intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Hoàn thiện quy định của pháp luật về thành viên quỹ tín dụng nhân dân tại Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

13
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Hoàn thiện quy định của pháp luật về thành viên quỹ tín dụng nhân dân tại Việt Nam phân tích các quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật về thành viên QTDND; cụ thê, bài viết phân tích, bình luận sự bất cập, tính hợp lý, hợp pháp của các quy định về điều kiện trở thành thành viên QTDND, thẩm quyền kết nạp thành viên QTDND. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thành viên QTDND tại Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Hoàn thiện quy định của pháp luật về thành viên quỹ tín dụng nhân dân tại Việt Nam

  1. ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán 237 HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THÀNH VIÊN QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN TẠI VIỆT NAM Nguyễn Thị Dịu Hiền - Nguyễn Võ Tuyết Trinh Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên Tóm tắt Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) là tổ chức tín dụng được thành lập dưới hình thức hợp tác xã (HTX) nhằm thực hiện hoạt động ngân hàng. Về nguyên tắc, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân phải là thành viên. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về thành viên quỹ tín dụng nhân dân hiện nay có nhiều bất cập, chưa thống nhất với các quy định khác có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam; dẫn đến trên thực tế, các QTDND gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Bài viết phân tích các quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật về thành viên QTDND; cụ thể, bài viết phân tích, bình luận sự bất cập, tính hợp lý, hợp pháp của các quy định về điều kiện trở thành thành viên QTDND, thẩm quyền kết nạp thành viên QTDND. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thành viên QTDND tại Việt Nam. Từ khoá: điều kiện trở thành thành viên, thẩm quyền kết nạp thành viên, quỹ tín dụng nhân dân. COMPLETE LAW PROVISIONS ON PEOPLE'S CREDIT FUND MEMBERS IN VIETNAM Abstract People's Credit Fund (PCF) is a credit institution established in the form of a cooperative to carry out banking activities. In principle, customers of people's credit funds must be members. However, the current provisions of the law on members of people's credit funds have many shortcomings and are not consistent with other relevant regulations in the Vietnamese legal system; in fact, PCFs face many difficulties in operation. The article analyzes the legal provisions as well as the practical application of the law on members of the People's Credit Fund; in particular, the article analyzes and comments on inadequacies, rationality and legitimacy of the regulations on conditions for becoming members of the People's Credit Fund, the authority to admit members of the People's Credit Fund. From there, the authors propose some recommendations to improve the legal provisions on members of the People's Credit Fund in Vietnam. Keywords: conditions for becoming a member, authority to admit members, people's credit fund.
  2. 238 ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán 1. Phân tích các quy định của pháp luật về thành viên QTDND tại Việt Nam Khoản 6 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định “Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống”. Theo đó, về khía cạnh pháp lý, việc tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân, chịu sự điều chỉnh chủ yếu của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Hợp tác xã và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, việc tổ chức và hoạt động của QTDND chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017; Luật Hợp tác xã 2012; Thông tư 04/VBHN-NHNN ngày 17 tháng 7 năm 2017, quy định về QTDND và một số văn bản khác có liên quan. Đặc biệt, từ ngày 01 tháng 01 năm 2020, việc tổ chức và hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân còn chịu sự điều chỉnh bởi Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14 tháng 11 năm 2019, sửa đổi bổ sung một số điều của các thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, QTDND và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống của QTDND (Thông tư 21/2019/TT-NHNN). 1.1. Chủ thể có quyền tham gia vào QTDND với tư cách thành viên 1.1.1. Điều kiện trở thành thành viên QTDND Căn cứ vào điểm 2 Điều 3 Thông Tư 04/2015/TT-NHNN ngày 31/03/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về QTDND thì: “Thành viên quỹ tín dụng nhân dân là cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư này và tán thành Điều lệ, tự nguyện tham gia góp vốn thành lập QTDND”. Theo đó, có thể thấy đối tượng có thể trở thành thành viên sẽ bao gồm: cá nhân; hộ gia đình (là tập hợp một gia đình có cùng quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, hôn nhân); pháp nhân (là một tổ chức khi đáp ứng các điều kiện: được thành lập theo quy định của pháp luật, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản độc lập đó, nhân danh mình tham gia vào quan hệ pháp luật một cách độc lập). Khi đó, tùy vào các đối tượng khác nhau sẽ có các điều kiện khác nhau. Tại Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN một phần được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 17 Điều 2 Thông tư 21/2019/TT-NHNN điều kiện để trở thành thành viên QTDND được quy định cụ thể như sau: Đối với cá nhân thì phải thỏa mãn đồng thời điều kiện cơ bản và điều kiện tiên quyết. Đối với điều kiện cơ bản bao gồm: a) Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thường trú hoặc đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp đăng ký tạm trú, cá nhân phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này; b) Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các tổ chức, cơ quan có trụ sở chính đóng trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Thành viên của quỹ tín dụng nhân dân là cán bộ, công chức, viên chức không được giữ các chức
  3. ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán 239 danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị; Trưởng Ban và thành viên Ban kiểm soát; Giám đốc, Phó giám đốc; Kế toán trưởng và các chức danh chuyên môn nghiệp vụ trừ trường hợp được chỉ định theo quy định tại khoản 4 Điều 20 và khoản 4 Điều 24 Thông tư này. Còn về điều kiện tiên quyết thì cá nhân đó không thuộc các đối tượng sau đây: i) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang phải chấp hành bản án, quyết định về hình sự của tòa án; người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích; ii) Cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở những ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; iii) Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Đối với hộ gia đình thì phải: a) Là hộ gia đình có các thành viên thường trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; các thành viên trong hộ có chung tài sản để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình; b) Người đại diện của hộ gia đình phải được các thành viên của hộ gia đình ủy quyền đại diện bằng văn bản theo quy định của pháp luật và phải đảm bảo các điều kiện như đối với cá nhân. Đối với pháp nhân thì phải: a) Là pháp nhân (trừ Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện) đang hoạt động bình thường và có trụ sở chính đặt tại địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; b) Người ký đơn đề nghị tham gia góp vốn quỹ tín dụng nhân dân phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân khác của pháp nhân làm đại diện tham gia quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh những điều kiện cụ thể cho từng đối tượng khác nhau nêu trên thì để trở thành thành viên QTDND, họ phải có đơn tự nguyện tham gia thành viên QTDND, tán thành Điều lệ và góp đủ vốn góp theo quy định. Căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Thông tư 04/2015/TT-NHNN được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 15 Điều 2 Thông tư 21/2019/TT-NHNN thì vốn góp của thành viên bao gồm vốn góp xác lập tư cách thành viên và vốn góp bổ sung. Theo đó: a) Mức vốn góp xác lập tư cách thành viên được quy định tại Điều lệ QTDND, tối thiểu là 300.000 đồng; và b) Mức vốn góp bổ sung của thành viên QTDND thực hiện theo quy định tại Điều lệ của QTDND. Ngoài ra, điều kiện cuối cùng để trở thành thành viên của QTDND đó là các đối tượng có thể trở thành thành viên QTDND chỉ được tham gia là thành viên của 01 (một) QTDND. 1.1.2. Bất cập về điều kiện trở thành thành viên QTDND Trên cơ sở của các quy định pháp luật về điều kiện trở thành thành viên QTDND, nhóm tác giả nhận thấy một số bất cập liên quan đến vấn đề này như sau: Một là, cá nhân muốn trở thành thành viên QTDND thì điều kiện đầu tiên, phải là công dân Việt Nam. Quy định này là chưa thống nhất với các quy định khác có liên quan. Cụ thể, theo Điều 13 Luật Hợp tác xã 2012, thành viên hợp tác xã, ngoài công dân Việt Nam, có thể là người nước ngoài nếu cư trú hợp pháp tại Việt Nam và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không có sự phân biệt giữa cá nhân là
  4. 240 ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán công dân Việt Nam và cá nhân là người nước ngoài trong việc thành lập và quản lý doanh nghiệp. Nghĩa là, người nước ngoài cư trú hợp pháp và đáp ứng một số điều kiện nhất định thì được tiến hành hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật. Người thực hiện hoạt động kinh doanh thường có nhu cầu lớn về vốn. Do vậy, người nước ngoài sẽ tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn khi trở thành thành viên QTDND. Hai là, quy định người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích không được tham gia QTDND với tư cách thành viên là chưa thực sự phù hợp. Quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm được Hiến Pháp Việt Nam ghi nhận. Theo đó, chỉ có Tòa án (Hội đồng xét xử trong vụ án hình sự hay Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản) là cơ quan duy nhất có quyền quyết định cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định (hay không được quyền thành lập doanh nghiệp, HTX, làm người quản lý doanh nghiệp). Quyền tham gia QTDND với tư cách là thành viên khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật là biểu hiện cụ thể của quyền tự do kinh doanh. Do đó, nếu không có quyết định của Tòa án về việc cấm một người tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp, HTX, thì không thể cấm người đó tham gia QTDND với tư cách là thành viên, quy định của Thông tư số 04/2015/TT-NHNN là thiếu nhất quán với quy định của Bộ Luật Hình sự (Đỗ Mạnh Phương, 2019). Ba là, không cho phép cán bộ, công chức làm việc ở những ngành, nghề có liên quan đến bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật trở thành viên của QTDND là không thống nhất với tinh thần chung của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Cán bộ công chức 2008 và Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 chỉ cấm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước. Việc cấm các chủ thể này tham gia QTDND với tư cách thành viên là nhằm tránh tình trạng các chủ thể này lợi dụng để làm lợi cho QTDND và bản thân. Tuy nhiên, để có thể làm lợi cho QTDND và bản thân chỉ có thể là những cán bộ công chức có thẩm quyền quản lý ở lĩnh vực ngân hàng. Bốn là, hạn chế quyền tham gia QTDND với tư cách thành viên của sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân là chưa thống nhất với pháp luật doanh nghiệp. Theo Luật Doanh nghiệp 2020, quyền thành lập, quản lý và góp vốn, mua cổ phần của chủ thể này được quy định tương tự như cán bộ, công chức. Theo đó, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp chỉ bị cấm thành lập, quản lý doanh nghiệp mà không bị cấm góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn, tiền lương và thu nhập của sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp còn thấp. Thêm nữa, chủ thể này không phải là những người có thẩm quyền quản lý đối với QTDND hay nắm giữ những bí mật liên quan đến tổ chức và hoạt động của QTDND để có thể lợi dụng, trục lợi cho cá nhân hay QTDND nếu họ là thành viên QTDND. Do vậy, quy định của Luật doanh nghiệp 2020 về vấn đề này là phù hợp hơn.
  5. ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán 241 Như vậy, theo phân tích trên, phần lớn các bất cập của quy định pháp luật liên quan đến việc trở thành thành viên QTDND, là do chưa có sự thống nhất của các quy định này với các quy định khác có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam. 1.2. Thẩm quyền kết nạp thành viên QTDND 1.2.1. Quy định của pháp luật về thẩm quyền kết nạp thành viên QTDND Như đã trình bày ở trên, QTDND là loại hình tổ chức tín dụng theo hình thức HTX. Theo đó, ở thời điểm hiện tại, tổ chức và hoạt động của QTDND được thực hiện theo Luật Hợp tác xã 2012, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và văn bản có liên quan khác. Về thẩm quyền kết nạp thành viên của QTDND, khoản 7 Điều 36 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị “Kết nạp thành viên mới, giải quyết việc chấm dứt tư cách thành viên được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 của Luật này và báo cáo Đại hội thành viên”; khoản 7 Điều 82 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của hội động quản trị “Xét kết nạp thành viên mới và giải quyết việc thành viên xin ra, trừ trường hợp khai trừ thành viên và báo cáo để Đại hội thành viên thông qua”; điểm đ khoản 3 Điều 80 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định về thẩm quyền của Đại hội thành viên “Thông qua danh sách kết nạp thành viên mới và cho thành viên ra khỏi ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo đề nghị của Hội đồng quản trị; quyết định khai trừ thành viên”. Cụ thể, căn cứ các quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 04/2015/TT-NHNN, khoản 2 Điều 80 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và khoản 15 Điều 2 Thông tư 21/2019/TT-NHNN; nhóm tác giả khái quát quy trình kết nạp thành viên QTDND như sau: Bước 1: Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có nhu cầu tham gia QTDND với tư cách thành viên nộp đơn thể hiện sự tự nguyện tham gia QTDND. Bước 2: Hội đồng quản trị thẩm định điều kiện, lập danh sách thành viên xin tham gia và báo cáo với Đại hội thành viên. Bước 3: Đại hội thành viên thông qua danh sách thành viên. Sau khi Đại hội thành viên thông qua danh sách kết nạp thành viên mới, QTDND phát hành Thẻ thành viên theo mẫu do Ngân hàng HTX hướng dẫn cho thành viên mới. Tóm lại, theo Luật Hợp tác xã 2012, Hội đồng quản trị có thẩm quyền kết nạp thành viên và báo cáo Đại hội thành viên. Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì Hội đồng quản trị có thẩm quyền xét kết nạp thành viên, Đại hội thành viên có thẩm quyền thông qua danh sách kết nạp thành viên. Có thể hiểu rằng, vấn đề thẩm quyền kết nạp thành viên, Luật hợp tác xã 2012 quy định kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị, sau khi kết nạp thành viên, Hội đồng quản trị báo cáo với Đại hội thành viên. Còn Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định Hội đồng quản trị xem xét, thẩm định điều kiện của các cá nhân, tổ chức xin tham gia là thành viên của quỹ tín dụng nhân dân, sau đó trình danh sách thành viên để Đại hội thành viên thông qua. Xét về nghĩa tiếng Việt, thông qua một vấn đề có nghĩa là đồng ý
  6. 242 ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán chấp nhận vấn đề đó sau khi đã xem xét, thảo luận (Hoàng Long&Gia Huy, 2008). Suy ra, kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên. Với những phân tích trên, cùng một vấn đề về thẩm quyền kết nạp thành viên được quy định khác nhau ở hai văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Luật hợp tác xã 2012 quy định kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị; Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên. 1.2.2. Tính hợp lý và hợp pháp của các quy định pháp luật về thẩm quyền kết nạp thành viên QTDND Theo ý kiến của nhóm tác giả, quy định kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị đều đáp ứng hai thuộc tính hợp lý và hợp pháp. Quy định này hợp lý là vì cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay vốn tại QTDND khi họ thực sự gặp khó khăn về mặt tài chính hoặc cần giải quyết những vấn đề khẩn cấp. Điều kiện tiên quyết khi muốn vay vốn tại QTDND là trở thành thành viên của QTDND. Với số lượng thành viên từ 3 đến 15 người, cùng chức năng quản lý, quản trị hoạt động của QTDND; Hội đồng quản trị có thể họp và ra quyết định nhanh về việc kết nạp thành viên mới. Quy định kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị là hợp pháp vì, nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015: “2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. 3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Quy định trên được hiểu, một vấn đề nhưng các văn bản quy phạm pháp luật quy định khác nhau thì; nguyên tắc thứ nhất, áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; nguyên tắc thứ hai, nếu các văn bản cùng hiệu lực pháp lý thì áp dụng văn bản được ban hành sau. Trở lại vấn đề thẩm quyền kết nạp thành viên, xét về mặt hiệu pháp lý, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật Hợp tác xã 2012 đều do Quốc hội ban hành nên cùng hiệu lực pháp lý. Xét về mặt thời gian ban hành, Luật Hợp tác xã được ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2012, Luật Các tổ chức tín dụng được ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2010. Căn cứ quy định tại khoản 3 điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, vấn đề thẩm quyền kết nạp thành viên của QTDND áp dụng quy định của Luật Hợp tác xã 2012. Quy định kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên là hợp pháp nhưng bất hợp lý. Quy định này hợp pháp là vì, khoản 2 điều 3 của Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng thì
  7. ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán 243 áp dụng theo quy định của Luật này”. Tức là, cùng một vấn đề, nếu có sự khác nhau giữa Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và luật khác thì áp dụng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2010. Tuy nhiên, quy định kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên là bất hợp lý. Vì như đã trình bày ở trên; cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay vốn tại QTDND khi họ thực sự gặp khó khăn về mặt tài chính, muốn là khách hàng của QTDND thì cá nhân, tổ chức phải là thành viên. Trong khi đó, Đại hội thành viên họp thường niên 01 lần/năm, có thể hợp bất thường nhưng điều kiện họp bất thường rất khắt khe; dẫn đến, thời gian kết nạp thành viên mới rất dài. Cá nhân, tổ chức mong muốn là thành viên của QTDND vì đang rất cần vốn, nhưng thời gian giải quyết việc trở thành thành viên dài nên cá nhân, tổ chức sẽ tìm giải pháp tài chính khác. Nghĩa là, đối với quy định kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên thì QTDND sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể hoạt động vì không có khách hàng (Nguyễn Thị Dịu Hiền, 2020). 2. Thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về thành viên QTDND Trên thực tế, nhiều trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các QTDND gặp khó khăn khi triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về thành viên QTDND. Cụ thể: Thứ nhất, về chủ thể có quyền tham gia QTDND với tư cách thành viên. Thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về vấn đề này có một số vấn đề sau: Một là, thiếu quy định chuyển tiếp để xử lý đối với các trường hợp không có tư cách pháp nhân, nhưng đã tham gia QTDND với tư cách thành viên trước thời điểm Thông tư 04/2015/TT-NHNN có hiệu lực. Như đã trình bày ở phần 1.1.1, chủ thể có quyền tham gia QTDND với tư cách thành viên theo Thông tư 04/2015/TT-NHNN bao gồm: cá nhân, hộ gia đình và pháp nhân. Trong khi trước đó, cùng điều chỉnh về vấn đề này, Thông tư 08/2005/TT- NHNN quy định, thành viên QTDND có thể là: cá nhân; hộ gia đình; các tổ chức, cơ quan (trừ quỹ xã hội, quỹ từ thiện) là pháp nhân và không phải là pháp nhân; tổ hợp tác; công ty hợp danh. Việc Thông tư 04/2015/TT-NHNN đã giới hạn chủ thể tham gia QTDND, nhưng không có quy định chuyển tiếp đã gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các QTDND trong việc xử lý đối với các trường hợp đã là thành viên của QTDND và không có tư cách pháp nhân (tổ hợp tác và tổ chức cơ quan không có tư cách pháp nhân). Hai là, việc ghi nhận hộ gia đình có thể tham gia QTDND với tư cách thành viên đã và đang gây ra nhiều khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Về nguyên tắc, khách hàng chủ yếu của QTDND là thành viên của QTDND. Tức là, hộ gia đình được quyền vay vốn tại QTDND. Tuy nhiên, Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, thì khách hàng của tổ chức tín dụng chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Do vậy, trên thực tế, các QTDND gặp khó khăn trong việc xác định chủ thể trên hợp đồng, trách nhiệm của các thành viên hộ gia đình khi chủ thể vay vốn là hộ gia đình (Nguyễn Thị Dịu Hiền, 2019).
  8. 244 ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán Ba là, về vấn đề cho phép cá nhân đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của QTDND có quyền tham gia QTDND với tư cách thành viên. Vấn đề này được thay đổi lần lượt, Thông tư 08/2005/TT-NHNN quy định một trong các điều kiện để cá nhân có thể tham gia QTDND với tư cách thành viên là “… cư trú, làm việc hoặc sản xuất kinh doanh hợp pháp trên địa bàn hoạt động của Quỹ tín dụng cở sở”. Lúc này, xuất hiện “tình trạng một số người cư trú ở một số địa phương nhưng lại mang tiền đến địa phương khác thành lập QTDND để tranh thủ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã này nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, thậm chí có trường hợp cùng lúc góp vốn thành lập nhiều QTDND ở nhiều địa phương khác nhau”, do đó, Thông tư 04/2015/TT-NHNN siết chặt quy định về vấn đề này là “có hộ khẩu” và “thường trú”. Tức là, Thông tư 04/2015/TT-NHNN không cho phép cá nhân đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của QTDND có quyền tham gia QTDND với tư cách thành viên. Sự thay đổi của quy định này đã tác động đến tình hình tổng số QTDND, tổng số thành viên của hệ thống QTDND và số lượng thành viên trung bình của một QTDND qua các năm 2015 đến 2020. Số liệu cụ thể như sau: Tiêu chí Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 Tổng số QTDND 1148 1175 1177 1183 1182 1181 Tổng số thành 2.004.210 1.746.308 1.769.784 1.781.453 1.711.618 1.680.976 viên QTDND Số lượng thành viên 1745 1486 1503 1505 1448 1423 trung bình của một QTDND Nguồn: Báo cáo kết quả của hoạt động QTDND qua các năm từ 2015 đến 2020. Số liệu trên cho thấy, quy định “siết chặt” về điều kiện “có hộ khẩu và thường trú” của Thông tư 04/2015/TT-NHNN đã làm giảm đáng kể số lượng thành viên QTDND, mặc dù số lượng QTDND tăng đều theo các năm từ 2015 đến 2018. Vấn đề đặt ra là, khách hàng của QTDND chính là thành viên QTDND, giảm thành viên cũng đồng nghĩa giảm khách hàng. Xuất phát từ thực tế này, Thông tư 21/2019/TT-NHNN lại “nới lỏng” điều kiện, cho phép cá nhân “… đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của QTDND” và “có hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động của QTDND và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này” được quyền tham QTDND với tư cách thành viên. Có quan điểm cho rằng, quy định này của Thông tư 21/2019/TT-NHNN là không phù hợp, thể hiện tư duy dễ dãi và tình trạng một số người cư trú ở một số địa phương nhưng lại mang tiền đến địa phương khác thành lập QTDND (Đỗ Mạnh Phương, 2020). Nhóm tác giả không đồng ý với quan điểm này; theo quan điểm của nhóm tác giả, quy định này của Thông tư 21/2019/TT-NHNN là hợp lý. Bởi vì, (i) số liệu năm 2020 cho thấy, sau 01 năm Thông tư 21/12019/TT-NHNN có hiệu lực, số lượng thành viên QTDND không
  9. ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán 245 tăng, thậm chí còn giảm; (ii) so với quy định của Thông tư 08/2005/TT-NHNN, quy định của Thông tư 21/2019/TT-NHNN về vấn đề này là chặt chẽ hơn. Với quy định của Thông tư 21/2019/TT-NHNN, các QTDND phải lựa chọn các cá nhân có công việc ổn định (làm việc, sản xuất, kinh doanh) và các cá nhân này có khả năng chứng minh (các giấy tờ, văn bản xác nhận hoặc hợp đồng lao động….) có các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc là người lao động trên địa bàn. (iii) quy định này của Thông tư 21/2019/TT-NHNN làm tăng khả năng hỗ trợ người có nhu cầu vay vốn trên địa bàn hoạt động của QTDND nhưng không có hộ khẩu thường trú; có nghĩa là, quy định này phù hợp với mục tiêu “hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên”. Thứ hai, về thẩm quyền kết nạp thành viên QTDND. Như phân tích ở mục 1.2, Thông tư 21/2019/TT-NHNN quy định thẩm quyền kết nạp thành viên QTDND thuộc về Đại hội thành viên. Quy định này đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động của QTDND khi triển khai áp dụng trên thực tiễn. Đứng trước thực tế này, QTDND Vân Diên đã gửi công văn kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước cho phép Hội đồng quản trị kết nạp thành viên và chỉ báo cáo lại Đại hội thành viên. Tuy nhiên, theo công văn số 2636/TTGSNH5 ngày 04 tháng 7 năm 2019 của cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng về việc xử lý kiến nghị liên quan đến hoạt động của QTDND, Thanh tra Giám sát ngân hàng khẳng định việc xác lập tư cách thành viên phải được Đại hội thành viên thông qua. Căn cứ theo công văn 2636/TTGSNH5, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh thành phố đã quán triệt các QTDND không được cho vay các thành viên mới khi chưa được Đại hội thành viên thông qua. Cũng theo những phân tích ở phần trên, việc Thanh tra Giám sát ngân hàng cho rằng kết nạp thành viên thuộc thẩm quyền của Đại hội thành viên là có cơ sở pháp lý. Nhưng rõ ràng, việc này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng kết nạp thành viên, gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các QTDND. 3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thành viên QTDND tại Việt Nam Theo Quyết định 209/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, mục II.1 về mục tiêu tổng quát: “Nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của thành viên QTDND, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp - nông thôn, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các HTX”. Để đạt mục tiêu này, căn cứ từ những phân tích ở các phần trên, nhóm tác giả có các kiến nghị sau: Thứ nhất, về điều kiện tham gia QTDND, nhóm tác gỉả đề xuất sửa đổi quy định hiện hành theo hướng: Một là, cho phép người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có thể trở thành thành viên QTDND. Điều kiện cụ thể, người nước ngoài phải: (i) cư trú hợp pháp trên địa bàn
  10. 246 ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán hoạt động của QTDND; (ii) có hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động của QTDND và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này. Hai là, không cho phép hộ gia đình tham gia QTDND với tư cách thành viên. Các quy định pháp luật có liên quan đến hộ gia đình chưa rõ ràng và cụ thể về các tiêu chí xác định thành viên, người đại diện, tài sản của hộ gia đình. Do đó, khi hộ gia đình là thành viên QTDND đã phát sinh nhiều bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Ba là, cho phép các chủ thể sau được quyền tham gia QTDND với tư cách thành viên; đó là: (i) người người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích; (ii) cán bộ, công chức làm việc ở những ngành, nghề có liên quan đến bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật; (iii) sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân. Bốn là, bổ sung các quy định cấm tham gia QTDND với tư cách thành viên đối với: (i) người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu NHNN Việt Nam và bố, mẹ, vợ (chồng), con của những người đó; người đứng đầu cấp phó của người đứng đầu các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của NHNN và bố, mẹ, vợ (chồng), con của những người đó; (ii) người đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm một công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án. Thứ hai, về thẩm quyền kết nạp thành viên, nhóm tác giả kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng quy định thẩm quyền kết nạp thành viên của QTDND thuộc Hội đồng quản trị. Quy định này, một mặt, tạo ra sự thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành về tổ chức và hoạt động của QTDND; mặt khác giúp các QTDND dễ dàng tiếp cận khách hàng, từ đó hoạt động ổn định và ngày càng phát triển. 4. Kết luận Mục tiêu hoạt động chủ yếu của các QTDND là tương trợ, giúp các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Tuy nhiên, theo các phân tích trên cho thấy, quy định của pháp luật hiện hành về thành viên QTDND có nhiều bất cập, chưa thống nhất với các quy định khác có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam; dẫn đến trong thực tiễn áp dụng pháp luật, các QTDND gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển thành viên. Trên cơ sở phân tích, bình luận sự bất cập, tính hợp lý, hợp pháp của các quy định về thành viên QTDND; nhóm tác giả đã đưa ra các đề xuất cụ thể về việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về điều kiện trở thành thành viên QTDND, thẩm quyền kết nạp thành viên QTDND. Nhóm tác giả hy vọng bài viết góp một phần nhỏ trong việc hoàn thiện khung pháp lý, góp phần giúp các QTDND hoạt động an toàn và hiệu quả.
  11. ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán 247 Tài liệu tham khảo Đỗ Mạnh Phương (2020), Pháp luật về tổ chức tín dụng là hợp tác xã, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội; Đỗ Mạnh Phương (2019), “Quy chế pháp lý về thành viên Quỹ tín dụng nhân dân – Những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 5 (236)/2019; Hiệp hội QTDND Việt Nam (2020), Báo cáo kết quả hoạt động năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020; Hoàng Long và Gia Huy, 2008, Từ điển Tiếng Việt, NXB Từ điển Bách Khoa; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2005), Thông tư 08/2005/TT-NHNN ngày 30/12/2005 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 48/2001/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2001 về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân và Nghị định 69/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48/2001/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2016), Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30 tháng 12 năm 2016, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2015, quy định về quỹ tín dụng nhân dân; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019), Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ- NHNN ngày 31 tháng 01 năm 2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 31 tháng 3 năm 2015, quy định về quỹ tín dụng nhân dân; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019), Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14 tháng 11 năm 2019, sửa đổi bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống của quỹ tín dụng nhân dân; Nguyễn Thị Dịu Hiền (2019). Chủ thể vay vốn trên hợp đồng tín dụng tại Quỹ tín dụng nhân dân. Tạp chí Kinh tế và Ngân hàng Châu Á, số 165, tháng 12, trang 89 – 95; Nguyễn Thị Dịu Hiền (2020). Bàn về địa vị pháp lý của hộ kinh doanh và vấn đề chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Tạp chí Khoa học – Đại học Phú Yên, số 23/2020, tháng 02, trang 55 – 60; Nguyễn Thị Dịu Hiền (2020). Bình luận tính pháp lý về quy định kết nạp thành viên của Quỹ tín dụng nhân dân. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên “Phát triển bền vững hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tại Việt Nam”, NXB Công ty In và Quảng cáo Song Thành Công, trang 196 – 199; Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2010), Luật số 47/2010/QH11 ngày 16 tháng 6 năm 2010, Luật Các tổ chức tín dụng;
  12. 248 ICYREB 2021 | Chủ đề 3: Tài chính - Ngân hàng - Kế toán Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Luật số 23/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012, Luật Hợp tác xã.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2