KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP <br />
NHỮNG THỦ TỤC CƠ BẢN<br />
Trong quá trình thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên (KTV) sử dụng các kỹ thuật và <br />
phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán làm cơ sở hình thành nên ý kiến kiểm <br />
toán. Một trong những kỹ thuật đó hiện nay là sử dụng thủ tục phân tích cơ bản trong <br />
kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC). Bài viết bàn về nội dung, trình tự, điều kiện vận <br />
dụng khi thực hiện thủ tục phân tích cơ bản trong kiểm toán BCTC doanh nghiệp <br />
hiện nay.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi <br />
yếu tố minh bạch, lành mạnh. Một trong những điều kiện để tạo sự minh bạch, lành mạnh <br />
đó là Báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán.<br />
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong nước và quốc tế, và sự ra đời ngày càng nhiều <br />
của các công ty kiểm toán độc lập đã tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực <br />
kiểm toán. Điều đó đã yêu cầu các công ty kiểm toán phải không ngừng nâng cao chất lượng <br />
dịch vụ của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách hàng mà còn phải tìm mọi biện <br />
pháp để hạn chế rủi ro kiểm toán ở mức thấp nhất. Ngoài ra, mâu thuẫn giữa chi phí và chất <br />
lượng dịch vụ cung ứng cũng đặt ra cho họ nhiều trăn trở. Với ưu thế thời gian thực hiện ít, <br />
chi phí thấp nhưng vẫn đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý chung cho toàn báo cáo tài chính thì <br />
việc nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục phân tích trong quá trình kiểm toán được xem là một <br />
trong những phương thức hữu hiệu để giải quyết mâu thuẫn đó…<br />
Cơ sở lý thuyết<br />
Trong kiểm toán BCTC, phần lớn công việc mà KTV thực hiện nhằm hình thành ý kiến kiểm <br />
toán là thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán. Ngoài thủ tục phỏng vấn, các thủ tục <br />
kiểm toán khác để thu thập bằng chứng kiểm toán gồm kiểm tra, quan sát, xác nhận, tính <br />
toán lại, thực hiện lại và các thủ tục phân tích, thường được thực hiện kết hợp với nhau. <br />
Trong đó, thủ tục phân tích (AP) là một trong những thủ tục kiểm toán giúp KTV khai thác <br />
bằng chứng kiểm toán nhanh chóng, hiệu quả đồng thời tiết kiệm thời gian và chi phí kiểm <br />
toán.<br />
Theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 520 “Thủ tục phân tích” thì AP bao gồm việc đánh <br />
giá thông tin tài chính qua việc phân tích các mối quan hệ giữa dữ liệu tài chính và phi tài <br />
chính; Kiểm tra các biến động và các mối quan hệ xác định không nhất quán với các tài liệu, <br />
thông tin liên quan khác hoặc có sự chênh lệch lớn so với các giá trị dự kiến. Như vậy, AP <br />
ngoài mục đích xác định nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán khác, nó <br />
còn được thực hiện như là một thử nghiệm cơ bản khi việc sử dụng thủ tục này có hiệu quả <br />
hơn so với kiểm toán chi tiết nhằm giảm bớt rủi ro phát hiện liên quan đến cơ sở dẫn liệu <br />
của BCTC.<br />
Thực tế cho thấy, khi thực hiện các thử nghiệm cơ bản để thu thập bằng chứng kiểm toán ở <br />
các khoản mục có giá trị lớn, số mẫu cũng như số thử nghiệm cơ bản thường rất lớn và rất <br />
khó trong việc xem xét tính đúng đắn của khoản mục được kiểm toán. Trong các trường hợp <br />
như vậy, KTV có thể xem xét sử dụng Thủ tục phân tích cơ bản (SAP) để thực hiện công <br />
việc của mình.<br />
Thủ tục phân tích và thủ tục phân tích cơ bản<br />
AP được quy định cụ thể tại chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 520, bao gồm việc so sánh <br />
phân tích các biến động các thông tin tài chính, các khoản mục trên BCTC, từ đó xác định và <br />
khoanh vùng rủi ro trong quá trình thực hiện kiểm toán.<br />
Sử dụng SAP sẽ giúp cho KTV phát hiện các gian lận sai sót trọng yếu trong báo cáo tài <br />
chính thông qua việc phân tích các thông tin tài chính và thông tin phi tài chính. Thủ tục này <br />
cũng giúp KTV giảm bớt gánh nặng chọn mẫu trong kiểm tra chi tiết, làm cho cuộc kiểm <br />
toán có hiệu quả hơn.<br />
SAP là một trong các thủ tục kiểm tra cơ bản được sử dụng trong kiểm toán BCTC mà các <br />
KTV thường hay sử dụng trong một số trường hợp nhất định. Quá trình thực hiện thủ tục <br />
phân tích cơ bản được thực hiện theo các bước sau đây:<br />
Bước 1: Xây dựng mô hình ước tính độc lập<br />
Đây là giai đoạn đầu tiên cũng là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành nên mô hình ước <br />
tính của một khoản mục, một tài khoản cụ thể trên BCTC. Mô hình ước tính độc lập chính là <br />
một ước tính, một dự đoán độc lập có liên quan đến giá trị ghi sổ của các khoản mục trên <br />
BCTC. Trong quá trình tìm hiểu hoạt động kinh doanh của khách hàng, KTV có thể xem xét <br />
một số khoản mục trên BCTC có thể phân tách thành các mô hình có quan hệ với nhau. Ví dụ <br />
đối với trường hợp doanh thu của một đơn vị kinh doanh thương mại thường có quan hệ với <br />
số lượng bán và đơn giá bán… Từ các mối quan hệ này, KTV xây dựng nên mô hình ước tính <br />
cho giá trị cần được kiểm toán trên BCTC. Trường hợp ví dụ trên, KTV xác định mô hình <br />
ước tính của Doanh thu = (Số lượng bán trong kỳ) x (Đơn giá bán).<br />
Bước 2: Thu thập dữ liệu độc lập và tính toán giá trị của mô hình ước tính<br />
Từ mô hình ước tính đã được xây dựng, KTV sẽ tiến hành thu thập các dữ liệu các biến độc <br />
lập có trong mô hình. Điều đáng lưu ý khi thu thập dữ liệu của các biến độc lập trong mô <br />
hình cần quan tâm là nguồn dữ liệu thu thập phải đáng tin cậy và có nguồn gốc độc lập. <br />
Trong ví dụ trên, sau khi tìm hiểu hoạt động của khách hàng, KTV có thể thu thập dữ liệu <br />
của biến: Số lượng và đơn giá bán từ các bộ phận chức năng phòng ban khác trong công ty <br />
như sau:<br />
Đối với số lượng: KTV có thể thu thập từ phòng kinh doanh, từ báo cáo bán hàng, nhật ký <br />
bán hàng…<br />
Đối với đơn giá bán: KTV có thể sử dụng bảng giá bán niêm yết công khai theo từng loại <br />
hàng bán hoặc sử dụng giá bán trung bình của các sản phẩm hàng hóa nếu các hàng bán <br />
không có sự biến động lớn về đơn giá bán.<br />
Nguồn dữ liệu độc lập có thể được thu nhập từ bên trong DN hoặc bên ngoài nhưng phải <br />
đảm bảo là đáng tin cậy như là đã được kiểm toán hoặc KTV có sự xét đoán hoặc kiểm tra <br />
hệ thống dữ liệu và phải độc lập với bộ phận kế toán. Đối với các dữ liệu bên trong DN, <br />
KTV có thể thu thập từ các các bộ phận khác độc lập trong DN, dữ liệu từ các kỳ trước, năm <br />
trước… Còn dữ liệu bên ngoài thông thường có thể thu thập từ các nguồn như: Thông tin tài <br />
chính được công bố đối với các DN cùng ngành, dự báo kinh tế của các ngân hàng hoặc của <br />
các tổ chức cá nhân độc lập, các cuộc điều tra các ngành công nghiệp liên quan, thị trường <br />
chứng khoán… Từ các dữ liệu đã thu thập được, KTV tính toán giá trị của mô hình ước tính <br />
và sử dụng giá trị này để thực hiện các bước tiếp theo.<br />
Quá trình thực hiện SAP được thực hiện theo các bước:<br />
Xây dựng mô hình ước tính độc lập;<br />
Thu thập số liệu độc lập và tính toán giá trị của mô hình ước toán;<br />
Xác định ngưỡng sai sót chấp nhận;<br />
Xác định giá trị chênh lệch và tìm hiểu nguyên nhân chênh lệch.<br />
Bước 3: Xác định ngưỡng sai sót chấp nhận (Threshold)<br />
Theo chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISA 520 “Thủ tục phân tích”, khi thực hiện SAP, KTV <br />
cần phải tìm hiểu chênh lệch giữa giá trị của mô hình ước tính và giá trị của khoản mục cần <br />
kiểm toán. Đây là cơ sở để xem xét có cần thiết phải đi tìm hiểu thêm hay là chấp nhận giá <br />
trị chênh lệch, giá trị chênh lệch lớn nhất có thể chấp nhận chính là Threshold. Threshold <br />
trong SAP có thể là giá trị, có thể là tỷ lệ phần trăm tùy thuộc vào mô hình ước tính. Việc xác <br />
định Threshold thích hợp đặc biệt quan trọng và ảnh hướng lớn đến các quyết định của KTV <br />
trong quá trình thực hiện SAP.<br />
Hiện nay, chưa có nghiên cứu cụ thể nào được công bố công khai trong việc tính toán giá trị <br />
của Threshold. Các hãng kiểm toán, các công ty kiểm toán khác nhau sử dụng các tiêu thức <br />
tính toán giá trị này khác nhau. Tuy nhiên, khi thực hiện SAP, giá trị Threshold không những <br />
dựa vào một số đặc trưng cơ bản để tính toán như: Giá trị của khoản mục ghi sổ, mức trọng <br />
yếu thực hiện mà còn phải xem xét về mặt định tính như: Đánh giá rủi ro về khoản mục, <br />
xem xét và đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ của khách hàng… để xác định Threshold <br />
một cách phù hợp nhất.<br />
Bước 4: Xác định giá trị chênh lệch và tìm hiểu nguyên nhân chênh lệch<br />
Bước này là việc tính toán giá trị chênh lệch của mô hình ước tính và giá trị ghi sổ, đây không <br />
chỉ đơn thuần là việc tính toán ra giá trị chênh lệch mà phải xem xét đánh giá giá trị chênh <br />
lệch so với Threshold. Trong trường hợp giá trị chênh lệch nhỏ hơn Threshold và KTV cho <br />
rằng nó có thể bỏ qua được thì có thể chấp nhận giá trị ghi sổ của khách hàng mà không cần <br />
tìm hiểu và điều tra thêm. Hay nói cách khác, KTV đã đạt được mục tiêu kiểm toán trong <br />
việc sử dụng SAP đối với khoản mục đang thực hiện kiểm tra cơ bản.<br />
Trong trường hợp ngược lại, nếu giá trị chênh lệch lớn hơn so với Threshold và KTV cho <br />
rằng chênh lệch lớn này là trọng yếu và không thể bỏ qua, lúc này yêu cầu người thực hiện <br />
phải tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến chênh lệch. Cụ thể:<br />
Xem xét lại mô hình ước tính của mình, kiểm tra lại nguồn dữ liệu độc lập;<br />
Nếu KTV cho rằng mô hình ước tính của mình là tốt và đáng tin cậy, thì phải trao đổi với <br />
khách hàng được kiểm toán để tìm hiểu và xác định nguyên nhân chênh lệch;<br />
Sau khi xác định nguyên nhân chênh lệch và giải thích được các chênh lệch một cách hợp lý, <br />
KTV cho rằng chênh lệch còn lại là có thể bỏ qua được về quy mô, mức độ và tính chất, <br />
SAP kết thúc.<br />
Ứng dụng SAP trong thủ tục kiểm toán doanh thu:<br />
Trong kiểm toán BCTC DN, doanh thu là một khoản mục trọng yếu và thường chứa đựng <br />
nhiều rủi ro sai sót trọng yếu. Theo VSA 240 “Trách nhiệm của KTV liên quan đến gian lận <br />
trong quá trình kiểm toán BCTC”, sai sót trọng yếu do việc lập BCTC gian lận liên quan đến <br />
ghi nhận doanh thu thường xuất phát từ việc ghi nhận thừa doanh thu thông qua việc: Ghi <br />
nhận doanh thu trước kỳ hoặc ghi nhận doanh thu khống. Sai sót này cũng có thể xuất phát từ <br />
việc ghi nhận thiếu doanh thu thông qua việc: Chuyển ghi nhận doanh thu sang kỳ sau một <br />
cách không thích hợp. Hoặc trong một số trường hợp của công ty niêm yết khi hiệu quả hoạt <br />
động được đánh giá bằng tăng trưởng doanh thu hoặc lợi nhuận giữa các năm, ban giám đốc <br />
có thể gặp phải áp lực hoặc động cơ dẫn đến việc lập BCTC gian lận bằng cách ghi nhận <br />
doanh thu không hợp lệ. Theo đó, khi thực hiện kiểm toán BCTC đối với khoản mục này, thủ <br />
tục kiểm tra chi tiết thường được tính toán với số mẫu rất lớn (do tổng thể lớn và rủi ro từ <br />
phần hành này cao) và không có hiệu quả. Để đảm bảo được rủi ro từ việc kiểm toán khoản <br />
mục doanh thu là thấp nhất, KTV có thể sử dụng thêm SAP để ước tính ra mô hình doanh thu <br />
độc lập (nếu khoản mục doanh thu có thể xây dựng được mô hình). Từ đó, các KTV sẽ so <br />
sánh các chênh lệch của số liệu mô hình ước tính và số liệu trên sổ cái tài khoản doanh thu <br />
của đơn vị để xác định chênh lệch và xử lý chênh lệch theo các bước của AP như đã trình bày <br />
trong phần 1.<br />
Ngoài việc kiểm toán khoản mục doanh thu, các khoản mục khác như xác định giá vốn của <br />
hàng bán ra tương ứng, chi phí lãi vay, chi phí khấu hao… cũng có thể áp dụng phương pháp <br />
SAP một cách tương tự nhằm đạt được hiệu quả của cuộc kiểm toán và giảm thiểu rủi ro <br />
phát hiện ở mức thấp nhất.<br />
Sử dụng SAP sẽ giúp cho KTV tìm kiếm và phát hiện các gian lận sai sót trọng yếu trong <br />
BCTC thông qua việc phân tích các thông tin tài chính và thông tin phi tài chính. Thủ tục này <br />
cũng giúp cho KTV giảm bớt gánh nặng chọn mẫu trong kiểm tra chi tiết từ đó cuộc kiểm <br />
toán sẽ có hiệu quả hơn. Qua phân tích ở trên, mặc dù SAP có nhiều ưu điểm, tuy nhiên do <br />
đặc trưng của việc xây dựng mô hình ước tính từ các dữ liệu có mối liên hệ với nhau, SAP <br />
thường được áp dụng khi thực hiện kiểm tra cơ bản một số khoản mục trên báo cáo kết quả <br />
hoạt động kinh doanh (doanh thu, chi phí...). Khi sử dụng SAP nếu không xem xét và đánh giá <br />
ban đầu về mô hình ước tính, thì KTV sẽ phải tốn khá nhiều thời gian và công sức để thực <br />
hiện. Do vậy, tùy thuộc vào đặc điểm của từng khoản mục trong từng khách hàng khác nhau <br />
cũng như tùy vào kinh nghiệm của các KTV… các công ty kiểm toán độc lập có thể áp dụng <br />
thủ tục này một cách phù hợp nhất nhằm đưa cuộc kiểm toán đạt được hiệu quả cao mà vẫn <br />
đảm bảo được chất lượng của báo cáo kiểm toán.<br />
Tài liệu tham khảo:<br />
1. Bộ Tài chính, Hệ thống Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam ban hành theo Thông tư số <br />
214/2012/TTBTC;<br />
2. International Federation of Accountants, Guide to using International Standards on Auditing <br />
in the Audits of Small and Medium Size Entities, Second edition, 2010;<br />
3. American Institute of Certified Public Accountants AICPA “Audit and Accounting Guides”, <br />
2002;<br />
4. Internationnal Standard on Auditing ISA 520 “Analytical Procedures”.<br />