intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Bài giảng Tiếng Việt thực hành (Chương trình cao đẳng) - ĐH Phạm Văn Đồng

Chia sẻ: Cuahapbia | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:50

68
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài giảng Tiếng Việt thực hành dành cho sinh viên bậc cao đẳng, chuyên ngành Sư phạm Mầm non. Bài giảng được chia thành 5 chương, gồm các nội dung chính như: Luyện kỹ năng tạo lập văn bản; Luyện kỹ năng dựng đoạn văn; Luyện kỹ năng viết câu trong văn bản; Luyện kỹ năng dùng từ trong văn bản; Luyện về chữ viết tiếng Việt. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Bài giảng Tiếng Việt thực hành (Chương trình cao đẳng) - ĐH Phạm Văn Đồng

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẠM VĂN ĐỒNG KHOA SƯ PHẠM XÃ HỘI BÀI GIẢNG HỌC PHẦN TIẾNG VIỆT THƯC HÀNH Chương trình Cao đẳng ngành Sư phạm Mầm non Người biên soạn: PHẠM THỊ QUYÊN QUẢNG NGÃI, tháng 6, năm 2021
  2. LỜI NÓI ĐẦU Bài giảng Tiếng Việt thực hành dành cho sinh viên bậc cao đẳng, chuyên ngành Sư phạm Mầm non. Bài giảng được chia thành 5 chương, đi từ việc cung cấp những kiến thức lý thuyết về các đơn vị cơ bản của ngôn ngữ và rèn luyện những kĩ năng liên quan về chúng, cụ thể như sau: - Chương 1: Luyện kỹ năng tạo lập văn bản. - Chương 2: Luyện kỹ năng dựng đoạn văn. - Chương 3: Luyện kỹ năng viết câu trong văn bản. - Chương 4: Luyện kỹ năng dùng từ trong văn bản. - Chương 5: Luyện về chữ viết tiếng Việt Đây là học phần mang tính thực hành cao. Cho nên, trong quá trình học tập, sinh viên cần kết hợp với tài liệu tham khảo có liên quan, đặc biệt là các giáo trình về rèn luyện ngôn ngữ. 1
  3. Chương 1 LUYỆN KỸ NĂNG TẠO LẬP VĂN BẢN 1.1. Những yêu cầu chung của một văn bản - Khái niệm văn bản: Văn bản là sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ, thường là tập hợp của các câu có tính trọn vẹn về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức, có liên kết chặt chẽ và hướng tới một mục đích giao tiếp nhất định. -Văn bản phải đảm bảo tính mạch lạc và liên kết, phải có tính mục đích và có kết cấu rõ ràng. Điều này thể hiện cụ thể như sau: 1.1.1. Về chủ đề và nội dung - Chủ đề và nội dung của văn bản phải đảm bảo tính mạch lạc. Điều đó thể hiện cụ thể ở sự thống nhất về đề tài, sự chặt chẽ về lôgic. - Chủ đề trong văn bản là quan điểm, thái độ, hoặc điều mà tác giả muốn dẫn dắt người đọc, người nghe cảm nhận được thông qua đề tài của văn bản. - Khi tất cả các đoạn trong văn bản đều được viết theo một quan điểm nhất quán, không chứa đựng những mâu thuẫn, những nội dung phủ định nhau thì văn bản đó đảm bảo được phương diện mạch lạc về nội dung. 1.1.2. Về liên kết và kết cấu 1.1.2.1. Liên kết Liên kết là sự thể hiện vật chất của mạch lạc, là cách thức tổ chức các phương tiện ngôn ngữ trong một văn bản. Văn bản muốn có sự mạch lạc phải dựa vào những yếu tố hình thức mang tính vật chất. Đó chính là các phương tiện ngôn ngữ (từ, cụm từ, câu). Các phương tiện này được tổ chức theo các cách thức nhất định để thể hiện nội dung. Cách thức tổ chức ấy tạo thành phép liên kết. Ví dụ: Văn học dân gian nằm trong tổng thể văn hóa dân gian ra đời từ xa xưa và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay (…). Ở Việt Nam, văn học dân gian có vị trí và vai trò rất quan trọng. Trong hàng nghìn năm Bắc thuộc và ở các thời kỳ dân tộc chưa có chữ viết hoặc chữ viết chưa phổ cập, văn học dân gian đã đóng góp to lớn trong việc giữ gìn, mài giũa và phát triển ngôn ngữ dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn 2
  4. nhân dân. (Tổng quan nền Văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử) Các câu trên tạo thành một văn bản nhỏ. Trong văn bản có sử dụng phép lặp, cụ thể lặp từ “văn học dân gian”. 1.1.2.2. Kết cấu - Kết cấu là cách thức tổ chức các yếu tố nội dung theo một kiểu mô hình nhất định. Tuy nhiên, phải hiểu rằng, kết cấu không phải chỉ là sự sắp xếp vị trí các yếu tố nội dung một cách đơn thuần mà cơ bản là việc tổ chức nghĩa của văn bản. - Văn bản có nhiều kiểu kết cấu khác nhau. Nó cũng không chịu sự chi phối của bất cứ quy tắc nào. Mặc dù vậy, trên thực tế, kết cấu của văn bản thường gồm có ba phần: phần mở đầu, phần phát triển và phần kết thúc. + Phần mở đầu có nhiệm vụ giới thiệu đề tài, xác lập mối quan hệ giữa tác giả và đối tượng giao tiếp. + Phần triển khai có nhiệm vụ khai thác chi tiết, cụ thể và đầy đủ những nội dung đã nêu khái quát ở phần mở đầu. Đây được xem là phần trọng tâm của văn bản. + Phần kết thúc làm nhiệm vụ thông báo về sự hoàn chỉnh, trọn vẹn về nội dung và hình thức của văn bản. 1.1.3. Về mục đích giao tiếp - Hoạt động giao tiếp của con người có nhiều mục đích khác nhau: trao đổi thông tin; bộc lộ tư tưởng, tình cảm; giải trí hoặc thỏa mãn những cảm xúc thẩm mĩ, … - Tùy vào hoàn cảnh giao tiếp cụ thể mà mỗi văn bản thiên về một mục đích nào. - Mục đích giao tiếp của văn bản có thể được bộc lộ một cách trực tiếp (văn bản hành chính, văn bản khoa học, …), hoặc gián tiếp (văn bản nghệ thuật). - Khi viết văn bản, người viết phải xác định mục đích giao tiếp và quán triệt mục đích này trong toàn bộ văn bản. 1.1.4. Về phong cách ngôn ngữ và thể loại - Phong cách ngôn ngữ của văn bản là một kiểu hình thức tương đối ổn định 3
  5. của một loại văn bản, được sử dụng theo thói quen lựa chọn các cách thức và phương tiện diễn đạt thích hợp với từng tình huống của hoạt động giao tiếp. Ví dụ: (1) Sông Đà dài 910 km từ Vân Nam vào nước ta theo hướng Tây Bắc, Đông Nam gần như song song với sông Hồng. Đoạn chảy ở địa phận nước ta dài trên 500 km. Qua Lai Châu, dòng sông chảy trong một thung lũng sâu giữa khối cao nguyên đá vôi vùng Tây Bắc nên lắm thác ghềnh và qua những hẻm núi hùng vĩ. Đến Hòa Bình gặp núi Ba Vì lên phía Bắc rồi đổ vào sông Hồng ở Trung Hà. (2) Sông Đà khai sinh ở huyện Cảnh Đông, tỉnh Vân Nam lấy tên là Li Tiên đi qua một vùng núi ác rồi đến gần nửa đường thì nhập quốc tịch Việt Nam, trưởng thành mãi lên và đến ngã ba Trung Hà là 500 cây số lượn rồng rắn. Và tính toàn thân sông Đà thì chiều dài 888 nghìn thướt. (Nguyễn Tuân) So sánh và đối chiếu sự giống và khác nhau ở hai đoạn văn về nội dung và ngôn ngữ: Nội dung: giống nhau, phản ánh cùng một hiện thực. Khác: (1), từ ngữ chính xác, khoa học, ngắn gọn và trung hòa về sắc thái biểu cảm, khách quan, có sử dụng thuật ngữ khoa học (cao nguyên đá vôi, song song, Tây Bắc- Đông Nam…) (2), từ ngữ biểu cảm, sông Đà được nhân hóa, dùng nhiều biện pháp tu từ, câu văn dài và uyển chuyển hơn. - Phong cách ngôn ngữ trong các văn bản khác nhau thể hiện ở các mặt: cách thức sử dụng ngữ âm, chữ viết; cách thức sử dụng từ ngữ; cách thức sử dụng kiểu câu,... - Văn bản thuộc các thể loại khác nhau cũng có sự khác nhau về việc lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ để đạt được hiệu quả giao tiếp. 1.2. Luyện tập định hướng cho văn bản theo các nhân tố giao tiếp 1.2.1. Định hướng mục đích giao tiếp - Định hướng mục đích giao tiếp là điều quan trọng, buộc phải có khi tiến hành xây dựng văn bản. Vì mục đích giao tiếp rất đa dạng nên khi viết văn bản ta phải xác định rõ mục đích giao tiếp và quán triệt nó trong toàn bộ quá trình tạo lập 4
  6. văn bản. - Định hướng mục đích giao tiếp tức là xác định câu trả lời cho các câu hỏi: Viết văn bản ra nhằm mục đích gì? Để đạt kết quả gì? Viết văn bản này nhằm để làm gì? 1.2.2. Định hướng nội dung giao tiếp - Định hướng nội dung giao tiếp là việc xác định mảng hiện thực sẽ được nói đến trong văn bản. Nội dung của văn bản có thể là những sự vật, hiện tượng của tự nhiên; tình yêu quê hương, đất nước; cảm xúc trước nhân tình thế thái, … - Mỗi văn bản có nội dung giao tiếp khác nhau. Định hướng nội dung giao tiếp tức là xác định câu trả lời cho các câu hỏi: Viết về ai? Viết về vấn đề gì? Viết về cái gì? 1.2.3. Định hướng đối tượng giao tiếp - Một hoạt động giao tiếp diễn ra bao giờ cũng gồm người phát tin và người nhận tin. Do đó, cuộc giao tiếp có đạt được mục đích hay không, không chỉ phụ thuộc vào người phát mà còn phụ thuộc vào người nhận. Từ đó, ta thấy rõ vai trò của việc định hướng đối tượng giao tiếp trong quá trình xây dựng văn bản. - Đối tượng giao tiếp có thể hiểu là toàn bộ những người tham gia vào việc đọc, nghe văn bản. Đây là nhân tố phi ngôn ngữ chi phối khá rõ đến cách xây dựng văn bản. Định hướng đối tượng giao tiếp là xác định câu trả lời cho các câu hỏi: Viết cho ai đọc? Viết ra cho những người nào đọc? 1.2.4. Định hướng phong cách giao tiếp Mỗi văn bản đều thuộc về một phong cách nhất định. Do vậy, định hướng phong cách giao tiếp là lựa chọn cho văn bản một hình thức phù hợp. Điều này sẽ phát huy sức mạnh và tác động của nôi dung. 1.3. Luyện tập xây dựng đề cương cho văn bản 1.3.1. Luyện tập xây dựng hệ thống chủ đề 1.3.1.1. Mục đích của việc lập đề cương Lập đề cương cho văn bản là một bước quan trọng và bắt buộc trước khi viết văn bản. Mục đích của việc lập đề cương: 5
  7. - Đề cương sẽ phát thảo cho người viết một cái nhìn bao quát. - Quá trình lập đề cương sẽ giúp cho người viết tìm được đầy đủ ý chính, ý phụ, có điều kiện lựa chọn, cân nhắc và sắp xếp chúng theo một trình tự lôgic nhất định cả về nội dung lẫn hình thức, nhằm đảm bảo tính liên kết cho văn bản sau này. 1.3.1.2. Yêu cầu của việc lập đề cương - Đề cương phải thể hiện sự triển khai nội dung của văn bản, thiết lập các nhân tố giao tiếp của văn bản. - Thể hiện được đề tài và chủ đề của văn bản. - Phù hợp với từng phong cách chức năng và thể loại của văn bản. - Các bộ phận nội dung của đề cương phải được xác lập, lựa chọn, sắp xếp chặt chẽ, hợp lý tạo thành một hệ thống có quan hệ hợp lí. - Đề cương phải trình bày sáng sủa, mạch lạc, dùng các số thứ tự, các kiểu kí hiệu văn tự khác để ghi các đề mục, để tách biệt các bậc ý lớn nhỏ. - Đề cương cần ngắn gọn, cô đọng, tránh dùng những câu dài, từ cảm thán, không dùng những từ ngữ biểu thị tình thái không chắc chắn. 1.3.1.3. Một số loại đề cương thường dùng a. Đề cương sơ lược Đề cương này chỉ nêu lên nội dung cơ bản của các phần, các chương, các mục thông qua tên gọi của chúng. Ví dụ: Thuyết minh về con trâu Việt Nam 1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về con trâu Việt Nam. 2. Triển khai vấn đề 2.1. Nguồn gốc của con trâu 2.2. Đặc điểm của con trâu 2.3. Lợi ích của con trâu 2.4. Tương lai của con trâu 3. Kết thúc vấn đề: Nêu cảm nhận về con trâu ở làng quê Việt Nam. b. Đề cương chi tiết Đề cương này không chỉ bao gồm những ý lớn, những luận điểm cơ bản, mà còn có các ý nhỏ, các luận cứ, các dẫn chứng cụ thể. Đề cương chi tiết thể hiện khá 6
  8. đầy đủ nội dung của văn bản. Ví dụ: Thuyết minh về con trâu Việt Nam 1. Đặt vấn đề Con trâu gắn liền với người nông dân Việt Nam từ xa xưa, bao đời nay. Chính vì thế mà con trâu đi vào thơ ca Việt Nam rất đỗi tự nhiên. 2. Triển khai vấn đề 2.1. Nguồn gốc của con trâu - Con trâu Việt Nam thuộc loại trâu đầm lầy - Con trâu Việt Nam là trâu được thuần hóa. 2.2. Đặc điểm của con trâu Việt Nam - Trâu là động vật thuộc lớp thú, lông trâu có màu xám, xám đen. - Trâu có thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, mông dốc, đuôi dài, bầu vú nhỏ, sừng hình lưỡi liềm, … - Khả năng sinh sản kém, thông thường là 2 lứa/3 năm, mỗi lứa chỉ một con. 2.3. Lợi ích của trâu - Trong đời sống vật chất thường ngày: + Cung cấp sức kéo dùng trong việc cày ruộng, kéo xe. + Cung cấp thịt dùng trong ẩm thực. + Da và sừng được dùng trong thủ công mỹ nghệ. - Trong đời sống tinh thần: + Trâu là người bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam. + Trâu là tuổi thơ trong sáng, tươi đẹp của nhiều người: chăn trâu thổi sáo, cưỡi lưng trâu,… + Trâu hiện diện trong các lễ hội của người Việt như: hội chọi trâu (Đồ Sơn- Hải Phòng), là biểu tượng của SeaGames 22 được tổ chức ở Việt Nam, … 2.4. Tương lai của con trâu Những tác động khiến trâu mất đi giá trị của mình: - Công nghiệp hóa, hiện đại hóa. - Máy móc kĩ thuật hiện đại - Xây dựng và quy hoạch các khu đô thị, … 7
  9. 3. Kết luận - Khẳng định vai trò của con trâu ở làng quê Việt Nam. - Nêu suy nghĩ và tình cảm của bản thân. 1.3.2. Luyện xây dựng lập luận 1.3.2.1. Các thành phần của lập luận Lập luận là quá trình sắp xếp, liên kết các ý lại thành một khối thống nhất để đưa người đọc, người nghe đến với từng kết luận nhỏ (luận điểm) và từ đó đến với kết luận chung của toàn văn bản (luận đề). Luận điểm có thể hiểu là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của văn bản được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định hoặc câu phủ định, được diễn đạt sáng tỏ, dễ hiểu, nhất quán. Luận cứ là những lý lẽ và dẫn chứng đã được công nhận dùng làm cơ sở để làm sáng tỏ luận điểm. Kết luận là luận điểm đã được chứng minh, giải thích thông qua lập luận. Ví dụ: Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lí, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn. (Trích Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh) Có thể thấy luận điểm nằm ở đầu đoạn nhằm khẳng định tội ác về kinh tế của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Bốn luận cứ phía dưới nhằm làm sáng tỏ cho luận điểm trên. 1.32.2. Một số cách lập luận thường gặp a. Diễn dịch Diễn dịch là phương thức lập luận xuất phát từ chân lý chung, các phổ niệm, 8
  10. các lẽ phải thông thường đã được thực tế kiểm nghiệm, … mà suy ra các chân lý, các biểu hiện cụ thể. Ví dụ: Một chiếc lá rụng có linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc tựa như mũi tên nhọn, từ cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng, thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ. Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho tận tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, hay múa may với làn gió thoảng như thầm bảo rằng vẻ đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: cả thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ. (Khái Hưng) b. Quy nạp Quy nạp là phương thức lập luận xuất phát từ những biểu hiện cụ thể riêng biệt để đi đến những nhận định tổng quát. Ví dụ: Những đứa con từ khi sinh ra đến trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi và thường là chịu ảnh hưởng từ người mẹ hơn từ cha. Chúng được mẹ cho bú sữa, bồng ẵm, dỗ dành, tắm giặt, ru ngủ, cho ăn uống, chăm sóc rất nhiều khi ốm đau… Với việc nhận thức thông qua quá trình bé tự quan sát, học hỏi tự nhiên hằng ngày và ảnh hưởng đặc biệt các đức của người mẹ, đã hình thành dần bản tính của đứa con theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài ra những đứa trẻ thường là thích bắt chước người khác thông qua những hành động của người gần gũi nhất chủ yếu là người mẹ. Chính người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình. (Trần Thanh Thảo) 1.4. Chữa lỗi về xây dựng đề cương cho văn bản 1.4.1. Xa đề hoặc lạc đề Lỗi này thường biểu hiện như sau: 9
  11. - Đề cương chứa những yếu tố nội dung không phù hợp với nội dung và mục đích của toàn văn bản. - Đề cương có yếu tố nội dung phát triển quá xa, không phù hợp với vai trò của nó trong văn bản. 1.4.2. Thiếu ý Đề cương xây dựng chưa đề cập đến tất cả các vấn đề mà văn bản muốn hướng đến. Vì vậy, nội dung của văn bản phiến diện, kém sức thuyết phục với người đọc. 1.4.3. Lặp ý Trong đề cương xuất hiện các ý giống nhau dù có thể chúng xuất hiện dưới các hình thức và tên gọi khác nhau. 1.4.4. Nội dung mâu thuẫn, không lôgic Các thành tố nội dung trong đề cương mâu thuẫn, phủ định lẫn nhau làm cho tiến trình lập luận chung của văn bản kém thuyết phục. BÀI TẬP Bài tập 1 Xây dựng đề cương chi tiết cho đề những đề sau: 1. Thanh xuân là để hối tiếc. 2. Tôi không đặc biệt nhưng là duy nhất. 3. Tuổi trẻ hôm nay có biết thấu cảm? Bài tập 2 Hãy phân tích nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp, đối tượng giao tiếp được thể hiện ở những đoạn trích dưới đây: 1. Ở phụ nữ cần hai yếu tố: cái đẹp bên ngoài và cái duyên bên trong. Đẹp là yếu tố thu hút còn cái duyên mới là yếu tố cầm giữ. Bởi cái duyên xuất phát từ sự nhạy bén tinh thần, sự đôn hậu, khả năng lắng nghe, thông cảm…để đối đáp một cách phù hợp. Quan trọng hơn cái đẹp nhiều, là cái duyên, điều mà em có thể tự tạo ra được. (Tư vấn tâm lý học đường- Nguyễn Thị Oanh) 10
  12. 2. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. ( Hồ Chí Minh) 3. Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi… đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn. (Thép Mới) Bài tập 3 Hãy chữa lỗi lập luận trong đoạn văn sau: 1. Từ xưa, vẻ đẹp và số phận người phụ nữ luôn là một đề tài chủ đạo trong thơ văn. Trong nền văn học trung đại Việt Nam, nhiều tác giả đã viết về đề tài này như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Dữ, Đặng Trần Côn,… Nhưng người đã phản ánh một cách sâu sắc nhất bi kịch của người phụ nữ chính là Nguyễn Du. 2. Nam Cao viết nhiều về nông thôn. Lão Hạc ăn bả chó tự tử để tránh đói. Anh cu Phúc chết lặng trong xó nhà ẩm ướt, trước những đôi mắt “dại đi vì đói” của hai đứa con. Bà cái đĩ chết vì một bữa no, tức là một kiểu chết vì quá đói. Lại có cảnh đám cưới, nhưng cưới để chạy đói. 3. Mùa thu là một đề tài gợi nhiều cảm hứng cho thi nhân. Chính vì thế, mùa thu đã là một thi đề quen thuộc trong thơ ca trung đại Việt Nam. Tinh tế và sâu lắng nhất phải kể đến cảnh thu với nỗi sầu muộn vô biên của Đỗ Phủ (Thu hứng). 11
  13. Chương 2 LUYỆN KỸ NĂNG DỰNG ĐOẠN VĂN 2.1. Yêu cầu chung của đoạn văn trong văn bản Khái niệm: Đoạn văn là đơn vị cơ sở để tổ chức văn bản, thường gồm một số câu gắn bó với nhau trên cơ sở một chủ đề bộ phận, cùng nhau phát triển chủ đề đó theo định hướng giao tiếp chung của văn bản. Đoạn văn phải đảm bảo những yêu cầu sau: 2.1.1. Đoạn văn phải có sự thống nhất nội tại chặt chẽ - Đoạn văn có sự thống nhất nội tại chặt chẽ là đoạn văn chỉ thảo luận, bàn bạc xoay quanh một chủ đề và ý hạn định đã được nêu ở câu chủ đề. Ví dụ: “Thuyền tôi trôi trên sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lý đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích xưa” (Sông Đà- Nguyễn Tuân) Đoạn văn này có sự thống nhất nội tại vì trong suốt quá trình triển khai đoạn văn, tác giả chỉ tập trung nói về vẻ thơ mộng, yên bình của sông Đà ở quãng trung lưu. - Để đảm bảo yêu cầu này, các câu triển khai của đoạn văn cần phải gắn bó, quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với câu chủ đề. 2.1.2. Đoạn văn phải đảm bảo có quan hệ chặt chẽ với các đoạn khác trong văn bản Trong văn bản, mỗi đoạn văn vừa được tách ra một cách rõ ràng, hợp lý, đúng chỗ vừa phải liên kết chặt chẽ với các đoạn văn khác tùy theo chức năng của nó. Mối quan hệ này thường phải được thể hiện ra hình thức bên ngoài của đoạn văn. Đó là việc sử dụng các từ ngữ có chức năng nối kết, chuyển đoạn để cụ thể hóa, tường minh hóa các mối quan hệ giữa các đoạn. 12
  14. Ví dụ: (1) Trong nhà lại thấy cảnh buồn tẻ của sự thiếu vắng. Chị Dậu bế cái Tỉu ngồi cạnh anh Dậu, vừa bóp nắn chân tay cho chồng, vừa dỗ dành thằng Dần, chốc chốc lại phải đứng ra thổi lửa dóm bếp. (2) Ngoài đình trống lại thúc, mõ lại khua, tù và rúc liên thanh bất chỉ. (Tắt đèn- Ngô Tất Tố) Hai đoạn văn trên có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chúng được chia tách theo những sự việc trái ngược nhau. Đoạn văn (1) tả cảnh thiếu vắng trong nhà chị Dậu, đoạn văn (2) tả cảnh ồn ào ngoài đình. 2.1.3. Đoạn văn phải phù hợp với phong cách chung của văn bản Mỗi phong cách có sự lựa chọn khác nhau về phương diện ngôn ngữ, về cách tổ chức các phương tiện ngôn ngữ thành văn bản. Nếu không đảm bảo được yêu cầu này, đoạn văn sẽ mất đi tính thống nhất chặt chẽ về nội dung, hình thức với cấu trúc chung của toàn văn bản. 2.2. Luyện dựng đoạn văn theo các kiểu kết cấu 2.2.1. Luyện dựng đoạn văn diễn dịch - Diễn dịch là phương thức lập luận đi từ cái chung, cái khát quát đến cái riêng, cái cụ thể, là phương pháp vận dụng nguyên lý chung để xem xét sự việc riêng biệt. - Đoạn văn diễn dịch có câu chủ đề đứng ở đầu đoạn. Khi viết câu đề, cần chú ý: + Về nội dung: khái quát được ý nghĩa của cả đoạn, làm nhiệm vụ định hướng triển khai nội dung hoặc nêu đề tài chung cho toàn đoạn. + Về dung lượng: thường ngắn gọn, giúp cho nội dung thông tin trong câu bao giờ cũng nổi bật, tập trung. + Về mặt kết cấu ngữ pháp: câu đầy đủ các thành phần nòng cốt giúp cho nội dung thông tin trong câu chặt chẽ, rõ ràng. Ví dụ: Một chiếc lá rụng có linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc tựa như mũi tên nhọn, từ cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho 13
  15. xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng, thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ. Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho tận tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, hay múa may với làn gió thoảng như thầm bảo rằng vẻ đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: cả thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ. 2.2.2. Luyện dựng đoạn văn theo kiểu quy nạp - Quy nạp là phương thức lập luận đi từ những cái riêng, cái cụ thể đến cái khái quát, cái chung. - Đoạn văn quy nạp có câu chủ đề đứng ở cuối đoạn. Ví dụ: Những đứa con từ khi sinh ra đến trưởng thành, phần lớn thời gian là gần gũi và thường là chịu ảnh hưởng từ người mẹ hơn từ cha. Chúng được mẹ cho bú sữa, bồng ẵm, dỗ dành, tắm giặt, ru ngủ, cho ăn uống, chăm sóc rất nhiều khi ốm đau… Với việc nhận thức thông qua quá trình bé tự quan sát, học hỏi tự nhiên hằng ngày và ảnh hưởng đặc biệt các đức của người mẹ, đã hình thành dần bản tính của đứa con theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài ra những đứa trẻ thường là thích bắt chước người khác thông qua những hành động của người gần gũi nhất chủ yếu là người mẹ. Chính người phụ nữ là người chăm sóc và giáo dục con cái chủ yếu trong gia đình. (Trần Thanh Thảo) 2.2.3. Luyện dựng đoạn văn song hành Đây là đoạn văn có các câu triển khai nội dung song song với nhau, không nội dung nào bao trùm nội dung nào. Mỗi câu trong đoạn văn nêu lên một khía cạnh trong chủ đề của đoạn văn, làm rõ nội dung cho đoạn văn. Ví dụ: Trong tập Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh), có những bài phác họa sơ sài mà chân thực đậm đà, càng tìm hiểu càng thú vị như đang chiêm ngưỡng một bức tranh cổ điển. Có những bài cảnh lồng lộng sinh động như những tấm thảm thêu nền gấm chỉ vàng. Cũng có những bài làm cho người đọc nghĩ tới những bức tranh sơn mài 14
  16. thâm trầm, sâu sắc. (Lê Thị Tú An) 2.2.4. Luyện dựng đoạn văn theo kiểu móc xích Đoạn văn móc xích là đoạn văn mà các ý gối đầu, đan xen nhau và thể hiện cụ thể bằng việc câu sau lặp lại một vài từ ngữ đã có ở câu trước. Đoạn văn móc xích có thể có hoặc không có câu chủ đề. Ví dụ: Đọc thơ Nguyễn Trãi nhiều người đọc khó mà biết có đúng là thơ Nguyễn Trãi không. Đúng là thơ Nguyễn Trãi rồi thì cũng không phải là dễ hiểu đúng. Lại có khi chữ hiểu đúng, câu hiểu đúng mà toàn bài không hiểu. Không hiểu vì không biết chắc được viết ra lúc nào trong cuộc đời nhiều nổi chìm của Nguyễn Trãi. Cũng một bài thơ nếu viết năm 1420 thì có một ý nghĩa, nếu viết năm 1430 thì nghĩa khác hẳn. (Hoài Thanh) 2.2.5. Luyện dựng đoạn văn có kết cấu tổng-phân-hợp Đoạn văn tổng- phân-hợp là đoạn văn có sự kết hợp giữa hai phương thức lập luận diễn dịch và quy nạp. Câu mở đầu nêu ý khái quát bậc một, các câu tiếp theo triển khai cụ thể ý khái quát. Câu kết đoạn là ý khái quát bậc hai mang tính chất nâng cao, mở rộng. Ví dụ: Thế đấy, biển luôn luôn thay đổi màu tùy theo sắc mây trời. Trời xanh thẳm, biển cũng xanh thẳm, như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u mây mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm dông gió, biển đục ngầu giận dữ. Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng. (Vũ Tú Nam) 2.3. Luyện tách đoạn văn 2.3.1. Tách đoạn theo sự thay đổi của đề tài, chủ đề Văn bản hoàn chỉnh luôn bao gồm nhiều chủ đề nhỏ. Cho nên, mỗi khi chuyển từ chủ đề nhỏ này sang chủ đề nhỏ khác, ta có thể tách thành một đoạn văn. 15
  17. Ví dụ: (a) Nắng như cầm lửa mà đổ xuống trên rừng núi Chư Lây. Dưới suối, nước đi trốn gần hết, dân làng phải dỡ từng hòn đá ra mới tìm được nước. Rẫy muốn cháy. Cây lúa cứ thấp lè tè, hột cứng ép, hột lép nhiều. (b) Thêm cái đói. Hũ muối nhà nào cũng ăn đến hạt cuối cùng rồi. Hết muối phải đổ nước ngâm cái hũ một đêm rồi dốc ra lấy cái nước mặn đó ăn với cơm. Bây giờ cái hũ cũng hết mặn. Đoạn (a) nêu lên tình trạng thiếu nước đến khô hạn của dân làng. Đoạn (b) nêu lên tình trạng đói kém, khổ sở của dân làng. Hai chủ đề nhỏ tách ra thành hai đoạn văn. 2.3.2. Tách đoạn theo sự thay đổi của không gian và thời gian 2.3.2.1. Tách đoạn theo sự thay đổi của thời gian Ví dụ: (a) Có buổi sớm nắng mờ, biển bốc hơi nước, không nom thấy núi xa, chỉ một màu trắng đục. Không có thuyền, không có sóng, không có mây, không có sắc biếc của da trời. (b) Một buổi chiều lạnh, nắng tắt sớm. Những núi xa lam nhạt pha màu trắng sữa. Không có gió mà sóng vẫn đổ đều đặn, rì rầm. Nước biển dâng đầy, quánh đặc một màu bạc trắng, lấm tấm như bột phấn trên da quả nhót. Đoạn (a) miêu tả cảnh biển buổi sáng. Đoạn (b) miêu tả cảnh biển buổi chiều. Mỗi thời điểm được tách ra thành một đoạn văn tương ứng. 2.3.2.2. Tách đoạn theo sự thay đổi không gian Ví dụ: (a) Từ Tây sang Đông những dải núi trẻ chạy tiếp nhau trông tựa một vành đai. Những dải núi trẻ này tiếp tục những dải núi trẻ của châu Âu, chạy ngang qua châu Á tới bán đảo Trung - Ấn rồi tiến ra biển thành quần đảo In-đô-nê-xi-a. (b) Quá lên phía Bắc châu Á có nhiều cao nguyên cổ. Những cao nguyên này bị bào mòn từ lâu đời, nhưng về sau hiện tượng tạo sơn lại làm xuất hiện những dải núi trẻ. 16
  18. Đoạn (a) giới thiệu về các dải núi trẻ ở phía Tây và Đông của châu Á. Đoạn (b) giới thiệu về các cao nguyên cổ ở phía Bắc châu Á. Hai không gian khác nhau được tách ra thành hai đoạn văn. 2.3.3. Tách đoạn theo mục đích tu từ Tách đoạn theo mục đích tu từ là cách tách đoạn nhằm mục đích nhấn mạnh vào những thông tin chứa trong nội dung của phần được tách riêng ra thành đoạn văn. Tuy nhiên, cái riêng đó phải phù hợp với tính mạch lạc trong tổng thể nội dung toàn văn bản, cũng có thể thể hiện được phong cách riêng của người viết trong việc trình bày. Ví dụ: (a) Bác chắt chiu để dành được hai trăm Đông Dương, định về tổ chức cho nó cưới cái Soan xong bác hẵng về hậu phương mà tăng gia, nộp thuế nông nghiệp nuôi đồng đội. (b) Về hậu phương… Cấp trên cho bác về mấy lượt, bác còn chần chừ. Đoạn (b) mang đậm màu sắc tu từ: Về hậu phương… ở đây được tách ra để nói thêm rằng đây là một vấn đề nổi cộm lên và day dứt thực sự đối với bác ấy. 2.4. Luyện liên kết đoạn và chuyển đoạn văn 2.4.1. Dùng từ ngữ để liên kết - Dùng từ ngữ chỉ trình tự, sự bổ sung, sự liệt kê như: trước hết là, sau đó là, mặt khác, bên cạnh đó, thứ nhất là, đầu tiên là, tiếp theo là, … Ví dụ: (a) Sau này, khi đã đạt tới một mức độ phát triển nào đó, và sau khi những nhu cầu của mình và những hình thái hoạt động để thỏa mãn những nhu cầu của mình đều tăng lên dần và phát triển thêm một bước nữa, thì người ta lại đặt cho cả một loạt sự vật những tên gọi khác nhau và người ta căn cứ vào kinh nghiệm đã có mà phân biệt các sự vật đó với những sự vật khác của ngoại giới. (b) Mặt khác, ngôn ngữ chỉ sinh ra là do nhu cầu, do sự cần thiết phải giao tiếp. Nhu cầu giao tiếp ấy của con người cũng lại do lao động quyết định. Sự phát triển của lao động đã đưa đến kết quả tất yếu là thắt chặt thêm mối quan hệ giữa 17
  19. các thành viên của xã hội, bằng cách tạo ra rất nhiều trường hợp để cho con người giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau và làm cho mỗi cá nhân càng ngày càng ý thức rõ rệt hơn đối vơi lợi ích của sự hợp tác ấy. - Dùng từ ngữ có ý nghĩa tổng kết, khái quát…các nội dung được trình bày để liên kết đoạn văn. Ví dụ: (a) Bối cảnh 1: các nguyên âm hàng trước làm cho phụ âm cuối bị ngạc hóa. Bối cảnh 2: các nguyên âm tròn môi làm cho phụ âm cuối bị môi hóa. Bối cảnh 3: các nguyên âm khác không gây ảnh hưởng gì đối với phụ âm cuối. (b) Như vậy các âm đang xét thực ra chỉ là những dạng khác nhau của một cái chung và mỗi dạng đã bị quy định bởi bối cảnh. Chúng là những biến thể của cùng một âm vị. - Dùng từ ngữ chỉ ý nghĩa đối lập, tương phản để liên kết đoạn văn. Ví dụ: (a) Ảnh hưởng đến sự phát triển của ngôn ngữ còn phải kể đến những nhân tố khách quan như: hình thức cộng đồng tộc người, dân số, trình độ văn hóa, hình thức thể chế nhà nước; môi trường tộc người; tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, mối liên hệ về kinh tế, chính trị và văn hóa; thế tương quan giữa trình độ phát triển của một dân tộc với các dân tộc láng giềng; truyền thống văn hóa, mức độ phân chia thành các tiếng địa phương. (b) Tuy nhiên, điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, …của xã hội mới chỉ là nguyên nhân bề ngoài, đề ra những yêu cầu nhất định đối với ngôn ngữ, còn bản thân ngôn ngữ có biến đổi và phát triển được hay không lại do nguyên nhân bên trong của nó quyết định. - Dùng đại từ để liên kết đoạn văn. Ví dụ: (a) Giảng văn rõ ràng là khó. (b) Nói như vậy để nêu ra một sự thật. Không phải nhằm hù dọa cũng không phải để làm ngã lòng. 18
  20. 2.4.2. Dùng câu để liên kết Câu đảm nhiệm chức năng liên kết thường đứng vị trí ở giữa hai đoạn văn cần liên kết, hoặc đứng ở đầu đoạn văn đi sau. Ví dụ: Trở lên, tôi đã đứng về phía người đọc, người nghe mà nhìn nhận tác dụng của phê bình. Cũng có thể đứng về phía người sáng tác mà nhìn nhận vấn đề. 2.4.3. Dùng sự cân xứng để liên kết Liên kết đoạn văn bằng sự cân xứng cú pháp, sự giống nhau về kết cấu cú pháp của những câu mở đầu ở các đoạn đi liền nhau trong một văn bản. Ví dụ: Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với một giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó. 2.5. Chữa các loại lỗi về đoạn văn 2.5.1. Chữa lỗi nội dung 2.5.1.1. Lạc ý - Đây là một lỗi thường gặp trong quá trình viết đoạn văn. Cụ thể, đoạn văn có câu chủ đề nêu lên một ý nào đó nhưng các câu triển khai hoàn toàn không phục vụ cho việc làm sáng tỏ câu chủ đề. Ví dụ: Trong ca dao Việt Nam, những bài về tình yêu nam nữ là những bài nhiều hơn tất cả. Họ yêu gia đình, yêu cái tổ ấm cùng nhau chung sống, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Họ yêu người làng, người nước, yêu từ cảnh ruộng đồng đến công việc trong xóm, ngoài làng. Tình yêu đó nồng nhiệt, đằm thắm và sâu sắc. 19
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2