Hướng đến một mô hình thư viện đại học hiện đại phục vụ chiến lược nâng<br />
cao chất lượng giáo dục đại học<br />
<br />
Đặt vấn đề:<br />
Chất lượng giảng dạy đại học ở nước ta thời gian gần đây đang trong tình trạng báo động<br />
cao. Việc giảng dạy và học tập vẫn diễn ra một cách thụ động, cổ truyền và nhàm chán. Thầy<br />
giảng, đọc, chiếu những gì đã được chuẩn bị trong giáo án. Trò nghe, chép, nhớ những gì thầy<br />
chuyển giao. Và việc dạy và học hoàn tất khi tiếng chuông báo hết giờ vang lên. Phương thức<br />
dạy và học như thế đang làm mất đi khả năng sáng tạo, năng lực tư duy độc lập, sự sinh động và<br />
hấp dẫn của các buổi học. Làm thế nào để những buổi học trở thành những chuyến phiêu lưu kỳ<br />
thú vào thế giới của tri thức, làm thế nào để khơi gợi niềm say mê của sinh viên đối với việc<br />
khám phá, làm thế nào để kích thích năng lực sáng tạo, thử thách khả năng tồn tại và tư duy độc<br />
lập của sinh viên. Bài toán này cần nhiều lời giải khác nhau, nhưng trong đó nhất thiết phải có lời<br />
giải từ các thư viện đại học.<br />
1. Thế mạnh của thư viện ở các trường Đại học<br />
Thư viện đại học là nơi cung cấp nguồn thông tin quan trọng nhất trong nhà trường<br />
Sinh viên trong các trường Đại học có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau: từ<br />
các giảng viên, từ các cuộc thảo luận, hội thảo khoa học, từ các cơ sở thực nghiệm, từ thực tiễn<br />
xã hội và từ thư viện. Trong những nguồn thông tin ấy, thông tin từ thư viện sẽ là quan trọng<br />
nhất, đầy đủ, toàn diện, phong phú và đa dạng nhất. Vì đó là những thông tin đã được sàng lọc<br />
qua nhiều khâu, hầu hết có cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học, được tích luỹ lâu dài và được kiểm<br />
nghiệm qua thực tiễn; là nguồn thông tin phù hợp với nhu cầu và thói quen sử dụng của sinh<br />
viên.<br />
Thư viện đại học là điểm kết nối giữa nguồn thông tin của xã hội và nhu cầu thông tin của<br />
sinh viên<br />
Sinh viên trong các trường Đại học hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức mang tính<br />
thời đại. Xã hội thông tin đang sản xuất ra một khối lượng thông tin lớn với một tốc độ rất<br />
nhanh. Hiện tượng bùng nổ thông tin này đang làm nảy sinh 3 vấn đề: sự khủng hoảng các vật<br />
mang tin, hiện tượng phân tán thông tin và tốc độ lạc hậu nhanh chóng của thông tin. Việc tiếp<br />
cận, khai thác và sở hữu thông tin của sinh viên ngày càng trở nên khó khăn và tốn kém. Mặt<br />
khác, sinh viên trong xã hội thông tin lại hoàn toàn bị lệ thuộc vào thông tin. Thông tin đối với<br />
sinh viên không còn chỉ để biết mà còn là điều kiện để tồn tại. Khối lượng, phạm vi và chất<br />
lượng của nhu cầu tin trong sinh viên cũng gia tăng nhanh chóng. Các thư viện đại học phải trở<br />
thành điểm kết nối giữa nhu cầu tin, nguồn tin của xã hội, phải trở thành chiếc cầu nối liền<br />
khoảng cách ngày càng được nới rộng giữa nguồn thông tin và nhu cầu thông tin của sinh viên.<br />
Để xóa bỏ khoảng cách này, thư viện phải trở thành nơi chọn lọc, tinh chế, bao gói thông tin; thư<br />
viện phải là nơi phát hiện, xác định và kiến tạo nhu cầu thông tin của sinh viên. Để từ đó thư viện<br />
mới có thể trình bày, giới thiệu và cung ứng thông tin mang tính định hướng cá nhân.<br />
Thư viện đại học là môi trường rèn luyện và phát huy năng lực độc lập trong việc khám<br />
phá và tư suy sáng tạo của sinh viên<br />
<br />
Việc tiếp cận, chiếm hữu và sở hữu tri thức chỉ thật sự có hiệu quả trên tính tự giác của<br />
sinh viên. Việc tiếp cận và chiếm hữu những kiến thức đã có là việc học về quá khứ; việc tìm tòi,<br />
khám phá những cái chưa có mới thật sự là việc học cho tương lai. Không có một người thầy<br />
nào, không có một ngôi trường nào có thể song hành suốt đời với sinh viên. Sinh viên vì thế phải<br />
học cách tự tồn tại, tự khám phá ngay ở trên ghế nhà trường. Thư viện đại học mở ra một môi<br />
trường tri thức rộng lớn, thông thoáng và đa dạng để sinh viên “thỏa sức” mở rộng tầm nhìn và<br />
ước mơ của mình. Ở nơi đó, bài giảng của thầy chỉ còn là những “cọc tiêu” để sinh viên định<br />
hướng, xác định mục tiêu của công cuộc khám phá. Việc lựa chọn, đồng hóa những kiến thức tùy<br />
thuộc hoàn toàn vào ý muốn của sinh viên. Thư viện phải trở thành “thao trường” cần thiết để<br />
sinh viên từng bước tập dượt trên con đường trở thành người có ích, có năng lực và trên con<br />
đường chinh phục đỉnh cao trí tuệ sau này.<br />
Thư viện đại học có thể góp phần cải tiến nội dung chương trình giảng dạy<br />
Sách giáo khoa và giáo trình chỉ là các khung cơ bản của nội dung chương trình đào tạo,<br />
tài liệu phong phú đa dạng trong thư viện mới thật sự đóng góp cho những tư duy, tri thức được<br />
đặt thành vấn đề để đem ra nghiên cứu thảo luận, so sánh, phê bình, đánh giá; để đem đến một<br />
nhận định riêng cho người học. Và như vậy, thư viện đại học đương nhiên đã làm thay đổi<br />
phương pháp giảng dạy và học tập ở trường đại học.<br />
Thay vì thầy lên lớp thuyết trình hàng loạt kiến thức, học trò lắng nghe, ghi chép, cố<br />
nhớ, lập lại và chứng tỏ cái nhớ, hiểu của mình qua các kỳ thi, thì ở đây người thầy trong lớp học<br />
chỉ nêu vấn đề mà học trò cần tìm hiểu và chỉ ra những nguồn tài liệu mà sinh viên có thể dùng<br />
để nghiên cứu tham khảo. Sinh viên phải tự đến thư viện tìm tài liệu liên quan đến vấn đề cần<br />
nghiên cứu, thảo luận. Thư viện có đầy đủ sách báo, tài liệu điện tử, vv... về mọi lĩnh vực tri thức<br />
trong chương trình đào tạo của nhà trường. Những điều sinh viên phát kiến, tìm tòi được sẽ khắc<br />
sâu vào tâm trí của sinh viên, vì đó là những điều họ tự tìm ra chứ không phải là những điều mà<br />
họ phải cố nhớ. Qua đó, sinh viên sẽ tự rèn luyện cho mình một phương pháp học tập, một<br />
phương pháp khảo sát vấn đề. Và đấy cũng là hình ảnh sống động của lớp học theo tín chỉ mà sự<br />
đóng góp của thư viện đại học cho lớp học này là không thể chối bỏ được.<br />
2. Thực trạng thư viện ở các trường Đại học<br />
Thư viện ở các trường Đại học quan trọng như vậy, nhưng hiện tại mạng lưới thư viện<br />
đại học Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu học tập nghiên cứu của sinh viên. Trong khoảng 5<br />
năm trở lại đây, một số thư viện đại học được nâng cấp nhờ nguồn kinh phí nhà nước, nhờ vốn<br />
vay Ngân hàng thế giới và nhờ tài trợ của nước ngoài. Dự án Giáo dục Đại học 1 đã đầu tư cho<br />
thư viện của 25 trường đại học với gần 1/3 tổng số tiền của Dự án (Dự án Giáo dục Đại học 1 có<br />
tổng kinh phí dự toán là 103 triệu USD). Những thư viện này đã bắt đầu tổ chức và hoạt động<br />
theo mô hình của những thư viện hiện đại. Tuy nhiên, sự đổi mới đó vẫn chưa đủ, nguồn tài<br />
nguyên thông tin trong các thư viện này vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Có thể khái quát<br />
những yếu kém thường gặp trong các thư viện đại học nước ta là:<br />
- Về bộ máy tổ chức: có tới gần 25% trường đại học thư viện chưa phải là đầu mối trực<br />
thuộc ban giám đốc, mà thuộc các phòng chức năng như: đào tạo, quản lý khoa học.v.v... Điển<br />
hình như các trường Đại học: Dược Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Bách khoa TP. Hồ Chí Minh,<br />
Văn hiến TP. Hồ Chí Minh, Biên phòng, Dân lập Phương Đông, Sư phạm Nam Định, Hoa Lư,<br />
Học viện Quân y, Học viện Hành chính quốc gia TP. Hồ Chí Minh... Còn ở các trường cao đẳng<br />
con số này lên tới gần 70%.<br />
<br />
- Vốn tài liệu và nguồn lực thông tin quá nghèo nàn và lạc hậu. Nhiều thư viện đại học có<br />
số lượng chưa đạt đến 10.000 đơn vị bảo quản tài liệu có giá trị, tài liệu chuyên sâu; tài liệu mới,<br />
tài liệu nước ngoài thường rất ít.<br />
- Cơ sở vật chất chật hẹp và thô sơ, vẫn còn nhiều thư viện đại học sử dụng trụ sở, trang<br />
thiết bị của những năm giữa thế kỷ XX. Tính chuyên dụng, công nghệ cao và tiện nghi vẫn là<br />
“ước mơ” đối với một số thư viện.<br />
- Một số khá lớn cán bộ thư viện chưa được đào tạo chuyên môn, một số đã được đào tạo<br />
vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, nhất là trong việc tái cấu trúc thông tin và tư vấn người đọc.<br />
- Dịch vụ trong thư viện còn đơn điệu, hình thức phục vụ chủ yếu là cho mượn đọc tài liệu.<br />
Các dịch vụ có khuynh hướng “đóng” hơn là “mở”, các dịch vụ mang tính định hướng cá nhân<br />
hầu như chưa được chú ý.<br />
- Nhiều thư viện đại học hiện nay vẫn còn nằm bên lề hoạt động giảng dạy và học tập của<br />
giảng viên và sinh viên trong các trường đại học.<br />
Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại đó, đã xuất hiện những điển hình, đó là: Trung tâm học<br />
liệu Đại học Đà Nẵng, Trung tâm học liệu Đại học Huế, Trung tâm học liệu Trường Đại học Cần<br />
Thơ...<br />
Cụ thể:<br />
* Trung tâm học liệu Đại học Đà Nẵng<br />
- Trung tâm học liệu là đơn vị thuộc ban giám hiệu.<br />
- Tổng số cán bộ của trung tâm là 55 người (12 biên chế, 43 hợp đồng, trong đó 80% có<br />
trình độ đại học và trên đại học, 35 người đã được tập huấn nâng cao nghiệp vụ thư viện trong<br />
năm 2007).<br />
- Diện tích sử dụng của thư viện là 7.900m2, quy mô phục vụ là 1.100 chỗ ngồi.<br />
- Có 450 máy tính; 15 máy in, 10 máy photocopy; 30 máy chiếu, máy quét.<br />
- Tổng số sách hiện có 20.000 tên/50.000 bản, trong đó sách bằng tiếng nước ngoài chiếm<br />
40%. Số báo, tạp chí là 221 loại.<br />
- Kho giáo trình và tài liệu tham khảo là 70.000 bản.<br />
- Kho tài liệu điện tử là 2.000 tài liệu.<br />
- Số thẻ mượn - thẻ đọc là 28.000.<br />
- Thư viện đã nối mạng LAN, WAN, Internet.<br />
* Trung tâm học liệu Đại học Huế<br />
- Là đơn vị thuộc Đại học Huế.<br />
- Tổng số cán bộ thư viện là 48 (12 biên chế, 36 hợp đồng, trong đó hầu hết có trình độ đại<br />
học và trên đại học; 35 người được tập huấn nâng cao nghiệp vụ thư viện trong năm 2007).<br />
- Diện tích sử dụng của thư viện là 6.100m2.<br />
- Có 500 máy tính; 12 máy in; 08 máy photocopy; 06 máy chiếu, máy quét.<br />
<br />
- Tổng số sách hiện có 14.449 tên/50.769bản; trong đó 3286 tên/3610 bản sách tiếng nước<br />
ngoài; 568 tên báo, tạp chí (85 tên báo, tạp chí nước ngoài).<br />
- Kho tài liệu điện tử là 877 tài liệu.<br />
- Số thẻ mượn - thẻ đọc là 24.070.<br />
- Thư viện đã nối mạng LAN, WAN, Internet.<br />
* Trung tâm học liệu Trường Đại học Cần Thơ<br />
- Tổng số cán bộ thư viện là 57 (biên chế 11, hợp đồng 46, trong đó hầu hết là đại học và<br />
trên đại học).<br />
- Diện tích sử dụng của thư viện là 12.900m2.<br />
- Có 449 máy tính; 15 máy in; 06 máy photocopy; 09 máy chiếu, quét.<br />
- Tổng số sách hiện có 92.770 tên/202.664 bản, trong đó sách tiếng nước ngoài 54.136<br />
tên/69.695 bản; 237 tên báo, tạp chí (61 tên báo, tạp chí tiếng nước ngoài.<br />
- Kho tài liệu điện tử là 2.500 tài liệu.<br />
- Thẻ mượn - thẻ đọc là 25.832.<br />
- Thư viện đã nối mạng LAN, Internet.<br />
3. Giải pháp đổi mới, phát triển thư viện ở các trường Đại học<br />
Thư viện thế kỷ XXI không chỉ là một trung tâm tri thức, mà còn trở thành một trung tâm<br />
thông tin, ở đó không chỉ có sách, báo, tạp chí in trên giấy mà còn có các xuất bản phẩm dưới<br />
dạng điện tử nối mạng Internet. Vì vậy, hình thức tổ chức và phương pháp hoạt động của thư<br />
viện các trường đại học phải kết hợp giữa thư viện truyền thống và thư viện điện tử, thư viện số;<br />
trong đó việc sử dụng máy tính để lưu giữ, khai thác thông tin và xây dựng thư viện số là xu<br />
hướng quan trọng nhất trong việc phát triển tự động hoá các thư viện. Vì vậy chúng tôi đề xuất<br />
một số giải pháp đổi mới và phát triển thư viện đại học Việt Nam như sau:<br />
Thay đổi quan điểm và chính sách đầu tư<br />
Hầu hết những người có trách nhiệm đối với công việc này trước đây thường xem thư viện<br />
như một bộ phận cần có để đảm bảo sự đồng bộ của cơ cấu trường đại học, mà không cần quan<br />
tâm thư viện có để làm gì. Việc đầu tư cho thư viện chủ yếu là hoạt động cần có cho “đồng bộ”<br />
của hiệu trưởng hoặc của ban giám hiệu. Nay thư viện nên phải xác định là thiết chế quan trọng<br />
hàng đầu trong cơ cấu đào tạo của một trường đại học, tham gia và chịu trách nhiệm chính vào<br />
chất lượng đào tạo của nhà trường, phải có một chính sách mang tính pháp lý về sự đầu tư cho<br />
thư viện đại học, đó phải là một hạng mục chi tiêu chính thức và tương đối lớn trong ngân sách<br />
nhà trường.<br />
Tăng cường chất lượng cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên<br />
- Về cơ sở vật chất: mở rộng diện tích và hiện đại hoá các phương tiện ở các thư viện đại<br />
học là điều cần được quan tâm một cách đáng kể. Thư viện phải trở thành trung tâm nghiên cứu<br />
trong các trường Đại học, phải tạo được sự hấp dẫn đối với giáo viên và sinh viên bởi tính<br />
chuyên dụng, tiện nghi và mỹ quan.<br />
<br />
- Về đội ngũ nhân viên: cần phải hướng đến tính chuyên nghiệp và tận tuỵ phục vụ bạn<br />
đọc của nhân viên thư viện. Những phẩm chất cần có đối với nhân viên thư viện đại học là năng<br />
lực chọn lọc, đánh giá, tái cấu trúc và tổ chức thông tin. Năng lực phát hiện, xác định và kiến tạo<br />
nhu cầu tin. Năng lực tư vấn và cung ứng thông tin. Nhân viên thư viện đại học cũng phải thật sự<br />
là một nhà giáo dục.<br />
Tăng cường qui mô, chất lượng tài liệu và nguồn lực thông tin<br />
Nguồn lực thông tin của thư viện phải phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường, với<br />
nhu cầu và thói quen sử dụng của giảng viên, sinh viên và hướng đến nhu cầu đòi hỏi của xã hội.<br />
Cần phải chú ý đến nguồn lực thông tin nội sinh đó là các luận án, các báo cáo khoa học, các kỷ<br />
yếu khoa học của nhà trường và các trường có liên quan. Vốn tài liệu và nguồn lực thông tin của<br />
thư viện phải được cấu trúc một cách linh động và mềm dẻo để có thể lưu giữ và chuyển tải một<br />
cách thuận tiện. Môi trường số hiện nay là giải pháp tối ưu cho việc linh động và mềm dẻo hóa<br />
vốn tài liệu của thư viện trong điều kiện tài chính còn hạn chế.<br />
Tổ chức thư viện trở thành một môi trường mở, liên kết khai thác tài liệu với các thư viện<br />
khác trong cả nước<br />
Do ở một số thư viện còn tồn tại tư duy “quản thủ tư liệu”, người ta đã dựng nên nhiều rào<br />
cản không gian, rào cản thời gian và rào cản thủ tục. Sinh viên, giảng viên chỉ có thể tiếp cận<br />
được với nguồn lực thông tin ở một địa điểm nhất định và với một loạt những thủ tục nhất<br />
định… Cần phải dỡ bỏ tất cả những rào cản ấy. Khuynh hướng “thư viện không tường” hay<br />
“phục vụ bên ngoài các bức tường thư viện” hiện nay đang được các thư viện hướng đến. Thư<br />
viện đại học phải trở thành một trạm trung chuyển thông tin của một hệ thống thông tin toàn<br />
quốc và toàn cầu. Những thành tựu của công nghệ thông tin, kỹ thuật, viễn thông là thời cơ để xu<br />
hướng này có thể phát triển thuận lợi.<br />
Mở rộng hợp tác quốc tế, liên kết hoà mạng với hệ thống thư viện của một số trường đại<br />
học tên tuổi trong khu vực trong việc trao đổi tài liệu, kinh nghiệm tổ chức và quản lý thư viện<br />
hiện đại, đào tạo chuyên gia, tranh thủ nguồn tài trợ nước ngoài thông qua các dự án quốc tế.<br />
Tóm lại: Đã đến lúc thư viện đại học phải trở thành niềm tự hào của các trường đại học, là<br />
tâm điểm của mọi hoạt động trong nhà trường, là nơi kiểm nghiệm đáng tin cậy của giảng viên<br />
và sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập. Không thể nói đến đổi mới giáo dục đại học,<br />
nâng giáo dục Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế mà không có những điểm mới căn bản và<br />
sâu sắc của hệ thống thư viện đại học. Thư viện đại học phải trở thành điều kiện bắt buộc trong<br />
việc kiểm định, đánh giá các trường đại học trong thời gian tới ở Việt Nam chúng ta.<br />
Tài liệu tham khảo<br />
1. Pháp lệnh thư viện. – H.: Chính trị Quốc gia, 2001. – 25tr.<br />
2. Nghị định 72/2002/NĐ-CP ngày 6/8/2002 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành Pháp<br />
lệnh thư viện.<br />
3. Quyết định số 13/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể<br />
thao và Du lịch về việc ban hành Quy chế mẫu tổ chức và hoạt động thư viện trường đại học.<br />
4. Quyết định số 393/QĐ-TCCP-CCVC ngày 03/10/2008 của Bộ trưởng – Trưởng ban TCCB<br />
Chính phủ về việc ban hành quy định thi nâng ngạch bảo tàng, thư viện viên, thư mục viên<br />
lên bảo tàng viên chính, thư viện viên chính, thư mục viên chính trong các bảo tàng, thư viện.<br />
<br />