intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cho Dù Chẳng Bao Giờ Chạm Đến Được Ước Mơ

Chia sẻ: Camp_1 Camp_1 | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:6

44
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Đứng trên ban công ngóng sang nhà Giang bên kia đường là sở thích bí mật của tôi, từ hồi nhỏ xíu. Dễ hiểu thôi, nhà nhỏ bạn học cùng lớp là một tiệm bánh ngọt nổi tiếng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cho Dù Chẳng Bao Giờ Chạm Đến Được Ước Mơ

  1. Cho Dù Chẳng Bao Giờ Chạm Đến Được Ước Mơ Đứng trên ban công ngóng sang nhà Giang bên kia đường là sở thích bí mật của tôi, từ hồi nhỏ xíu. Dễ hiểu thôi, nhà nhỏ bạn học cùng lớp là một tiệm bánh ngọt nổi tiếng. Các tủ kiếng choán kín vách tường trước cửa luôn đầy ắp đủ loại bánh thơm phức mà bất kì thằng oắt nào đi ngang cũng chảy nước miếng. Tuy nhiên, đặc biệt nhất trong tủ phải kể đến ổ bánh năm tầng, được trang trí tinh xảo, xếp trên cái giá hình bậc thang, chỉ dành cho đám cưới. Cứ vài
  2. tuần, những người thợ trong nhà Giang lại thay thế một mẩu bánh cưới mới, với các họa tiết trang trí bằng kem bơ tinh xảo hơn, cầu kì hơn. Chỉ có đều hai nhân vật chính trên ổ bánh – cô dâu mặc váy xòe trắng và chú rể đóng bộ lễ phục choàng tay cạnh bên thì lúc nào cũng vậy mà thôi. Cặp đôi chán phèo này chẳng làm tôi ưa thích chút nào. Cô dâu giống hệt nhỏ Giang rụt rè khép nép, đi học mà cũng diện váy tay phồng viền gấu đăng-ten. Gã chú rễ thì bộ mặt vênh váo khiếp. Có lúc, tôi nghĩ giá như thó được cái gã ăn mặt đen kịt kia, lủm luôn vào miệng thì tốt. Sau này, theo lời Giang kể yếu xìu, tôi được biết gã chú rể được đỗ khuôn từ bột chocolate nguyên chất đấy nhé. Thỉnh thoảng sáng chủ nhật, tôi cũng có chút tiền để chạy sang đường, đàng hoàng đứng trước tủ kiếng và chọn một chiếc bánh ưng ý. Ba của Giang, ông chủ tiệm bánh, thường gắp thêm cho tôi một cái bánh vòng rắc đường, mỉm cười bằng đôi mắt buồn buồn: “Ăn nhiều cho mau lớn, chú nhóc!”. Tôi hơi cau mày. Bánh vòng rắc đường thì thích đấy, nhưng tôi chẳng thích bị coi là tên nhóc thộn. Một hôm ông chủ tiệm bánh vào túi giấy mà lại mời tôi vào hẳn phòng khách sang trọng. Kể hết công việc quan trọng cần nhờ tôi, ông nói khẽ: “Chỉ có con làm được thôi, Hiếu à. Gia đình bác chẳng biết cách nào nữa!”. Tôi ngồi im, chưa hết bàng hoàng. Làm sao mà tin được nhỏ Giang bề ngoài xinh xắn vậy mà lại bị bệnh về xương. Đã vậy, giờ đây lên lớp sáu, nó còn không chịu để người nhà đưa rước, khăng khăng đòi tự đi học một mình. Tôi gãy tai, nhăn nhó: “Nếu con đi chung với con gái, mấy thằng bạn trong lớp ngó thấy sẽ cười con, nghỉ chơi ra luôn”. Ông chủ tiệm bánh buồn thiu: “Chỉ cần con để mắt canh chừng Giang chút xíu thôi mà. Nó dễ bị té lắm. Lỡ mà như vậy, chữa trị càng thêm khó khăn!”. Tôi còn đang phân vân, ông chủ
  3. tiệm nói thêm: “Con qua nhà bác chơi thường xuyên đi, cho Giang nó quen. Con thích ăn thứ bánh nào, cứ chọn thoải mái, đừng có ngại gì hết, nghe!”. Tôi liếc mắt qua tủ bánh, “dạ” khẽ. Ba Giang đặt tay lên vai tôi: “Con hứa nhé!”. “Dạ, con hứa!”. Tôi nói còn nhỏ hơn. Đúng như tôi đoán trước, đến trường chung với nhỏ Giang quả là tai họa. Ngay lập tức, trên cửa sổ có hình vẽ nguệch ngoạc tôi và nhỏ bạn nắm tay nhau, dắt theo một bầy con lít nhít. Đứng xếp hàng dưới sân, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể giận bắn, vì đứa nào đó hét toáng “Hiếu yêu Giang” thật lớn vào tai. Đám bạn thân tẩy chay tôi dữ dội. Hết đá banh và chơi đánh nhau. Hết trao đổi truyện tranh. Hết luôn cả vụ chung tiên đi chơi game điện tử… Vấn đề là tôi đã hứa với ba Giang. Tôi phải thực hiện lời hứa. Không còn lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, người làm tôi ngán nhất chính là nhỏ Giang. Nó là một đống rắc rối chưa bao giờ làm tôi hết sửng sốt. Mặc dù tay chân lẻo khẻo, leo cầu thang một chút đã phải dựa lưng vào tường thở hổn hển, nhưng nó bướng bỉnh, nhất định không chịu để tui xách cặp giùm. Đến ngày lớp lao động ở vườn trường, Giang được miễn. Vậy mà nó vẫn khăng khăng đòi tới, hăm hở bới đất trồng cây cả buổi chiều như mọi người, dẩu rằng sau đó trời nóng bức làm nó chóng mặt, ngã lăn ra. Hôm đó, tôi phải cõng nó về tới cửa tiệm bánh, cũng mệt xỉu luôn. Lên lớp tám, tôi được sắm xe đạp để đến trường. Bao nhiêu mẫu xe thể thao, xe leo núi nhìn thích mê, cuối cùng tôi chọn kiểu xe bình thường nhất.Chỉ với chiếc xe như thế, cái yên phía sau mới đủ rộng, đủ êm và đủ an toàn để tôi chở nhỏ Giang. Dù muốn hay không thì tôi và nó vẫn thân nhau, hiểu nhau nhất. Buổi chiều, tôi ôm tập vở chạy qua nhà nó, cùng học bài, làm bài tập. Ba của Giang đặt trên bàn học một đĩa bánh trái cây, đủ loại.
  4. Nhỏ bạn đẩy qua tôi:- Của Hiếu hết đó!- Sao Giang không ăn? Ngon mà! - Các nghệ sĩ múa không được ăn bánh ngọt đâu! - Nghệ sĩ múa? – Tôi trợn mắt – Ai vậy? - Giang… – Mặt nhỏ bạn đỏ ửng – nếu như được đi học múa. - Ngớ ngẩn – Tôi cười toán lên. Vừa làm toán, tôi vừa đánh chén lần lượt từng chiếc bánh, thật ngon lành. Nói chung là nhỏ Giang ngốc hết biết. Xương cốt nó mỏng manh yếu ớt, một tháng hai lần, ba của Giang phải đưa nó vào bệnh viện làm trị liệu. Mới đây, nó phải nghỉ học hai tuần vì các cơn đau buốt liên tiếp phát ra từ trong xương. Ai cũng mong nó khỏe mạnh bằng nữa người khác thôi là tốt rồi. Thế mà nó còn mơ mộng hảo huyền làm nghệ sĩ múa kia đấy. Buổi tối, tôi đứng lên ban-công hóng gió trước khi đi ngủ. Tiệm bánh đã đóng cửa nhưng các ngọn đèn vẫn bật sáng. Những bộ bàn ghế nhỏ đã dẹp gọn. Qua cửa sổ kính, bỗng nhiên hiện ra một bóng người mặc váy xòe trắng bắt đầu lướt trên sàn gạch. Tất cả con người của Giang toát ra điều gì đó vô cùng say mê, từ cái cổ còm nhom, đôi chân gầy trơ đầu gối, cho đến đôi vai hơi co rút. Hai tay vươn cao, nó cứ xoay tròn mãi. Chỉ đến khi mệt lử, nó mới loạng choạng đến gần chiếc ghế, ngồi im, gục đầu nhìn xuống sàn. Lên lớp mười, chúng tôi vẫn học chung. Sau mùa hè, tôi bỗng cao vọt lên. Giang chỉ đứng chớm đến vai tôi mà thôi. Không còn say mê món bánh ngọt nữa, nhưng tôi vẫn thích sang nhà Giang, học bài, rủ rỉ chò truyện. Tôi siêng đọc báo, lướt web, để ý đến các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ múa nổi tiếng, rồi mua vé đưa Giang đến xem. Tôi phát hiện tiệm băng đĩa có bán đĩa ghi hình các vở ballet cổ điển lẫn hiện đại. Cầm mấy chiếc đĩa tôi mua cho, Giang thích điên. Nó cười to, đến mức tôi không thể tin rằng một cô gái gầy nhom ốm yếu lại có thể cười to đến thế.
  5. Năm ấy, ở thành phố có liên hoan phim Châu Âu. Tôi gởi thư đến hội đồng Anh, đăng ký xin hai chiếc vé xem bộ phim Billy Eliot của đạo diễn Stepen Daldry. Trong rạp, Giang say mê theo dõi hành trình trở thành diễn viên múa của chú bé Billy 11 tuổi. Mặc dù chỉ thích thú đôi chút với chi tiết cậu bé con trai người thợ mỏ đổi chiếc găng tay đấm bốc lấy đôi giày diễn viên ballet, nhưng tôi vẫn xin ông soát vé để cùng Giang ở lại trong rạp xem bộ phim thêm một lần nữa. Lúc hai đứa ra khỏi rạp phim, mặt Giang tái xanh, vì xúc động và vì cả cơn đau thình lình ập đến. Ngồi sau xe đạp, cái đầu hốc hác của nó gục vào lưng tôi. Mai này lớn lên, dù nó có ra sao đi nữa, thì tôi cũng lấy nó làm vợ. Nó sẽ là cô dâu của tôi. Đừng hòng có gã vênh váo áo đen nào xen vào. Chỉ có như thế, thì tôi mới che chắn, chăm sóc cho nó suốt đời được. Trên quãng đường về nhà, tôi chỉ nghĩ về duy nhất điều ấy mà thôi. Trong câu chuyện quan trọng mà ông chủ tiệm bánh nói với tôi ngày tôi còn bé xíu, có một chi tiết mà tôi rất sợ: Bác sĩ chẩn đoán căn bệnh tủy sống của Giang sẽ biến thành ung thư xương. Và điều đó đã xảy ra. Các khối u xuất hiện làm nó không thể nào đi lại được nữa. Cho đến ngày cuối cùng, nó nằm im co rút trên giường, thì nó vẫn nói với tôi về các bước nhảy trong không trung, làm sao thực hiện các cú xoay vòng liên tiếp mà không bị chóng mặt. Nó cố gắng cười to. Nhưng tôi thì chóng mặt khủng khiếp. Nhiều người quanh tôi thường băn khoăn tự hỏi, với năm tháng, họ đang trưởng thành hơn hay chỉ già đi? Những khi ấy, tôi lại nhớ Giang tha thiết. Nhớ đến gương mặt nhìn nghiên gầy nhom của nó sáng lờ mờ trong rạp phim. Nhớ đến đôi tay mảnh khảnh vươn cao của nó khi xoay tròn trên sàn gạch tiệm bánh ngọt. Tôi chợt hiểu, ngay cả khi biết rằng chẳng bao giờ
  6. chạm được vào ước mơ, mà vẫn nuôi dưỡng ước mơ, thì đó chính là một điều kì diệu. Và vì thế, tôi vẫn có Giang ở cạnh bên, lớn lên cùng nhau. Minh Minh (Hoa Học Trò 766) “Cho dù chẳng bao giờ chạm tới được ước mơ, nhưng ta có quyền được ước mơ. Chẳng điều gì là hoàn hảo trong cuộc đời, ước mơ không thực hiện được vì hoàn cảnh lại càng đáng quý và trân trọng hơn. Nếu như cô bé này biết bản thân không thể thực hiện được nhưng vẫn ước mơ, vẫn cố gắng thực hiện cho đến phút cuối . Điều đó bạn có cảm thấy đáng trân trọng không !? Vậy nếu bạn có ước mơ, vẫn có thể thực hiện bạn cố gắng thực hiện hay từ bỏ nó ….?”
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
7=>1