Giáo trình Kinh tế công cộng: Phần 2 - PGS.TS. Phạm Thị Tuệ (Chủ biên)
lượt xem 8
download
Giáo trình "Kinh tế công cộng" nhằm cung cấp cho sinh viên ngành kinh tế cơ sở lý luận để trả lời câu hỏi khi nào thì nhà nước nên can thiệp vào nền kinh tế và nhà nước nên can thiệp bằng công cụ gì để hỗ trợ quá trình phát triển. Giáo trình kết cấu gồm 6 chương và chia thành 2 phần, phần 2 trình bày những nội dung về: phân phối lại thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội; công cụ can thiệp chủ yếu của chính phủ vào nền kinh tế; lựa chọn công cộng;... Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Giáo trình Kinh tế công cộng: Phần 2 - PGS.TS. Phạm Thị Tuệ (Chủ biên)
- CHƯƠNG 4 PHÂN PHỐI LẠI THU NHẬP VÀ ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG XÃ HỘI Chương trước đã tìm hiểu về các dạng thất bại của thị trường và sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế nhằm khắc phục các thất bại thị trường, đảm bảo nền kinh tế hoạt động hiệu quả. Chương này sẽ nghiên cứu các can thiệp của chính phủ trong phân phối lại thu nhập để đảm bảo công bằng xã hội. Những nội dung chính là: (1) Quan niệm về công bằng và bất bình đẳng trong phân phối thu nhập; (2) Quan điểm về công bằng và hiệu quả trong nền kinh tế; (3) Các lý thuyết về phân phối lại thu nhập; (4) Hệ thống an sinh xã hội nhằm phân phối lại thu nhập và hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam. 4.1. Công bằng và bất bình đẳng 4.1.1. Quan niệm về công bằng và bất bình đẳng Công bằng xã hội là một mục tiêu mà bất kỳ quốc gia nào cũng hướng tới trong quá trình phát triển bền vững. Do đó, các chính sách được đưa ra bên cạnh vấn đề hiệu quả kinh tế cần được chú trọng tới khía cạnh công bằng xã hội. Nhưng quan niệm về công bằng còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, bởi công bằng là khái niệm chuẩn tắc. Có nhiều góc nhìn về vấn đề công bằng, công bằng là một phạm trù đạo đức, công bằng là một vấn đề xã hội và công bằng là một vấn đề kinh tế. Phạm vi của kinh tế công sẽ đề cập tới công bằng là một vấn đề kinh tế Công bằng xã hội về phương diện kinh tế không có nghĩa là thành quả phát triển của xã hội được chia đồng đều cho mọi người. Có 2 quan niệm khác nhau về công bằng xã hội: Thứ nhất, công bằng theo chiều ngang: là sự đối xử như nhau đối với những người có tình trạng kinh tế như nhau. Theo quan điểm này, nếu hai cá nhân có tình trạng kinh tế như nhau (về thu nhập, tôn giáo..) thì chính phủ không được phân biệt đối xử. 101
- Thứ hai, công bằng theo chiều dọc: là đối xử khác nhau với những người có khác biệt bẩm sinh hoặc có tình trạng kinh tế ban đầu khác nhau nhằm khắc phục những khác biệt sẵn có. Theo cách hiểu này, chính phủ có thể đối xử khác nhau với những người có tình trạng kinh tế khác nhau nhằm giảm bớt những khác biệt, ví dụ ưu tiên cho những người già, những người có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc ... Nếu như công bằng theo chiều ngang có thể được thực hiện bởi cơ chế thị trường thì công bằng theo chiều dọc đòi hỏi sự điều tiết của nhà nước. Chính phủ phải thực thi chính sách phân phối theo công bằng dọc nhằm giảm chênh lệch về phúc lợi giữa các cá nhân. Điều này được thể hiện rõ qua chính sách thuế và trợ cấp. Mặc dù trên lý thuyết, việc phân biệt giữa công bằng theo chiều ngang và công bằng theo chiều dọc là dễ dàng nhưng trên thực tế việc áp dụng những tiêu chuẩn này là không rõ ràng. Trong báo cáo phát triển thế giới năm 2006, NHTG đã xem xét khái niệm công bằng là sự “công bằng về cơ hội” nghĩa là con người cần được bình đẳng với nhau trên mọi phương diện, tránh để những hoàn cảnh cá nhân đã định trước như giới tính, màu da, quê quán, nguồn gốc gia đình, nhóm xã hội nơi cá nhân đó sinh ra... góp phần quyết định đến sự phát triển của con người. Công bằng xã hội trong một quốc gia hay vùng miền nào đó thường được xem xét dưới khía cạnh phân phối thu nhập. Phân phối thu nhập công bằng có nghĩa mỗi cá nhân được đánh giá đúng mức với công sức mà họ đã bỏ ra, nhằm nâng cao mức sống của họ, loại bỏ tình trạng không làm mà vẫn được hưởng lợi, lao động vất vả mà cuộc sống vẫn khó khăn, thiếu thốn. Phân phối thu nhập công bằng đối lập với chủ nghĩa bình quân trong phân phối: mọi người có thu nhập tương tự như nhau bất kể năng lực và nỗ lực của họ rất khác nhau. Chủ nghĩa bình quân trong phân phối sẽ triệt tiêu động lực học tập, làm việc và sáng tạo của các cá nhân, mà hệ quả tất yếu là một nền kinh tế trì trệ. Quan niệm về bất bình đẳng: Bất bình đẳng là một vấn đề trung tâm của xã hội, nó là cơ sở tạo nên sự phân tầng xã hội. Bất bình đẳng không phải là hiện tượng tồn tại một cách ngẫu nhiên giữa các cá nhân mà nó xuất hiện khi có một nhóm xã hội 102
- kiểm soát và khai thác các nhóm xã hội khác. Bất bình đẳng xã hội là sự không bình đẳng, sự không bằng nhau về các cơ hội hoặc lợi ích đối với những cá nhân khác nhau trong một nhóm hoặc nhiều nhóm trong xã hội. Bất bình đẳng xã hội do nhiều nguyên nhân gây ra, trong những xã hội khác nhau, bất bình đẳng cũng có những nét khác biệt. Bất bình đẳng thường xuyên tồn tại với những nguyên nhân và kết quả cụ thể liên quan đến giai cấp xã hội, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, lãnh thổ... Nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng xã hội đa dạng và khác nhau giữa các xã hội và nền văn hóa, và các nhà xã hội học đưa về ba loại căn bản: Thứ nhất, cơ hội trong cuộc sống. Cơ hội trong cuộc sống bao gồm tất cả những thuận lợi vật chất có thể cải thiện chất lượng cuộc sống như của cải, tài sản, thu nhập, công việc, lợi ích chăm sóc sức khỏe hay đảm bảo an ninh xã hội. Trong một xã hội, một nhóm người có thể có cơ hội, trong khi các nhóm khác thì không, đó là nguyên nhân khách quan của bất bình đẳng xã hội. Thứ hai, địa vị xã hội. Sự khác nhau về địa vị xã hội, tức là sự khác nhau về uy tín hay vị trí do quan niệm và sự đánh giá của các thành viên khác trong xã hội. Địa vị xã hội là sự phản ánh vị thế xã hội của cá nhân, do cá nhân đạt được ở trong một nhóm hoặc là một thứ bậc trong nhóm này khi so sánh với thành viên trong nhóm khác, được xác định bởi một loạt đặc điểm kinh tế, nghề nghiệp, sắc tộc. Trên thực tế, cơ cấu giai cấp là nền tảng căn bản nhất của địa vị xã hội. Ngoài ra, các thành tố khác tạo lập nên địa vị xã hội phải kể đến trình độ chuyên môn, mức lương, gia đình, lứa tuổi, lãnh thổ, cư trú. Thứ ba, ảnh hưởng chính trị. Bất bình đẳng do ảnh hưởng chính trị là khả năng của một nhóm xã hội thống trị những nhóm khác hay có ảnh hưởng mạnh mẽ trong việc ra quyết định cũng như việc thu được nguồn lợi từ các quyết định. Trên thực tế, bất bình đẳng do ảnh hưởng chính trị có thể được nhìn nhận như là có được từ ưu thế vật chất hay địa vị cao. Bản thân chức vụ chính trị có thể tạo ra cơ sở để đạt được địa vị và những cơ hội trong cuộc sống, đặc biệt đối với các cá nhân giữ chức vụ chính trị cao. Như vậy, gốc rễ của bất bình đẳng có thể nằm trong mối quan hệ kinh tế, địa vị xã hội, hay trong các mối quan hệ thống trị về chính trị của các giai cấp trong xã hội. Trong phạm vi học phần Kinh tế công cộng, 103
- chúng ta chỉ xem xét bất bình đẳng về kinh tế hay bất bình đẳng về phân phối thu nhập mà thôi. 4.1.2. Thước đo bất bình đẳng trong phân phối thu nhập Để đánh giá sự công bằng hay không trong phân phối thu nhập ở một quốc gia, người ta thường sử dụng các thước đo phản ánh mức độ bất bình đẳng. Có nhiều thước đo phản ánh mức độ bất bình đẳng, hai thước đo được sử dụng phổ biến là đường cong Lorenz và hệ số Gini. 4.1.2.1. Đường cong Lorenz Một trong những công cụ biểu đạt mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập được sử dụng trong kinh tế học là đường cong Lorenz. Tuy không thể phản ánh được hết tình trạng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của nền kinh tế nhưng đường cong Lorenz đã cố gắng lượng hoá để có thể so sánh sự công bằng trong phân phối thu nhập giữa các quốc gia. Đường cong Lorenz được biểu thị trong một hình vuông, cạnh bên là số phần trăm thu nhập cộng dồn, còn cạnh đáy biểu thị số phần trăm cộng dồn các nhóm dân cư sắp xếp theo thứ tự mức thu nhập tăng dần. Đường cong Lorenz được xây dựng theo trình tự như sau: (1) sắp xếp thu nhập của dân cư theo thứ tự tăng dần; (2) chia dân số thành các nhóm có số dân bằng nhau (thường chia làm 5 nhóm); (3) đưa số liệu lên đồ thị: % dân số cộng dồn vào cạnh đáy và % thu nhập cộng dồn tương ứng vào cạnh bên; (4) nối các điểm kết hợp giữa % dân số cộng dồn và % thu nhập cộng dồn, ta được đường cong Lorenz. Hình 4.1: Đường cong Lorenz 104
- Đường cong Lorenz chỉ ra tỷ lệ phần trăm của tổng thu nhập cộng dồn theo tỷ lệ phần trăm dân số cộng dồn, do vậy còn được gọi là đường phân phối thu nhập. Đường chéo của hình vuông (hay đường 450) cho biết bao nhiêu % dân số nắm giữ bấy nhiêu % thu nhập tương ứng (hay thu nhập của tất cả các cá nhân bằng nhau) nên được gọi là đường bình đẳng tuyệt đối. Ngược lại, khi thu nhập nằm trọn trong tay một cá nhân - trường hợp cạnh đáy và cạnh bên phải của hình vuông thì ta có đường bất bình đẳng tuyệt đối. Trong thực tế, hai trường hợp trên không bao giờ xảy ra nhưng bất bình đẳng luôn tồn tại và nó được biểu thị thông qua hình dáng đường cong Lorenz. Đường cong Lorenz bắt đầu từ điểm gốc 0 của đường 450 và kết thúc ở đầu phía bên kia đường 450, nó nằm ở khoảng giữa đường 450 và đường bất bình đẳng tuyệt đối. Đường cong Lorenz càng gần đường 450 thì mức độ bất bình đẳng càng thấp (hay mức độ công bằng càng cao) và ngược lại, đường cong Lorenz càng xa đường 450 thì mức độ bất bình đẳng càng cao (hay mức độ công bằng càng thấp). Như vậy, đường cong Lorenz là một công cụ tiện lợi, giúp chúng ta đánh giá được mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập thông qua việc quan sát hình dạng đường cong. Bên cạnh đó, nó cũng cho phép so sánh mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các quốc gia hay giữa các thời kỳ phát triển. Tuy nhiên, phương pháp này có hạn chế là: (1) chỉ cho phép thấy được sự bất bình đẳng một cách định tính thông qua nhận định chủ quan của người đánh giá; (2) không thể đưa ra kết luận chính xác về mức độ bất bình đẳng khi các đường Lorenz giao nhau và rất phức tạp khi so sánh nhiều quốc gia cùng một lúc. Vì vậy, cần có một thước đo khác hoàn thiện hơn để khắc phục hạn chế này của đường cong Lorenz. 4.1.2.2. Hệ số Gini Hệ số Gini là thước đo mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập được sử dụng phổ biến nhất. Hệ số Gini được xác định dựa trên đường cong Lorenz, thông qua công thức sau: Hệ số Gini = Trong đó, A là phần diện tích được giới hạn bởi đường cong Lorenz 105
- và đường 450; B là phần diện tích được giới hạn bởi đường cong Lorenz, cạnh đáy và cạnh bên phải hình vuông. Từ công thức trên, ta thấy rằng hệ số Gini có giới hạn trong đoạn [0,1]. Hệ số Gini càng nhỏ, đường cong Lorenz càng gần đường 450 thì mức độ bất bình đẳng càng thấp và ngược lại, hệ số Gini càng lớn, đường cong Lorenz càng xa đường 450 thì mức độ bất bình đẳng càng cao. Trường hợp hệ số Gini = 0 xảy ra khi đường Lorenz trùng với đường bình đẳng tuyệt đối và hệ số Gini = 1 xảy ra khi đường Lorenz trùng với đường bất bình đẳng tuyệt đối. Thực tế thì hai trường hợp trên không bao giờ xảy ra, do đó hệ số Gini luôn nằm trong khoảng (0,1) và càng nhỏ càng tốt. Dựa vào số liệu thống kê nhiều năm của nhiều quốc gia, Ngân hàng thế giới nhận thấy rằng, trong thực tế, giá trị của hệ số Gini thay đổi trong phạm vi hẹp hơn, từ 0,2 đến 0,65. Đối với các nước có thu nhập thấp, hệ số Gini từ 0,3 đến 0,5; đối với các nước có thu nhập trung bình, hệ số Gini từ 0,4 đến 0,65; và đối với các nước có thu nhập cao, hệ số Gini từ 0,2 đến 0,4. Theo đó, Ngân hàng thế giới cũng đưa ra nhận xét rằng, hệ số Gini tốt nhất thường xoay quanh mức 0,3. Bảng 4.1: Hệ số Gini của Việt Nam qua các năm Năm 1993 2002 2006 2010 2014 2016 Hệ số Gini 0,33 0,37 0,358 0,393 0,348 0,44 Nguồn: Ngân hàng thế giới Số liệu thống kê cho thấy mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của Việt Nam đang có xu hướng tăng lên mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực nhất định trong việc giảm bất bình đẳng xã hội thông qua các chương trình phúc lợi hỗ trợ người nghèo thời gian vừa qua. Có thể thấy rằng, hệ số Gini đã khắc phục được hạn chế của đường Lorenz là nó lượng hoá được mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập bằng một con số cụ thể. Tuy vậy, việc sử dụng phương pháp này cũng có những hạn chế: (1) hệ số Gini bằng nhau thể hiện ở diện tích phần A như nhau nhưng độ phân bố các nhóm dân cư có mức thu nhập khác nhau là không giống nhau, do đó hình dạng đường Lorenz là khác nhau. Điều này đặc biệt đúng khi các đường Lorenz giao nhau, làm cho hệ số Gini trở thành một thước đo không hoàn toàn nhất quán; (2) không 106
- cho phép phân tách hệ số Gini theo các phân nhóm (chẳng hạn nông thôn, thành thị hay các vùng trong một nước) rồi sau đó tổng hợp lại để rút ra hệ số Gini quốc gia. Mặc dù vậy, hệ số Gini hiện nay vẫn là thước đo được sử dụng phổ biến để đo mức độ bất bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới. 4.1.3. Nguyên nhân gây ra bất bình đẳng trong phân phối thu nhập Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập là vấn đề mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt. Để hạn chế tình trạng này, các nhà làm chính sách cần phải làm rõ những nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bất bình đẳng. Theo kết quả tổng hợp từ nhiều nghiên cứu, có hai nhóm nguyên nhân chủ yếu là bất bình đẳng trong phân phối thu nhập xuất phát từ tài sản và từ lao động. 4.1.3.1. Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập từ tài sản Tài sản hay nguồn lực mà các cá nhân trong xã hội nắm giữ là rất khác nhau và nó tạo ra sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập từ tài sản. Trong đó, tài sản của mỗi cá nhân lại được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. Thứ nhất, tài sản được hình thành do được thừa kế. Của cải của mỗi gia đình được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, nhiều người trong xã hội may mắn sinh ra đã là người giàu có, bởi họ được thừa kế một cơ nghiệp lớn của cha ông để lại. Trong khi đó, có rất nhiều người nghèo và sống trong nợ nần túng quẫn từ đời này sang đời khác. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội. Vì vậy, để hạn chế sự bất bình đẳng này, Chính phủ đã thực hiện chính sách đánh thuế cao vào tài sản thừa kế và quà tặng. Thứ hai, tài sản được hình thành do hành vi tiêu dùng và tiết kiệm khác nhau. Các cá nhân trong xã hội có thu nhập giống nhau nhưng cách thức sử dụng thu nhập của họ khác nhau. Người có ý thức tiết kiệm và kế hoạch chi tiêu hợp lý thì tài sản mà họ có sẽ khác với người luôn “vung tay quá trán” và không lo nghĩ gì cho tương lai. Chính sự tiêu dùng và tiết kiệm khác nhau của các cá nhân khác nhau đã ảnh hưởng lớn đến lượng tài sản mà họ tích luỹ được. Thứ ba, tài sản được hình thành do kết quả kinh doanh. Thực tế cho thấy những người giàu có trong xã hội hiện nay đều là những người làm 107
- kinh doanh, họ dám đầu tư tiền bạc và chấp nhận rủi ro. Kết quả kinh doanh thuận lợi khiến họ ngày càng có nhiều tài sản hơn những người “an phận thủ thường”. 4.1.3.2. Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập từ lao động Lao động là yếu tố cơ bản để tạo ra thu nhập. Tuy nhiên, thu nhập của các cá nhân trong xã hội rất khác nhau bởi họ khác nhau về trình độ, nghề nghiệp hay cường độ lao động. Điều này dẫn tới bất bình đẳng trong phân phối thu nhập từ lao động. Thứ nhất, thu nhập khác nhau do khác nhau về khả năng và kỹ năng lao động. Trong xã hội hiện nay, những người có trình độ chuyên môn cao sẽ kiếm được công việc tốt và được hưởng một chế độ lương bổng cao. Khi cuộc sống dư giả về tiền bạc thì họ sẽ có nhiều cơ hội để giao lưu, hưởng thụ các dịch vụ mới, hiện đại của xã hội; con cái của họ cũng có nhiều điều kiện tốt để phát triển. Ngược lại, những người có trình độ thấp, cơ hội kiếm được việc làm không cao, mức thù lao nhận được cũng không cao, chỉ đủ tiêu pha cho cuộc sống hàng ngày và một phần cho tiết kiệm, con cái của họ sẽ không được phát triển trong một môi trường tốt nhất. Thứ hai, thu nhập khác nhau do khác nhau về cường độ làm việc. Hai cá nhân giống nhau về mọi yếu tố: trình độ chuyên môn, sức khỏe, cơ hội, môi trường làm việc... nhưng cường độ làm việc của họ khác nhau thì thu nhập mà họ có khác nhau. Những người bỏ nhiều thời gian và công sức để làm việc thì thu nhập của họ sẽ cao hơn những người khác. Thứ ba, thu nhập khác nhau do khác nhau về nghề nghiệp và tính chất công việc. Thực tế cho thấy, những công việc phổ thông, đòi hỏi ít kỹ năng thường được trả lương thấp; còn công việc chuyên môn có hàm lượng chất xám nhiều sẽ được hưởng lương cao hơn. Những công việc có liên quan đến chất độc hại thì sẽ được trả lương cao hơn để bù đắp cho những giảm sút về sức khỏe của người lao động. Ngoài ra, có thể có nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng đến sự bất bình đẳng trong thu nhập từ lao động như: sự phân biệt đối xử trong xã hội, ảnh hưởng của thiên tai, các rủi ro khác... dẫn đến sự khác biệt về tiền lương của các cá nhân. 108
- Các yếu tố trên tạo nên sự chênh lệch thu nhập giữa các cá nhân trong xã hội. Chênh lệch thu nhập do sự khác biệt trong năng suất là tất yếu, là động lực cho tăng trưởng, là tiền đề của hiệu quả, đây không phải là nguồn gốc của bất bình đẳng kinh tế. Tuy nhiên, một nền kinh tế có chênh lệch thu nhập quá lớn sẽ kéo theo những chênh lệch khác về cơ hội, về khả năng tiếp cận các nguồn lực sẵn có, chênh lệch về trình độ và về mức sống... khi đó sẽ tạo nên bất bình đẳng về phân phối thu nhập. Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập dẫn đến nhiều hệ luỵ liên quan đến tăng trưởng kinh tế cũng như an sinh xã hội. 4.1.4. Lý do Chính phủ can thiệp nhằm đảm bảo công bằng xã hội Công bằng và hiệu quả là hai mục tiêu cao nhất trong suốt quá trình phát triển của xã hội loài người. Khi nguồn lực xã hội được sử dụng một cách hiệu quả nhưng không có tác động gì tới sự công bằng trong phân phối thu nhập giữa các cá nhân thì Chính phủ phải can thiệp thông qua các công cụ và chính sách về phân phối lại để giảm bớt sự bất bình đẳng thu nhập trong xã hội. Phân phối lại thu nhập tuy không làm tăng mức của cải chung của xã hội nhưng nó có khả năng làm tăng tổng phúc lợi xã hội. Bởi quá trình phân phối lại thu nhập giúp cải thiện lợi ích cho người nghèo nhưng lại khiến người giàu bị giảm lợi ích. Tuy nhiên, do thu nhập của người nghèo thấp nên lợi ích tăng thêm đối với họ sẽ lớn hơn lợi ích giảm đi của người giàu. Kết quả là tổng phúc lợi xã hội tăng lên. Phân phối lại thu nhập có tác dụng động viên, giúp đỡ người nghèo vượt qua những thời điểm khó khăn, nguy khốn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Nghèo đói thường đi liền với các tệ nạn xã hội, do đó khi người nghèo được hỗ trợ tốt thì cũng góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội và giữ vững ổn định chính trị. Phân phối lại thu nhập nhằm đảm bảo công bằng xã hội là cách đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản mà con người được hưởng với tư cách là quyền của công dân. Do vậy, giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập tạo ra một ngoại ứng tích cực đối với quá trình phát triển của nền kinh tế. 4.2. Quan điểm về mối quan hệ giữa công bằng và hiệu quả Công bằng và hiệu quả là hai mục tiêu cao nhất mà mọi Chính phủ luôn hướng tới trong quá trình phát triển đất nước. Một câu hỏi đặt ra là 109
- chúng ta có phải đánh đổi giữa hai mục tiêu này hay không? Hay chúng ta có thể đồng thời đạt được cả hai mục tiêu mà không phải hy sinh bất kỳ một mục tiêu nào? Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. 4.2.1. Quan điểm cho rằng công bằng và hiệu quả có mâu thuẫn Theo quan điểm này, chúng ta phải hy sinh một trong hai mục tiêu. Có nghĩa là, để đạt được mục tiêu hiệu quả kinh tế, phải chấp nhận sự bất công và ngược lại, để cải thiện công bằng xã hội thì phải hy sinh hiệu quả. Trong tác phẩm “Bình đẳng và hiệu quả: Một sự đánh đổi lớn” A. Okun đã cho rằng theo đuổi bình đẳng có thể làm giảm hiệu quả (hay giảm sản lượng đầu ra của nền kinh tế, với yếu tố nguồn lực đầu vào như nhau). Bởi vì phân chia thu nhập bình đẳng trong xã hội không chỉ làm giảm động lực lao động và đầu tư trong xã hội mà còn tạo ra một chi phí đáng kể cho toàn xã hội bởi nỗ lực tái phân chia thu nhập, thông qua cơ chế thuế hoặc lương tối thiểu. Ông liên hệ cơ chế này với hình ảnh “cái xô thủng”, khi nguồn lực chuyển từ tay người này sang tay người khác, nó sẽ bị thất thoát (bởi lỗ thủng đáy xô) và người nghèo sẽ không nhận được tất cả các khoản tiền thu được từ người giàu. Vì vậy những “lỗ thủng” trong các chương trình phân phối lại có nguồn gốc từ: Thứ nhất, quá trình phân phối lại thu nhập từ người giàu sang người nghèo sẽ làm tăng chi phí hành chính để vận hành bộ máy thực hiện chức năng phân phối lại. Đây là những khoản chi phí không hiệu quả nhưng không thể tránh khỏi trong các chương trình chi tiêu hỗ trợ người nghèo của Chính phủ. Bên cạnh đó, trong quá trình phân phối lại còn có sự thất thoát nguồn lực do vấn đề tham ô, tham nhũng của một số cá nhân. Do vậy, có được công bằng phải hy sinh hiệu quả, tổng thu nhập trong nền kinh tế giảm đi. Thứ hai, nếu nguồn kinh phí sử dụng để tiến hành phân phối lại được lấy từ ngân sách với thuế là nguồn thu chủ yếu. Khi thuế thu nhập ngày càng tăng, người làm việc giảm động cơ làm việc nên họ làm việc ít đi và giảm đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, nguồn lực được sử dụng để phân phối lại cũng sẽ giảm. Thứ ba, nếu nguồn kinh phí sử dụng để tiến hành phân phối lại được lấy từ ngân sách với nguồn hình thành từ tiết kiệm của thu nhập quốc dân. Khi tăng thuế sẽ khiến lãi suất thực giảm, tiết kiệm giảm và 110
- đầu tư giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế. Thứ tư, các chương trình phân phối lại có thể gây ra sự nản lòng đối với những người phải đóng góp nhiều. Mặt khác, những người nhận được hỗ trợ có thể không có động lực làm việc, vươn lên thoát nghèo mà có tâm lý ỷ lại vào sự giúp đỡ của Chính phủ và các cá nhân khác trong xã hội. 4.2.2. Quan điểm cho rằng công bằng và hiệu quả không mâu thuẫn Đối ngược với quan điểm ở trên, theo quan điểm này, Chính phủ một quốc gia có thể đồng thời đạt được cả hai mục tiêu bởi quá trình phân phối lại thu nhập giảm bớt sự bất bình đẳng xã hội sẽ tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả kinh tế. M. Todaro cho rằng giải quyết vấn đề phân phối thu nhập công bằng sẽ thúc đẩy hiệu quả của nền kinh tế. Quan điểm này được đưa ra dựa trên những lập luận sau: Thứ nhất, phân phối lại thu nhập giúp cải thiện mức sống cho người nghèo sẽ kích cầu trong nước đối với nhiều mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu. Điều này sẽ kích thích sản xuất phát triển, việc làm được tạo ra nhiều hơn và đồng thời gia tăng thu hút đầu tư trong nước, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển nhanh. Thứ hai, quá trình phân phối lại giúp người nghèo gia tăng thu nhập và mức sống. Qua đó, cuộc sống của họ được cải thiện tốt hơn, nguy cơ bệnh tật giảm, có cơ hội được học hành và tìm được công việc có thu nhập ổn định. Điều này cũng đóng góp vào quá trình tăng trưởng, phát triển của quốc gia. Thứ ba, phân phối thu nhập công bằng hơn giúp người nghèo có được sự ổn định về mặt tâm lý để vươn lên trong cuộc sống, không trở thành vật cản đối với quá trình tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Thứ tư, phân phối lại thu nhập từ người giàu sang người nghèo là cần thiết và nó không ảnh hưởng tới tính hiệu quả của nền kinh tế. Bởi những người giàu có ở các nước đang phát triển thường sử dụng một phần lớn thu nhập để tiêu dùng hàng hóa xa xỉ hay đầu tư vào vàng, ngoại tệ, đất đai... - những loại đầu tư không đóng góp gì cho tăng trưởng sản xuất của nền kinh tế. Như vậy, phân phối thu nhập công bằng sẽ tạo ra sự hài hoà về lợi 111
- ích trong xã hội, là điều kiện quan trọng để xã hội ổn định và là động lực cho tăng trưởng kinh tế. 4.2.3. Mối quan hệ giữa công bằng và hiệu quả trên thực tế Simon Kuznets là nhà kinh tế học tiên phong trong việc nghiên cứu mối quan hệ giữa công bằng và hiệu quả trong thực tế. Với số liệu thống kê về dân số và thu nhập nhiều năm của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, ông đã tìm ra mối quan hệ giữa hai vấn đề này. Hình 4.2: Đường Kuznets Sử dụng đồ thị với trục hoành là thu nhập bình quân đầu người - đại diện cho tiến bộ kinh tế của một quốc gia, trục tung là hệ số Gini - đại diện cho mức độ bất bình đẳng, kết quả nghiên cứu của Kuznets cho thấy rằng giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội tồn tại một mối quan hệ theo dạng hình chữ U ngược. Điều đó có nghĩa là các quốc gia khi ở giai đoạn đầu của sự phát triển luôn đi kèm với sự bất bình đẳng cao và khi nền kinh tế phát triển đến một mức nào đó, lợi ích của sự phát triển được chia sẻ rộng hơn cho các cá nhân trong xã hội thì mức độ bất bình đẳng sẽ giảm xuống. Lịch sử phát triển của các quốc gia trên thế giới cho thấy có 3 mô hình giải quyết vấn đề công bằng và hiệu quả trong nền kinh tế : Thứ nhất, mô hình tăng trưởng trước, công bằng sau (kiểu chữ U ngược) Mô hình này được áp dụng ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Nhật, các nước đang phát triển khu vực nam mỹ hiện nay. Theo mô hình này, các 112
- nước thường không quan tâm đến phân phối lại thu nhập ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Do vậy, trong giai đoạn này, cùng với sự tăng trưởng (tăng thu nhập bình quân đầu người) thì bất bình đẳng trong nền kinh tế có xu hướng tăng lên. Chỉ đến khi nền kinh tế đạt tới mức phát triển nào đó, thu nhập bình quân đầu người cao, lúc đó bất bình đẳng mới có xu hướng giảm xuống do chính phủ quan tâm đến quá trình phân phối lại, làm cho thành quả tăng trưởng được phát huy một cách rộng rãi. Thứ hai, mô hình công bằng trước, tăng trưởng sau Mô hình này được áp dụng ở các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa trước đây. Mô hình này nhấn mạnh vào các chính sách giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra sự công bằng ngay từ đầu quá trình phát triển, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức độ thấp. Các chính sách phân phối lại, chính sách phát triển con người như đầu tư vào văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm. Do vậy, các quốc gia này đạt được mức độ khá tốt về chỉ số xã hội, tuy nhiên nền kinh tế thiếu động lực phát triển nên tốc độ tăng trưởng thấp. Thứ ba, mô hình kết hợp đồng thời tăng trưởng và công bằng xã hội Mô hình này được thực hiện ở những nước Bắc Âu và các nước NICs châu Á. Chiến lược phát triển lựa chọn mô hình kết hợp hợp lý giữa tăng trưởng và công bằng xã hội thể hiện rõ ở sự can thiệp của chính phủ vào các lĩnh vực kinh tế và xã hội nhằm tạo ra sự đồng bộ của hai yếu tố này. Đặc trưng thứ nhất là lựa chọn chiến lược công nghiệp hóa hướng ra xuất khẩu, khuyến khích tăng trưởng kinh tế nhanh. Đồng thời với đầu tư vào các ngành của nền kinh tế đảm bảo tăng trưởng nhanh nhưng không gây ra gia tăng bất bình đẳng các quốc gia phát triển mạnh nông nghiệp, những ngành sử dụng nhiều lao động và các yếu tố đầu vào có sẵn trong nền kinh tế. Sự chuyển dich cơ cấu kinh tế thực hiện theo dấu hiệu lợi thế nguồn lực của đất nước. Ngoài ra, các chính sách xã hội nhằm giải quyết ngay từ đầu vấn đề xóa đói giảm nghèo và công bằng xã hội được thực hiện như chính sách về phân phối lại thu nhập, chính sách trợ cấp xã hội, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cho các vùng khó khăn, hệ thống giáo dục đảm bảo phổ cập giáo dục và đảm bảo cơ hội giáo dục cho người nghèo, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe. 113
- Các nhà kinh tế trên thế giới cho rằng bất bình đẳng gắn với phương thức phát triển của nền kinh tế và tăng trưởng kinh tế thường không trung tính về mặt phân phối thu nhập: tăng trưởng có thể thay đổi phép phân phối theo hướng bình đẳng hơn hoặc bất bình đẳng hơn. Điều đó tuỳ thuộc vào “phương thức phát triển” mà quốc gia chọn lựa. Theo nhà kinh tế học Pierre Salama, phương thức phát triển dựa vào cầu nội địa, đi liền với phép phân phối thu nhập có tính bất bình đẳng thấp nhất; phương thức phát triển bằng xuất khẩu, đi kèm với phép phân phối thu nhập mang tính bất bình đẳng cao hơn; phương thức phát triển “tài chính hoá”, tự do hoá thị trường vốn và kích thích hoạt động đầu cơ - đi đôi với một xã hội cực kỳ bất bình đẳng. Từ đó, có thể phân loại nhiều “chế độ tăng trưởng” khác nhau tùy theo mối liên hệ giữa tăng trưởng và phân phối thu nhập (biểu hiện qua độ co giãn của nghèo đói đối với tăng trưởng): nếu tốc độ giảm tỷ lệ nghèo và tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân ngang nhau, có thể nói rằng tăng trưởng là “trung tính” đối với phân phối thu nhập (độ co giãn bằng -1); trong trường hợp tốc độ giảm nghèo vượt qua tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân, có thể gọi tăng trưởng là “vì người nghèo” (pro-poor), theo nghĩa chế độ tăng trưởng thay đổi phân phối thu nhập theo hướng bình đẳng hơn, cho nên tỷ lệ nghèo giảm mạnh hơn (độ co giãn lớn hơn -1); trong trường hợp tốc độ giảm nghèo thấp hơn tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân, có thể gọi tăng trưởng là “trickle down” (chảy ròng xuống), theo nghĩa chế độ tăng trưởng thay đổi phân phối thu nhập theo hướng bất bình đẳng hơn, cho nên tỷ lệ nghèo có giảm nhưng ít hơn (độ co giãn nhỏ hơn -1); trong trường hợp tỷ lệ nghèo tăng thay vì giảm, bởi tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân tương đối thấp trong khi bất bình đẳng trong phân phối lại tăng (độ co giãn trở nên dương), có thể gọi đó là chế độ tăng trưởng “bần cùng hoá” (immiserizing). Như vậy, tăng trưởng và công bằng trong nền kinh tế là những mục tiêu tương hợp, không mâu thuẫn. Các chính sách của chính phủ đóng vai trò quyết định đến việc giải quyết mối quan hệ này, bởi thực tế chỉ có một số ít các chính sách được coi là hoàn thiện Pareto, còn hầu hết sẽ dẫn đến lợi cho nhóm này và thiệt cho nhóm kia. Vì vậy, khi thiết kế và lựa chọn chính sách, chính phủ đều cân nhắc kỹ tác động của nó tới công bằng (phân phối) và hiệu quả kinh tế, hướng tới sự cân bằng trong cả 2 mục tiêu này. 114
- 4.3. Các lý thuyết, quan điểm về phân phối lại thu nhập Các chính sách phân phối lại đều nhằm mục đích tối đa hoá phúc lợi xã hội. Để đạt được mục tiêu này, trong phân tích về phúc lợi xã hội, cần phải thỏa mãn điều kiện để đường bàng quan xã hội tiếp xúc với đường khả năng thỏa dụng của xã hội. Đường khả năng thoả dụng của xã hội là đường biểu thị mức thoả dụng tối đa mà một cá nhân (hay nhóm người) có thể đạt được trong xã hội khi cho trước mức thoả dụng của những cá nhân (hay nhóm người) khác. Đường khả năng thoả dụng là đường biểu thị mức thoả mãn tối đa mà một cá nhân (hay nhóm người) có thể đạt được trong xã hội khi thực hiện phân phối lại. Hình 4.3: Đường khả năng thỏa dụng xã hội Hình dáng và tính chất của đường khả năng thoả dụng của xã hội tương tự như đường khả năng sản xuất, chỉ có khác là hai trục tọa độ thể hiện độ thoả dụng của các cá nhân trong xã hội. Theo đó, đường khả năng thỏa dụng của xã hội là một đường cong lõm về phía gốc tọa độ và mọi điểm nằm trên đường khả năng thỏa dụng (điểm E) là những điểm đạt hiệu quả, những điểm nằm bên ngoài (điểm F) là không thể đạt tới và những điểm nằm bên trong (điểm M) là chưa hiệu quả. Mọi điểm nằm trên đường khả năng thoả dụng xã hội đều là những điểm đạt hiệu quả Pareto (điểm E), khi đó nền kinh tế đạt được phân bổ nguồn lực tối ưu Pareto. Nghĩa là sự phân bổ nguồn lực hiệu quả nên 115
- không làm cho người nào lợi hơn (giàu hơn) và không làm ai bị thiệt đi (nghèo đi). Giả sử mức thoả dụng (sự hài lòng) của các cá nhân trong nền kinh tế đạt tới một điểm trên đồ thị, ví dụ điểm M, nằm phía trong đường khả năng thoả dụng. Bất cứ sự thay đổi nào của chính phủ nhằm phân phối lại nguồn lực sẽ làm sự thoả mãn hay hài lòng của các cá nhân tăng lên, di chuyển đến gần đường khả năng thoả dụng hơn, như vậy sẽ là một hoàn thiện Pareto (vì làm cho mọi người đều khá lên). Đường khả năng thoả dụng mô tả tác động chính sách của chính phủ tới sự thoả mãn hay hài lòng của các cá nhân trong xã hội. Thông thường, một chính sách sẽ làm lợi cho nhóm người này, thiệt cho nhóm người khác, chính sách đó có thể làm cho nền kinh tế tốt hơn nhưng chưa chắc đã là một hoàn thiện Pareto bởi làm thiệt hại lợi ích của ai đó. Như vậy, để so sánh được mức độ đánh đổi giữa thiệt hại hay lợi ích của các cá nhân trong nền kinh tế khi thực hiện các chính sách kinh tế sử dụng thêm phân phối lại thu nhập, các nhà kinh tế cần đường bàng quan xã hội. Đường bàng quan xã hội là tập hợp của tất cả các điểm kết hợp giữa sự thoả mãn, hài lòng của mọi thành viên trong xã hội mà những điểm đó mang lại mức phúc lợi xã hội bằng nhau. Đường bàng quan xã hội biểu diễn những tập hợp độ thoả dụng của 2 nhóm cá nhân mà xã hội bàng quan. Xã hội sẵn lòng đánh đổi khi tăng sự thoả mãn của nhóm này lên hoặc giảm sự thoả mãn của nhóm kia đi. Hình 4.4: Đường bàng quan xã hội 116
- Đường bàng quan xã hội có hình dáng và tính chất tương tự đường bàng quan cá nhân. Điểm khác biệt duy nhất là hai trục tọa độ của đường bàng quan xã hội thể hiện độ thỏa dụng của từng cá nhân trong xã hội. Theo đó, đường bàng quan xã hội là một tập hợp các đường cong lồi về phía gốc toạ độ và không cắt nhau; các điểm trên cùng một đường bàng quan (M, N) mang lại cùng một mức phúc lợi xã hội như nhau (W1) và điểm nằm trên đường bàng quan cao hơn (E) phản ánh mức phúc lợi xã hội lớn hơn (W2). Để xác định cách phân phối lại thu nhập xã hội tối ưu, chúng ta cần kết hợp đường khả năng thoả dụng và đường bàng quan xã hội. Từ đồ thị Hình 4.5, chúng ta thấy rằng điểm hiệu quả như M sẽ không được xã hội ưa thích bằng một điểm chưa hiệu quả như N vì điểm N nằm trên đường bàng quan cao hơn, phản ánh mức phúc lợi xã hội lớn hơn; và điểm phân phối hiệu quả tại E sẽ mang lại phúc lợi xã hội lớn nhất. Hình 4.5: Phân phối lại thu nhập tối ưu Điểm E, điểm tối đa hoá PLXH, đường khả năng thoả dụng của xã hội đã tiếp xúc với đường bàng quan cao nhất có thể đạt tới. Rõ ràng, một điểm phân phối PLXH tối ưu chắc chắn phải là một điểm hiệu quả Pareto. Như vậy, chúng ta đã có đủ các công cụ cần thiết để phân tích một số lý thuyết nổi bật về phân phối lại thu nhập và tối đa hoá phúc lợi xã hội. Phân phối lại có thể tạo ra sự đánh đổi phúc lợi xã hội giữa các 117
- nhóm người trong nền kinh tế nhưng nguyên tắc là phải đạt tới đường bàng quan xã hội cao nhất, nghĩa là đạt PLXH cao hơn. 4.3.1. Thuyết vị lợi Thuyết vị lợi được xây dựng dựa trên quan điểm triết học về phúc lợi do Jeremy Bentham đề xướng đầu thế kỷ XIX. Thuyết này được nghiên cứu dựa trên một số giả định sau: Thứ nhất, các cá nhân có hàm thoả dụng biên đồng nhất và chỉ phụ thuộc vào thu nhập. Thứ hai, các hàm thoả dụng biên tuân theo quy luật độ thoả dụng biên giảm dần. Thứ ba, tổng mức thu nhập sẵn có là cố định và không thay đổi trong quá trình phân phối lại. Về nội dung, thuyết vị lợi cho rằng phúc lợi xã hội chỉ phụ thuộc vào độ thoả dụng của các cá nhân trong xã hội. Theo đó, phúc lợi xã hội là tổng đại số độ thoả dụng của tất cả các thành viên trong xã hội và để tăng phúc lợi xã hội chỉ cần tăng độ thỏa dụng của bất kỳ một thành viên nào trong xã hội đó. Nếu biểu diễn phúc lợi xã hội dưới dạng hàm toán học thì ta có: n W = U1 + U2 + ... + Un = ∑U i =1 i Giả sử xã hội có 2 cá nhân thì phúc lợi xã hội là tổng độ thoả dụng của hai cá nhân đó. Với giả định rằng tổng thu nhập của xã hội là không đổi nên người này có thêm thì người khác phải bớt đi, do hàm thoả dụng biên giữa các cá nhân là đồng nhất, chỉ có độ thoả dụng biên khác nhau ở các mức thu nhập khác nhau nên xã hội có thể tăng tổng PLXH bằng cách chuyển bớt thu nhập của người giàu cho người nghèo. Đường bàng quan xã hội là đường thẳng vì một chính sách làm giảm sự thoả mãn của nhóm này đi bao nhiêu thì sẽ tăng lợi ích của nhóm khác bấy nhiêu, có sự đánh đổi ngang bằng. Từ hàm PLXH có thể thấy rằng, thuyết vị lợi coi lợi ích của người giàu và người nghèo có trọng số như nhau. Vì thế, xã hội hoàn toàn bàng quan trước việc độ thoả dụng của người nghèo giảm xuống, nếu từ đó thoả dụng của người giàu tăng lên một mức tương đương. 118
- Hình 4.6: Đường bàng quan xã hội theo thuyết vị lợi Một cách phân phối khiến cho độ thỏa dụng của người nghèo giảm xuống và độ thoả dụng của người giàu tăng lên một mức tương đương thì phúc lợi xã hội vẫn không có sự cải thiện. Vì vậy, đường bàng quan xã hội của thuyết vị lợi sẽ là một đường tuyến tính có độ dốc bằng -1. Vậy Chính phủ có nên phân phối lại thu nhập xã hội hay không? Và nếu có thì điều kiện phân phối tối ưu là gì? Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần sử dụng tới các giả định của thuyết vị lợi và sử dụng đồ thị để phân tích. Xét một nền kinh tế với 2 cá nhân A & B cùng chia sẻ nhau mức tổng thu nhập không thay đổi trong quá trính phân phối lại là OO’. Trong đó, thu nhập của A tính từ gốc O và thu nhập của B tính từ gốc O’. Độ thoả dụng biên của các cá nhân chỉ phụ thuộc vào thu nhập và tuân theo quy luật độ thỏa dụng biên giảm dần nên MUA và MUB có dạng như đồ thị: Hình 4.7: Phân phối lại thu nhập tối ưng theo thuyết vị lợi 119
- Giả sử ban đầu A giữ OX đồng thu nhập, còn B giữ XO’ đồng. Như vậy, A là người giàu và B là người nghèo. Nếu tiến hành phân phối lại và chuyển XY đồng thu nhập từ A sang B thì độ thoả dụng của A giảm đi phần diện tích XYGH và độ thoả dụng của B tăng thêm phần diện tích XYQP. Xét trong toàn nền kinh tế, phúc lợi sẽ tăng thêm phần diện tích GHPQ. Tiếp tục chuyển thêm YZ đồng thu nhập từ A sang B, phúc lợi xã hội tăng thêm phần diện tích EGQ. Nếu vẫn tiến hành phân phối lại, chuyển giao thêm ZK đồng thu nhập từ A sang B, lúc này độ thỏa dụng của A bị giảm đi phần diện tích KZEM trong khi độ thỏa dụng của B chỉ tăng thêm phần diện tích KZEN, điều này khiến cho phúc lợi xã hội sẽ bị tổn thất phần diện tích EMN. Do đó, việc tiến hành phân phối lại sẽ dừng tại điểm Z bởi tại đó phúc lợi xã hội tăng thêm được nhiều nhất, khi đó MUA=MUB và mỗi cá nhân nắm giữ một nửa thu nhập của nền kinh tế. Điều này tạo ra một sự bình đẳng tuyệt đối trong xã hội. Như vậy, điều kiện để phân phối thu nhập tối ưu theo thuyết vị lợi là Chính phủ nên tiến hành phân phối lại cho đến khi độ thỏa dụng biên của các cá nhân bằng nhau: MU1=MU2...=MUn. Tuy nhiên, kết quả này hoàn toàn phụ thuộc vào các giả định đã nêu. Nếu các giả định được thoả mãn thì kết quả của phân phối lại thu nhập sẽ đảm bảo sự bình đẳng tuyệt đối giữa các cá nhân trong xã hội. Nhưng các giả định được đánh giá là không có trên thực tế, do vậy hạn chế của thuyết vị lợi sẽ là: Thứ nhất, nếu các cá nhân có các hàm thoả dụng biên khác nhau thì chưa chắc điểm phân phối thu nhập tối ưu tại Z (điểm giữa OO’), tức là phân phối thu nhập theo thuyết vị lợi chưa chắc đã mang lại sự bình đẳng tuyệt đối. Thứ hai, quy luật độ thoả dụng biên giảm dần đúng với đa số các hàng hoá nhưng chưa chắc đã đúng với thu nhập. Nếu mức thoả dụng biên theo thu nhập của các cá nhân đều không đổi, tức là đường MUA và MUB đều nằm ngang thì mỗi đồng lấy đi từ người B sẽ làm anh ta mất đi một mức thoả dụng đúng bằng mức thoả dụng tăng thêm khi A có đồng thu nhập ấy. Khi đó, chính sách phân phối lại của Chính phủ không có ý nghĩa gì đối với việc cải thiện PLXH. 120
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Giáo trình kinh tế công cộng tập 1 - PGS. TS. Phạm Văn Vận, ThS Vũ Cương (đồng chủ biên).
382 p | 813 | 234
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 1
39 p | 439 | 157
-
Giáo trình Kinh tế công cộng: Tập 1 - ĐH Kinh tế Quốc dân
381 p | 420 | 121
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 2
39 p | 354 | 118
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 3
39 p | 281 | 103
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 4
39 p | 256 | 94
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 5
39 p | 269 | 83
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 7
39 p | 209 | 78
-
Giáo trình Kinh tế công cộng: Tập 1 - PGS.TS. Phạm Văn Vận, ThS. Vũ Cương
382 p | 281 | 76
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 6
39 p | 239 | 75
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 10
31 p | 198 | 74
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 9
39 p | 210 | 73
-
Giáo trình kinh tế công cộng part 8
39 p | 184 | 71
-
Giáo trình Kinh tế công cộng - TS. Nguyễn Văn Song
118 p | 105 | 20
-
Giáo trình Kinh tế công cộng: Phần 1 - PGS.TS. Phạm Thị Tuệ (Chủ biên)
100 p | 35 | 8
-
Giáo trình Kinh tế công cộng: Phần 1 - PGS. TS Nguyễn Văn Dần
130 p | 13 | 3
-
Giáo trình Kinh tế công cộng: Phần 2 - PGS. TS Nguyễn Văn Dần
159 p | 5 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn