intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Cơ hội và thách thức đối với M&A ngân hàng tại Việt Nam khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

24
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nội dung nghiên cứu đề cập tới hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam năm 2015, các kết quả đã đạt được, các hạn chế cần khắc phục. Đây cũng là hoạt động M&A ngân hàng tại thời kỳ ngay trước mốc thời điểm dự kiến Việt Nam sẽ ký kết chính thức hiệp định TPP vào năm 2016. Do đó, bài nghiên cứu tập trung vào nội dung hiệp định TPP có liên quan, cơ hội và thách thức khi Việt Nam chính thức tham gia TPP đối với hoạt động M&A ngân hàng.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Cơ hội và thách thức đối với M&A ngân hàng tại Việt Nam khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực

  1. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI M&A NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM KHI HIỆP ĐỊNH TPP CHÍNH THỨC CÓ HIỆU LỰC TS. Nguyễn Thái Sơn ThS. NCS Nguyễn Quang Minh Trường Đại học Hải Phòng Tóm tắt Nội dung nghiên cứu đề cập tới hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam năm 2015, các kết quả đã đạt được, các hạn chế cần khắc phục. Đây cũng là hoạt động M&A ngân hàng tại thời kỳ ngay trước mốc thời điểm dự kiến Việt Nam sẽ ký kết chính thức hiệp định TPP vào năm 2016. Do đó, bài nghiên cứu tập trung vào nội dung hiệp định TPP có liên quan, cơ hội và thách thức khi Việt Nam chính thức tham gia TPP đối với hoạt động M&A ngân hàng. Thông qua nội dung phân tích, nhóm tác giả hy vọng đề xuất một số biện pháp, các điều kiện cần chuẩn bị sẵn sàng đối với ngân hàng thương mại, kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước để hệ thống tài chính ngân hàng có thể tận dụng được cơ hội tốt hơn. Từ khóa: TPP, ngân hàng thương mại, sáp nhập, mua lại, cơ hội, thách thức. Đặt vấn đề Hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam đang phát triển trong thời gian gần đây, đặc biệt phát triển mạnh vào năm 2015. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu về phát triển hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng, chỉ ra lợi ích đạt được khi các ngân hàng thương mại Việt Nam tiến hành các hoạt động này như một biện pháp tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên trong thời gian tới, khi điều kiện vĩ mô thay đổi, môi trường kinh tế nói chung, thị trường tài chính ngân hàng nói riêng thay đổi do tác động của hiệp định TPP dự kiến mang lại, hoạt động M&A ngân hàng sẽ thay đổi, mang lại những cơ hội và thách thức như thế nào đối với hệ thống ngân hàng thương mại cũng cần được xem xét và nghiên cứu, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một hệ thống tài chính ngân hàng lành mạnh và vững vàng. 587
  2. 1. Khái niệm hoạt động M&A ngân hàng 1.1. Khái niệm hoạt động M&A Theo Mallikarjunappa, T. và P.Nayak (2007), mua lại là một hành động kiểm soát hiệu quả của một công ty đối với tài sản hoặc quản lý (mua tài sản, mua cổ phiếu, giành quyền kiểm soát thông qua hội đồng quản trị) của một công ty khác mà không cần sự kết hợp hay thống nhất về mặt tổ chức trước. Nói chung một công ty mua lại (công ty đi mua) sẽ kiểm soát hiệu quả hơn các công ty mục tiêu bằng cách mua lại cổ phần đa số của công ty đó. Tuy nhiên, hiệu quả kiểm soát có thể được thực hiện chỉ cần với một số lượng ít cổ phần hơn bình thường, thường dao động trong khoảng 10 - 40% bởi vì các cổ đông còn lại, phân bố rải rác và tồn tại các nhóm quyền lợi, không có khả năng để thách thức sự kiểm soát của việc mua lại, thâu tóm. Theo Damodaran Aswath (1997), sáp nhập được định nghĩa là sự kết hợp của hai hay nhiều công ty thành một đơn vị công ty, có nghĩa là một đơn vị tồn tại và các đơn vị khác mất sự tồn tại của doanh nghiệp. Đơn vị tồn tại, sống sót sẽ sở hữu các tài sản cũng như trách nhiệm của các công ty bị sáp nhập. Theo Pradeep Kumar Gupta (2012), M&A là hoạt động chiến lược trong đó doanh nghiệp tái cấu trúc lại bằng cách thay đổi nhờ bên ngoài. Như vậy có thể khái quát cách hiểu về sáp nhập và mua lại (M&A) trên phương diện lý thuyết, hay khái niệm về M&A theo quan điểm cá nhân như sau: Sáp nhập doanh nghiệp là trường hợp hai hay nhiều đơn vị doanh nghiệp cùng đồng ý tham gia bằng tất cả tài sản của mình vào việc hình thành một doanh nghiệp mới (mới về sự sở hữu, quản trị và pháp lý), đồng thời các doanh nghiệp cũ (về sở hữu, quản trị, pháp lý) sẽ không tồn tại. Đơn vị doanh nghiệp mới có thể trùng tên hoặc không trùng tên với đơn vị doanh nghiệp cũ. Trong trường hợp đơn vị doanh nghiệp mới không trùng tên với một đơn vị doanh nghiệp cũ nào, trường hợp sáp nhập này cũng là trường hợp hợp nhất doanh nghiệp. Vậy trường hợp hợp nhất doanh nghiệp có thể hiểu là một trường hợp đặc biệt của sáp nhập doanh nghiệp. Mua lại doanh nghiệp là trường hợp một doanh nghiệp đi mua lại một phần hay toàn bộ tài sản (hoặc quyền sở hữu tài sản) của doanh nghiệp khác, đủ để chi phối được về quyền quản lý, chiến lược, cũng như ngành nghề của doanh nghiệp bị mua. 588
  3. Do đó, mua lại doanh nghiệp sẽ có hai trường hợp, trường hợp thứ nhất giống như trường hợp sáp nhập doanh nghiệp, nhưng khác nhau ở tâm lý doanh nghiệp, nếu có sự chống đối hoặc biểu hiện chống đối có nghĩa là mua lại, còn hòa hợp thống nhất, nhất trí có nghĩa là sáp nhập. Trường hợp thứ hai, khác hẳn với sáp nhập, doanh nghiệp đi mua chỉ cần đảm bảo mua đủ số cổ phần, tài sản để chi phối được về quyền quản lý, chiến lược, cũng như ngành nghề của doanh nghiệp bị mua, mà không nhất thiết phải mua toàn bộ giá trị của doanh nghiệp bị mua. Những trường hợp mua 15 - 20% cổ phiếu mà không kiểm soát, ko tham gia điều hành thì chỉ nên hiểu là đầu tư thông thường. 1.2. Khái niệm hoạt động M&A ngân hàng Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2010) quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, có định nghĩa sáp nhập tổ chức tín dụng là hình thức một hoặc một số tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng bị sáp nhập) sáp nhập vào một tổ chức tín dụng khác (sau đây gọi là tổ chức tín dụng nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của tổ chức tín dụng bị sáp nhập. Hợp nhất tổ chức tín dụng là hình thức hai hoặc một số tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng bị hợp nhất) hợp nhất thành một tổ chức tín dụng mới (sau đây gọi là tổ chức tín dụng hợp nhất) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang tổ chức tín dụng hợp nhất, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các tổ chức tín dụng bị hợp nhất. Mua lại tổ chức tín dụng là hình thức một tổ chức tín dụng (sau đây gọi là tổ chức tín dụng mua lại) mua toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng khác (tổ chức tín dụng bị mua lại). Sau khi mua lại, tổ chức tín dụng bị mua lại trở thành công ty trực thuộc của tổ chức tín dụng mua lại (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2010). Trên quan điểm lý thuyết về tài chính ngân hàng, có thể đưa ra khái niệm về hoạt động M&A ngân hàng theo quan điểm cá nhân: hoạt động M&A ngân hàng là hoạt động M&A mà một trong các bên tham gia trong hoạt động này là ngân hàng và đơn vị được hình thành sau hoạt động này thông thường là các ngân hàng. 589
  4. 2. Hiệp định TPP - nội dung trong lĩnh vực tài chính Hiệp định TPP gồm 30 chương điều chỉnh. Chương Dịch vụ tài chính của TPP cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận thị trường qua biên giới và đầu tư quan trọng nhưng vẫn đảm bảo rằng các nước TPP vẫn có đủ năng lực điều hành thị trường và các tổ chức tài chính cũng như thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng. Chương này bao gồm các nghĩa vụ cốt lõi tìm thấy trong các hiệp định thương mại khác, bao gồm đối xử quốc gia; đối xử tối huệ quốc; tiếp cận thị trường; và một vài quy định cụ thể của chương Đầu tư bao gồm các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu. Chương này cũng quy định việc cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới cho một nước TPP từ một nhà cung cấp của một nước TPP khác mà không yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải thành lập cơ sở hoạt động tại một nước khác để bán các dịch vụ của mình nhưng phải phù hợp với quy định đăng ký hoặc ủy quyền cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới của một nước TPP khác nhằm đảm bảo cho công tác điều hành và giám sát phù hợp. Một nhà cung cấp dịch vụ của một nước TPP có thể cung cấp một dịch vụ tài chính mới tại thị trường của nước TPP khác nếu các công ty trong nước hoạt động tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó. Các nước thành viên của TPP phải ban hành quy định trường hợp ngoại lệ đối với một số quy tắc trong hai phụ lục đính kèm theo TPP phù hợp với điều kiện của từng nước: (1) các biện pháp hiện hành quy định bên tham gia phải có nghĩa vụ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp chế tài nào khác trong tương lai cũng như tuân thủ thỏa thuận tự do hóa trong các hoạt động sau này, và (2) các biện pháp và chính sách quy định bên tham gia có đầy đủ quyền tự quyết trong tương lai. Các nước TPP cũng đặt ra các nguyên tắc công nhận chính thức tầm quan trọng của các quy trình thủ tục pháp lý nhằm khuyến khích việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm của các nhà cung cấp được cấp phép và các quy trình để đạt được mục tiêu này. Ngoài ra, Hiệp định TPP cũng đề cập đến các cam kết cụ thể về quản lý danh mục đầu tư, các dịch vụ thẻ thanh toán điện tử và chuyển giao thông tin để phục vụ mục đích xử lý dữ liệu. Chương về các dịch vụ tài chính cũng quy định cách thức giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến một số điều khoản thông qua quy định trung lập và minh bạch về trọng tài đầu tư. Chương này cũng đưa ra những điều khoản cụ thể về các tranh chấp trong đầu tư liên quan đến tiêu chuẩn đối xử tối thiểu và các điều khoản yêu cầu các trọng tài phải có chuyên môn về các dịch vụ tài chính và các điều khoản về cơ chế đối xử đặc biệt giữa các quốc gia thành viên nhằm 590
  5. tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các quy định ngoại lệ mà từng quốc gia thành viên cần xem xét một cách thận trọng và các quy định ngoại lệ được đề cập trong chương này trong trường hợp phát sinh tranh chấp trong đầu tư. Cuối cùng, chương này cũng đề cập đến các trường hợp ngoại lệ trong việc bảo hộ quyền tự chủ của các nhà quản lý tài chính của các nước TPP, trong đó họ sẽ được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình, bao gồm những quy định ngoại lệ mà các quốc gia thành viên xem xét một cách thận trọng và những quy định ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử trong quá trình thiết lập và thực thi các chính sách tiền tệ hay các chính sách khác (Thư viện Pháp luật, 2015). 3. Cơ hội và thách thức đối với M&A Ngân hàng tại Việt Nam khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực 3.1. Hoạt động M&A Ngân hàng tại Việt Nam năm 2015 Trong suốt một thời gian dài nhiều năm, đặc biệt là từ giai đoạn 2005-2010, hoạt động M&A gần như trầm lắng, không có một thương vụ M&A ngân hàng nào diễn ra. Phải đến giai đoạn 2011-2014, trong lĩnh vực ngân hàng bắt đầu mới có 6 thương vụ M&A tiêu biểu liên quan đến các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP): (1) Thương vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất; (2) thương vụ sáp nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội; (3) thương vụ sáp nhập giữa Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng TMCP Đại Á đồng thời Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh mua lại Công ty TNHH MTV tài chính Việt - Societe Generale cách đó 18 ngày; (4) thương vụ hợp nhất giữa Ngân hàng TMCP Liên Việt và Công ty dịch vụ tiết kiệm Bưu điện thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt; (5) thương vụ hợp nhất giữa Công ty cổ phần Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng TMCP Phương Tây thành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam; (6) thương vụ mua lại giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và Công ty TNHH MTV tài chính Than khoáng sản Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trích dẫn trong Nguyễn Quang Minh, 2015). Tiếp theo sự phát triển hoạt động M&A ngân hàng giai đoạn 2011-2014, năm 2015 được coi là năm phát triển mạnh đối với hoạt động M&A ngân hàng tại Việt Nam. Đến năm 2015, số thương vụ M&A ngân hàng đạt nhiều nhất trong 591
  6. các năm của giai đoạn 2010-2015, và thậm chí là năm bùng nổ hoạt động M&A kể từ khi thị trường chứng khoán chính thức đi vào hoạt động. Bảng 1. Thương vụ sáp nhập ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2015 Thời STT Bên nhận sáp nhập Bên bị sáp nhập gian 1 Ngân hàng TMCP Đầu tư và Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng 4/2015 Phát triển Việt Nam (BIDV) bằng sông Cửu Long (MHB) 2 Ngân hàng TMCP Hàng Hải Ngân hàng TMCP Phát triển Mê 7/2015 Việt Nam (Maritimebank) Kông (MDB) 3 Ngân hàng TMCP Sài Gòn Ngân hàng TMCP Phương Nam 10/2015 Thương Tín (Sacombank) (Southern Bank) 4 Ngân hàng TMCP Quân đội Công ty tài chính cổ phần Sông Đà 12/2015 (MB) (SDFC) Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015) Bên cạnh các thương vụ kể trên, ngày 22/05/2015, VietinBank, PG Bank và Petrolimex đã tổ chức “Lễ ký kết Bộ hồ sơ sáp nhập PG Bank vào VietinBank và Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa VietinBank và Petrolimex” (PG Bank, 2015). Đây cũng là động thái khởi đầu cho giai đoạn thực hiện các thủ tục để sáp nhập hai ngân hàng PG Bank với VietinBank, có thể đánh dấu thương vụ thứ 5 trong hoạt động sáp nhập ngân hàng năm 2015. Một thương vụ nữa tạo sự chú ý cho thị trường tài chính ngân hàng, chưa chính thức, nhưng cũng gần như đã đi đến phần cuối của quá trình M&A ngày 24/10/2015, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức thành công đại hội cổ đông bất thường năm 2015. Đại hội đã thông qua giao dịch sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) vào SHB với tỷ lệ phiếu biểu quyết tán thành cao (Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, 2015). Như vậy thương vụ sáp nhập VVF vào SHB cũng gần như thành công trong năm 2015. Nếu tính cả thương vụ này, trong năm 2015, có 6 thương vụ sáp nhập ngân hàng. Các thương vụ trong năm 2015 phản ánh đúng bản chất của các thương vụ sáp nhập tại cả thủ tục pháp lý và bản chất thực tế của thương vụ dựa trên khái niệm sáp nhập. Điều này khác với một số thương vụ đã tiến hành ở thời gian đầu của giai đoạn 2010-2015, khi mà thủ tục pháp lý khác so với bản chất thực tế của thương vụ dựa trên khái niệm sáp nhập (Nguyễn Quang Minh, 2015). Điều này 592
  7. thể hiện tính chuyên nghiệp hơn trong hoạt động M&A thực tế trên thị trường và các thủ tục pháp lý hỗ trợ. Nếu chỉ tính riêng số lượng thương vụ sáp nhập ngân hàng năm 2015, gần như số thương vụ này bằng số thương vụ M&A trong suốt thời gian 2011-2014 mang lại, đồng thời cũng có thể thấy số thương vụ này bằng cả số thương vụ M&A ngân hàng giai đoạn 2005-2014, bởi giai đoạn trước đó ngân hàng Việt Nam không có thương vụ M&A nào. Qua đó cho thấy sự phát triển mạnh về hoạt động sáp nhập ngân hàng trong năm 2015. Bên cạnh các hoạt động sáp nhập ngân hàng trong năm 2015, các thương vụ mua lại ngân hàng cũng đã góp phần làm cho hoạt động M&A được diễn ra sôi nổi và mạnh mẽ hơn. Các thương vụ đã tạo ra hàng loạt các ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) theo một mô hình ngân hàng mới, đồng thời được coi là các hoạt động chưa có tiền lệ. Bảng 2. Thương vụ mua lại ngân hàng thương mại Việt Nam năm 2015 Thời STT Bên mua Bên bán Tổ chức sau mua lại gian 1 Credit Saison Công ty tài chính TNHH Công ty tài chính TNHH HD 3/2015 (Nhật Bản), Công ty MTV Ngân hàng TMCP Saison (HD Saison) cổ phần chứng Phát triển TP.HCM khoán thành phố Hồ (HDFinance) (công ty Chí Minh (HSC) con nằm trong HDBank) 2 Ngân hàng Nhà Ngân hàng TMCP Xây Ngân hàng thương mại TNHH 3/2015 nước Việt Nam dựng Việt Nam MTV Xây dựng Việt Nam 3 Ngân hàng Nhà Ngân hàng TMCP Đại Ngân hàng thương mại TNHH 4/2015 nước Việt Nam Dương (OceanBank) MTV Đại Dương 4 Ngân hàng Nhà Ngân hàng TMCP Dầu Ngân hàng thương mại TNHH 7/2015 nước Việt Nam khí Toàn cầu (GPBank) MTV Dầu khí Toàn cầu Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015) Năm 2015 chịu sự ảnh hưởng của một giai đoạn phát triển tín dụng nóng, do đó nợ xấu tăng cao. Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp để tái cấu trúc lại ngân hàng, trong đó có biện pháp khuyến khích M&A ngân hàng, đặc biệt là đối với các ngân hàng có tình hình tài chính không lành mạnh, nhiều nợ xấu. Thông qua đó, các ngân hàng đã có ý thức rõ rệt trong hoạt động M&A ngân hàng. Điều này có thể thấy được cụ thể qua các thương vụ mua lại ngân hàng. Tổng số thương vụ mua lại bao gồm 4 thương vụ, trong số đó có 3 thương vụ do Ngân hàng Nhà nước mua lại. Năm 2015, cũng là năm đầu tiên có hoạt động M&A ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước phải tham gia vào, đây cũng là 593
  8. hoạt động chưa có tiền lệ tại các thời kỳ trước đó. Tuy nhiên hoạt động này đã cho thấy sự đúng hướng trong hoạt động quản lý nhà nước, khi thị trường tài chính ngân hàng luôn giữ vững, ổn định và không bị xáo trộn. Thương vụ đầu tiên trong hoạt động mua lại, khi Credit Saison (Nhật Bản) mua và chiếm giữ 49% tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của HDFinance (sau là HD Saison), Công ty cổ phần chứng khoán thành phố Hồ Chí minh mua và giữ 1% tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, HDBank giữ lại 50% tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ. Đây được coi là thương vụ mua lại bởi số cổ phần nắm giữ (49%) đủ để chi phối các hoạt động quan trọng của chủ thể bên bán. Các thương vụ sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua lại các Ngân hàng TMCP với giá không đồng, đồng thời chuyển đổi hình thức, mô hình hoạt động của ngân hàng được mua. Có thể thấy các thương vụ mua lại được thể hiện rõ ràng là bản chất của thương vụ mua lại trên cả giấy tờ pháp lý và trên thực tế - khi dựa vào khái niệm mua lại ngân hàng. Bên cạnh các thương vụ sáp nhập và mua lại, trong năm gần như không có trường hợp hợp nhất ngân hàng, tuy nhiên lại vẫn có các thương vụ đầu tư thông thường trong việc mua cổ phiếu của ngân hàng, phản ánh hoạt động mua bán cổ phiếu diễn ra sôi nổi và tiềm ẩn các hoạt động M&A tiềm năng. Thị trường tài chính ngân hàng đầu năm đã dự đoán một số thông tin về các thương vụ M&A khác nhưng cho đến hết năm, có thể thấy các thương vụ này chưa đi đến được kết quả thành công, thậm chí chưa đạt được kết quả bước đầu nào. 3.2. Cơ hội và thách thức đối với hoạt động M&A Ngân hàng khi Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định TPP Thông qua nội dung của hiệp định TPP mà Việt Nam chuẩn bị ký kết chính thức và có hiệu lực, cùng với những kết quả đạt được, các hạn chế, các đặc điểm trong hoạt động M&A ngân hàng năm 2015, có thể thấy TPP sẽ tạo ra một số cơ hội và thách thức đối với hoạt động M&A ngân hàng trong thời gian tới, khi mà thời điểm chính thức hiệp định TPP có tác dụng đang tới rất gần. Các cơ hội này thường đi liền cùng với thách thức như: Một là, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam với số lượng lớn hơn, và do vậy dòng vốn này sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực, các dự án của doanh nghiệp, vào các tổ chức tài chính ngân hàng. Khi các dự án kinh tế được các doanh nghiệp thực hiện nhiều hơn, vốn cần huy động cho nền kinh tế từ ngân hàng cũng sẽ gia tăng, đòi hỏi nhu cầu vốn lớn trong giai đoạn sắp tới. Đồng thời sẽ nhiều đối tượng tham gia mua bán cổ phiếu ngân hàng hơn, tạo ra các cơ hội M&A tiềm năng trong tương lai. Thách thức đi kèm, đó là sự gia 594
  9. tăng khả năng cạnh tranh đối với các ngân hàng thương mại, đồng thời các hoạt động M&A có khả năng tạo ra sự bất ổn đối với thị trường tài chính ngân hàng nếu không có sự kiểm soát. Hai là, tỷ lệ cho phép sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân hay tổ chức sẽ được nâng lên, tạo ra cơ hội gia tăng đối tác kết hợp M&A cho các ngân hàng nội theo cách chủ động, đồng thời tạo ra nhiều thách thức khi ngân hàng nội có thể bị thâu tóm theo cách bị động. Hiện nay, mặc dù chưa chịu ảnh hưởng của TPP, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn chưa ở mức cao để có thể thu hút hoạt động M&A từ dòng vốn nước ngoài, bởi nó liên quan đến vấn đề chi phối hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên khi chịu ảnh hưởng của TPP, tỷ lệ sở hữu này sẽ còn được mở rộng, tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài tham gia một cách mạnh mẽ vào hoạt động mua bán cổ phiếu ngân hàng thương mại trong nước, từ đó tác động tới hoạt động M&A ngân hàng, ngân hàng thương mại trong nước sẽ tìm được nhiều đối tác kết hợp hơn. Tuy nhiên trái lại, ngân hàng có thể sẽ bị các ngân hàng thương mại ngoại dễ dàng thâu tóm, đây chính là thách thức đối với ngân hàng thương mại nội trong hoạt động M&A khi tham gia vào TPP. Do đó các ngân hàng thương mại trong nước cần cẩn trọng hơn trước các hoạt động này. Việc nới giới hạn cho phép nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng ngoại đối với ngân hàng nội theo xu hướng chung trong khu vực sẽ được mở rộng, việc thâu tóm ngân hàng tại các thị trường nước khác cũng có nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên một số ngân hàng thương mại Việt Nam mới tiến hành hoạt động mở chi nhánh tại một số nước khu vực Đông Nam Á, chưa thực sự có thế mạnh trong hoạt động M&A đối với các ngân hàng trong khu vực, do đó, đây đồng thời lại là thách thức lớn đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam, khi mà thị trường của các nước thành viên TPP đều là các thị trường mạnh, phát triển, ngân hàng thương mại của Việt Nam lại chưa đủ mạnh. Ba là, sự cạnh tranh khốc liệt của hệ thống ngân hàng trong khối thành viên, buộc các ngân hàng phải đáp ứng về nhiều mặt mới tồn tại được, trong số đó có yêu cầu về quy mô vốn hoạt động của ngân hàng. Luận điểm này sẽ tạo ra nhiều thách thức hơn cơ hội, bởi ngân hàng có quy mô vốn lớn ở Việt Nam còn rất ít. Những ngân hàng nhỏ sẽ khó đáp ứng được nhu cầu trong thị trường cạnh tranh cao, càng đòi hỏi hoạt động tái cấu trúc ngân hàng mạnh mẽ hơn, trong đó việc các ngân hàng thương mại tìm đến hoạt động M&A nhiều hơn như là một giải pháp tích cực cho thị trường và hệ thống tài chính ngân hàng. 595
  10. Bốn là, quản trị ngân hàng sẽ có nhiều ý nghĩa trong việc phát triển và tồn tại của một ngân hàng, tạo ra cả thách thức và cơ hội. Khi những ngân hàng quản trị kém trong một thị trường cạnh tranh cao, ngân hàng đó sẽ dễ bị thâu tóm ngay kể cả lúc hoạt động tài chính còn đang tốt. Nếu không cũng dễ dẫn tới kịch bản sáp nhập khi mà ngân hàng đã quá yếu kém trong hoạt động kinh doanh của mình. Ngược lại, quản trị ngân hàng tốt sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong một thị trường có sự tồn tại của một hệ thống đối tác phong phú và đa dạng. Nếu nắm bắt tốt cơ hội, ngân hàng sẽ có thể thâu tóm lại hoặc nhận sáp nhập những ngân hàng mà giá trị thuần vẫn còn dương, tạo ra giá trị tăng thêm cho ngân hàng của mình. Năm là, gia tăng cơ hội kinh doanh do số lượng khách hàng đông hơn, địa bàn kinh doanh được mở rộng hơn, với các điều kiện pháp lý về kinh doanh tương tự nhau, do đó đây được coi là đòn bẩy trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nếu ngân hàng có uy tín tốt, số lượng chi nhánh nhiều sẽ đáp ứng được phạm vi khách hàng rộng lớn, điều này sẽ càng thúc đẩy các ngân hàng lớn tìm kiếm đối tác M&A ở các địa bàn khác nhau trong khu vực, tạo ra thách thức và cơ hội cho các ngân hàng nội. 4. Một số đề xuất, kiến nghị Một số đề xuất đối với ngân hàng thương mại trong nước: - Xác định định hướng kinh doanh cụ thể của ngân hàng, đối tượng khách hàng cần tập trung tới, các mảng sản phẩm, dịch vụ thế mạnh, từ đó có phương án kinh doanh lâu dài, đầu tư chuyên sâu và chuyên nghiệp với từng sản phẩm, dịch vụ cung cấp. - Cần nhanh chóng lựa chọn, tìm kiếm đối tác tiến hành M&A, nhằm thiết lập quy mô vốn đủ lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường tài chính ngân hàng. Khi hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, cơ hội kinh doanh ngành ngân hàng được mở ra, rất nhiều ngân hàng hay các tập đoàn muốn tham gia vào hoạt động M&A ngân hàng. Do đó, ngay từ đầu việc tìm kiếm được đối tác có hiệu quả sẽ quyết định mức độ thành công của thương vụ M&A ngân hàng. - Sắp xếp, tuyển dụng đội ngũ cán bộ có năng lực quản trị tốt, nhằm đối phó và khai thác tốt cơ hội và vượt qua thách thức khi TPP có hiệu lực chính thức. Đồng thời cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với đội ngũ này. Bởi các quyết định đưa ra và cách thức quản lý luôn có ý nghĩa, vai trò lớn trong việc phát triển và tồn tại của ngân hàng. - Cần chú ý các thông tin về mua bán cổ phiếu, các thông tin liên quan đến M&A ngân hàng, bởi các thông tin này rất nhạy cảm, lại có tác động lớn tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Chỉ cần sự thay đổi nhỏ về tỷ lệ số lượng cổ 596
  11. phiếu nắm giữ của những chủ thể có uy tín thương hiệu trên thị trường đối với một đối tượng ngân hàng, cũng có thể phản ánh phần nào dấu hiệu M&A bắt đầu được triển khai. - Xây dựng đội ngũ nhân viên ngân hàng chuyên nghiệp, thông thạo ngoại ngữ, xử lý đa nhiệm, đáp ứng khả năng cạnh tranh, đồng thời đáp ứng nhu cầu về năng lực đối tượng tham gia M&A của các đối tác nước ngoài. Cách thức sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng ở các nước phát triển khác biệt so với các nước đang phát triển. Các nước phát triển không đòi hỏi nhiều nhân lực trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nhưng lại đòi hỏi về năng lực cao đối với đội ngũ này. Do vậy đây cũng là tiêu chí mà càng ngân hàng ngoại thường để ý khi tiến hành M&A. Một số kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước: - Xây dựng chế độ cảnh báo sớm đối với tình hình tài chính của ngân hàng thương mại. Khi các ngân hàng nước ngoài tiến hành M&A với ngân hàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó kiểm soát hơn, đặc biệt khi xảy ra rủi ro, rất khó để tiến hành biện pháp mua lại ngân hàng đó như việc xử lý với ngân hàng nội, do các ngân hàng này liên quan đến cả hệ thống tại nước ngoài. Chính vì thế, việc xây dựng chế độ cảnh báo sớm và xây dựng các rào cản mang tính pháp lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong các tình huống rủi ro xảy ra đối với ngân hàng như vậy. - Có biện pháp hỗ trợ về mặt thông tin cho các ngân hàng thương mại, xây dựng các kênh cung cấp thông tin minh bạch, từ đó ngân hàng thương mại có thể tận dụng được các cơ hội tốt và hạn chế được những tác động tiêu cực do tính cạnh tranh cao tạo ra. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Công thương Việt Nam (2015), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2015, từ http://tpp.moit.gov.vn/. 2. Damodaran Aswath (1997), Corporate Finance, Theory and Practices, John Wiley & sons Inc.USA, first edition. 3. Mallikarjunappa, T. and P. Nayak (2007), Why do Mergers and Acquisitions quite often fail?, AIMS International, 1(1), pp. 53-69. 597
  12. 4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2010), Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng, ban hành ngày 11 tháng 02 năm 2010. 5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Quyết định số 249/QĐ-NHNN mua toàn bộ cổ phần và chuyển đổi Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Xây dựng Việt Nam thành Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Xây dựng Việt Nam, ban hành ngày 05 tháng 03 năm 2015. 6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Quyết định số 454/QĐ-NHNN chấp thuận Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) chuyển nhượng một phần vốn điều lệ và thay đổi hình thức pháp lý, ban hành ngày 31 tháng 3 năm 2015. 7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Quyết định số 589/QĐ-NHNN về việc sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) với Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ban hành ngày 25 tháng 4 năm 2015. 8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Quyết định số 663/QĐ-NHNN về việc Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương do Nhà nước làm chủ sở hữu, ban hành ngày 06 tháng 5 năm 2015. 9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Quyết định số 664/QĐ-NHNN về việc sửa đổi nội dung Giấy phép hoạt động của Ngân hàng Đại Dương, ban hành ngày 06 tháng 5 năm 2015. 10. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Quyết định số 1304/QĐ-NHNN về việc mua bắt buộc toàn bộ (100%) cổ phần của GPBank với giá 0 đồng/cổ phần; chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của GP.Bank. Đồng thời, chuyển đổi GP.Bank thành Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu với hình thức pháp lý là Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, ban hành ngày 7 tháng 7 năm 2015. 11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Quyết định số 1391/QĐ-NHNN về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank), ban hành ngày 21 tháng 7 năm 2015. 598
  13. 12. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Quyết định số 1844/QĐ-NHNN về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ban hành ngày 14 tháng 9 năm 2015. 13. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Văn bản số số 9191/NHNN- TTGSNH chấp thuận nguyên tắc Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) sáp nhập vào Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội (MB), thành lập công ty con trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, ban hành ngày 02 tháng 12 năm 2015. 14. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại Oceanbank sẽ được đảm bảo, truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2015, từ http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/pages/ trangchu/ ttsk/ttsk_chitiet?... 15. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (2015), Đại Hội đồng Cổ đông bất thường SHB: thông qua đề án sáp nhập VVF, truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2015, từ http://www.shb.com.vn/TabId/503/ArticleId/3013 /PreTabId/ 479/Default.aspx. 16. Nguyễn Quang Minh (2015), Hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam: Thực trạng và một số đề xuất, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia Phát triển Kinh tế - xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập Quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội, tr. 1099-1114. 17. PG Bank, PG Bank chính thức sáp nhập vào VietinBank (2015), truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2015, từ http://www.pgbank.com.vn/ Desktop.aspx/Tin-tuc/Tin-noi-bat/PG_Bank_chinh_thuc_sap_nhap _vao_VietinBank/. 18. Pradeep Kumar Gupta (2012), “Mergers and acquisitions (M&A): The strategic concepts for the nuptials of corporate sector”, Innovative Journal of Business and Management, 1(4), pp. 60-68. 19. Thư viện pháp luật (2015), Toàn văn bản tóm tắt hiệp định TPP bằng tiếng Việt, truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2015, từ http://thuvienphapluat.vn/ tintuc/vn/hiep-dinh-TPP//11539/toan-van-ban-tom-tat-hiep-dinh-tpp- bang-tieng-viet. 599
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
6=>0