ràng nên không thể thi hành án được. Trong quá trình giải quyết vụ<br />
án, do việc nghiên cứu các văn bản pháp luật chưa đầy đủ dẫn đến việc đánh giá chứng<br />
cứ thiếu khách quan toàn diện, áp dụng văn bản pháp luật không đúng dẫn đến việc<br />
phán quyết sai hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên Tòa án cấp trên phải hủy<br />
hoặc sửa bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới.<br />
Thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của ngành Tòa án nhân dân<br />
đã và đang đặt ra những yêu cầu vừa cấp bách vừa lâu dài để không ngừng nâng cao<br />
chất lượng xét xử trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp ở nước ta theo đúng<br />
đường lối của Đảng. Vì vậy, việc chỉ ra những tồn tại và đưa ra những giải pháp để<br />
nâng cao chất lượng việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án là một<br />
trong những yếu tố quan trọng có tính chất quyết định đến chất lượng xét xử của Tòa<br />
án nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, thì về mặt<br />
lý luận và thực tiễn có nhiều vấn đề đặt ra cần nghiên cứu, trong đó có vấn đề áp dụng<br />
pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân nói chung và áp dụng pháp luật<br />
<br />
trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân nói riêng.<br />
Chính vì ý nghĩa lý luận và thực tiễn như đã nêu trên nên tác giả đã mạnh dạn<br />
lựa chọn vấn đề "Áp dụng pháp luật trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất<br />
tại Tòa án nhân dân" làm đề tài luận văn thạc sĩ luật.<br />
2. Tình hình nghiên cứu đề tài<br />
Áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa<br />
án nhân dân là đề tài thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học pháp lý. Đặc biệt trong<br />
tình hình hiện nay thì số lượng các bài viết, công trình nghiên cứu về cải cách tư pháp và<br />
áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án tăng lên rõ rệt. Nghiên cứu những<br />
vấn đề liên quan đến việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử đã được một số nhà<br />
khoa học, các bộ, thực tiễn ngành Tòa án thực hiện như:<br />
- Luận án tiến sĩ luật học của tác giả Lê Xuân Thân: "Áp dụng pháp luật trong<br />
hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay", năm 2004.<br />
- Tác giả Lưu Tiến Dũng với bài "Bàn về áp dụng pháp luật trong công tác xét<br />
xử", Tạp chí Tòa án nhân dân số tháng 5 năm 2005.<br />
- Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường với bài "Những vấn đề cần trao đổi khi áp dụng<br />
Điều 136 Luật đất đai năm 2003", Tạp chí Tòa án tháng 8 năm 2005.<br />
- Ban biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân với bài "Những vấn đề trao đổi khi áp<br />
dụng Điều 136 Luật đất đai năm 2003", Tạp chí Tòa án nhân dân tháng 9 năm 2005.<br />
Cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào phân tích một cách toàn<br />
diện, đầy đủ, có hệ thống dưới góc độ lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật vấn đề<br />
áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án<br />
nhân dân - loại tranh chấp gay go nhất, phức tạp nhất trong tất cả các tranh chấp về dân<br />
sự hiện nay.<br />
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu<br />
<br />
* Về đối tượng nghiên cứu: Luận văn tập trung nghiên cứu những vấn đề lý<br />
luận áp dụng pháp luật vào việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án<br />
nhân dân, nghiên cứu thực trạng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp<br />
quyền sử dụng đất, nguyên nhân và những bất cập trong việc áp dụng pháp luật.<br />
* Về phạm vi nghiên cứu: Trong phạm vi một luận văn Thạc sĩ luật học chuyên<br />
ngành lý luận Nhà nước và pháp luật, luận văn đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật<br />
trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân trong thời gian<br />
05 năm (từ năm 2007 đến năm 2011).<br />
4. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn<br />
* Về mục đích: Để làm rõ những vấn đề lý luận về áp dụng pháp luật của Tòa<br />
án nhân dân trong giải quyết các tranh chấp, chỉ rõ đặc thù của việc áp dụng pháp<br />
luật trong giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân.<br />
* Về nhiệm vụ của luận văn: Phân tích cơ sở lý luận của việc áp dụng pháp luật<br />
trong hoạt động xét xử của Tòa án đối với các tranh chấp quyền sử dụng đất. Đánh giá<br />
chất lượng áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất<br />
tại Tòa án nhân dân từ năm 2007 đến năm 2011, rút ra những ưu điểm, thành tựu đạt<br />
được, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó.<br />
Đề xuất những quan điểm, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng áp dụng<br />
pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân.<br />
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu<br />
* Cơ sở lý luận: Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư<br />
tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, các quan điểm đường lối của Đảng<br />
Cộng sản Việt Nam về tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân,<br />
do dân, vì dân đặc biệt là các quan điểm của Đảng chỉ đạo về cải cách tư pháp.<br />
* Phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng các phương pháp của triết học<br />
duy vật biện chứng, duy vật lịch sử Mác xít, trong đó chú trọng các phương pháp kết<br />
<br />
hợp giữa lý luận và thực tiễn, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp lịch sử<br />
cụ thể. Ngoài ra còn sử dụng các phương pháp của các bộ môn khoa học khác như<br />
thống kê, so sánh.<br />
6. Những đóng góp của luận văn<br />
Luận văn phân tích khái niệm, đặc điểm, quy trình áp dụng pháp luật, xác định<br />
tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng áp dụng pháp luật trong việc<br />
xét xử của Tòa án nhân dân nói chung và trong việc giải quyết tranh chấp quyền sử<br />
dụng đất tại Tòa án nhân dân nói riêng.<br />
Đánh giá thực trạng chất lượng áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh<br />
chấp quyền sử dụng đất tại Tòa án nhân dân.<br />
Đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng áp<br />
dụng pháp luật của Tòa án nhân dân trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử<br />
dụng đất.<br />
7. Ý nghĩa của luận văn<br />
Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần bổ sung và phát triển lý luận phục vụ<br />
yêu cầu thực tiễn của việc không ngừng nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong<br />
hoạt động xét xử nói chung và trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sử dụng đất<br />
tại Tòa án nhân dân nói riêng trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Nội dung của<br />
luận văn cũng có thể góp phần xây dựng kỹ năng nghề nghiệp của người Thẩm phán,<br />
kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, đặc biệt là đối với các Thẩm phán chuyên giải quyết án dân<br />
sự, giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và các vụ án có liên quan đến<br />
tranh chấp quyền sử dụng đất. Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể làm tư liệu tham<br />
khảo phục vụ cho công tác nghiên cứu giảng dạy khoa học pháp lý nói chung và đào<br />
tạo chức danh Tư pháp nói riêng<br />
8. Kết cấu của luận văn<br />
Luận văn chia thành 3 chương gồm:<br />
<br />