YOMEDIA
ADSENSE
Chàng trai xứ Phù Tang
39
lượt xem 2
download
lượt xem 2
download
Download
Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ
Khi Ta Ku Nô buồn bã báo tin bị triệu về nước gấp, cả văn phòng chúng tôi bàng hoàng, hối hận, vì mình mà cậu ấy mất tong chức giám đốc đại diện.
AMBIENT/
Chủ đề:
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chàng trai xứ Phù Tang
- Chàng trai xứ Phù Tang Khi Ta Ku Nô buồn bã báo tin bị triệu về nước gấp, cả văn phòng chúng tôi bàng hoàng, hối hận, vì mình mà cậu ấy mất tong chức giám đốc đại diện. Rồi còn tình yêu Ta Ku Nô với Trang, chẳng lẽ yêu nhau, thề non hẹn biển từng đó năm, bỗng chốc xa rời nhau nhẹ nhàng đến thế sao? Vâng, chúng tôi đang tính đến nát nước đây, đưa Trang về Nhật, cô ấy không chịu vì sợ công ăn việc làm, môi trường xã hội lạ lẫm, vả lại tôi đã mất chức, có khi phải hầu tòa, tôi không muốn cô ấy liên lụy. Ta Ku Nô ngậm ngùi nói. Chúng tôi lặng nhìn đôi trai tài, gái sắc từng khiến nhiều người phải ghen, sắp phải chia tay vĩnh viễn. Lúc Ta Ku Nô ra hành lang nghe điện thoại di động, một cô gái nói nhỏ với Trang: “Không chừng nhân dịp này hắn chạy làng đó”. Không, anh ấy là người xứ Phù Tang, người đàng hoàng chớ không phải hạng bỏ của chạy lấy người đâu. Trang phân bua. Có lẽ vì quá yêu nhau hay để mình đỡ quê, Trang nói vậy thôi. Nhìn nét mặt thất thần của Trang, chúng tôi biết cô đang đau buồn lắm. Gần ba năm gắn bó với nhau, tưởng đâu không gì chia cắt nổi, khiến Trang tự hào với bè bạn, bây giờ phải chia tay, kẻ đông người tây, làm sao không rơi vào trạng thái hẫng hụt được? Ta Ku Nô trở vào, mặt đăm chiêu: - Bên nhà vừa lệnh cho tôi phải về trong ngày mai. Tôi đề xuất: - Vậy chiều nay tụi mình liên hoan tiễn Ta Ku Nô. Trang xua tay: - Thôi, thôi, thôi đủ rồi. Ta Ku Nô vẫn điềm tĩnh: - Em hãy để anh ngồi với các bạn một buổi nữa. Chẳng may tôi vào khám thì chẳng biết bao giờ mới được thưởng ẩm với nhau, phải không?Ta Ku Nô là vậy, cậu thuộc thế hệ trí
- thức trẻ của đất nước Nhật Bản, tự tin và khi được đương đầu với khó khăn luôn thể hiện bản lĩnh của mình. Cậu có dáng người cao nhưng vững chãi, đôi mắt một mí, mặt sắc lạnh nhưng dễ gần, giải quyết công việc rất mau lẹ nhưng rất cẩn thận. Chi nhánh xuất nhập khẩu máy vi tính này là của một tập đoàn sản xuất hàng điện tử ở Nhật do bố Ta Ku Nô làm chủ tịch hội đồng quản trị. Tuy vậy, Ta Ku Nô không bao giờ lấy bố làm thế đứng. Mỗi người có một phận sự, tôi vào đây cũng phải qua tuyển dụng rất ngặt, phải vượt qua hơn năm trăm ứng cử viên đấy. Ta Ku Nô cho biết vậy. Ta Ku Nô, làm việc vừa nghiêm túc vừa nhanh gọn và rất minh bạch. Từ một cơ quan nhỏ cho đến nền kinh tế của một quốc gia mà thiếu tính minh bạch sẽ phải trả giá bằng nạn tham nhũng. Ta Ku Nô bảo vậy. Ngày đến tiếp nhận chức giám đốc chi nhánh, chỉ sắp xếp bàn ghế trong các phòng làm việc, Ta Ku Nô nhận ra chúng tôi là dân ở làng, được ra thành phố học đại học bốn năm năm và được trưng dụng vào đây làm việc. Chất làng quê không chỉ hiện ra ở mặt mũi, nói năng mà cả việc bố trí bàn ghế trong phòng làm việc: - Tôi sẽ cùng các bạn sửa đổi lề lối làm việc, muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới phải bắt đầu từ cải cách hành chính theo phong cách công nghiệp. Ta Ku Nô nói và đưa mắt lạnh lùng quan sát phản ứng của chúng tôi rồi khẽ nhếch mép cười, nụ cười mang tính chất cao ngạo. Sinh trưởng trong gia đình tầng lớp thượng lưu, từ khi học phổ thông cho tới đại học, đều được học ở các trường nổi tiếng ở Tôkyô, sau khi tốt nghiệp đại học được sang Mỹ tu nghiệp hai năm, ra trường là có việc làm sang trọng, công danh đang mở ra trước mắt chàng trai này. Nhưng có phải vì cuộc đời quá thuận lợi mà cậu sinh ra ngạo mạn? Cái nhếch mép của cậu khiến chúng tôi tự ái, nhưng là phận viên chức trong công ty vốn nước ngoài, hoàn toàn phụ thuộc vào họ, chúng tôi đành cam chịu. Còn cái việc thay đổi nếp làm việc chúng tôi ủng hộ vì nó có lợi cho tất cả. Cơ quan đại diện chiếm hẳn nửa tầng của cao ốc, có nhiều phòng rộng, ngăn cách bởi những tấm ván nhựa cao quá đầu người, mỗi người được trang bị một bộ máy vi tính, nối mạng đến với công ty mẹ ở Nhật và các chi nhánh khắp thế giới. Điều kiện làm việc như vậy là rất hiện đại. Tuy vậy, hiệu quả công việc chưa cao. Chúng tôi áy náy vì việc làm của mình chưa tương xứng với lương họ trả. Cuộc cách mạng của Ta Ku Nô bắt đầu bằng cách xếp lại bàn ghế, thay tất cả máy vi tính đã lỗi thời, trang bị quần áo đồng phục và
- quy định nghiêm ngặt thời gian làm việc. Trước đây, tám giờ sáng chúng tôi mới rời nhà hàng ở tầng hai, lên thang máy lục tục vào văn phòng, pha trà, cà phê uống và kể cho nhau nghe chuyện gặp ngoài đường, gọi nôm na là chuyện lạ bốn phương, và bàn luận sự việc báo chí vừa nêu, tám giờ rưỡi mới bật máy vi tính, làm việc đến mười một giờ lại kéo nhau đi ăn trưa, hai giờ rưỡi chiều mới trở lại làm việc, có khi mang theo quà bánh, trái cây đãi nhau. Nay thì không thể được, tám giờ kém mười lăm, mọi người phải ngồi vào bàn, bật máy vi tính, đúng tám giờ là làm việc, không được ăn uống trong phòng, một chiếc bình lớn có hệ thống lọc nước, một bên làm nóng, một bên làm lạnh, đặt ở hành lang, ai cần giải khát, ra đó uống. Từ khi có Ta Ku Nô, công việc chạy hơn, chúng tôi được công ty mẹ ở Nhật và khách hàng khen. Dĩ nhiên thu nhập hàng tháng được tăng rất nhiều. Mấy người bạn của tôi ở các công ty khác, nói: - Các cậu đang được chàng trí thức trẻ đất nước Phù Tang cải cách lề lối làm việc đấy.
- Không chỉ cải cách lề lối làm việc đâu, chàng trí thức trẻ đất nước mặt trời mọc đang thổi vào chúng tôi niềm say mê học hỏi, mỗi tuần Ta Ku Nô bỏ ra ba buổi tối dạy tiếng Nhật cho chúng tôi, phương pháp tiếp thị có hiệu quả, có lúc cậu cao hứng nói về kinh tế mạng, về chủ nghĩa hậu hiện đại trong các lĩnh vực xã hội. Đáp lại, chúng tôi truyền cho cậu kiến thức về cơ cấu làng xã Việt Nam, về phong tục tập quán của người Việt. Trong khi chúng tôi đang coi Ta Ku Nô như thần tượng của một người trí thức từ một xã hội phát triển, một nền kinh tế công nghiệp hiện đại, thì Trang vẫn giữ nét mặt bình thản đến lạnh lùng: - Cứ hẵng xem, thời gian sẽ trả lời mà. Trang là một cô gái có cá tính, quê gốc ở Hải Phòng, sau giải phóng miền Nam gia đình vào lập nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long và sinh cô ở nơi châu thổ đồng bằng. Cô tiếp thu được sự năng động của người đất cảng, vừa lĩnh hội được sự dịu dàng của một cô gái lớn lên từ miệt vườn Nam Bộ. Tòa cao ốc văn phòng này cao mười chín tầng, rất nhiều cơ quan làm việc ở đây, nhưng mọi người đều biết Trang vì cô từng là hoa khôi của một cuộc thi người đẹp. Nhiều chàng trai tìm cách đến văn phòng chúng tôi cũng chỉ để gặp và tiếp cận với Trang, nhưng xem ra cô chưa chọn được ai. Và rồi chàng trí thức trẻ đất nước Phù Tang xuất hiện. Trong lúc các cô gái đang tìm cách sáp gần chàng Ta Ku Nô
- hào hoa, Trang luôn giữ nét mặt sắc lạnh, rất kiệm lời. Điều đó khiến lòng tự ái của Ta Ku Nô bùng dậy, mình xuất hiện ở đâu, mọi người, nhất là các cô gái nhìn theo, tìm cách bắt chuyện, chỉ riêng cô này thờ ơ, lãnh đạm với mình, sao vậy kìa. Có lúc, Ta Ku Nô gọi Trang vào văn phòng bàn công việc, Trang cũng chỉ trả lời những điều anh hỏi, tuyệt nhiên không nói thêm gì. Cho đến lúc, Ta Ku Nô không thể chịu nổi, cậu hỏi: - Sao cô Trang không nói gì cả vậy? Trang vẫn im lặng, và nói: - Công việc đã xong, tôi về phòng làm việc nhé. Ta Ku Nô ngó theo dáng người thon, đôi gót chân son của cô gái khẽ lắc đầu. Và chừng như không thể ngồi yên, lát sau, cậu sang phòng Trang và khi đến cửa, cậu sững lại, Trang đang tính toán trên máy vi tính, mái tóc vấn cao, để lộ mảng cổ trắng mịn màng. Người cậu khẽ run lên, trống ngực đập mạnh hơn, chưa bao giờ cậu có cảm giác lạ lùng vậy. Cậu đi nhanh về phòng như chạy trốn. Liền mấy hôm cậu ngẩn ngơ như mất hồn. Rồi một hôm, cậu gặp Trang đang đứng cạnh chiếc bình nước nhấm nháp ô mai. Sao cô Trang không đưa vào phòng, ăn cho thoải mái. Ta Ku Nô hỏi nhỏ. Trang im lặng. Cậu tiếp: “Hôm nọ tôi quy định vậy thôi, chứ mang vào trong đó ăn cũng chẳng sao”. Sự nhượng bộ ấy đã phá vỡ quy định nghiêm ngặt của cậu khi mới nhậm chức. Trước đó, sau buổi chiều cuối tuần, chúng tôi thường kéo nhau đến các hàng quán ăn uống. Thoạt đầu cho vui, lâu dần trở thành thói quen, không đi nhậu là không chịu nổi. Cả tuần làm việc chúng tôi háo hức chờ đến tối giáp ranh ngày nghỉ, sau khi đóng máy vi tính, xuống cầu thang ra đến sân, bắt gặp gió rười rượi từ sông Sài Gòn tràn lên, dân sành ăn gọi là gió gọi hơi men, chỉ một cuộc hội ý chớp mắt, chúng tôi trờ xe đến hàng quán nào đó, ăn uống cho đến lửng đêm mới tan cuộc. Từ ngày Ta Ku Nô phụ trách, lệ ấy cũng không bỏ, vì ngoài giờ làm việc chúng tôi muốn làm gì thì làm, miễn sao không phạm pháp, ai dám cấm đoán. Những lúc rỗi rãi, chúng tôi thường nói về những món ăn, các nhà hàng đặc sản ấy. Điều đó kích thích trí tò mò của Ta Ku Nô, một hôm, cậu hỏi dò: “Đi ăn ở hàng quán đó như thế nào”. “Hỏi vậy ai trả lời được. Phải đi mới biết chứ”. Trang đáp lạnh lùng. Thế là chiều hôm sau, chàng trai quê hương trà đạo nhập bọn chúng tôi đi ăn tối ở quán lẩu dê nổi tiếng bậc nhất thành phố, quán Dê Núi. Đến nơi, cậu trố mắt nhìn giữa
- khoảng đất rộng người ngồi kín các bàn, khói um lên mù mịt, mùi thịt nướng dậy nồng, người ta ăn uống, chúc tụng ồn ào náo nhiệt. Chúng tôi kéo nhau tấp vào một bàn. Khói từ các bàn phả sang khiến nước mắt tứa ra. Rồi anh ta sẽ quen thôi. Trang nói nhỏ. Ta Ku Nô nhún vai, lè lưỡi, ngồi xuống ghế. Buổi đầu, cậu còn ngượng ngập, vừa ăn uống vừa quan sát mọi người tìm hiểu. Khi ngồi trên xe trở về, cậu nắc nỏm: “Chưa bao giờ tôi được ăn một bữa như vậy cả”. Mấy hôm sau, theo sự bố trí của Trang, chúng tôi dẫn cậu đi ăn món thịt vịt nướng, những con vịt vừa khép cánh, rửa thật sạch lông, tẩm rượu rồi bọc lá sen, trát bùn nướng bằng lửa rơm, khi chín cứ việc bóc mảnh đất như đã hóa sành, lông vịt bám vào đất, chỉ còn lại thân vịt chín nhừ, xé nhỏ ra ăn với rau thơm hái trên các kênh rạch. Đây là thú ăn uống do dân đồng bằng Nam Bộ sáng tạo nên. Anh muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, nên bắt đầu từ món ăn. Nghe Trang nói vậy, Ta Ku Nô bật cười, nhưng rồi tiếng cười ngắt giữa chừng, nét mặt cậu trầm ngâm một lúc. Cô Trang nói đúng đó, cái ăn thể hiện phần nào văn hóa của một dân tộc. Cậu nói. Trang kể cho Ta Ku Nô về thú ẩm thực của người Việt, người sống ở Nam Bộ, rất phong phú. Ta Ku Nô nghe chăm chú và nói: “Chừng nào rảnh các bạn dẫn tôi về thăm miệt vườn với nhé”. Không bao lâu, không khí trong văn phòng chúng tôi trở lại nếp cũ. Trước giờ làm việc sáng, đám con trai pha trà, vừa nhâm nhi vừa tán chuyện, các cô gái mang bánh trái vào phòng nhấm nháp, không khí trở nên nhộn hẳn. Ta Ku Nô bổ nhiệm Trang làm kế toán trưởng. Chỉ thời gian ngắn, Ta Ku Nô hòa nhập với chúng tôi. Đấy tôi đã bị các bạn đồng hóa rồi đó. Ta Ku Nô thú nhận. Sau giờ làm việc, cậu thường hỏi: - Chiều nay, chúng ta sẽ đi thưởng ẩm món gì, các bạn nhỉ? Thưởng ẩm, nghĩa là thưởng thức món ăn, là từ do Ta Ku Nô sáng tạo từ từ ẩm thực. Chúng tôi dừng công việc để thảo luận nên chọn món ăn gì và cuối cùng dành cho chàng trai xứ hoa anh đào quyết định. Ta Ku Nô khoái đến những quán có đông người ăn. Tôi rất thích nhìn mọi người chúc tụng vui đùa, người Việt đã biến ăn uống thành một lễ hội. Ở những nước công nghiệp phát triển như nước tôi, do áp lực thời gian, người ta thường dùng thức ăn nhanh, nuốt vội, ăn uống chỉ cốt để lấy sức làm việc, chứ không phải thưởng thức miếng ngon và tiếp nhận ở góc độ văn hóa. Này, khi ăn con người ta cũng bộc lộ được tính cách đấy. Ta Ku Nô nói. Tôi thích ngắm Ta Ku Nô khi đã ngấm hơi
- men, vẻ mắt cậu hơi ửng nheo lại, tay nhẹ chống cằm, nhìn chăm chú vào ai đó, một gương mặt thật trí thức, giọng nói chậm rãi, pha chút hài hước, cung cấp cho người nghe nhiều thông tin mới lạ. Bây giờ, Ta Ku Nô đã trở nên thông thạo thú ăn uống đất này lắm rồi. Cậu tỏ ra nghiền các món đặc sản đồng quê, lẩu mắm có hương vị đậm, với những khúc cá tra, cá bông lau, ốc nhồi, tôm thẻ, tất cả cho vào cái nồi to đặt trên bàn, nước sôi bùng bục, và những rổ rau xanh, rau má, rau cù nèo, rau nhút, vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng, vì lạ miệng. Món cá lóc nướng trui, những con cá lóc bông cỡ một, hai ký cắm vào que, hun bằng lửa rơm, cuốn bánh tráng Trảng Bàng phơi sương kèm theo bún Thủ Đức cọng trắng nõn. Món thịt rùa, rùa để nguyên con làm sạch, cắt tiết, ướp gia vị, lật ngửa lên cái bếp là ba hòn đá chụm nhau, rồi đốt cho đến chín, gỡ ra nhắm với rượu Gò Đen, ngon tưởng chừng nuốt lưỡi! Thịt rùa rang muối ớt, ăn với cơm gạo nàng hương thổi bằng niêu đất, ăn đến căng rốn vẫn còn thèm. Thịt chuột đồng nướng xé phay chấm muối tiêu, cá trê nướng trộn nước mắm gừng, chim bồ câu đất nướng lu, bê gác tréo nướng than là những món nếm một lần nhớ suốt đời. Đó là những món ăn do người mở đất cách đây hơn ba trăm năm sáng tạo nên, thời đầu người ta sống giữa đồng không mông quạnh, nồi niêu thiếu nên thường nghĩ ra cách nướng thức ăn, đấy anh. Trang nói với Ta Ku Nô vậy. Và cô kể cho Ta Ku Nô về sự hình thành của vùng đất Nam Bộ cách đây đã ba thế kỷ, nơi hội tụ dân từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, thế hệ đến đầu tiên phát cây lập ấp, dọn năn lác sình lầy, đào kênh thau nước mặn ra biển, dẫn nước ngọt vào, tạo nên những cánh đồng nối tận chân mây. Sự giàu có của nguồn hải sản, muông thú, gia súc, gia cầm, nguyên liệu chế biến các món mang hương vị đất phương Nam. Ta Ku Nô tỏ ý thích thú và cảm phục trước sự hiểu biết khá sâu của cô gái trẻ đẹp này. Rồi những bữa ăn đặc sản diễn ra không chỉ vào tối cuối tuần mà cả những trưa đầu tuần, giữa tuần. Trước kia, tuy không quy định, nhưng chúng tôi thường ý tứ thanh toán tiền theo phương thức xoay vòng. Giờ đây tiệc tùng triền miên vậy lương đâu cho đủ. Biết vậy, Ta Ku Nô bảo để cậu và Trang lo. Thảy chúng tôi đều ngạc nhiên khi thấy Trang cầm những xấp tiền dày, toàn giấy bạc mệnh giá năm trăm ngàn, trả cho nhà hàng. Cô nàng hào phóng đến độ chúng tôi băn khoăn, một người trước kia thu nhập chỉ bằng lương, phải tính toán chi li khi tiêu xài,
- bỗng dưng phóng tay đến thế là khó tưởng tượng nổi. Trang lấy tiền đâu ra nhiều vậy. Các bạn cứ việc ăn uống thoải mái, đừng hỏi tiền đâu ra. Kế toán trưởng Trang vặc chúng tôi vậy. Ta Ku Nô nhìn Trang nháy mắt, gật đầu. Hai người yêu nhau có tín hiệu riêng làm sao tụi tôi hiểu nổi. Đôi trai tài gái sắc đã yêu nhau. Ai cũng bảo họ sẽ xứng đôi vừa lứa. Đợt lễ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam và quốc tế lao động kèm theo hai ngày cuối tuần được nghỉ cả thảy bốn ngày, Trang đưa Ta Ku Nô về thăm miệt vườn. Khi trở lên, họ mang theo không biết cơ man nào là trái cây và mực khô, cá khô, và các loại mắm. Chúng tôi tổ chức những bữa nhậu xuyên ngày, thâu đêm. Cho đến khi công ty mẹ cho người sang kiểm toán phát hiện thất thoát gần năm trăm triệu đồng, trong đó phần lớn là tiền hóa đơn giá trị gia tăng, chúng tôi bàng hoàng. Trang cúi đầu nói: - Xin thề với các bạn, nếu tham nhũng tôi và Ta Ku Nô sẽ bị trời bắt không lấy được nhau! Tôi gắt: - Vậy số tiền đó chạy đi đâu? Trang nói: – Chúng tôi đã chi vào các cuộc nhậu. – Chẳng lẽ nhậu hết gần nửa tỷ? Trang nhìn chúng tôi khắp lượt, nói chậm rãi: - Trung bình mỗi lần chúng ta đi nhậu hết chừng một triệu đến hai triệu, mỗi tuần ba, bốn cuộc, rồi còn trái cây, bánh mứt điểm tâm giữa buổi làm việc. Đấy, các bạn tính giùm đi. Còn phải tính toán gì nữa, chúng tôi dư sức xài hết chừng ấy tiền. Đúng là miệng ăn núi lở. Bây giờ biết tính sao? Chúng tôi ngó nhau, ngượng đến chín mặt. Tôi nói: - Tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm vụ này, cần góp tiền đền bù. Nhưng Ta Ku Nô đã quả quyết: - Các bạn không phải đền gì cả. Tôi xin lãnh hết. Chúng tôi cảm phục tinh thần có tính chất võ sỹ đạo đó. Trang cho chúng tôi hay, đó là tính cách người Nhật, sẵn sàng nhận tội lỗi, có khi tự mổ bụng, phanh thây để tỏ lòng
- trung quân ái quốc, hy sinh cho tình yêu, cho bạn bè, chứ không trút bỏ trách nhiệm cho người khác. Nhưng nỗi lo và lòng thương Ta Ku Nô khiến chúng tôi không yên tâm. Chúng tôi họp kín bàn sẽ tìm cách gửi lại cho Ta Ku Nô một số tiền, tuy không đủ số thất thoát, nhưng đỡ gánh nặng cho cậu. Nhưng rồi đột ngột Trang thông báo, cậu đã bị bố triệu về nước gấp, đã lên đường tối hôm qua. Sao cậu không cho chúng tôi biết? Khi đến, đón tiếp nồng nhiệt ra đi như kẻ trốn chạy, chẳng ra làm sao. Anh ấy gửi lời chào các bạn và cảm ơn tình cảm mọi người dành cho anh trong thời gian vừa qua. Trang nói. Từ khi Ta Ku Nô về nước, tinh thần Trang như bị một cú thôi động dữ dội, mặt cô rộc đi, không bao giờ trò chuyện với ai. Mối tình với chàng trai xứ Phù Tang cũng đã thành mây khói là nỗi thất vọng, sự đổ vỡ lớn nhất của đời một ngườicon gái còn gì. Phải, bao nhiêu năm họ gắn bó, thề ước, nay bỗng chốc hai người ở hai nước, Ta Ku Nô chắc bị bố cấm vận, bao giờ mới sang được đất này, họ sẽ xa nhau vĩnh viễn, không buồn đau sao được. Nhiều lúc thấy Trang dừng làm việc, ngó ra chân trời phía Đông, mặt thẫn thờ, chắc cô đang nhớ đến anh chàng xứ Phù Tang ấy. @ Một người khác được cử làm giám đốc đại điện. Thời gian qua đi, mọi việc vào thế ổn định, văn phòng chúng tôi trở lại bình thường. Các cuộc liên hoan, ăn uống vẫn tiếp diễn vì đã thành thói quen không thể bỏ nổi, nhưng mỗi tuần chỉ một lần, vì từ khi giá cả tăng đột biến, lương chúng tôi chỉ đủ chi tiêu cho cuộc sống gia đình, không còn dư. Có những chiều thứ sáu, cả nhóm tính đến quán nào đó làm một chầu nhưng mọi người đều cạn tiền, gom lại cũng chả đủ, chúng tôi đành chép miệng và nhớ lại ngày có chàng trai xứ Phù Tang. Đó là thời hoàng kim của văn phòng chúng tôi. Nhưng rồi thời gian cũng khiến bọn tôi quên Ta Ku Nô, thời này biết bao sự việc dồn dập đến, cuốn con người ta đi, chẳng ai nhớ gì được lâu. Trong khi những cuộc trò chuyện chúng tôi dường như không còn nhắc đến Ta Ku Nô nữa, một hôm Trang đến cơ quan, đôi mắt lấp lánh, giọng cô hồi hộp thông báo: - Hai hôm nữa anh Ta Ku Nô sẽ qua đây làm việc lâu dài. Anh ấy rất muốn được gặp chúng ta ở ngay sân bay.
- Trang cho chúng tôi biết thời gian chàng trai xứ Phù Tang ấy đáp xuống sân bay. Dứt lời, cô xuống thang máy. Từ đó, Trang không thể làm việc nổi, đến cơ quan một lát, rồi lại chạy đi, chừng vài giờ sau nhào về, ngồi thừ ra trước máy vi tính một lúc, lại xách túi chạy đi. Đúng hẹn, chúng tôi náo nức ra sân bay đón Ta Ku Nô. Trang mặc áo dài trắng, cổ đeo chuỗi ngọc, những viên ngọc trai xanh lấp lánh. Anh Ta Ku Nô tặng mình đấy, anh ấy bảo muốn nhìn mình như một cô học trò trung học phổ thông. Cô nói, giọng hồn nhiên như thiếu nữ vừa vào tuổi mười bảy. Mà Trang đã tầm đâu được chín búp sen trắng còn vương những giọt nước. Các cậu biết không, hồi chúng mình đi du lịch ở đồng bằng, anh Ta Ku Nô rất thích ngắm những hồ sen. Trong các loài hoa anh ấy thích nhất sen. Kìa, Ta Ku Nô đã hiện ra ở nhà ga, vẫn cái dáng đĩnh đạc như một chính khách, áo vét tông xám, áo lót cổ cồn thắt cà vạt vàng, khuôn mặt sáng và nụ cười ngạo mạn của một người thành đạt. Hình như cú vấp ấy đã khiến nét mặt cậu từng trải hơn, già dặn hơn. Cậu đón lấy bó hoa từ tay Trang và hai người thì thầm với nhau chuyện gì, cả hai quay sang chúng tôi, cười rạng rỡ. Trên đường từ sân bay về cơ quan, Ta Ku Nô cho biết: - Ngày từ bên này trở về, tôi đã chuẩn bị tinh thần vào tù, may sao gia đình tôi có vốn lớn ở công ty ấy, cha tôi là chủ tịch hội đồng quản trị, có người cha nào nỡ nhốt con vào nhà lao, đúng không? Cha tôi đã bồi thường thiệt hại cho công ty. Nhờ vậy mà tôi thoát khỏi vòng lao lý. Nhưng ông rất giận tôi, ông trừng phạt tôi bằng cách đuổi tôi ra khỏi công ty. Ở nước tôi, cha tống con ra khỏi công ty, xí nghiệp là chuyện bình thường. Tôi lâm vào tình cảnh khó khăn một thời gian, nhưng tôi đâu chịu đầu hàng số phận, tôi vào học một lớp đào tạo dịch vụ bán lẻ, sau khi tốt nghiệp tôi được một hãng sản xuất điện thoại di động mời làm việc. Khi biết tôi thông thạo tiếng Việt, đã từng công tác ở Việt Nam, họ cử tôi sang đây làm trưởng chi nhánh phân phối bán lẻ. Bước xuống sân bay, tôi tưởng như mình về nhà vậy. Chúng tôi thích thú reo lên. Ta Ku Nô nói tiếp: - Các bạn biết không, ở nước chúng tôi áp lực công việc rất lớn, muốn có việc làm ổn định, phải có năng lực cao, cho nên người nào cũng phải học thêm, luôn phải cập nhật
- kiến thức mới, cường độ làm việc cũng rất căng, cuối ngày về đến nhà người mệt nhoài, có khi lăn ra ngủ, đầu óc mụ mị đi. Đời sống chúng tôi khá cao, nhưng nhiều người cảm thấy lẻ loi, cô đơn, có phải do cuộc sống quá hiện đại, con người sống lạnh lùng không? Và ngày nào tôi cũng phải dùng thức ăn công nghiệp, ăn nhanh, nên tôi nhớ quay quắt những món ăn giàu hương vị đồng quê ở bên này. Tôi nhớ đến những buổi tối trời Sài Gòn mát rượi, chúng ta bù khú, hò hét ở hàng quán đến tận khuya. Tôi nghiệm ra, con người ta phải sống thật thoải mái, không bị áp lực nào cản trở, có nhiều bạn bè tụ hội vào những ngày nghỉ, đó là hạnh phúc lớn nhất của đời người. Ta Ku Nô nói tiếp, khi về Nhật, tự nhiên cậu thường mắc bệnh trầm cảm, lúc nào cũng thấy khó chịu. Không phải riêng tôi, nhiều người từng sang đây công tác nhiều năm, khi trở về bên đó cũng thường như vậy, nhưng khi họ sang lại đây, lại hết bệnh. Nhiều người cho rằng, ở Việt Nam con người gần gũi nhau, luôn hòa đồng với nhau nên đời sống tinh thần phong phú hơn, đúng vậy chăng? Rồi cậu đưa mặt nhìn chúng tôi khắp lượt, cái nhìn thật thân thiết: – Tôi sẽ công tác ở bên này lâu dài, nếu có điều kiện sẽ xin định cư ở đây luôn. Tôi đã bàn với Trang mua nhà trả góp ở chung cư cao cấp. Này, rồi cuối những buổi chiều chúng ta sẽ tụ tập ở các quán đặc sản nhé. Ngay chiều nay, tôi muốn được mời các bạn đến làng nướng Nam Bộ, bây giờ đang là mùa tôm càng xanh, phải không? Chúng ta sẽ dùng món tôm nướng, tôm hấp nước dừa, tôm xào lăn, lẩu tôm? Các bạn chớ lo, đây là tiền lương tôi ứng trước ba tháng, chứ không phải tiền bán hóa đơn giá trị gia tăng như dạo đó đâu. Mà hồi đó chúng ta ngây thơ, dại dột quá. Từ nay chúng ta sẽ tạo thêm thu nhập bằng sức lao động, thiếu gì cách làm ra đồng tiền chân chính, phải không?
ADSENSE
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
Thêm tài liệu vào bộ sưu tập có sẵn:
Báo xấu
LAVA
AANETWORK
TRỢ GIÚP
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn