Giáo trình Kế toán thuế trong doanh nghiệp: Phần 1 - ĐH Thương mại
lượt xem 14
download
Phần 1 cuốn giáo trình Kế toán thuế trong doanh nghiệp cung cấp cho người học các kiến thức: Tổng quan về kế toán thuế trong doanh nghiệp, kế toán thuế giá trị gia tăng, kế toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Mời các bạn cùng tham khảo nội dung chi tiết.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giáo trình Kế toán thuế trong doanh nghiệp: Phần 1 - ĐH Thương mại
- TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI Chủ biên: PGS. TS. Đoàn Vân Anh GIÁO TRÌNH KẾ TOÁN THUẾ TRONG DOANH NGHIỆP NHÀ XUẤT BẢN THỐNG KÊ Hà Nội - 2016 1
- 2
- LỜI MỞ ĐẦU Kế toán thuế trong doanh nghiệp là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống kế toán doanh nghiệp, có chức năng cung cấp thông tin cho việc xác định các nghĩa vụ thuế phải nộp và cung cấp thông tin về thuế phục vụ cho việc lập Báo cáo tài chính doanh nghiệp. Đặc thù của môn học Kế toán thuế trong doanh nghiệp là thực hiện việc thu thập, xử lí và cung cấp thông tin về thuế cho việc lập Báo cáo tài chính doanh nghiệp dựa trên cơ sở tuân thủ các quy định của Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành và các chính sách kế toán mà doanh nghiệp lựa chọn, nhưng việc xác định các nghĩa vụ thuế phải nộp, kê khai thuế, miễn, giảm thuế, hoàn thuế và quyết toán các loại thuế dựa trên những quy định của các luật thuế hiện hành, tất cả đã tạo nên tính phức tạp của môn học. Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu về tài liệu giảng dạy, học tập của Trường Đại học Thương mại, phù hợp với nội dung chương trình và số tín chỉ của học phần, Bộ môn Kế toán Tài chính đã tổ chức biên soạn cuốn “Giáo trình Kế toán thuế trong doanh nghiệp”. Giáo trình này là sự tiếp nối của các học phần kế toán tài chính, được viết theo chương trình môn học ngành Kế toán, chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp đã được Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại phê duyệt. Trong quá trình biên soạn giáo trình, tập thể tác giả đã nghiên cứu Luật Kế toán, hệ thống các chuẩn mực kế toán, cập nhật các thông tư hướng dẫn kế toán và chế độ kế toán doanh nghiệp; nghiên cứu các quy định của Luật Thuế theo từng sắc thuế, các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Thuế có hiệu lực cùng các văn bản pháp lý khác trong quản lý kinh tế - tài chính - kế toán, nhằm đảm bảo nội dung của giáo trình đáp ứng được yêu cầu cả về lí luận và thực tiễn, đảm bảo tính bền vững và lâu dài của giáo trình. Giáo trình là một công trình khoa học của tập thể giảng viên Bộ môn Kế toán Tài chính, Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường Đại học Thương mại. Tham gia biên soạn cuốn sách gồm: 3
- - PGS. TS. Đoàn Vân Anh - Chủ biên, biên soạn Chương 3; - PGS. TS. Lê Thị Thanh Hải - Biên soạn Chương 1; - TS. Nguyễn Thị Thanh Phương - Biên soạn Chương 2; - TS. Hà Thị Thúy Vân - Biên soạn Chương 4; - TS. Trần Hải Long và ThS. Phạm Thanh Hương - Đồng biên soạn Chương 5. Trong quá trình biên soạn, tập thể tác giả đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của PGS.TS. Đỗ Minh Thành - Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Phạm Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và TS. Nguyễn Tuấn Duy - Trưởng Bộ môn Kế toán Tài chính, tập thể giáo viên trong Bộ môn Kế toán Tài chính cùng Hội đồng khoa học Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Thương mại. Tập thể tác giả cũng hy vọng giáo trình không chỉ sử dụng cho đào tạo ngành kế toán của Trường Đại học Thương mại, mà còn là tài liệu tham khảo chuyên môn hữu ích cho các giảng viên, sinh viên của các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp có đào tạo kế toán. Đây là tài liệu thiết thực cho các nhà quản lý, các cán bộ kế toán ở các doanh nghiệp, đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi áp dụng cơ chế tự kê khai, quyết toán thuế đã nâng cao trách nhiệm của những người làm kế toán. Chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà khoa học đã có những ý kiến đóng góp quý báu giúp chúng tôi hoàn thành giáo trình này! Cuốn sách được xuất bản lần đầu nên chắc chắn không thể tránh khỏi những sai sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý chân thành của bạn đọc để giáo trình được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau. Xin trân trọng cảm ơn! TẬP THỂ TÁC GIẢ 4
- MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU 3 Chương 1: TỔNG QUAN VỀ KẾ TOÁN THUẾ TRONG DOANH NGHIỆP 9 1.1. KHÁI NIỆM, BẢN CHẤT, VAI TRÒ CỦA THUẾ 9 1.1.1. Khái niệm về thuế 9 1.1.2. Bản chất của thuế 11 1.1.3. Vai trò của thuế 13 1.1.4. Phân loại thuế 15 1.2. YÊU CẦU QUẢN LÝ VÀ NHIỆM VỤ KẾ TOÁN THUẾ TRONG DOANH NGHIỆP 18 1.2.1. Yêu cầu quản lý thuế 18 1.2.2. Nhiệm vụ kế toán thuế 20 1.3. KẾ TOÁN THUẾ TRONG DOANH NGHIỆP 22 1.3.1. Đặc điểm kế toán thuế 22 1.3.2. Nội dung kế toán thuế 24 CÂU HỎI ÔN TẬP 29 Chương 2: KẾ TOÁN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG 31 2.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG 31 2.1.1. Khái niệm, đặc điểm thuế giá trị gia tăng 31 2.1.2. Quy định chung về thuế giá trị gia tăng 33 2.2. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG 51 2.2.1. Nguyên tắc ghi nhận thuế giá trị gia tăng 51 2.2.2. Phương pháp kế toán thuế giá trị gia tăng 56 2.3. KHAI THUẾ VÀ QUYẾT TOÁN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG 82 2.3.1. Khai thuế và quyết toán thuế GTGT trong doanh nghiệp tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ thuế 82 2.3.2. Khai thuế và quyết toán thuế GTGT trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT 85 CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ BÀI TẬP VẬN DỤNG 86 5
- Chương 3: KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP 95 3.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP 95 3.1.1. Khái niệm, đặc điểm thuế TNDN 95 3.1.2. Quy định chung về thuế TNDN 99 3.2. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP HIỆN HÀNH 111 3.2.1. Nguyên tắc ghi nhận thuế TNDN hiện hành 111 3.2.2. Phương pháp kế toán thuế TNDN hiện hành 112 3.3. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP HOÃN LẠI 118 3.3.1. Nguyên tắc ghi nhận thuế TNDN hoãn lại 118 3.3.2. Phương pháp kế toán thuế TNDN hoãn lại 121 3.4. KHAI THUẾ VÀ QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP 136 CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ BÀI TẬP VẬN DỤNG 141 Chương 4: KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN 150 4.1. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM VÀ QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN 150 4.1.1. Khái niệm, đặc điểm thuế thu nhập cá nhân 150 4.1.2. Quy định chung về thuế thu nhập cá nhân 153 4.2. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG PHÁP KẾ TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN 176 4.2.1. Nguyên tắc ghi nhận thuế thu nhập cá nhân 176 4.2.2. Phương pháp kế toán thuế thu nhập cá nhân 176 4.3. KHAI KHẤU TRỪ THUẾ VÀ QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN 183 4.3.1. Khai thuế thu nhập cá nhân 183 4.3.2 Quyết toán thuế thu nhập cá nhân 186 CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ BÀI TẬP VẬN DỤNG 189 Chương 5: KẾ TOÁN CÁC LOẠI THUẾ, PHÍ, LỆ PHÍ KHÁC 198 5.1. KẾ TOÁN THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT 198 5.1.1. Khái niệm, đặc điểm và quy định chung về thuế tiêu thụ đặc biệt 198 5.1.2. Nguyên tắc và phương pháp kế toán thuế tiêu thụ đặc biệt 211 5.1.3. Khai thuế và quyết toán thuế tiêu thụ đặc biệt 221 6
- 5.2. KẾ TOÁN THUẾ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU 227 5.2.1. Khái niệm, đặc điểm và quy định chung về thuế xuất nhập khẩu 227 5.2.2. Kế toán thuế xuất khẩu, nhập khẩu 237 5.3. KẾ TOÁN CÁC LOẠI THUẾ, PHÍ VÀ LỆ PHÍ KHÁC 249 5.3.1. Nội dung các loại thuế, phí và lệ phí khác 249 5.3.2. Nguyên tắc ghi nhận các loại thuế, phí và lệ phí khác 250 5.3.3. Phương pháp kế toán các loại thuế, phí và lệ phí khác 251 5.4. KẾ TOÁN THUẾ NHÀ THẦU 260 5.4.1. Quy định chung thuế nhà thầu 260 5.4.2. Kế toán thuế nhà thầu 275 CÂU HỎI ÔN TẬP VÀ BÀI TẬP VẬN DỤNG 278 PHỤ LỤC 287 7
- 8
- Chương 1 TỔNG QUAN VỀ KẾ TOÁN THUẾ TRONG DOANH NGHIỆP Mục tiêu: Chương này giúp người học nắm bắt được những nội dung như sau: - Khái niệm, bản chất và vai trò của thuế - Các loại thuế theo các tiêu thức phân loại khác nhau - Yêu cầu quản lý và nhiệm vụ kế toán thuế - Đặc điểm và nội dung kế toán thuế trong doanh nghiệp 1.1. KHÁI NIỆM, BẢN CHẤT, VAI TRÒ CỦA THUẾ 1.1.1. Khái niệm về thuế Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã chứng minh rằng thuế ra đời là một sự cần thiết khách quan, gắn liền với sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước. Nhà nước là một tổ chức chính trị, đại diện quyền lợi cho giai cấp thống trị, thi hành các chính sách do giai cấp thống trị đặt ra để cai trị xã hội. Để có nguồn lực vật chất bảo đảm cho sự tồn tại và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, Nhà nước phải dùng quyền lực chính trị vốn có để huy động một bộ phận của cải của xã hội. Việc huy động tập trung nguồn của cải xã hội vào trong tay Nhà nước có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau: đóng góp bắt buộc, vận động dân đóng góp tự nguyện hoặc vay, trong đó, biện pháp huy động, tập trung của cải có tính bắt buộc đối với mọi thành viên trong xã hội được gọi là thuế. Ra đời và tồn tại cùng với Nhà nước, từ đó đến nay, thuế đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài và khái niệm về thuế cũng không ngừng được hoàn thiện. 9
- Theo quan điểm của Lê-nin “Thuế là cái mà Nhà nước thu của dân....” và “thuế cấu thành nên nguồn thu của Chính phủ, nó được lấy ra từ sản phẩm của đất đai và lao động trong nước, xét cho cùng thì thuế được lấy ra từ tư bản hay thu nhập của người chịu thuế” [4]. Theo nhà kinh tế học Gaston Jeze trong cuốn “Tài chính công” đã đưa ra một khái niệm cổ điển nhất và cũng nổi tiếng nhất về thuế: “Thuế là một khoản trích nộp bằng tiền, có tính chất xác định, không hoàn trả trực tiếp do các công dân đóng góp cho Nhà nước thông qua con đường quyền lực nhằm bù đắp những chi tiêu của Nhà nước” [3]. Theo thời gian, khái niệm cổ điển này đến nay đã được bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện, theo đó: “Thuế là một khoản trích nộp bằng tiền, có tính chất xác định, không hoàn trả trực tiếp do các công dân đóng góp cho Nhà nước thông qua con đường quyền lực nhằm bù đắp những chi tiêu của Nhà nước trong việc thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước”. Trên góc độ phân phối thu nhập, thuế được hiểu là hình thức phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân nhằm hình thành nên quĩ tiền tệ tập trung lớn nhất của Nhà nước (quỹ Ngân sách Nhà nước) để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Trên góc độ người nộp thuế thì Thuế là khoản đóng góp bắt buộc mà mỗi tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước theo Luật định để đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước; người đóng thuế được hưởng hợp pháp phần thu nhập còn lại. Trên góc độ kinh tế học: Thuế là biện pháp đặc biệt, theo đó, Nhà nước sử dụng quyền lực của mình để chuyển một phần nguồn lực từ khu vực tư sang khu vực công nhằm thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước. Có thể nhận thấy rằng, đứng trên các góc độ khác nhau để nghiên cứu sẽ có những nhận định về thuế là khác nhau. Tuy nhiên, từ các quan điểm trên ta có thể rút ra được một số đặc trưng chung của thuế là: 10
- (1) Nội dung kinh tế của thuế được đặc trưng bởi các mối quan hệ tiền tệ phát sinh giữa nhà nước và các pháp nhân, các thể nhân trong xã hội. (2) Những mối quan hệ dưới dạng tiền tệ này phát sinh một cách khách quan và có ý nghĩa xã hội đặc biệt. Việc chuyển giao thu nhập có tính chất bắt buộc theo mệnh lệnh của Nhà nước. (3) Xét theo khía cạnh pháp luật, thuế là một khoản nộp cho Nhà nước được pháp luật quy định theo mức thu và thời hạn nhất định. (4) Nguồn thu từ thuế được Nhà nước sử dụng cho mục đích thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội Từ các đặc trưng của thuế, có thể đưa ra khái niệm tổng quát về thuế, đó là “Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc từ các thể nhân và pháp nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật quy định nhằm sử dụng cho mục đích thực hiện các chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước”. 1.1.2. Bản chất của thuế Như vậy, đã có nhiều khái niệm khác nhau về thuế, tuy nhiên các khái niệm trên đều thể hiện rõ bản chất của thuế ở bốn điểm sau: Thứ nhất, thuế là khoản nộp bằng tiền Về nguyên tắc, thuế là một khoản trích nộp dưới hình thức tiền tệ, điều này trái ngược với các hình thức thanh toán bằng hiện vật đã tồn tại trước đây. Sự phát triển của quan hệ hàng hoá - tiền tệ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thuế, đổi lại, nghĩa vụ của đối tượng nộp thuế được thực hiện bằng tiền lại góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị trường. Thứ hai, thuế là khoản nộp bắt buộc được Nhà nước thực hiện thông qua con đường quyền lực Dù được thực hiện dưới hình thức nào, thuế vẫn thể hiện tính chất bắt buộc, được thực hiện thông qua con đường quyền lực Nhà nước (qua 11
- hệ thống pháp luật thuế). Do đó, đối tượng nộp thuế không có quyền trốn thuế hoặc mong muốn tự mình ấn định hay thoả thuận mức đóng góp của mình mà chỉ có quyền chấp thuận. Những đối tượng nộp thuế vi phạm luật sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hoặc cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật để buộc họ phải làm tròn nghĩa vụ nộp thuế. Đây là điểm khác biệt giữa thuế với các khoản đóng góp mang tính chất tự nguyện. Thứ ba, thuế là khoản thu có tính chất xác định Thuế là khoản thu xác định của các tổ chức thụ hưởng, đó là Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương. Thứ tư, thuế là một khoản thu không có đối khoản cụ thể, không hoàn trả trực tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước trong việc thực hiện các chức năng quản lý xã hội, chức năng kinh tế - xã hội của Nhà nước Thuế được thu nhằm đáp ứng mọi nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, thuế không có đối khoản cụ thể. Điều này thể hiện rõ ở chỗ nguồn thu từ mỗi loại thuế không được quy định gắn với mục đích chi tiêu cụ thể nào mà đều được sử dụng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu chung của Nhà nước trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Thuế không hoàn trả trực tiếp cho người nộp thuế, mà được hoàn trả gián tiếp cho người nộp thuế thông qua các khoản phúc lợi xã hội, phúc lợi công cộng. Sự không hoàn trả trực tiếp được thể hiện ở cả trước và sau khi thu thuế. Trước khi thu thuế, Nhà nước không hề cung ứng trực tiếp một dịch vụ nào cho người nộp thuế. Sau khi thu thuế, Nhà nước cũng không có sự bồi hoàn trực tiếp nào cho người nộp thuế. Cũng như vậy, người nộp thuế không thể phản đối việc thực hiện nghĩa vụ thuế với lý do họ sử dụng ít các dịch vụ công cộng; họ cũng không có quyền đòi hỏi được hưởng nhiều dịch vụ công cộng hơn so với số thuế họ phải trả vì lý do này hay lý do khác; và họ cũng không thể từ chối nộp thuế với lý do họ đã phải thanh toán cho các khoản chi trái với nguyên tắc này. 12
- 1.1.3. Vai trò của thuế Để quản lý, điều hành vĩ mô nền kinh tế xã hội, Nhà nước sử dụng nhiều công cụ như: Kế hoạch hoá, pháp luật, các chính sách tài chính tiền tệ v.v... Trong các công cụ trên thì chính sách tài chính tiền tệ đóng vai trò quan trọng nhất và thuế là một công cụ quan trọng trong chính sách tài chính tiền tệ, thuế được nhà nước sử dụng để thực hiện vai trò quản lý vĩ mô kinh tế xã hội. Có thể thấy rõ vai trò của thuế nổi bật ở các mặt sau: Thứ nhất, thuế là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước Một nền tài chính quốc gia lành mạnh phải dựa chủ yếu vào nguồn thu từ nội bộ nền kinh tế quốc dân. Tất cả các nhu cầu chi tiêu của Nhà nước đều được đáp ứng qua các nguồn thu từ thuế, phí và các hình thức thu khác như: vay nợ, viện trợ nước ngoài, bán tài nguyên quốc gia, thu khác v.v... Song thực tế các hình thức thu ngoài thuế đó có rất nhiều hạn chế, bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện, trong khi đó, khoản thu về thuế luôn mang tính chất ổn định và khi nền kinh tế càng phát triển thì khoản thu này càng tăng. Do vậy, số thu thuế và phí luôn chiếm phần chủ yếu trong tổng thu Ngân sách Nhà nước và tăng nhanh qua các năm, đã bảo đảm về cơ bản yêu cầu chi thường xuyên ngày càng tăng của Ngân sách Nhà nước, giảm bội chi ngân sách, giảm lạm phát, từng bước góp phần ổn định trật tự xã hội, giành một phần để tăng chi cho tích luỹ. Như vậy, chứng tỏ thuế là nguồn thu quan trọng nhất của Ngân sách Nhà nước. Thứ hai, thuế là công cụ góp phần điều chỉnh các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Nhà nước Chính sách thuế được đặt ra không chỉ nhằm mang lại số thu đơn thuần cho Ngân sách mà yêu cầu cao hơn là qua thu thuế sẽ góp phần thực hiện chức năng việc kiểm kê, kiểm soát, quản lý hướng dẫn và khuyến khích phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông đối với tất cả các thành phần kinh tế theo hướng phát triển của kế hoạch Nhà nước, góp phần tích cực vào việc điều chỉnh các mặt mất cân đối lớn trong nền kinh 13
- tế quốc dân, góp phần hiện thực hóa bốn mục tiêu cơ bản của kinh tế vĩ mô, đó là: Đảm bảo thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý; Tạo được công ăn việc làm đầy đủ cho người lao động; Ổn định giá cả, tiền tệ, chống lạm phát; Thực hiện sự cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Thứ ba, Thuế thực hiện vai trò phân phối và tái phân phối các nguồn tài chính, góp phần đảm bảo công bằng xã hội Kinh tế thị trường làm gia tăng sự phân hoá giàu nghèo, sự phân hoá này đôi khi bất hợp lý và làm giảm tính hiệu quả kinh tế - xã hội. Do vậy, cần phải có những biện pháp phân phối lại của cải xã hội nhằm hạn chế sự phân hoá này. Nhà nước dùng thuế để điều tiết phần chênh lệch giữa người giàu và người nghèo, thông qua việc trợ cấp hoặc cung cấp hàng hoá công cộng. Thông qua thuế thu nhập, Nhà nước thực hiện vai trò điều chỉnh vĩ mô trong lĩnh vực tiền lương và thu nhập, hạn chế sự phân hoá giàu nghèo và tiến tới công bằng xã hội. Một khía cạnh khác của chính sách thuế nhằm điều chỉnh thu nhập là các khoản thuế đánh vào tiêu dùng: Thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng. Theo đó, với những hàng hóa dịch vụ thiết yếu việc giảm thuế sẽ có lợi cho người nghèo hơn và sự chênh lệch về thu nhập cũng được giảm bớt. Trái lại những mặt hàng xa xỉ, cao cấp việc tăng thuế sẽ góp phần phân phối lại một bộ phận thu nhập của người giàu trong xã hội. Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh thu nhập, cần xây dựng mức thu hợp lý sao cho không làm giảm khát vọng làm giàu của nhà kinh doanh cũng như không làm giảm khả năng tăng trưởng kinh tế của đất nước. Thứ tư, thuế là công cụ kiềm chế lạm phát Nguyên nhân của lạm phát có thể do cung cầu làm cho giá cả hàng hoá tăng lên hoặc do chi phí đầu vào tăng. Thuế được sử dụng để điều chỉnh lạm phát, ổn định giá cả thị trường. Nếu cung nhỏ hơn cầu thì Nhà nước dùng thuế để điều chỉnh bằng cách giảm thuế đối với các yếu tố sản xuất, giảm thuế thu nhập để kích thích đầu tư sản xuất ra nhiều khối lượng sản phẩm nhiều hơn. Đồng thời tăng thuế đối với hàng hoá tiêu 14
- dùng để giảm bớt cầu. Nếu lạm phát do chi phí tăng, gia tăng thất nghiệp, sự trì trệ của tốc độ phát triển kinh tế, giá cả đầu vào tăng, Nhà nước dùng thuế hạn chế tăng chi phí bằng cách cắt giảm thuế đánh vào chi phí, kích thích tăng năng suất lao động. Thứ năm, thuế góp phần bảo hộ sản xuất trong nước và tạo điều kiện hội nhập nền kinh tế thế giới Bảo hộ hợp lý nền sản xuất trong nước tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt từ bên ngoài được coi là vấn đề hết sức cần thiết đối với mỗi quốc gia. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua thuế xuất nhập khẩu. Để kích thích sản xuất trong nước phát triển, kích thích sản xuất hàng hoá xuất khẩu, nhà nước đánh thuế rất thấp hoặc không đánh thuế vào hàng xuất khẩu. Khuyến khích xuất khẩu hàng hoá đã qua chế biến, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. Đánh thuế nhập khẩu thấp đối với hàng hoá, máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được và đánh thuế nhập khẩu cao đối với hàng hoá, máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được hoặc hàng hoá tiêu dùng xa xỉ. Hiện nay, xu hướng hội nhập kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới. Sự ưu đãi, các hiệp định về thuế, tính thông lệ quốc tế của chính sách thuế có thể làm gia tăng sự hội nhập kinh tế giữa một số quốc gia với khu vực và cộng đồng quốc tế. 1.1.4. Phân loại thuế Để phát huy vai trò tích cực của từng công cụ thuế trong quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, cần thiết phải phân loại thuế theo các tiêu thức khác nhau, cụ thể: 1.1.4.1. Phân loại thuế theo yếu tố kinh tế bị đánh thuế Theo tiêu thức này, thuế được chia thành thuế đánh vào thu nhập (thuế thu nhập), thuế đánh vào tiêu dùng (sử dụng thu nhập - thuế tiêu dùng) và thuế đánh vào tài sản (thu nhập được tích luỹ - thuế tài sản). 15
- - Thuế thu nhập: Bao gồm các sắc thuế có cơ sở đánh thuế là thu nhập thu được. Thu nhập kiếm được từ nhiều nguồn: Từ lao động dưới dạng tiền lương, tiền công; thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới dạng lợi nhuận, thu nhập... do đó thuế thu nhập cũng có nhiều dạng: Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển thu nhập ra nước ngoài,... - Thuế tiêu dùng: Là các loại thuế có cơ sở đánh thuế là phần thu nhập của tổ chức, cá nhân được mang ra tiêu dùng trong hiện tại. Trong thực tế loại thuế tiêu dùng được thể hiện dưới nhiều dạng như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu,... - Thuế tài sản: Là các loại thuế có cơ sở đánh thuế là giá trị tài sản. Tài sản có nhiều hình thức biểu hiện: Tài sản tài chính gồm có tiền mặt, tiền gửi, chứng khoán, thương phiếu...; Tài sản cố định gồm nhà cửa, máy móc, nhà máy, xe cộ...; Tài sản vô hình như thương hiệu, bí quyết kỹ thuật, đất đai,... Thuộc loại thuế tài sản là các sắc thuế như thuế nhà đất, thuế trước bạ, thuế sử dụng đất nông nghiệp... 1.1.4.2. Phân loại thuế theo khả năng chuyển giao thuế Theo tiêu thức phân loại này, thuế được chia thành 2 loại: Thuế trực thu và thuế gian thu - Thuế trực thu: Là loại thuế mà Nhà nước thu trực tiếp vào phần thu nhập của các pháp nhân hoặc thể nhân - thuế đánh trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Thuế trực thu có đặc điểm là đối tượng nộp thuế đồng nhất với đối tượng chịu thuế. Về nguyên tắc loại thuế này mang tính chất thuế luỹ tiến vì nó tính đến khả năng của người nộp thuế, người có thu nhập cao hơn phải nộp thuế nhiều hơn, còn người có thu nhập thấp thì nộp thuế ít hơn. Thuế trực thu thường bao gồm các sắc thuế đánh trên thu nhập của tổ chức và cá nhân. Ở nước ta các sắc thuế trực thu bao gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà, đất... 16
- Do thuế trực thu trực tiếp điều tiết vào thu nhập, tài sản của tổ chức và cá nhân, có xem xét đến hoàn cảnh, điều kiện và khả năng đóng góp của người nộp thuế nên nó rất có tác dụng trong việc điều hoà thu nhập, góp phần giảm bớt sự chênh lệch về thu nhập và tài sản giữa các tầng lớp dân cư. Đây cũng là ưu điểm nổi bật của thuế trực thu so với thuế gián thu. Tuy nhiên, thuế trực thu lại có hạn chế lớn là dễ gây phản ứng từ phía người nộp thuế hoặc dễ xảy ra tình trạng trốn, lậu thuế nếu quy định mức thuế suất cao. Hơn nữa, việc theo dõi, tính toán và thu thuế phức tạp, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân với diện thu thuế rộng và phân tán. Vì vậy, nếu không có biện pháp quản lý thu thuế hiệu quả thì dễ dẫn đến hạn chế tác dụng của loại thuế này trong việc tập trung số thu đầy đủ, kịp thời - Thuế gián thu: Là loại thuế không trực tiếp đánh vào thu nhập hay tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hoá, dịch vụ. Người tiêu dùng những hàng hoá, dịch vụ đó là người chịu loại thuế này. Vì vậy, thuế gián thu được đánh khi có hành vi giao dịch hoặc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Thuế gián thu có đặc điểm là đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế không đồng nhất với nhau. Người nộp thuế là người sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, còn người chịu thuế là người tiêu dùng các hàng hoá đó. Thuế gián thu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cơ chế giá cả thị trường. Hay nói cách khác, thuế gián thu chịu ảnh hưởng của quan hệ cung cầu trên thị trường. Về nguyên tắc thuế gián thu mang tính chất luỹ thoái vì nó không tính đến khả năng thu nhập của người chịu thuế, người có thu nhập cao hay thấp đều phải chịu thuế như nhau nếu cùng mua một loại hàng hoá, dịch vụ. Loại thuế này thường là các sắc thuế có cơ sở đánh thuế là các khoản thu nhập dùng để tiêu dùng. Ở nước ta các sắc thuế gián thu bao gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu... Do điều tiết một cách gián tiếp vào thu nhập của người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ thông qua cơ chế giá nên với thuế gián thu, người chịu 17
- thuế (người tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ) ít có cảm giác bị Nhà nước đánh thuế. Vì vậy, loại thuế này cũng ít gây ra những phản ứng từ phía người chịu thuế mỗi khi Chính phủ có chủ trương tăng thuế. Ưu điểm nổi bật của thuế gián thu là nó có khả năng đáp ứng nguồn thu kịp thời, ổn định cho Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, thuế gián thu cũng có những hạn chế nhất định, đó là: Do thuế gián thu được tính trên giá cả hàng hoá, dịch vụ, không tính tới điều kiện, hoàn cảnh của đối tượng chịu thuế, vì vậy, không đảm bảo được sự công bằng xã hội, thậm chí còn mang tính luỹ thoái. Có nghĩa là, bất kể người tiêu dùng là người giàu hay người nghèo, thu nhập cao hay thấp, nếu cùng tiêu dùng một lượng hàng hoá, dịch vụ như nhau thì cùng phải chịu một mức điều tiết thuế như nhau. Số thuế này nếu so với thu nhập của người giàu và người nghèo thì rõ ràng chúng mang tính luỹ thoái, người có thu nhập càng cao thì tỷ lệ giữa thuế gián thu so với tổng thu nhập càng thấp. 1.2. YÊU CẦU QUẢN LÝ VÀ NHIỆM VỤ KẾ TOÁN THUẾ TRONG DOANH NGHIỆP 1.2.1. Yêu cầu quản lý thuế Đứng trên góc độ người nộp thuế, thuế là khoản đóng góp bắt buộc theo luật định. Việc thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với Nhà nước có ảnh hưởng lớn đến thông tin tài chính của doanh nghiệp, đồng thời cũng là cơ sở đánh giá kết quả và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như việc chấp hành các chính sách, pháp luật Nhà nước của doanh nghiệp. Để thực hiện tốt nghĩa vụ thuế phải nộp, đảm bảo các thông tin về thuế được báo cáo trung thực, việc quản lý thuế trong doanh nghiệp phải đảm bảo các yêu cầu sau: Thứ nhất, quản lý việc xác định đúng, đủ nghĩa vụ thuế doanh nghiệp phải thực hiện theo từng sắc thuế Có rất nhiều sắc thuế khác nhau, song không phải doanh nghiệp nào cũng phải thực hiện đầy đủ tất cả các nghĩa vụ thuế theo các sắc thuế đó mà tùy thuộc lĩnh vực hoạt động; đặc điểm hàng hóa, dịch vụ doanh 18
- nghiệp sản xuất kinh doanh; đặc điểm và kết quả hoạt động của doanh nghiệp;... mà mỗi doanh nghiệp sẽ phát sinh các nghĩa vụ thuế khác nhau. Do vậy, quản lý thuế trong doanh nghiệp cần thiết phải quản lý việc xác định đúng và đủ các nghĩa vụ thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện. Thứ hai, quản lý việc xác định đúng, đủ, kịp thời, trung thực số thuế phải nộp theo từng nghĩa vụ thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện Việc xác định số thuế phải nộp theo từng nghĩa vụ thuế phải tuân thủ quy định của pháp luật về thuế hiện hành. Để xác định đúng, đủ, kịp thời, trung thực số thuế phải nộp theo từng nghĩa vụ thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện đòi hỏi doanh nghiệp phải xác định đúng đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế. Mặt khác, không phải mọi số liệu kế toán được ghi nhận theo quy định của pháp luật về kế toán đều là căn cứ để xác định nghĩa vụ thuế. Do vậy, doanh nghiệp cần căn cứ vào hồ sơ, chứng từ, tài liệu làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế để xác định đúng, đủ, kịp thời, trung thực số thuế phải nộp theo từng nghĩa vụ thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện. Thứ ba, quản lý việc khai và quyết toán thuế và nộp thuế theo từng nghĩa vụ thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện Mỗi sắc thuế khác nhau có quy định khác nhau về hồ sơ khai thuế, kỳ khai thuế, quyết toán thuế và nộp thuế. Do vậy, doanh nghiệp cần quản lý tình hình thực hiện việc khai và quyết toán đầy đủ, kịp thời, trung thực số thuế phải nộp và nộp thuế theo từng nghĩa vụ thuế mà doanh nghiệp phải thực hiện. Thứ tư, quản lý việc trình bày thông tin về thuế trên Báo cáo tài chính Thông tin về thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp cho Nhà nước là một trong những thông tin quan trọng của đơn vị kế toán cần được trình bày trên các Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán. Thông tin này giúp cho các đối tượng bên ngoài đơn vị đưa ra các quyết định về quản lý, về đầu tư, về các mối quan hệ kinh tế... đối với đơn vị. 19
- 1.2.2. Nhiệm vụ kế toán thuế Kế toán thuế trong doanh nghiệp có những nhiệm vụ chủ yếu sau: (1) Thu nhận, xử lý thông tin số liệu về thuế theo từng sắc thuế doanh nghiệp phải thực hiện Mỗi đơn vị kế toán trong quá trình hoạt động đều phải thực hiện một hay một số nghĩa vụ thuế (sắc thuế) nhất định. Mỗi sắc thuế khác nhau sẽ khác nhau về đối tượng chịu thuế, căn cứ và phương pháp tính thuế,... Mặt khác, không phải mọi số liệu kế toán được ghi nhận theo quy định của pháp luật về kế toán đều là căn cứ để xác định số thuế phải nộp theo từng nghĩa vụ thuế. Với vai trò quan trọng trong quản lý kinh tế, kế toán thuế cần phải thực hiện nhiệm vụ thu thập, xử lý, ghi chép, phản ánh thông tin số liệu kế toán, từ đó tính toán, xác định đúng, đủ kịp thời, trung thực số thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp cho Nhà nước theo quy định pháp luật về thuế. Nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp cho Nhà nước là quy định mang tính pháp lệnh. Các đơn vị kế toán phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định này. Trường hợp có thông báo số thuế phải nộp, nếu có thắc mắc và khiếu nại về mức thuế, về số thuế phải nộp theo thông báo cần được giải quyết kịp thời theo quy định. Không được vì bất cứ lý do gì để trì hoãn việc nộp thuế. Do vậy, kế toán thuế cần phải thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin phản ánh việc nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thuế, phí và lệ phí cho Nhà nước theo quy định. (2) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và kế toán Với chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế tài chính của đơn vị kế toán, kế toán có nhiệm vụ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các chế độ chính sách quản lý kinh tế tài chính của Nhà nước tại đơn vị. 20
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Giáo trình Kế toán tài chính - PGS.TS. Nghiêm Văn Lợi
549 p | 1656 | 649
-
Giáo trình Thuế và kế toán thuế trong doanh nghiệp
224 p | 249 | 78
-
Giáo trình kế toán và thuế_6
35 p | 124 | 35
-
Giáo trình Kế toán thuế trong doanh nghiệp và kỹ năng quyết toán thuế: Phần 1 (2021)
250 p | 45 | 25
-
Giáo trình Kế toán hành chính sự nghiệp - Nghề: Kế toán doanh nghiệp (Cao đẳng) - CĐ Nghề Đà Lạt
366 p | 92 | 21
-
Giáo trình Kế toán thuế trong doanh nghiệp và kỹ năng quyết toán thuế: Phần 2 (2021)
266 p | 39 | 20
-
Giáo trình Kế toán thuế trong doanh nghiệp: Phần 2 - ĐH Thương mại
199 p | 47 | 12
-
Giáo trình Kế toán tài chính 3: Phần 2
94 p | 29 | 12
-
Giáo trình Kế toán thuế (Nghề: Kế toán doanh nghiệp - Trình độ: Cao đẳng) - Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ
75 p | 26 | 11
-
Giáo trình Kế toán thuế (Nghề: Kế toán tin học - Trung cấp): Phần 1 - Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô
52 p | 31 | 11
-
Giáo trình Kế toán thuế (Nghề: Kế toán tin học - Trung cấp): Phần 2 - Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô
73 p | 40 | 11
-
Giáo trình Kế toán doanh nghiệp 3 (Nghề: Kế toán doanh nghiệp - Trung cấp): Phần 1 - Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô
86 p | 33 | 9
-
Giáo trình Kế toán thương mại dịch vụ (Nghề: Kế toán doanh nghiệp): Phần 2 - Trường CĐ Nghề Kỹ thuật Công nghệ
56 p | 39 | 9
-
Giáo trình Kế toán doanh nghiệp 3 (Nghề: Kế toán doanh nghiệp - Cao đẳng): Phần 2 - Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô
43 p | 28 | 5
-
Chia sẻ một số kinh nghiệm với vị trí kế toán thuế trong doanh nghiệp
4 p | 18 | 3
-
Thực trạng dạy và học học phần Kế toán thuế tại trường đại học Kinh tế Nghệ An
6 p | 27 | 2
-
Giáo trình Kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ngành: Kế toán doanh nghiệp - Cao đẳng) - Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận
120 p | 12 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn