Điều hành chính sách tài chính trong giai đoạn kinh tế vĩ mô có những diễn biến bất thường: Triển khai của thế giới và Việt Nam
lượt xem 4
download
Bài viết Điều hành chính sách tài chính trong giai đoạn kinh tế vĩ mô có những diễn biến bất thường: Triển khai của thế giới và Việt Nam tập trung đánh giá rõ thực trạng các gói cứu trợ tài chính, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách có liên quan.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Điều hành chính sách tài chính trong giai đoạn kinh tế vĩ mô có những diễn biến bất thường: Triển khai của thế giới và Việt Nam
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 21. ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TRONG GIAI ĐOẠN KINH TẾ VĨ MÔ CÓ NHỮNG DIỄN BIẾN BẤT THƯỜNG: TRIỂN KHAI CỦA THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM TS. Lê Văn Hải* Tóm tắt Trong hơn hai năm qua, nhiều sự kiện lớn tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu, xuất phát từ vấn đề không phải từ tài chính đã diễn ra hết sức bất ngờ. Trước hết, đó là đại dịch COVID-19; tiếp theo đó là xung đột vũ trang tại Ukraina và những căng thẳng giữa Nga và phương Tây, từ chỗ hàng loạt chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị đứt gãy, hàng không và du lịch quốc tế bị ngừng trệ, đến giá dầu thô, giá khí đốt, thức ăn chăn nuôi, nhiều mặt hàng kim loại tăng cao nhất trong năm qua. Tình hình đó đã và đang tác động mạnh đến nền kinh tế Viêt Nam. Trong bối cảnh đó, hàng loạt quốc gia đã đưa ra các gói cứu trợ tài chính mạnh mẽ, chưa có tiền lệ, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch, thực thi một số biện pháp giảm thiểu tác động của lạm phát. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra các quyết sách mạnh mẽ về chính sách tài chính - tiền tệ nhằm đưa nền kinh tế vượt qua những khó khăn. Bài viết tập trung đánh giá rõ thực trạng các gói cứu trợ tài chính, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách có liên quan. Từ khóa: Chính sách tài chính, diễn biến bất thường, nền kinh tế 1. TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH MẠNH MẼ CỦA CÁC NỀN KINH TẾ TRÊN THẾ GIỚI Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính các nước đã công bố và triển khai các gói tài khóa với quy mô khác nhau, tùy thuộc vào thể chế, khả năng ngân sách và mức độ thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Các nền kinh tế lớn như: Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada... đều liên tiếp công bố các gói hỗ trợ với quy mô trung bình tương đương 18% GDP. Tại châu Á, các nước cũng đã có các gói hỗ trợ với quy mô nhỏ hơn như: Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Malaysia… * Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh 254
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 khoảng 10% - 14% GDP; Trung Quốc (6,5% GDP); Việt Nam, Philippines, Indonesia có quy mô chỉ ở mức từ 1,5% - 6% GDP (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 2021). Các gói tài khóa, nhìn chung, tập trung vào 9 mục đích chính: (i) đầu tư nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và thiết bị y tế, hỗ trợ các bệnh viện mũi nhọn trong điều trị bệnh nhân COVID-19; (ii) trợ cấp trực tiếp cho người lao động phải tạm nghỉ việc hoặc thất nghiệp với các mức cụ thể khác nhau được công bố công khai, thực hiện minh bạch; (iii) chi tiền mặt hỗ trợ cuộc sống cho người dân thu nhập trung bình và thấp; (iv) cung cấp tín dụng ưu đãi của Chính phủ có lãi suất thấp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, khó khăn thanh khoản; (v) cho vay, bảo lãnh vay vốn hoặc mua lại cổ phần các công ty; (vi) cho phép giãn, hoãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội; (vii) giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân; (viii) kích cầu tiêu dùng, du lịch và hỗ trợ xuất khẩu; (ix) có riêng gói an sinh xã hội cho các trường hợp đặc biệt. Chính phủ Australia công bố gói kích thích kinh tế trị giá 23 tỷ USD, bao gồm: giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, trợ cấp lương cho người học việc và thanh toán một lần bằng tiền mặt cho người nhận phúc lợi xã hội. Chính phủ Anh công bố gói cứu trợ trị giá 330 tỷ bảng Anh, tương đương 15% GDP. Chính phủ Pháp bơm 45 tỷ EUR vào nền kinh tế. Tây Ban Nha huy động các nguồn lực kinh tế lớn nhất trong lịch sử với gói cứu trợ 200 tỷ EUR, chiếm khoảng 20% GDP. Chính phủ New Zealand chi 12,1 tỷ NZD, tương đương 4% GDP, để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tăng cường phúc lợi cho người cao tuổi, hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình có thu nhập thấp và chi trả cho người lao động không thể đi làm vì bị cách ly xã hội. Chính phủ Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 2.200 tỷ USD, theo đó, người dân Mỹ sẽ nhận được tối đa 3.000 USD/hộ gia đình tùy theo mức thu nhập; hỗ trợ 500 tỷ USD cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19; 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn; 250 tỷ USD cho việc hỗ trợ thất nghiệp và ít nhất 100 tỷ USD cho hệ thống y tế. Fed tuyên bố cung ứng 4.000 tỷ USD hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương vượt qua cuộc chiến chống dịch COVID-19 (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 2021). Tại châu Á, đứng đầu là Quốc hội Trung Quốc đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ NDT (tương đương 559 tỷ USD), vượt hơn rất nhiều gói kích thích kinh tế mà nước này từng đưa ra hồi Khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008; bao gồm: miễn thuế, giảm lãi suất ngân hàng, miễn đóng phí bảo hiểm xã hội, giảm giá điện... Chính phủ Nhật Bản cũng khai thác phần còn lại của dự trữ ngân sách tài chính năm nay có trị giá khoảng 270 tỷ JPY (2,62 tỷ USD) để sử dụng cho các gói hỗ trợ kinh tế (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 2021). Để chi tiêu từ gói ngân sách cho giảm thiệt hại từ dịch COVID-19, hầu hết, Chính phủ phải vay mượn nhiều hơn và vay với tốc độ cao chưa từng thấy trong lịch sử. Trung Quốc dự kiến phải phát hành trái phiếu trị giá gần 2.000 tỷ NDT. Chỉ riêng tại Mỹ, từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020, Chính phủ đã phải vay thêm 3.000 tỷ USD. Trung Quốc và Nhật Bản là 255
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA hai chủ nợ lớn nhất mua trái phiếu Chính phủ Mỹ. Việc phải vay nhiều hơn cho chi tiêu công là cách duy nhất, không có sự lựa chọn nào khác, của các Chính phủ để vượt qua đại dịch COVID-19. Vay nhiều càng khiến thâm hụt ngân sách cao hơn, tỷ lệ nợ công so với GDP càng cao hơn (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 2021). 2. TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CỦA VIỆT NAM 2.1. Tổng quan thực hiện chính sách tài chính của Việt Nam Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) là chỉ số kinh vĩ mô, là mục tiêu trực tiếp và mục tiêu đầu tiên của chính sách tài chính, có tác động lớn đến điều hành chính sách tiền tệ. Vốn tín dụng ngân hàng thương mại (NHTM) đáp ứng kịp thời cho các đối tượng khách hàng, cũng như các chính sách điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ, miễn giảm lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nguồn thu NSNN. Ngược lại, cơ chế miễn giảm thuế trong điều hành chính sách tiền tệ cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, tăng nhu cầu vay vốn NHTM. Với số liệu đã được công bố, chỉ tính đến ngày 15/12/2021, tổng thu NSNN đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm (tăng 180,1 nghìn tỷ đồng). Tất cả các nguồn thu đều vượt dự toán: thu nội địa bằng 110,4% so với dự toán năm (tăng gần 118 nghìn tỷ đồng); thu từ dầu thô bằng 197,4% (tăng 22,6 nghìn tỷ đồng); thu cân đối từ hoạt động - nhập khẩu bằng 122,1% (tăng 39,5 nghìn tỷ đồng). Tổng chi NSNN năm 2021 đạt 1.839,2 nghìn tỷ đồng, bằng 109% dự toán năm, trong đó, chi thường xuyên bằng 102,3%; chi đầu tư phát triển bằng 106,4%; chi trả nợ lãi bằng 96,2%. Tham khảo thu - chi, cân đối NSNN giai đoạn 2017 - 2021 ở Hình 1 dưới đây. Hình 1. Thu - chi ngân sách nhà nước (nghìn tỷ đồng) Nguồn: Tổng cục Thống kê (2016 - 2022) 256
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Năm 2021, thu NSNN tăng cao, nhưng chi NSNN cũng tăng cao do dịch bệnh, do thực hiện các gói cứu trợ xã hội, do giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Vì vậy, năm 2021, cân đối NSNN thâm hụt khoảng 316.000 tỷ đồng. 2.2. Thực trạng các gói cứu trợ tài chính năm 2021 của Chính phủ Việt Nam 2.2.1. Gói hỗ trợ về thuế - Ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc giãn hoãn thuế và tiền thuê đất năm 2021, với quy mô 115 nghìn tỷ đồng, giá trị thực ước tính 1.917 tỷ đồng, tương đương 0,03% GDP năm 2020. Đây thực chất là việc cho phép doanh nghiệp, người dân được hoãn trả thuế và tiền thuê đất. Giá trị hỗ trợ thực ở đây chính là phần không tính lãi khi gia hạn, bao gồm gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng trong 5 tháng, với quy mô 68.800 tỷ đồng và với giá trị thực hỗ trợ khoảng 1.147 tỷ đồng (Bộ Tài chính, 2019 - 2021). - Gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 tháng, quy mô 40.500 tỷ đồng, với giá trị thực hỗ trợ ước tính 354 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế thu nhập hộ kinh doanh, cá thể năm 2021, quy mô 1.300 tỷ đồng, với giá trị thực ước tính 18 tỷ đồng và gia hạn tiền thuê đất trong 5 tháng, quy mô 4.400 tỷ đồng, với giá trị thực ước tính 39 tỷ đồng (Bộ Tài chính, 2019 - 2021). - Ngày 16/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, giá trị khoảng 21.300 tỷ đồng (ban hành trước ngày 01/10/2021). Đến nay chưa có kết quả cụ thể về thực hiện chính sách này (Bộ Tài chính, 2019 - 2021). 2.2.2. Các biện pháp khác của chính sách tài khóa Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ tài khóa khác như: cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, thời hạn 1 năm (quay vòng tối đa hai lần) hỗ trợ Vietnam Airlines, đã ký kết hợp đồng tín dụng ngày 7/7/2021; tổng giá trị ngân sách hỗ trợ (thông qua NHNN) khoảng 480 tỷ đồng (giả định quay vòng tối đa) (Chính phủ, 2018 - 2021). Ngày 24/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC về việc giảm 30 khoản phí, lệ phí, có hiệu lực từ ngày 01/7 đến 31/12/2021 để tiếp nối chính sách giảm phí, lệ phí quy định tại Thông tư số 112/2020/TT-BTC, hết hạn vào ngày 30/6/2021. Ước tính quy mô hỗ trợ của gói hỗ trợ này là 1.000 tỷ đồng (Bộ Tài chính, 2019 - 2021). Ngày 04/7/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ kinh tế với quy mô 23.000 tỷ đồng trên nguyên tắc hỗ trợ người dân thông qua việc làm ngắn hạn, tạm thời với những công việc không đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao. Theo đó, gói hỗ trợ được giải ngân về các xã để xây dựng danh mục dự án cộng đồng, phúc lợi chung như: làm đường dân sinh, dọn vệ sinh đường phố, trồng rừng hoặc trồng cây xanh cảnh quan. Đến nay, tiến độ triển khai chưa được cập nhật kết quả giải ngân cụ thể. 257
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Ngày 22/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua việc chuyển 14.620 tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương, tập trung chi cho phòng, chống dịch COVID-19. Tổng chi NSNN cho phòng, chống dịch trong 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 4.650 tỷ đồng (Bộ Tài chính, 2019 - 2021). Đối với gói an sinh xã hội, ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với quy mô 26.000 tỷ đồng, tương đương 0,41% GDP. Theo đó, đối với người lao động các chính sách hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ một lần người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với mức 1,855 triệu đồng/người (nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng) và mức 3,71 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020 - 2021). Hỗ trợ một lần người lao động ngừng việc do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/người. Hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 8 mức, 3,71 triệu đồng/người/lần. Người lao động mang thai hoặc đang nuôi con dưới 6 tuổi được hỗ trợ 1 triệu đồng/người (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020 - 2021). Đối với người là F0, F1, lao động tự do, hướng dẫn viên du lịch, đạo diễn diễn viên, họa sĩ, hộ kinh doanh: người là F0 được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày từ 27/4/2021 đến 31/12/2021, hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020 - 2021). Người là F1 được nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày, không quá 21 ngày, lao động tự do được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày. Hướng dẫn viên du lịch, đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người. Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên được NSNN hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020 - 2021). Đối với người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, không cần tài sản đảm bảo với thời hạn dưới 12 tháng; miễn đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 01/7/2021 đến 30/6/2022), tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng. Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,5 triệu/lao động trong 6 tháng (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020 - 2021). Đối với các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 13.150 tỷ đồng, bao gồm giảm 10% - 15% giá điện và miễn tiền điện cho khách hàng (trong tháng 8/2021 và tháng 9/2021), các cơ sở cách ly y tế tập trung phục vụ phòng, chống dịch của EVN (trong 6 tháng) (Nghị quyết số 83/NQ-CP) và Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 giảm tiền điện 3 tháng (tháng 9 - tháng 11/2021) cho một số doanh nghiệp chế biến nông sản, tổng giá trị hai đợt giảm này khoảng 3.150 tỷ đồng; gói hỗ trợ cước viễn thông trong vòng 3 tháng với giá trị gần 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo giảm tiền nước song chưa có quyết định chính thức cũng như chưa công bố quy mô chính sách hỗ trợ này (Chính phủ, 2018 - 2021). 258
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Đối tượng được hỗ trợ là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (có tên trong danh sách đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội) (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020 - 2021). Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến ngày 31/12/2021, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là trên 25.751 tỷ đồng, tương đương 244% kế hoạch dự toán, hỗ trợ cho gần 15,88 triệu đối tượng trong cả nước. Còn theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, NSNN đã chi 14.916 tỷ đồng để hỗ trợ bằng tiền cho trên 17,88 triệu đối tượng. Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, trên 1,2 triệu người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đã được hỗ trợ với tổng số tiền là 4.240 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 482.090 người lao động ngừng việc được hỗ trợ 634 tỷ đồng tại các tỉnh: Đồng Nai, Bắc Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương…; có 2.640 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động được hỗ trợ gần 10,5 tỷ đồng tại các tỉnh/thành: Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai; 24.320 người lao động mang thai và 375.280 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động đã được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/người (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020 - 2021). Cũng theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có 702.210 đối tượng thuộc diện F0 và F1 của dịch COVID-19 đã được NSNN hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí gần 468,7 tỷ đồng. Một số địa phương đã ban hành chính sách không thu tiền ăn của đối tượng F0, F1 tại các cơ sở cách ly, điều trị tập trung nên không báo cáo số liệu cụ thể về chính sách này. Ngoài ra, trên 14,89 triệu người lao động tự do và các đối tượng đặc thù đã được hỗ trợ với tổng kinh phí 19.568 tỷ đồng từ các nguồn NSNN, nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các công ty xổ số kiến thiết... (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020 - 2021). 2.2.3. Thực hiện vốn đầu tư công Về thực hiện vốn đầu tư công của năm 2021, đến hết tháng 10/2021, cả nước giải ngân được 257.387 tỷ đồng, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn rất nhiều so với mức giải ngân của cùng kỳ năm ngoái (đạt 67,25%). Trong đó, tính đến hết tháng 10/2021, có tới 30 tỉnh/thành mới chỉ giải ngân chưa đến 60% kế hoạch được giao của năm 2021, có tỉnh mới chỉ đạt 18%, một số tỉnh khác đạt 20% - 30% (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018 - 2021). Vốn đầu tư của khu vực nhà nước thực hiện từ nguồn NSNN năm 2021 đạt 423,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3% kế hoạch năm và giảm 8,6% so với năm trước (năm 2020 bằng 90,5% và tăng 33,6%), gồm có: vốn trung ương quản lý đạt 72,4 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% kế hoạch năm và giảm 8,2% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 351,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85% và giảm 8,7%, trong đó, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 234,3 nghìn tỷ đồng, bằng 80,9% và giảm 9,2%; vốn NSNN cấp huyện đạt 98,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,4% và giảm 7,4%; 259
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA vốn NSNN cấp xã đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, bằng 108,9% và giảm 8,7% (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018 - 2021). Theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư NSNN đến hết tháng 01/2022 đạt 93,47% kế hoạch năm 2021 (Chính phủ cho phép giải ngân đến hết tháng 01/2022 của kế hoạch đầu tư công năm 2021) (Bộ Tài chính, 2019 - 2021). Tham khảo vốn đầu tư công, tức đầu tư từ nguồn vốn NSNN trong tổng thể vốn đầu tư toàn xã hội trong năm 2021 ở Hình 2 dưới đây. Hình 2. Vốn đầu tư toàn xã hội (%) Nguồn: Tổng cục Thống kê (2016 - 2022) Việc giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn NSNN, tức là của khu vực nhà nước, có tác động trực tiếp đến điều hành chính sách tiền tệ trong sự phối hợp với chính sách tài khóa, bởi vì giải ngân vốn đầu tư công được coi như vốn mồi thúc đẩy tăng trưởng vốn tín dụng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thi công dự án, doanh nghiệp cung ứng nguyên nhiên vật liệu cho các dự án đầu tư công. Theo đó, vốn tín dụng ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp mua sắm máy móc, thiết bị, thi công khai thác nguyên vật liệu, cung ứng vật liệu thi công dự án đầu tư công. Điều này cũng thể hiện một góc độ phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa năm 2020 và năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 tăng 3,2% so với năm trước. Tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng trở lại cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2021 đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước (Quý IV/2021 đạt 999,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 713,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng vốn và giảm 2,9% so với năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 1.720,2 nghìn tỷ đồng, 260
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 bằng 59,5% và tăng 7,2%; khu vực có vốn FDI đạt 458,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% và giảm 1,1% (Bộ Tài chính, 2019 - 2021). Đầu tư công không chỉ góp phần tăng trưởng, phát triển cơ sở hạ tầng của đất nước mà còn giải quyết đời sống, thu nhập cho hàng triệu người, tạo điều kiện cho tăng trưởng vốn tín dụng ngân hàng. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1% đầu tư thì sẽ góp phần tăng GDP 0,06%. Bởi vậy, mục tiêu là phải giải ngân 100% vốn đầu tư công hàng năm trong thực hiện chính sách tài khóa cũng tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ theo nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm (Tổng cục Thống kê, 2018 - 2021). 2.3. Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 Đây là nội dung điều hành chính sách tiền tệ, song cũng là một nội dung của chính sách tài khóa. Bởi vì các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng sẽ giảm lợi nhuận, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nộp NSNN. Đối với ba NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa và Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, sẽ giảm nguồn thu của NSNN do được chia cổ tức hàng năm, hoặc vốn NSNN cấp cho tăng vốn điều lệ các NHTM đó từ nguồn cổ tức được chia. Đây cũng là một nội dung phối hợp trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài chính. Trong 2 năm (2020 - 2021), trước tình hình các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, bên cạnh việc điều chỉnh kỳ hạn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 không bị xếp vào nợ xấu thì các NHTM còn giảm lãi cho khách hàng để không bị chuyển thành nợ xấu. Chỉ tính riêng khối bốn NHTM Nhà nước và NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm hơn 16.534 tỷ đồng tiền lãi, chiếm 78% số lãi đã giảm. Đây cũng là khối TCTD miễn giảm lãi nhiều nhất cho khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng giảm khó khăn, không bị đưa vào dạng nợ xấu. Trong nhóm này, Agribank là NHTM giảm lãi nhiều nhất cho các khách hàng, với 5.512 tỷ đồng tiền lãi đã được miễn giảm. Đáng chú ý, NHTM này cũng đứng vị trí số 1 về hỗ trợ nhiều khách hàng nhất trong báo cáo trên, hỗ trợ đến gần 60% số khách hàng trong danh sách. Theo sau là Vietcombank với tổng số lãi đã miễn giảm là 4.635 tỷ đồng, mức lãi suất giảm dao động trong khoảng 0,1% - 5,8%, hỗ trợ được 270.000 khách hàng trong lần này. BIDV xếp vị trí thứ 3 với 4.128 tỷ đồng tiền lãi miễn giảm, 453.000 khách được hỗ trợ. VietinBank là ngân hàng giảm ít lãi nhất trong khối TCTD này, giảm 2.259 tỷ đồng. Tuy có số lãi giảm ít nhất trong khối nhưng VietinBank lại là ngân hàng giảm lãi cho nhiều khách hàng nhất trong ba Ngân hàng TMCP thuộc khối này (Vietcombank, BIDV, VietinBank), với gần 968.000 khách hàng được hỗ trợ, mức lãi suất giảm dao động trong khoảng 0,1% - 1%. 261
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Hình 3. Số lãi và số khách hàng được giảm lãi (lũy kế từ 15/7 - 31/12/2021) Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, tổng hợp từ báo cáo của các NHTM, hình vẽ của CaFeF Tuy không hỗ trợ giảm lãi nghìn tỷ đồng như nhóm bốn NHTM nói trên nhưng các ngân hàng TMCP tư nhân, bao gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã rất tích cực khi đồng loạt hơn giảm 500 tỷ đồng tiền lãi, hỗ trợ hơn 509.000 khách hàng. Cụ thể, ACB: 859 tỷ đồng với 128 nghìn khách hàng; MB: 640 tỷ đồng với 104 nghìn khách hàng; VPBank: 605 tỷ đồng với 275 nghìn khách hàng; Techcombank: 539 tỷ đồng với 2.000 khách hàng. Tiếp theo là nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân hỗ trợ dưới 500 tỷ đồng bao gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB): 389 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank): 302 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank): 287 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank): 246 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB): 185 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): 158 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) 47 tỷ đồng. Nhóm NHTM này cũng đã hỗ trợ lãi suất cho hơn 245.000 khách hàng. 2.4. Thực trạng gói tài chính tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2022 Kỳ họp bất thường của Quốc hội tháng 01/2022 đã ban hành Nghị quyết các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, về chính sách miễn, giảm thuế: giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm 262
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản... (Chính phủ, 2018 - 2022). Về chính sách đầu tư phát triển, Nghị quyết quyết nghị tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong hai năm (2022 - 2023) (Chính phủ, 2018 - 2022). Về an sinh xã hội, lao động, việc làm: NSNN cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tối đa 5.000 tỷ đồng, bao gồm: cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm (Chính phủ, 2018 - 2022). Về đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm tối đa 3.150 tỷ đồng (Chính phủ, 2018 - 2022). Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các NHTM cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua (Chính phủ, 2018 - 2022). Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: bổ sung tối đa 113.550 tỷ đồng vốn đầu tư từ NSNN để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai (Chính phủ, 2018 - 2022). Về chính sách tiền tệ, Nghị quyết quyết nghị điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm (2022 - 2023), nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. - Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. - Sử dụng tối đa 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vắc-xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cần thiết (Chính phủ, 2018 - 2022). - Áp dụng các chính sách khác để thực hiện Chương trình tập trung trong hai năm (2022 - 2023), bao gồm sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, Internet, trong đó sử dụng 1.000 tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” (Chính phủ, 2018 - 2022). 263
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA - Giải quyết các vướng mắc trong quy định về nội dung chi và quản lý Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; sử dụng khoảng 5.000 tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tính toán về tác động của gói hỗ trợ năm 2022, dự kiến GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm từ 0,9% - 1,1% trong năm 2022. Gói kích thích kinh tế sẽ là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp GDP Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6%/năm giai đoạn 2022 - 2023 (Chính phủ, 2018 - 2022). Tham khảo chi tiết gói cứu trợ năm 2022 ở Hình 4 dưới đây. Hình 4. Kết cấu gói thích kích kinh tế 347 nghìn tỷ đồng Nguồn: BSC Research, Báo cáo trình Quốc hội Chính phủ cũng đã thông qua Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình). Chương trình được thiết kết trên nguyên tắc nhằm tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, không dàn trải, có thời hạn – thực hiện chủ yếu trong hai năm (2022 - 2023). Tổng mức hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và các hỗ trợ khác của Chương trình vào khoảng 346.800 tỷ đồng, tương đương 4,24% GDP. 2.5. Một số đánh giá Chính phủ Việt Nam cũng nhanh nhạy đưa ra các gói hỗ trợ thuộc phạm vi điều hành chính sách tài chính - tiền tệ, góp phần tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho nhiều hộ gia đình và cá nhân, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, tạo đà tăng trưởng GDP. Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều gói hỗ trợ nền kinh tế và an sinh xã hội để vượt qua khó khăn bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, có thể thấy, trong các gói hỗ trợ, thì gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại các gói hỗ trợ khác rất chậm và còn vướng mắc. Năm 2020, việc triển khai gói hỗ trợ tài khóa và an sinh xã hội rất chậm, chỉ đạt khoảng 46% giá trị gói tài khóa và 63% gói an sinh xã hội, riêng giải ngân vốn đầu tư công có khá 264
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 hơn nhưng nhìn chung tình hình đó đã ảnh hưởng tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và người dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2018 - 2021). Năm 2021, tình hình triển khai có khá hơn những cũng vẫn còn chậm, riêng giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn năm 2020. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 8/2021, tổng số lao động đã được hỗ trợ là trên 15 triệu lượt người với tổng số tiền là 8.400 tỷ đồng, bằng 32% tổng gói hỗ trợ; 1,2 triệu lao động tự do đã nhận 2.180 tỷ đồng (do các địa phương tự xác định đối tượng và chi). Các gói hỗ trợ khác cho đến nay chưa có kết quả (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 2020 - 2021). Nguyên nhân của tình trạng chậm thực hiện tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ trong cả hai năm (2020 - 2021) là do: (i) Điều kiện đặt ra ban đầu trong nhiều chính sách chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa sát thực tiễn, chưa phủ kín đối tượng cần được hỗ trợ, chưa cụ thể, có nhiều cách hiểu khác nhau thiếu văn bản hướng dẫn; (ii) Quy trình, thủ tục giải ngân, chi tiền còn phức tạp, xử lý tốn kém nhiều thời gian khiến nhiều doanh nghiệp e ngại; (iii) Nhiều doanh nghiệp tự xoay sở nguồn tài chính để vượt qua khó khăn và trả lương cho người lao động; (iv) Nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, làm ăn thua lỗ nên không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế, nên không được hưởng ưu đãi từ chính sách giãn thuế, kéo dài thời gian nộp thuế; (v) Việc thực hiện chính sách ở cơ sở từ tổ dân phố, đến thôn, xóm, phường, xã, còn lúng túng, thiếu cán bộ, quá tải công việc trong điều kiện phải thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng, chống dịch cùng một lúc; (vi) Cán bộ cơ sở ngại trách nhiệm, sợ trách nhiệm, không dám linh hoạt, vận dụng, mạnh dạn làm vì người dân, chờ đợi hướng dẫn; (vii) Khâu truyền thông, công khai minh bạch thông tin và mẫu biểu trên mạng chưa tốt, dẫn đến nhiều doanh nghiệp chưa biết cụ thể các chính sách hỗ trợ và việc phối kết hợp triển khai tại một số đơn vị, địa phương còn chậm. (viii) Chưa ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu đăng ký, thẩm định và chuyển tiền cho dân, còn làm thủ công, giấy tờ theo các thủ tục hành chính truyền thống. (ix) Công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa được thực hiện quyết liệt, chưa nêu cao tình thần trách nhiệm người đứng đầu, các bộ, ngành và các địa phương chưa làm tốt khâu giải phóng mặt bằng. 265
- KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 3. KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP Một là, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn, giải thích các trường hợp có các cách hiểu khác nhau, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại, đặc biệt là gói tài chính và đầu tư công. Các bộ, ngành và các địa phương cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành. Chính phủ cần chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hai là, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công với điều kiện không hình thức, không giải ngân bằng mọi giá mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng. Ba là, các bộ, ngành và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng ở các địa phương cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, cần tiếp tục triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng gói hỗ trợ bằng tiền mặt, chuyển hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau, trong đó, hết sức chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin như: dịch vụ mobile money, ví điện tử… Cùng với đó là tăng cường sự giám sát của cơ quan chức năng, giám sát của người dân, của cộng đồng và dư luận xã hội. Các bộ, ngành, các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu đăng ký, thẩm định và chuyển tiền cho dân như: cho phép đăng ký qua mạng. Tận dụng hệ thống thông tin, dữ liệu hiện có và tham khảo, đối chiếu qua hệ thống dữ liệu của các tổ chức khác như: bảo hiểm xã hội, nhà mạng, doanh nghiệp điện, nước...; các tổ chức đoàn thể địa phương để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn. Bốn là, Chính phủ, các bộ ngành có liên quan cần thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp khác mang tính bổ trợ và dài hạn khác. Chính phủ chỉ đạo đánh giá hiệu quả hỗ trợ, quy mô hoạt động của các quỹ, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên cơ sở đó có biện pháp mạnh mẽ cơ cấu lại, tiết kiệm các nguồn lực của NSNN. Năm là, trong trung và dài hạn, khi xây dựng và triển khai gói hỗ trợ khẩn cấp đối với nền kinh tế gặp khó khăn bởi cả thiên tai, dịch bệnh, luôn luôn sử dụng đồng thời cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ của cả hai chính sách này. Quốc hội cần cho phép nâng trần nợ công và tốt nhất tập trung vay trong nước thông qua phát hành TPCP; cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, giải trình, điều chỉnh, linh hoạt của các gói tài chính, các công cụ chính sách tiền tệ. Thực hiện nghiêm túc hơn công tác giải ngân thực hiện vốn đầu tư công, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu của các bộ, ngành, các địa phương, cần làm tốt khâu giải phóng mặt bằng. Sáu là, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Theo ba kịch bản chuyển đổi số quốc gia của nhóm tác giả, chuyển đổi số thành công có thể giúp GDP Việt Nam tăng trưởng thêm từ 0,53% - 1,85 điểm % từ nay đến năm 2030. 266
- KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2022: ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ LÀNH MẠNH TÀI CHÍNH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 Bảy là, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ngân hàng Nhà nước sớm bỏ hạn mức tín dụng đối với NHTM, một công cụ hành chính có tính chất xin - cho không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Ngân hàng Nhà nước thực hiện mọi biện pháp và công cụ cần thiết nhằm giảm lãi suất trong nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Chính phủ, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hơp chặt chẽ cùng các bộ, ngành hữu quan triển khai kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình được thiết kế trên nguyên tắc nhằm tác động cả phía cung và phía cầu; có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, để giải quyết những vấn đề cấp bách, không dàn trải, có thời hạn - thực hiện chủ yếu trong hai năm (2022 - 2023). Tổng mức hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và các hỗ trợ khác của Chương trình vào khoảng 346.800 tỷ đồng, tương đương 4,24% GDP. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018 - 2021), truy cập tại: http://www.mpi.gov.vn/Pages/; thời gian truy cập, từ ngày 8/2 đến ngày 23/2/2022. 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2020 - 2021), truy cập tại: http://molisa.gov.vn/ Pages/trangchu.aspx; thời gian truy cập, từ ngày 8/2 đến ngày 23/2/2022. 3. Bộ Tài chính (2019 - 2021), truy cập tại https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/, thời gian truy cập từ ngày 8/2/2022 đến ngày 23/2/2022. 4. Chính phủ (2018 - 2022), Cổng thông tin của Chính phủ, truy cập tại: http://chinhphu.vn/ portal/page/portal/chinhphu/cacchuongtrinhduan; từ ngày 8/2/2022 đến ngày 23/2/2022. 5. Tổng cục Thống kê (2018 - 2021), truy cập tại https://www.gso.gov.vn/default. aspx?tabid=382&idmid=2; từ ngày 8/2 đến ngày 23/2/2022. 267
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh phát triển thị trường chứng khoán
10 p | 719 | 298
-
Chính sách tài chính hậu khủng hoảng
6 p | 406 | 238
-
ĐỀ TÀI 11: SỬ DỤNG NGHIỆP VỤ THỊ TRƯỜNG MỞ TRONG VIỆC ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ QUỐC GIA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
15 p | 436 | 212
-
Điều hành chính sách tài khóa nhằm ổn định chu kỳ kinh tế thế giới: Hàm ý cho Việt Nam
9 p | 87 | 12
-
Phát triển kinh tế Việt Nam thích ứng với bối cảnh mới - Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia: Phần 2
486 p | 24 | 9
-
Ứng dụng công nghệ phi truyền thống trong điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam
10 p | 107 | 9
-
Điều hành chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô
10 p | 54 | 7
-
Tìm dư địa giảm lãi suất cho vay trong điều hành chính sách tiền tệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
9 p | 11 | 5
-
Kiểm định quy tắc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam giai đoạn 2007-2016
28 p | 50 | 5
-
Điều hành chính sách tiền tệ phi truyền thống tại Anh nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu
10 p | 47 | 5
-
Khả năng áp dụng nguyên tắc Taylor trong điều hành chính sách tiền tệ ở Việt Nam
9 p | 84 | 5
-
Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng thận trọng, hiệu quả, chủ động dẫn dắt thị trường để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội
5 p | 82 | 5
-
Nợ công và xu hướng điều hành chính sách tài khóa mở rộng tại một số quốc gia giai đoạn 2014 - 2015
8 p | 85 | 4
-
Điều hành chính sách tỷ giá của Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu
5 p | 138 | 4
-
Tạp chí Kinh tế - Kỹ thuật: Số 13/2016
150 p | 48 | 3
-
Kinh nghiệm quốc tế về điều hành chính sách tài chính ứng phó với thiên tai
3 p | 47 | 2
-
Xu hướng lựa chọn lãi suất mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ và khuyến nghị cho Việt Nam
20 p | 2 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn