Giảng dạy án lệ tại môi trường đại học
lượt xem 1
download
Bài viết đặt ra 03 vấn đề về giảng dạy án lệ tại môi trường đại học bao gồm: i) Vai trò của việc giảng dạy án lệ tại môi trường đại học; ii) Án lệ nên là một môn học độc lập hay là một phần nội dung của các môn học luật; iii) Đề xuất cách thức tiếp cận, giảng dạy án lệ. Để từ đó bổ sung thêm nguồn tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy án lệ trong môi trường đại học.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giảng dạy án lệ tại môi trường đại học
- GIẢNG DẠY ÁN LỆ TẠI MÔI TRƯỜNG ĐẠI HỌC ThS. Mai Hoàng Phước Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế - Luật ThS. Trần Thiên Trang Khoa Luật – Trường Đại học Văn Lang ThS. Nguyễn Thị Xuân Mai Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Tóm tắt Việt Nam đã công bố án lệ đầu tiên vào năm 2016, đây được xem là bước tiến lớn của nền tư pháp nhằm thống nhất đường lối, nâng cao chất lượng xét xử. Tính đến thời điểm tháng 11/2021, số án lệ đã được ban hành là 43, một con số đáng khích lệ và rất dễ dàng để tra cứu. Theo thời gian, án lệ sẽ dần được củng cố về mặt số lượng, đây là nguồn bổ trợ hết sức quan trọng khi mà các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định được đầy đủ. Một số án lệ chứa đựng những lưu ý hết sức quan trọng khi tư vấn soạn thảo hợp đồng cũng như khi tham gia giải quyết tranh chấp, ví dụ: Án lệ 08 và Án lệ 09 về lãi suất; Án lệ 43 về hiệu lực của hợp đồng thế chấp đối với bên thứ ba… Do đó, nếu không được hướng dẫn cách thức tiếp cận, đọc hiểu và phân tích án lệ trong môi trường đại học, sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình bước đầu tiếp cận với nghề luật. Trên cơ sở đó, bài viết đặt ra 03 vấn đề về giảng dạy án lệ tại môi trường đại học bao gồm: i) Vai trò của việc giảng dạy án lệ tại môi trường đại học; ii) Án lệ nên là một môn học độc lập hay là một phần nội dung của các môn học luật; iii) Đề xuất cách thức tiếp cận, giảng dạy án lệ. Để từ đó bổ sung thêm nguồn tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy án lệ trong môi trường đại học. Từ khóa: án lệ, giảng dạy án lệ, giảng dạy án lệ tại đại học 1. Vai trò của việc giảng dạy án lệ tại môi trường đại học Tại các nước theo hệ thống pháp luật common law, án lệ là nguồn luật quan trọng nhất. Vì vậy, việc giảng dạy án lệ tại môi trường đại học là một yêu cầu bắt buộc và đã được thực hiện từ rất sớm. Cụ thể tại Trường Luật Harvard, Phương pháp giảng dạy bằng bản án - The Case Study Teaching Method – được đưa ra bởi giáo sư Christopher Co- lumbus Langdell, Hiệu trưởng Trường Luật Harvard từ năm 1870 đến năm 1895. Lang- dell đã đưa ra cách thức để hệ thống và đơn giản hóa việc giảng dạy pháp luật bằng cách tập trung vào các án lệ trước đó để củng cố các nguyên tắc hoặc học thuyết. Để thực hiện mục tiêu đó, Langdell đã viết cuốn sách đầu tiên có tựa đề “A Selection of Cases on the Law of Contracts”, một tập hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật để làm sáng tỏ các tình huống thực tiễn của luật hợp đồng. Sinh viên đọc các bản án và chuẩn bị để phân tích 222
- chúng trong các buổi hỏi-đáp trên lớp391. Ban đầu ông vấp phải sự phản đối quyết liệt từ nhiều đồng nghiệp lẫn sinh viên vì việc giảng dạy truyền thống thông qua tiếp thu một cách thụ động bài giảng của giáo viên và giáo trình đã được thực hiện trong một thời gian dài. Tuy nhiên, qua thời gian, phương pháp của ông dần chứng minh tính hiệu quả vì các sinh viên do ông đào tạo sau khi ra trường có năng lực thực hành luật vượt trội so với sinh viên các trường luật khác. Đến đầu những năm 1900, hầu hết các trường luật trên khắp nước Mỹ đều áp dụng phương pháp giảng dạy của giáo sư Langdell và phương pháp này vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay 392. Tại Việt Nam, tính đến thời điểm tháng 11/2021, hiện đã có 43 án lệ được công bố, trong đó: Án lệ bị bãi bỏ (0), Án lệ chưa có hiệu lực (0), Hình sự (6), Hành chính (2), Dân sự (24), Hôn nhân và gia đình (1), Kinh doanh, thương mại (9), Lao động (1)393. Quyết định số 74/QĐ-TANDTC đã nêu ra khái niệm án lệ: “Án lệ là bản án, quyết định của tòa án chứa đựng sự giải thích, áp dụng pháp luật được tòa án vận dụng giải quyết vụ án có nội dung tương tự”. Khái niệm này khẳng định nguồn gốc của án lệ trong chiến lược phát triển ở nước ta là sự giải thích pháp luật, áp dụng pháp luật trong các bản án, quyết định của Tòa án394. Đồng thời, theo điểm b khoản 3 mục I Điều 1 “Nếu không áp dụng án lệ thì phải chỉ ra lý do trong trường hợp không áp dụng án lệ đó và tự chịu trách nhiệm trong trường hợp không viện dẫn án lệ liên quan đến vụ việc mình đang xét xử”. Điều này có nghĩa là thẩm phán phải nêu ra lý do chính đáng trong việc không áp dụng án lệ đã có. Ngoài ra, điểm c khoản 4 mục II Điều 1 Quyết định quy định “Nếu thẩm phán có nhiều quyết định bị hủy, sửa mà có lỗi là không viện dẫn án lệ liên quan đã được Tòa án nhân dân tối cao công bố thì sẽ không được tái bổ nhiệm”. Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của án lệ trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Hơn nữa, một số án lệ hiện nay chứa đựng sự giải thích và áp dụng pháp luật mà nếu chỉ nghiên cứu, tham khảo văn bản luật thành văn thì sẽ không thể tiếp cận được. Cụ thể, Án lệ số 02/2016/AL về tranh chấp “Đòi tài sản” xác định công sức của người bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị tài sản, qua đó làm căn cứ để phân chia phần lợi nhuận. Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm. Án lệ số 09/2016/AL về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại. Án lệ số 12/2017/AL về việc hoãn phiên tòa lần thứ nhất sẽ không được tính khi đương sự có mặt đầy đủ tại phiên tòa và Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ. Án lệ số 43/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng của người khác nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên bán. 391 https://casestudies.law.harvard.edu/the-case-study-teaching-method 392 Trương Nhật Quang. Sử dụng bản án trong giảng dạy: góc nhìn từ người làm thực tiễn. Tạp chí khoa học pháp lý 04(89)/2015 393 https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/anle 394 Châu Hoàng Thân. Án lệ trong tình hình mới – nhìn lại định hướng phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Tạp chí khoa học pháp lý số 09/2015 223
- Do đó, nếu không được hướng dẫn cách thức tiếp cận, phân tích, đọc và hiểu án lệ, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với các tính huống tư vấn và giải quyết tranh chấp trên thực tế có những nội dung liên quan đến án lệ. Điều này cũng làm cho các tổ chức hành nghề luật phải đào tạo nhân sự phát sinh thêm thời gian và chi phí. Chính vì vậy việc giảng dạy án lệ trong môi trường Đại học là một vấn đề cần được các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam đặt ra hết sức nghiêm túc để nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn. 2. Án lệ nên là một môn học độc lập hay là một phần nội dung của các môn học luật Hiện nay, một số cơ sở đào tạo đã giảng dạy án lệ là một môn học độc lập như môn Kỹ năng nghiên cứu và phân tích án lệ của Khoa Pháp luật thương mại Quốc tế - Đại học Luật Hà Nội – đã được giảng dạy từ năm học 2018-2019. Đồng thời, một số cơ sở đào tạo đã lồng ghép án lệ vào một phần nội dung của các môn học về tố tụng như Tài liệu học tập Luật Tố tụng dân sự (Câu hỏi, bài tập và bản án), NXB. ĐHQG TP.HCM có các án lệ, bản án phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của sinh viên khi học môn Luật Tố tụng dân sự. Mỗi cơ sở đào tạo sẽ có những đặc thù và quan điểm riêng để giảng dạy phù hợp với triết lý, định hướng đào tạo của từng cơ sở. Tuy nhiên, việc giảng dạy án lệ như là một môn học độc lập hay là một phần nội dung của các môn học về tố tụng sẽ có những thuận lợi và khó khăn sau đây: Thứ nhất, việc giảng dạy án lệ như một phần nội dung của các môn học về tố tụng sẽ tạo sự thuận lợi và làm sinh động hơn bài giảng đối với môn học. Với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu, giảng viên có thể dễ dàng cập nhật các án lệ phù hợp với môn học của mình để đưa vào bài giảng. Ví dụ: khi giảng dạy môn Luật Tố tụng dân sự, giảng viên có thể đưa nội dung Án lệ số 12/2017/AL vào nội dung bài giảng “Phiên tòa sơ thẩm” hoặc đưa nội dung Án lệ số 08/2016/AL và Án lệ số 09/2016/AL vào nội dung bài giảng “Soạn thảo Bản án” của môn Kỹ năng giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, mỗi giảng viên sẽ có lĩnh vực chuyên môn, cách thức vận dụng và kỹ năng truyền đạt khác nhau. Điều này có thể dẫn đến nhiều cách tiếp cận khác nhau và sinh viên sẽ lúng túng không biết phải tiếp cận án lệ theo cách thức nào khi mà sinh viên chưa được trang bị kỹ năng đọc hiểu, phân tích án lệ một cách cơ bản nhất. Thứ hai, việc giảng dạy án lệ như là một môn học độc lập sẽ tạo thuận lợi cho sinh viên khi được trang bị kiến thức cơ bản để nghiên cứu một án lệ như kỹ năng đọc hiểu, phân tích và áp dụng tình huống. Điều này đặt ra cơ hội và thách thức đối với giảng viên khi mà hiện nay vẫn chưa có giáo trình cũng như hướng dẫn trong việc tiếp cận và phân tích án lệ tại Việt Nam. Đồng thời, một giảng viên cũng khó có thể có chuyên môn rộng để có thể nghiên cứu án lệ thuộc tất cả các lĩnh vực hình sự, hành chính, dân sự. Hơn nữa, với số lượng án lệ ngày càng tăng theo thời gian cũng đòi hỏi giảng viên phải luôn cập nhật kiến thức để tránh bị lạc hậu. Cuối cùng, sẽ có khả năng một án lệ vừa được giảng dạy trong môn học về án lệ, vừa được giảng dạy trong một môn học luật khác có liên quan sẽ gây nên sự trùng lặp về mặt kiến thức. Từ những phân tích trên, sẽ là hợp lý hơn cả nếu các cơ sở đào tạo luật xem xét việc đưa án lệ vào giảng dạy dưới cả hai hình thức trên. Một là có một môn học hướng 224
- dẫn sinh viên cách thức tiếp cận, đọc hiểu, phân tích án lệ một cách cơ bản nhất. Hai là đối với từng lĩnh vực thuộc những môn học luật khác nhau, giảng viên chủ động đưa án lệ phù hợp vào môn học của mình và liên tục cập nhật để sinh viên luôn được tiếp cận với những kiến thức phù hợp với thực tiễn. Qua đó tích lũy dần các kỹ năng và kiến thức thực tế, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa sinh viên với các luật sư hành nghề và tiết kiệm được chi phí, công sức và thời gian đào tạo lại nhân sự của các tổ chức hành nghề luật. 3. Đề xuất cách thức tiếp cận, giảng dạy án lệ Như đã đề xuất ở Mục 2, các cơ sở đào tạo nên xem xét việc có một môn học hướng dẫn các kỹ năng chung về đọc hiểu và phân tích án lệ. Đồng thời lồng ghép nội dung các án lệ có liên quan khi học các môn luật chuyên ngành. Do đó, để đạt được hiệu quả cao nhất của việc giảng dạy án lệ và giúp cho sinh viên rút ngắn được khoảng cách đối với yêu cầu công việc của các tổ chức hành nghề luật. Nhóm tác giả nêu một số đề xuất về cách thức tiếp cận giảng dạy án lệ như sau: Thứ nhất, đối với môn học hướng dẫn các kỹ năng chung về đọc hiểu và phân tích án lệ, sinh viên nên được tiếp cận từ học kỳ 2 của năm thứ 2 sau khi đã học xong các môn cơ sở về lý luận và chuẩn bị tiếp cận các môn học chuyên ngành. Theo đó, có thể xây dựng môn học gồm hai phần cơ bản. Phần một là giới thiệu về án lệ trong hệ thống com- mon law, án lệ trong hệ thống civil law và án lệ tại Việt Nam để sinh viên có hình dung tổng quát về án lệ. Phần hai là trang bị các kỹ năng nghiên cứu và phân tích án lệ theo hướng: i) đọc hiểu tình huống; ii) tìm hiểu vấn đề pháp lý phát sinh từ tình huống; iii) tìm hiểu và phân tích quy định pháp luật có liên quan; iv) phân tích việc áp dụng pháp luật vào tình huống để đưa ra phán quyết của Tòa án. Thứ hai, đối với việc đưa án lệ thành một phần của các môn học chuyên ngành, sinh viên có thể được tiếp cận sau khi đã học xong môn học hướng dẫn các kỹ năng chung về đọc hiểu và phân tích án lệ giảng viên cần phải tìm và cập nhật các án lệ có liên đến môn học. Theo đó, giảng viên cần tìm và cập nhật các án lệ có liên quan đến môn học. Sau đó, giảng viên sẽ tập hợp và hệ thống hóa án lệ theo từng vấn đề pháp lý để đưa vào bài học cụ thể của môn học và cho sinh viên chuẩn bị theo nhóm hoặc cá nhân tùy theo tình hình lớp học. Cuối cùng, sinh viên sẽ thuyết trình về án lệ tập trung vào các vấn đề pháp lý cụ thể của bài học, các nhóm sinh viên còn lại sẽ đặt câu hỏi và phản biện, giảng viên sẽ là người cuối cùng chốt lại vấn đề. DANH MỤC THAM KHẢO 1. Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành. 2. Quyết định 74/QĐ-TANDTC năm 2012 phê duyệt Đề án “Phát triển án lệ của Toà án nhân dân tối cao”. 3. Quyết định 210/QĐ-TANDTC năm 2016 thành lập Hội đồng tư vấn án lệ do Tòa án nhân dân tối cao ban hành. 225
- 4. Quyết định 220/QĐ-CA năm 2016 công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành. 5. Trương Nhật Quang. Sử dụng bản án trong giảng dạy: góc nhìn từ người làm thực tiễn. Tạp chí khoa học pháp lý số 04/2015. 6. Châu Hoàng Thân. Án lệ trong tình hình mới – nhìn lại định hướng phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao. Tạp chí khoa học pháp lý số 09/2015. 7. Link https://casestudies.law.harvard.edu/the-case-study-teaching-method truy cập ngày 19/11/2021. 8. Link https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/anle truy cập ngày 19/11/2021. 226
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bài giảng Lập và phân tích dự án: Chương 2 - Lê Hoàng Cẩm Phương
20 p | 226 | 31
-
Tư duy mới về kinh tế và quản trị doanh nghiệp part 6
12 p | 93 | 15
-
Logic học và Pháp Luật (phần 2)
15 p | 109 | 12
-
Bài giảng Quản lý dự án đầu tư - Ths. Nguyễn Lê Quyền
66 p | 31 | 9
-
Bài giảng Phân tích kinh tế dự án: Chương 6 - GV. Phạm Lê Thông
15 p | 90 | 6
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn