HNUE JOURNAL OF SCIENCE<br />
DOI: 10.18173/2354-1075.2019-0034<br />
Educational Sciences, 2019, Volume 64, Issue 2A, pp. 165-172<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
ĐỊNH HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI SANG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 4.0<br />
KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM<br />
<br />
Nguyễn Hoàng Đoan Huy<br />
Viện Nghiên cứu Sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội<br />
Tóm tắt. Giáo dục cần phải có những sự chuẩn bị tối ưu để bắt kịp và phục vụ cho<br />
cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong công cuộc đổi mới giáo dục đang diễn ra<br />
liên tục và toàn diện ở nước ta hiện nay, việc tìm hiểu và rút ra những bài học kinh<br />
nghiệm để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang Giáo dục 4.0 là vấn đề cần thiết.<br />
Bài báo này đề cập đến những yếu tố đặt ra cho giáo dục đại học trong cuộc cách<br />
mạng công nghiệp 4.0, những kinh nghiệm quốc tế xung quanh việc chuyển đổi sang<br />
Giáo dục đại học 4.0 và những định hướng mang tính chính sách để góp phần giúp<br />
các nhà quản lí giáo dục có những tiếp cận đúng hướng trong những đổi mới sắp diễn<br />
ra ở nước ta.<br />
Từ khoá: Cách mạng 4.0, Giáo dục đại học 4.0, kinh nghiệm quốc tế, đổi mới giáo dục.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Bước nhảy vọt gần đây về số hóa trong môi trường sống và môi trường làm việc của<br />
con người là một trong những động lực chính của sự thay đổi trong thế kỉ mới. Năm 2012,<br />
chính phủ Đức đã lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" (Industry 4.0) để đề<br />
cập đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (The fourth Industrial Revolution) vốn<br />
được biết đến trên toàn thế giới với thuật ngữ "Công nghiệp Internet". Công nghiệp 4.0<br />
với sự xuất hiện của công nghệ cao, máy móc thông minh, robot có trí tuệ nhân tạo... đang<br />
và sẽ tác động làm thay đổi to lớn đến thị trường lao động và việc làm trên nhiều góc độ<br />
khác nhau. Có thể nói, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với việc làm sẽ là sự<br />
dịch chuyển từ sản xuất thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức và thâm dụng<br />
công nghệ [1].<br />
Theo dự báo của Liên hợp quốc, sẽ có khoảng 75% lao động trên thế giới có thể bị<br />
mất việc trong vài thập niên tới [2]. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước chịu<br />
ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0, biểu hiện ở việc một số ngành nghề<br />
ở nước ta sẽ biến mất trong tương lai [3]. Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, tích cực hơn,<br />
cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tạo thêm nhiều ngành nghề, việc làm mới mà người<br />
Ngày nhận bài: 4/2/2019. Ngày sửa bài: 12/3/2019. Ngày nhận đăng: 20/3/2019.<br />
Tác giả liên hệ: Nguyễn Hoàng Đoan Huy. Địa chỉ e-mail: nguyenhoangdoanhuy@gmail.com<br />
<br />
165<br />
<br />
Nguyễn Hoàng Đoan Huy<br />
<br />
máy và robot không thể đáp ứng được, điều đó đòi hỏi người lao động phải có kĩ năng,<br />
trình độ cao mới có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Theo đó, giáo dục, đặc biệt là<br />
giáo dục đại học và đào tạo nghề cũng đang đối mặt với yêu cầu chuyển dịch và thay đổi<br />
mang tính thời đại.<br />
Như vậy, cùng với “Công nghiệp 4.0”, một số thuật ngữ tương tự cũng theo đó được<br />
ra đời, vượt ra ngoài lĩnh vực công nghiệp. Chẳng hạn, các thuật ngữ như "Thành phố 4.0",<br />
"Ngôn ngữ 4.0", “Giáo dục 4.0”... bắt đầu được giới thiệu trong cùng một bối cảnh của<br />
cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vì các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy được những vấn đề<br />
mà hiệu ứng này có thể tác động lên các lĩnh vực đời sống khác nhau [4]. Trong bối cảnh này,<br />
giáo dục phải thích nghi với các tiếp cận mới để bắt kịp và thậm chí và vượt trước những<br />
thay đổi xảy ra trong xã hội phát triển không ngừng, thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0.<br />
Một số quốc gia trên thế giới đã và đang đi được những bước tiến lớn trong quá trình<br />
chuyển đổi sang Giáo dục 4.0. Việc tìm hiểu những yếu tố cần lưu ý để có thể chuyển đổi<br />
sang Giáo dục 4.0 nói chung, Giáo dục đại học 4.0 nói riêng và phân tích những thành tựu<br />
các quốc gia trên thế giới đã đạt được liên quan đến vấn đề này là nội dung chính mà tác<br />
giả muốn đề cập trong bài báo này.<br />
<br />
2. Nội dung nghiên cứu<br />
2.1. Một số yếu tố đặt ra cho giáo dục đại học trong Cách mạng công nghiệp 4.0<br />
Sự ra đời của Cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn đến việc tạo ra nhiều tri thức mới, và<br />
làm thay đổi chương trình dạy học hiện tại, đặc biệt là tác động to lớn đến các nguyên tắc,<br />
phương pháp trong giáo dục đại học, đào tạo nghề. Yêu cầu về trình độ và kĩ năng của lực<br />
lượng lao động trong xã hội thời đại 4.0 sẽ cao hơn hiện nay, bởi vì các cơ sở sử dụng<br />
nguồn nhân lực sẽ sử dụng công nghệ mới và phương tiện thông minh. Vì lí do này, hệ<br />
thống giáo dục sẽ thay đổi từ Giáo dục 3.0 sang Giáo dục 4.0 [5]. Theo đó, về cơ bản,<br />
những khía cạnh cần tập trung phát triển để chuyển đổi sang Giáo dục 4.0 nói chung và<br />
Giáo dục đại học 4.0 nói riêng, bao gồm [6]:<br />
- Chú trọng vào các phương tiện di động hỗ trợ giảng dạy, học tập và đào tạo<br />
Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các thiết bị, phương tiện có thể mang theo bên<br />
người (di động) cho thấy dấu hiệu ban đầu của một lĩnh vực công nghệ mới. Các cơ sở<br />
giáo dục phải hành động ngay để nắm bắt được tiềm năng rất lớn của thiết bị di động<br />
trong việc cách mạng hóa hình thức, phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng như<br />
hướng dẫn cho học sinh phương pháp học tập phù hợp hơn trong môi trường kĩ thuật số.<br />
Trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi sự tồn tại của các hệ<br />
thống trực tuyến trở thành một chuẩn mực mới, mô phỏng số đóng một vai trò quan trọng<br />
ngày càng tăng trong lĩnh vực giáo dục.<br />
Trong lĩnh vực mô phỏng số, phân tích phần tử hữu hạn (FEA) là một kĩ thuật đa<br />
năng đã được thực hiện trong các lĩnh vực kĩ thuật khác nhau như phân tích các tòa nhà<br />
(Marwala và cộng sự, 2017, Marwala, 2012, Marwala, 2010). FEA hiện đại thường được<br />
thực hiện với sự hỗ trợ của máy tính. Kết quả là, sinh viên có thể hiểu các khái niệm chính<br />
một cách trực giác hơn; và các kĩ sư có thể thực hiện các mô hình phức tạp và giải thích<br />
kết quả một cách dễ dàng. Tuy nhiên, thiết lập như vậy đã hạn chế các quy trình FEA<br />
trong một môi trường hoàn toàn ảo và ngoại tuyến. Những giới hạn này lần lượt làm mất<br />
166<br />
<br />
Định hướng chuyển đổi sang giáo dục đại học 4.0 - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam<br />
<br />
đi nhận thức của con người về nhiều khía cạnh (ví dụ như quy mô, ngữ cảnh, chất lượng<br />
không gian và vật liệu).<br />
- Tập trung phát triển các lớp học trực tuyến mở (Massive open online courses MOOCs)<br />
Giảng dạy từ lâu đã bị hạn chế bởi các kịch bản trong đó sinh viên phải tập trung tại<br />
một giảng đường để nghe giáo sư thuyết trình hoặc ngồi quanh một bàn để thảo luận với<br />
giáo viên, bạn học của mình. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ đang làm giảm bớt những khó<br />
khăn đó và thay đổi triệt để nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Các lớp<br />
học mở trực tuyến khổng lồ, còn gọi tắt là MOOC, là một hình thức giáo dục cung cấp<br />
hướng dẫn độc lập trực tuyến (Xing, 2015). Mặc dù nhiều thử nghiệm vẫn đang trong giai<br />
đoạn tiến hành, MOOCs cho thấy sự vượt trội của hình thức giảng dạy trực tuyến so với<br />
các hình thức giảng dạy truyền thống ở các trường đại học theo một cách rất riêng. Cho<br />
đến nay, hai yếu tố lớn gây khó khăn cho hình thức dạy học truyền thống là chi phí để vận<br />
hành một trường học và số lượng học sinh tham gia các lớp học tại trường. MOOCs có<br />
thể loại bỏ những trở ngại này bằng hình thức tổ chức hoàn toàn khác nhau: ngoài khuôn<br />
viên nhà trường và bằng mô hình trực tuyến; và một khi một khóa học trực tuyến được tạo<br />
ra, việc giảng dạy cho rất nhiều học sinh trong cùng một lúc lại trở thành một lợi thế.<br />
- Ươm mầm những tài năng sáng tạo<br />
Hầu hết các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển đều thiếu tài năng sáng tạo,<br />
đặc biệt là ở sáng tạo ở mức cao. Để nắm bắt cơ hội của một làn sóng công nghiệp hóa<br />
mới, hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học của một quốc gia không chỉ tập<br />
trung vào giáo dục và đào tạo những người có tay nghề, mà còn cần có một tầm nhìn về<br />
việc phát triển tài năng sáng tạo, đặc biệt là các nhà khoa học và nhà công nghệ cao cấp.<br />
Các nhà khoa học này phải được đào tạo trong một môi trường liên ngành, nơi các nhà<br />
công nghệ cũng có những hiểu biết sâu sắc về nhân văn và khoa học xã hội và ngược lại.<br />
- Học tập tổng hợp<br />
Kinh tế vi mô là một chủ đề quan trọng trong giáo dục đại học, có giá trị xã hội và<br />
thực tiễn rất cao; tuy nhiên, hầu hết các khái niệm của nó đều có mức trừu tượng cao,<br />
thường gây khó khăn cho sinh viên khi học nó. Trong nhiều trường hợp, các khái niệm<br />
được cô lập, không có sự hiểu biết toàn diện về mối tương quan của mỗi điểm kiến thức<br />
trên toàn bộ bức tranh.<br />
Trong học tập tổng hợp, mục tiêu chính của giảng viên là để cho sinh viên có được<br />
khái niệm về kiến thức (nghĩa là mối quan hệ thiết yếu giữa các mảng kiến thức và các<br />
chức năng của chúng trong toàn bộ hệ thống kiến thức) được áp dụng cho không chỉ về<br />
kinh tế vi mô mà còn cho nhiều môn học khác. Các nhà nghiên cứu tin rằng một phương<br />
pháp học tập pha trộn tổng quát (nghĩa là phương pháp học tập hỗn hợp và phương pháp<br />
học trực tiếp) có thể đóng góp vào việc giải quyết vấn đề này.<br />
Nói tóm lại, hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng thay vì trở<br />
thành những bức tường thành, truyền thống và bảo thủ; đứng trước ngưỡng cửa của cách<br />
mạng công nghiệp 4.0, cần phải xem xét cách thức và nghênh đón, chấp nhận và chuyển<br />
đổi môi trường giảng dạy và học tập vì lợi ích của cả sinh viên và giảng viên.<br />
167<br />
<br />
Nguyễn Hoàng Đoan Huy<br />
<br />
2.2. Một số điển hình trong việc thực hiện để chuyển đổi sang giáo dục đại học 4.0<br />
Qua những nghiên cứu của mình, Diễn đàn kinh tế thế giới đã tổng hợp một số điển<br />
hình thành công cũng như những nỗ lực cải cách hiệu quả của một số quốc gia có nền<br />
giáo dục tiến tiến trên thế giới về việc thực hiện một số dự án để chuyển đổi sang giáo dục<br />
đại học 4.0.<br />
2.2.1. Dự án nâng cao năng lực người lao động ở Singapore<br />
Dự án nâng cao năng lực của người lai động - SkillFuture, một sáng kiến của Bộ<br />
Nhân lực Singapore, là một dự án giúp phát triển nguồn nhân lực của quốc gia này bằng<br />
cách cung cấp các khóa đào tạo phù hợp với mục tiêu tạo ra lực lượng lao động có kĩ năng<br />
cao và có khả năng cạnh tranh, góp phần nâng cao mức sống của người dân trong cả nước.<br />
Trước đòi hỏi của cuộc Cách mạng 4.0, chính phủ Singapore đã nhận ra rằng những tiến<br />
bộ và đổi mới về công nghệ đã đặt ra những yêu cầu mới và cao hơn trong hệ thống kĩ<br />
năng mà nhân lực hiện tại của họ cần phải đáp ứng. Dự án SkillFuture, do Phó Thủ tướng<br />
Singapore chịu trách nhiệm thực hiện, tập trung phát triển các kĩ năng định hướng trong<br />
tương lai, giúp nâng cao năng suất của người lao động. Mục tiêu của dự án này là đặt<br />
trọng tâm vào một nền kinh tế nơi mà người lao động buộc phải học tập suốt đời để phát<br />
triển chuyên môn của họ mà không chỉ đơn thuần xuất phát từ yêu cầu hiện tại của công<br />
việc đặt ra. Các lĩnh vực trọng tâm chính của dự án này bao gồm: (a) giúp người lao động<br />
đưa ra lựa chọn phù hợp bản thân trong giáo dục, đào tạo và nghề nghiệp; (b) phát triển<br />
một hệ thống giáo dục và đào tạo tích hợp, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu liên tục phát<br />
triển của các ngành nghề lao động trong xã hội; và (c) thúc đẩy văn hóa hỗ trợ học tập<br />
suốt đời.<br />
Chính phủ Singapore cũng đã chính thức ra thông báo rằng mọi cá nhân từ 25 tuổi trở<br />
lên sẽ nhận được khoảng đầu tư 500 đô la Singapore. Học bổng này có thể được người<br />
dân sử dụng để đăng ký tham gia một số khóa học được chính phủ hỗ trợ nhắm vào nhiều<br />
đối tượng khác nhau, từ sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường đến người lao động đã có<br />
nhiều năm kinh nghiệm. SkillFuture dự kiến sẽ đầu tư hơn 1 tỷ đô la Singapore một năm<br />
từ 2015 đến 2020 cho các khoá học với nội dung đa dạng như hướng dẫn nghề nghiệp cho<br />
sinh viên, tăng cường thực tập, trợ cấp cho học tập nâng cao năng lực nghề nghiệp...<br />
Khoảng 600 triệu đô la Singapore một năm trong 5 năm qua đã được dành cho giáo dục<br />
và đào tạo liên tục. Ngoài ra, người lao động ở Singapore muốn nâng cao năng lực nghề<br />
nghiệp bản thân trong các ngành công nghiệp đang phát triển còn có thể đăng ký nhận giải<br />
thưởng quốc gia liên quan. Khoảng 2.000 giải thưởng như vậy sẽ được trao hàng năm.<br />
Đồng thời, từ năm 2016, có khoảng 100 học bổng SkillFuture mỗi năm sẽ được trao cho<br />
những người muốn phát triển năng lực nghề nghiệp bản thân lên một cấp độ cao hơn.<br />
2.2.2. Mô hình giáo dục nền tảng sẵn sàng trong tương lai ở Phần Lan<br />
Đã từ lâu, hệ thống giáo dục Phần Lan đã được công nhận là một trong những thành<br />
công nhất trên thế giới. Mô hình giáo dục của quốc gia này dựa trên một số yếu tố thành<br />
công cốt lõi, bao gồm: (a) nhấn mạnh trọng tâm vào đào tạo giáo viên, ngành nghề vốn<br />
được coi là một trong những ngành nghề ưu tú của xã hội, với tiêu chuẩn đầu vào rất cao;<br />
(b) chương trình giảng dạy được chuẩn hóa, dựa trên niềm tin của toàn xã hội vào hệ<br />
thống giáo dục chất lượng cao; (c) đặc biệt xem trọng giáo dục hòa nhập và tôn trọng sự<br />
đa dạng trong giáo dục tiểu học; (d) định kỳ 10 năm cập nhật chương trình giảng dạy quốc<br />
168<br />
<br />
Định hướng chuyển đổi sang giáo dục đại học 4.0 - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam<br />
<br />
gia trong đó thống nhất khung chương trình tổng thể chung và trao quyền tối đa cho việc<br />
phát triển chương trình tại từng địa phương; (e) chất lượng giáo dục của nhà trường không<br />
dựa hoàn toàn vào kiểm tra và đánh giá.<br />
Hiện nay, một số trường học ở Phần Lan đã thí nghiệm cách thức tự đánh giá trực<br />
tiếp, theo đó học sinh được tham gia vào việc xác định sự tiến bộ của chính bản thân mình<br />
thông qua tự đánh giá và đánh giá giữa bạn bè trong lớp. Học sinh còn được khuyến khích<br />
đưa ra các phản hồi tích cực và phê bình mang tính xây dựng. Ngoài ra, Bộ Giáo dục<br />
Phần Lan đã quyết định bãi bỏ các môn học riêng lẻ, thay vào đó học sinh có thể học về<br />
các sự kiện và hiện tượng theo một hình thức liên môn, liên ngành. Những thay đổi này<br />
dự kiến sẽ được hoàn thành thực nghiệm và cho kết quả cụ thể vào năm 2020.<br />
2.2.3. Cách tiếp cận toàn diện trong hệ thống đào tạo nghề nghiệp ở Đức và Thụy Sĩ<br />
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động phải làm việc trong môi<br />
trường làm việc với các quy trình kĩ thuật cao và phức tạp. Theo đó, năng lực nghề nghiệp<br />
của người lao động cũng cần phải được nâng cao theo hướng tự chủ hơn và có trách<br />
nhiệm hơn. Việc phát triển hệ thống năng lực nghề nghiệp ngay trong môi trường làm<br />
việc thực tiễn là tiếp cận có hiệu quả để hạn chế sự không phù hợp giữa đào tạo nghề ở<br />
trường đại học với yêu cầu của công việc trong thực tế.<br />
Ở Đức, đào tạo nghề được thực hiện theo cách thức được gọi là “lập trình kép” bao<br />
gồm giáo dục tại nhà trường và đào tạo tại nơi làm việc. Người học có thể phân chia thời<br />
gian học tập của mình thành 2 phần: hướng dẫn trên lớp và đào tạo nghề tại công ty, trong<br />
đó họ thường dành 3-4 ngày trong tuần ở công ty để nhằm trang bị các kĩ năng thực tiễn<br />
cần thiết cho lĩnh vực công việc của mình; qua đó cũng mang đến cho họ cơ hội học hỏi<br />
thói quen làm việc và tiếp thu văn hóa của công ty. Thời gian học nghề thường kéo dài từ<br />
2-3 năm và trong thời gian này, các học viên cũng được trả tiền cho công việc thực tập<br />
của họ. Các nhà tuyển dụng ở Đức đã chứng minh rằng ứng dụng thực tế như vậy giúp<br />
phát triển các kĩ năng của nguồn nhân lực quan trọng này, đồng thời cho phép họ thực<br />
hiện giai đoạn chuyển đổi một cách dễ dàng và thuận lợi hơn từ lớp học sang môi trường<br />
làm việc.<br />
Hệ thống đào tạo và dạy nghề của Thụy Sĩ cũng tuân theo một quy trình tương tự, tức<br />
là 3-4 năm đào tạo kết hợp giữa học tập ở trường và làm việc với mức lương học việc cho<br />
thời gian làm việc tại các cơ sở lao động. Hệ thống chính quyền Thụy Sĩ được quản lí như<br />
một quan hệ đối tác công tư: các tổ chức chuyên nghiệp, các bang (chính phủ tiểu bang)<br />
và Liên minh Thụy Sĩ (chính phủ liên bang) phối hợp để xác định chương trình giảng dạy,<br />
hệ thống kĩ năng, và đặt ra các tiêu chuẩn cho nghề nghiệp trên toàn quốc. Sau khi tốt<br />
nghiệp, ngoài việc đi làm, người học có thể lấy được bằng đại học hoặc tham gia các lớp<br />
học thêm để có thêm chứng chỉ, tạo cơ sở vững chắc cho việc học tập suốt đời. Các mô<br />
hình tương tự như Mạng học nghề toàn cầu (GAN) cũng nhằm mục đích thúc đẩy mô<br />
hình học nghề ở các quốc gia khác trong Liên minh Châu Âu.<br />
2.2.4. Kĩ năng dự báo và hợp tác nâng cao ở Anh (LinkedIn và Greater Manchester<br />
Agency) và Hoa Kỳ (Chương trình RightSkill )<br />
Tại Vương quốc Anh, LinkedIn, mạng lưới giới thiệu việc làm lớn nhất thế giới và cơ<br />
quan kết hợp Greater Manchester (GMCA) đã hợp tác để phân tích các vị trí tuyển dụng<br />
địa phương với hơn 600.000 dữ liệu về những kĩ năng và việc làm của người dùng<br />
169<br />
<br />