intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ebook Lịch sử Đảng bộ xã Lộc An (1930-2022): Phần 1

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:116

1
lượt xem
0
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ xã Lộc An (1930-2022)" do NXB Thuận Hóa xuất bản, nhằm ghi lại những truyền thống văn hóa; chặng đường lịch sử đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của Nhân dân xã Lộc An từ khi có sự lãnh đạo của Đảng; khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, phát triển quê hương. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung phần 1 dưới đây!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ebook Lịch sử Đảng bộ xã Lộc An (1930-2022): Phần 1

  1. ĐẢNG BỘ HUYỆN PHÚ LỘC BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ LỘC AN LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ LỘC AN (1930 - 2022) NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA Huế, 2023 1
  2. Chỉ đạo nội dung BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ LỘC AN KHÓA XIII, NHIỆM KỲ 2020 - 2025 Ban Chỉ đạo Biên soạn 1. Hồ Văn Kỳ - HUV, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã - Trưởng ban 2. Lê Chí Thanh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy - Phó ban trực 3. Trương Thanh Tín - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã - Phó ban 4. Hồ Nguyên Minh - UVTV, Phó Chủ tịch HĐND xã - Ủy viên 5. Lê Đức Phúc - UVTV, Chủ tịch UBMTTQVN xã - Ủy viên 6. Trần Viết Việt - ĐUV, Phó Chủ tịch UBND xã - Ủy viên 7. Huỳnh Thị Hường - ĐUV, Phó Chủ tịch UBND xã - Ủy viên Ban Biên soạn 1. TS. Dương Quang Hiệp (Chủ biên) 2. TS. Nguyễn Văn Quảng 3. ThS. Mai Văn Được 4. ThS. Nguyễn Duy Nam 5. ThS. Nguyễn Thu Hằng Tập sách này được hoàn thành với sự cung cấp tư liệu, đóng góp ý kiến, bổ sung chỉnh sửa của nhiều nhân chứng, cán bộ, đảng viên và lãnh đạo xã Lộc An qua các giai đoạn lịch sử. 2
  3. LỜI GIỚI THIỆU Xã Lộc An là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá và đấu tranh cách mạng. Dưới thời quân chủ, nơi đây nổi tiếng với truyền thống hiếu học, đỗ đạt khoa bảng. Trong buổi đầu chống thực dân Pháp đô hộ, Lộc An là cái nôi của phong trào cách mạng và là một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, biết bao thế hệ đã chung sức cùng cả nước đứng lên đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mang lại hoà bình, độc lập cho dân tộc. Với những công lao to lớn đó, năm 1995 Nhân dân và Lực lượng vũ trang Nhân dân xã Lộc An được công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Sau ngày thống nhất đất nước, các lớp cha anh lại chung lưng đấu cật khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất; Lộc An là đơn vị đầu tiên của huyện Phú Lộc đi tiên phong trong xây dựng mô hình hợp tác xã, tiến hành cải tạo quan hệ sản xuất. Từ Đại hội VI (1986), Lộc An cùng cả nước tiến hành đổi mới, rồi đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và đưa quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh. Đây là truyền thống đáng tự hào của Đảng bộ và Nhân dân xã Lộc An cần được lưu giữ và phát huy trong quá trình xây dựng kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương. Công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ của xã Lộc An sớm được chú trọng. Vào năm 2000, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lộc 3
  4. An đã tiến hành sưu tầm và biên soạn tập sách Lịch sử Đảng bộ xã Lộc An. Đến năm 2005, công tác sưu tầm, biên soạn được hoàn thành nhưng bản thảo còn một số hạn chế nên chưa được xuất bản. Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Lộc về biên soạn sách lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn, năm 2022 Ban Chấp hành Đảng bộ xã Lộc An đã chỉ đạo, tổ chức biên soạn sách Lịch sử Đảng bộ xã Lộc An (1930-2022). Cuốn sách nhằm ghi lại những truyền thống văn hóa; chặng đường lịch sử đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của Nhân dân xã Lộc An từ khi có sự lãnh đạo của Đảng; khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, phát triển quê hương. Đồng thời, tổng kết thực tiễn lịch sử, nêu bật những thành tựu và cả những hạn chế; qua đó, rút ra bài học kinh nghiệm, góp phần vào xây dựng quê hương hiện nay. Cuốn sách Lịch sử Đảng bộ xã Lộc An (1930-2022) hoàn thành là nhờ kết quả nỗ lực của Đảng ủy xã trong công tác chỉ đạo biên soạn; sự chỉ đạo của Huyện ủy, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Huyện ủy; sự kế thừa tập sách Lịch sử Đảng bộ xã Lộc An của giai đoạn trước; sự nhiệt tình cung cấp tư liệu của Văn phòng Huyện ủy Phú Lộc, các đồng chí lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo xã qua các thời kỳ, Hội đồng các làng, các họ tộc trên địa bàn xã và phương pháp làm việc khoa học của Ban Biên soạn. Nhân đây, Đảng ủy xã Lộc An xin chân thành cảm ơn Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Lộc, các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên, Hội đồng các làng, các họ tộc và Nhân dân trong xã đã giúp đỡ, tạo điều kiện để cuốn sách được hoàn thành. 4
  5. Mặc dù công tác tổ chức, biên soạn có nhiều cố gắng, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng; quá trình tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu để nghiên cứu và biên soạn, vì vậy cuốn sách sẽ không tránh khỏi những thiếu sót. Đảng ủy xã Lộc An và Ban Biên soạn rất mong nhận được sự góp ý chân thành của các đồng chí lãnh đạo, các nhân chứng lịch sử và bạn đọc gần xa để lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn. Đảng ủy xã Lộc An xin trân trọng giới thiệu sách Lịch sử Đảng bộ xã Lộc An (1930-2022) cùng đồng bào, đồng chí và bạn đọc. Lộc An, tháng 10 năm 2023 T/M ĐẢNG ỦY BÍ THƯ Hồ Văn Kỳ 5
  6. Chương 1. LỘC AN - VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI 1.1. Đặc điểm tự nhiên và dân cư 1.1.1. Đặc điểm tự nhiên - Vị trí địa lý Lộc An nằm về phía Bắc huyện Phú Lộc, cách thị trấn Phú Lộc khoảng 15 km, là một xã bán sơn địa và đồng bằng nằm ven đầm phá của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Xã có diện tích tự nhiên là 2.680,97 ha, dân số của xã năm 2022 là 3.593 hộ, 16.424 người. Đảng bộ xã Lộc An có 21 Chi bộ trực thuộc với 292 đảng viên. Ranh giới hành chính của xã được xác định như sau: + Phía Bắc giáp xã Vinh Hà, huyện Phú Vang và xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc; + Phía Nam giáp xã Lộc Hòa và xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc; + Phía Đông giáp xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc; + Phía Tây giáp xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975), vùng đất Lộc An là địa bàn kết nối giữa đồng bằng với miền núi, căn cứ phía Tây. Chính vì vậy, phong trào đấu tranh cách mạng ở đây diễn ra quyết liệt. Xã có vị trí thuận lợi, nằm trên trục đường cái quan xưa - Quốc lộ 1A nay, hệ thống đường thủy sông Truồi - sông Nam Phổ - đầm Cầu Hai - sông Đại Giang, đường sắt Bắc - Nam đã tạo nên sự thuận tiện trong giao thông cũng như trao đổi buôn bán từ xưa đến nay. 6
  7. - Địa hình Địa hình của xã Lộc An nghiêng dần từ phía Tây Nam sang Đông Bắc. Phía Tây Nam của xã là vùng đồi thấp, thuận lợi cho phát triển lâm nghiệp. Từ trục Quốc lộ 1A đi về phía Đông Bắc của xã là vùng đồng bằng, gồm ruộng lúa và các ao đầm được bồi bởi hệ thống sông Truồi, sông Nam Phổ, sông Đại Giang thuận tiện cho phát triển nông nghiệp. Lộc An có 3 con sông chảy qua, gồm sông Truồi, sông Nam Phổ và sông Đại Giang. Sông Truồi hay còn gọi là sông Hưng Bình, phát nguồn từ dãy núi Bạch Mã - Hải Vân, chảy theo hướng gần Nam - Bắc đổ vào đầm Cầu Hai. Sông Truồi có chiều dài dòng chính là 24 km, diện tích lưu vực là 149 km2, độ dốc bình quân lòng sông là 34,5 m/km1. Sông Nam Phổ bắt nguồn từ vùng phía Tây xã Lộc An và Lộc Sơn, chảy qua vùng giáp ranh giữa xã Lộc An và Lộc Sơn, đổ ra đầm Cầu Hai. Sông Đại Giang hay còn gọi là sông Lợi Nông, sông An Cựu. Đây là một chi lưu của sông Hương, dài 27 km, nối sông Hương (ở cửa kênh Ông Hoàng) với đầm Cầu Hai ở Cống Quan trên địa bàn xã Lộc An. Quốc sử quán triều Nguyễn chép về con sông này trong sách Đại Nam nhất thống chí như sau: “Ở phía Bắc huyện Hương Thủy 16 dặm, cửa sông tách dòng từ phía Đông Nam xã Phú Xuân ở bờ phía Nam sông Hương, một dòng chảy theo hướng Đông Nam độ 17 dặm, qua hành cung Thần Phù, lại chảy tám dặm, đến hành cung Thuận Trực, rồi chảy vào phá Hà Trung. Hai bên tả hữu con sông này, ruộng đất có đến mấy ngàn mẫu, nguyên trước là đất ngấm mặn. Năm Gia Long thứ 13 (1814), ngự giá đến Thanh Thủy xem khắp hình thế, rồi mời các vị phụ lão hỏi về việc đào sông ấy, phụ lão thưa: Đào 1 Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (2005), Địa chí Thừa Thiên Huế, Phần Tự nhiên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 117. 7
  8. được sông này rất có lợi ích cho nông dân. Vua bèn sai đem quân dân đến đào. Lại xây đắp cửa cống ở hạ lưu sông Thần Phù để ngăn nước mặn, nhờ vậy mà vùng đất ấy mới được phì nhiêu, có nhiều lợi ích. Sông này nguyên tên là sông An Cựu, năm Minh Mạng thứ hai (1821) đổi lại tên này [Lợi Nông]. Trên dưới cửa sông có dựng bia đá làm dấu. Năm thứ 17 (1836), đúc chín đỉnh, có khắc hình sông này vào Chương đỉnh”1. Xã có hơn 100 ha đầm Cầu Hai, thuận lợi cho nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đầm Cầu Hai có dáng vẻ lòng chảo hình bán nguyệt, tương đối đẳng nước, diện tích 104 km 2. Xưa đầm Cầu Hai có tên là phá Hà Trung, được Lê Quý Đôn chép trong Phủ biên tạp lục như sau: “Phá Hà Trung rộng lớn không thấy bờ, không biết bao nhiêu mẫu khoảnh, dân cư ở vòng quanh bốn bề”2. - Khí hậu, thủy văn Địa bàn xã Lộc An nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Mỗi năm có hai mùa chính là mùa nắng và mùa mưa. Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình các tháng mùa mưa là 20-220C, có khi xuống dưới 8-90C, ảnh hưởng đến gieo trồng và chăn nuôi. Mùa nắng từ tháng 3 đến tháng 7, nhiệt độ trung bình là 35-370C, có khi lên đến 440C, đồng thời chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam thổi qua nên gây khô hạn. Lượng mưa trung bình năm từ 1.900-3.200 mm. Mưa tập trung vào 3 tháng 9, 10, 11; chiếm đến hơn 50% lượng mưa cả năm. Số ngày mưa trong năm lớn, trên 164 ngày/năm. Độ ẩm cao nhất vào tháng 2 là 98,2%, thấp nhất vào tháng 7 với 47,6%. 1 Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, Nxb Lao động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xb, Hà Nội, tr. 119. 2 Lê Quý Đôn (2015), Phủ biên tạp lục, Nxb Đà Nẵng, tr. 95. 8
  9. Chế độ thủy văn ở xã Lộc An chịu ảnh bởi địa hình phức tạp. Địa hình vừa bị tác động mạnh mẽ của vị trí địa lý và những đặc điểm về điều kiện địa hình với lượng mưa trung bình hàng năm lớn, nên lượng nước trở nên dư thừa vào mùa mưa, gây ra lũ quét với lưu lượng dòng chảy mạnh dễ phá hỏng các công trình giao thông, thủy lợi và các công trình công cộng khác trên địa bàn xã. Hệ thống thủy văn trên địa bàn xã ảnh hưởng lớn từ hệ thống sông Truồi, sông Nam Phổ, sông Đại Giang và đầm Cầu Hai. - Tài nguyên thiên nhiên Lộc An có tài nguyên đa dạng. Đất tự nhiên toàn xã 2.680,97 ha, là xã có diện tích tự nhiên thuộc loại trung bình của huyện Phú Lộc; trong đó: đất nông nghiệp là 2.033,92 ha (chiếm 75,87%), đất phi nông nghiệp là 634,08 ha (chiếm 23,65%), đất chưa sử dụng là 12,97 ha (chiếm 0,48%). Trên địa bàn xã có 4 loại đất chính: - Nhóm đất mặn, bao gồm phần đất cát mặn và phần đất thuộc đầm Cầu Hai, phân bố ở phía Đông của xã. Loại đất này thuận lợi nuôi trồng thủy sản. - Nhóm đất phù sa có tầng đất được bồi đất dày, thành phần cơ giới là thịt nhẹ. Loại đất này rất thuận lợi cho phát triển cây lúa nước, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. - Nhóm đất mới biến đổi phân bố chủ yếu ở phía Tây Nam của xã. Loại đất này chủ yếu được sử dụng cho mục đích trồng rừng và các loại cây lâu năm. - Nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá có diện tích 367,13 ha. Tài nguyên nước của xã Lộc An khá phong phú và đa dạng, được cung cấp từ nguồn nước mặt và nước ngầm. Nguồn nước mặt của xã từ hệ thống thủy lợi hồ Truồi và hệ thống các nhánh sông suối của sông Truồi. Nguồn nước ngầm trên địa bàn xã qua khảo sát thăm dò sơ bộ tương đối dồi dào và chất lượng tốt, có thể đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân. 9
  10. Tài nguyên rừng khá lớn, nằm về phía Tây Nam của xã. Đất lâm nghiệp chiếm 43,35% diện tích đất nông nghiệp và chiếm 32,28% tổng diện tích tự nhiên. Đất lâm nghiệp chỉ có đất rừng sản xuất và trồng chủ yếu là thông nhựa, keo lai… Tài nguyên rừng là ngành kinh tế có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của xã Lộc An. Trong những năm gần đây, sản xuất lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, ước tính 1 ha rừng cho thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân. Lộc An có nhiều khoáng sản, như các quặng vàng ở khu vực Độn Nghệ, Độn Bông, Độn Vàng và mỏ sét gạch ngói. Quặng vàng đã được người dân khai thác từ rất lâu trong lịch sử. Mỏ sét là điều kiện thuận lợi cho phép xã phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, tạo mũi đột phá thúc đẩy kinh tế tiểu thủ công nghiệp của xã và huyện phát triển. Đầm phá cũng là một tài nguyên quan trọng khác của xã Lộc An. Xã nhà nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, diện tích đầm phá của xã rộng hơn 100 ha. Khu vực này có nhiều sinh vật thủy sinh sinh sống, có nhiều loại tôm, cá có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, ở cuối sông Truồi là lưu vực bảo tồn, phát triển giống cá bố mẹ loài cá trén (cá dầy). Loài cá này phát triển sinh sản cung cấp một sản lượng lớn hàng năm, đem lại nguồn lợi lớn cho Nhân dân sinh sống bằng nghề đánh bắt trên đầm phá. Tài nguyên đầm phá là một lợi thế của xã trong khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. 1.1.2. Đặc điểm dân cư Về nguồn gốc, dân cư buổi đầu của xã Lộc An là những lớp cư dân có nguồn gốc từ phía Bắc, như vùng Thanh - Nghệ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hiện nay) theo các đoàn Nam tiến vào khai phá vùng đất mới lập nên các làng xã. Trải qua quá trình di cư, khai khẩn và phát triển làng xã, các lớp cư dân xã 10
  11. Lộc An đã sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất này qua nhiều thế kỷ. Từ khi đặt chân lên vùng đất Lộc An, các lớp cư dân đã đoàn kết, chung sức khai phá đất đai, be bờ, đắp đập, canh tác ruộng nương, tạo lập nên các làng mạc trù phú. Người dân nơi đây có truyền thống cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất; chăm chỉ, hiếu học trong học tập; kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược; đoàn kết, tương thân, tương ái trong tình làng nghĩa xóm. Học hành - đỗ đạt và kiên cường, bất khuất đấu tranh chống ngoại xâm là truyền thống nổi bật của Nhân dân xã Lộc An xuyên suốt từ thời trung đại đến hiện đại. Thời trung đại, nơi đây sản sinh ra nhiều nhân tài, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Dưới triều Nguyễn, làng Bàn Môn có Hoàng Văn Diễn (Thượng thư bộ Lại), Hoàng Đức Hinh (Cử nhân), Hoàng Văn Triệt (Viên ngoại lang phủ Tôn Nhân), Hoàng Văn Bình (Tinh binh Suất đội); Trần Hữu Hiệu (Tú tài), Trần Hữu Tuấn (Tú tài); Lê Văn Dõng (Hưng Bình giang Đê vệ nông Suất đội); Lê Thanh Đàm đỗ Cử nhân khoa Kỷ Dậu năm Duy Tân thứ 3 (1909) làm đến Tri huyện. Làng Phú Môn có Đoàn Tùy đỗ Cử nhân khoa Tân Mão năm Thành Thái thứ 3 (1891)… Sang thời cận - hiện đại, nhiều con em ở các làng của xã Lộc An đỗ Tú tài, Thành chung, Kỹ sư, Cử nhân, rồi Thạc sĩ, Tiến sĩ; nhiều người tham gia đấu tranh cách mạng, trở thành các vị tướng, tá trong quân đội, công an, giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Tiêu biểu có Đại tướng Lê Đức Anh (Chủ tịch nước), Lê Bá Dị (Tỉnh ủy viên, Bí thư Chi bộ Phú Lộc - Phú Vang, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Phú Lộc), Hoàng Đức Trạch (Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Thừa Thiên), Nguyễn Sơn (Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên), Lê Thúc Khánh (Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Phú Lộc), Đoàn Trọng Truyến (Bộ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Bộ 11
  12. trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng), Đoàn Mạnh Giao (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Lê Bá Trình (Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Lê Mạnh Hà (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Hoàng Tiến Dũng (Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương), Trần Tiến Lực (Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân), Trần Hữu Trung (Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên), Nguyễn Văn An (Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế), Hồ Đắc Minh Nguyệt (Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền tại Ukraine kiêm Cộng hòa Moldova), Hoàng Văn Giải (Bí thư Huyện ủy Nam Đông, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế), Bùi Xê (Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế), Đào Chuẩn (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế), Trần Thanh Đạm (Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân), Lê Viết Khoa (Giáo sư, Tiến sĩ Y khoa, Hiệu trưởng Y khoa Huế), Lê Văn Thăng (Phó Giáo sư, Tiến sĩ Quản lý môi trường, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường)... Xã Lộc An được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân năm 1995; toàn xã có 01 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 21 cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa, 36 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 313 liệt sĩ, 388 người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại, 89 thương binh. Dưới đây là cuộc đời, sự nghiệp của một số nhân vật tiêu biểu: - Hoàng Văn Diễn là người làng Bàn Môn. Dưới thời Tây Sơn, ông ở ẩn và làm nghề dạy học. Năm 1796, ông thi đỗ văn học ở Gia Định do chúa Nguyễn Phúc Ánh tổ chức, được bổ làm ở Thị Thư viện. Dưới thời Gia Long và đầu thời Minh Mạng, ông liên tục được thăng chức, làm Ký lục dinh Quảng Nam, Cai bạ dinh Bình Định, Tả Tham tri bộ Hộ kiêm Nội Đồ gia, Hiệp 12
  13. trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Hữu Tham tri bộ Hộ lãnh Hộ tào Bắc Thành, Hiệp trấn Thanh Hóa. Sau đó, vì làm án lầm lẫn nên bị cách chức. Năm 1824, ông được khởi phục Hàn Lâm viện Tu soạn, rồi thăng Lang trung, trải chức Thiên sự Bố chính sứ, biện lý công việc bộ Hộ. Năm 1826, vua Minh Mạng thăng làm Tả Thị lang bộ Hình, lãnh Binh tào thành Gia Định. Năm 1828, thăng thự Tham tri bộ Binh; rồi chuyển làm Hiệp trấn Quảng Trị. Năm 1837, Hoàng Văn Diễn được bổ làm Thượng thư bộ Lại. Lúc này, ông có một số hạn chế trong điều hành công việc bộ Lại, nhưng vua Minh Mạng nghĩ ông làm việc lâu năm, làm quan thanh bạch nên gia ơn cải bổ Hữu Thị lang bộ Lại, sung Sư Bảo dạy các hoàng tử còn bé. Năm 1839, vua thăng ông làm Thự Tham tri, vẫn sung chức Sư Bảo. Năm 1841, ông lấy cớ tuổi già xin về hưu. Dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, ông nhiều lần được ban thưởng bạc, lụa. Đặc biệt, vua Tự Đức ban 8 mẫu ruộng để làm thế nghiệp và 100 quan tiền sửa nhà cho ông. Hoàng Văn Diễn mất vào năm 1854. Nhận xét về Hoàng Văn Diễn, vua Tự Đức có dụ rằng: “Văn Diễn đã trải thờ 3 triều [vua], từng làm quan trong ngoài, hơn 40 năm, tự giữ thanh bạch, trước sau như một, nhà không có của chứa riêng, tường vách sơ sài, sang mà hay nghèo, già mà không biến đổi, nói về thói trong sạch, tiết gian khổ càng khiến cho người hâm mộ khen ngợi”1. - Lê Văn Dõng còn có tên là Phong, tự Thượng Nghĩa, thụy Hồng Kỉnh, người làng Bàn Môn. Ông sinh ngày 23 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1802), dung mạo khôi ngô, tính thông minh. Năm 1832, ông làm ở doanh Thần Cơ. Năm 1851, Lê Văn Dõng được cấp bằng Đội trưởng. Năm 1855, ông về hưu. Đến năm Tự Đức thứ 16 (1863), ông theo Dinh điền sứ Trần Đình Túc. Ông xuất tài lực đắp đê Hưng Bình (đập Truồi) để ngăn nước mặn, lấy nước ngọt vào ruộng. Dân hai tổng An Nông và Lương Điền 1 Quốc sử quán triều Nguyễn (2013), Đại Nam liệt truyện, Tập 3-4, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 233-234. 13
  14. đều nhờ đê Hưng Bình mà sản xuất lúa hai vụ. Năm 1879, ông mất. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), triều đình thấy ông có công lao nên truy thụ Tinh binh Suất đội, lệnh cho làng Bàn Môn thờ ông tại đình. Năm Duy Tân thứ 7 (1913), triều Nguyễn ban sắc phong cho ông là “Hưng Bình giang đê Vệ nông Suất đội Lê phủ quân”, mỹ tự là “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần”. Năm Khải Định thứ 9 (1924), triều Nguyễn gia tặng thêm mỹ tự “Đoan Túc tôn thần”. - Hoàng Đức Trạch sinh năm 1891 trong một gia đình giàu có ở làng Bàn Môn. Ông theo học chữ Hán và chữ Quốc ngữ, thi đỗ Tú tài Hán học và bằng tiểu học Quốc ngữ. Ông tìm hiểu và gần gũi với các nhà yêu nước dân chủ, như Phan Chu Trinh, Phan Bộ Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… Ông tham gia trong Viện Dân biểu Trung Kỳ và góp phần lên tiếng tố cáo các chính sách bất công của chính quyền thực dân, bác bỏ dự án tăng thuế, yêu cầu trả tự do cho học sinh bị bắt trong các cuộc bãi khóa, đòi lập cơ quan ngôn luận của Viện là báo Tiếng Dân. Năm 1928, ông đệ đơn từ chức và rời Viện Dân biểu Trung Kỳ. Năm 1937, Mặt trận Dân chủ Thừa Thiên vận động một phong trào bầu những người có tư tưởng tiến bộ vào Viện Dân biểu Trung Kỳ, Hoàng Đức Trạch được trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở làng, tổng và huyện. Năm 1946, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Thừa Thiên. Tháng 5-1946, ông được cử kiêm chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Sau 50 ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cùng cùng cơ quan Trung Bộ sơ tán ra Nghệ An. Tháng 5-1947, ông trở về và nhận chức Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Thừa Thiên ở Chiến khu Hòa Mỹ. Tháng 5-1948, cơ quan của tỉnh chuyển từ Hòa Mỹ vào Dương Hòa, ông cùng tập thể Ủy ban chỉ đạo khối chính quyền di chuyển, xây dựng nhà cửa và nhanh chóng ổn định ở chiến khu mới. Năm 1951, sức 14
  15. khỏe của ông dần yếu đi và được tỉnh đưa về an dưỡng tại vùng căn cứ kháng chiến Phú Vang, Phú Lộc. Năm 1952, ông từ trần tại Phú Vang1. - Lê Bá Dị sinh ngày 28-9-1901 tại làng Bàn Môn. Ông sinh trưởng trong một gia đình trung nông, từ nhỏ được học chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Ông sớm nhận thức được thực trạng một cổ hai tròng của người nông dân, sớm nảy nở lòng yêu nước, thương người nghèo. Năm 1925, ông tổ chức hội đọc sách báo ở làng Bàn Môn. Ông còn tổ chức dạy ban đêm cho thanh niên, nông dân mù chữ, mở thêm trường dân lập để thu hút con em đến tuổi đi học. Ông tham gia đấu tranh yêu nước, đòi thả cụ Phan Bội Châu và phong trào bãi khóa. Ông gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng. Cuối năm 1929, ông được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, trở thành đảng viên Cộng sản đầu tiên của huyện Phú Lộc. Tháng 01-1930, ông làm Bí thư Chi bộ liên huyện Phú Vang - Phú Lộc. Ngày 08-4-1930, Đảng bộ Thừa Thiên được thành lập, đồng chí Lê Bá Dị được bầu vào Tỉnh ủy, phụ trách các hội quần chúng. Tháng 9-1930, ông bị địch bắt, kết án 7 năm tù và giam tại Lao Thừa Phủ. Năm 1936, ông được ra tù. Dù ở trong tù hay vừa ra tù bị địch theo dõi gắt gao, ông vẫn kiên trung hoạt động đấu tranh cách mạng. Năm 1938, ông lãnh đạo Nhân dân biểu tình đòi tự do, dân chủ; lãnh đạo nông dân hai huyện Phú Lộc, Phú Vang đấu tranh phản đối thuế mới và đòi quyền tự do dân chủ. Các năm 1939-1944, phong trào cách mạng bị khủng bố, ông bị quản chế tại Bàn Môn nhưng vẫn hoạt động bí mật. Năm 1945, ông góp công làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tại huyện Phú Lộc. Khi chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí Lê Bá Dị được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện Phú Lộc; rồi Chủ 1 Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Hội đồng hương Phú Lộc - Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh (2010), Hoàng Đức Trạch - Lê Bá Dị, quê hương - cuộc đời - sự nghiệp, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 264-272. 15
  16. tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Liên Việt huyện Phú Lộc. Năm 1953, vì sức khỏe yếu, ông được cho đi chữa bệnh, sau đó công tác ngành dược phẩm, cán bộ tổ chức Viện Điều dưỡng cán bộ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1963. Vì tuổi cao sức yếu, ông từ trần vào ngày 23-4-19781. - Lê Đức Anh sinh ngày 01-12-1920 tại làng Trừng Hà (huyện Phú Vang), quê làng Bàn Môn, xã Lộc An. Ông được giác ngộ cách mạng năm 1936 và tham gia cách mạng từ năm 1937. Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ năm 1937 đến năm 1939, ông tham gia hoạt động cách mạng trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc. Năm 1939, phong trào cách mạng bị khủng bố, ông lánh vào Đà Nẵng, rồi vào Đà Lạt. Năm 1942, ông xuống làm ở đồn điền cao su Lộc Ninh (Đồng Nai). Tại đây, ông hoạt động cách mạng, giác ngộ, vận động và xây dựng phong trào của phu mủ cao su. Ông lập ra tổ chức Nghiệp đoàn phu cao su, lãnh đạo công nhân đấu tranh cách mạng. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông lãnh đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản, Bù Đốp khởi nghĩa thành công. Từ tháng 8-1945 đến tháng 10-1948, ông tham gia quân đội, giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Chính trị viên Tiểu đoàn và Trung đoàn. Từ 10-1948 đến năm 1950, ông làm Tham mưu trưởng các Quân khu 7, Quân khu 8 và đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến năm 1954, làm Tham mưu phó, Quyền Tham mưu Trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Từ năm 1955 đến 1963, làm Cục phó Cục Tác chiến; Cục trưởng Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ tháng 8-1963 đến tháng 02-1964, làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ tháng 02-1964 đến năm 1974, ông làm Phó Tư lệnh, kiêm Tham 1 Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Bình Trị Thiên (1984), Một lòng vì đảng vì dân, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.145-159. 16
  17. mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam; Tư lệnh Quân khu 9 (năm 1969). Từ năm 1974 đến 1975, ông làm Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, (tháng 4-1974 được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng); Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư Lệnh cánh quân hướng Tây Nam đánh vào Sài Gòn. Từ năm 1976 đến năm 1980, ông làm Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1981. Từ năm 1981 đến năm 1986, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Camphuchia; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1986. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986), ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 02-1987, ông được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6-1991), ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 9- 1992, ông được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (6-1996), ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị, làm Thường vụ Bộ Chính trị. Tháng 12-1997, ông xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001, ông là Ủy viên Ban Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là Đại biểu Quốc hội 17
  18. các khóa VI, VIII, IX. Tháng 4-2001, ông nghỉ hưu. Vì tuổi cao sức yếu ông từ trần vào ngày 22-4-2019. Ông được được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất. Và, nhiều Huân chương cao quý của Nhà nước Liên Xô, Cu Ba, Campuchia, Lào1. - Đoàn Trọng Truyến sinh ngày 15-01-1922, người làng Phú Môn. Ông tham gia Cách mạng từ tháng 9 năm 1945, ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau: Ủy viên Ủy ban Hành chính Kháng chiến Trung Bộ, Đổng lý sự vụ Bộ Kinh tế (1950), Hiệu trưởng Trường Kinh tế Tài chính (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) (1960-1963); Phó Trưởng ban Tài chính Thương nghiệp Trung ương Đảng; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch - Ngân sách Quốc hội; Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương; Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước (1981-1984). Năm 1984, ông được cử làm Bộ trưởng, Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Từ năm 1987 đến năm 1990, ông làm Hiệu trưởng Trường Hành chính Trung ương (nay là Học viện Hành chính thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), Phó Trưởng ban Tài chính Thương nghiệp Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Ngân sách Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Ông là Đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VII. Ông từ trần năm 2009. Ông được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vì những đóng góp to lớn trong sự nghiệp trồng người. Ông được trao tặng Huân chương Độc Lập hạng 1 Dẫn theo: Khuất Biên Hòa (2005), Đại tướng Lê Đức Anh, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội; Trang Thông tin Điện tử Văn phòng Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, https://vpctn.gov.vn/danh-muc-trang-chu/lanh-dao-nha- nuoc/chu-tich-pho-chu-tich-qua-cac-nhiem-ky/ong-le-duc-anh.html, ngày truy cập: 20-6-2023; Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh, niềm tự hào quê hương Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2022, tr. 9-10. 18
  19. Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huy Hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ông đã có nhiều thành tích trong công tác giáo dục và nghiên cứu về cải cách hành chính và đã được tặng Giải thưởng Nhà nước Việt Nam về cụm công trình cải cách bộ máy Nhà nước. - Đoàn Mạnh Giao sinh ngày 27-10-1944, quê làng Phú Môn, là con của ông Đoàn Trọng Truyến. Ông xuất thân là Kỹ sư quân sự, chuyên ngành chế tạo vũ khí, giảng viên, Phó Chủ nhiệm Khoa Cơ điện, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau đó ông chuyển sang công tác tại Văn phòng Chính phủ, được bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng hàm Thứ trưởng năm 1993. Từ năm 1999 đến năm 2007, ông giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông là đại biểu Quốc hội khóa XI. Ông từ trần ngày 28-01-2023. Ông Đoàn Mạnh Giao đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Na; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba... 1.2. Đặc điểm lịch sử 1.2.1. Quá trình khai phá hình thành và phát triển các làng xã Theo ghi chép của sử cổ, vùng đất Thừa Thiên Huế xưa thuộc bộ Việt Thường. Tiếp đó, vùng đất này nằm dưới sự đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc (Nam Việt, Tây Hán, Đông Hán). Năm 192, cuộc khởi nghĩa của Khu Liên ở huyện Tượng Lâm giành được thắng lợi, lập nên Nhà nước Lâm Ấp (cuối thế kỷ II - đầu thế kỷ VII), là thời kỳ đầu của vương quốc Champa. Tiếp đó là thời kỳ Champa Ấn hóa (đầu thế kỷ VII - 1471). Vào năm 1306, vua Champa là Chế Mân hỏi cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần và lấy hai châu Ô, Lý làm sính lễ. 19
  20. Năm sau - 1307, vua Trần sai Đoàn Nhữ Hài vào trấn giữ và đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa. Từ đây, các triều đại phong kiến Việt Nam đưa dân vào khai phá vùng đất Thuận Hóa. Sang thế kỷ XV, triều Lê sơ có chính sách khai hoang, lập đồn điền và khuyến khích người dân di cư vào vùng Thuận Hoá để lập làng nên các cư dân ở phía Bắc vào Thuận Hoá rất đông đảo. Tuy vậy, cho đến giữa thế kỷ XVI, vùng đất Lộc An vẫn chưa có làng nào được ghi chép trong Ô châu cận lục. Năm 1558, chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng Thuận Hoá, mở đầu công cuộc xây dựng Đàng Trong. Các cư dân theo đó cũng vào khai phá lập nên nhiều làng mới ở Thừa Thiên Huế. Từ đây, các làng xã ở Lộc An mới lần lượt được thành lập. - Làng Bàn Môn được hình thành khoảng nửa sau thế kỷ XVI. Hai vị có công đầu trong việc lập làng là Trần Quý công và Hoàng Quý công. Ghi nhận công lao của hai vị có công đầu lập làng, triều Nguyễn đã ban tặng sắc phong cho hai vị này. Vào năm Duy Tân thứ 7 (1913), triều đình ban tặng cho ngài họ Trần là “Bổn thổ Tiền Khai canh Trần Đại lang chi thần”, mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần”; ngài họ Hoàng là “Bổn thổ Tiền Khai canh Hoàng Đại lang chi thần”, mỹ tự “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò chi thần”. Đến năm Khải Định thứ 9 (1924), triều Nguyễn ban sắc phong cho cả hai vị và gia tặng mỹ tự “Đoan Túc tôn thần”. Tiếp sau hai họ Trần, Hoàng là các họ Cao, Trương, Lê, Lê Kim, Trần Bức, Nguyễn Bức, Bùi, Lê Đức... Hiện nay làng Bàn Môn gồm có 49 họ khác nhau. Theo gia phả họ Lê Kim, dưới thời Minh Mạng (1820- 1840) ông Lê Văn Huân “cùng ông trong xóm đem dân trong bức nhập tịch làng Bàn Môn, chịu tô thuế, cải Lê Xá làm Đông giáp”1. Như vậy, đến lúc này làng Bàn Môn có 6 giáp: giáp 1 Dẫn theo: Phổ chí phái nhì họ Lê Kim, lưu tại nhà thờ họ Lê Kim, làng Bàn Môn, xã Lộc An. 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2