intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nậm Dịch (1952-2020)

Chia sẻ: Hoangnhanduc | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:214

12
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Nội dung cuốn sách "Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nậm Dịch (1952-2020)" ghi lại những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân xã Nậm Dịch đã giành được trong những năm kể từ khi đất nước ta giành được độc lập, đặc biệt là từ khi xã Nậm Dịch và Chi bộ Đảng của xã được thành lập vào năm 1952 đến năm 2020. Đây là một tài liệu quý, góp phần tích cực cho công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn xã.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Ebook Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nậm Dịch (1952-2020)

  1. ĐẢNG BỘ HUYỆN HOÀNG SU PHÌ BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ XÃ NẬM DỊCH -----------***------------ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ NẬM DỊCH 1952 - 2020 Xuất bản năm 2020 1
  2. 2
  3. Lời giới thiệu Nậm Dịch là xã thuộc khu vực nội huyện Hoàng Su Phì cách trung tâm huyện lỵ 16 km về phía nam. Với lợi thế nằm trên tuyến tỉnh lộ 177 nối liền quốc lộ 2 với các huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần và là một trong 3 trung tâm cụm xã của huyện nên xã Nậm Dịch có nhiều thuận lợi trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Đây là địa bàn sinh sống lâu đời của các hộ gia đình dân tộc Tày, Mông và dân tộc Dao áo dài. Trải qua quá trình hàng ngàn năm định cư, sinh sống trên địa bàn xã, nhân dân các dân tộc xã Nậm Dịch luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, hình thành và tạo dựng lên nét văn hóa phong phú, đặc sắc, hun đúc nên truyền thống cách mạng, dũng cảm, kiên cường, thông minh, sáng tạo, giàu lòng yêu nước, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương của nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì cũng như tỉnh Hà Giang nói chung. Sau khi nước ta giành được chính quyền (tháng 8/1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Huyện ủy Hoàng Su Phì, nhất là từ khi Chi bộ Đảng của xã được thành lập (năm 1952), nhân dân các dân tộc xã Nậm Dịch đã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý thức tự lực tự cường, tích cực lao động sản xuất, trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và công cuộc tiễu 3
  4. phỉ; huy động sức người, sức của để chi viện cho các chiến trường, đi đầu trong công cuộc xây dựng hợp tác xã của huyện trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Đồng thời trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhân dân các dân tộc xã Nậm Dịch luôn năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập, công tác, từng bước xây dựng xã vững mạnh về kinh tế, phát triển về văn hóa, giáo dục, củng cố và giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, từng bước tạo dựng và làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã Nậm Dịch như ngày nay. Nhằm tìm hiểu, khai thác và phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong xã hiểu được sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha, anh đã cống hiến sức người, sức của để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương. Ban Thường vụ Đảng ủy xã Nậm Dịch khóa XXII, (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã chỉ đạo biên soạn và xuất bản cuốn "Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nậm Dịch (1952 - 2020)". 4
  5. Nội dung cuốn sách ghi lại những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân xã Nậm Dịch đã giành được trong những năm kể từ khi đất nước ta giành được độc lập, đặc biệt là từ khi xã Nậm Dịch và Chi bộ Đảng của xã được thành lập vào năm 1952 đến năm 2020. Đây là một tài liệu quý, góp phần tích cực cho công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn xã. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin cho thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, tích cực nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong quá trình nghiên cứu và biên soạn, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Nậm Dịch đã nhận được sự giúp đỡ tích cực của Ban Tuyên giáo huyện ủy Hoàng Su Phì, Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện Hoàng Su Phì và các nhân chứng lịch sử, các đồng chí cán bộ, lãnh đạo của huyện Hoàng Su Phì và xã Nậm Dịch qua các thời kỳ. Ban Thường vụ Đảng ủy xã xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó. Mặc dù bộ phận nghiên cứu, biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng trong công tác sưu tầm tư liệu còn gặp nhiều khó khăn, công tác lưu trữ tài liệu qua các thời kỳ không được đầy đủ, các nhân chứng lịch sử nay đã già yếu, trí nhớ có phần suy giảm nên một số nội 5
  6. dung được phản ánh trong cuốn sách không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý của các đồng chí và bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sau. Trân trọng giới thiệu cuốn sách: Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Nậm Dịch giai đoạn 1952 - 2020 đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nậm Dịch cùng bạn đọc! T/M BAN THƢỜNG VỤ ĐẢNG ỦY XÃ BÍ THƢ Đinh Văn Hùng 6
  7. Chƣơng I KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI XÃ NẬM DỊCH 1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Xã Nậm Dịch cách trung tâm huyện lỵ Hoàng Su Phì 16 km về phía đông nam, đây là địa bàn sinh sống lâu đời của các hộ gia đình dân tộc Dao, Mông và dân tộc Tày. Về vị trí địa lý của xã Nậm Dịch phía bắc giáp các xã Bản Nhùng, Ngàm Đăng Vài, phía đông giáp Tả Sử Choóng, phía nam giáp các xã Nam Sơn, Nậm Ty, phía tây giáp xã Bản Luốc. Toàn bộ địa hình của xã Nậm Dịch nằm trên khối núi đất khu vực thượng nguồn Sông Chảy nên địa hình của xã có độ dốc lớn, độ cao trung bình so với mặt biển là 900 mét, địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi nhiều khe suối, trong đó có cổng trời Km 38 là một trong hai cổng trời hùng vĩ và nổi tiếng trên tuyến tỉnh lộ 177 của huyện Hoàng Su Phì. Xã Nậm Dịch có tổng diện tích tự nhiên 3.056,71 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.082,43 ha, đất lâm nghiệp 1.606,6 ha, đất chuyên dùng 62,89 ha, đất ở 50,02 ha. Toàn xã được chia thành 14 thôn nằm trên hai ven bờ sông Chảy với những cánh rừng xen giữa những thửa ruộng bậc thang màu mỡ bạt ngàn trên sườn núi được nhiều thế hệ người dân sinh sống trên địa bàn xã canh tác tôn tạo và không ngừng mở rộng về diện tích, nhiều nhất là ở các thôn Thành Công, Thắng Lợi, Kết Thành, Bản Péo. Đây là tư liệu sản xuất 7
  8. quan trọng, đem lại nguồn sống chính của cộng đồng nhân dân các dân tộc trong xã. Nậm Dịch là một trong những xã có nhiều sông suối của huyện Hoàng Su Phì, trong đó có thượng lưu sông Chảy khu vực bắt nguồn từ dãy Chiêu Lầu Thi xã Hồ Thầu, sau khi chảy qua khu vực trung tâm xã được hợp lưu với nhánh suối Bản Péo có chiều dài 4 km tại khu vực trung tâm xã và nhánh suối Hoàng Ngân tại khu vực km 13 tuyến tỉnh lộ 177 và chảy về phía tây bắc qua huyện Xín Mần, Bắc Hà. Vì vậy lòng suối được mở rộng hơn với nhiều thác ghềnh hiểm trở nước chảy xiết, nhất là khu vực thôn Hoàng Ngân. Hệ thống sông suối của xã Nậm Dịch là nguồn tưới tiêu quan trọng phục vụ sản xuất canh tác nông nghiệp của cư dân trên địa bàn. Về khí hậu, xã Nậm Dịch thuộc khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa và được chia thành 2 mùa rõ rệt: mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, mùa khô thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Hàng năm vào mùa mưa thường gây lũ quét, lũ ống, sạt lở, sói mòn, làm ách tắc giao thông, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là trên tuyến tỉnh lộ 177 thuộc khu vực các thôn Thắng Lợi 1, Thắng Lợi 2, Hoàng Ngân. Mặc dù vậy, khí hậu và thổ nhưỡng của xã Nậm Dịch rất phù hợp với một số cây trồng như cây lúa nước, cây chè, cây lấy gỗ, cây ăn quả như lê, mận, đào. Xã Nậm Dịch có diện tích rừng khá lớn và đều khắp ở các thôn với hệ động, thực vật phong phú, đa 8
  9. dạng về chủng loại, nhiều cây gỗ quý như dổi, phay có tuổi đời hàng trăm năm thuộc các thôn Nậm Dịch, Bản Péo. Rừng xã Nậm Dịch là nguồn tài nguyên quan trọng, cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất, lao động và sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Từ năm 1997, Đảng bộ và Chính quyền xã đã thực hiện giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình, các thôn quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển, đồng thời tích cực triển khai các chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nên diện tích rừng của xã ngày một được mở rộng, nâng độ che phủ của rừng của xã lên 54,6% vào năm 2020. Do vị trí địa lý của xã thuộc vùng trọng điểm kinh tế khu vực nội huyện nên xã Nậm Dịch có hệ thống đường giao thông khá phát triển. Từ năm 1965, tuyến tỉnh lộ 177 từ Tân Quang đi Hoàng Su Phì qua xã Nậm Dịch được thông xe, đưa xã Nậm Dịch là một trong 04 xã của huyện có đường ô tô đến trung tâm xã. Đến nay toàn bộ 14 thôn trong xã đã có đường ô tô được đổ bê tông hoặc trải nhựa và nối liền với các xã lân cận với tổng chiều dài các tuyến 107,4 km, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời xa xưa, xã Nậm Dịch được gọi theo tiếng địa phương là Nắm Rích - tức là Nước reo, do khu vực trung tâm xã nằm sát ngay ngã ba suối Bản Péo đổ vào sông Chảy tạo nên âm thanh rì rào quanh năm. Sau khi một số cư dân vùng xuôi lên sinh sống và buôn bán đã gọi thành Nậm Dịch, đến nay Nậm Dịch trở thành địa 9
  10. danh và được sử dụng chính thức trong hệ thống bản đồ hành chính của địa phương. Thời phong kiến, xã Nậm Dịch thuộc tổng xã Tụ Nhân của châu Vị Xuyên. Ngày 27/6/1925, Thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định thành lập trung tâm hành chính mới, từ đất của châu Vị Xuyên với tên mới là châu Hoàng Su Phì gồm các tổng Tụ Nhân và tổng Xín Mần, trong đó xã Nậm Dịch thuộc tổng xã Tụ Nhân của châu Hoàng Su Phì. Ngày 15/12/1962, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 211-CP về chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hà Giang, theo đó thôn Tả Sử Choóng xã Nậm Rịch được sáp nhập cùng với các thôn Ma Seo Phìn và các xóm Chà Hồ, Hóa Chéo Phìn của xã Tiến để thành lập xã mới là xã Tả Sử Choóng. Các thôn còn lại của xã Nậm Dịch tiếp tục được chia tách thành 3 xã gồm xã Nam Sơn, xã Cháng Nà (Tức xã Nậm Dịch) và xã Nậm Rịch (tức xã Bản Péo trước khi được sáp nhập trở lại với xã Nậm Dịch vào tháng 12/2019). Sau khia chia tách, xã Cháng Nà gồm có các thôn Cháng Lai, Thiêng Nà và xóm Sạ Chải. Xã Bản Péo gồm có thôn Nậm Rịch Mèo và các xóm Nậm Rịch Mán, Bản Péo, Nậm Rủ. Xã Nam Sơn có 3 thôn là Nậm Song, Tả Phìn, Nậm Ai và 2 xóm là Hố Sán và Nậm Lỳ. Đến cuối năm 1962 xã Nậm Dịch được đổi tên thành xã Bản Péo và xã Cháng Nà được đổi thành xã Nậm Dịch như tên gọi trước đây. Năm 1996 thôn Thắng Lợi được tách thành các thôn 1, 2, 9, 10; Thôn Hoàng Ngân được tách thành 03 thôn là thôn 3, 4, 5; Thôn Cháng Lai được tách thành 03 thôn là thôn 6, 7, 10
  11. 8. Tháng 12/2019 xã Bản Péo được sáp nhập về xã Nậm Dịch theo Nghị quyết số 827/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi sáp nhập, xã Nậm Dịch có tổng diện tích tự nhiên 3.056,71 ha, được chia thành 14 thôn. Do đặc điểm địa hình và tập quán sống quần cư, các dân tộc trên địa bàn xã Nậm Dịch cư trú theo dân tộc thành các làng bản. Đến tháng 6/2020, xã Nậm Dịch có tổng số 738 hộ, 3.564 khẩu. Trong đó: Dân tộc Mông 193 hộ 1.045 khẩu chiếm 29,3%; dân tộc Dao 137 hộ 707 khẩu, chiếm 19,8%; dân tộc Tày 336 hộ 1.518 khẩu, chiếm 42,6%; Dân tộc Kinh 53 hộ 198 khẩu, chiếm 5,6%; dân tộc Nùng 14 hộ 70 khẩu, chiếm 1,1%; dân tộc La chí 04 hộ 15 khẩu, chiếm 0,4%; dân tộc Cao Lan 01 hộ 04 khẩu, chiếm 0,1 %; dân tộc Hoa 04 khẩu, chiếm 0,1 %; dân tộc Khơ Mú 02 khẩu, chiếm 0,05%; dân tộc Thái 01 khẩu chiếm 0,02%. Là xã có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc bị nhiều khe suối chia cắt, điều kiện canh tác khó khăn nhưng trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, cộng đồng các dân tộc xã Nậm Dịch đã phát huy tinh thần tự lực, tính cần cù để chế ngự thiên nhiên, cách đây trên dưới 100 năm các hộ gia đình đã dần từ bỏ cuộc sống du canh du cư để định cư thành các xóm nhỏ trên các sườn núi, tích cực khai hoang phục hóa, làm ruộng bậc thang để phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra nhân dân còn tập trung phát huy các thế mạnh về kinh tế của địa phương như trồng chè shan tuyết, thảo quả, dược liệu, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát 11
  12. triển nghề rừng để phục vụ đời sống. Đặc biệt, xã Nậm Dịch đã biết phát huy thế mạnh về vị trí địa lý để phát triển giao thương buôn bán. Cách đây hàng trăm năm chợ Nậm Dịch đã được hình thành có tên gọi là Nàn Li Hồ (tức là chợ cạnh sông Phương nam) và duy trì đến tận ngày nay và là một trong 6 chợ phiên lâu đời nhất của khu vực Hoàng Su Phì thời phong kiến. Sau khi tuyến tỉnh lộ 177 được mở qua xã vào năm 1965, đồng thời xã Nậm Dịch được tỉnh và huyện xây dựng các cơ sở công thương nghiệp như Xưởng chế biến và thu mua chè, Kho lương thực, Cửa hàng thương nghiệp, Hạt giao thông đã thu hút nhiều hộ gia đình dân tộc Kinh ở các địa phương miền xuôi lên làm ăn, buôn bán và định cư tại khu vực Chợ Nậm Dịch. Ngày nay, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước nhất là việc triển khai xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như điện lưới Quốc gia, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà trụ sở thôn, cùng với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc xã Nậm Dịch đã được nâng lên, xuất hiện nhiều hộ khá, hộ giàu và nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi. Do đặc điểm nhiều thành phần dân tộc nên xã Nậm Dịch là một trong những địa phương có những nét văn hóa truyền thống rất đa dạng và phong phú, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng rẽ với những phong tục, tập quán độc đáo. Với dân tộc Dao thì có các lễ thức, lễ hội dân gian như Lễ nhảy bói được tổ chức vào 12
  13. tháng giêng âm lịch hàng năm, lễ cấp sắc và những làn điệu dân ca dân vũ như múa cầu sinh - cầu tự, hát giao duyên. Dân tộc Tày - Nùng có lễ cúng cơm mới, Lễ hội xuống đồng, lễ cúng ma khô, dân tộc Mông có lễ hội Gầu Tào, múa gậy tiền, múa khèn. Những giá trị văn hóa này được nhiều thế hệ bảo tồn qua hàng ngàn năm lịch sử như một sự minh chứng cho quá trình đấu tranh để tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc trên địa bàn xã. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước cũng như các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ địa phương và người dân trên địa bàn trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất về văn hóa. Qua đó đã tạo cho xã Nậm Dịch có điều kiện được bảo tồn và duy trì các bản sắc văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 2. Đời sống của nhân dân các dân tộc xã Nậm Dịch thời kỳ trƣớc năm 1952. Là địa phương có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hóa, trong suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc Nậm Dịch luôn chung sống đoàn kết, gắn bó, xây dựng bảo vệ quê hương làng bản và tạo dựng cuộc sống. Song, trải qua suốt thời kỳ hàng ngàn năm lịch sử dưới chế độ phong kiến, người dân xã Nậm Dịch luôn phải chịu nhiều lầm than, đau khổ. Nhất là từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm chiếm nước ta, chúng chiếm đóng Hà Giang vào năm 1887, 13
  14. cho đến năm 1896, sau khi dập tắt những cuộc đấu tranh của nhân dân ta, thực dân Pháp chính thức bắt tay vào quá trình khai thác thuộc địa tại Việt Nam với những chính sách bóc lột và cai trị hà khắc. Tại các thôn bản của mỗi dân tộc, chúng sử dụng bọn địa chủ cường hào địa phương như Lý trưởng của vùng đồng bào Tày, Quản Mán của vùng đồng bào Dao và Tổng giáp, Mã Phải của vùng đồng bào Mông làm tay chân cho chúng để dễ bề cai trị. Chúng áp đặt rất nhiều loại thuế hết sức hà khắc như Thuế thân, thuế điền, thuế nuôi ngựa, thuế môn bài, thuế lâm sản, thuế rượu, trong khi đường xá đi lại khó khăn, một số loại lương thực, thực phẩm thiết yếu như dầu hỏa, muối ăn bị chúng độc quyền cung cấp với giá cắt cổ như một phương tiện để khống chế cai trị khiến cho nhân dân thêm bần cùng khổ cực. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Song đất nước ta khi đó mặc dù còn non trẻ nhưng phải đối mặt với vô vàn khó khăn cả về kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng và an ninh, đối với huyện Hoàng Su Phì do điều kiện khó khăn về giao thông, địa bàn cách biệt nên phong trào cách mạng chưa đến được với huyện. Sau khi quân Nhật rút khỏi Hà Giang vào ngày 29/8/1945, thì ngay chiều ngày 30/8/1945 quân Tưởng lấy lý do giải giáp quân Nhật đã kéo vào huyện Hoàng Su Phì qua đường Bản Máy, Xín Mần, Khuôn Lùng, đi đến đâu chúng đều tổ chức cướp bóc, làm sâu thêm lòng căm phẫn của nhân dân, song cũng hun đúc thêm ý chí cách mạng, một lòng theo Đảng của nhân dân các dân tộc trong huyện. 14
  15. Ngày 05/11/1945 huyện lỵ Bắc Quang được giải phóng đã có tác động tích cực tới tư tưởng của quần chúng nhân dân thêm phấn khởi, tin tưởng vào Cách mạng và Bác Hồ. Sự kiện này cũng khiến bọn phong kiến tay sai hoang mang lo sợ, bọn Quốc dân Đảng đã đưa quân ra phục kích tại Nậm Dịch hòng chặn đường tiến công của ta. Trước tình hình đó, ngày 13/11/1945, bộ đội ta gồm 2 tiểu đội đã tiến quân vào huyện Hoàng Su Phì phối hợp với lực lượng dân quân du kích địa phương đánh bật bọn Quốc dân Đảng ra khỏi Nậm Dịch và truy kích đến tận huyện lỵ. Sau đó tiếp tục truy kích đến Cốc Pài, Bản Máy và giải phóng hoàn toàn huyện Hoàng Su Phì. Trong chiến công chung đó đã có sự đóng góp không nhỏ của dân quân, du kích và nhân dân xã Nậm Dịch đã hỗ trợ tích cực cho các lực lượng vũ trang tổ chức đánh địch. Sau khi huyện Hoàng Su Phì được giải phóng, đến ngày 18/11/1945, Ủy ban hành chính huyện Hoàng Su Phì được thành lập do Vương Văn Đường làm Chủ tịch. Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, trước tình hình đó, đêm ngày 19/12/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng Chỉ thị của Trung ương Đảng và lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, nhân dân xã Nậm Dịch cùng với nhân dân các dân tộc trong huyện anh dũng đứng lên đánh Pháp, tiễu phỉ và bọn thổ ty tay sai. Trong những năm 1947 – 1948, khu vực xã Nậm Dịch là một trong những xã của huyện Hoàng Su Phì 15
  16. phải chịu sự hoành hành của bọn Phỉ được Pháp nuôi dưỡng do Hạng Sào Chúng cầm đầu. Đặc biệt, từ tháng 4/1947 tại khu vực các xã Nậm Dịch bọn "Cờ trắng" do Chảo Sành Phú cầm đầu với khẩu hiệu "Giết Tày lấy ruộng, giết Kinh lấy muối, giết Hán lấy bạc già" đã gây ra nhiều vụ đốt nhà, giết người cướp của hết sức dã man, hàng trăm ngôi nhà của các hộ gia đình thuộc các xã Nậm Dịch, Tả Sử Choóng, Bản Nhùng đã bị bọn Cờ trắng đốt phá chìm trong khói lửa. Bên cạnh đó, người dân trong xã Nậm Dịch cũng như huyện Hoàng Su Phì phải chịu cảnh một cổ hai tròng, chịu sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Chúng bắt nhân dân đi phu, đi lính và xây dựng đồn bốt và hệ thống giao thông hào kiên cố nhằm khống chế tuyến đường độc đạo nối liền tỉnh Hà Giang với huyện Bắc Hà của tỉnh Lào Cai để làm bàn đạp và hòng chặn đường tiến công của các lực lượng vũ trang của ta. Không những vậy, chúng còn bắt nhân dân cống nạp lương thực, thực phẩm cho chúng. Mặc dù sống dưới ách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp và bọn cường hào địa phương, nhân dân các dân tộc xã Nậm Dịch vẫn kiên trung, một lòng theo Đảng và nuôi giấu các chiến sỹ cách mạng, nung nấu lòng căm thù bọn thực dân đế quốc để chờ thời cơ, vùng lên đấu tranh giành lại tự do độc lập. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Hà Giang "Dùng lý lẽ thuyết phục là chính, không nên dùng vũ lực" giữa năm 1947 Tỉnh ủy Hà Giang đã mở hội nghị Đoàn kết dân tộc tại xã Nậm Dịch 16
  17. với sự tham gia của hàng trăm người trên địa bàn để phát động cuộc vận động đoàn kết các dân tộc, giải quyết các mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nhân dân, đồng thời kiên trì vận động thuyết phục làm suy yếu và tan rã lực lượng Cờ trắng. Nhờ vậy, đến tháng 11/1947 Chảo Sành Phú cùng 12 tên đầu sỏ đã ra hàng cách mạng và tự nguyện tham gia đánh thực dân Pháp để lập công chuộc tội. Nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng trong nhân dân để thực hiện công cuộc đánh Pháp, tiễu Phỉ, Tỉnh ủy Hà Giang đã đưa nhiều cán bộ dân quân về cơ sở để gây dựng phong trào, từ cuối năm 1948, Tổ chức Liên Việt đã gây dựng được phong trào cách mạng ở 5 xã của huyện Hoàng Su Phì, trong đó có xã Nậm Dịch. Nghe theo Cách mạng và cán bộ Việt Minh, hầu hết nhân dân các dân tộc xã Nậm Dịch đều không đi phu, đi lính cho địch và không nộp thuế cho Pháp, Phỉ1. Đến năm 1947, cùng với một số xã trong huyện, bộ máy chính quyền cách mạng và các tổ chức đoàn thể của xã Nậm Dịch như Thanh niên cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc được thành lập do đồng chí Hoàng Văn Thân làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính, đã góp phần xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân địa phương thêm vững mạnh. Trụ sở xã khi đó là một căn nhà tranh được xây dựng tại khu vực Trạm truyền hình hiện nay. 1 Lịch sử Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì (1947 - 2007), trang 50 17
  18. Nhằm kiên quyết đánh địch, giải phóng huyện Hoàng Su Phì, thực hiện Chỉ thị ngày 02/11/1950 của Tỉnh ủy Hà Giang, đầu tháng 12/1950, quân và dân tỉnh Hà Giang đã bắt đầu triển khai cuộc tiến công vào bọn phỉ ở Hoàng Su Phì, trong đó xã Nậm Dịch là một trong những địa bàn trọng điểm. Đến cuối tháng 4/1951, nhiệm vụ tiễu phỉ giải phóng huyện Hoàng Su Phì cơ bản hoàn thành, đồng bào các dân tộc trong huyện, trong đó có xã Nậm Dịch đã trở về để sản xuất phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đây là thắng lợi to lớn của quân và dân ta, trong đó có xã Nậm Dịch trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, tiễu phỉ của dân tộc. Cũng từ phong trào cách mạng của xã trong thời gian diễn ra công cuộc kháng chiến chống Pháp, tiễu Phỉ, nhiều người con ưu tú của địa phương đã tham gia cách mạng từ rất sớm và được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của xã Nậm Dịch cũng như huyện Hoàng Su Phì. Tiêu biểu là đồng chí Hoàng Ngọc Lâm - dân tộc Tày thôn Lê Hồng Phong đã theo cách mạng từ khi mới 17 tuổi được kết nạp vào Đảng ngày 29/9/1949, đồng chí Hoàng Văn Quy được kết nạp vào Đảng tháng 12/1949, đây chính là điều kiện thuận lợi, là sức mạnh to lớn để nhân dân các dân tộc Nậm Dịch tiếp tục góp phần viết nên những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. 18
  19. Chƣơng II CHI BỘ ĐẢNG XÃ NẬM DỊCH ĐƢỢC THÀNH LẬP, LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN TRONG XÃ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ (1952 - 1975) 1. Chi bộ Đảng của xã đƣợc thành lập, lãnh đạo nhân dân trong xã tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kháng chiến chống thực dân Pháp; khôi phục kinh tế và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1952 -1965) Với đặc điểm vị trí địa lý và là một trong những địa bàn trọng yếu cả về kinh tế, chính trị và quân sự của huyện Hoàng Su Phì do nằm án ngữ trên tuyến đường mòn độc đạo từ Bắc Hà qua trung tâm huyện đi Hà Giang và xã Hồ Thầu, từ đó nối thông với huyện Bắc Quang. Bên cạnh đó, xã Nậm Dịch còn có chợ Nàn Li Hồ (Tức chợ Nậm Dịch ngày nay) là nơi giao thương buôn bán và trao đổi hàng hóa của người dân trong vùng. Vì vậy từ sau ngày giải phóng huyện Hoàng Su Phì, tỉnh và huyện đã xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu tại xã Nậm Dịch như hệ thống nhà kho lương thực, Trạm giao thông liên lạc, cửa hàng thương nghiệp, cửa hàng lương thực để phân phối, cung cấp lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân trong vùng. Đồng thời đây cũng là nơi đóng trụ sở của Tiểu khu Nậm Dịch thuộc Huyện ủy Hoàng Su Phì bao gồm các xã Nậm Dịch, Hồ Thầu, Bản Luốc. 19
  20. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Hà Giang về việc đưa những người trung kiên, cán bộ cốt cán xuống cơ sở để lãnh đạo, kiện toàn chính quyền các xã, từ năm 1950 nhiều đồng chí cán bộ cốt cán của huyện đã được luân chuyển, điều động về công tác tại Tiểu khu để giúp Huyện ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện nắm bắt tình hình và lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng của các xã Nậm Dịch, Hồ Thầu, Bản Luốc, đồng thời làm công tác quản lý, phân phối, cung cấp lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân trong vùng. Xuất phát từ yêu cầu thực tế cách mạng của xã, tháng 7/1952 Huyện ủy Hoàng Su Phì đã quyết định thành lập Chi bộ Nậm Dịch với 05 đảng viên gồm đồng chí Ma Ngọc Tuế là cán bộ Cửa hàng lương thực, đồng chí Nguyễn Đức Tung - cán bộ Tiểu khu, đồng chí Ma Kháy Dùng dân tộc Mông, đồng chí Hoàng Văn Quy dân tộc Tày thôn Cháng Lai, đồng chí Đặng Quáng Pao dân tộc Dao xã Bản Luốc được chuyển về sinh hoạt ghép với chi bộ Nậm Dịch. Đồng chí Ma Ngọc Tuế được Huyện ủy chỉ định giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Chi bộ Đảng xã Nậm Dịch ra đời đã đánh dấu bước phát triển phong trào cách mạng trên địa bàn xã. Kể từ đây sự nghiệp cách mạng của xã Nậm Dịch do chi bộ Đảng lãnh đạo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Hoàng Su Phì. Nhân dân các dân tộc trong xã dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đã đoàn kết thành một khối vững chắc, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển của xã 20
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2