intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Đối diện với vấn đề tự tử của học sinh – sinh viên qua góc nhìn người làm tâm lý trong bối cảnh học đường

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:21

60
lượt xem
6
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết đề cập đến vấn đề tự tử ở người trẻ qua góc nhìn của tâm lý học để làm căn cứ cho việc tìm kiếm, xây dựng và phát triển một số mô hình can thiệp chuyên biệt nhằm có những hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho người làm tâm lý, chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh – sinh viên trong bối cảnh học đường.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Đối diện với vấn đề tự tử của học sinh – sinh viên qua góc nhìn người làm tâm lý trong bối cảnh học đường

  1. ĐỐI DIỆN VỚI VẤN ĐỀ TỰ TỬ CỦA HỌC SINH – SINH VIÊN QUA GÓC NHÌN NGƯỜI LÀM TÂM LÝ TRONG BỐI CẢNH HỌC ĐƯỜNG Nguyễn Lê Minh Trang1, Phạm Hải Lâm1 Tóm tắt Hai năm làm việc trong vai trò nhà tâm lý (NTL) học đường cho chúng tôi gặp nhiều trường hợp liên quan đến vấn đề tự tử của học sinh, một số mới nảy sinh ý nghĩ, số khác đã lên kế hoạch, có trường hợp cố gắng tự tử và thậm chí đã tự tử (gần đây)… Đối diện với vấn đề này, có rất nhiều khó khăn đã nảy sinh trong chúng tôi (cả góc độ công việc lẫn cá nhân). Chúng tôi nhận ra rằng vấn đề tự tử ở người trẻ (chủ yếu là học sinh-sinh viên ở độ tuổi 15-21) trong bối cảnh học đường ở Việt Nam cần được bàn luận một cách nghiêm túc và chuyên sâu hơn cho những người làm tâm lý học đường. Bài viết hướng đến việc chia sẻ trải nghiệm của bản thân trong quá trình làm việc với học sinh có ý định tự tử trên cơ sở của phương pháp nghiên cứu phân tích và tổng hợp tài liệu. Chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề tự tử ở người trẻ qua góc nhìn của tâm lý học để làm căn cứ cho việc tìm kiếm, xây dựng và phát triển một số mô hình can thiệp chuyên biệt nhằm có những hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho người làm tâm lý, chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh – sinh viên trong bối cảnh học đường. Từ khóa: tự tử, học sinh-sinh viên, nhà tâm lý học đường, bối cảnh học đường, tự thuật, tường thuật 1 CERM – Phòng Tham vấn tâm lý, giáo dục & định hướng nghề nghiệp 734
  2. FACING THE PROBLEM OF STUDENTS’S SUICIDE – A SCHOOL PSYCHOLOGIST’S PERSPECTIVES IN A SCHOOL CONTEXT Abstract Suicide among young people in general and students (across academic stages, predominantly among the age of 15 to 21) in specific in Vietnam needs to be discussed seriously and investigated at deeper levels by school psychologists. That is what we have observed, learnt, and come to realise from my two years working as the school psychologist. The suicidal cases that we have been exposed to vary from ideating, to planning, to attempting, and to committing. The experiences remain rather uneasy for me, personally and professionally. This paper aims to share my experiences when working with students with suicidal ideation, along with the elaborative literature and empirical evidence used to deepen my understanding. More particularly, suicide among young people will be discussed from the psychological standpoint. This approach shall serve as the foundational reference for the adaptation and development of especially, dedicated intervention models which aims to provide on-time and appropriate support for school psychologists who are responsible for taking care of students’ mental health in different education settings. Keywords: suicide, student, school psychologist, school context, autoethnography, narrative I. ĐẶT VẤN ĐỀ Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO (2019), cứ 100 người chết thì có hơn một người trong số đó tự tử. Tại Việt Nam, tỷ lệ trung bình các vụ tự tử là 7.5 vụ trên 100.000 người. Điều đáng lưu ý, tự tử là nguyên nhân cao thứ tư dẫn đến cái chết trong nhóm người độ tuổi 15 – 19 tuổi. Không thể phủ nhận, tự tử là một vấn đề đáng được quan tâm hiện nay. Tuy vậy, ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều các nguồn tài liệu thống kê, đánh giá liên quan đến chủ đề tự tử (hay cố gắng tự tử). WHO cho rằng do tính nhạy cảm của chủ đề tự tử (hoặc yếu tố pháp luật), có thể dẫn tới tình trạng báo cáo thiếu và phân loại sai nguyên nhân tử vong liên quan đến tự tử so với hầu hết các nguyên nhân khác (WHO, 2021). 735
  3. Tự tử cũng là vấn đề xuất hiện ở mọi lứa tuổi và tuổi vị thành niên không phải là ngoại lệ (WHO, 2021). Trong quá trình làm việc tại trường học với vai trò là một NTL học đường, chúng tôi đã trực tiếp và gián tiếp làm việc với các trường hợp học sinh có ý nghĩ tự tự, một số đã lên kế hoạch và đã có trường hợp tự tử. Những cảm xúc bối rối, lo lắng luôn sống dậy trong chúng tôi mỗi khi có học sinh đến nói với chúng tôi rằng “em nghĩ đến việc tự tử” hay “em muốn chết đi cho rồi”. Thậm chí, khi nghe tin tức về việc học sinh nơi chúng tôi làm việc đã tự tử, chúng tôi đã vô cùng khó khăn để làm việc với chính mình trong cả khía cạnh cá nhân (hối tiếc, bất lực, bế tắc) lẫn sự hỗ trợ ở khía cạnh chuyên môn (đơn độc, căng thẳng, quá tải). Hoang mang với hàng loạt câu hỏi tự đặt ra cho bản thân:”Tôi đã làm gì vậy? Tôi đang làm gì thế? Tôi phải làm gì đây?”… Để rồi, khi tìm kiếm các tài liệu liên quan đến chủ đề tự tử, nhất là tự tử ở người trẻ trong bối cảnh học đường tại Việt Nam, chúng tôi mất khá nhiều thời gian và lần nữa lại gặp khó khăn để tìm thấy một số nghiên cứu, số liệu thống kê về chủ đề này vì hầu như không có tài liệu hướng dẫn thống nhất chính thức và chi tiết dành cho NTL học đường trong việc phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ khi thân chủ (học sinh) có ý nghĩ tự tử hoặc đã tự tử. Qua đó, chúng tôi nhận ra rằng, vấn đề tự tử ở người trẻ trong bối cảnh học đường ở Việt Nam cần được bàn luận một cách nghiêm túc và chuyên sâu hơn với những người làm tâm lý học đường. Ở bài báo cáo này, đối tượng người trẻ là học sinh – sinh viên được đề cập chủ yếu trong độ tuổi từ 15 – 21 tuổi. II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu: việc trực diện với vấn đề tự tử của học sinh – sinh viên từ góc nhìn người làm tâm lý trong bối cảnh học đường. 2.2. Khách thể nghiên cứu: người làm tâm lý trong bối cảnh học đường với thâm niên 2 năm làm việc qua 6 trường hợp liên quan đến vấn đề tự tử của học sinh. 2.3. Phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu định tính với phương pháp tự thuật (auto-ethnography) và kể câu chuyện/tường thuật (narrative) được sử dụng cùng với phương pháp nghiên cứu tài liệu. 736
  4. Phương pháp tự thuật và câu chuyện kể là một công cụ mạnh mẽ vì nó rút ra từ những trải nghiệm cá nhân để thông tin cho chúng ta về thực tế sống động của những cá nhân (Faust, 2017). Nghiên cứu này có thể có ý nghĩa trong việc hiểu các quá trình đau buồn trong bối cảnh lâm sàng của tâm lý học đường. Bằng cách định vị mình vừa là người kể chuyện, vừa là nhân vật chính của câu chuyện này, chúng tôi có thể mang đến không gian đối thoại cho những người đã hoặc sẽ chia sẻ trải nghiệm tương tự như chúng tôi. Trong phương pháp tự thuật và kể lại câu chuyện, tác giả của câu chuyện gợi mở cách kể ở ngôi thứ nhất, khiến họ trở thành khách thể nghiên cứu và do đó phá vỡ sự tách biệt thông thường giữa nhà nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu; câu chuyện kể thường tập trung vào một trường hợp duy nhất và do đó vượt lên mối quan tâm truyền thống của nghiên cứu từ khái quát hóa các trường hợp đến tổng quát hóa trong một trường hợp (Belbase, Luitel, & Taylor, 2008). Bên cạnh đó, nhằm mục đích liên kết, sắp xếp, xác định tính tương thích của các tài liệu, từ đó có cái nhìn lý thuyết đầy đủ hơn về chủ đề người làm tâm lý trong bối cảnh học đường đối diện thế nào trước vấn đề tự tử của học sinh trung học – sinh viên, đồng thời cũng nhằm tìm kiếm những xu hướng, trường phái, cách lý giải về chủ đề; xác định tính hữu ích cùng phạm vi vận dụng của tài liệu để đối chiếu thực tế trải nghiệm của bản thân, phương pháp nghiên cứu được chúng tôi sử dụng ở đây là phân tích và tổng hợp tài liệu, trong đó: • Tổng hợp tài liệu là phương pháp liên kết từng mặt, từng bộ phận thông tin từ tài liệu từ các tài liệu thu thập được nhằm tạo ra một cách hiểu đầy đủ và sâu sắc về chủ đề nghiên cứu; • Phân tích tài liệu là phương pháp nghiên cứu tài liệu về một chủ đề bằng cách tách chúng thành từng bộ phận, từng mặt, từng vấn đề để hiểu chúng một cách sâu sắc, tìm thông tin phục vụ cho chủ đề nghiên cứu. III. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU Từ trải nghiệm thực tế của bản thân, chúng tôi đã nghiên cứu một số tài liệu liên quan và thấy rằng, tự tử đã được nghiên cứu trong và ngoài nước dưới rất nhiều góc nhìn khác nhau, khám phá những nguyên nhân 737
  5. dẫn đến tự tử từ đó đưa ra những mô hình, giải pháp dựa trên các góc nhìn này (Hoin và cộng sự, 2020; Nguyễn và cộng sự, 2019; Hannon và cộng sự, 2019). Trong bài viết này, ý nghĩa của từ “tự tử” và “tự sát” là tương đồng. 3.1. Đối diện với vấn đề tự tử ở học sinh 3.1.1. Vấn đề tự tử của học sinh Theo các tài liệu về tự tử phổ biến, “nỗi đau sâu sắc về tinh thần”, “tiếng kêu cứu” là những cụm từ thường được nhắc đến. Tuy nhiên tự tử là một vấn đề phức tạp và khó có thể chỉ diễn tả được chỉ trong cụm từ “kêu cứu” hay “nỗi đau”. Theo APA – Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, tự tử được định nghĩa là: “hành vi cố ý giết chính mình” và nguyên nhân phổ biến của tự tử được đề cập là do trầm cảm, những rối loạn tâm thần (APA, 2021). Tổ chức Y tế Thế giới cũng có định nghĩa tương tự, nhấn mạnh rằng tự tử là “một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng” (WHO, 2021). Một số chi tiết liên quan khác như: 1) xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính và sắc tộc; 2) là một hành vi phức tạp,… Vì thế không đơn giản để hiểu và cho rằng tự tử xuất phát từ bất kỳ một nguyên nhân đơn lẻ nào. Thay vào đó, có một số yếu tố có thể khiến một người có nguy cơ cao hơn trong việc cố gắng tự tử như rối loạn sức khỏe tâm thần, người có tiền sử gia đình có người tự sát, bạo lực trong gia đình, sử dụng vũ khí (Erps, K. H., 2020). Theo trình bày của UNICEF Việt Nam (2017), nguy cơ dẫn đến tự tử bao gồm một số yếu tố như về nhân khẩu học, là nữ, sinh sống ở vùng đô thị hoặc là người nhập cư; về lịch sử gia đình có thể kể đến yếu tố tiền sử có người thân tự sát, mâu thuẫn gia đình; áp lực học tập đối với kỳ vọng của cha mẹ, bắt nạt học đường cũng được đề cập đến (UNICEF Việt Nam, 2017). Và rất dễ dàng để có thể tìm thấy được những thông tin liên quan đến các vụ việc tự tử ở học sinh những năm gần đây qua báo chí truyền thông. Qua đó, có thể thấy, tự tử dường như luôn là một vấn đề nóng của xã hội nhưng vẫn có sự e dè trong cách nhìn nhận và tiếp cận. Một mặt khác, qua những khái niệm phổ biến về tự tử trên, tự tử được nhìn nhận là một hành vi. Nếu nhìn nhận tự tử chỉ dưới góc độ hành vi mà bỏ qua các góc độ như ý nghĩ, kế hoạch thì những giải pháp hướng đến sẽ tập trung mọi 738
  6. nguồn lực để “bằng cách nào đó, ngăn chặn hành vi tự tử”. Rồi để có cách thức “ngăn chặn kịp thời”, chúng ta nỗ lực đi tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, việc nhận biết được nguyên nhân không phải là kim chỉ nam để hỗ trợ một học sinh trong bối cảnh học đường, đang có ý định tử tự. Bởi lẽ, tự tử là một vấn đề phức tạp và đa nguyên nhân. Một hay một vài nguyên nhân dẫn đến tự tử không thể lý giải cho tất cả các nguyên nhân khiến học sinh có vấn đề tự tử. Do đó việc xác định “đóng khung” nguyên nhân và từ đó đưa ra những biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn trên diện rộng khó mang lại hiệu quả đầy đủ trong bối cảnh học đường. Ở một khía cạnh khác, nếu chỉ nhìn tự tử dưới góc độ là hành vi như một điều gì đó có thể quan sát được, có thể những thời điểm ai đó trong trường học quan sát được những hành vi tự tử của học sinh đã là thời điểm quá muộn để can thiệp, hỗ trợ. Minh chứng là đã xảy ra những vụ việc học sinh tự tử thương tâm, nhắc nhở chúng tôi – NTL làm việc trong bối cảnh học đường cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề tự tử ở học sinh có chọn lọc từ góc độ tâm lý học chuyên sâu chứ không chỉ là sử dụng các tài liệu, hướng dẫn được đưa ra từ những góc độ quản lý, giáo dục mang tính khái quát, tức thời. 3.1.2. Những góc nhìn đa chiều về tự tử Tự tử là một vấn đề được rất nhiều ngành nghề quan tâm và có những nghiên cứu chuyên sâu về nó. Dưới đây sẽ đề cập một số góc nhìn về tự tử nói chung, hay tự tử trong bối cảnh học đường nói riêng. Nhóm các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã sử dụng nguồn dữ liệu của Bộ Giáo dục trong nước năm 2018-2019, được báo cáo bởi giáo viên về quan sát của họ đối với học sinh đã tự tử để nghiên cứu đưa ra các nguy cơ tự tử của 173 học sinh qua báo cáo của giáo viên, từ đó giúp trường học phát triển các chiến lược can thiệp và ngăn chặn tự tử hiệu quả. Nghiên cứu sử dụng phương pháp Autopsy psychological (tạm dịch: khám nghiệm dựa trên dấu vết tâm lý của đối tượng) – là cách thức để nghiên cứu tính phức tạp của tự tử thông qua việc xem xét quá trình, tình trạng (tâm lý) của học sinh trong một khoảng thời gian nhất định trước khi tự tử bằng cách đánh giá dựa trên bản báo cáo và lời khai của giáo viên để dự đoán nguyên nhân tự tử. Các nhà nghiên cứu phân loại học sinh thành ba nhóm biểu hiện nguy cơ: 1) im lặng; 2) có rủi ro môi trường; 3) trầm cảm. Kết quả cho thấy nhóm thứ nhất chiếm đa số trong các vụ tự tử của học sinh. 739
  7. Tuy nhiên nhóm này lại không được giáo viên quan sát và nhận ra những dấu hiệu nguy cơ. Hai nhóm còn lại với các chỉ báo “có rủi ro môi trường”, “trầm cảm” được giáo viên quan sát và nhận ra dễ dàng hơn như những hành vi bộc phát, lệch lạc, thường bị phạt tại trường học ở nhóm học sinh “có rủi ro môi trường”; học sinh ở nhóm “trầm cảm” thường đã từng được chẩn đoán trầm cảm, từng cố tự tử, có tương tác kém trong mối quan hệ với giáo viên,… (Hoin K. & cs, 2020). Với mục tiêu giúp trường học phát triển các chiến lược can thiệp và ngăn chặn tự tử hiệu quả, chỉ với 173 báo cáo sử dụng hoàn toàn từ dữ liệu từ quan sát từ giáo viên, nghiên cứu còn một số hạn chế như trong kết quả đã tìm được số liệu chứng minh rằng học sinh ở nhóm “im lặng” chiếm đa số các vụ tự tử ở học sinh lại không được phát hiện bởi giáo viên. Cho thấy, dù giáo viên là lực lượng đông đảo trong nhà trường nhưng về trách nhiệm, vai trò, đây không phải là lực lượng chính để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, can thiệp/hỗ trợ tâm lý cho học sinh có dấu hiệu tử tự. Nghiên cứu còn thiếu sót trong việc mô tả sâu, toàn cảnh về chân dung tâm lý của một học sinh có nguy cơ tự tử, những nguy cơ được đề cập đến chỉ là những biểu hiện quan sát được, từ đó dẫn đến nhận định về nguyên nhân xuất phát từ phía gia đình nhưng chưa có đủ cơ sở đến kết luận. Vì vậy, từ những lý do trên, khó có thể xây dựng được một chương trình phòng ngừa tự tử hiệu quả hay ngăn chặn học sinh tự tử kịp thời. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại Việt Nam trên 661 học sinh 15-19 tuổi từ 3 trường trung học phổ thông tại Hà Nội về tự tử năm 2019, phân tích dữ liệu từ khảo sát hành vi nguy cơ của giới trẻ để tìm hiểu về thực trạng của vấn đề tự tử và trầm cảm, đồng thời tìm hiểu mối liên hệ giữa hành vi tự tử và tình trạng trầm cảm (Nguyễn và cộng sự, 2019). Từ góc nhìn của y tế cộng đồng, nghiên cứu đã sử dụng 2 thang đo là The Youth Risk Behavior System Surveillance – YRBSS (tạm dịch là Hệ thống giám sát hành vi rủi ro của thanh thiếu niên) – mục đích để giám sát các hành vi nguy cơ của thanh thiếu niên và Modified Depression Scale – MDS (tạm dịch là Thang đo trầm cảm) – dùng để đo lường triệu chứng trầm cảm trong vòng 30 ngày. Nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ học sinh có ý nghĩ tự tử cao và trầm cảm là một trong những dự báo chính cho ý nghĩ tự tử ở học sinh. Tuy nhiên, những bàn luận số liệu của nghiên cứu vẫn chỉ dựa trên nhận định chung, chưa đủ cơ sở để kết luận, ví dụ như “trầm cảm là một trong 740
  8. những nguyên nhân chính dẫn tới tự tử và áp lực để đạt được thành tích học tập cao có thể là thủ phạm chính gây trầm cảm ở học sinh trung học”, “những yếu tố liên quan đến mối quan hệ như bị bắt nạt trực tiếp hoặc qua mạng cũng có liên quan đáng kể đến suy nghĩ tự tử”… (Nguyễn và cộng sự, 2019). Đồng thời, có sự bất nhất trong mục tiêu đề ra và giải pháp tương ứng khi một mặt, mục tiêu nghiên cứu hướng đến phát triển các dịch vụ chăm sóc tâm lý trong trường học nhằm phát hiện sớm các rối loạn tâm thần và ngăn ngừa các hành vi tự sát cho học sinh, mặt khác giải pháp lại hướng tới việc điều chỉnh những quy định trong nhà trường hoặc tăng cường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để củng cố mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên. Vậy nên, khi mà tự tử là một hành vi phức tạp, rất khó để có thể giải thích bởi nguyên nhân đơn lẻ nào, nếu chỉ nhìn từ góc độ số liệu thống kê sẽ rất khó để NTL học đường hiểu về bản chất của tự tử cũng như có những cách thức can thiệp phù hợp. Như một số nghiên cứu nêu trên đã chỉ ra thực trạng qua những con số, chú trọng lý giải nguyên nhân dựa trên những thang đo tự khai của học sinh, hoặc từ báo cáo của giáo viên, cán bộ quản lý,… Thông thường, những kết luận, giải pháp mang nặng tính tức thời, cấp bách, thiếu yếu tố nâng đỡ chiều sâu và lâu dài cho học sinh. Rõ ràng vẫn còn nhiều hạn chế về góc nhìn chuyên môn của NTL học đường trước vấn đề tự tử, cũng như trải nghiệm của họ khi đối mặt với những vấn đề của học sinh, và cả những khó khăn chưa được lên tiếng, dù rằng đã có đa dạng những điều cần lưu tâm từ góc nhìn của tâm lý học về vấn đề tự tử nói chung. Đơn cử là: Trong Mô hình Biodyne của NTL Janet Cummings và Nicholas Cummings, tự tử được xem xét qua một quá trình ba giai đoạn: 1) ý định tự tử; 2) Kế hoạch tự tử; 3) Tự tử/Hành vi tự tử. Ở từng giai đoạn, họ quan sát diễn biến tâm lý của người đó và có những biện pháp can thiệp hay hỗ trợ tâm lý hiệu quả. – Giai đoạn 1 là giai đoạn bắt đầu có những suy nghĩ về tự tử nhen nhóm cho đến dần nhiều lên qua những suy nghĩ “gia đình sẽ tốt hơn nếu không có tôi”, hay ám ảnh bởi âm nhạc u ám (tức là chơi đi chơi lại cùng một bài hát buồn) hoặc bày tỏ suy nghĩ về cái chết, tự tử, đau đớn, và thể hiện sự vô vọng thông qua nghệ thuật, nhưng vẫn chưa bắt đầu hình thành một kế hoạch nào cụ thể. Lúc này, nỗi 741
  9. sợ hãi tự tử vẫn lớn hơn ý muốn tự tử nhưng nếu không được hỗ trợ hiệu quả, người đang có ý muốn tự tử sẽ tiến đến giai đoạn 2. – Đây là giai đoạn họ đau khổ, vật lộn với chính những cảm xúc khó khăn của mình, đôi khi sẽ dừng nói ra với những người xung quanh, tình trạng của họ sẽ ngày càng trầm trọng hơn, họ sẽ quyết định tự tử hay không, và nếu sự đau khổ kéo dài dai dẳng và nặng nề hơn nữa, họ sẽ tiến đến ý định tự tử như cách duy nhất, cũng là lúc họ chuyển qua giai đoạn 3. – Khi giai đoạn ý thức về việc mình muốn kết thúc cuộc sống dừng lại với quyết định mình sẽ chết, họ sẽ rơi vào trạng thái “auto-pilot” – họ đột nhiên tốt lên, nhưng nhiều NTL và người xung quanh không nhận ra, đây là lúc họ không còn vật lộn với quyết định có nên tự tử hay không. Những nghiên cứu cho thấy, những người “auto-pilot” có khả năng cao sẽ tự tử trong vòng 48 giờ. Bất kỳ giai đoạn nào cũng vô cùng quan trọng trong việc hiểu và hỗ trợ kịp thời cho người có mong muốn tự sát, bên cạnh đó quan sát những dấu hiệu trầm cảm của họ là việc của những NTL bắt buộc phải làm (Cummings, 2017). Học thuyết tâm lý học liên cá nhân về hành vi tự tử (The interpersonal- psychological theory of suicidal behavior) của NTL lâm sàng Thomas Joiner, một trong những học thuyết đang được áp dụng phổ biến hiện nay để nghiên cứu về tự tử (Joiner, 2009). Theo Joiner, con người nảy sinh mong muốn được chết khi đồng thời “lưu” giữ sâu trong tâm trí của họ hai trạng thái tâm lý sau đây đủ lâu và có khả năng để tự tử, đó là: – Cảm giác là gánh nặng/thấp kém: Họ có nhận thức rằng ai đó cảm thấy họ là gánh nặng, có thể là gia đình, bạn bè,… Họ cảm nhận rằng cái chết của họ còn ý nghĩa hơn cả cuộc sống họ đang có với gia đình, bạn bè, xã hội, v.v.. – Cảm giác ít thuộc về/bị xã hội xa lánh: họ trải nghiệm cảm giác vắng mặt hoặc mất đi các mối quan hệ có ý nghĩa. Họ bị xa lánh hoặc không còn cảm thấy thuộc về, có giá trị trong mối quan hệ ý nghĩa nào đó. – Có khả năng để tự tử có thể hiểu là có được khả năng tự gây thương tích chết người: khi liên tục trải qua những sự kiện, hành vi gây đau 742
  10. đớn, việc sợ hãi và đau đớn sẽ trở thành thói quen, như một tiền đề dẫn đến nỗ lực tự tử của một người. Những người đã từng có nỗ lực tự tử trước đó có khả năng cao thực hiện hành vi tự tử. Kể cả việc tiếp xúc với nỗi đau và thương tích của người khác cũng có thể tạo ra khả năng tự tử. Một góc nhìn khác của tâm lý học từ Aaron Beck – cha đẻ của lý thuyết nhận thức cho rằng sự vô vọng (hopelessness) là một động lực mạnh mẽ hơn cả đối với những người có ý định tự tử. Đó là cách một người tự xác định tình trạng của mình là không còn bất cứ giải pháp nào cho đau khổ họ đang gặp phải, họ không thể chịu đựng sự đau khổ ấy thêm được và tự tử là cách duy nhất giải quyết được vấn đề (Beck, 1963). Khi một cá nhân tích lũy những hình mẫu tiêu cực, nó sẽ quyết định cách họ nhìn nhận hay tiếp thu và từ đó lý giải qua lăng kính cá nhân những thông tin mới xuất hiện. Trong trường hợp cá nhân có ý định tự tử, những hình mẫu này làm tăng thêm cảm giác vô vọng và làm mất dần đi sự hiện diện ý nghĩa của những thông tin tích cực, có lợi. Theo Beck, trầm cảm cũng được giải thích dựa trên sự vô vọng. Ông đã phát triển liệu pháp nhận thức hành vi trong can thiệp tự tử với niềm tin là khi nhận thức cá nhân thay đổi, hành vi cũng sẽ thay đổi. Trong một cách tiếp cận khác, Maltsberger và Buie (1980) trình bày về những “huyễn tưởng tự tử” xung quanh các lý giải về sự giải thoát (riddance), sự trả thù (revenge) và sự tái sinh (rebirth). – Về sự giải thoát (hoặc trừ khử) liên quan đến tự tử, trong đương sự diễn ra một cuộc đấu tranh giữa các thành phần của bản ngã, nơi mà “cơ thể” bị nhìn nhận như kẻ tấn công, kẻ tra tấn và cần bị tiêu diệt, bị giết chết để bảo vệ cái “tôi thực sự”. Tự tử, lúc này có thể được hiểu là một nỗ lực của bản thân để thoát khỏi một phần không thể chấp nhận được của chính mình trong tâm trí, phải loại trừ phần đó đi. Cần lưu ý là với phân tích trên, sẽ không liên quan gì đến việc giải thoát bản thân khỏi những khó khăn, bế tắc từ bên ngoài. – Về sự trả thù (hoặc trừng phạt) liên quan đến đến tự tử, đương sự có thể bằng cách nào đó biết được những tác động của hành vi (tự tử) của mình lên người khác, từ đó, đương sự sẽ có được một lời cầu xin tha thứ. 743
  11. – Về sự tái sinh (và tái hợp) sau đó, khi cái chết được xem như một sự chuyển đổi đến một thế giới mới, nơi có thể tái hợp với những người thân yêu. Hay khi cái được được xem là tiến trình “hòa hợp làm một với tự nhiên”, hoặc “trở về với khởi nguồn chung nhất”, hoặc thậm chí, cái chết sẽ trở nên không còn gì cả, chỉ đơn giản là “phước lành của giấc ngủ không mộng mị gì” (“the bless of dreamless sleep”). Antoon Leenaars – một NTL pháp y và lâm sàng người Canada cũng là một cái tên thường được nhắc đến trong nghiên cứu về tự tử với Mô hình đa chiều về tự tử (The Multidimensional Model of Suicide). Ông cũng là một trong những người đầu tiên đưa ra phương pháp tâm lý khám nghiệm dựa trên dấu vết tâm lý của đối tượng (autopsy psychological). Leenaars không đồng ý với quan điểm cho rằng tự tử chỉ là cách thức thoát khỏi nỗi đau. Mô hình của Leenaars nghiên cứu trên trên 2 khía cạnh: 1) Ở khía cạnh nội tâm, người có ý định tự tử có những nỗi đau khổ tâm trí không thể chứa đựng được, họ có tư duy cứng nhắc, mâu thuẫn trong cảm xúc, khó ứng phó với vấn đề trong cuộc sống, mất mát, cái tôi yếu; 2) Ở khía cạnh liên cá nhân, những ức chế trong mối quan hệ, họ chối bỏ/ hung hăng, có thể mất mát/ hoặc bị bỏ rơi, gây hấn… Ông cho rằng nguyên nhân cần được nhìn nhận một cách tổng thể, kết hợp của các yếu tố “sinh học, tâm lý, nội tâm, giữa các cá nhân, xã hội, văn hóa và triết học” (Leenaars, 1996). Trong vai trò NTL học đường, chúng tôi cần nhìn nhận và xem xét vấn đề tự tử từ góc nhìn tâm lý học, soi chiếu với các triết thuyết tâm lý. Thật khó để có thể chỉ dùng một định nghĩa để lý giải tính phức tạp của vấn đề tự tử, mà ở đây là tự tử ở học sinh. Tuy nhiên, qua Mô hình Biodyne, chúng tôi đồng tình với quan điểm của Beck cùng cách lý giải của Maltsberger và Buie, để có thể nhìn nhận: Tự tử nói chung và ở người trẻ nói riêng là một quá trình diễn tiến tâm lý phức tạp của một người, nơi tâm trí của người đó sẽ trải qua các giai đoạn từ nảy sinh ý định, lên kế hoạch đến thực hiện hành vi (thành công hoặc không). Suốt quá trình này, niềm hy vọng về một giải pháp cho đau khổ của bản thân mất dần, cảm giác tới hạn về sức chịu đựng đau khổ của bản thân tăng dần, cùng với những huyễn tưởng về sự giải thoát, sự trả thù và sự tái sinh-tái hợp, đặt trong bối cảnh sống rất riêng của người đó, tự tử xảy ra. 744
  12. Cần lưu ý thêm ở đây, như cách nhìn của Leenaars về tác động của bối cảnh, mỗi câu chuyện cá nhân mang những nét đặc trưng riêng. Như thế, sẽ không có một/một vài nguyên nhân soi chiếu nhân quả tuyến tính cho một nhóm người hay toàn thể. Điều này sẽ được lý giải chi tiết ở phần sau qua trải nghiệm thực tế của người làm tâm lý trong bối cảnh học đường. 3.2. Qua trải nghiệm của người làm tâm lý trong bối cảnh học đường 3.2.1. Người làm tâm lý trong bối cảnh học đường Theo National Association of School Psychologists – Hiệp hội các NTL học đường Hoa Kỳ (NASP), NTL học đường áp dụng kiến thức chuyên môn về sức khỏe tâm thần, học tập và hành vi, để giúp trẻ em và thanh thiếu niên thành công trong học tập, xã hội, hành vi và tình cảm. Các NTL học đường hợp tác với gia đình, giáo viên, quản lý trường học và các chuyên gia khác để tạo ra môi trường học tập an toàn, lành mạnh và hỗ trợ nhằm tăng cường kết nối giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng (NASP, 2021). Tại Việt Nam, từ năm 2017, quyết định số 31/2017/TT-BGDĐT – Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông đã được ban hành. Tuy nhiên, đối tượng chủ yếu được đề cập có trách nhiệm trong lĩnh vực Tâm lý học đường khi đó vẫn là giáo viên kiêm nhiệm, cán bộ tư vấn tâm lý, nhân viên trường học. Còn nhiều hạn chế và mơ hồ trong vai trò, trách nhiệm khi chức danh chuyên môn chưa được công nhận cho người làm tâm lý trong bối cảnh học đường. Theo bài báo nghiên cứu thực trạng đội ngũ làm công tác tham vấn học đường năm 2019 cho thấy, ở khu vực phía Nam (Việt Nam) đã bố trí được cơ bản lực lượng đảm nhiệm vị trí tham vấn học đường, tuy nhiên đa phần do giáo viên kiêm nhiệm, chỉ có số ít đội ngũ được đào tạo chuyên môn Tâm lý (Huỳnh & cộng sự, 2019). Cho đến năm 2020, chức danh Nhà tâm lý học (mã nghề 2634) mới được xác định trong Quyết Định số 34/2020/ QĐ-TTg về Danh mục nghề nghiệp Việt Nam. Hai dấu mốc trên cho thấy, tại Việt Nam, ngành tâm lý học nói chung và tâm lý học đường nói riêng còn rất non trẻ, vẫn tồn tại những nhầm lẫn trong vai trò, mơ hồ về trách nhiệm, giới hạn trong điều kiện công tác tại trường học. 745
  13. 3.2.2. Đối diện với vấn đề tự tử của học sinh qua góc nhìn của người làm tâm lý trong bối cảnh học đường Hơn ai hết, những NTL học đường là lực lượng đối diện trực tiếp với những vấn đề khó khăn tâm lý của học sinh – được đề cập ở đây chính là vấn đề tự tử. Khi một học sinh trong trường học tự tử, mất mát và đau buồn đó không chỉ diễn ra với gia đình học sinh, với bạn bè, nhà trường, mà còn đổ dồn lên chính NTL học đường. Một nghiên cứu từ góc nhìn chuyên môn và cá nhân tìm hiểu về trải nghiệm của NTL học đường khi họ đi qua những cái chết của nhiều học sinh trong một năm, tại ngôi trường của họ. Qua phương pháp phỏng vấn sâu, nghiên cứu giúp người đọc hình dung được trải nghiệm thực tế của chính bản thân người làm tâm lý, thật không dễ dàng gì khi đối diện với cái chết của học sinh trong trường học, có thể có nhiều nguyên do cho sự tử vong của những học sinh này, và tự tử là một trong số đó (Hannon & cs, 2019). Những nhà tham vấn học đường tại Canada khi được hỏi sâu về trải nghiệm của họ khi thân chủ (học sinh) ra đi vì tự sát, họ cho biết cũng đã trải qua những cảm xúc khó khăn như tức giận, cảm giác tội lỗi (“Nếu thân chủ được nhận sự hỗ trợ cần có thì họ đã còn sống”). Họ cảm giác mình cần phải chịu trách nhiệm cho cái chết của thân chủ, họ sợ hãi, bất an rằng sẽ có ai đó đổ lỗi cho mình, sẽ không còn ai tin vào họ nữa. Họ phải trải qua mất mát và đau buồn một cách cô lập để có thể tập trung làm tiếp công việc của mình (Carley, L. C. & cs, 2009). Ở bối cảnh Việt Nam, NTL làm việc tại trường học còn nhiều mơ hồ của giới hạn chuyên môn lẫn trách nhiệm, một phần có thể là do chưa cho bộ quy chuẩn đạo đức của Việt Nam về việc hành nghề tâm lý nói chung và tâm lý học đường nói riêng. Từ góc độ của ban giám hiệu và giáo viên, cán bộ công nhân viên trong trường, chưa có nhiều cơ hội để hiểu rõ hơn về chức năng của một người làm tâm lý trong bối cảnh học đường là gì, nên có thể còn nhiều khó khăn trong quá trình phối hợp. Từ hệ thống lý thuyết đã có và soi chiếu, cộng hưởng với trải nghiệm thực tế, bản thân chúng tôi đã rất khó khăn. Chúng tôi đã vô cùng bối rối và hoang mang khi trực diện với học sinh có ý định tự tử. Đó là một trong những trải nghiệm gian nan trong những năm đầu làm việc. Chúng tôi sẽ trình bày một trải nghiệm cá nhân ở đây, tuy nhiên, chi tiết về ca (case) sẽ không được đề cập như một báo cáo trường hợp trong bài viết này. 746
  14. Chúng tôi đã từng làm việc tại phòng tâm lý của một trường trung học cơ sở và thân chủ của tôi trong lần đó là học sinh lớp 9. Em tìm đến chúng tôi vì có những khó khăn trong mối quan hệ bạn bè và gia đình. Bên cạnh đó, em cũng giãi bày với chúng tôi về những ý nghĩ tự tử của mình, những chi tiết liên quan đến một kế hoạch tự tử đã được hình dung sẵn. Khi đối diện với học sinh có ý định tự tử, dù không có bất kỳ lời khuyên răn nào và đã làm theo chức năng của một người đồng hành, hỗ trợ tâm lý cho học sinh như đã từng được hướng dẫn, chúng tôi không cảm thấy ổn. Ý thức rằng mình đã làm đúng theo các nguyên tắc đạo đức hành nghề, nhưng, những nỗi lo về em học sinh đó vẫn tồn tại, kể cả khi chúng tôi rời khỏi phòng làm việc sau một thời gian dài. Những phiên tham vấn xoay quanh việc nâng đỡ cảm xúc cho học sinh, cùng em tìm hiểu vấn đề, hỗ trợ em trong việc gọi tên những nguồn lực cũng như cùng thảo luận về cách thức ứng phó với khó khăn ... sau cùng, chúng tôi vẫn chưa hiểu được thực sự ý nghĩ tự tử em nói đến là gì và cùng bàn luận với em về ý nghĩ đó. Lại một lần khác, với trường hợp của một học sinh lớp 8 tìm đến phòng tâm lý, có lẽ vì quá lo lắng đến sự liên đới về trách nhiệm, đã hiện lên khi chúng tôi nghe học sinh nói về những suy nghĩ tự tử của em những ngày qua. Chúng tôi, dù đang lắng nghe, đã cố gắng gợi ý cho em về việc cần phải thông báo với phụ huynh và nhà trường để có thể có những giúp đỡ kịp thời tốt nhất cho em, cũng như liên tục giải thích thêm cho em về trách nhiệm của chúng tôi – NTL đang làm việc tại trường học. Rồi chúng tôi chợt nhận ra, so với quy chuẩn đạo đức đã được áp dụng một cách cứng nhắc, có nhiều thứ đôi khi cần được chú trọng hơn. Có nhiều phần trong tôi đã chưa đủ linh hoạt với bối cảnh cá nhân, để nhạy cảm trong những tình huống. Lẽ ra, chúng tôi cần vững vàng chuyên môn để đủ hiểu vấn đề của thân chủ hơn, để cân nhắc tìm kiếm những thời điểm thích hợp thông báo cho những bên liên quan. Người làm tâm lý trong trường học có trách nhiệm phải báo cáo với ban giám hiệu, phụ huynh một cách nhanh chóng và kịp thời khi biết được một học sinh có nguy cơ tự tử, tùy thuộc vào quy định của từng nơi. Tuy nhiên, không phải ở mọi trường hợp đều áp dụng quy định, quy tắc một cách rập khuôn như thế. Mà cho dù đã được thông báo và có sự đồng ý từ phía học sinh, khi thông tin đến với các bên liên quan khác trong thời điểm học sinh vẫn còn trong hoang mang, bế tắc thì sự lo lắng cũng đã khiến cho em bất an hơn rồi. Sau buổi hôm đó, em học 747
  15. sinh ấy đã chọn cách dừng tiếp nhận sự hỗ trợ từ phòng tâm lý của trường. Sau phiên làm việc đó, chúng tôi luôn có cảm giác tội lỗi vì mình đã chưa làm tròn trách nhiệm chuyên môn, lo lắng có chuyện không hay xảy đến với học sinh. Có rất nhiều câu hỏi, nhiều nỗi bất an, căng thẳng kéo dài khiến chúng tôi gia tăng nghi ngờ năng lực của bản thân về nghề nghiệp, cũng tạo nên nỗi lo lắng khi tiếp xúc với những thân chủ về sau. Có những suy tư về vấn đề tự tử mà chúng tôi đã gặp khi đối chiếu với mô hình 3 giai đoạn của tự tử. Tùy vào từng giai đoạn, NTL cần có những tiếp cận phù hợp để hỗ trợ thân chủ. Những học sinh chúng tôi từng gặp thường ở giai đoạn đầu tiên với ý nghĩ tự tử. Ở thời điểm gặp học sinh đang có ý định tự tử, có vấn đề khó khăn cùng cảm xúc hỗn loạn, nặng nề, nên tạo dựng được một mối quan hệ tin tưởng và an toàn, thực sự hiện diện cùng em để em có thể an tâm chia sẻ, từng bước gỡ rối. Việc lắng nghe, tìm hiểu và xác định vấn đề là rất quan trọng nhằm xác định mục tiêu làm việc, lên kế hoạch can thiệp hay chuyển gửi thích hợp. Trong trường hợp NTL chỉ dựa vào những quan điểm, số liệu thống kê được đưa ra ở các nghiên cứu chung về tự tử để xác định vấn đề nào của học sinh mang tới sẽ có thể dẫn đến nguy cơ. Họ sẽ chỉ xoáy sâu rồi dừng lại ở một số khía cạnh của nguyên nhân thay vì tìm hiểu chân dung, bối cảnh tâm lý học sinh. Mỗi học sinh là một cá nhân có những nét riêng biệt, nếu chỉ tập trung vào lý giải về mặt bệnh lý từ đó đưa ra những giải pháp mang tính giải quyết tức thời đôi khi sẽ có thể gây hại cho học sinh. Nên chăng, cần có sự cân nhắc, chọn lọc hơn trong việc nhìn nhận những con số được đưa ra, những nguyên nhân được liệt kê hay cách thức can thiệp để dập tắt ý định ngay khi nó vừa nhen nhóm. Theo góc nhìn của Antoon Leenaars và mô hình đa chiều về vấn đề tự tử, tìm hiểu bối cảnh của thân chủ là cần thiết để hiểu về cả khía cạnh cá nhân lẫn mối quan hệ của thân chủ khi xuất hiện ý nghĩ tự tử. Tìm hiểu về những suy nghĩ, nỗi đau khổ trong nội tâm của chính học sinh, bên cạnh đó không quên nhìn vào bối cảnh, những mối quan hệ xung quanh. Học sinh không chỉ là thành viên của gia đình, mà còn là những nhân tố của trường học, đóng vai trò trong nhiều mối quan hệ như với bạn bè, thầy cô,… cho nên khó có thể tách riêng học sinh khỏi môi trường. Ý nghĩ tự tử không đơn thuần chỉ mới diễn ra tại thời điểm học sinh đến gặp NTL 748
  16. tại trường học và tự tử không đơn thuần là một hành vi như đã giải thích ở trên. Cho nên, cần nắm vững chuyên môn; cần tìm hiểu, nhìn nhận, đánh giá vấn đề của học sinh một cách cẩn trọng và bình tĩnh thay vì hành động ngay lập tức theo những quy định được đặt ra. Mỗi quyết định của người làm tâm lý trong những trường hợp như vậy đều ảnh hưởng đến tiến trình hỗ trợ học sinh, NTL nên có những bước hội ý với chuyên gia, người giám sát chuyên môn của mình trước khi có những biện pháp can thiệp, thông báo với những bên liên quan tùy vào từng mức độ khẩn cấp của vấn đề học sinh mang đến. Với tính phức tạp của vấn đề tự tử, những chia sẻ trên cơ bản là những trải nghiệm cá nhân trong nghề nghiệp của mình, tùy từng trường hợp sẽ có nhiều cách hỗ trợ đa dạng khác. Thêm nữa, yếu tố cá nhân của người làm tâm lý cũng cần được lưu tâm. Trường hợp tồi tệ nhất xảy ra khi một học sinh trong trường tự tử, NTL thường là người được mong đợi hỗ trợ học sinh, gia đình, nhà trường nhanh chóng nhất có thể. Tuy nhiên, chính bản thân người làm tâm lý cũng vừa trải qua cú sốc và mất mát trong chính câu chuyện. Điều này thường bị xem nhẹ do tính đặc thù của nghề nghiệp – vì họ, người làm tâm lý – đang trong vai trò là “người chăm sóc/hỗ trợ” (Hannon & cs, 2019). Trong một nghiên cứu về những tác động khi làm việc với tự tử đối với NTL và nhu cầu tự chăm sóc của họ, các nhà nghiên cứu cho thấy việc đối diện với cái chết của thân chủ không phải là một việc hiếm gặp ở các NTL. Tuy nhiên vẫn tồn tại định kiến cho rằng khi thân chủ tự tử là “thất bại của NTL”, từ đó dẫn đến những áp lực tinh thần đối với họ. Những NTL thường được mong đợi, kỳ vọng hoặc tự cho rằng họ cần phải “toàn năng”, sắm vai người giải cứu, có thể giải quyết mọi tình huống xảy đến. Để rồi, khi đối diện với cái chết của thân chủ, nếu không được hỗ trợ thích đáng, họ thường gặp những cảm xúc tiêu cực kéo dài như căng thẳng, lo lắng, tức giận, đau buồn,... Về mặt chuyên môn, họ nghi ngờ năng lực bản thân, tự ti, cho rằng mình kém cỏi, vô trách nhiệm hay thậm chí né tránh nhóm thân chủ có vấn đề này về sau (Hawgood & Leo, 2015). Nghiên cứu này cũng đã nêu ra một số cách thức để hỗ trợ những NTL khi đối diện với việc tự tử của thân chủ như: – Giáo dục: Bên cạnh những vấn đề về pháp lý, trách nhiệm, đạo đức, NTL cần được giáo dục về cách ứng phó khi thân chủ cố gắng tự tử hoặc tự tử. Cần được cung cấp đầy đủ các thông tin cụ thể về hành vi tự tử. 749
  17. – Giám sát: Sau khi thân chủ tự tử, việc giám sát thường bao gồm việc xem xét các ghi chú của trường hợp đó, nâng cao kiến thức và học hỏi từ sự kiện đã qua. Người giám sát có trách nhiệm đặc biệt hỗ trợ NTL mà không gán trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho họ vì cái chết của thân chủ, cũng như giúp họ ứng phó với bất kỳ tác động nào khi làm việc với khách hàng khác về sau. – Các chiến lược tự chăm sóc bản thân: Tự trau dồi, tìm kiếm tài liệu, đào tạo chuyên môn về tự tử và ứng phó với tự tử và cố gắng tự tử; Được giám sát; Xác định nhu cầu về an toàn để có thể cởi mở trong giám sát/nhóm giám sát; Hiểu về giới hạn/quyền hạn của bản thân; Xác định giới hạn làm việc của mình sau sự kiện; Tham gia các hoạt động khác để chăm sóc bản thân (tùy thuộc vào cá nhân). Tóm lại, có nhiều góc nhìn tâm lý học để NTL học đường chọn lựa thực hành trước vấn đề tự tử của học sinh. Tuy nhiên để thực sự hiểu và ứng dụng trong thực tế học đường cần một quá trình đào tạo chuyên môn, va chạm thực tế và được giám sát chuyên môn liên tục để có thể làm việc một cách hiệu quả. Con đường từ kiến thức chuyên môn đến thực hành còn cần rất nhiều thích nghi, kể cả đến mặt văn hóa, bối cảnh của từng trường học. Bên cạnh đó, NTL học đường cũng rất cần đến những hệ thống hỗ trợ trong quá trình làm việc như trường học, đồng nghiệp, hay hệ thống chuyển gửi. Hiện tại, vẫn chưa phổ biến các hướng dẫn chuyên môn tâm lý cho vấn đề tự tử ở học sinh, cũng như những thống nhất trong các quy trình chính thức về can thiệp tự tử dành cho NTL học đường. Các quy định pháp luật, quản lý, truyền thông cũng chưa đề cập rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của NTL học đường khi có xảy ra vấn đề tự tử ở học sinh. Khiến chúng tôi có cảm giác như tất cả cộng hưởng với nhau, tạo thành “lớp sương mờ” che phủ tầm nhìn của người làm tâm lý khi đối diện với vấn đề tự tử của học sinh trong bối cảnh học đường. IV. BÀN LUẬN Nâng cao nhận thức của cá nhân về việc tự ý thức, đánh giá về năng lực của NTL là rất cần thiết. Chúng tôi đã thành thực với việc mình thiếu 750
  18. kiến thức chuyên môn về vấn đề tự tử ở học sinh, đó là bước đầu để chúng tôi thực sự nghiêm túc nhìn nhận, tìm hiểu, nghiên cứu về vấn đề này. Trải nghiệm đó là bài học cũng như động lực để chúng tôi ý thức về việc thực hành chuyên môn của mình. Chúng tôi cũng đã vô cùng may mắn khi được hỗ trợ rất nhiều từ hệ thống chuyên môn của chúng tôi. Tại trường học nơi chúng tôi làm việc, cùng các đồng nghiệp của mình, chúng tôi đã được đào tạo bài bản, liên tục; hệ thống công việc rõ ràng như: đánh giá sàng lọc; lưu trữ hồ sơ tâm lý; giám sát định kỳ thường xuyên giúp đảm bảo tính chuyên nghiệp, quy tắc đạo đức công việc. Phòng tâm lý học đường có những cách thức phối kết hợp giữa các bên nhưng vẫn rõ ràng vai trò trách nhiệm của mình cùng với sự thấu hiểu, hỗ trợ lẫn nhau trong hệ thống. Khi làm việc với những trường hợp học sinh có vấn đề tự tử, NTL không làm việc một mình mà có cả một liên minh cùng đồng hành. Được sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và giám sát viên qua những trường hợp làm việc “cận cảnh” đã giúp chúng tôi có những nhìn nhận: Về chuyên môn, chúng tôi đã được giúp đỡ để nhìn nhận lại vấn đề đã và đang diễn ra trong chúng tôi nhằm có những hướng đi tiếp hỗ trợ học sinh hay những quyết định cần được đưa ra trong từng trường hợp cụ thể. Về mặt tinh thần từ nhóm giám sát chuyên môn để có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn. Tuy vậy, đây là trải nghiệm của riêng chúng tôi. Tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng không phải người làm tâm lý trong bối cảnh học đường nào cũng đang nhận được những hỗ trợ tương tự. Đây phải chăng cũng là một trong những nguyên do dẫn đến tình trạng kiệt sức nghề nghiệp ở NTL học đường? Và sẽ ra sao nếu trường hợp tồi tệ nhất xảy ra, học sinh tự tử, NTL học đường sẽ đối diện với mất mát đó như thế nào? Điều này cần được minh chứng rõ hơn qua các nghiên cứu sâu về những trải nghiệm thực tế của các NTL học đường khi đối diện với vấn đề tự tử ở học sinh. Những hướng dẫn hiện có vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi trong học đường, các tài liệu nước ngoài chỉ được dịch thuật và sử dụng trong từng khung cảnh riêng biệt mà chưa được thích nghi với văn hóa một cách đầy đủ. Cụ thể như, hiện tại, NASP có những hướng dẫn phòng ngừa cho học sinh có ý định tự tử chi tiết qua một loạt các mục sau: 1) Lưu ý các nguy cơ, dấu hiệu cảnh báo; 2) Tăng cường các yếu tố bảo vệ (sự kết nối 751
  19. giữa nhà trường và cộng đồng, tăng cường phổ cập các kỹ năng giải quyết vấn đề lành mạnh, giúp học sinh hiểu về sức khỏe tâm thần, dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc hiệu quả); 3) Trường học cần có NTL học đường/nhóm can thiệp khủng hoảng chịu trách nhiệm thực hiện đánh giá nguy cơ tự tử, thông báo cho phụ huynh, cung cấp các khuyến nghị và giới thiệu đến các dịch vụ cộng đồng, đồng thời thường cung cấp tư vấn và hỗ trợ theo dõi tại trường…; 4) Thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan sức khỏe tâm thần cộng đồng địa phương giúp kết nối học sinh với các dịch vụ cần thiết một cách kịp thời và giúp việc tái nhập học suôn sẻ; 5) Không bao giờ bỏ qua hoặc giữ bí mật thông tin; 6) Gọi đường dây nóng ngăn chặn tự tử quốc gia khi có trường hợp khẩn cấp (NASP, 2015). Những điều này, khi áp dụng tại Việt Nam còn nhiều khó khăn như ý thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần trong nhà trường/gia đình; trường học chưa có những liên kết chặt chẽ với cơ quan địa phương hay những tổ chức hỗ trợ khi có học sinh gặp vấn đề tự tử. Chưa kể đến việc, như đã phân tích ở trên, sự hỗ trợ qua các đường dây nóng hiện nay, nếu có, thường hỗ trợ ban đầu, can thiệp khủng hoảng trước mắt, chưa có sự liên hệ chặt chẽ với hệ thống trường học hay cơ quan pháp luật. V. KẾT LUẬN Tạm kết lại, có thể hiểu tự tử là một vấn đề phức tạp, đa khía cạnh, đa nguyên nhân. Thế nên, việc lý giải tự tử theo cách thức một chiều nhân quả tuyến tính dường như khó có thể hỗ trợ được cho NTL học đường khi đối diện với học sinh có vấn đề tự tử. Tự tử nên được hiểu là một quá trình diễn biến tâm lý phức tạp của một người mà ở đó dường như niềm hy vọng đang dần mất đi trong khi sức chịu đựng những đau khổ nơi họ càng gần hơn tới giới hạn kèm theo đó là những huyễn tưởng về một nơi không còn khổ đau. Tất cả cần được đặt trong bối cảnh sống riêng của từng cá nhân khi dấn thân để hiểu hơn về ý nghĩa của tự tử là gì đối với mỗi người. Ngoài ra, các NTL học đường cũng rất cần có những hệ thống đồng hành, hỗ trợ chuyên môn lẫn cá nhân (giám sát, tương trợ, kết nối, phát triển) bên cạnh việc được đào tạo chuyên môn sâu để hình dung rõ hơn những khía cạnh khác nhau về vấn đề tự tử khi làm việc với học sinh trong bối cảnh học đường. 752
  20. Qua bài viết này, một lần nữa, chúng tôi muốn kêu gọi các tổ chức, hiệp hội có liên quan đến lĩnh vực tâm lý học đường hiện có tại Việt Nam, chung tay để hỗ trợ nhằm phát triển nội dung chuyên sâu về vấn đề tự tử cho NTL học đường – một việc rất cần thiết nhưng hiện tại trong đào tạo chuyên ngành ít được đề cập đến, đồng thời xây dựng hệ thống hướng dẫn hỗ trợ cho NTL học đường khi có học sinh tự tử. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tài liệu tiếng Việt Huỳnh, V. S., Nguyễn, T. T., Nguyễn, T. D. M., Đặng. H. A. (2019). Thực trạng đội ngũ làm công tác tham vấn học đường hiện nay. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, 01(49), 145-153. UNICEF Việt Nam (2017). Bản chất vấn đề tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam. Tài liệu tiếng Anh APA (2021). Suicide. American Psychological Association. https://www.apa.org/ topics/suicide Beck, A. T. (1963). Thinking and Depression. Archives of General Psychiatry, 9(4), 324. doi: 10.1001/archpsyc.1963.01720160014002 Belbase, Shashidhar & Luitel, Bal & Taylor, Peter. (2008). Autoethnography: A Method of Research and Teaching for Transformative Education. Journal of Education and Research. 1. 86-95. doi: 10.3126/jer.v1i0.7955 Carley L. C., & Robin, D. E. (2009). Breaking the silence: School counsellors’ experiences of client suicide. British Journal of Guidance & Counselling, 37 (2), 157-168. doi: 10.1080/03069880902728580 Cummings, J. (2017). Prevent Suicide by Recognizing Early Warning Signs. Cummings Graduate Institute for Behavioral Health Studies. https://cgi. edu/biodyne-model-therapists-masters-suicide-assessment-prevention/. Erps, K. H., Ochs, S., & Myers, C. L. (2020). School psychologists and suicide risk assessment: Role perception and competency. Psychology in the Schools, 57(6), 884-900. doi: 10.1002/pits.22367 Faust, K. R. (2017). Writing Lives, Writing Loss: An autoethnography on the death of a teammate [Master’s thesis, Brock University]. https://core.ac.uk/ download/pdf/84680951.pdf 753
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
3=>0