Mục lục<br />
Lời người dịch<br />
TỔNG LUẬN TRƯỚC KHI VÀO ĐỀ<br />
TÌNH HÌNH GIA TÔ GIÁO TẠI VIỆT NAM VÀ BANG GIAO PHÁP-VIỆT TRƯỚC 1857<br />
PHẦN MỘT: GIA TÔ GIÁO VÀ CÔNG CUỘC XÂM CHIẾM NAM KỲ<br />
CHƯƠNG I: CUỘC VIỄN CHINH NAM KỲ: MỘT VẤN ĐỀ TÔN GIÁO<br />
CHƯƠNG II: MẤT NAM KỲ VÀ THỪA NHẬN GIA TÔ GIÁO<br />
CHƯƠNG III: NỀN TẢNG GIA TÔ GIÁO CỦA VIỆC THIẾT LẬP CHẾ ĐỘ THUỘC<br />
ĐỊA PHÁP Ở NAM KỲ<br />
PHẦN HAI: CHÍNH SÁCH THUỘC ĐỊA VÀ CHÍNH SÁCH CỦA CÁC GIÁO SĨ THỪA<br />
SAI TẠI BẮC KỲ<br />
CHƯƠNG IV: HUYỀN THOẠI VỀ THUYẾT BẮC KỲ LY KHAI<br />
CHƯƠNG V: KẾ HOẠCH XÂM LĂNG CỦA ĐÔ ĐỐC DUPRÉ<br />
CHƯƠNG VI: CUỘC VIỄN CHINH CỦA GARNIER, NỘI CHIẾN VÀ CHÍNH SÁCH<br />
CỦA PHILASTRE<br />
CHƯƠNG VII: CÁC KHÓ KHĂN TRONG VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 9<br />
CHƯƠNG VIII: TỪ SỰ BẢO TRỢ ĐẾN CHẾ ĐỘ BẢO HỘ: HIỆP ƯỚC 1884<br />
PHẦN BA: ẢNH HƯỞNG CỦA CHÍNH SÁCH THỪA SAI TRÊN VIỆC TỔ CHỨC CHẾ<br />
ĐỘ BẢO HỘ<br />
CHƯƠNG IX: VĂN THƯ VÀ TIN TỨC TÌNH BÁO CỦA GIÁM MỤC PUGINIER<br />
CHƯƠNG X: TÁCH RỜI BẮC KỲ KHỎI NƯỚC AN NAM<br />
CHƯƠNG XI: CHÍNH SÁCH THỐNG TRỊ, XÂM LĂNG VÀ SÁT NHẬP<br />
LỜI KẾT: ALBERT SARRAUT VÀ SỰ NỔI DẬY CỦA PHONG TRÀO DÂN TỘC VIỆT<br />
NAM<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
Lời người dịch<br />
Tác phẩm của Giáo sư Cao Huy Thuần, ra đời cách đây 30 năm, vẫn luôn<br />
luôn mới. Bởi vì đó là một kho tàng tài liệu lịch sử. Và bởi vì công trình<br />
nghiên cứu này vẫn là sách đầu tay của ai muốn tìm hiểu lịch sử mất chủ<br />
quyền của Việt Nam hồi thế kỷ 19.<br />
Tác phẩm này trước hết là một luận án tiến sĩ quốc gia đệ trình trước Đại<br />
học Paris năm 1969[1]. Trong thời chiến tranh, một bản dịch vội vã được phổ<br />
biến hạn chế trong nước, ngoài tầm hay biết của tác giả ở xa. Năm 1988, một<br />
bản dịch lại được xuất bản rộng rãi ở Hoa Kỳ, vẫn ngoài tầm hay biết của tác<br />
giả lúc sách được phát hành.<br />
Để tài liệu lịch sử đó không bị những bản dịch vội vã diễn dịch sai lạc, và<br />
để xác nhận tính cách thuần túy khoa học của công trình nghiên cứu, tác giả<br />
xuất bản nguyên văn tiếng Pháp, năm 1990, với sự bảo trợ của Đại học Yale.<br />
Dưới nhan đề: “Les missionnaires et la politique coloniale française au Viet<br />
Nam, 1857-1914”, tác phẩm lược bỏ đoạn vào đề của luận án. Chúng tôi giữ<br />
nguyên phần vào đề ở đây và dịch theo ấn bản Yale.<br />
Nguyện vọng của tác giả là tự mình dịch tác phẩm của mình như đã dịch<br />
phần tổng luận. Sức khỏe và công việc bộn bề của ông ở Đại học Amiens<br />
không cho phép ông thực hiện ý định. Chúng tôi, thấy việc phải làm, không<br />
ngại khó khăn, tự lấy trách nhiệm cung cấp một bản dịch nghiêm chỉnh.<br />
Tất nhiên bản dịch chưa phải hoàn hảo, nhiều từ chưa được vừa ý, văn<br />
phong nhiều chỗ vẫn còn là văn dịch. Nhưng dịch những tài liệu lịch sử thì<br />
phải dịch càng sát càng tốt, nhiều khi phải hy sinh văn khí. Dịch thế nào để<br />
bản dịch vừa được đọc trôi chảy, vừa giữ nguyên sự thật lịch sử: đó là cố<br />
gắng của người dịch.<br />
Paris, tháng 11 năm 1999<br />
Nguyên Thuận<br />
<br />
TỔNG LUẬN TRƯỚC KHI VÀO ĐỀ<br />
“Truyền đạo Thiên Chúa... Điều đó có liên quan gì đến chính sách thuộc<br />
địa không? Chẳng ai trả lời rằng không, trừ khi có định kiến...”. Giám mục<br />
Guébriant, bề trên của Nha Thừa Sai Paris đã viết như vậy trong tạp chí<br />
Correspondant số 25/1/1931[2]. Ba mươi bảy năm sau, vào 1968, giữa chiến<br />
tranh nóng bỏng ở Việt Nam, một bức thư sau đây của các giáo chức ki-tô<br />
Pháp[3] được gởi đến các đồng nghiệp của họ tại Mỹ: “Phải thừa nhận rằng,<br />
vì chính sách mà các chính phủ nước họ đã áp dụng, các người ki-tô thường<br />
bị đồng hóa, trước mắt các dân tộc Á Phi, với đế quốc và thực dân, hôm qua<br />
cũng như hôm nay. Nhìn vấn đề như vậy thì đơn giản thái quá, và các giáo<br />
hội ki-tô còn phải tốn nhiều công sức lắm để tái lập sự thật. Nhưng, cho đến<br />
hôm nay, nhiều hình thức can thiệp khác của các quốc gia được xem là ki-tô<br />
lại dựng thêm nhiều cản trở mới cho việc du nhập của thánh kinh vào Á Phi.<br />
Việc ném bom ở miền Bắc Việt Nam không phải là hình thức can thiệp duy<br />
nhất, nhưng là hình thức lộ liễu nhất.”<br />
Hai giai đoạn lịch sử khác nhau, hai ngôn ngữ ki-tô khác nhau. Bề trên<br />
của Nha Thừa Sai Paris, hiện thân của tiếng nói lương tâm bình thản trong<br />
giai đoạn thuộc địa, nhấn mạnh dây liên hệ nối kết sự truyền giáo với chính<br />
sách thuộc địa, trong khi các giáo chức ki-tô Pháp, ấm ức trong mặc cảm<br />
lương tâm của thời hậu thuộc địa, muốn làm trong trắng Nhà thờ bằng cách<br />
đổ lỗi cho các quốc gia, kẻ duy nhất phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng<br />
tôn giáo để phục vụ chính sách thuộc địa. Đâu là sự thật?<br />
Tìm hiểu sự thật lịch sử đâu có phải để kết tội ai hay để gây bất hòa giữa<br />
tôn giáo này với tôn giáo khác. Ngược lại, hiểu lịch sử chính là để đừng vấp<br />
nữa những sai lầm trong quá khứ - những sai lầm đến từ bên ngoài đã làm<br />
máu chảy giữa những người con của cùng dân tộc. Tôn giáo là thiêng liêng,<br />
và tự do tôn giáo là tự do căn bản của con người. Chính vì tôn trọng sự<br />
thiêng liêng đó mà mọi lạm dụng tôn giáo vì một mục đích khác, hoặc để<br />
độc tôn, cần phải đề phòng triệt để.<br />
Việt Nam là trường hợp điển hình của lạm dụng, là ví dụ tiêu biểu của<br />
một mô hình thuộc địa lấy tôn giáo vừa làm phương tiện vừa làm cứu cánh<br />
cho thống trị. Bởi vậy, trước khi đi sâu vào lịch sử Việt Nam, tưởng cũng<br />
nên nhắc lại sơ lược mô hình đó trong bối cảnh chung của sự bành trướng<br />
thuộc địa Âu châu. Năm điểm sau đây được xem như nổi bật nhất:<br />
I. Trước hết, ai cũng thấy sự phát triển song song, trong lịch sử thuộc địa<br />
Âu châu, giữa hành động thuộc địa và hành động truyền giáo. Nói “song<br />
song” cũng không đúng hẳn, bởi vì, như một nhà ngoại giao Pháp đã nhận<br />
<br />
xét hóm hỉnh, “đó là hai đường song song vượt qua khỏi mọi luật lệ của hình<br />
học để gặp nhau hoài”[4]. Nghĩa là, bất cứ ở đâu trong thế giới Á Phi, sự<br />
truyền giáo đều được phát triển nhờ xâm chiếm thuộc địa, chiếm đóng quân<br />
sự, cắt nhượng lãnh thổ, trấn áp chính trị.<br />
Như vậy, giáo xứ Alger đã được dựng lên ở Algérie. “Sự kiện lịch sử này<br />
thật đáng ghi nhớ, bởi vì giám mục xuất hiện lại, sau nhiều thế kỷ vắng<br />
bóng, trên đất Phi châu mà ngày xưa thánh Augustin và thánh Cyprien đã<br />
từng đặt gót”[5]. Như vậy, Trung Quốc đã bị bắt buộc mở ra cho ảnh hưởng<br />
của đạo Chúa dưới áp lực của Âu châu, nhất là của Pháp, hai lần can thiệp<br />
liên tiếp để ký hiệp ước 1858, từ đó Trung Quốc phải thừa nhận cho các thừa<br />
sai toàn quyền tự do truyền đạo. Cũng như vậy, giáo hoàng Pie X tạo mọi sự<br />
dễ dàng cho việc nước Ý chinh phục Tripolitaine, ở Libye, bởi vì đó cũng là<br />
chiến tranh chống ngoại đạo. Nhà viết sử Thiên Chúa giáo Paul Lesourd viết:<br />
“Biết bao nhiêu trường hợp đã cho thấy: các thừa sai không thể làm được gì<br />
vững chắc nếu không dựa vào sự ủng hộ thông minh của quốc gia thuộc địa,<br />
dù chỉ là để bảo vệ các tín đồ tân tòng chống lại kẻ thù của họ hay chống lại<br />
tà giáo như ở châu Úc”[6].<br />
Vì lý do đó, Giáo hội Thiên Chúa công nhận rành mạch chính nguyên tắc<br />
của việc xâm chiếm thuộc địa[7]. Xâm chiếm thuộc địa là một “công trình<br />
giáo dục về kinh tế, xã hội, chính trị”, là “thực hiện chức năng đem lại văn<br />
minh do luật thiên nhiên ban cho các quốc gia tự do và có ý thức trách<br />
nhiệm”[8]. Hồng y Verdier nói rõ: xâm chiếm thuộc địa “nằm trong chương<br />
trình của Thượng Đế, như một hành động bác ái tập thể mà trong một thời<br />
điểm nào đó, một dân tộc thượng đẳng phải làm đối với các giống dân xấu số<br />
như một bổn phận phát sinh từ chính văn hóa thượng đẳng của dân tộc<br />
đó”[9]. Nói một cách khác, các nhà đạo đức Thiên Chúa giáo tìm cách biện<br />
minh cho một quyền thuộc địa ngay trong cả thời gian mà việc xâm chiếm<br />
thuộc địa bị chỉ trích toàn bộ[10].<br />
II. Từ đó, dựa vào nhau là điểm nổi bật thứ hai: nếu sự truyền giáo dựa<br />
vào đô hộ của Âu châu thì, ngược lại, sự đô hộ này, để được vững chắc, cũng<br />
phải tìm hậu thuẫn về lý thuyết cũng như về thực hành nơi các thừa sai và<br />
nơi chính tôn giáo mới.<br />
1) Trên lý thuyết, tôn giáo mới tạo tính chính đáng cho hành động thuộc<br />
địa. Về điểm này, hai giai đoạn cần được phân biệt trong lịch sử bành trướng<br />
Âu châu. Giai đoạn thứ nhất chủ yếu có tính cách tôn giáo. Từ thế kỷ 15,<br />
giáo hoàng đã đặt ra nghĩa vụ cho các nước Thiên Chúa giáo phải chinh phục<br />
để cải đạo. Như thế, ông hoàng Henri của Bồ Đào Nha, được gọi là Henri-leNavigateur vì tài vượt biển khám phá đất mới của ông, được giáo hoàng<br />
<br />