intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Các quy định về môi trường và cơ hội thách thức khi thực thi cam kết môi trường trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:11

25
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này nhằm khái quát các quy định về môi trường trong Hiệp định TPP, phân tích những điểm mới trong quy định về môi trường và chỉ ra những cơ hội, thách thức cho Việt Nam, những vấn đề cần phải xử lý để giải quyết mối quan hệ thương mại và môi trường trong thương mại quốc tế.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Các quy định về môi trường và cơ hội thách thức khi thực thi cam kết môi trường trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

  1. CÁC QUY ĐỊNH VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ CƠ HỘI THÁCH THỨC KHI THỰC THI CAM KẾT MÔI TRƯỜNG TRONG HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP) ThS. Nguyễn Quang Hồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Tóm tắt Do tính chất nhạy cảm của vấn đề thương mại và môi trường nên cho đến thời điểm hiện nay, trong khuôn khổ của tổ chức thương mại thế giới WTO chưa có một hiệp định đa phương nào đề cập riêng đến thương mại và môi trường. Tuy nhiên, trong nhiều hiệp định của WTO lại chứa đựng những điều khoản liên quan đến thương mại và môi trường, nhất là trong thời gian gần đây các cuộc đàm phán trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha cho thấy có thể vấn đề môi trường sẽ được xây dựng thành một hiệp định đa phương. Hiệp định TPP là Hiệp định thương mại tự do đa phương thế hệ mới đầu tiên đưa các nội dung về môi trường thành một chương trong các cam kết. Điều này là một bước tiến so với các khuôn khổ và định chế của tổ chức thương mại thế giới WTO và nó khẳng định vị trí của môi trường như một nhân tố quan trọng trong các hoạt động thương mại cũng như những đóng góp của thương mại đối với phát triển bền vững. Bài viết này nhằm khái quát các quy định về môi trường trong Hiệp định TPP, phân tích những điểm mới trong quy định về môi trường và chỉ ra những cơ hội, thách thức cho Việt Nam, những vấn đề cần phải xử lý để giải quyết mối quan hệ thương mại và môi trường trong thương mại quốc tế. 1. Khái quát các quy định về môi trường trong Hiệp định TPP 1.1. Khái quát chung Chương Môi trường là Chương thứ 20 trong tổng số 31 chương của Hiệp định TPP. Mục tiêu của chương này là thúc đẩy hỗ trợ lẫn nhau giữa chính sách thương mại và chính sách môi trường; thúc đẩy bảo vệ môi trường mức độ cao và 259
  2. thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường; tăng cường năng lực của các bên để giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến thương mại. Mặc dù là cam kết chung, song TPP cũng cân nhắc những ưu tiên và hoàn cảnh quốc gia tương ứng. Các thành viên công nhận tăng cường sự hợp tác để bảo vệ môi trường và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ mang lại những lợi ích và có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững. Các bên cũng thừa nhận rằng không thích hợp để thiết lập hoặc sử dụng luật về môi trường của các bên hoặc các biện pháp khác theo cách sẽ tạo thành một sự hạn chế trá hình đối với thương mại hoặc đầu tư giữa các bên. Như vậy, nội dung của các cam kết môi trường chính là để hướng tới việc thúc đẩy sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách thương mại với môi trường; ủng hộ các quốc gia có các biện pháp phù hợp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động bảo vệ môi trường, hạn chế cạn kiệt các tài nguyên thiên nhiên, trong khi đẩy mạnh hơn nữa tự do hóa thương mại đối với các hàng hóa và dịch vụ góp hỗ trợ chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và nền kinh tế các bon thấp. 1.2. Những điểm mới cam kết về môi trường trong TPP Chương 20 về Môi trường bao gồm 23 điều, có thể chia làm 04 nội dung chính, bao gồm: Thứ nhất, nhóm điều khoản chung liên quan đến các định nghĩa, mục tiêu và các tuyên bố chung của Hiệp định, gồm có 3 điều 1, 2 và 3. Thứ hai, nhóm điều khoản liên quan đến các quy định về tính minh bạch và sự tham gia của cộng đồng, bao gồm 3 điều 7, 8 và 9. Thứ ba, nhóm điều khoản liên quan đến tổ chức bộ máy các cơ quan chịu trách nhiệm và cơ chế phối hợp thực hiện và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại và làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan giữa các bên tham gia, gồm 6 điều 12, 19, 20, 21, 22 và 23. Thứ tư, nhóm các điều khoản riêng về các vấn đề môi trường, bao gồm 11 điều khoản: Bảo vệ tầng ô zôn (Điều 5); Bảo vệ môi trường biển từ ô nhiễm do vận tải biển (Điều 6); Thương mại và đa dạng sinh học (Điều 13); Các loài ngoại lai (Điều 14); Chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp (Điều 15); Khai thác đánh bắt thủy sản trên biển (Điều 16); Bảo tồn đa dạng sinh học và thương mại (Điều 17); Hàng hóa và dịch vụ môi trường (Điều 18); Các hiệp định môi trường đa phương (Điều 4); Hợp tác trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Điều 10) và Các cơ chế tự nguyện để thúc đẩy thực thi môi trường (Điều 11). 260
  3. Có thể chia nội dung của 11 điều khoản về môi trường nêu trên thành 02 nhóm: Nhóm thứ nhất gồm các hàng hoá, dịch vụ có hỗ trợ, đóng góp cho việc thực hiện tăng trưởng xanh và nền kinh tế các bon thấp, được quy định tại Điều 15 và Điều 18 với các chủ trương về giảm thuế, rào cản thương mại và hợp tác thông qua các dự án song phương, đa phương và thúc đẩy đầu tư giữa các bên. Nhóm thứ hai bao gồm các nội dung về hạn chế ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên do các hoạt động thương mại. Nhóm này tập trung vào đa dạng sinh học, bảo tồn, cơ chế thực thi môi trường tự nguyện, bảo vệ tầng ô zôn, sinh vật ngoại lai. Nội dung chủ yếu là kêu gọi hợp tác bảo vệ, hạn chế, và một số là ngăn cấm các hoạt động thương mại ảnh hưởng đến các hoạt động này. Có bốn vấn đề mới nổi bật lần đầu tiên chính thức được đưa vào trong các cam kết thương mại đa phương, gồm: Thứ nhất, các cam kết về hàng hóa và dịch vụ môi trường: Các bên thừa nhận tầm quan trọng của việc kinh doanh và đầu tư vào hàng hóa và dịch vụ môi trường như là một phương tiện để cải thiện chất lượng môi trường và kinh tế và giải quyết các thách thức môi trường toàn cầu; thấy rõ hơn tầm quan trọng của Hiệp định này đối với việc thúc đẩy thương mại và đầu tư vào hàng hóa và dịch vụ môi trường tại các khu vực thương mại tự do. Theo đó, Uỷ ban môi trường sẽ xem xét các vấn đề xác định bởi một hoặc các bên liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa và dịch vụ môi trường, bao gồm các vấn đề được xác định là có khả năng tạo ra các rào cản phi thuế quan đối với việc kinh doanh đó. Các bên sẽ nỗ lực để giải quyết tất cả rào cản có thể có đối với việc kinh doanh hàng hóa và dịch vụ môi trường được xác định bởi một bên, bao gồm bằng cách làm việc thông qua Ủy ban và kết hợp với các ủy ban có liên quan khác được thành lập theo Hiệp định này nếu thích hợp. Các bên có thể phát triển các dự án hợp tác song phương và đa phương về hàng hóa và dịch vụ để giải quyết những thách thức hiện tại và tương lai liên quan đến thương mại trên toàn cầu. Thứ hai, các cam kết về chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp: Các bên thừa nhận rằng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải đòi hỏi hành động tập thể song phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của nước mình. Các bên cần hợp tác để giải quyết các vấn đề chung hoặc các vấn đề phổ biến. Các lĩnh vực hợp tác có thể bao gồm: sử dụng năng lượng hiệu quả; phát triển các công nghệ chi phí thấp và ít phát thải, các nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo; giao 261
  4. thông vận tải và sự phát triển bền vững cơ sở hạ tầng đô thị; giải quyết việc phá rừng và suy thoái rừng; giám sát chất thải; cơ chế thị trường và phi thị trường; sự phát triển ít phát thải và mau phục hồi và chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề này. Hơn nữa, nếu thích hợp, các bên sẽ tham gia vào các hoạt động hợp tác và xây dựng năng lực liên quan đến việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải. Thứ ba, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm đại dương và suy giảm nguồn tài nguyên thủy sản do hoạt động khai thác cá: Các bên thừa nhận vai trò của mình như những người tiêu dùng chính, nhà sản xuất và nhà kinh doanh lớn đối với các sản phẩm thủy sản và tầm quan trọng của ngành thủy sản biển đối với phát triển của nước mình và đối với sinh kế của cộng đồng ngư dân trong nước, bao gồm cả thủy sản khai thác quy mô nhỏ. Các bên cũng thừa nhận rằng điều không thể tránh khỏi của việc đánh bắt thủy hải sản là vấn đề tài nguyên cấp bách mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt. Theo đó, các thành viên công nhận tầm quan trọng của các biện pháp nhằm bảo tồn và quản lý bền vững nghề cá. Mỗi bên phải tìm cách vận hành một hệ thống quản lý nghề cá có quy định về việc đánh bắt cá biển và được thiết kế với các mục đích: ngăn chặn đánh bắt quá mức và quá tải thủy sản; làm giảm đánh bắt ngoài kế hoạch các loài không phải mục tiêu và thuỷ sản chưa đủ tuổi khai thác thông qua các quy định của ngư cụ; thúc đẩy sự phục hồi của đàn cá đã bị khai thác quá mức cho tất cả các nghề cá biển nơi mà người dân trong nước tiến hành các hoạt động đánh bắt. Hệ thống quản lý này phải dựa trên các bằng chứng khoa học tốt nhất có sẵn và trên thông lệ tốt nhất được công nhận quốc tế cho việc quản lý và bảo tồn thủy sản như được phản ánh trong các điều khoản có liên quan trong các văn kiện quốc tế nhằm đảm bảo việc sử dụng bền vững và bảo tồn các loài sinh vật biển. Thứ tư, thành lập Ủy ban môi trường tại các quốc gia - điểm liên lạc quốc gia và cơ chế giải quyết các vấn đề thương mại - môi trường giữa các quốc gia. Các bên thành lập một Ủy ban môi trường bao gồm các đại diện cấp cao của chính phủ, hoặc người được chỉ định, của các cơ quan thương mại và môi trường của mỗi bên, chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quy định và cam kết về môi trường của hiệp định. Uỷ ban có chức năng: (a) cung cấp một diễn đàn để thảo luận và xem xét việc thực hiện các cam kết; (b) cung cấp các báo cáo định kỳ cho Ủy ban TPP về việc thực hiện cam kết; (c) cung cấp một diễn đàn để thảo luận và xem xét các hoạt động hợp tác; (d) xem xét và giải quyết vấn đề nêu tại Điều 20, 21 262
  5. (Tham vấn đại diện cấp cao); (e) phối hợp với các ủy ban khác được thành lập theo Hiệp định; và (f) thực hiện các chức năng khác mà các bên có thể quyết định. Được biết đến như một dạng hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, khác với những hiệp định thương mại tự do truyền thống trước đây, Hiệp định TPP đã đưa vào nhiều nội dung và lĩnh vực mới với những tiêu chuẩn và nghĩa vụ ở mức khá cao. Chẳng hạn không có bên nào cấp hoặc duy trì bất kỳ các khoản trợ cấp cho việc đánh bắt cá ảnh hưởng tiêu cực đến đàn cá trong điều kiện đánh bắt quá tải… Nhiều lĩnh vực và vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại đã được đưa vào thành những nghĩa vụ cam kết mang tính chất ràng buộc và bắt buộc các nước thành viên phải thực thi thông qua việc sử dụng công cụ về kinh tế, cụ thể là việc áp dụng cơ chế tham vấn và cơ chế giải quyết tranh chấp (có áp dụng chế tài thương mại) đối với những vấn đề phát sinh hoặc các tranh chấp về môi trường có liên quan đến thương mại và đầu tư giữa hai hay nhiều bên. Bên cạnh những điểm mới nêu trên, Chương Môi trường cũng có những điều khoản nhằm tăng tính minh bạch và tính nghiêm túc trong việc thực thi các nghĩa vụ của Chương, cụ thể là nghĩa vụ phải tạo điều kiện cho công chúng được tham gia trong quá trình thực hiện; nghĩa vụ về chia sẻ và công khai thông tin liên quan đến việc thực hiện và nghĩa vụ khuyến khích, cho phép công chúng được tham gia giám sát quá trình thực thi các cam kết về môi trường. 2. Những ảnh hưởng của việc thực thi cam kết môi trường đối với Việt Nam Giống như tinh thần của các nội dung môi trường trong các Hiệp định tự do hoá thương mại, đó là chưa có các cam kết cụ thể bằng các con số cắt giảm thuế quan, các cam kết về môi trường trong TPP còn khá thận trọng và mới ở những bước đầu tiên. Nội dung các cam kết mới chỉ dừng lại ở chỉ ra các vấn đề và kêu gọi các quốc gia cùng hợp tác để cùng giải quyết. Song, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là: cần có chính sách hội nhập như thế nào để đối phó với những rào cản môi trường đối với hàng hoá xuất khẩu và tận dụng những hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn môi trường khi TPP được phê chuẩn và trong tương lai khi TPP có những cam kết mạnh mẽ hơn. Để làm được điều này cần thiết phải nghiên cứu những tác động của hệ thống các cam kết môi trường trong TPP đối với các vấn đề thương mại và môi trường của Việt Nam, xác định những khó khăn và thuận lợi khi Việt Nam phải thực hiện các cam kết nói trên. 263
  6. Một cách tổng quát, việc thực thi các cam kết môi trường trong các hiệp định thương mại quốc tế nói chung và TPP nói riêng sẽ góp phần phát huy tính tương hỗ giữa các chính sách về thương mại và chính sách về môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể: - Các cam kết ở mức cao và mang tính ràng buộc về môi trường là cơ sở cho Việt Nam nghiên cứu, đề xuất và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến môi trường, góp phần vào nỗ lực chung trong các hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. - Những nghĩa vụ và cam kết ở mức cao, mang tính ràng buộc sẽ tạo ra sức ép tích cực góp phần vào việc thực thi nghiêm túc và hiệu quả các chính sách và pháp luật trong nước cũng như các cam kết quốc tế về môi trường của mọi thành phần và đối tượng trong xã hội. Doanh nghiệp nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng, lợi ích và cả những hậu quả/rủi ro trong việc thực thi nghĩa vụ bảo vệ môi trường có liên quan đến các hoạt động thương mại của mình. Doanh nghiệp do vậy sẽ tự giác thay đổi quan điểm và hành vi, nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các hoạt động thương mại của mình. - Việc thực thi tốt các nghĩa vụ môi trường nâng cao uy tín và hình ảnh của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng về trách nhiệm bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là việc đảm bảo các yêu cầu và tiêu chuẩn về môi trường đối với các các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam qua đó sẽ góp phần thúc đẩy mở rộng thị trường và tăng cường các hoạt động thương mại quốc tế. Đối với hiệp định TPP, việc thực hiện các cam kết môi trường còn tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với Việt Nam ở góc độ môi trường. Về cơ hội: Thứ nhất, tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu ô nhiễm với các công nghệ xử lý có chi phí thấp hơn, gia tăng các cơ hội kinh doanh cho ngành công nghiệp môi trường và tạo thêm nhiều việc làm trong lĩnh vực này. Thứ hai, thúc đẩy việc chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp của Việt Nam với các hoạt động phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, cũng như sử dụng hiệu quả năng lượng. Thứ ba, các vấn đề về bảo tồn đa dạng sinh học sẽ được cải thiện, buôn bán trái phép các loại động thực vật quý hiếm sẽ được ngăn chặn. Thứ tư, cộng đồng và các tổ chức NGOs sẽ là đối tượng được tham vấn, họ sẽ có vai trò quan trọng hơn trong việc tham gia vào ngăn chặn thương mại kém bền vững. Thứ năm, Việt Nam được 264
  7. tham gia vào các hoạt động và sẽ có tiếng nói hơn trong các hoạt động thúc đẩy thương mại bền vững do cơ chế tổ chức luân phiên về vị trí Chủ tịch của Ủy ban môi trường TPP và uỷ ban môi trường của Việt Nam sẽ có tiếng nói. Thứ sáu, Việt Nam sẽ được hưởng các lợi ích và có cơ hội nhận được các tài trợ cho thực hiện các hoạt động thương mại bền vững do cơ chế trợ hợp tác và trợ giúp của các nước phát triển trong khối. Về thách thức: Thứ nhất, việc đáp ứng các quy định môi trường bắt buộc sẽ hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong đó một số ngành có lợi thế về xuất khẩu khi tham gia vào TPP là thuỷ sản dệt may, da giày, gỗ… lại là những ngành gặp khó khăn khi thực thi các cam kết môi trường. Thứ hai, ngành khai thác thủy sản xa bờ và các hoạt động xuất khẩu thủy sản từ đánh bắt của Việt Nam sẽ chịu thiệt hại do các yêu cầu về loại bỏ các trợ cấp đối với hoạt động đánh bắt và các quy định, tiêu chuẩn về chứng chỉ sản phẩm đánh bắt đạt tiêu chuẩn bền vững. Thứ ba, các hoạt động vận tải biển cũng sẽ gặp nhiều thách thức đối với sự gia tăng các tiêu chuẩn xả thải và các yêu cầu đáp ứng môi trường. Thứ tư, Việt Nam sẽ bị cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa đối với nhóm hàng hóa và dịch vụ môi trường và nhóm hàng hóa và dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế các bon thấp do mở cửa tự do hóa thương mại. Việt Nam cũng có khả năng sẽ bị suy giảm nguồn thu từ thuế đối với nhóm các hàng hóa và dịch vụ này. Thứ năm, Việt Nam sẽ phải minh bạch hóa quá trình ra chính sách, cung cấp thông tin và tạo thuận lợi cho các NGOs và công đồng tham gia vào quá trình tham vấn. 3. Tác động của việc mở cửa thị trường hàng hoá dịch vụ môi trường Một trong những nội dung đáng quan tâm là việc mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ môi trường trong Hiệp định TPP. Mặc dù Điều 18 về hàng hoá và dịch vụ môi trường chỉ có 04 điểm và mới dừng lại ở việc thừa nhận quan điểm, song dự báo việc mở cửa thị trường hàng hoá dịch vụ môi trường sẽ có tác động trực tiếp đến Việt Nam. Vì vậy vấn đề trước hết là Việt Nam cần phải lường trước các khó khăn và có sự chuẩn bị tích cực từ trong nước để có thể chủ động bảo vệ quyền lợi của mình. Một cách khái quát, các tác động đối với Việt Nam khi mở cửa thị trường hàng hoá dịch vụ môi trường là: Thứ nhất, mở cửa thị trường hàng hóa môi trường sẽ làm tăng khối lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Trong khi đó ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam còn rất non trẻ. Do đó, việc tránh phân biệt đối xử với hàng hóa môi trường 265
  8. có xuất xứ Việt Nam là rất cần thiết, bởi chừng nào hàng hóa có xuất xứ Việt Nam còn bị coi là kém hoặc các dự án yêu cầu một tỷ lệ nhất định hàng hóa môi trường có xuất xứ nước ngoài thì ngành công nghiệp môi trường còn khó có cơ hội phát triển. Thứ hai, với việc thuận lợi hóa hơn nữa trong lĩnh vực dịch vụ môi trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Khi đó hoạt động của ngành dịch vụ môi trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn, gây sức ép không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đã quen với sự trợ giúp của Nhà nước. Hệ quả là các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chia sẻ thị phần của mình hoặc phải chấp nhận đào thải do làm ăn kém hiệu quả. Thứ ba, do chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hàng hóa và dịch vụ môi trường cũng như chưa xây dựng danh mục hàng hóa môi trường nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan hải quan trong việc xác định thế nào là hàng hóa môi trường hoặc cách xử lý đối với cùng một sản phẩm nhập khẩu cho mục đích môi trường hoặc cho mục đích khác. Thứ tư, những lợi ích tiềm tàng của việc tự do hóa hàng hóa môi trường đối với các nước đang phát triển như Việt Nam là việc tạo ra những cơ hội xuất khẩu mới và đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa môi trường có chất lượng cao. Vì việc cung cấp hàng hóa môi trường cơ bản đòi hỏi mức đầu tư cao, nên sự hiện diện thương mại của các doanh nghiệp nước ngoài có thể đóng góp cho việc tăng mức đầu tư và tạo vốn cũng như cải thiện mức độ bao phủ và chất lượng của các hàng hóa môi trường. Mặc dù đã được đưa vào trong các cam kết nhưng nội dung của các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá môi trường chưa thực sự có nhiều thay đổi, mới chỉ được dừng lại ở các tuyên bố chung về giảm thuế và hạn chế các rào cản phi thuế nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư đối với hàng hoá dịch vụ môi trường mà chưa có những cam kết sâu hơn về các cắt giảm thuế, cũng như chỉ ra danh mục các hàng hóa và dịch vụ môi trường cho thực hiện các cam kết. Tuy nhiên, chính điều này cũng tạo nhiều cơ hội và thử thách mới cho Việt Nam. Về cơ hội: - Với mục đích thuận lợi hóa hơn nữa cho lĩnh vực dịch vụ môi trường, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ môi trường từ các nước phát triển sang các quốc gia kém phát triển hơn, do đó thực hiện TPP góp phần nâng cao năng lực môi trường của các nước đang phát triển. Việt Nam sẽ có cơ hội để hiện đại 266
  9. hóa ngành dịch vụ môi trường, học hỏi kinh nghiệm quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. - Việc phát triển loại hình dịch vụ môi trường sẽ góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như tạo công ăn việc làm, thu hút lao động, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và cộng đồng, đặc biệt là vai trò tạo nguồn thu cho ngân sách và cho xã hội tái sử dụng vào công tác bảo vệ môi trường. - Việc thực hiện các cam kết gia nhập và mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp cận các công nghệ bảo vệ môi trường tốt và ít tốn kém từ các nước thành viên khác. - Phát triển ngành môi trường thành một ngành độc lập sẽ có vai trò hỗ trợ các ngành kinh tế khác, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu hàng hoá. Nhiều hàng hoá xuất khẩu quan trọng cần tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và dịch tễ của nước nhập khẩu như các sản phẩm thủy sản, nông nghiệp, hàng dệt may, giày dép… Do đó các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ môi trường giúp họ nâng cao khả năng kỹ thuật, chế biến, vận chuyển đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu môi trường cho sản phẩm xuất khẩu của mình. Về khó khăn: - Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường chưa có trình độ cao để đáp ứng được những thay đổi của tình hình mới cũng như phát triển có hiệu quả hàng hóa và dịch vụ môi trường trong nước. Đây cũng là một thách thức rất lớn do phần đông cán bộ môi trường có ít kiến thức về thương mại quốc tế, còn hạn chế về kinh nghiệm, trình độ đặc biệt là những người quản lý môi trường hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. - Thiếu các điều kiện để phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường. Tại Việt Nam nhiều hàng hoá dịch vụ môi trường thường không được định giá hoặc được trao đổi như hàng hoá thông thường trên thị trường. Hiện nay, chúng ta chưa có một cơ chế thị trường cho ngành môi trường hoạt động và trên thực tế có rất ít sự cạnh tranh hoàn hảo. Ngành dịch vụ môi trường chủ yếu do các công ty Nhà nước nắm giữ do đó thường tạo ra sự độc quyền và khống chế giá cả. Điều này gây nên những hạn chế đối với những phát kiến và có thể làm giảm cầu đối với những hàng hoá do các công ty độc quyền bóp méo giá. Ngoài ra, nhiều công ty Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ môi trường hoạt động dưới sự 267
  10. bao cấp của ngân sách và không tự hạch toán, tự kinh doanh thậm chí mức phí dịch vụ cũng theo mức ấn định của Nhà nước. - Khả năng tài chính của các doanh nghiệp để đầu tư cho môi trường còn rất hạn chế. Hiện nay không ít các doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở hạ tầng yếu với công nghệ sản xuất lạc hậu, giá thành sản phẩm cao, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nên khó có điều kiện thực hiện các kiến nghị của cơ quan môi trường cũng như chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Phần lớn các cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường lại là những đơn vị có nhiều khó khăn nên rất khó phạt hoặc cưỡng chế dừng hoạt động. Mặt khác, những khó khăn về vốn lại không cho phép đổi mới thiết bị hoặc lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, thậm chí một số nhà máy có hệ thống xử lý chất thải nhưng cũng không muốn vận hành vì sẽ làm tăng giá thành sản xuất. 4. Một số đề xuất Những nội dung liên quan đến môi trường là những vấn đề mới, rất phức tạp và hiện cũng là những vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thương mại quốc tế. Việt Nam là một nước có trình độ phát triển thấp nhất trong số các nước tham gia TPP nên cần: - Nghiên cứu kĩ chính sách và pháp luật môi trường của các nước thành viên TPP. Với bản hiệp định này, 12 nước tham gia TPP đã nhất trí thực thi có hiệu quả pháp luật về môi trường của nước mình và không đi ngược lại với hệ thống pháp luật về môi trường để khuyến khích thương mại và đầu tư. Điều này đòi hỏi các nước trong đó có Việt Nam phải tuân thủ các quy định của nước thành viên khi thực hiện các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư… Nắm chắc các quy định của nước bạn về môi trường là cơ sở để tránh những tranh chấp môi trường. - Việt Nam nên ủng hộ việc thực thi các hiệp định môi trường đa phương trong TPP ngoài những hiệp định đã được cam kết trong TPP hiện nay như công ước về đa dạng sinh học. Bởi vì, hiện nay Việt Nam đã tham gia hầu hết các Hiệp định môi trường đa phương và đã nội luật hóa hầu hết các cam kết đa phương về môi trường. Vì vậy, nếu các cam kết đa phương về thương mại môi trường được luật hóa trong các điều khoản của TPP thì Việt Nam có lợi thế trong giải quyết các tranh chấp về môi trường, chẳng hạn như vấn đề các nước áp dụng các biện pháp thương mại vì mục đích môi trường ngoài lãnh thổ, hay thuận lợi hơn trong buôn bán với các nước là thành viên TPP nhưng không tham gia công ước quốc tế về môi trường. 268
  11. - Nghiên cứu danh mục hàng hóa và dịch vụ môi trường khi các nước đưa ra để từ đó xây dựng phương án của ta đối với danh mục này. Chuẩn bị phương án đàm phán về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan về hàng hóa và dịch vụ môi trường để một mặt mở cửa thị trường dịch vụ môi trường theo các phân ngành sẽ cam kết đồng thời bảo vệ lợi ích các ngành dịch vụ môi trường của Việt Nam. - Hỗ trợ tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp hoặc các ngành xuất khẩu có lợi thế khi tham gia TPP nhưng phải chịu các tiêu chuẩn và cam kết môi trường cao như đánh bắt thuỷ sản, chế biến lâm sản, dệt may, da giầy. - Chuẩn bị cho các tổ chức NGO và cộng đồng tham gia vào các quá trình tham vấn. Nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ quản lý môi trường để đáp ứng được những thay đổi của tình hình mới đặc biệt là những người quản lý môi trường hoạt động trên lĩnh vực đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế cũng như phát triển có hiệu quả hàng hóa và dịch vụ môi trường trong nước. Việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định TPP sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trên khía cạnh môi trường. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể các cam kết trong hiệp định sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam làm tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững và hài hoà mối quan hệ giữa thương mại và môi trường. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Công Thương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chương 20. 2. Viện nghiên cứu thương mại, Dự án MUTRAP, Kỷ yếu hội thảo “Tăng trưởng xanh và cơ hội thương mại cho Việt Nam” tháng 5/2015. 3. Bộ Công Thương: Tóm tắt cam kết về môi trường trong TPP http://www.trungtamwto.vn/tpp/bo-cong-thuong-tom-tat-cam-ket-ve- moi-truong-trong-tpp. 4. Ths Trần Hoàn, https://congnghiepxanh.wordpress.com/2015/11/10/ cam-ket-moi-truong-trong-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-tpp. 269
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
14=>2