intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Chế tài phạt vi phạm và các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm trong hợp đồng thương mại

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

56
lượt xem
9
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng và các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, từ đó đề xuất hướng khắc phục cho những bất cập, hạn chế được tìm thấy nhằm bảo vệ quyền lợi cho các thương nhân trong quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt trong bối cảnh xem xét sửa đổi Luật thương mại như hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Chế tài phạt vi phạm và các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm trong hợp đồng thương mại

  1. CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI Ths. Trần Linh Huân1 Trần Thị Diện2 Tóm tắt: Bài viết tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về chế tài phạt vi phạm hợp đồng và các trường hợp miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, từ đó đề xuất hướng khắc phục cho những bất cập, hạn chế được tìm thấy nhằm bảo vệ quyền lợi cho các thương nhân trong quá trình thực hiện hợp đồng, đặc biệt trong bối cảnh xem xét sửa đổi Luật thương mại như hiện nay. Từ khóa: Phạt vị phạm, chế tài, miễn trách nhiệm, vi phạm, hợp đồng thương mại. Abstract: The article focuses on researching, analyzing and evaluating the legal provisions on sanctions for breach of contract and cases of exemption from liability due to breach of contract, thereby proposing a remedy for the shortcomings and limitations found to protect the rights of traders during the performance of contracts, Especially, in the context of considering amendments to the commercial law as it is now. Keyword: Penalties for violations, sanctions, immunity from liability, violations, commercial contracts. 1. Đặt vấn đề Trong những năm qua Việt Nam rất tích cực tham gia đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới. Kéo theo đó là sự phát triển đa dạng của hoạt động trao đổi, mua bán trong thực tế và sự phát triển của chế định hợp đồng trong hệ 1 Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh 2 Chuyên viên pháp lý, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ FWD 306
  2. thống pháp luật quốc gia. Bên cạnh sự thiện chí và tôn trọng nghĩa vụ trong hợp đồng được phát huy thì việc một bên hoặc các bên không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ trong hợp đồng là điều thường xuyên diễn ra. Do đó, cần có chế tài để phòng ngừa và răn đe những bên có hành vi vi phạm, một trong số đó là chế tài phạt vi phạm. Qua nhiều năm thực hiện quy định Luật thương mại 2005, bên cạnh những điểm tích cực cũng có những hạn chế nhất định liên quan đến chế tài phạt vi phạm và các căn cứ miễn trách nhiệm khi có vi phạm xảy ra. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả trong việc đảm bảo sự phát triển lành mạnh của hoạt động thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể tham gia vào quan hệ thương mại cũng như xử lý các vấn đề vi phạm xảy ra trong hoạt động thương mại. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá chỉ ra những điểm hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về chế tài phạt vi phạm và miễn trách nhiệm đối với vi phạm trong hoạt động thương mại, từ đó đưa ra những đề xuất kiến nghị để hoàn thiện là điều rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. 2. Khái quát về chế tài phạt vi phạm và miễn trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng trong Hợp đồng thương mại Bản chất của Hợp đồng nói chung là sự thỏa thuận giữa các bên để làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Dưới sự điều chỉnh của Luật thương mại 2005 đã hình thành khái niệm về “Hợp đồng thương mại”, phân biệt với “Hợp đồng dân sự” theo nghĩa rộng. Theo đó, những đặc trưng cơ bản của Hợp đồng thương mại xuất phát từ yếu tố chủ thể và lĩnh vực hoạt động, cụ thể đây là hợp đồng mà trong đó ít nhất một bên là thương nhân nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện các hoạt động thương mại. Điều khoản về chế tài áp dụng khi vi phạm trong các hợp đồng thương mại chính là điều kiện đảm bảo cho những nội dung các bên thỏa thuận được thực hiện một cách đầy đủ và triệt để. Khoản 12 Điều 3 Luật thương mại 2005 đưa ra khái niệm vi phạm hợp đồng: “Vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này”. Như vậy, chế tài do vi phạm hợp đồng thương mại là hình thức chế tài áp dụng đối với các chủ thể không thực hiện hay thực hiện không đúng, không đầy đủ các cam kết theo hợp đồng, theo đó bên có hành vi vi phạm hợp đồng thương mại phải gánh chịu một hậu quả 307
  3. pháp lý bất lợi do hành vi vi phạm của mình gây ra. Luật thương mại liệt kê sáu hình thức chế tài và các hình thức khác do các bên trong hợp đồng thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật, bao gồm: Buộc thực hiện đúng hợp đồng; phạt vi phạm; buộc bồi thường thiệt hại; tạm ngừng thực hiện hợp đồng; đình chỉ thực hiện hợp đồng và huỷ bỏ hợp đồng. Trong đó phạt vi phạm hợp đồng là một chế tài có tính ứng dụng cao trong quá trình thực hiện hợp đồng. Trên thế giới , mặc dù hệ thống Luật Anh – Mỹ hay Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (sau đây gọi tắt là Công ước viên năm 1980) đã không có bất cứ đề cập nào đến chế tài phạt vi phạm hợp đồng mà chỉ có khái niệm bồi thường thiệt hại (damages), vốn mang tính đền bù chứ không nhằm trừng phạt bên vi phạm, nhưng pháp luật Việt Nam đã sớm ban hành các quy định về vấn đề này trong các văn bản như Luật thương mại năm 1997, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 và Bộ luật Dân sự 2005, 2015 và Luật thương mại 20053. Cụ thể tại Điều 300 Luật thương mại 2005, quy định: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”. Chế tài phạt vi phạm là một loại chế tài gây bất lợi cho người có hành vi vi phạm, được thỏa thuận giữa các bên về một mức phạt nhất định khi có hành vi vi phạm mà ở đó các bên dù có lỗi hay không có lỗi vẫn phải chịu hậu quả bất lợi này.4 Cơ sở để áp dụng phạt vi phạm cần phải dựa vào các yếu tố sau: (i) Áp dụng trên cơ sở có hành vi vi phạm hợp đồng thương mại; (ii) nội dung gắn liền với các nghĩa vụ về vật chất hay trách nhiệm tài sản; (iii) do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng hoặc do bên bị vi phạm áp dụng trên cơ sở pháp luật và quy định trong hợp đồng. Để xem xét một bên có phải áp dụng chế tài phạt vi phạm hay không ngoài việc xét đến các yếu tố cấu thành còn phải xem xét các căn cứ miễn trách nhiệm liệu có áp dụng khi xảy ra vi phạm hay không. Bản chất các trường hợp miễn trách là những trường hợp giải phóng cho bên vi phạm khỏi những trách nhiệm pháp lý mà theo thỏa thuận họ sẽ phải gánh chịu các chế tài nhất định, trong đó có phạt vi phạm. 3 Trịnh Ngọc Thùy Trang (2018), Mức phạt vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam hiện nay và một số đề xuất, Tạp chí Khoa học kinh tế, số 6(02), tr. 128. 4 Lê Trung Thảo (2009), Tài liệu nghiên cứu pháp luật về thương mại, NXB Thời Đại, Hà Nội, tr.278. 308
  4. 3. Bất cập và kiến nghị về mức phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại Theo quy định tại Điều 301 Luật thương mại 2005 về mức phạt vi phạm: “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.” Với quy định này có thể hiểu rằng, các bên có thể thỏa thuận về mức vi phạm tuy nhiên mọi thỏa thuận mức phạt từ 8% giá trị phần nghĩa vụ vi phạm đều không có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Riêng đối với dịch vụ giám định, trường hợp kết quả giám định sai do lỗi cố ý thì chịu phạt theo mức đã thỏa thuận nhưng không quá mười lần thù lao dịch vụ giám định theo Khoản 1 Điều 266 Luật thương mại 2005. Đối chiếu quy định trên với khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015: “Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa luật chung và luật chuyên ngành. Trong khi đó, phạt vi phạm là thỏa thuận xuất phát từ ý chí, tự do, tự nguyện giữa các bên. Mục đích áp dụng chế tài này là nhằm phòng ngừa và răn đe các hành vi vi phạm. Thay vì mang tính chất khuyến nghị để các bên có cơ sở thỏa thuận thì với cách quy định như hiện nay của Luật thương mại 2005 sẽ hạn chế quyền tự do định đoạt, tự do thỏa thuận giữa các thương nhân trong hoạt động thương mại. Đặt trong bối cảnh mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế như hiện nay, xu hướng kỹ thuật lập pháp nên quy định theo hướng mở hơn là đặt trong sự khép kín và tham gia quá sâu vào quan hệ thương mại giữa các chủ thể. Xét đến thực tế, trường hợp có nhiều hành vi vi phạm trong cùng một hợp đồng xảy ra cùng thời điểm thì với quy định trên tổng mức phạt vẫn không được vượt quá 8%. Hơn nữa, khi có thiệt hại đáng kể hay có hậu quả nghiêm trọng như thế nào do hành vi vi phạm gây ra thì bên vi phạm chỉ phải trả số tiền tối đa trong giới hạn đó, điều này liệu có đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của bên bị vi phạm đáng được hưởng. Đặt trong nhiều trường hợp, đặc biệt với những hợp đồng phức tạp và có giá trị lớn, quy định về “ngưỡng giới hạn tối đa” của mức phạt là chưa thật sự hợp lý. Sẽ không tránh khỏi trường hợp, một bên vì thấy mức thiệt hại do phạt vi phạm nhỏ hơn so với lợi ích họ đạt được khi vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm sẽ thực hiện một cách “cố ý”, do đó mục đích răn đe cũng không thể đạt được. 309
  5. Từ những nhận xét và phân tích nêu trên, nhóm tác giả đề xuất cần sửa đổi quy định về mức phạt vi phạm hiện hành, trao quyền tự do thỏa thuận về mức phạt cho các bên tham gia thực hiện hợp đồng. Theo đó, các bên tham gia hợp đồng có thể tự ấn định một số tiền hoặc đưa ra cách thức tính tiền phạt linh hoạt dựa theo tỷ lệ phần trăm giá trị phần hợp đồng vi phạm trong từng trường hợp cụ thể tùy theo tính chất của hợp đồng đó. Điều này cũng sẽ phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 và hướng áp dụng quy định pháp luật theo Công văn số 48/BXD-KTXD ngày 03 tháng 9 năm 2019 mà Bộ xây dựng trả lời về trường hợp các bên được quyền áp dụng mức phạt theo thỏa thuận là 20% giá trị hợp đồng trong hợp đồng xây dựng công trình không sử dụng vốn nhà nước và không áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật xây dựng 2014 giới hạn mức phạt là 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Khi đã lược bỏ “ngưỡng giới hạn tối đa” của phạt vi phạm, nếu xảy ra tình huống các bên thỏa thuận mức phạt quá lớn (ví dụ trên 100% giá trị vi phạm) và sau đó một bên cố tình gây ra các trở ngại làm cho bên kia không thể thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng nhằm hưởng trọn giá trị phạt vi phạm mà hai bên đã thỏa thuận, quy định sửa đổi nên tạo cơ chế trao quyền cho Tòa án để có thể hạ mức phạt vi phạm của các bên dựa trên những căn cứ hợp lý. Theo nhóm tác giả, việc điều chỉnh mức phạt sẽ căn cứ trên: (i) Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận vượt quá 100% giá trị phần nghĩa vụ vi phạm; (ii) Thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm không có hoặc không tương xứng với mức phạt thỏa thuận. Mặc dù pháp luật hợp đồng hiện hành không có căn cứ xác định vi phạm hợp đồng là phải có thiệt hại xảy ra, nhưng khi thay đổi “ngưỡng giới hạn tối đa” của chế tài phạt vi phạm và trao quyền điều chỉnh mức phạt cho Tòa án, một mặt sẽ đảm bảo được nguyên tắc tự do thỏa thuận theo ý chí của các bên trong từng loại hợp đồng và tính chất của loại hợp đồng đó, mặt khác sẽ cần có điều khoản quy định về biện pháp hạn chế trường hợp bên vi phạm trở thành “bên bị vi phạm ngược” do hành vi cố tình của bên kia. Cần lưu ý rằng, việc đặt ra thiệt hại thực tế chỉ nhằm mục đích xem xét giảm mức phạt hay không trong trường hợp cần thiết chứ không phải là căn cứ để các bên xác định yêu cầu phạt vi phạm. 310
  6. Từ những lí do trên, nhóm tác giả đề xuất Luật thương mại cần có quy định cụ thể về căn cứ áp dụng chế tài phạt vi phạm, cần thay đổi về việc quy định về việc giới hạn mức phạt bằng nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của các bên, có quy định tạo cơ chế để Tòa án điều chỉnh mức phạt về mức hợp lý dựa trên các căn cứ phù hợp. Nếu pháp luật điều chỉnh theo hướng đó, thiết nghĩ sẽ góp phần làm rõ ràng hơn các quy định áp dụng chế tài phạt vi phạm, tránh những hiểu nhầm và áp đặt những điều kiện không cần thiết cho các bên, đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng phù hợp trong bối cảnh hội nhập hiện nay. 4. Bất cập và kiến nghị về các trường hợp miễn trách nhiệm do hành vi vi phạm Trên thực tế, hầu hết các thương nhân đều mong muốn tuân thủ theo đúng nghĩa vụ đã giao kết trong hợp đồng để có thể hưởng tối đa các quyền lợi của mình theo thỏa thuận với đối tác. Tuy nhiên không tránh khỏi những tình huống khách quan mà một trong các bên đều có nguy cơ hoặc chấp nhận vi phạm hợp đồng. Xuất phát từ những tình huống thực tế đó, Luật thương mại 2005 cũng đặt ra các trường hợp nhằm tạo cơ sở cho việc loại trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng tại Khoản 1 Điều 294, cụ thể Bên vi phạm hợp đồng chứng minh được mình rơi vào một trong các trường hợp miễn trách nhiệm sau đây: (a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; (b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; (c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng Tuy nhiên việc liệt kê như trên mà không đưa một khái niệm hay điều kiện thống nhất để áp dụng thì cũng gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Xét một số trường hợp còn bất cập như sau: (i) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận. Trường hợp này thể hiện sự tôn trọng tự do ý chí của các bên trong việc giao kết hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, trong thực tiễn sẽ có nhiều trường hợp, một bên lợi dụng sự tồn tại của những thỏa 311
  7. thuận miễn trừ này để cố ý vi phạm hợp đồng mà không chịu trách nhiệm phạt vi phạm hay các chế tài khác. Người bị thiệt hại gián tiếp từ sự cố ý lợi dụng thỏa thuận hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, không có quyền yêu cầu phía bên kia bồi thường thiệt hại5 cũng như phạt vi phạm. Xem xét các tình huống sau đây: Tình huống 1: Trong hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa Bên bán và Bên mua A (cũng là thương nhân), các bên thỏa thuận cho phép Bên bán sẽ không phải chịu trách nhiệm phạt vi phạm hợp đồng nếu giao hàng chậm không quá 15 ngày làm việc. Thời điểm giao hàng sẽ là ngày 01/10/2020. Tuy nhiên, đến ngày 30/09/2020, Bên bán đã có đủ hàng để chuẩn bị giao cho Bên mua, tuy nhiên cùng ngày Bên bán nhận được lời đề nghị từ Bên mua B yêu cầu bán lô hàng đó với giá cao gấp đôi so với giá đã thỏa thuận trong hợp đồng với Bên mua trước đó. Vì lợi nhuận, Bên bán đã lợi dụng thỏa thuận miễn trừ với Bên mua A để bán số hàng đó cho Bên mua đến sau là B. Đến ngày 15/10/2020, Bên bán mới giao cho Bên mua A, tuy nhiên lúc đó thị trường đã không còn có nhu cầu đối với mặt hàng này so với thời điểm hai tuần trước đó và buộc phải bán giá thấp hơn, Bên B chịu thiệt hại đáng kể đối với khoản lợi nhuận bị bỏ lỡ do vi phạm từ Bên bán. Đối chiếu với quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 294 của Luật thương mại 2005, Bên bán sẽ không phải chịu trách nhiệm trước Bên mua A do đã có thỏa thuận miễn trừ trong hợp đồng, như vậy quyền lợi của Bên mua A sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Liên quan đến điều khoản này, tại Khoản 3 Điều 276 Bộ luật dân sự Đức6 quy định Bên vi phạm sẽ không được miễn trừ trách nhiệm trong Hợp đồng nếu đó là vi phạm cố ý hay nói cách khác nếu một bên cố tình vi phạm thì điều khoản đã thỏa thuận không có giá trị pháp lý thi hành. Điều 476 Bộ luật dân sự Đức cũng quy định về trường hợp người bán cố tình im lặng và không thông báo cho người mua về những khiếm khuyết của hàng hóa mà người bán đã biết trước thì việc áp dụng miễn trách nhiệm sẽ không được chấp nhận. Các quy định này đều nhằm đảm bảo việc áp dụng các trường hợp miễn trừ được chặt chẽ và bảo vệ quyền lợi cho bên bị thiệt hại một cách công bằng và hiệu quả hơn. 5 Dương Anh Sơn, Thoả thuận hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, Nghiên cứu lập pháp, Số 03/2005, tr. 44 - 47. 6 Bộ luật Dân sự Đức được dịch từ tiếng Anh do Bộ tư pháp Liên Bang Đức cung cấp, https://www.gesetze-im- internet.de/englisch_bgb/englisch_bgb.html#p0832, truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2021. 312
  8. Tình huống 2: Trong Hợp đồng mua bán hàng hóa các bên có thỏa thuận người bán sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa cho đến khi hàng hóa được giao tại kho của người mua, sau khi người mua đã ký nhận vào biên bản giao nhận hàng hóa người bán sẽ không chịu trách nhiệm về lô hàng đã giao. Sau khi đã nhận hàng, người mua mới phát hiện hàng hóa có khiếm khuyết trước thời điểm chuyển giao và có căn cứ hợp lý để cho rằng người bán đã biết về những khiếm khuyết này mà không thông báo cho người mua. Với quy định hiện tại ở Điểm a Khoản 1 Điều 294 Luật thương mại nêu trên thì trong trường hợp này rất khó để người mua có thể áp dụng quyền yêu cầu áp dụng phạt vi phạm đối với vi phạm hợp đồng từ người bán. Trong khi đó, Điều 40 và khoản 2 Điều 43 Công ước Viên năm 1980 quy định thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm do chất lượng hàng hóa không phù hợp với hợp đồng sẽ không được áp dụng cho bên bán nếu bên bán đã biết hoặc không thể không biết và họ đã không thông báo cho bên mua. Như vậy, để đảm bảo nguyên tắc công bằng, bảo vệ quyền lợi cho những bên thiện chí cần có những “cơ chế giám sát” việc áp dụng điều khoản miễn trừ thông qua những điều kiện nhất định. (ii) Xảy ra sự kiện bất khả kháng. Hiện nay việc liệt kê bất khả kháng mà không quy định có áp dụng bất khả kháng đó cho người thứ ba hay không dẫn đến sẽ gây tranh cãi trên thực tế, khi bên thứ ba liên quan trực tiếp đến một bên trong hợp đồng xảy ra sự kiện bên khả kháng và ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng của bên bị ảnh hưởng. Xem xét vụ việc sau7: Nguyên đơn là Người mua Việt Nam và Bị đơn là Người bán Ấn Độ ký kết hợp đồng mua bán xi măng số 9/95 ngày 20 tháng 9 năm 1995 theo đó Người mua mua của Người bán 20.000 MT ± 4% Xi măng Kumgang với giá 55USD/MT CNF.FO cảng Nha Trang, giao hàng vào tháng 12 năm 1995, thanh toán bằng L/C không hủy ngang, trả tiền ngay, L/C phải được mở trước ngày 30 tháng 9 năm 1995. Điều 14 Hợp đồng quy định “Nếu bất kỳ bên nào không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hợp đồng vì các trường hợp bất khả kháng như bão, động đất, lũ lụt, hoả hoạn, núi lửa phun, chiến tranh, đình công, bạo động của quần chúng, lệnh cấm của chính phủ, nhà máy sản xuất bị đóng cửa thì được miễn trách”. Điều 15 Hợp đồng quy định, “Nếu chậm giao hàng do 7 Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 130-134. 313
  9. những nguyên nhân khác với Điều 14 thì 10 ngày chậm đầu tiên không phải nộp phạt. Sau đó phạt 0,7% trị giá lô hàng cho mỗi tuần chậm trễ cho đến khi đạt tới tối đa là 3% trị giá lô hàng giao chậm.” Trên thực tế, Nguyên đơn đã mở L/C vào ngày 25 tháng 9 năm 1995 cho Bị đơn hưởng lợi. Cuối tháng 11 và cả tháng 12 năm 1995 Nguyên đơn nhiều lần giục Bị đơn giao hàng, Bị đơn vài lần liên hệ cam kết sẽ giao hàng nhưng rồi vẫn chưa giao. Sau đó, nguyên đơn kiện Bị đơn ra trọng tài và yêu cầu áp dụng các khoản phạt do chậm giao hàng theo Điều 15 Hợp đồng. Tại phiên tòa, Bị đơn lập luận rằng Bị đơn ký hợp đồng mua xi măng của nhà cung cấp thuộc nước thứ ba nhưng vì nhà cung cấp gặp bất khả kháng (nhà máy ngừng sản xuất) không giao được hàng cho Bị đơn nên Bị đơn không giao được hàng cho Nguyên đơn. Do đó Bị đơn cũng được coi là gặp bất khả kháng và được miễn trách. Giấy chứng nhận bất khả kháng do Đại sứ quán và Uỷ ban xúc tiến thương mại quốc tế của nước người cung cấp được coi là bằng chứng về bất khả kháng của Bị đơn. Phán quyết của trọng tài nhận định rằng việc Bị đơn không giao hàng là vi phạm hợp đồng do hai bên đã ký kết và lý do mà Bị đơn nêu ra không được công nhận là bất khả kháng bởi vì: Lũ lụt xảy ra ở nước người cung cấp vào tháng 8 năm 1995 là bất khả kháng đối với người cung cấp hàng cho Bị đơn theo Hợp đồng 02/95, vì Hợp đồng này ký ngày 4 tháng 7 năm 1995 mà lũ lụt xảy ra vào tháng 8 năm 1995 làm cho người cung cấp không giao được hàng cho Bị đơn. Bị đơn không trực tiếp gặp bất khả kháng vì lũ lụt không xảy ra ở nước của Bị đơn. Bị đơn (Công ty Ấn Độ) đã biết lũ lụt xảy ra ở nước người cung cấp (nước thứ ba) nhưng không tính toán kỹ, tin vào sự thông báo không có bảo đảm của người cung cấp, vẫn ký hợp đồng bán lại lô hàng cho Nguyên đơn (Công ty Việt Nam) vào ngày 20 tháng 9 năm 1995, thì phải có nghĩa vụ giao hàng theo đúng hợp đồng. Không giao được hàng cho Nguyên đơn, Bị đơn phải tự chịu trách nhiệm. Bị đơn biết lũ lụt xảy ra và hậu quả của nó trước khi ký hợp đồng thì rõ ràng lũ lụt này không phải là bất khả kháng, căn cứ miễn trách nhiệm cho Bị đơn về việc không giao hàng, bởi vì bất khả kháng phải là hiện tượng không lường trước được (không dự kiến được) vào lúc ký hợp đồng và không thể khắc phục được khi nó xảy ra. Do đó, việc áp dụng bất khả kháng nhằm miễn trách vi phạm trong vụ việc trên không được chấp nhận. 314
  10. Từ vụ việc trên có thể thấy rằng các hiện tượng tự nhiên như bão, động đất, lũ lụt, v..v.. có thể là bất khả kháng, căn cứ miễn trách cho người này nhưng chưa chắc là bất khả kháng, căn cứ miễn trách cho người khác. Muốn được thừa nhận là bất khả kháng để miễn trách thì phải chứng minh hiện tượng tự nhiên đó là hiện tượng mà các bên không lường trước được vào lúc ký hợp đồng và bên gặp phải đã không thể khắc phục được. Đồng thời phải chứng minh hiện tượng tự nhiên đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vi phạm hợp đồng. Liên quan đến tình huống này, khoản 2 điều 79 Công ước Viên 1980 quy định: “Nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do người thứ ba mà họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần hợp đồng cũng không thực hiện điều đó thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp: 1. Ðược miễn trách nhiệm chiếu theo quy định của khoản trên; 2. Nếu người thứ ba cũng sẽ được miễn trách nếu các quy định của khoản trên được áp dụng cho họ.” Như vậy, để được miễn trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 điều 79 Công ước Viên 1980, cần phải thỏa mãn hai điều kiện: (a) Người thứ ba không phải là bất kỳ người nào mà là người được bên vi phạm nghĩa vụ ký kết hợp đồng nhằm thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng; và (b) Việc không thực hiện được là do ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng chứ không phải vì lí do nào khác. Đối chiếu với quy định hiện hành đang có những bất cập nhất định liên quan đến áp dụng miễn trách nhiệm cho bất khả kháng. Do đó cần có những sửa đổi phù hợp để khắc phục những hạn chế gây ra đối với các thương nhân trong quá trình thực hiện hợp đồng và cụ thể là miễn trách phạt vi phạm khi có bất khả kháng xảy ra. (iii) Hành vi vi phạm hoàn toàn do lỗi của bên kia. Lỗi được coi là một trong những yếu tố để xác định trách nhiệm của bên vi phạm khi có vi phạm xảy ra. Ví dụ, một bên cho rằng mình không có trách nhiệm phải thanh toán khoản phạt do hành vi vi phạm gây ra bởi họ làm theo chỉ dẫn của bên bị vi phạm. Quy định này cũng tiệm cận với Công ước viên 1980 tại Điều 80, theo đó: Một bên không được viện dẫn một sự không thực hiện nghĩa vụ của bên kia trong chừng mực mà sự không thực hiện nghĩa vụ đó là do những hành vi hay sơ suất của chính họ. Tuy nhiên, khi áp dụng điều này cần lưu ý rằng việc miễn trách nhiệm 315
  11. chỉ được xét đến nếu lỗi đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra vi phạm trong hợp đồng. Sẽ không phù hợp nếu bên bị vi phạm có lỗi nhưng lỗi này không liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm. (iv) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Khác với các quy định pháp lý theo thông lệ quốc tế, Luật thương mại 2005 lại quy định thêm một trường hợp để miễn trách tại Điểm d Khoản 1 Điều 294 là hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, xem xét trong Công ước Viên 1980 và Bộ nguyên tắc Unidroit 2004 cũng không có quy định nào dẫn chiếu đến trường hợp trên ngoài quy định về bất khả kháng hay trở ngại khách quan. Xét trong thực tế nhiều trường hợp việc miễn trách tại quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 294 sẽ rất khó để áp dụng ví dụ: Bên A vi phạm nghĩa vụ giao hàng đúng hạn đối với Bên B do trước thời điểm giao hàng hai tuần Bên A bị đình chỉ giấy phép kinh doanh theo quyết định của cơ quan nhà nước xuất phát từ hành vi vi phạm hành chính của Bên A. Trong trường hợp này việc áp dụng quyết định của cơ quan quản lý nhà nước xem là căn cứ miễn trách nhiệm sẽ không thật sự phù hợp. Tại thời điểm ký kết các bên chưa biết rằng Bên A sẽ bị áp dụng quyết định hành chính, nhưng sau khi ký kết Bên A mới bị áp dụng và quyết định này xuất phát từ chính hành vi vi phạm của Bên A. Ngoài ra, để thực hiện được quy định tại điểm này sẽ cần có sự minh bạch và đảm bảo về bí mật thông tin trước khi công bố cụ thể là từ cơ quan nhà nước để đảm bảo tính công bằng rằng các bên“không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”để không dẫn đến việc một bên lạm dụng điều khoản miễn trách này mà thực hiện hành vi vi phạm. Đây cũng là một yếu tố đặc biệt cần lưu ý trong bối cảnh các hoạt động thương mại quốc tế diễn ra một cách mạnh mẽ trong khi đó việc chia sẻ và tiếp cận thông tin giữa các hợp đồng có chủ thể đến từ các quốc gia khác nhau là không dễ dàng. Từ những phân tích nêu trên, nhóm tác giả cho rằng việc quy định miễn trách nhiệm khi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng là không thực sự cần thiết. Trong thực tế tranh chấp, nếu một bên muốn viện dẫn điều khoản này thì đều phải chứng minh các yếu tố cấu thành như trường hợp bất khả kháng: việc vi phạm nghĩa 316
  12. vụ là do ảnh hưởng của sự kiện khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát, không thể lường trước hay dự đoán trước vào lúc giao kết hợp đồng, và không thể khắc phục được. Qua những bất cập đã viện dẫn và phân tích nêu trên, nhóm tác giả cho rằng pháp luật cần sửa đổi, bổ sung thêm những điều kiện mang tính nguyên tắc chung để được xem là căn cứ miễn trừ hành vi vi phạm. Trong phạm vi nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số điều kiện như sau: (i) Sự kiện vi phạm xảy ra sau khi các bên đã ký hợp đồng mà không có lỗi cố ý từ bên vi phạm; (ii) Tại thời điểm ký kết các bên không thể lường trước về sự kiện xảy ra trong tương lai; (iii) Sự kiện đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vi phạm hợp đồng; và (iv) Các bên đã áp dụng mọi trường hợp cần thiết nhưng không thể khắc phục được. Việc ghi nhận các điều kiện này sẽ đảm bảo nguyên tắc về mối quan hệ nhân quả và nguyên tắc xác định lỗi, thêm vào đó sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan giải quyết tranh chấp vận dụng khi đánh giá các căn cứ miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm. Đồng thời đối với hai trong số bốn trường hợp được liệt kê cần phải lưu ý một số vấn đề sau: Một là, với trường hợp “miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận”, cần có quy định về điều kiện công nhận thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm của các bên. So sánh pháp luật hợp đồng Cộng hòa liên bang Đức và Công ước Viên năm 1980, nhận thấy việc áp dụng căn cứ này cần có điều kiện nhất định vừa đảm bảo sự tôn trọng tự do thỏa thuận giữa các bên vừa hạn chế sự lợi dụng của một bên trong việc trốn tránh trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Theo đó một thỏa thuận về miễn trách nhiệm sẽ không có hiệu lực nếu vi phạm đó là hành vi cố ý, cần có hướng dẫn cụ thể về tính phù hợp của thỏa thuận giữa sự vi phạm và nội dung của hợp đồng. 317
  13. Hai là, với sự kiện bất khả kháng, cần làm rõ sự kiện đó xảy ra đối với chủ thể nào, có thừa nhận trường hợp bất khả kháng xảy ra đối với bên thứ ba trong quan hệ hợp đồng để làm căn cứ miễn trách hay không. Trường hợp pháp luật cho phép được áp dụng miễn trách nhiệm khi sự kiện bất khả kháng xảy ra đối với bên thứ ba thì cần đặt ra các điều kiện nhất định: (i) bên thứ ba có quan hệ mật thiết với hợp đồng thương mại giữa bên bị vi phạm và bên vi phạm; (ii) bên thứ ba là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc vi phạm hợp đồng của bên vi phạm; và (iii) bên vi phạm không thể khắc phục được. Ngoài ra, cần quy định rõ giới hạn của việc áp dụng căn cứ này, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng trốn tránh trách nhiệm của bên có hành vi vi phạm bằng cách dẫn chiếu đến các bên khác – không liên quan hoặc không hợp lý để áp dụng bất khả kháng và gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của bên bị vi phạm. 5. Kết luận Trải qua 15 năm thi hành, Luật thương mại 2005 đã có những điều chỉnh tích cực đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh ngày một lành mạnh hơn, tuy nhiên có những quy định đã không còn tương thích với xu thế hội nhập hiện nay. Do đó, việc đặt ra những yêu cầu phải xóa bỏ khoảng cách giữa pháp luật quốc gia và luật pháp, tập quán thương mại quốc tế là tất yếu, vì sự khác biệt không cần thiết chính là một rào cản trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế của đất nước. Phạt vi phạm trong hợp đồng thương mại và các trường hợp áp dụng miễn trách nhiệm tuy chỉ là hai trong số rất nhiều điều khoản của hợp đồng nhưng nó mang ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa hành vi vi phạm và giúp các bên nâng cao ý thức tuân thủ việc thực hiện hợp đồng một cách đúng đắn, phù hợp. Do đó, việc xem xét và điều chỉnh điều khoản phạt vi phạm trong Luật thương mại và các căn cứ miễn trách nhiệm theo hướng hoàn thiện hơn là điều hết sức cần thiết. Tài liệu tham khảo: 1. Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 2. Bộ luật dân sự 2015 318
  14. 3. Luật thương mại 2005 4. Luật xây dựng 2014 5. Công văn số 48/BXD-KTXD ngày 03 tháng 9 năm 2019 6. Trịnh Ngọc Thùy Trang (2018), Mức phạt vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam hiện nay và một số đề xuất, Tạp chí Khoa học kinh tế, số 6(02). 7. Lê Trung Thảo (2009), Tài liệu nghiên cứu pháp luật về thương mại, NXB Thời Đại, Hà Nội. 8. Dương Anh Sơn, Thoả thuận hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, Nghiên cứu lập pháp.Văn phòng Quốc hội,Số 03/2005. 9. Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”. 10. Bộ luật dân sự Đức được dịch từ tiếng Anh do Bộ tư pháp Liên Bang Đức cung cấp, https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/englisch_bgb.html# p0832, truy cập ngày 10 tháng 10 năm 2021. 319
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
12=>0