intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2022 tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:17

12
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết tập trung nghiên cứu về phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2021. Bài viết phân tích và đánh giá nền kinh tế vĩ mô Việt Nam nhằm đề xuất một số giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam, cũng như nâng cao thứ hạng về xếp hạng các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2022 tại Việt Nam

  1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 22. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ NĂM 2022 TẠI VIỆT NAM ThS. Nguyễn Kiều Nga* Tóm tắt Bài viết tập trung nghiên cứu về phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19, phân tích và đánh giá nền kinh tế vĩ mô Việt Nam nhằm đề xuất một số giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô năm 2022 của Việt Nam, cũng như nâng cao thứ hạng về xếp hạng các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới. Từ khóa: Phát triển bền vững, ổn định kinh tế, kinh tế Việt Nam, dịch COVID-19, SDGs 1. GIỚI THIỆU Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng như hiện nay, việc làm sao để một nền kinh tế phát triển bền vững luôn là một chủ đề được các nhà quản lý cũng như các nhà khoa học quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có một hướng đi và mục tiêu riêng để phát triển. Vì vậy, việc có những mục tiêu chung về phát triển bền vững cho toàn thế giới là rất cần thiết. 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) đã chính thức được thông qua ngày 25/9/2015 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc với sự tham dự của 193 nước thành viên. 17 mục tiêu phát triển bền vững được Liên hợp quốc thông qua được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới đã suy thoái nặng nề với sự tăng trưởng của các nền kinh tế giảm sâu vào năm 2020 - 2021. Kinh tế Việt Nam cũng không ngoài guồng quay đó, Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề về kinh tế và xã hội do dịch COVID-19 gây ra. Hàng loạt hậu quả như: * Bộ môn Kinh tế đô thị và Quản lý dự án, Khoa Quản lý đô thị, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội 268
  2. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh, tỷ lệ đói nghèo cũng đang tăng trở lại sau những nỗ lực giảm nghèo của vài thập kỷ vừa qua, hàng loạt các doanh nghiệp phá sản... cũng là những khó khăn của Việt Nam trong con đường phục hồi và phát triển nền kinh tế. Về lâu dài, Việt Nam hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả trình bày việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bài viết trình bày đầy đủ và chi tiết về 17 mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu số 8 về “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người”, cùng với thực trạng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhất cho nền kinh tế Việt Nam nhằm tiến tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT 2.1. Phát triển bền vững 2.1.1. Phát triển Trong phép biện chứng duy vật, khái niệm “phát triển” dùng để chỉ quá trình vận động theo chiều hướng đi lên của sự vật: từ trình độ thấp lên trình độ cao hơn. Sự phát triển là một quá trình tiến lên từ thấp đến cao. Quá trình đó diễn ra dần dần, nhảy vọt đưa tới sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ, không phải lúc nào sự phát triển cũng diễn ra theo đường thẳng, mà rất quanh co, phức tạp, thậm chí có những bước lùi tạm thời. Theo quan điểm biện chứng, sự phát triển là kết quả của quá trình thay đổi dần dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, là quá trình diễn ra theo đường xoáy ốc, và hết mỗi chu kỳ, sự vật lặp lại dường như sự vật ban đầu nhưng ở cấp độ cao hơn. Quan điểm biện chứng cũng khẳng định nguồn gốc của sự phát triển nằm trong bản thân sự vật. Phát triển cũng là quá trình phát sinh và giải quyết mâu thuẫn khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng; là quá trình thống nhất giữa phủ định các nhân tố tiêu cực và kế thừa, nâng cao nhân tố tích cực từ sự vật, hiện tượng cũ trong hình thái của sự vật, hiện tượng mới. 2.1.2. Phát triển bền vững Phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững bao gồm bốn nội dung chính: tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công bằng xã hội; bảo vệ môi trường và tôn trọng các quyền con người. Khái niệm “phát triển bền vững” được xây dựng trên một nguyên tắc chung của sự tiến bộ loài người – nguyên tắc bảo đảm sự bình đẳng giữa các thế hệ. 269
  3. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Phát triển bền vững thể hiện quan điểm nhân văn, hiện đại hơn hẳn so với quan điểm “phát triển bằng bất kỳ giá nào”, bởi phát triển bằng mọi giá là khai thác tối đa các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cho hoạt động phát triển, không tính đến sự ảnh hưởng của nó đến chính quá trình phát triển. Những nguyên tắc cơ bản của phát triển bền vững: - Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng; - Nâng cao chất lượng cuộc sống của con người; - Bảo vệ sức sống và tính đa dạng sinh học của trái đất; - Hạn chế đến mức thấp nhất việc làm suy giảm các nguồn tài nguyên không tái tạo; - Giữ vững trong khả năng chịu đựng được của trái đất; - Thay đổi thái độ và hành vi của con người; - Để cho các cộng đồng tự quản lý môi trường của mình; - Xây dựng một khuôn mẫu quốc gia thống nhất, thuận lợi cho sự phát triển và bảo vệ; - Xây dựng một khối liên minh toàn cầu trong việc bảo vệ môi trường. Các nội dung của phát triển bền vững: - Phát triển kinh tế; - Phát triển xã hội; - Bảo vệ môi trường. 2.2. Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững chính thức được thông qua ngày 25/9/2015 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc với sự tham dự của 193 nước thành viên. 17 mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) được Liên hợp quốc thông qua được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững với 115 mục tiêu cụ thể vào năm 2017. Cụ thể các mục tiêu như sau: Mục tiêu 1. Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi Chấm dứt hình thức nghèo ở tất cả mọi nơi. Hơn 700 triệu người, tương đương 10% dân số thế giới, ngày nay vẫn sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói, phải vật lộn để đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất như: y tế, giáo dục, tiếp cận với nước và vệ sinh. Việc xóa đói giảm nghèo là hết sức quan trọng, vì nghèo sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy liên quan. 270
  4. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Mục tiêu 2. Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững Chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi; có ấm no mới có sức khỏe để có thể lao động được và làm được những việc khác. Mục tiêu 3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người Phụ nữ có thai và trẻ em sơ sinh đều là những đối tượng được hướng đến bảo vệ trong mục tiêu này. Liên hợp quốc còn đặt mục tiêu chấm dứt các đại dịch HIV/AIDS, lao phổi, sốt rét và các bệnh nhiệt đới bị lơ là, chống lại các bệnh về gan, các bệnh liên quan đến nước và các bệnh truyền nhiễm khác vào năm 2030. Mục tiêu 4. Đảm bảo giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng, nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người Một nền giáo dục chất lượng là nền tảng để cải thiện đời sống nhân dân và phát triển bền vững. Sự tiến bộ ngày càng lớn được thực hiện theo hướng tăng cường tiếp cận với giáo dục các cấp và tăng tỷ lệ nhập học ở các trường học, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Kỹ năng biết chữ cơ bản đã được cải thiện rất nhiều, những nỗ lực táo bạo hơn là cần thiết để đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục. Ví dụ, trên thế giới đã đạt được bình đẳng trong giáo dục tiểu học giữa trẻ em gái và trẻ em trai, nhưng rất ít quốc gia đạt được mục tiêu đó ở tất cả các cấp học Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái Đây là đối tượng được quan tâm và mục tiêu đề ra nhằm chấm dứt phân biệt đối xử và bạo lực, các tập quán xấu đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu. Bên cạnh đó, phụ nữ được bình đẳng vào mọi công việc của xã hội, được chăm sóc và bảo vệ. Mục tiêu 6. Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước, cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người Nước có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống con người. Nước chiếm 60% - 70% trọng lượng của cơ thể chúng ta. Do đó, cần đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước sạch trên toàn cầu và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người. Mục tiêu 7. Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người Việc giúp đỡ con người với các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy và hiện đại, trong khả năng chi trả. Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng cơ sở hạ tầng và nâng cấp công nghệ để cung cấp các dịch vụ năng lượng hiện đại và bền vững cho tất cả các nước nguồn năng lượng. 271
  5. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Mục tiêu 8. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người Gần một nửa dân số thế giới vẫn còn sống với mức sống tương đương khoảng 2 USD một ngày, dân số nhiều nơi vẫn chưa có việc làm. Do đó, việc xóa đói giảm nghèo là hết sức cần thiết và để làm được điều đó thì nền kinh tế phải phát triển, có nhiều việc làm hơn. Việc tạo thêm việc làm chất lượng sẽ vẫn là một thách thức lớn đối với hầu hết các nền kinh tế từ sau năm 2015. Tăng trưởng kinh tế bền vững yêu cầu các xã hội tạo ra những điều kiện cho phép mọi người có công ăn việc làm chất lượng, kích thích nền kinh tế trong khi vẫn không làm tổn hại đến môi trường. Cơ hội việc làm và điều kiện làm việc đàng hoàng cũng được yêu cầu cho toàn bộ dân số ở độ tuổi lao động. Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, đẩy mạnh công nghiệp hóa rộng mở và bền vững, khuyến khích đổi mới Phát triển cơ sở hạ tầng vững chắc, chất lượng, đáng tin cậy và bền vững, bao gồm cơ sở hạ tầng khu vực và xuyên biên giới, để hỗ trợ phát triển kinh tế và đời sống con người, tập trung vào tiếp cận hợp lý và công bằng cho tất cả mọi người. Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng, đáng tin cậy, bền vững trên thế giới và thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện, bền vững. Tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cấp năng lực công nghệ trong các ngành công nghiệp ở tất cả các nước… đều được quan tâm và đề ra. Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia Việc bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia dẫn đến sự phát triển không đồng đều và gây ra nhiều ảnh hưởng về mọi mặt đời sống, xã hội, kinh tế, an ninh chính trị… Do đó, việc giảm bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia hết sức quan trọng. Đến năm 2030, dần dần đạt được và duy trì tốc độ tăng trưởng thu nhập ở mức cao hơn mức trung bình quốc gia cho 40% dân số có thu nhập thấp nhất. Mục tiêu 11. Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững Các đô thị là trung tâm của kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học, năng suất, phát triển xã hội… Đặc biệt, đô thị còn là nơi tập trung của chính trị, kinh tế mỗi đất nước. Tuy nhiên, những thách thức của các thành phố hiện nay là rất lớn: dân số, môi trường, xã hội… Việc khắc phục những thách thức và xây dựng các đô thị và các khu dân cư bền vững giúp phát triển và tăng trưởng kinh tế, hạn chế ô nhiễm tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm và nghèo đói. Đến năm 2030, đảm bảo khả năng tiếp cận nhà ở và dịch vụ cơ bản phù hợp, an toàn và trong khả năng chi trả cho tất cả mọi người; nâng cấp các khu ổ chuột. Mục tiêu 12. Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững Việc đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững giúp đạt được kế hoạch phát triển tổng thể, giảm chi phí kinh tế, môi trường và xã hội trong tương lai, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế và giảm nghèo. 272
  6. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Mục tiêu 13. Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia trên khắp các châu lục. Nó sẽ phá vỡ nền kinh tế quốc gia và ảnh hưởng đến cuộc sống, chi phí của người dân, cộng đồng và quốc tế hôm nay và ngày mai. Do đó, bảo vệ môi trường sẽ là ưu tiên trong 15 năm tới mà Liên hợp quốc hướng tới. Liên hợp quốc sẽ triển khai hàng loạt các biện pháp khẩn cấp để ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó. Mục tiêu 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững Bên cạnh việc chuẩn bị những biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu thì bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững cũng hết sức quan trọng, đặc biệt trong tình trạng biển bị ô nhiễm ngày nay. Mục tiêu 15. Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học Rừng bao phủ 30% bề mặt của trái đất, rừng có vai trò hết sức quan trọng đối với thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, nạn phá rừng do hoạt động của con người và biến đổi khí hậu là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững và ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người trong cuộc chiến chống đói nghèo. Bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học là hết sức cần thiết. Mục tiêu 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, mang công bằng đến với tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và rộng mở ở tất cả các cấp Mục tiêu 17. Đẩy mạnh cách thức thực hiện và đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững Quan hệ đối tác toàn cầu là cần thiết để huy động, chuyển hướng và mở khóa sức mạnh, biến hàng nghìn tỷ đô la của các nguồn lực tư nhân tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững. 273
  7. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hình 1. 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc Nguồn: https://vietnam.un.org 3. NỘI DUNG VÀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. Thực trạng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 Bảng 1. Bảng xếp hạng chỉ số SDG của 10 nước đứng đầu trên thế giới Nguồn: dashboards.sdgindex Theo bảng xếp hạng chỉ số SDG của Liên hợp quốc, có thể thấy, đa phần các quốc gia xếp hạng cao đều là các nước châu Âu. Nhật Bản xếp hạng cao nhất châu Á ở vị trí thứ 18, với số điểm là 79,97. Trong khi đó, Việt Nam xếp hạng cao thứ hai tại Đông Nam Á với vị trí 51 và số điểm là 72,85. Mười (10) quốc gia có điểm số cao nhất và xếp đầu là: Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Bỉ, Áo, Na Uy, Pháp, Slovenia, Estonia. 274
  8. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Do đại dịch COVID-19, lần đầu tiên kể từ khi áp dụng SDGs vào năm 2015, điểm chỉ số SDG trung bình toàn cầu đã giảm vào năm 2020. Sự suy giảm hiệu suất SDG trên toàn cầu, bao gồm cả ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), phần lớn là do tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp gia tăng vào năm 2020. Đông Á và Nam Á đã có nhiều tiến bộ về SDGs hơn bất kỳ khu vực nào khác. Tuy nhiên, ba quốc gia có tiến bộ nhiều nhất về chỉ số SDG lại là: Bangladesh, Côte d’Ivoire và Afghanistan. Ngược lại, ba quốc gia sụt giảm nhiều nhất là: Venezuela, Tuvalu và Brazil. Hình 2. Chỉ số SDG trung bình toàn thế giới theo thời gian Nguồn: dashboards.sdgindex Trước khi đại dịch xảy ra, thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kể đối với SDG 1 (Xóa nghèo) và SDG 9 (Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng).  Nhìn chung, vào năm 2018, tỷ lệ người sống trong tình trạng nghèo cùng cực đã giảm 1,4 điểm phần trăm trên toàn cầu kể từ khi áp dụng SDGs vào năm 2015, từ 10% xuống 8,6% (Liên hợp quốc, 2019). Trên cơ sở các xu hướng theo thời gian, tình trạng nghèo cùng cực được dự báo sẽ giảm xuống còn 6% vào năm 2030 nhưng COVID-19 đã dẫn đến sự đảo ngược trong tiến trình SDG 1 (Xóa nghèo). Về mặt tích cực, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số. Tiếp cận toàn cầu với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kết nối băng thông rộng đã trở thành những ưu tiên tuyệt đối để tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ và là công cụ để đáp ứng hệ thống y tế công cộng một cách mạnh mẽ và linh hoạt. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, việc tiếp cận cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản và kết nối băng thông rộng đã tiến triển nhanh chóng. Đến năm 2018, 90% dân số thế giới đang sống trong phạm vi của mạng di động thế hệ thứ ba (3G) hoặc chất lượng cao hơn (Liên hợp quốc, 2019). Đầu tư toàn cầu vào nghiên cứu và phát triển cũng đã tăng lên, mặc dù có khoảng cách đáng kể giữa các nước thu nhập cao và phần còn lại của thế giới. Nhìn chung, SDG 9 (Ngành, đổi mới và 275
  9. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA cơ sở hạ tầng) là mục tiêu thể hiện sự lan tỏa lớn nhất giữa những người hoạt động hàng đầu và dưới cùng. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh sự phổ biến của công nghệ và đổi mới trên toàn cầu, đồng thời tăng cường năng lực và kỹ năng trong nền kinh tế thế giới ngày càng được số hóa. Đại dịch đã là một trở ngại lớn cho sự phát triển bền vững ở khắp mọi nơi và có một nguy cơ rất thực tế là sự bất bình đẳng sẽ ngày càng gia tăng giữa các nước giàu và nghèo do sự khác biệt về khả năng tiếp cận vắc-xin và nguồn tài chính. Đại dịch COVID-19 đã tác động đến cả ba khía cạnh của phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và môi trường.  Đối với SDG 1 (Xóa nghèo), sau vài năm giảm đáng kể, tình trạng nghèo cùng cực đã gia tăng vào năm 2020 ở châu Phi cận Sahara và các khu vực khác trên thế giới. Đại dịch COVID-19 đã đẩy khoảng 120 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong năm qua (được định nghĩa là sống với mức dưới 1,90 USD một ngày), chủ yếu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình (Atanda và Cojocaru, 2021). Đại dịch cũng đã tác động đến khả năng tiếp cận lương thực và gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực (FAO, 2021; WFP, 2020), thuộc SDG 2 (Không còn nạn đói), trong khi hoạt động kinh tế chậm lại và suy thoái toàn cầu khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đáng kể vào năm 2020, tác động đến SDG 8 (Việc làm và tăng trưởng kinh tế). Tính đến cuối tháng 4/2021, số ca tử vong do dịch COVID-19 toàn cầu đã vượt qua 3 triệu ca trên toàn cầu, ảnh hưởng đến SDG 3 (Sức khỏe và có cuộc sống tốt). Đại dịch đã làm giảm tuổi thọ, kể cả ở các nước có thu nhập cao như ở châu Âu. Tỷ lệ tử vong và suy giảm tuổi thọ do dịch COVID-19 cao hơn ở các nhóm dễ bị tổn thương nhất, người nghèo và các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội. Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc và tăng cảm giác trầm cảm, lo lắng ở nhiều quốc gia (Abbott, 2021), và một số người sống sót sau dịch COVID-19 có thể bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần lâu dài (Taquet và cộng sự, 2021). Đại dịch đã ảnh hưởng đến các quốc gia và con người theo những cách rất khác nhau, làm cho nguyên tắc SDG “không để ai ở lại phía sau” đặc biệt thích hợp trong các kế hoạch phục hồi và ứng phó khẩn cấp với đại dịch COVID-19. Đại dịch đã có tác động tiêu cực đến tiến độ hướng tới SDG 4 (Giáo dục có chất lượng), SDG 5 (Bình đẳng giới), và tiếp cận cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm nước và vệ sinh, được đề cập trong SDG 6 (Nước sạch và vệ sinh), SDG 7 (Năng lượng sạch với giá thành hợp lý), và SDG 9 (Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng). Việc đóng cửa trường học, kéo dài ở nhiều nơi trên thế giới đã có tác động ngắn hạn ngay lập tức đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và có thể ảnh hưởng lâu dài hơn đến hệ thống giáo dục và học tập của học sinh. Điều này đặc biệt đúng đối với các quốc gia và trong số những người dân bị hạn chế tiếp cận với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nơi mà việc đóng cửa trường học không thể được bù đắp một phần bằng việc học tập từ xa. Những tác động đến sức khỏe và kinh tế - xã hội đã tăng lên đối với những người sống trong các khu ổ chuột hoặc các khu vực thiếu thốn, hoặc trong các khu định cư quá đông đúc (SDG 11). 276
  10. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Các lợi ích tạm thời quan sát được về SDGs 12 - 15 trong năm qua liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững, hành động về khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học đã nhanh chóng được bù đắp khi các hạn chế được dỡ bỏ. Điều này áp dụng cho lượng khí thải CO2, vốn đã giảm ở các nền kinh tế lớn trong thời gian cấm vận nghiêm ngặt, bao gồm cả ở Trung Quốc và Mỹ, nhưng đã nhanh chóng trở lại mức trước đại dịch sau khi các hạn chế được dỡ bỏ. Nạn phá rừng được ước tính đã tăng 12% từ năm 2019 đến năm 2020 (Weisse và Goldman, 2021), tiêu thụ nhựa và chất thải cũng có thể đã tăng trong đại dịch (Adyel, 2020). Cuối cùng, hoạt động của các hệ thống chính trị, nhà nước pháp quyền và chủ nghĩa đa phương cũng đã bị thách thức trong đại dịch. Những điều này được đề cập trong SDG 16 (Hòa bình, công lý và các thể chế vững mạnh) và SDG 17 (Quan hệ đối tác vì các mục tiêu). Nhiều cải cách đã bị hoãn lại trong thời gian đại dịch xảy ra, trong khi một số chỉ thị và quy định khẩn cấp được thực hiện mà không theo quy trình cân nhắc thông thường. 3.2. Phân tích và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, Việt Nam đã đạt được các kết quả đáng khích lệ trong việc thực thiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Cụ thể, thứ hạng của Việt Nam qua các năm như sau: năm 2021, Việt Nam xếp hạng thứ 51/165 quốc gia về điểm chỉ số SDG. Thứ hạng này đã được cải thiện liên tục qua các năm, năm 2016 Việt Nam xếp thứ 88/149 quốc gia, năm 2017 xếp thứ 68/157 quốc gia, năm 2018 xếp thứ 57/156 quốc gia, năm 2019 xếp thứ 54/162 quốc gia và năm 2020 xếp thứ 49/166 quốc gia. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2 chỉ sau Thái Lan (năm 2021). Bảng 2. Xếp hạng chỉ số SDG của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021 Năm Xếp hạng 2016 88/149 2017 68/157 2018 57/156 2019 54/162 2020 49/166 2021 51/165 Nguồn: Tác giả tổng hợp Năm 2021, điểm chỉ số SDG của Việt Nam là 72,8 điểm, điểm lan tỏa là 96,4 điểm, xu hướng cụ thể các mục tiêu như ở Hình 3. 277
  11. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hình 3. Xếp hạng và xu hướng các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam năm 2021 Nguồn: dashboards.sdgindex Về tiến độ thực hiện SDGs, Việt Nam có khả năng đạt được 5 trong số 17 SDGs đến năm 2030, bao gồm: mục tiêu về xóa nghèo, xóa đói, mục tiêu về giáo dục có chất lượng, mục tiêu về các hành động bảo vệ khí hậu, mục tiêu về quan hệ đối tác toàn cầu. Trong năm 2021, Việt Nam xếp thứ 51 trong số 165 quốc gia về chỉ số Phát triển bền vững. Đại dịch COVID-19 gây thêm trở ngại cho việc thực hiện SDGs, làm giảm tốc độ, tiến độ và làm trầm trọng thêm các thách thức đối với các mục tiêu. Năm 2020 và năm 2021, dịch cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của mục tiêu xóa nghèo, xóa đói, bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; mục tiêu giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế và việc làm tốt, bất bình đẳng xã hội. Bên cạnh đó, các mục tiêu cũng sẽ chịu tác động của dịch COVID-19 về lâu dài. Chính vì vậy, nỗ lực của Việt Nam trong các năm tới sẽ phải tăng lên gấp bội để đưa đất nước trở lại đúng hướng, nhằm đạt các mục tiêu vào năm 2030. Trên cơ sở phân tích 17 mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đang trên đường đạt được 5 mục tiêu và gần đạt được 6 - 7 mục tiêu khác. Dữ liệu có một số hạn chế, bởi một số hạng mục các dữ liệu mới nhất là vào năm 2017 hoặc năm 2018, nhưng rõ ràng đã có nhiều thay đổi ở Việt Nam. 278
  12. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Bảng 3. Mức độ và xu hướng của 17 mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam Số SDGs Mức độ/xu hướng 1 Xóa nghèo Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì 2 Không còn nạn đói Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải 3 Sức khỏe và có cuộc sống tốt Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải 4 Giáo dục có chất lượng Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì 5 Bình đẳng giới Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải 6 Nước sạch và vệ sinh Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì 7 Năng lượng sạch với giá thành hợp lý Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì 8 Việc làm và tăng trưởng kinh tế Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải 9 Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải 10 Giảm bất bình đẳng Thách thức đáng kể/NA 11 Các thành phố và cộng đồng bền vững Đạt mục tiêu/Đang theo dõi hoặc duy trì 12 Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm Đạt mục tiêu/NA 13 Hành động về khí hậu Thách thức đáng kể/Trì trệ 14 Tài nguyên và môi trường biển Thách thức đáng kể/Trì trệ 15 Tài nguyên và môi trường trên đất liền Thách thức lớn/Đang giảm 16 Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ Vẫn còn thách thức/Tăng vừa phải 17 Quan hệ đối tác vì các mục tiêu Thách thức đáng kể/Trì trệ Nguồn: The Decade of Action for the Sustainable Development Goals: Sustainable Development Report 2021; Cambridge University Press; Sachs, J., Kroll, C., Lafortune, G., Fuller, G., Woelm, F. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ trình bày sâu hơn về mục tiêu số 8: “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người”. Mục tiêu số 8 bao gồm 10 mục tiêu cụ thể như sau: - Mục tiêu 8.1: Duy trì tăng trưởng GDP bình quân đầu người 4% - 4,5%/năm và tăng trưởng GDP hàng năm trung bình từ 5% - 6% (Mục tiêu 8.1 toàn cầu). - Mục tiêu 8.2: Tăng năng suất lao động thông qua đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cấp và đổi mới công nghệ, tập trung vào các ngành tạo giá trị tăng cao và sử dụng nhiều lao động (Mục tiêu 8.2 toàn cầu). - Mục tiêu 8.3: Tăng cường các chính sách hỗ trợ các hoạt động sản xuất có năng suất cao, tạo việc làm tốt và bền vững, hỗ trợ làm chủ doanh nghiệp, phát minh và sáng tạo; chính thức hóa và tăng trưởng các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, gồm cả thông qua việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính (Mục tiêu 8.3 toàn cầu). 279
  13. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA - Mục tiêu 8.5: Đến năm 2030, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả nam và nữ, bao gồm cả thanh niên, người khuyết tật và thù lao ngang bằng đối với các loại công việc như nhau (Mục tiêu 8.5 toàn cầu). - Mục tiêu 8.4: Đến năm 2030, tăng dần hiệu quả sử dụng nguồn lực trong sản xuất và tiêu thụ, giảm tác động của tăng trưởng kinh tế lên môi trường, phù hợp với Khung Chương trình 10 năm về Sản xuất và tiêu dùng bền vững của Việt Nam (Mục tiêu 8.4 toàn cầu). - Mục tiêu 8.6: Đến năm 2030, giảm đáng kể tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc đào tạo. Chủ động thực hiện hiệu quả Hiệp ước Việc làm toàn cầu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) (Mục tiêu 8.6 và mục tiêu 8.b toàn cầu). - Mục tiêu 8.7: Thực hiện kịp thời và hiệu quả các biện pháp để xóa bỏ lao động ép buộc, chấm dứt nạn buôn người và nô lệ hiện đại; ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức (Mục tiêu 8.7 toàn cầu). - Mục tiêu 8.8: Bảo vệ quyền lao động; đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho tất cả người lao động, đặc biệt là lao động nữ di cư và lao động làm trong khu vực phi chính thức (Mục tiêu 8.8 toàn cầu). - Mục tiêu 8.9: Đến năm 2030, phát triển du lịch bền vững, tạo việc làm, tạo sản phẩm và dịch vụ du lịch có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới; thúc đẩy quảng bá văn hóa và sản phẩm địa phương (Mục tiêu 8.9 toàn cầu). - Mục tiêu 8.10: Tăng cường năng lực các thể chế tài chính trong nước nhằm khuyến khích và mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng và bảo hiểm cho mọi người (Mục tiêu 8.10 toàn cầu). Mục tiêu 8 gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với tạo việc làm đầy đủ, năng suất và thu nhập tốt cho người lao động nhưng không gây tác động xấu đối với môi trường thông qua nghiên cứu và áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, sử dụng nguồn lực hiệu quả và bền vững trong sản xuất, tiêu dùng. Việt Nam sẽ gặp thách thức để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững số 8 về tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững. Mặc dù, sẽ chắc chắn hoàn thành 5/10 (chiếm 50%) mục tiêu cụ thể, gồm các mục tiêu 8.1 (về tăng trưởng GDP bình quân đầu người), mục tiêu 8.5, 8.6 (về tạo việc làm), mục tiêu 8.7 (về xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em) và mục tiêu 8.10 (về tăng cường năng lực thể chế tài chính). Tuy nhiên, có 4 mục tiêu còn gặp khó khăn, thách thức để hoàn thành gồm: mục tiêu 8.2 (về năng suất lao động và đổi mới công nghệ), mục tiêu 8.3 (về việc làm bền vững, tăng trưởng các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ), mục tiêu 8.4 (về sử dụng nguồn lực hiệu quả và giảm tác động của tăng trưởng kinh tế lên môi trường) và mục tiêu 8.9 (về tăng trưởng du lịch bền vững). Mục tiêu 8.8 về 280
  14. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho mọi người sẽ rất khó để hoàn thành. Đại dịch COVID-19 càng làm sâu sắc thêm những khó khăn hiện tại và là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới (Chính phủ, 2021). Tất cả các mục tiêu cụ thể trong mục tiêu 8 đều được thể hiện ở các mức độ khác nhau trong các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động, nghị quyết Chính phủ hoặc của Quốc hội. Tăng trưởng GDP tương đối cao so với chuẩn khu vực và thế giới, bình quân 2011 - 2015 đạt 5,9%/năm; 2016 - 2020 đạt 6%/năm; tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 5,95%/năm. Riêng năm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nặng nề nhưng vẫn đạt 2,91%. Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt khoảng 2.779 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015. Với mức tăng dân số tương đối ổn định, tăng trưởng GDP/người cũng có xu hướng tương tự như tăng trưởng GDP. Do Việt Nam là nền kinh tế có độ mở khá cao nên tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu tổng thể cả nền kinh tế, tác động không mong muốn gắn với các hậu quả của chuyển đổi cơ cấu đang bộc lộ rõ ràng, trong khi các tác động tích cực cần có thời gian để trở thành hiện thực, hơn nữa, tác động không mong muốn từ đại dịch COVID-19 dẫn tới tăng trưởng GDP chưa ổn định. Về vấn đề việc làm, việc làm nhìn chung chưa thể coi là bền vững khi khá nhiều công việc chưa mang tính lâu dài với năng suất và mức thu nhập còn thấp, còn có chênh lệch về thù lao giữa nam và nữ đối với cùng một loại công việc như nhau. Sản xuất và tiêu dùng vẫn chưa bền vững, nhiều nguồn lực chưa được sử dụng hiệu quả; tăng trưởng kinh tế đã và đang gây áp lực xấu lên môi trường thiên nhiên. Khoa học, công nghệ chưa thực sự là động lực dẫn dắt tăng trưởng, khi các biện pháp khuyến khích còn chưa phù hợp, mang tính hình thức. Tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn khi hệ thống tài chính ngân hàng còn đang tái cơ cấu chậm chạp. Với hiện trạng này, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và thu nhập tốt cho tất cả mọi người sẽ khó khăn nếu không có các biện pháp mạnh và kiên quyết trong tái cơ cấu, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường, cũng như việc hiện thực hóa các chính sách trong thực tế. 281
  15. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hình 4. Tình hình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 8 về “Việc làm và tăng trưởng kinh tế” Nguồn: Báo cáo quốc gia năm 2020 - Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 3.3. Đề xuất một số giải pháp Để tiếp tục gặt hái thành công và tiến tới đạt được những mục tiêu phát triển bền vững nói chung, mục tiêu số 8 của phát triển bền vững về “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người” nói riêng, Việt Nam cần quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt, biến thách thức thành cơ hội, huy động sức mạnh của toàn xã hội. Tác giả có một số khuyến nghị nhằm tiến tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững như sau. 3.3.1. Về chính sách Về tư duy, nhận thức và quan điểm cần phải thống nhất và nhất quán rằng, một khi định hướng chính sách, mô hình chất lượng tăng trưởng đúng, biện pháp thực thi và tổ chức thực thi tốt, tất yếu sẽ đưa lại kết quả, mục tiêu như mong muốn. Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách đầu tư theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng. Kế hoạch cần được xây dựng dựa trên sự đổi mới về tư duy một cách sâu sắc và toàn diện, đặc biệt ở đội ngũ lãnh đạo và quản lý các cấp (tư duy chiến lược, hệ thống, sáng tạo, đổi mới…). Nâng cao trình độ nhận thức, đổi mới tư duy, quan điểm của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, của các ngành về chất lượng tăng trưởng. Thay đổi tư duy về mô hình tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế cần dựa trên nền tảng coi trọng chất lượng. Theo đó, trong dài hạn, cần từ bỏ quan điểm phải đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh theo chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên thiên nhiên và sức lao động, mà chuyển dần sang mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức và công nghệ. Kế hoạch lập ra phải mang tính kế thừa và phải có lộ trình thực hiện hiệu quả. Theo đó cách tiếp cận phải là hệ thống - liên ngành - liên vùng. 282
  16. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 3.3.2. Về xây dựng bộ chỉ tiêu cụ thể Các chỉ tiêu đánh giá cần được làm song song, đồng bộ và phù hợp với các mục tiêu mới nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của kế hoạch; cần xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn chặt với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.  3.3.3. Về khả năng thực hiện các mục tiêu Trong thực hiện, cần làm rõ cơ chế phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang, cả về không gian (địa phương - vùng - quốc gia - quốc tế) và thời gian (quá khứ - hiện tại - tương lai); phối hợp giữa các bộ, ngành, vùng, địa phương. 3.3.4. Về nguồn nhân lực Về nguồn nhân lực, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, hợp tác hội nhập quốc tế sâu rộng. Tăng cường nguồn lực tiêu chuẩn hóa quốc gia; coi việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố chính quyết định tốc độ và chất lượng của tăng trưởng kinh tế. Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực chất chính là tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Giải pháp trước mắt là nâng cao trình độ văn hóa và trình độ nhận thức cho người lao động. Nhà nước có chính sách thiết thực khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có trình độ quản lý thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài để đào tạo người lao động. Trong đó, chú trọng hướng các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực: đào tạo nghề, phát triển khoa học công nghệ, giáo dục đại học và sau đại học… 4. KẾT LUẬN Sau Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc, phát triển bền vững đã trở thành xu thế chung mà toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới và cũng là mục tiêu chiến lược quan trọng mà Việt Nam quyết tâm thực hiện. Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững năm 2015, Liên hợp quốc đã chính thức thông qua một Chương trình nghị sự Vì sự phát triển bền vững 2030 mới đầy tham vọng, bao gồm một bản tuyên bố, 17 mục tiêu chung (SDGs) và 169 mục tiêu cụ thể (targets). Theo Bảng xếp hạng chỉ số SDG của Liên hợp quốc, có thể thấy, đa phần các quốc gia xếp hạng cao đều là các nước châu Âu. Nhật Bản xếp hạng cao nhất châu Á ở vị trí thứ 18, với số điểm là 79,97, trong khi đó Việt Nam xếp hạng cao thứ hai tại Đông Nam Á với vị trí 51 và số điểm là 72,85. Việt Nam vẫn đang trong quá trình đã, đang và sẽ từng bước thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Thứ bậc xếp hạng chỉ số SDG được cải thiện đáng kể từ năm 2016 đến nay, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Để tiến tới các mục tiêu phát triển bền vững nói chung, mục tiêu số 8 của phát triển bền vững về “Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người” nói riêng, tác giả đưa ra bốn nhóm giải pháp như sau: 283
  17. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Về chính sách: Tư duy, nhận thức và quan điểm cần phải thống nhất và nhất quán rằng, một khi định hướng chính sách, mô hình chất lượng tăng trưởng đúng, biện pháp thực thi và tổ chức thực thi tốt, tất yếu sẽ đưa lại kết quả, mục tiêu như mong muốn. Về xây dựng bộ chỉ tiêu cụ thể: Các chỉ tiêu đánh giá cần được làm song song, đồng bộ và phù hợp với các mục tiêu mới nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của kế hoạch. Về khả năng thực hiện các mục tiêu: Trong thực hiện, cần làm rõ cơ chế phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang, cả về không gian (địa phương - vùng - quốc gia - quốc tế) và thời gian (quá khứ - hiện tại - tương lai); phối hợp giữa các bộ, ngành, vùng, địa phương. Về nguồn nhân lực: Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, hợp tác hội nhập quốc tế sâu rộng; tăng cường nguồn lực tiêu chuẩn hóa quốc gia; coi việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố chính quyết định tốc độ và chất lượng của tăng trưởng kinh tế.  TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2021), Báo cáo quốc gia năm 2020 - Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. 2. Jeffrey Sachs et. al. (2021), Sustainable Development 2021 - The Decade of Action for the Sustainable Development Goals. 3. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 622/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, ban hành ngày 10/5/2017. 4. https://dashboards.sdgindex.org/rankings 5. https://vietnam.un.org 6. https://www.gso.gov.vn/ 284
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2