Chủ trương ngoại giao của Lý Hồng Chương trong quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên và Việt Nam (1879-1885)
lượt xem 3
download
Bài viết "Chủ trương ngoại giao của Lý Hồng Chương trong quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên và Việt Nam (1879-1885)" trình bày đôi nét về: Lý Hồng Chương; chủ trương đối với Triều Tiên, chủ trương đối với Việt Nam;... Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Chủ trương ngoại giao của Lý Hồng Chương trong quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên và Việt Nam (1879-1885)
- N. T. Hương, L. Đ. Hoàng / Chủ trương ngoại giao của Lý Hồng Chương trong quan hệ giữa Trung Quốc… CHỦ TRƯƠNG NGOẠI GIAO CỦA LÝ HỒNG CHƯƠNG TRONG QUAN HỆ GIỮA TRUNG QUỐC VỚI TRIỀU TIÊN VÀ VIỆT NAM (1879-1885) Nguyễn Thị Hương1, *, Lê Đức Hoàng2 1 Trường Đại học Vinh, Việt Nam 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội, Việt Nam ARTICLE INFORMATION TÓM TẮT Journal: Vinh University Khi các đế quốc phương Tây xâm nhập vào các nước châu Á vốn Journal of Science có quan hệ truyền thống với Trung Quốc như Việt Nam và Triều ISSN: 1859-2228 Tiên, đại thần nhà Thanh là Lý Hồng Chương chủ trương “lấy đế Volume: 52 quốc khống chế đế quốc” nhằm giữ lại vị thế của Trung Quốc Issue: 4B trong mối quan hệ với Việt Nam và Triều Tiên. Tuy nhiên, chủ *Correspondence: trương ấy của Lý Hồng Chương không những không giúp Trung huongnt@vinhuni.edu.vn Quốc bảo hộ được quan hệ với nước láng giềng truyền thống mà Received: 12 September 2023 còn bị đế quốc phương Tây nhập xâm và từng bước trở thành Accepted: 16 November 2023 thuộc địa. Published: 20 Deccember 2023 Từ khóa: Lý Hồng Chương; ngoại giao; Việt Nam; Triều Tiên. Citation: Nguyễn Thị Hương, Lê Đức 1. Vài nét về Lý Hồng Chương Hoàng (2023). Chủ trương ngoại giao của Lý Hồng Lý Hồng Chương (1823-1901) xuất thân từ gia đình quan Chương trong quan hệ giữa lại ở hương Ma Điếm, huyện Hợp Phì, tỉnh An Huy. Ông là Trung Quốc với Triều Tiên và người có thế lực lớn, từng một thời nắm giữ nhiều vấn đề Việt Nam (1879-1885). về ngoại giao, nội chính và quân sự trong triều đình nhà Vinh Uni. J. Sci. Vol. 52 (4B), pp. 62-69 Thanh; từng giữ chức Tổng đốc Hồ Quảng (Hồ Bắc và Hồ doi: 10.56824/vujs.2023B102 Nam), Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Tây và Quảng Đông), Tổng đốc Trực Lệ kiêm Bắc Dương thông thương OPEN ACCESS Đại thần. Copyright © 2023. This is an Năm 1862, Lý Hồng Chương sáng lập tổ chức Hoài quân, Open Access article distributed được coi là tiền thân của quân đội chính quy Trung Hoa under the terms of the Creative thời cận đại. Sau này, Hoài quân phối hợp với lực lượng đế Commons Attribution License quốc để trấn áp phong trào Thái Bình Thiên Quốc và phong (CC BY NC), which permits non-commercially to share trào Nghĩa Hòa Đoàn. Lý Hồng Chương là người đóng vai (copy and redistribute the trò lớn trong phong trào Dương vụ (còn gọi là phong trào material in any medium) or Tự cường (1861-1894)); sáng lập Hải quân Bắc Dương; đề adapt (remix, transform, and xướng thành lập Cục Pháo binh và Tổng cục Chế tạo cơ khí build upon the material), Giang Nam ở Thượng Hải, Cục làm pháo Tây Dương ở Tô provided the original work is properly cited. Châu, Cục Cơ khí Kim Lăng ở Nam Kinh; tham mưu cho nhà Thanh lập Lữ đội phòng thủ tại các hải cảng chiến lược, bao gồm 3 hạm đội hải quân lấy tên là Bắc Dương, Nam Dương và Đông Dương. Lý Hồng Chương từng thay mặt nhà Thanh ký với nước ngoài khoảng 30 điều ước, trong đó có Điều ước Trung - Nhật (năm 1871); Điều ước Yên Đài và Trung - Anh (năm 1876); Điều khoản sơ bộ Trung - Pháp (năm 1884); Điều 62
- Vinh University Journal of Science Vol. 52, No. 4B/2023 ước Thiên Tân, Trung - Nhật và Tân ước Trung - Pháp (năm 1885); Điều ước Mã Quan, Trung - Nhật và Điều ước Liêu Nam (năm 1895); Điều ước Trung - Đức và Mật ước Trung - Nga (năm 1896); Điều ước về Hương Cảng với Anh (năm 1898); Điều ước Tân Sửu (năm 1901) với tám nước đế quốc... Khi nhận xét về Lý Hồng Chương, Lương Khải Siêu từng nhấn mạnh: “dũng cảm hơn Tăng Quốc Phiên, nhẫn nại hơn Tả Tông Đường”, “là người biết quân sự mà không hiểu dân chính, có kiến thức ngoại giao mà không hiểu nội chính, biết triều đình mà không hiểu quốc dân” (Lương Khải Siêu, 2005, tr. 86-87). 2. Chủ trương đối với Triều Tiên Từ nửa sau thế kỷ XIX, Triều Tiên liên tiếp đối mặt với sự uy hiếp của đế quốc phương Tây và sự “trỗi dậy” của Nhật Bản. Trước bối cảnh ấy, phong kiến Triều Tiên chủ trương đóng cửa, không muốn giao thương với bên ngoài (ngoại trừ với Trung Quốc), nhưng không làm thay đổi được thực tế. Năm 1853, tàu chiến Mỹ tới thăm dò; năm 1866, một hạm đội của Pháp lấy lý do tôn giáo dùng vũ lực tấn công Triều Tiên; năm 1871 xảy ra cuộc xung đột quân sự Mỹ - Triều. Nhân lúc vua quan Triều Tiên lúng túng đối phó với phương Tây, vào năm 1876 Nhật Bản ép Triều Tiên ký điều ước Giang Hoa, yêu cầu mở cửa thông thương. Theo thông lệ, trước khi có quyết định ngoại giao quan trọng, vua quan Triều Tiên đều trình xin ý kiến nhà Thanh. Nhưng lần này, khi vua Triều Tiên là Lý Mệnh Phúc xin ý kiến về việc ký điều ước với đế quốc thì vua nhà Thanh lại làm theo kiến nghị của Lý Hồng Chương, thực hiện chính sách “không can thiệp”, với lý do để Triều Tiên được tự chủ trong ngoại giao. Thực chất, ý đồ này là “dùng đế quốc khống chế đế quốc”, tức là dùng Nhật Bản khống chế đế quốc Âu - Mỹ xâm nhập sâu vào Triều Tiên. Nhưng đến năm 1879, sau khi Nhật Bản chiếm tiểu quốc Lưu Cầu, sáp nhập vào Nhật, đổi tên thành huyện Okinawa thì Lý Hồng Chương vô cùng lo lắng. Bởi ông nhận thấy, việc này không những đe doạ nghiêm trọng đến an ninh Triều Tiên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến phên dậu vùng Đông Bắc của Trung Quốc. Thế nên, Lý Hồng Chương từ chỗ chủ trương “liên hợp” với Nhật Bản để khống chế phương Tây, đột nhiên chuyển sang chính sách “phòng vệ”, vận động nhà Thanh thay đổi chính sách ngoại giao với Nhật Bản, tìm các giải pháp đối phó với phương Tây, hướng đến bảo vệ Triều Tiên, nhằm duy trì quan hệ truyền thống. Thực ra từ trước đó, Lý Hồng Chương ít nhiều cũng nhận thức được mối đe dọa từ phía Nhật Bản đối với Triều Tiên và tác động của nó đến tình hình an ninh của Trung Quốc. Bởi vậy mà từ tháng 4/1871, ông đã viết thư trình lên Tổng lý Nha môn, phân tích kỹ âm mưu của Nhật, rằng từ lâu nước này đã muốn xâm chiếm Triều Tiên nhưng đến bây giờ mới thực thi và nếu Nhật Bản liên minh với phương Tây thì Triều Tiên sẽ không có lối thoát. Tháng 1/1876, Lý Hồng Chương lại có thư gửi Tổng lý Nha môn, khẳng định: “Nếu Triều Tiên bị Nhật xâm chiếm, thì 3 tỉnh phía Đông Bắc (Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang) của Trung Quốc sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng. Để mất Triều Tiên, Trung Quốc không những mất đi phên dậu phía Đông Bắc mà còn phải đối mặt gay go với các đế quốc đang muốn tấn công từ hướng này” (Quách Đình Dĩ, Lý Dục Chú, 1972, tr. 168). Ngoài Lý Hồng Chương, một số quan chức triều đình nhà Thanh cũng nhận thấy sự nguy hiểm đang đến gần với Trung Quốc, rất lo lắng trước sự bành trướng của Nhật 63
- N. T. Hương, L. Đ. Hoàng / Chủ trương ngoại giao của Lý Hồng Chương trong quan hệ giữa Trung Quốc… Bản. Tuần phủ tỉnh Phúc Kiến là Đinh Nhật Xương phân tích rằng: “Triều Tiên ký điều ước với Nhật Bản không giống như ký điều ước với phương Tây. Vì Nhật Bản luôn muốn xâm chiếm Triều Tiên, còn phương Tây thì không hẳn thế. Trong quá trình xử lý mối quan hệ giữa Trung Quốc với Triều Tiên và Nhật Bản, rất có thể xẩy ra chiến tranh Trung - Nhật. Khi chúng ta ký hiệp ước đình chiến, nhất định có sự tham gia của phương Tây. Cho nên, nếu phương Tây yêu cầu thông thương với Triều Tiên thì chúng ta cứ khuyên Triều Tiên nên chấp nhận. Đồng thời, chúng ta nên động viên Triều Tiên phái người đến các nước phương Tây thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao” (Viện Bảo tàng Cố Cung, 1932, tr. 23). Đầu tháng 8/1879, Lý Hồng Chương có thư trình vua Thanh về việc thuyết phục Triều Tiên thay đổi chính sách ngoại giao, chuyển từ chủ trương “phản bác” sang “chấp nhận” thông thương với phương Tây nhằm tìm cơ hội khống chế Nhật Bản và Nga. Ngày 21/8/1879, vua Thanh ban lệnh cho Lý Hồng Chương chính thức thông báo với Triều Tiên về sự việc này và còn gợi ý Triều Tiên nên ưu tiên mở cửa cho các nước Anh, Mỹ và Đức vào buôn bán. Năm ngày sau, Lý Hồng Chương gửi thư đến Thái sư Triều Tiên là Lý Dụ Nguyên, chỉ ra rằng: “Thuộc quốc đã bất đắc dĩ mà ký điều ước với Nhật nên việc thông thương với Nhật đã triển khai một thời gian. Người Nhật coi đây là một cơ hội hốt tiền nhưng đế quốc phương Tây thì không ngừng theo dõi sát sao. Kể từ nay, nước ngươi nên tìm kế sách thích hợp đối phó với ngọn lửa đang cháy, phải biết lấy kẻ thù đối phó với kẻ thù, lấy đế quốc khống chế đế quốc. Muốn vậy, không có cách nào hơn là ký điều ước thông thương với phương Tây mà làm đối trọng chống lại Nhật Bản. Trước hết, thuộc quốc nên ký điều ước với Mỹ, Anh, Pháp, Đức...” (Quách Đình Dĩ, Lý Dục Chú, 1972, tr. 375). Lúc đầu, phía Triều Tiên không chấp nhận phương án đó vì cho rằng, Triều Tiên là nước nhỏ, nước nhỏ không thể có sự bình đẳng trong quan hệ với nước lớn, vì các nước lớn chỉ quan tâm đến lợi ích của họ mà quên đi lợi ích của nước nhỏ. Nhưng dưới sự vận động của Lý Hồng Chương, Triều Tiên đồng ý ký điều ước với Mỹ vào ngày 22/5/1882, đánh dấu bước mới trong lịch sử ngoại giao của nước này. Đây không chỉ tạo ra tiền lệ cho Triều Tiên tiếp tục ký điều ước với các nước khác mà còn để sau đó Lý Hồng Chương can dự, hướng triều đình nhà Nguyễn ở Việt Nam cũng đi theo “lối mòn” này. 3. Chủ trương đối với Việt Nam Trong lúc triều đình nhà Nguyễn đang suy yếu trầm trọng thì đế quốc phương Tây liên tục gõ cửa. Sau thời gian dùng đủ các thủ đoạn chính trị, ngoại giao, kinh tế… mà vẫn không đạt được mục đích, thực dân Pháp dùng vũ lực quân sự buộc nhà Nguyễn ký những điều ước bất bình đẳng. Tuy còn nhiều ràng buộc trong quan hệ với nhà Thanh, nhưng nhà Nguyễn ký điều ước với Pháp mà không chờ ý kiến của Thiên triều. Nhà Thanh chỉ biết được sự việc trên vào ngày 24/5/1875, khi công sứ Pháp ở Trung Quốc gửi tới Dịch Kỳ (Tổng lý Nha môn) nội dung hiệp ước ký với nhà Nguyễn năm 1874, kèm lời tuyên bố: “Từ nay, thân vương sẽ nhìn thấy trách nhiệm của nước Pháp trong việc bảo hộ độc lập và an ninh cho vương triều Tự Đức”, với ý đồ “làm nhạt địa vị của nhà Thanh trong quan hệ với Việt Nam” (Long Chương. 1996, tr. 44). Ngày 15/6/1875, nhà Thanh có thư đáp lại, khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam với nhà Thanh, nhưng không phủ nhận các nội dung điều ước năm 1874. Quả thực, khi đó nhà Thanh chưa nhận thức được tính chất nghiêm trọng của điều ước này đối 64
- Vinh University Journal of Science Vol. 52, No. 4B/2023 với tương lai của mình, càng không nghĩ được rằng chính những nội dung đó sau này trở thành lý do dẫn đến nhiều cuộc đàm phán ngoại giao giữa Pháp với nhà Thanh. Sau khi ký điều ước với Pháp, vua Tự Đức đã có hai lần cử người sang sứ nhà Thanh vào năm 1877 và năm 1880, nhưng không đề cập gì đến sự việc này. Đến năm 1883, vua Tự Đức lại cử người sang sứ nhà Thanh, thì bị Lý Hồng Chương (lúc này là Bắc dương Đại thần phụ trách giải quyết vấn đề Việt Nam) chất vấn, bắt bẻ. Trong lần đầu tiếp sứ thần nhà Nguyễn là Phạm Thận Duật vào ngày 24/3/1883, Lý Hồng Chương vặn hỏi: “Việt Nam ký điều ước với nước khác mà không báo gì với nhà Thanh. Như trước đây Triều Tiên ký điều ước với Nhật Bản đều báo cáo và đã nhận được ý chỉ của triều đình. Hiện nay, Triều Tiên đàm phán với các nước Anh, Mỹ, Đức... cũng đều xin ý kiến nhà Thanh và còn mời đại diện tới dự. Cho nên, các điều khoản ngoại giao đều có lợi cho Triều Tiên. Còn nước ngươi tự ý ký hiệp ước với Pháp mà không thông báo sự tình, quả là điều không thể chấp nhận” (Quách Đình Dĩ, Vương Luật Quân (chủ biên), 1962, tr. 714). Lý Hồng Chương khẳng định nhà Nguyễn không phải không biết gì về vấn đề Triều Tiên, vì rằng trong thư Phạm Thận Duật đem sang nhà Thanh có đề cập đến việc, Việt Nam khác với Triều Tiên. Triều Tiên cách kinh thành nhà Thanh không xa nên mỗi năm có thể đến đây nhiều lần và nếu có xẩy ra việc gì đều dễ dàng trình báo. Còn Việt Nam cũng giống như Xiêm La và Miến Điện, đều cách xa kinh thành, nên ngoài việc bốn năm đến cống một lần thì không có điều kiện nào khác hơn. Vì thế, việc Triều Tiên ký điều ước với các nước khác, Việt Nam ở xa nên không hay rõ sự tình. Tuy Lý Hồng Chương không hài lòng trước cách làm của nhà Nguyễn, nhưng vì nếu để mất vùng phên dậu này thì phía Nam của Trung Quốc cũng bị thực dân đe doạ. Do đó, ông cùng một số nhân vật khác tích cực tìm kiếm các biện pháp ngoại giao linh hoạt, mà trước hết là thuyết phục Việt Nam ký điều ước với đế quốc khác nhằm khống chế ảnh hưởng của Pháp. Ngày 07/4/1883, Đại thần Tăng Kỷ Trạch (phụ trách công tác ngoại giao của nhà Thanh với các nước Anh, Pháp, Nga) đã đưa tờ trình lên triều đình. Ông cho rằng, chiếu theo trường hợp Triều Tiên, Việt Nam cần phải ký các điều ước thông thương với nước lớn để các nước đó khống chế lẫn nhau. Nhất thiết không để cho đế quốc Pháp hoàn toàn thống trị (Quách Đình Dĩ, Vương Luật Quân (chủ biên), 1962, tr. 839). Ngày 7/5/1883, nhà Thanh tiếp tục đưa ra sách lược gồm 8 điểm chỉ đạo về chính sách ngoại giao của Việt Nam. Bản thân Lý Hồng Chương đã can thiệp thô bạo vào chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn, đề nghị Việt Nam liên minh với Anh và Đức. Vì theo ông, “Đức là một kẻ thù của Pháp. Trong khi Anh luôn quan tâm vùng Vân Nam (Trung Quốc) và Việt Nam, nên càng ghen ghét nước Pháp xâm chiếm Việt Nam. Nếu như Trung Quốc có thể làm cho Anh, Đức và các nước phương Tây khác ký hiệp ước với Việt Nam thì Pháp sẽ không dám làm xằng. Nếu Việt Nam lôi kéo được Anh, Đức... vào đây thì sẽ làm cho Pháp phải dè chừng. Từ đó, người Pháp khó làm tổn hại như khi Pháp độc chiếm nơi đây. Hơn nữa, một khi có các nước khác cùng chung lợi lích ở Việt Nam, thì trước khi quyết định một vấn đề lớn, Pháp đều phải cân nhắc rất kỹ lưỡng” (Hội sử học Trung Quốc, 2000, tr. 619). Ngoài Lý Hồng Chương, Bưu Ngọc Lân cũng can thiệp vào chính sách đối ngoại của nhà Nguyễn, ông cho rằng để khỏi bị người Pháp thôn tính, Việt Nam cần theo cách Triều Tiên đã làm, ký điều ước với phương Tây mới khống chế được sự độc chiếm của Pháp” (Hội sử học Trung Quốc, 2000, tr. 432). 65
- N. T. Hương, L. Đ. Hoàng / Chủ trương ngoại giao của Lý Hồng Chương trong quan hệ giữa Trung Quốc… Một số học giả Trung Quốc cho rằng, lúc bấy giờ nhà Nguyễn ít nhiều cũng có nguyện vọng thông thương với phương Tây. Họ nói rằng, tại cuộc hội đàm ở Thiên Tân ngày 24/3/1883, Phạm Thận Duật chuyển đến Lý Hồng Chương hai mật thư của vua Tự Đức, trong đó cho biết “Việt Nam từng có nhã ý thông thương với Tây Ban Nha nhưng vì Tây Ban Nha sợ động chạm đến quan hệ với Pháp nên đã từ chối. Chúng tôi hy vọng nhà Thanh tiếp cận với một số nước phương Tây khác, đặc biệt là các nước đang có tham vọng về lợi ích ở đây, làm cho họ ký với nước tôi hiệp ước thông thương, đồng thời phái Lãnh sự đến Hải Phòng, nhằm ngăn chặn bành trướng của Pháp ở Bắc Kỳ” (Long Chương, 1996, tr. 173). Lý Hồng Chương liền gửi thư đến Tổng lý Nha môn, bày tỏ mình hiểu được ý của Tự Đức: “Tuy đã cuối đời trị vì và hơi muộn màng nhưng cuối cùng thì Tự Đức cũng nhận thức được xu thế của thời cuộc, đã có ý định thông thương với phương Tây” (Quách Đình Dĩ, Vương Luật Quân (chủ biên), 1962, tr. 787). Ngày 22/4/1883, Tổng lý Nha môn lại nhận được thư của Phạm Thận Duật bày tỏ nguyện vọng được tạo điều kiện để ký điều ước với phương Tây: “Nếu thuận tiện mà làm cho nước tôi theo kiểu của Cao Ly (Triều Tiên), thông thương với các nước, ngày càng có lợi, các sự việc đều có công luận bảo vệ, không bị cô lập, thì nước tôi cũng nguyện vọng như vậy” (Quách Đình Dĩ & Vương Luật Quân (chủ biên), 1962, tr. 758). Nếu sự thật như vậy, thì điều đó phù hợp với ý định từ lâu của Lý Hồng Chương. Cụ thể, từ tháng 12/1881, ông cùng với Công sứ Anh tại Trung Quốc là Sir Thomas F. Wade hội đàm, bày tỏ quan điểm rằng, Việt Nam với Miến Điện và Ấn Độ gần kề nhau. Nếu như Việt Nam bị Pháp chiếm thì Anh sẽ rất bất lợi, rồi đề nghị với F. Wade thuyết phục chính giới ngoại giao Anh khẩn trương gửi công sứ sang Việt Nam, thực hiện ký điều ước thông thương. Tuy nhiên, chủ trương ấy của Lý Hồng Chương bị thất bại vì phía Anh cho rằng, địa vị của Pháp ở Việt Nam đã rất vững chắc, bây giờ nước Anh không thể làm thay đổi được. Đến năm 1883, Lý Hồng Chương liên hệ với công sứ Trung Quốc ở Đức là Lý Phụng Bao, yêu cầu vận động để Đức gửi đại diện ngoại giao đến Trung Quốc và Việt Nam, bàn bạc, kí điều ước thông thương. Nhưng nước Đức “khi thì bày tỏ đồng tình với Trung Quốc, khi thì nghiêng về nước Pháp, mục đích là khuấy lên sự rắc rối trong quan hệ Trung - Pháp”, mà Lý Hồng Chương gọi đây là “đồ nghiêng ngả chọc tức” (Long Chương, 1996, tr. 73). Sau khi thuyết phục Anh và Đức ký điều ước với Việt Nam không thành, Lý Hồng Chương chuyển sang vận động công sứ Mỹ ở Trung Quốc là John Russell Young (Dương Ước Hán) tìm cách thuyết phục Chính phủ Mỹ ký điều ước với Việt Nam, nhưng rồi cũng không có kết quả. Vậy là nỗ lực ngoại giao của Lý Hồng Chương nhằm lôi kéo phương Tây ký điều ước với Việt Nam bị thất bại hoàn toàn. Điều đó cũng cho thấy sự cứng rắn, độc lập nhất định trong đối ngoại của nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Ngược với mong muốn của Lý Hồng Chương, Pháp không những đẩy nhanh tốc độ, mở rộng phạm vi xâm lược Việt Nam, mà còn uy hiếp Trung Quốc từ phía Đông Nam, kéo quân tới bờ biển tỉnh Phúc Kiến và vùng Đài Loan từ tháng 8/1884. Nhật Bản nhận thấy cục diện quan hệ Pháp - Trung bất lợi cho Trung Quốc, dự đoán sớm muộn sẽ xẩy ra chiến tranh giữa hai nước này, khi đó nhà Thanh sẽ bất lực trong việc bảo hộ Triều Tiên, nên đã tăng cường thân thiện với Triều Tiên, tìm cơ hội gạt vai trò của Trung Quốc ở đây. Để tạo áp lực đối với nhà Thanh từ phía Nam và Đông Bắc, thực dân Pháp đã 66
- Vinh University Journal of Science Vol. 52, No. 4B/2023 nhiều lần tìm cách tiếp xúc, bày tỏ nguyện vọng thiết lập liên minh Pháp - Nhật (Bành Trạch Chu, 1970, tr. 220 – 226); Đồng thời phái thân Nhật ở Triều Tiên cũng muốn nhân cơ hội này tách khỏi sự lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, nên ngày 4/12/1884, dưới sự giúp đỡ của Nhật, người đứng đầu Đảng khai hoá là Kim Ngọc Quân đã làm cuộc chính biến với hai mục đích chính: Độc lập, thoát khỏi Trung Quốc và cải cách nội chính Triều Tiên, công bố cương lĩnh xây dựng đất nước theo con đường tư bản. Tuy nhiên, ngày 6/12/1884, Viên Thế Khải dẫn đầu quân đội nhà Thanh của Trung Quốc đã trấn áp cuộc chính biến này. Chính biến năm 1884 ở Triều Tiên đã tác động lớn đến quan hệ Trung - Triều - Nhật; làm thay đổi thái độ và chủ trương của Lý Hồng Chương đối với Việt Nam trong quan hệ Việt - Trung - Pháp lúc bấy giờ. Từ giai đoạn này trở đi, Lý Hồng Chương thay đổi chiến lược với Việt Nam để tập trung bảo hộ Triều Tiên, vì nhận thấy đây không chỉ là nước có ý nghĩa phên dậu bảo vệ an toàn phía Đông Bắc cho Trung Quốc mà còn là nước đang giữ được “thể lệ” trong quan hệ với nhà Thanh. Ông khẳng định: “Triều Tiên là lá chắn phía Đông Bắc, là chư hầu thân thiết nhất của Trung Quốc, không có nước nào tốt hơn. Bây giờ tình hình Triều Tiên biến loạn, bằng mọi giá chúng ta phải ưu tiên bảo hộ” (Cố Đình Long (chủ biên), 2008, tập 21, tr. 475). Vì vậy, Lý Hồng Chương chuyển sang củng cố phía Bắc, buông lỏng phía Nam. Rất có thể là Lý Hồng Chương thấy rõ quân đội ở Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây chưa được huấn luyện theo cách thức mới, vũ khí lại đang thô sơ nên khó lòng chiến đấu; Hoài quân mặc dù được huấn luyện từ sớm, nhưng nhận thấy vấn đề Triều Tiên ngày càng nghiêm trọng, nên không dám tuỳ tiện điều quân xuống phía Nam. Hải quân thì mới thành lập và đang rất lạc hậu nên khi tham chiến, chắc chắn bị phá tan. Vì vậy, Lý Hồng Chương chọn cách rút lui phía Nam mà củng cố phía Bắc. Ngày 10/12/1884, Lý Hồng Chương điện cho Tổng lý Nha môn rằng: “Nhật Bản đang nghĩ cách chờ lúc xảy ra chiến tranh Trung - Pháp để cướp Triều Tiên. Điều này còn nguy hiểm hơn so với việc Pháp chiếm Việt Nam. Vậy nên phải tìm cách thoả hiệp với Pháp để tập trung giải quyết vấn đề Triều Tiên” (Cố Đình Long (chủ biên). (2008), tập 1; tr. 345). Tháng 3/1885, Lý Hồng Chương nhận được hai mật điện, một từ Thượng Hải và một từ Pari đến, nhưng đều cho biết Nhật và Pháp đang thương lượng để ký kết điều ước liên minh bí mật trong thời hạn 10 năm. Thông tin đó càng khiến ông muốn sớm kết thúc chiến tranh Trung - Pháp. Ngày 29/3/1885, quân đội nhà Thanh có sự phối hợp tác chiến của Việt Nam đã giành được những lợi thế nhất định trong cuộc chiến với Pháp ở Trấn Nam Quan. Nắm lấy cơ hội thuận lợi này, họ khẩn trương thương lượng hoà bình với Pháp. Ngày 9/6/1885, Lý Hồng Chương cùng công sứ Pháp là Ba Đức Nặc ký điều ước Trung - Pháp - Việt (gồm 10 điều khoản và phần phụ lục), thừa nhận các hòa ước mà Pháp đã ký với nhà Nguyễn, nhường thêm cho Pháp một số quyền lợi ở Việt Nam và các tỉnh phía Nam của Trung Quốc giáp với Việt Nam. Đó là việc làm thể hiện tham vọng và sự can thiệp sâu của Trung Quốc vào công việc nội bộ của nước khác. Trong khi Việt Nam tích cực đánh đuổi Pháp để giành độc lập dân tộc thì Lý Hồng Chương lại dung dưỡng, hòa với Pháp làm ảnh hưởng và gây bất lợi cho Việt Nam. 67
- N. T. Hương, L. Đ. Hoàng / Chủ trương ngoại giao của Lý Hồng Chương trong quan hệ giữa Trung Quốc… 4. Kết luận Chủ trương ngoại giao của Lý Hồng Chương với Triều Tiên và Việt Nam vừa có điểm chung, vừa có điểm riêng, thể hiện nét đặc trưng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc thời cận đại. Điểm chung là đều lợi dụng các điều ước trong quan hệ quốc tế giữa nước lớn với thuộc địa thời cận đại nhằm duy trì mối quan hệ truyền thống và dùng chiêu bài “lấy đế quốc khống chế đế quốc”. Cụ thể, Lý Hồng Chương dùng Nhật Bản để khống chế phương Tây xâm nhập Triều Tiên, rồi lại dùng phương Tây để khống chế Nhật Bản; dùng mô típ của Triều Tiên để áp chế Việt Nam, dùng phương Tây nhằm khống chế Pháp ở Việt Nam. Điểm khác nhau là ở chỗ, Lý Hồng Chương, vào những thời điểm quyết định đã dồn sức bảo hộ Triều Tiên, chấp nhận để mất Việt Nam. Song rốt cuộc, chủ trương này đều thất bại ở cả hai nước. Nguyên nhân chủ yếu của thất bại vẫn là do Trung Quốc lúc bấy giờ không đủ sức mạnh để đương đầu với các nước đế quốc, trong khi lại không dùng cách hợp lực với các nước có quan hệ truyền thống để cùng nhau phát triển phù hợp với yêu cầu thời đại. Lúc đó, muốn thoát khỏi thân phận thuộc địa, ít lệ thuộc phương Tây, con đường tốt nhất là tiến hành cải cách, duy tân theo hướng Nhật Bản, hoặc Thái Lan đã thành công, thì Trung Quốc lại níu kéo Triều Tiên và Việt Nam bảo lưu những cái đã lỗi thời. Hệ quả, nhà Thanh không những không bảo hộ được quan hệ nước láng giềng mà còn không giữ nổi bản thân mình, liên tiếp phải ký các điều ước bất bình đẳng, rồi dần chìm trong sự xâu xé của liên minh đế quốc. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bành Trạch Chu (1970). Sự biến Giáp Thân ở Triều Tiên với quan hệ Nhật - Pháp”, trong Luận tập nghiên cứu lịch sử Minh, Thanh. Đại lục tạp chí xã, Bản Trung văn. Cố Đình Long (chủ biên) (2008). Lý Hồng Chương toàn tập, Tập 1. NXB Giáo dục An Huy, Bản Trung văn. Cố Đình Long (chủ biên) (2008). Lý Hồng Chương toàn tập, Tập 21. NXB Giáo dục An Huy, Bản Trung văn. Hội sử học Trung Quốc (2000). Chiến tranh Trung - Pháp, quyển 4. Thượng Hải thư điếm xuất bản xã, Bản Trung văn. Long Chương. (1996). Việt Nam với chiến tranh Trung - Pháp.Thương vụ ấn thư quán, Bản Trung văn. Lương Khải Siêu (2005). Lý Hồng Chương. NXB Hải Nam, Bản trung văn. Quách Đình Dĩ, Lý Dục Chú. (1972). Sử liệu quan hệ Trung - Nhật - Triều cuối Thanh, Tập 1. Đài Bắc, Bản Trung văn. Quách Đình Dĩ, Lý Dục Chú. (1972). Sử liệu quan hệ Trung - Nhật - Triều cuối Thanh, Tập 2. Đài Bắc. Bản Trung văn. Quách Đình Dĩ, Vương Luật Quân (chủ biên). (1962). Hồ sơ ngoại giao Trung - Pháp - Việt. Đài Bắc. Bản Trung văn. Viện Bảo tàng Cố Cung (1932). Ngoại giao Trung - Nhật thời Quang Tự nhà Thanh, tập 1. Đài Bắc. Bản Trung văn. 68
- Vinh University Journal of Science Vol. 52, No. 4B/2023 ABSTRACT STRATEGIC PLANNING “TAKING THE ENEMY TO COPE WITH THE ENEMY” OF LY HONG CHUONG TO NORTH KOREA AND VIETNAM (1879-1885) Nguyen Thi Huong1, Le Duc Hoang2 1 Vinh University, Vietnam 2 Academy of Journalism & Communication, Hanoi, Vietnam Received on 12/9/2023, accepted for publication on 16/11/2023 When Western empires infiltrated Asian countries which had traditional relations with China such as Vietnam and North Korea, Minister of Qing Dynasty - Ly Hong Chuong, gave strategic planning “taking the enemy to cope with the enemy” in order to maintain this relationship. However, that strategic planning of Ly Hong Chuong could not compete with the power of the West, making the Qing dynasty not only unable to protect the traditional Neighbour Relationship but also being torn by the Western empires, becoming a colony. Keywords: Ly Hong Chuong; diplomatic; Vietnam; North Korea. 69
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Giáo trình: Công tác chủ nhiệm lớp ở trường THPT
37 p | 1728 | 285
-
Module bồi dưỡng thường xuyên Tiểu học - Module 35: Giáo viên chủ nhiệm trong các hoạt động ở trường tiểu học
42 p | 862 | 54
-
Trường trung học phổ thông - Phương pháp công tác của người giáo viên chủ nhiệm: Phần 2
70 p | 173 | 43
-
Thực trạng hoạt động lễ hội của nước ta hiện nay; nhiệm vụ đặt ra đối với cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong việc tổ chức, quản lý nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội trong tình hình mới
11 p | 381 | 35
-
Module bồi dưỡng thường xuyên TH - Module 35: Giáo viên chủ nhiệm trong các hoạt động ở trường tiểu học
42 p | 327 | 34
-
Phát huy tính tích cực của học sinh thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp
5 p | 180 | 19
-
Thực trạng quản lý hoạt động phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ ở các trường mầm non ngoài công lập quận 11, thành phố Hồ Chí Minh
9 p | 105 | 12
-
SỰ cần thiết phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN - 2
7 p | 77 | 7
-
Hoạt động ngoại khóa của sinh viên tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội
7 p | 90 | 6
-
Góp thêm nhận định về giao lưu kinh tế Việt - Hoa ở Việt Nam thời phong kiến
8 p | 73 | 5
-
Khung tham chiếu chung châu Âu: Từ lý luận đến thực tiễn
8 p | 75 | 4
-
Giáo viên chủ nhiệm và phương pháp công tác ở trường trung học phổ thông (In lần thứ ba): Phần 2
80 p | 68 | 4
-
Sức mạnh của lẽ phải: Phần 2
209 p | 10 | 4
-
Các chủ thể phát triển, khách thể phát triển và những hình thức phát triển theo nghĩa ngoại động từ và nội động từ
19 p | 63 | 2
-
Quan điểm của các nhà lý luận thuộc trường phái mác xít Áo về chủ nghĩa xã hội
7 p | 100 | 2
-
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển bền vững các Trường Đại học ngoài công lập Việt Nam
5 p | 38 | 2
-
Quan điểm tiếp cận quản lý dựa vào nhà trường - mô hình phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm
8 p | 10 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn