HNUE JOURNAL OF SCIENCE<br />
Social Sciences, 2018, Volume 63, Issue 10, pp. 37-44<br />
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn<br />
<br />
DOI: 10.18173/2354-1067.2018-0067<br />
<br />
KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TRUYỆN NGẮN VÀ TIỂU THUYẾT<br />
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI XÊ DỊCH CỦA NHÓM TỰ LỰC VĂN ĐOÀN<br />
<br />
Lê Việt Đoàn<br />
Trường Trung học phổ thông Hồ Thị Kỷ, Cà Mau<br />
Tóm tắt. Từ lâu, hướng nghiên cứu thi pháp học đã gặt hái được rất nhiều thành quả khoa học<br />
to lớn trong nghiên cứu văn học ở nước ta. Trong đó, khía cạnh không gian nghệ thuật là một<br />
trong những chìa khóa quan trọng góp phần gợi mở thế giới nghệ thuật của tác phẩm văn<br />
chương. Tiếp cận theo hướng không gian nghệ thuật, chúng tôi phát hiện được trong tiểu<br />
thuyết và truyện ngắn liên quan đến mảng đề tài xê dịch của nhóm Tự lực văn đoàn có các<br />
kiểu không gian nghệ thuật tiêu biểu là: không gian sông biển; không gian văn hóa, tâm linh;<br />
không gian mưa gió; không gian làng quê và dạng thức đặc trưng nhất là không gian tâm lí<br />
của nhân vật<br />
Từ khóa: Đề tài xê dịch, nhóm Tự lực văn đoàn, không gian nghệ thuật, thi pháp học.<br />
<br />
1.<br />
<br />
Mở đầu<br />
<br />
Truyện ngắn và tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn là một trong những thành công rực rỡ<br />
của dòng văn học lãng mạn trong thời kì 1930 – 1945 ở nước ta. Hành trạng nghiên cứu về sự<br />
nghiệp văn học của nhóm Tự lực văn đoàn từ lâu đã được tìm hiểu, bóc tách và đạt được nhiều<br />
thành tựu khoa học sâu sắc [1-4]. Gắn liền với lịch sử nghiên cứu ấy là cả một số phận lắm nỗi<br />
thăng trầm trong sự nhìn nhận, đánh giá về mặt văn học của nhóm tác giả này.<br />
Trong bài viết này, chúng tôi không có tham vọng trình bày một cách bao quát những thành tựu<br />
văn học của nhóm Tự lực văn đoàn mà chỉ tập trung sự chú ý vào vấn đề không gian nghệ thuật<br />
trong truyện ngắn và tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn có liên quan đến cảm hứng xê dịch.<br />
<br />
2.<br />
<br />
Nội dung nghiên cứu<br />
<br />
2.1. Không gian văn hóa, tâm linh<br />
Trong truyện ngắn và tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn có liên quan đến đề tài xê dịch,<br />
chúng ta nhận thấy một dạng thức không gian gắn liền với văn hóa, tâm linh của người Việt. Đó là<br />
không gian Thiền. Điều đặc biệt là không gian này đều gắn liền với tình yêu nam nữ của các nhân<br />
vật. Theo cảm nhận của chúng tôi, Thiền chính là khoảng không gian trong đó các nhân vật nữ cố<br />
tìm quên một thời quá vãng để hướng đến sự thanh sạch trong tâm hồn (hướng đạo) và các nhân<br />
vật nam thì cố dùng sức mạnh của tình yêu nhằm hướng đến hạnh phúc viên mãn của những con<br />
người trần tục.<br />
Như vậy, nhìn một cách khái quát, không gian Thiền trong sáng tác của Tự lực văn đoàn gắn<br />
liền với sự giằng xé nội tâm cao độ của các nhân vật trong cuộc chiến cân não giữa một bên là<br />
phần thanh cao (lí trí) và một bên là phần bản năng (tình cảm hồng trần). Do vậy, có thể nói, sự chọn<br />
Ngày nhận bài: 19/6/2018. Ngày sửa bài: 19/7/2018. Ngày nhận đăng: 27/9/2018.<br />
Tác giả liên hệ: Lê Việt Đoàn. Địa chỉ e-mail: levietdoan20101982@gmail.com<br />
<br />
37<br />
<br />
Lê Việt Đoàn<br />
<br />
lựa của các nhân vật là không hề dễ dàng và chính điều này tạo nên sự hấp dẫn vô cùng mới mẻ ở<br />
chiều sâu thẩm mĩ của tác phẩm. Trong tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, tác giả Khái Hưng đã xây<br />
dựng nên một chuyện tình yêu lí tưởng dưới bóng từ bi. Và do vậy, không gian văn hóa chốn cửa<br />
Thiền trở thành một khía cạnh không thể thiếu để hai nhân vật chính là Lan và Ngọc có thể tìm<br />
thấy sự hòa hợp, đồng điệu giữa hai tâm hồn đang yêu, giữ được sự tốt đẹp của tình yêu cũng như<br />
vẻ đẹp của tôn giáo mà mình đã trót tôn thờ, phụng sự. Ngay phần đầu tiểu thuyết, trong đoạn đối<br />
thoại giữa Ngọc và Lan, tác giả đã để cho Lan kể lại Phật tích của ngôi chùa Long Giáng mà Ngọc<br />
sắp đến. Câu chuyện đó mang màu sắc Phật thoại mà chúng ta vẫn thường thấy trong kho tàng<br />
truyện kể dân gian (chẳng hạn như Từ Đạo Hạnh, Liễu Hạnh công chúa…): “Ngọc Hoàng<br />
Thượng đế muốn giúp nhà vua tỉnh ngộ, liền cho một nàng tiên nga giáng thế đầu thai, tức là Văn<br />
Khôi công chúa. Công chúa nhan sắc diễm lệ một thời, nhưng khi lớn lên, chỉ ngày đêm học đạo<br />
tu hành. Sau vì nhà vua cố ý kén phò mã, công chúa liền đương đêm lẻn bước trốn đi, nhờ có các<br />
thần tiên đưa đường tới nơi này xin thụ pháp đức Cao Huyền hòa thượng. Về sau có thám tử báo<br />
tin, đức vua mấy phen cho quan quân đến chùa đón công chúa về triều. Công chúa nhất định<br />
không nghe. Nhà vua nổi giận, truyền quan quân phóng hỏa đốt chùa. Ngọn lửa vừa nhóm, bỗng<br />
một con rồng vàng hiện lên phun nước tắt ngay. Vì thế chùa này mới lấy tên Long Giáng từ thuở<br />
ấy. Nhà vua nghe tin cả sợ. Từ đó Ngài dốc lòng tin theo phép mầu nhiệm của đức Thích Ca Mâu Ni<br />
và lập tức cho sửa sang chùa để công chúa ở lại tu hành…” (Hồn bướm mơ tiên).<br />
Có thể nói, chính không gian Thiền là điểm tựa không thể thiếu để tình yêu giữa hai nhân vật<br />
nảy nở và trưởng thành theo tiến trình của truyện. Rất nhiều lần trong tác phẩm này, tác giả Khái<br />
Hưng miêu tả những chi tiết có liên quan đến văn hóa Phật giáo mà nhân vật Ngọc – một người<br />
ngoại đạo được trải nghiệm như: tiếng kinh kệ, tiếng chuông chùa, lễ cầu đàn… Tất cả những tình<br />
tiết ấy đóng vai trò như một môi sinh lí tưởng, giúp cho tình yêu của Lan và Ngọc được đảm bảo<br />
trong màu sắc bất hoại của lí tưởng, miễn dịch với những tư tưởng tầm thường, dung tục mà kẻ<br />
phàm tục có thể vướng phải trong tâm niệm. Chẳng hạn, một đoạn miêu tả tiếng chuông chùa<br />
cùng tâm trạng của nhân vật Ngọc: “Trong làng không khí yên tĩnh, tiếng chuông thong thả ngân<br />
nga như đem mùi thiền làm tăng vẻ đẹp cảnh thiên nhiên. Lá cây rung động, ngọi khói thướt tha,<br />
bông lúa sột soạt, như cảm tiếng gọi của Mâu Ni muốn theo về nơi hư không tịch mịch” (Hồn<br />
bướm mơ tiên). Đoạn kết của thiên tiểu thuyết này cũng được bao trùm bởi một không khí Thiền<br />
cô đọng và lãng mạn như trong một câu chuyện thần tiên, trong đó, con người đã thoát ra được<br />
bản ngã ích kỉ để hướng đến những giá trị vĩnh cửu của cả đạo và đời: “Ngọc từ giã Lan, dắt xe<br />
đạp xuống đồi. Bây giờ sắc trời dìu dịu, vạn vật như theo tiếng chuông chiều thong thả rời vào<br />
quãng êm đềm, tịch mịch. Lan đứng chắp tay tụng niệm, mắt lờ đờ nhìn xuống con đường đất<br />
quanh co, lượn khúc dưới chân đồi. Gió chiều hiu hiu... Lá rụng!” (Hồn bướm mơ tiên).<br />
Chúng ta cũng có thể bắt gặp không gian Thiền trong truyện ngắn Thế rồi một buổi chiều của<br />
Nhất Linh. Trong những ngày tá túc tại gác khánh cũ, nhân vật Dũng đã cảm nhận vẻ đẹp yên tĩnh,<br />
thinh lặng của nhà chùa – nơi tu hành thoát tục của hai sư nữ, chỉ có anh là khách giang hồ, tạm<br />
dừng chân để qua cơn nguy khốn vì bị vây bắt: “Sáng hôm sau, khi Dũng thức dậy, ánh nắng đã<br />
xiên qua cửa sổ, chiếu vào sân, ngoài gác khánh, tiếng chim buổi sáng ca hót hòa với tiếng lá<br />
thông rì rào. Dũng ngồi vào chỗ có ánh nắng để sưởi, vì trong người thấy lạnh buốt. Qua cửa sổ,<br />
chàng trông thấy một cái vườn rậm rạp trồng toàn ổi và chuối”.<br />
Ở đoạn kết của truyện ngắn, Nhất Linh đã tạo ra sự ngạc nhiên khôn cùng cho bạn đọc. Ông<br />
đã để hai nhân vật vượt rào, thực hiện ý định táo bạo của mình là rời bỏ nhà chùa để tìm thấy sự<br />
hạnh phúc trong tình yêu hoàn toàn vị kỉ, bỏ lại một sư nữ già với cuộc đời tu hành cô độc: “Thế<br />
rồi một buổi chiều... Một buổi chiều yên tĩnh. Sư cô một mình thơ thẩn đợi giờ thỉnh chuông. Gió<br />
bắc nhẹ nhàng thổi như đem theo với cái lạnh lẽo của buổi chiều đông những nỗi buồn xa xôi,<br />
không duyên cớ. Tiếng rì rào của mấy cây thông già lọt vào chùa nghe phiêu diêu như tiếng than<br />
vãn của không trung. Sư cô thấy tâm hồn mình lạnh lẽo với gió hiu hiu, rung động với lá thông<br />
38<br />
<br />
Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn và tiểu thuyết liên quan đến đề tài xê dịch của nhóm Tự lực văn đoàn<br />
<br />
reo rì rào. Hương thơm từ trên Phật tòa theo gió đưa xuống phảng phất, bao bọc lấy người sư cô,<br />
chiều hôm ấy, đem lại cho sư cô những cảm giác mới lạ, gợi trí sư cô nghĩ tới những nỗi ái ân, yêu<br />
thương của quãng đời mà sư cô tưởng đã xóa mờ trong trí nhớ”. Khác với nhân vật Lan trong Hồn<br />
bướm mơ tiên, nhân vật nữ tu hành trong truyện ngắn này đã đi theo tiếng gọi của tình yêu nam nữ.<br />
Cô đã có đủ sự dũng cảm để có thể vượt qua được sức mạnh của lí trí – tức là lí tưởng tu hành mà<br />
một phần đời của nàng đã tôn thờ, để được sống hoàn toàn cho tình cảm, điều mà nàng đã đánh<br />
mất trong cái quá khứ buồn tẻ và bi kịch đã qua.<br />
Không chỉ không gian Phật giáo, tiểu thuyết Tự lực văn đoàn còn xây dựng cả dạng thức<br />
không gian gắn liền với mạch nguồn văn hóa, tín ngưỡng dân gian của dân tộc. Đó là tín ngưỡng<br />
thờ thần đá (Sơn Tinh hay Tản Viên Sơn Thánh) trong tiểu thuyết Con đường sáng của Hoàng<br />
Đạo. Trong tâm thức Việt, Sơn Tinh là vị phúc thần, đem lại sự an lành cho nhân dân trong việc<br />
chống lũ lụt, nói khác đi là chống lại sức mạnh của thiên tai. Trong phần đầu của cuốn tiểu thuyết,<br />
tác giả Hoàng Đạo đã phóng chiếu tâm thức thần thoại đó qua cái nhìn của nhân vật Duy trong<br />
một đêm trăng sáng, lúc nhân vật đi nghỉ trên vùng Tam Đảo: “Ánh đèn trong các thuyền và các<br />
nhà bè phía bên kia sông lấm tấm vàng thành một vệt dài. Một làn trắng, không rõ là khói hay cát,<br />
bốc lên ở ngoài bãi xa rồi lẫn vào trong ánh trăng. Núi Tản Viên vẫn rõ hình; sau làn sương, quả<br />
núi mờ như xa hẳn và vì thế trông tưởng núi cao lớn hơn mọi ngày. Quả núi ấy, ngay từ thuở bé,<br />
luôn luôn Duy trông thấy trước mắt, và chàng vẫn coi nó như một sự gì rất hùng tráng, nhìn vạn<br />
năm nay yên lặng đứng bao quát cả một vùng, một sự rất lớn lao nhưng xa xôi không bao giờ<br />
chàng tới được” (Con đường sáng).<br />
<br />
2.2. Không gian mưa gió<br />
Trong văn xuôi Tự lực văn đoàn, hình tượng không gian mưa gió cũng là điểm nhấn quan<br />
trọng về mặt không gian nghệ thuật. Ta có thể bắt gặp hình tượng này trong các tác phẩm tiêu biểu<br />
như: Bướm trắng, Đời mưa gió, Đôi bạn, Đoạn tuyệt, Con đường sáng, Thế rồi một buổi chiều,…<br />
Trong tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh, tác giả cũng thường xuyên sử dụng dạng thức<br />
không gian mưa để làm nổi bật tâm trạng của nhân vật Trương. Không gian mưa gắn liền với nỗi<br />
thất vọng của Trương lúc anh tìm đến nhà thổ để giải sầu: “Mưa có một phần nặng hạt hơn trước.<br />
Trương ngửng lên gác trọ của Linh. Cửa sổ nhỏ, lộ ra một khoảng tường xanh nhạt có treo bức<br />
tranh lụa và mẩu màn trắng đã cũ. Trương đoán Linh còn thức và đương ngồi làm việc. Chiếc cửa<br />
sổ có ánh vàng, như mở ra cho Trương thấy qua màn bụi mưa đêm, tất cả các êm đềm nhạt nhẽo<br />
của cuộc đời” (Bướm trắng). Nửa đêm thức giấc, Trương bỗng bàng hoàng nghĩ đến Thu và nhìn<br />
bên ngoài mưa rơi: “Trương ngồi dậy, lưng dựa vào thành giường và lắng tai nghe. Ở ngoài mưa<br />
vẫn rả rích (…). Chàng lẩm bẩm: Hai mươi giấc tốt hăm mốt nữa đêm. Hôm nay hăm ba chắc là<br />
có trăng. Chàng buồn nghĩ đến những cảnh mưa trong trăng, đến những quãng không rộng rãi mờ<br />
mờ và một cái bến đò ở rất xa với con thuyền ngủ im dưới mưa…” (Bướm trắng).<br />
Nhân vật Trương thường thỏa mãn thú vui hoan lạc trong những đêm mưa gió. Nói khác đi,<br />
mưa gió chính là dạng thức không gian bao quanh nhân vật trong sự tội lỗi của nó: “Có lắm đêm,<br />
trời đương mưa gió, chàng trở dậy đi bộ ra Khâm Thiên tìm các bạn chơi: chàng muốn đi bộ hơn<br />
là đi xe mặc dầu trời lấm tấm mưa vì chàng thấy có một cái thú đầu đọa tấm thân mình. Không<br />
phải Trương thích gì một tối vui đùa, nhưng nếu cứ ở nhà để chống lại cái ý muốn đi thì chàng<br />
thấy mình khổ ghê gớm…” (Bướm trắng).<br />
Trong tiểu thuyết Đời mưa gió (Khái Hưng và Nhất Linh), không gian mưa gió cũng là một<br />
dạng thức biểu trưng cho cuộc đời chìm nổi, phiêu bạt, phóng đãng của nhân vật Tuyết – một<br />
người con gái giang hồ, xem xê dịch, thú vui trần thế là nguồn sống không thể thiếu của bản thân.<br />
Và cũng có sự đồng điệu với nhân vật Trương trong Bướm trắng, khung cảnh mưa gió trong Đời<br />
mưa gió gắn liền với tội lỗi và sự ăn năn của Tuyết. Những thời khắc Tuyết trở về gặp Chương<br />
đều gắn với gió mưa, để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Nhân vật Chương đón<br />
giao thừa trong một đêm đầy mưa gió, đó cũng là đêm mà Tuyết quay trở về sau hai năm phiêu<br />
39<br />
<br />
Lê Việt Đoàn<br />
<br />
bạt cùng với những đam mê nhục dục của nàng: “Cây đèn điện bên giậu sắt chiếu một luồng sáng<br />
nhảy múa trong cái màn mưa phùn tha thướt bay lướt theo chiều gió. Sát cửa sổ, cây động đình lắc<br />
lư cái thân mềm yếu, chòm lá cứng rầu rĩ than thở không thôi và tí tách nhỏ giọt mưa xuống lối đi<br />
lát sỏi” (Đời mưa gió ). Cũng trong lần tái ngộ cuối cùng của hai tâm hồn lạc lõng ấy, hình ảnh<br />
thảm hại của Tuyết chí khiến Chương cảm thấy thương hại nhiều hơn là tha thứ. Cảnh tượng một<br />
người phụ nữ, trong đêm mưa gió phải dấn thân bước đi từng bước nặng nề vì bệnh tật, đói rách,<br />
nghèo khổ, khiến cho chàng cảm thương nhưng cũng chính sự già nua quá độ của những tháng<br />
ngày phóng túng hình hài lại làm cho chàng không thể không cảm thấy ghê tởm, khinh khi con<br />
người mà chàng đã từng yêu, từng dành những tình cảm cao khiết nhất: “Thấy Tuyết gầy gò trong<br />
bộ quần áo rộng thênh thang và rét run đứng không được vững. Chương thương hại bảo vú già dắt<br />
nàng lại ngồi bên lò sưởi. Chương vụt nghĩ đến tình cảnh kẻ khốn nạn, không cửa, không nhà, lặn<br />
lội trên con đường đầy mưa gió, giữa lúc mọi người vui vẻ đón chào xuân” (Đời mưa gió).<br />
Trong truyện ngắn Thế rồi một buổi chiều (Nhất Linh), nhân vật Dũng giã từ hai sư cô để ra<br />
đi cũng vào một đêm mưa gió: “Trời đã sẩm tối. Gió lạnh nổi lên vù vù lọt qua khe giại. Lâm tấm<br />
có vài hạt mưa. Dũng biết đã đến lúc từ biệt hai nhà sư: tuy ra ngoài chưa chắc thoát khỏi những<br />
nơi canh phòng, nhưng Dũng biết rằng không thể nào đêm hôm lại ở trong chùa, chỉ có một mình<br />
mình với hai sư nữ”. Nhưng chính nhờ vào lòng thương người của sư nữ trẻ tuổi mà Dũng đã ở lại<br />
nơi khánh chuông bỏ hoang. Cuộc hạnh ngộ, tâm tình của hai nhân vật, một người là khách chinh<br />
phu, ra đi để xây đắp lí tưởng sông hồ và một người vì lỡ mối duyên ngày xanh mà phải đi tu, diễn<br />
ra trong không gian mưa gió đầy lãng mạn, thi vị. Không đêm mưa cũng là khung cảnh mà Dũng<br />
và sư nữ trò chuyện hàn huyên với nhau trong gác khánh, giúp hai người hiểu nhau hơn và đi đến<br />
tình yêu chân thành, mãnh liệt: “Trời đã bắt đầu đổ mưa to, gió nổi lên thổi mạnh ào ào, ngọn đèn<br />
lập lòe muốn tắt. Sư cô không để ý đến ngoại vật, lẳng lặng ngồi nghe; lời Dũng nói như đưa tâm<br />
hồn nàng đến một mảnh đời khác hẳn cảnh đời lạnh lẽo ở nơi am vắng này, một cảnh đời tươi tốt<br />
mà tiếng đàn, tiếng sáo thay vào tiếng chuông tiếng mõ mà hương thơm nồng nàn của trăm thức<br />
hoa thay vào hương trầm, hương nhang thanh đạm…” (Thế rồi một buổi chiều).<br />
<br />
2.3. Không gian làng quê<br />
Nếu dạng thức không gian biển (mà chúng tôi chưa có điều kiện trình bày trong bài báo này)<br />
gắn liền với những cuộc ăn chơi, truy hoan, hưởng lạc của các nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực<br />
văn đoàn thì không gian làng quê chính là khung cảnh mang tính chất gột rửa, sám hối cho những<br />
tội lỗi, mặc cảm về quá khứ mà các nhân vật đã gây ra cho bản thân cũng như những người thân<br />
của họ.<br />
Trong tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh, cảnh đêm tối ở làng quê làm toát lên được vẻ<br />
đẹp hiền hòa, trong sáng nơi thôn dã. Tác giả Nhất Linh chỉ chọn lựa, miêu tả vài đối tượng nhưng<br />
cũng đã làm nổi bật lên được hồn quê ẩn sâu trong từng hình ảnh của quê hương Việt Nam: “Bóng<br />
một cành tre in ngược, ngọn trúng vào giữa một đám sao trông như một cây bông vừa tỏa hoa lấp<br />
lánh” (Bướm trắng). Cảnh dạo chơi trên đồi giữa Trương và Thu được Nhất Linh miêu tả bằng vài<br />
nét chấm phá đơn giản: “Bóng một đám mây chạy qua người khiến Trương đưa mắt nhìn lên.<br />
Từng đám mây trắng và cao yên lặng bay trong ánh sáng rực rỡ. Ở dưới cánh đồng có tiếng đứa<br />
bé con gọi trâu” (Bướm trắng).<br />
Cảnh gắn với tình, tình ở đây là tâm trạng chán chường của Trương khi biết mình mắc bệnh<br />
lao. Do vậy, lúc về quê của Thu để mừng tuổi ông nội người yêu, lúc nào chàng cũng quy chiếu<br />
mọi vật, mọi điều vào tâm lí đó: “Trời ấm và trong. Trên một cây bàng nhỏ, những lộc mới đâm,<br />
màu xanh non hơi phớt hồng, trông như một đàn bướm ở đâu bay về đậu yên. Chàng nghĩ cây<br />
bàng năm nào cũng nhớ đâm lộc, đã bao lần rồi, vẫn chỉ như thế mà không chán. Chàng thấy cây<br />
cỏ cũng như người, khao khát được sống, tuy đời bao giờ cũng giống như bao giờ” (Bướm trắng).<br />
Không gian sông nước chốn làng quê là nơi trở về cũng là nơi để có thể gột rửa tội lỗi chất<br />
chồng của nhân vật Trương sau những tháng ngày chồn chân mỏi gối chốn Hà thành: “Chàng cầm<br />
40<br />
<br />
Không gian nghệ thuật trong truyện ngắn và tiểu thuyết liên quan đến đề tài xê dịch của nhóm Tự lực văn đoàn<br />
<br />
bát nước uống thong thả, đương uống chàng ngừng lại để ý tới cái vẻ êm lặng của mặt nước sông.<br />
Thu và cuộc đời rối rắm của chàng trước kia chàng thấy xa xôi không có gì liên lạc với chàng nữa.<br />
Chàng thấy lòng chàng cũng yên lặng như mặt sông và bao nhiêu những tội lỗi xấu xa của đời cũ<br />
như đã gột sạch hết” (Bướm trắng).<br />
Không gian làng quê lúc Trương quay về gặp Nhan để bắt đầu cuộc sống mới mang vẻ đẹp<br />
tiêu biểu cho làng quê Việt Nam. Hình ảnh của luống rau, giàn mướp và cả việc tưới rau trong<br />
thẹn thùng của Nhan gợi mở biết bao cảm xúc trong lòng Trương. Trương nhận thấy đây chính là<br />
hạnh phúc mà bấy lâu nay chàng tìm kiếm. Nó quá giản dị, mộc mạc như chính người dân quê mà<br />
chàng thì đã lạc lối vì mãi theo đuổi những điều phù phiếm, xa xôi – những con bướm trắng<br />
thoáng hiện, thoáng ẩn mà không bao giờ chàng có thể nắm bắt, sở hữu được: “Trương nhìn thẳng<br />
vào hai mắt Nhan; chàng lắng tai nghe tiêng nhái kêu ran ở ngoài lũy tre và nhớ đêm hôm về ấp<br />
với Thu nửa đêm sực thức dậy nhìn bàn tay Thu qua khe vách. Một nỗi nhớ tiếc xa xôi cùng đến<br />
với tiếng nhái kêu trong buổi chiều” (Bướm trắng).<br />
Trong tiểu thuyết Đời mưa gió, khung cảnh làng quê cũng là nơi cứu rỗi tâm hồn Tuyết, khơi<br />
dậy trong nàng những cảm xúc tưởng như đã vùi chôn cùng năm tháng: “Nay ở giữa một nơi thôn<br />
quê lặng lẽ, xa hẳn chốn thành thị huyên náo, Tuyết bỗng thấy như vẽ ra trước mắt một cảnh<br />
tượng quen quen. Nàng tưởng đã sống ở nơi đó một thời gian quá khứ mà chỉ nhớ mang máng như<br />
trong giấc mộng mơ hồ. Cái ao nước tù trong xanh, cây sung rễ mọc nổi trên mặt đất tựa như con<br />
rắn trăn, đã mốc thích, khóm chuối lá to bảng màu xanh vàng như một đám tàn quạt phe phẩy theo<br />
ngọn gió và che mát rợp hẳn một góc vườn bên những luống khoai lang, khoai sọ; cảnh đó gợi<br />
trong kí ức Tuyết, nhiều câu chuyện ngây thơ thuở xưa ...” (Bướm trắng).<br />
Cuộc đời phóng đãng của Tuyết tưởng chừng như không thể biết cảm động là gì thì nay trở<br />
nên là một tâm hồn nhạy cảm. Người phụ nữ chỉ biết lấy ái tình xác thịt và những thú ăn chơi<br />
hoang đàng làm tôn chỉ sống bỗng nhiên nhận ra là mình vẫn còn có thể rung động trước vẻ đẹp<br />
giản dị chốn làng quê. Kí ức tuổi thơ êm đềm hiện về, đánh thức những mặc cảm xa xôi. Khung<br />
cảnh làng quê ở ấp Khương Thượng – nơi mà Chương đưa Tuyết về để nghỉ ngơi, lãng quên đi<br />
những nỗi buồn đã qua trở thành nơi cứu chuộc tâm hồn lạc lối của nàng, dẫu chỉ là trong một thời<br />
khắc ngắn ngủi của cuộc đời đầy mưa gió của Tuyết: “Rồi Tuyết nói huyên thuyên, cười luôn luôn,<br />
hỏi tên từng cây, từng con chim, từng con trùng. Có khi nàng rẽ xuống ruộng, xòe bàn tay se sẽ<br />
xoa lên những cây lúa mới cấy, màu xanh vàng trông mơn mởn non tươi…” (Bướm trắng).<br />
Chương cùng Tuyết tìm vào thú vui câu cá bên bờ ao. Có lẽ, trong suy nghĩ của mình, Tuyết cũng<br />
không thể hình dung là mình có thể trải qua những phút giây đằm ấm như vậy bên người yêu.<br />
Tuyết nhớ lại tuổi thơ, nàng cũng chơi đùa với đám anh em, cũng thả diều, câu cá…<br />
Trong tiểu thuyết Con đường sáng (Hoàng Đạo), tác giả cũng có những trang miêu tả khung<br />
cảnh làng quê vào mùa gặt lúa rất nên thơ, rất Việt Nam mà chúng ta cũng có thể bắt gặp bất cứ<br />
nơi đâu ở đất nước mình. Cảnh đồng lúa chín được Hoàng Đạo miêu tả thật tài tình lúc Duy đánh<br />
xe từ Tam Đảo về Hà Nội. Đó là cảnh tượng mà lâu nay, với cuộc sống giàu sang, vương giả của<br />
mình, Duy chưa hề quan tâm. Nay trong sự ngẫu nhiên hiếm thấy (xe bị hỏng), chàng có dịp<br />
chiêm ngưỡng, đắm mình trong cảnh vật hiền hòa, tươi sáng như một bức họa của thiên nhiên:<br />
“Trước mặt Duy, giữa đám ruộng lúa xanh còn ngậm mầu, những thửa ruộng lúa yêu, lúa di chín<br />
sớm, màu vàng tươi, sáng hẳn lên, trông như những mảnh ánh nắng. Hai bên đường những ngọn<br />
lúa nặng hạt nằm ngả rạp vào bờ cỏ may hồng. Tiếng bánh xe chạm vào lúa nghe rào rào và châu<br />
chấu bay lên đậu cả vào trong xe, trên mũ, trên áo Duy. Những con châu chấu đều một loạt màu<br />
vàng như màu lúa và trông tưởng chừng như chúng nó cũng vừa mới chín theo lúa...” (Con đường<br />
sáng). Cảnh đồng lúa ở thôn quê vào một đêm trăng như một bài thơ trữ tình về quê hương, đất<br />
nước: “Cả một cánh đồng im lặng dưới bóng trăng; những bông lúa nặng sương ở gần lóng lánh<br />
một thứ ánh sáng lạnh; ngoài xa, sương mù màu trắng đục êm tỏa mãi đến tận chân trời; từng chỗ,<br />
trên biển sương, nổi lềnh bềnh màu lam nhạt của những dải rừng xa” (Con đường sáng).<br />
41<br />
<br />