intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hàn Mặc Tử và Bích Khê trong quan niệm của một số nhà phê bình văn học ở miền Nam từ 1945 đến 1975

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:8

33
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Cách tiếp cận của các nhà phê bình văn học miền Nam, đã tái hiện diện mạo giá trị nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê từ nhiều góc nhìn khác nhau và khẳng định vai trò của người đọc trong nghiên cứu phê bình văn học. Từ đó, cho thấy tầm quan trọng, sự chi phối của bối cảnh văn hóa, xã hội, “tầm đón đợi” của độc giả trong tiếp nhận, góp phần mở rộng không gian thẩm mỹ của tác phẩm

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hàn Mặc Tử và Bích Khê trong quan niệm của một số nhà phê bình văn học ở miền Nam từ 1945 đến 1975

  1. HÀN MẶC TỬ VÀ BÍCH KHÊ TRONG QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC Ở MIỀN NAM TỪ 1945 ĐẾN 1975 NGUYỄN MINH THƠM - HOÀNG THỊ HUẾ Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế Tóm tắt: Cách tiếp cận của các nhà phê bình văn học miền Nam, đã tái hiện diện mạo giá trị nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê từ nhiều góc nhìn khác nhau và khẳng định vai trò của người đọc trong nghiên cứu phê bình văn học. Từ đó, cho thấy tầm quan trọng, sự chi phối của bối cảnh văn hóa, xã hội, “tầm đón đợi” của độc giả trong tiếp nhận, góp phần mở rộng không gian thẩm mỹ của tác phẩm. Từ khóa: phê bình văn học miền Nam, thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê, người đọc, tiếp nhận, giá trị nghệ thuật. 1. MỞ ĐẦU Văn học đô thị miền Nam là một bộ phận cực kỳ quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc. Từ quan niệm của các nhà phê bình khi tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, giá trị nghệ thuật thơ của hai thi nhân sẽ được khẳng định và được tái hiện từ các chiều kích khác nhau. Cùng với một số nhà thơ mới có tiếng khác, Hàn Mặc Tử và Bích Khê được nghiên cứu nhiều. Trên tuần báo Văn, Văn hóa Á châu, Khai trí của Sài Gòn xuất bản dày đặc những bài viết về Bích Khê và Hàn Mặc Tử. Những bài nghiên cứu tiêu biểu: Về Hàn Mặc Tử: Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử của Đặng Tiến; Nữ sĩ Mai Đình với Hàn Mặc Tử của Đường Bá Bốn; Hàn Mặc Tử - thi nhân tiền chiến và Một vài kỷ niệm về Hàn Mặc Tử của Hoàng Diệp; Hàn Mặc Tử hay là hiện hữu của thơ của Huỳnh Phan Anh; Hàn Mặc Tử đau thương và sáng tạo của Nguyễn Kim Chương; Tan loãng trong Hàn Mặc Tử của Phạm Đán Bình; Đôi nét về Hàn Mặc Tử và Ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử của Quách Tấn;... Về Bích Khê có một số bài đáng chú ý như: Người em Bích Khê của Ngọc Sương; Bích Khê có khuynh hướng chính trị không và Nhân nhớ Bích Khê và thơ Bích Khê bàn về thơ tượng trưng của Tam Ích; Nhạc và họa trong thơ Bích Khê của Đinh Cường; trên Tạp chí văn học ra ngày 20/11/1974 với chuyên đề về Bích Khê có các bài: Bích Khê: dòng thơ, khoảng thơ và thời gian của Phạm Hoài Việt; Tinh huyết của Bích Khê của Lê Huy Oanh; Thế giới thơ tượng trưng Bích Khê của Phạm Kim Thịnh. Bên cạnh đó, có công trình Đời Bích Khê của Quách Tấn và công trình Việt Nam thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long gồm hai bài viết về Bích Khê và Hàn Mặc Tử... Trong những công trình nghiên cứu trên, các tác giả đã tập trung nghiên cứu sâu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của hai nhà thơ. Bạn đọc chủ yếu trong giai đoạn này vẫn là những nhà phê bình, người thân và bạn văn chương cùng thời với hai nhà thơ. Họ đều là những người đã gắn bó và yêu quý con người cũng như thơ ca của Hàn Mặc Tử và Bích Khê, đều mang trong mình tâm huyết mở hết mọi bức màn bí mật để khẳng định thêm giá trị thơ ca của hai chàng thi sĩ. 2. VỀ HÀN MẶC TỬ Từ sau năm 1945, người ta ít nói về thơ Hàn Mặc Tử hơn, hầu như là tên tuổi của ông không được nhắc tới nữa. Nhưng ở miền Nam, giới nghiên cứu lại bắt đầu rộ lên phong trào bình luận Thơ mới và trong đó không thể thiếu thơ Hàn Mặc Tử. Do chiến tranh, những tài liệu về Hàn Mặc Tử bị mất mát gần hết, gây ra không ít khó khăn cho người nghiên cứu. May sao, vẫn còn những người thân, người bạn văn chương vẫn mang trong mình toàn bộ Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 312-219
  2. HÀN MẶC TỬ VÀ BÍCH KHÊ TRONG QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC... 313 ký ức về Hàn Mặc Tử như Trần Thanh Mại, Quách Tấn, Chế Lan Viên... Từ những tài liệu còn sót lại và từ những bài viết hồi cố của Quách Tấn - người lưu giữ toàn bộ bản thảo thơ Hàn Mặc Tử, giới nghiên cứu miền Nam lại bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu đời và thơ Hàn Mặc Tử. Những nghiên cứu giai đoạn này mang màu sắc đa dạng hơn, có thiên hướng khách quan và khoa học hơn, làm đầy thêm lịch sử nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử. Mặc dù lý luận phê bình văn học miền Nam lúc này rất phức tạp và chịu nhiều thử thách nhưng vẫn có một số nhà nghiên cứu tâm huyết và có nhiều bài viết giá trị về Hàn Mặc Tử như Tam Ích, Hoàng Diệp, Huỳnh Phan Anh, Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Tấn Long, Nguyễn Kim Chương, Võ Long Tê... Hai xu hướng chính trong nghiên cứu Hàn Mặc Tử vẫn là nghiên cứu về cuộc đời và nghiên cứu về thơ ca. Trong bài viết Đôi nét về Hàn Mặc Tử, Quách Tấn đề cập đến nhiều yếu tố trong cuộc đời bi thương của Tử: gia đình, quê hương, bạn bè, tình yêu, bệnh tật, các chặng đường thơ, tình bạn và mối quan hệ của ông với Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung, từ nhỏ đã được theo cha đi khắp nơi từ miền Trung vào tận miền Nam cho nên điều này ảnh hưởng lớn đến thơ chàng sau này. Theo Quách Tấn, Hàn Mặc Tử chịu nhiều ảnh hưởng từ bà thân sinh, đặc biệt là tính tình hiền hậu. Khi lớn lên, chàng là một thanh niên mang dáng vóc gầy yếu nhưng lại có một tâm hồn đẹp và sớm bộc lộ tài năng thi ca. Hàn Mặc Tử bước vào làng Thơ Mới với tập Gái quê và được "các bạn trẻ rất hoan nghênh”. Theo Quách Tấn, "thơ mới của Hàn Mặc Tử phần nhiều mới ở tình tứ và hơi văn. Về hình thức thì Hàn Mặc Tử chỉ bỏ sự đối chọi và sự hạn câu của luật Đường. Còn thể thơ và âm điệu thì vẫn giữ” [1]. Nhận định này có sự kế thừa thẩm bình của Hoài Thanh giai đoạn trước đó. Thật ra, tập thơ Gái quê mới chỉ bắt đầu hé lộ tài năng của Hàn Mặc Tử, từ tập thơ Đau thương trở về sau, thơ ông hoàn toàn mới cả nội dung lẫn hình thức chứ không còn là mới tình ý nữa. Nhận xét về bệnh trạng của Hàn Mặc Tử thì Quách Tấn chỉ ra khi Hàn Mặc Tử mắc bệnh nan y cũng chính là lúc thiên tài bộc phát, "thơ Tử mở ra một chân trời mới lạ hẳn” [1]. Quách Tấn đánh giá cao những bài thơ lạ của Hàn Mặc Tử và ông nhận thấy "nguồn cảm hứng của Tử đã phát xuất tận trong đáy hồn đau khổ vô biên, và tuôn ra - như lời Tử nói - khi máu cuồn rền vang dưới ngòi bút” [1]. Quách Tấn gặp gỡ Trần Thanh Mại ở quan điểm Hàn Mặc Tử chịu sự chi phối lớn của bệnh trạng trong sáng tác, nhưng điểm khác trong suy nghĩ của Quách Tấn đó là ông xem bệnh trạng như là một mồi lửa để Hàn Mặc Tử từ đau thương mà nhả ra anh ba như loài ngọc trai. Hàn Mặc Tử là người trải qua nhiều nỗi đau cùng một lúc: nỗi đau vì bệnh tật, nỗi đau vì xa gia đình, làm vướng bận người thân, nỗi đau bị tình phụ, nỗi đau vì nghèo túng và hơn hết là nỗi đau vì bị cách ly với xã hội, phải sống trong những giây phút đối diện với cái chết. Một người cùng lúc mà chịu đau đớn đến tột cùng như thế nếu không suy sụp hoàn toàn thì sẽ trở nên một con người làm những điều phi thường. Hàn Mặc Tử là ở dạng thứ hai. Càng đau khổ thì Hàn Mặc Tử càng tài năng và thăng hoa trong sáng tạo. Không khó khi bắt gặp những vần thơ lảo đảo như thế này trong thơ chàng: Cho tôi hết! Lời thơ tôi nức nở Và rung rinh xao xuyến cả đêm nay Ngòi bút tôi rền rỉ mực cuồng say Cho đến cả bàn tay đương lảo đảo. (Thương) Hàn Mặc Tử sinh thời có nhiều bạn bè tâm giao và ai đã gần chàng thì đều trân trọng và yêu quý con người ấy hết mực. Trong số bạn bè ấy, Bích Khê là người bạn thơ có khả năng thần giao cách cảm với chàng khi cả thơ và đời đều có sự gặp gỡ tương thông, còn Quách Tấn là người bạn mà chàng tin tưởng gửi gắm toàn bộ tác phẩm của mình sau khi chàng mất đi (theo lời kể của Quách Tấn). Nhận xét về thơ Hàn Mặc Tử, Quách Tấn tiếp nối ý của các nhà phê
  3. 314 NGUYỄN MINH THƠM – HOÀNG THỊ HUẾ bình trước đó đã vạch ra khi cho rằng thơ Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng nhiều bởi tôn giáo. "Khi sống cùng Đạo, tâm hồn Tử yên lành và thơ Tử sinh ra nhiều ý tưởng thanh khiết. Chẳng hạn như các bài thơ: Ra đời, Điềm lạ, Nguồn thơ, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện, Thánh nữ đồng trinh Maria... " [1]. Về các tập thơ của Hàn Mặc Tử, Quách Tấn cho rằng: “Đau thương tức tập Thơ điên phần nhiều chứa đựng những niềm đau khổ, rối loạn,... phát ra những khúc nhạc buồn thương, day dứt, và tỏa ra một bầu không khí ảm đạm của mùa đông. Thơ trong tập này đi từ lãng mạn đến tượng trưng. Từ Xuân như ý đến Thượng thanh khí, thơ Tử đi lần lần từ địa hạt tượng trưng đến địa hạt siêu thực. Lời thơ tươi sáng, nhưng tứ thơ nhiều khi vượt ra khỏi thực tế xa quá. Có nhiều bài đọc thấy hay nhưng cái hay chỉ ý hội chứ không thể ngôn truyền” [1]. Bước qua giai đoạn này, những nhận xét trên về thơ Tử vẫn chưa mở ra được điều gì mới vì trước đó Hoài Thanh cũng đã có những nhận xét tương tự. Có một điểm khá mới đó là Quách Tấn lúc này khẳng định rằng thơ Hàn Mặc Tử đã có sự chuyển đổi từ lãng mạn, tượng trưng đến siêu thực qua các tập thơ. Điều này trước đó Hoài Thanh và Trần Thanh Mại chỉ nhận định mơ hồ. Ghi lại những ngày tháng cuối đời của Hàn Mặc Tử, Quách Tấn không dùng giọng điệu bi thương nhưng nỗi buồn vẫn lan tỏa. Đặc biệt trong bài viết này, Quách Tấn đã gợi mở ra không khí tiếp nhận thơ Hàn Mặc Tử trước và sau khi chàng qua đời. Trước đó, thơ Hàn Mặc Tử được giới trẻ hoan nghênh nhưng vẫn chưa có nhiều người nghiên cứu. Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, nhờ công lao của những người bạn thân hữu mà đặc biệt là Trọng Miên, Chế Lan Viên sau khi đăng một loạt bài trên báo Người mới đã làm dậy lên không khí đọc và bình thơ Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử trở thành một hiện tượng gây chú ý nhất trong giới nghiên cứu lúc bấy giờ. Thêm vào đó, công trình Ảnh hưởng của đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử của Quách Tấn đã giải mã thêm một khía cạnh trong thơ Hàn Mặc Tử, đó là yếu tố tâm linh tôn giáo. Quách Tấn cho rằng "trong tâm hồn Tử, không có những bức thành kiên cố ngăn cách tôn giáo của mình và tôn giáo của người, nhất là đối với Phật giáo. Vì không có những bức thành kiên cố ngăn cách giữa tôn giáo mình và tôn giáo người, nên Tử đã đi tìm nguồn cảm hứng trong Đạo Bồ Đề. Và mặc dù tự xưng mình là "Thi sĩ của đạo quân Thánh Giá", Tử vẫn không ngần ngại đem những từ ngữ, những hình ảnh của Phật giáo và dùng trong văn thơ mình, dùng cả vào trong những bài có tinh thần Thiên Chúa giáo nhiều nhất. Như bài Thánh Nữ Đồng Trinh là một" [2]. Sự hòa quyện giữa Phật giáo và Thiên Chúa giáo trong một hồn thơ, thậm chí là trong một bài thơ là điều hiếm gặp xưa nay. Đây có thể coi là điểm khác lạ của Hàn Mặc Tử mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra. Cũng nghiên cứu ảnh hưởng của Đạo trong thơ Tử, Đặng Tiến với bài Đức tin trong nguồn thơ Hàn Mặc Tử, Võ Long Tê với bài Kinh nghiệm thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mặc Tử đã làm rõ thêm mạch sáng tạo của Hàn Mặc Tử, là nhờ có nguồn đạo tưới mát tâm hồn. Trong bài viết của Đặng Tiến, xu hướng nghiên cứu đã manh nha tập trung vào cách đọc, vì vậy mà ông đã khái quát lại toàn cảnh những thẩm bình từ trước tới nay về nguồn Đạo trong thơ Hàn Mặc Tử, sau đó đưa ra ý kiến riêng của mình. Đặng Tiến đã dẫn dụ rất nhiều thơ ca để chứng minh nguồn Đạo tác động mạnh đến thơ ca của Hàn Mặc Tử như thế nào. Ông không đồng tình với ý kiến của Quách Tấn khi cho rằng yếu tố Phật giáo có phần đậm màu hơn Thiên Chúa giáo trong thơ Hàn Mặc Tử. Và theo ý kiến của ông: "Đối với Hàn Mặc Tử, Thơ là Đạo và Đạo là Thơ, Thơ đã đạt tới Đạo và Đạo để đi tới Thơ, hoặc như Hoài Thanh đã nhận xét chí lý "Thơ chẳng những ca tụng Thượng Đế mà cũng để nối liền người ta với Thượng Đế"" [3]. Đặng Tiến phân tích thêm: "Nếu Gái quê,... là thế giới đợi chờ Điềm Lạ, đợi chờ Chúa Ra đời thì Đau thương là một tâm hồn mong mỏi Ngày Chúa trở lại" [3]. Ông làm rõ thêm bằng những dẫn chứng từ lời của Linh mục Charles Journet và sứ đồ Saint Paul. Điều này cho thấy Đặng Tiến cực kỳ thông hiểu về Thiên Chúa giáo và chuyên tâm nghiên
  4. HÀN MẶC TỬ VÀ BÍCH KHÊ TRONG QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC... 315 cứu thơ Hàn Mặc Tử để phát hiện ra những điềm lạ mà từ trước tới giờ chưa ai làm được. Bằng giọng chân thành, Đặng Tiến đã viết: "Tôi thành thật nghĩ rằng Hàn Mặc Tử đã bình an được trong Đau Thương – một hoàn cảnh thể xác, vật chất và tinh thần làm chúng ta rùng mình – là nhờ huyền nhiệm đó, nhờ sức mạnh của xác tín. Có lẽ xác tín đó, cộng với bệnh trạng, đã tạo một linh thị cho nhà thơ" [3]. Trong hoàn cảnh cả thể xác và linh hồn đều đang chao đảo thì việc tìm thấy một nguồn xác tín để dựa vào là điều cần thiết đối với Hàn Mặc Tử. Nhờ đó mà chàng vượt qua được nỗi đau và ngày càng bình thản hơn. Niềm tin vào nguồn Đạo chính là cứu cánh cho một con người sắp tàn hơi thở. Trong bài nghiên cứu của Võ Long Tê cũng phân tích, lý giải đức tin trong nguồn thơ Hàn Mặc Tử, tuy là không sâu sắc như bài nghiên cứu của Đặng Tiến nhưng cũng góp phần bổ sung làm rõ thêm vấn đề. Võ Long Tê khẳng định: "Những đau khổ mênh mông của nhà thơ nhập vào khuôn khổ nhiệm cục Thiên Chúa, đôi lúc ánh sáng của nhiệm cục lóe sáng dưới sức thúc đẩy của ân sủng và gợi hứng cho nhà thơ sáng tác nhiều thi phẩm đậm chất huyền bí tạo nên niềm xúc động" [4]. Ánh sáng của đức tin kết hợp lại với đau thương đã thành sáng tạo, nhưng Hàn Mặc Tử không bị trôi đi trong nỗi đau mà đã được niềm tin nâng đỡ - dù chỉ là nâng đỡ trong tâm hồn. Ở các bài nghiên cứu khác, các nhà phê bình cũng đã tập trung vào tác phẩm của Hàn Mặc Tử. Nguyễn Kim Chương trong bài viết Hàn Mặc Tử đau thương và sáng tạo nhìn nhận đau thương chính là động lực sáng tạo của Hàn Mặc Tử, "đau thương đã làm lớn dậy con người của Tử và làm cho nhà thơ sống mãi trong lòng những người yêu thơ" [5]. Nhà nghiên cứu Huỳnh Phan Anh trong bài viết Hàn Mặc Tử hay là hiện hữu của thơ đã lý giải thơ Hàn Mặc Tử dựa trên kinh nghiệm thẩm mỹ. Thơ Hàn Mặc Tử chính là "kinh nghiệm đau thương", "kinh nghiệm hư vô” [6]. Ông cho rằng, trong nghiên cứu văn học, cụ thể là thơ mà đặc biệt là thơ Hàn Mặc Tử thì việc đưa chú giải học vào là hoàn toàn giết chết ý đồ tác giả và ý nghĩa tác phẩm, bởi "Hàn Mặc Tử thuộc những thi sĩ mà tác phẩm tự nó chối từ chú giải: Nó đã là lời chú giải cho chính nó" [6]. Một số bài viết khác của các nhà nghiên cứu đi vào nghiên cứu các cấp độ hình tượng thơ và ngôn ngữ như Nguyễn Tấn Long, Phạm Đán Bình, Huy Trâm, Phạm Công Thiện... Giai đoạn trước, một số nhà nghiên cứu đã đề cập đến ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử như là một tín hiệu đặc biệt. Trong nghiên cứu ở miền Nam giai đoạn này, Huy Trâm trong bài viết Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại cho rằng: "Hàn Mặc Tử có lối làm thơ dễ dàng tự nhiên như thế. Nói theo kỹ thuật, ông ưa viết buông, nghĩa là lòng nghĩ sao thì hạ bút viết vậy. Có người chê là Hàn Mặc Tử viết "văng mạng", chữ dùng còn sống, kém tác dụng. Tôi lại cho rằng chính những lúc ông viết buông, hồn thơ thường lảng vảng quanh ngòi bút" [7]. Như vậy, theo Huy Trâm thì ngôn ngữ là công cụ để nâng hồn thơ Tử lên cao, ngôn ngữ càng "buông" thì hồn thơ càng bay bổng. Thực tế, Hàn Mặc Tử có rất nhiều giây phút xuất thần như những câu sau trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ: Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay? Trong bài viết Một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình Hàn Mặc Tử, Phạm Công Thiện cho rằng: "Chỉ có thi sĩ mới sống trước, sống tận bản thân tất cả những khả tính sắp hiện của vận mệnh dân tộc mình. Vận mệnh của Hàn Mặc Tử đã báo trước vận mệnh của Việt Nam. Thơ của Hàn Mặc Tử đã báo động cái gì rạn vỡ trong không khí quê hương. Không phải chỉ làm thơ với những danh từ và động từ chính trị là mới nói được con đường đi của dân tộc. Nhiều khi nói ngược lại hay nói những cái gì khác, như dùng những tiếng kỳ cục như thượng thanh khí, vỡ lở, trăng, châu lệ, đê mê, hoa bắp lay, cứng tợ si, chưa bưa, dại khờ, gánh máu đi trong tuyết, bời bời ruột gan, ớn lạnh, vân vân. Nhiều khi ăn nói thê thảm điên dại như Hàn Mặc Tử mà lại trỏ ngón tay vào đúng trái tim đen của vận mệnh Việt Nam và mở ra một hướng đi khác cho sử linh tư tưởng (chữ của Hàn Mặc Tử). Người hiểu được thì hiểu ngay lập tức, không hiểu được thì vẫn không hiểu được. Định mệnh tàn khốc, nhưng có thực, giống như cơn bệnh hủi chỉ là
  5. 316 NGUYỄN MINH THƠM – HOÀNG THỊ HUẾ cơn bệnh tưởng tượng của mặt trời, do mặt trăng lường gạt" [8]. Khảo luận Kinh nghiệm thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mặc Tử của Võ Long Tê xem Hàn Mặc Tử là "nhà cách tân ngôn ngữ thơ". Để chứng minh cho nhận định trên, Võ Long Tê đi sâu vào ngôn ngữ thơ thích nghi với cảm hứng Công giáo của Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử đã gắn lớp ngôn ngữ này với tiếng Việt để làm lạ hóa ý thơ. Tác giả sử dụng những từ đặc biệt trong Thiên Chúa giáo lặp đi lặp lại trong nhiều bài thơ tạo ra nhiều ám gợi như: Phượng Trì, Tiên Tri, Phúc Âm, Thánh giá, Mẹ, Cha, Thánh Nữ, Nữ Đồng Trinh, Mẹ Sầu Bi... Võ Long Tê đã nhận định rằng: "Tôn trọng toàn vẹn các chân lý mặc khải của đạo Công giáo, tìm cách diễn tả các chân lý ấy theo tinh thần của tư tưởng và ngôn ngữ Việt Nam, đó là một công việc bao la phát sinh nhiều tổng - hợp - đề lạ lùng, xét ra đã được Giáo hội Công giáo khuyến khích vì lẽ cần phải hội nhập các giá trị Kitô giáo trong bối cảnh văn hóa của mỗi dân tộc" [4]. Hàn Mặc Tử còn tạo ra sự đặc biệt trong những bài thơ thiên về tôn giáo của mình bằng cách chen vào trong ý thơ những lớp từ thuộc về Phật giáo: Tôi ưa nhìn bắc đẩu rạng bình minh Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới... Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen. (Thánh nữ đồng trinh Maria) Đau thương đã tạo thành kinh nghiệm sáng tạo. Việc kết hợp ngôn ngữ đặc thù của hai tôn giáo trong một bài thơ là trường hợp xưa nay chưa từng có nhưng Hàn Mặc Tử đã làm được và nó đan lồng vào nhau một cách uyển chuyển, dùng bên này để nâng đỡ bên kia. Nói chung, so với giai đoạn trước thì thơ Hàn Mặc Tử giai đoạn này được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, cụ thể hơn chứ không còn là những nhận định chung chung nữa. 3. BÍCH KHÊ Giai đoạn này, thơ Bích Khê bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Thơ tình yêu lãng mạn với lời lẽ mượt mà, dễ dãi không còn thu hút bạn đọc miền Nam như trước nữa. Bạn đọc quan tâm hơn đến thơ Bích Khê bởi có quá nhiều mã thẩm mỹ chưa được giải đáp thỏa đáng. Đối với Bích Khê thì bạn đọc cũng nghiên cứu theo hai hướng: cuộc đời và thi ca, trong đó quan tâm đến thi ca nhiều hơn. Như đã giới thiệu ở trên, những nhà nghiên cứu miền Nam viết về Bích Khê lúc này bao gồm: Ngọc Sương, Tam Ích, Đinh Cường, Quách Tấn, Nguyễn Tấn Long, Phạm Hoài Việt, Lê Huy Oanh, Phạm Kim Thịnh... Người em Bích Khê của Ngọc Sương là những tình cảm ấp ủ bao nhiêu năm của người chị dành cho đứa em thứ chín của mình. Bài viết thuộc dạng hồi cố sự kiện trong cuộc đời Bích Khê từ nhỏ tới lớn, được viết theo lối tiểu sử, chủ yếu nói nhiều về con người và cuộc đời. Bích Khê sinh ra trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, có tài thơ ca. Vì vậy mà anh Ba của nhà thi sĩ tương lai đã được phát tiết từ rất sớm, mười hai tuổi đã biết làm thơ Đường luật khiến người lớn phải trầm trồ khen ngợi. Cũng như Hàn Mặc Tử, Bích Khê là chàng trai đa mang, giàu cảm xúc nhưng cuộc đời lại quá ngắn ngủi. Tất cả những gì say sưa nhất của tuổi trẻ Bích Khê đều gửi lại trong thơ. Những cảm xúc về tình đời, tình yêu, tình bạn không phô ra mà nằm khéo léo trong các tầng ý nghĩa của thơ Bích Khê. Theo lời của thi sĩ Ngọc Sương, bệnh trạng và tình cảm ảnh hưởng nhiều đến con người và thi ca của Bích Khê: bị người bạn chí thân phản bội, tình yêu tan vỡ, mắc phải căn bệnh hiểm nghèo... Tất cả làm cho Bích Khê mang vết thương lòng không thể chữa. Điểm đặc biệt trong cuộc đời Bích Khê, đó là chàng thi sĩ ấy thích "xê dịch". Trước đây, trong làng thơ Việt Nam có Tản Đà mang theo túi thơ đi khắp ba miền thì giai đoạn này có Bích Khê. Những nơi Bích Khê chọn làm điểm dừng đều là thắng
  6. HÀN MẶC TỬ VÀ BÍCH KHÊ TRONG QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC... 317 cảnh nhưng chàng không ở được lâu, chán núi non chàng lại tìm về với sông nước, chán cảnh bồng lai chàng lại tìm về cửa Phật. Những chuyến đi ấy đã giúp tâm hồn Bích Khê thư thái rất nhiều, đặc biệt càng làm cho thơ chàng trở nên ảo diệu hơn, lộng lẫy hơn bởi chàng đã mang tất cả cảnh đẹp đã gặp ngoài đời cũng như trong tưởng tượng kết thành thơ. Về tình bạn, Bích Khê đặc biệt yêu mến người bạn thơ là Hàn Mặc Tử. Tình cảm giữa Hàn Mặc Tử và Bích Khê thật khó giải thích, vượt khỏi mối quan hệ bạn thơ, còn khăng khít hơn cả tình bạn, đó là sự gặp gỡ và đồng điệu trong tâm hồn mà người này không cần người kia nói ra cũng có thể hiểu được. Bởi vậy mà sau ngày Hàn Mặc Tử mất, Bích Khê đã có một giấc mơ kỳ lạ và chàng đã viết lại với lời thơ rỉ máu: “Hai ta đều quạnh quẽ/Đứt ruột nhớ thương nhau/Nấn ná sẽ lìa nhau/Chiêm bao còn thấy nhau. ”(Hàn Mặc Tử). Cuộc đời Bích Khê cũng có vài ba mối tình ngang qua, nhưng tất cả đều không thành. Những cái tên: Song Châu, Ngọc Kiều trở thành nguồn cảm hứng cho thơ Bích Khê. Từ năm 1942 trở đi, bệnh của Bích Khê trở nặng, chàng luôn có dự cảm là mình sẽ chết vào mùa xuân. Và đến năm 1946, cuộc đời Bích Khê vĩnh viễn khép lại khi thơ chàng còn đang độ chín và tình còn đang đắm say. Ngọc Sương đã viết về Bích Khê bằng tất cả yêu thương của một người ruột thịt. Bài viết đã cung cấp những cứ liệu quan trọng, giúp giới nghiên cứu dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu đời và thơ Bích Khê. Quách Tấn sau này cũng có công trình nghiên cứu khá dày dặn về đời Bích Khê. Về cuộc đời Khê thì hầu như Quách Tấn diễn lại theo ý của Ngọc Sương, thêm vào đó, ông bắt đầu đi vào thế giới thơ Bích Khê, cố gắng giải mã những tín hiệu thẩm mỹ dựa trên kinh nghiệm thẩm mỹ của bản thân. Bàn về thơ Bích Khê, Quách Tấn nhận định: "Hàn Mặc Tử đi từ Thơ cũ sang Thơ mới, song có tập Gái quê làm nhịp cầu sang sông. Bích Khê nhảy từ thái cực này sang thái cực khác" [9]. Bích Khê đã từ thơ Đường luật mà chuyển hẳn sang Thơ mới một cách nhanh chóng. Tinh Huyết của Bích Khê khi mới ra đời bị gọi là "dâm thi" nhưng Quách Tấn không thấy thế bởi ông cho rằng, người có thể phơi tấm thân mình ra cho mọi người ngắm thì ắt hẳn con người ấy phải biết là mình cân đối và đòi hỏi người ngắm phải có đôi mắt tinh đời, thoát tục. Lần đầu tiên, Quách Tấn đưa ra những đánh giá về cái mới trong hình thức thơ Bích Khê. Bích Khê đã phá bỏ lối ngắt nhịp thông thường trong thơ mà sáng tạo ra lối mới: "biến nguyên hình thể tứ ngôn cũ nên thường cắt mạch ở giữa câu 8. Và chẳng những không tránh lối cắt mạch song phân, lắm lúc Khê còn dùng cho toàn bài là khác" [9]. Chẳng hạn: Ôi! Nắng vàng thơm/rung rinh điệu ngọc, Những cánh hồng đơm/những cánh hồng đơm Nhẹ nhàng, nhịp nhàng/thở đều trong sương (Nhạc) Thêm vào đó, Bích Khê có những bài thơ tạo thành từ toàn vần vằng, Quách Tấn gọi là lối thơ "bình thanh" như: Hoàng hoa, Tỳ bà, Nghê thường. Nói về tầm ảnh hưởng, Quách Tấn cho rằng Bích Khê chịu hai nguồn ảnh hưởng cả trong nước và ngoài nước. Bên ngoài, Bích Khê chịu ảnh hưởng của Baudelaire và Valéry, bên trong Bích Khê chịu ảnh hưởng lớn từ Hàn Mặc Tử và một phần của Chế Lan Viên. Quách Tấn dẫn chứng: "Trong thơ Tử có hồn và máu. Trong thơ Khê thỉnh thoảng cũng có máu có hồn. Tử có Lệ Kiều thì Khê có Ngọc Kiều. Tử có Tối tân hôn thì Khê cũng có Tân hôn. Tử say Trăng thì Khê cũng mê Trăng..." [9]. Tuy nhiên, không có sự ảnh hưởng nào là hoàn toàn, Bích Khê vẫn biết cách tạo dấu ấn riêng để không bị trộn lẫn với bất kỳ ai khác. Nhận xét về tập thơ Tinh hoa, Quách Tấn cho rằng "Tập Tinh Hoa rất có giá trị, giá trị cao hơn Tinh Huyết một bậc. Nếu sánh cùng sông, thì Tinh Huyết là dòng sông mùa lụt, láng lai cuộn cuộn, sông không thể giặt giải mũ của đám sĩ phu. Còn Tinh Hoa là dòng sông xuân, nước vừa thiếp bờ, dễ khiến khách mỹ nhân nghiêng mình cười nụ. Nếu sánh cùng hoa, thì Tinh Huyết là khóm thược dược mọc bên bờ ao vắng vẻ, hoa nhiều nhưng lá cây cũng nhiều. Còn Tinh Hoa là chậu hoa hồng có bàn tay săn sóc,
  7. 318 NGUYỄN MINH THƠM – HOÀNG THỊ HUẾ nở thạnh nhưng không rườm rà. Nếu sánh cùng nam nhơn, thì Tinh Huyết là trai vừa lớn lên, sức sung khí hăng, lắm lúc muốn dời cả núi. Còn Tinh Hoa là con người "tam thập" tuổi đương xuân nhưng chuyện đời đã thấu rõ thiệt hơn. Nếu sánh cùng thục nữ, thì Tinh Huyết là gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu; còn Tinh Hoa là gái một con ngó mòn đôi mắt" [9]. Sự so sánh có phần hơi khiên cưỡng nhưng nhìn chung vẫn rất tinh tế và sâu sắc, chứng tỏ Quách Tấn đã bắt được cái thần khi nghiên cứu thơ Bích Khê. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng thơ Bích Khê mang tâm hồn của một người Á Đông. Trong bài nghiên cứu Nhân nhớ Bích Khê và đọc thơ Bích Khê bàn về thơ tượng trưng, Tam Ích nhấn mạnh thêm: Bích Khê "gần như không vay mượn của chân trời mới Âu tây một mẩu âm thanh nào”. Dấu ấn thơ tượng trưng là âm nhạc, nhưng âm nhạc trong thơ Bích Khê thì thuần túy Á Đông. Tam Ích còn đề cao thơ Đường luật của Bích Khê hơn cả thơ Bà Huyện Thanh Quan và Lê Thánh Tôn trước kia. Còn nói về Thơ mới của Bích Khê thì Tam Ích hết lời ca ngợi, ông so sánh tài năng của Bích Khê "ngàn năm mới có một thuở...", cũng giống như một thuở Truyện Kiều của Nguyễn Du, hay một thuở Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu... Nhấn mạnh thêm yếu tố âm nhạc trong thơ Bích Khê, bài viết Nhạc và họa trong thơ Bích Khê của Đinh Cường cũng chỉ ra được nét độc đáo trong thơ chàng. Đinh Cường nhận định: "Bích Khê coi nhạc điệu là yếu tố cần thiết trong việc truyền cảm. Bích Khê đã dùng những vần những tiếng có âm thanh phù hợp với ý để tạo ra một âm điệu thần tình" [10]. 4. KẾT LUẬN Như vậy, phê bình văn học miền Nam giai đoạn này đã góp thêm nhiều hướng tiếp cận mới, bổ sung thêm vào lịch sử nghiên cứu thơ Hàn Mặc Tử và Bích Khê, góp phần mở rộng thế giới nghệ thuật thơ hai ông. Bạn đọc lúc này đã có sự thống nhất hơn trong hướng tiếp nhận, hầu hết đều công nhận tài năng và giá trị lâu bền của thơ ca Hàn Mặc Tử, Bích Khê. Khác với phương pháp phê bình ấn tượng của giai đoạn trước chỉ đánh giá thơ dựa trên những cảm nhận chung chung, giai đoạn này, các nhà phê bình đã có sự phân định rõ hơn trên con đường nghiên cứu, bằng cái nhìn khách quan và mang tính học thuật. Những giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật của thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê đã được khẳng định và được minh chứng thuyết phục. Thông qua việc tái hiện diện mạo giá trị nghệ thuật thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê từ quan niệm của các nhà phê bình văn học miền Nam, khẳng định tầm quan trọng, sự chi phối của bối cảnh văn hóa, xã hội, "tầm đón đợi" của độc giả, trong tiếp nhận, mở rộng không gian thẩm mỹ của thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê. Khẳng định vai trò của người đọc trong nghiên cứu phê bình văn học, cho thấy lịch sử văn học còn là lịch sử của việc đọc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Quách Tấn (1959). "Đôi nét về Hàn Mặc Tử", Phổ thông, (25). [2] Quách Tấn (1969). "Ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử", Niềm thương, (13+14). [3] Đặng Tiến (1971). "Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử", Văn, (179). [4] Võ Long Tê (1972). "Kinh nghiệm thơ và hành trình tinh thần của Hàn Mặc Tử", in trong Hàn Mặc Tử tác phẩm và dư luận (Tôn Thảo Miên tuyển chọn), NXB Văn học, Hà Nội. [5] Nguyễn Kim Chương (1974). "Hàn Mặc Tử đau thương và sáng tạo", in trong Hàn Mặc Tử tác phẩm và dư luận (Tôn Thảo Miên tuyển chọn), NXB Văn học, Hà Nội. [6] Huỳnh Phan Anh (1967). "Hàn Mặc Tử hay là hiện hữu của thơ", in trong Hàn MặcTử tác phẩm và dư luận (Tôn Thảo Miên tuyển chọn), NXB Văn học, Hà Nội. [7] Huy Trâm (1969). Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933-1963), NXB Sáng. [8] Phạm Công Thiện (1971). "Một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình Hàn Mặc Tử", Văn, (179), Sài Gòn. [9] Quách Tấn (1971). Hồi ký, "Đời Bích Khê", Lửa thiêng xuất bản, Sài Gòn.
  8. HÀN MẶC TỬ VÀ BÍCH KHÊ TRONG QUAN NIỆM CỦA MỘT SỐ NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC... 319 [10] Đinh Cường (2003). "Nhạc và họa trong thơ Bích Khê", in trong 70 năm đọc thơ Bích Khê, NXB Thanh niên, Hà Nội. Title: HAN MAC TU AND BICH KHUE UNDER THE POINT OF VIEW OF LITERARY CRITICS IN THE SOUTH OF VIETNAM, PERIOD 1945 - 1975 Abstract: The approach of the literary critics in the South of Viet Nam, has recreated the appearance artistic value of poet of Han Mac Tu, Bich Khe from many different vision and affirmed the role of the readers in research, critics literature. From there, it shows the importance, the dominant context of cultural, social, aesthetic of reception of readers in contribute to the expansion of space aesthetic for works. Key words: literary critics in the South, poet of Han Mac Tu and Bich Khe, reader, reception, artistic value NGUYỄN MINH THƠM Học viên Cao học, chuyên ngành Văn học Việt Nam, khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế TS. HOÀNG THỊ HUẾ Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
8=>2