intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Kinh tế Việt Nam năm 2023 và khuyến nghị cho năm 2024 – Góc nhìn từ ba động lực tăng trưởng tổng cầu

Chia sẻ: Tư Khấu Quân Tường | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:13

6
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Kinh tế Việt Nam năm 2023 và khuyến nghị cho năm 2024 – Góc nhìn từ ba động lực tăng trưởng tổng cầu" nhằm đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 thông qua ba yếu tố trên, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng trong thời kỳ kinh tế mới, giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng một cách bền vững và đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong năm 2024. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Kinh tế Việt Nam năm 2023 và khuyến nghị cho năm 2024 – Góc nhìn từ ba động lực tăng trưởng tổng cầu

  1. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI 25. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ KHUYẾN NGHỊ CHO NĂM 2024 – GÓC NHÌN TỪ BA ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG TỔNG CẦU ThS. Trương Quang Vĩ* ThS. Nguyễn Ngọc Anh** Tóm tắt Trong năm 2023, tình hình bất ổn địa chính trị với các cuộc xung đột trên thế giới; tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng, thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; thị trường hàng hóa có nhiều biến động do những cú sốc về chuỗi cung ứng; lãi suất cao do chính sách tiền tệ thắt chặt... là các lý do làm cho nền kinh toàn cầu suy yếu. Trong bối cảnh đó, một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng lên nhu cầu về tiêu dùng, đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu – ba lực đẩy “truyền thống” của tổng cầu. Bài viết nhằm đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tình hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 thông qua ba yếu tố trên, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng trong thời kỳ kinh tế mới, giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng một cách bền vững và đạt được những mục tiêu đã đặt ra trong năm 2024. Từ khóa: đầu tư, tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng, tổng cầu, xuất nhập khẩu 1. MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 1.1. Về quy mô nền kinh tế Năm 2023 có thể nói là một năm với rất nhiều thách thức, khó khăn, diễn biến khó lường và bất ổn với nền kinh tế thế giới. Sau đại dịch Covid-19, trong khi kinh tế vẫn chưa phục hồi hoàn toàn đã liên tiếp phải đối mặt với các biến động chính trị phức tạp như: chiến dịch quân sự đặc biệt Nga - Ukraine; xung đột Israel - Hamas; bất ổn tại châu Phi; biến đổi khí hậu; lạm phát vẫn còn cao đi kèm với chính sách tiền tệ thắt chặt; hàng rào bảo hộ thương * Thành đoàn Hà Nội ** Trường Đại học Kinh tế Quốc dân 359
  2. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA mại gia tăng; những cú sốc về chuỗi cung ứng... Tất cả những sự kiện này diễn ra trong năm vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, một nền kinh tế mở như Việt Nam cũng không đứng ngoài chu kỳ suy thoái của kinh tế thế giới thời kỳ hậu đại dịch, dẫn đến tổng cầu suy yếu làm kinh tế tăng trưởng chậm. Hình 1. Tăng trưởng GDP Việt Nam giai đoạn 2014 - 2023 8.12% 7.47% 7.36% 6.99% 6.94% 6.69% 6.42% 5.05% 2.87% 2.55% 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023), tác giả tổng hợp Tính chung cả năm 2023, GDP Việt Nam tăng 5,05% (GDP từng quý tăng dần từ 3,41% trong quý I; 4,25% trong quý II; 5,47% trong quý III và 6,72% trong quý IV), với quy mô tương đương 430 tỷ USD theo giá hiện hành. Mức tăng này chỉ cao hơn hai năm trong đại dịch Covid-19 (năm 2020 và 2021) với lần lượt là 2,87% và 2,55%; đồng thời không đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra đầu năm (6,5%) và ghi nhận một mức giảm đáng kể khi so sánh với mức tăng trưởng năm 2022 ở mức 8,12%. Đây được đánh giá là một năm đầy thách thức với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được coi là một điểm sáng trên bản đồ kinh tế thế giới và khu vực với mức tăng trưởng GDP cao hơn trung bình thế giới (2,90%) và đứng thứ 2 khu vực ASEAN, sau Philippines (5,6%). Bên cạnh đó, nền kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và tỷ giá hối đoái được đánh giá cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25% (lạm phát cơ bản tăng 4,16%) trong bối cảnh lạm phát cao trên toàn cầu. Hình 2. Tăng trưởng GDP của một số nước khu vực ASEAN giai đoạn 2014 - 2023 10.00% 8.00% 6.00% Việt Nam 4.00% 2.00% Indonesia 0.00% Thái Lan -2.00% -4.00% Malaysia -6.00% Phillipines -8.00% -10.00% 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023), tác giả tổng hợp 360
  3. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI 1.2. Về cơ cấu kinh tế Cơ cấu nền kinh tế năm 2023 không có sự thay đổi nhiều so với năm 2022 nhưng vẫn có sự chuyển dịch tích cực cùng với quy mô và tiềm lực cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho những tăng trưởng trong tương lai. Khu vực thương mại - dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 42,54% tổng GDP năm 2023, tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng với 37,12%. Khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2022 chiếm 11,88% cơ cấu của nền kinh tế đã tăng lên, chiếm 11,96% trong năm 2023. Cuối cùng, thuế sản phẩm từ trợ cấp sản phẩm vẫn duy trì tỷ lệ dưới 10% quy mô nền kinh tế qua các năm gần đây, chiếm 8,38% tổng cơ cấu. Bảng 1. Cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2023 Đơn vị: % Khu vực kinh tế chủ yếu 2021 2022 2023 Công nghiệp và xây dựng 37,86 38,26 37,12 Nông, lâm, thủy sản 12,36 11,88 11,96 Thương mại - dịch vụ 40,95 41,33 42,54 Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8,83 8,53 8,38 Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023), tác giả tổng hợp Năm 2023, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,82% so với năm trước, phần lớn nhờ vào các hoạt động thương mại, du lịch dần mở cửa sau đại dịch. Một số ngành dịch vụ nổi bật trong năm là bán buôn và bán lẻ đóng góp 0,86 điểm phần trăm vào tăng trưởng toàn nền kinh tế với mức tăng 8,82%; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,18%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; đáng chú ý là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng ở mức 2 chữ số so với năm trước ở mức 12,24% và đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Du lịch Việt Nam năm 2023 có được những con số rất tích cực. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần năm trước và phục hồi 70% so với năm 2019. Thành tựu này vượt mục tiêu ban đầu của năm 2023 là 8 triệu lượt, đạt chỉ tiêu điều chỉnh. Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch năm 2023. Trong khi đó, khu vực công nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình chính trị thế giới kéo theo chi phí sản xuất, vận chuyển tăng cao cũng như thực trạng tổng cầu thế giới suy yếu làm đơn hàng giảm sút. Dù có sự bứt phá vào quý III (tăng 4,51%) và quý IV (tăng 6,86%) giúp khu vực này ghi nhận mức tăng 3,02% so với năm 2022, đóng góp 37,12% quy mô GDP của nền kinh tế thì đây vẫn là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp đóng góp 1 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo tăng 3,62% – mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2023, đóng góp 0,93%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý chất thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng lĩnh vực khai khoáng giảm 3,17% dẫn đến giảm 0,1 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 361
  4. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA tăng 7,06%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm, giúp kéo mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng lên 3,74% trong năm 2023. Một số ngành công nghiệp trọng điểm luôn giữ mức tăng qua các quý so với cùng kỳ năm trước: sản xuất, chế biến thực phẩm (tăng 6,1%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 9,5%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 13,2%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (tăng 8,3%). Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành chiếm quyền số cao nhất trong nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Tuy nhiên, tốc độ tăng của nhóm ngành này trong năm 2023 không ổn định. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tăng trưởng tích cực, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng trong chăn nuôi đã góp phần duy trì mức độ tăng trưởng tốt trong khu vực này. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 3,74%, đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Sản xuất lương thực đạt khá do thời tiết thuận lợi, chuyển đổi cơ cấu giống hợp lý và trình độ kỹ thuật canh tác ở các địa phương được nâng cao, giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ chế biến và xuất khẩu. 2. BA ĐỘNG LỰC CHÍNH CỦA TỔNG CẦU NĂM 2023 2.1. Tiêu dùng nội địa Tiêu dùng nội địa là một trong ba lực đẩy quan trọng của tổng cầu, thể hiện qua việc trong năm 2023, tiêu dùng cuối cùng đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế (tăng 5,05%), trong khi tích lũy tài sản chỉ đóng góp 26,64% và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%. Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1%. Do ảnh hưởng của lãi suất tăng cao kéo dài trước đó, tăng trưởng tiêu dùng nội địa trong trong quý II và quý III thấp, dẫn đến mức tăng trưởng cả năm 2023 khá khiêm tốn so với mức tăng 20% của năm 2022 (nếu loại trừ mức yếu tố giá tăng thì năm 2022 tăng 15,8%). Tuy vậy, khi chính sách hạ lãi suất bắt đầu thể hiện hiệu quả trong các tháng cuối năm (Quý II tăng trưởng 8,7%; Quý III tăng trưởng 7,3%; Quý IV là 9,3%), hoạt động của thị trường tiêu dùng sôi động trở lại góp phần đưa chỉ số này vượt mục tiêu Chính phủ đề ra là 8 - 9% trong năm 2023. Hình 3. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023) 362
  5. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Cụ thể, bán lẻ hàng hóa vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo với 4.858,6 nghìn tỷ đồng (78%) cùng mức tăng trưởng 8,6% so với năm 2022 (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 11,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,5%; may mặc tăng 7,1%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,4%. Với mức tăng của doanh thu bán lẻ như trên, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là vẫn có sự hấp dẫn rất lớn. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng được ATKearney xếp thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2021. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đã vượt con số 180 tỷ USD trong năm 2023 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, xu hướng tiêu dùng của người Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt, năm 2023 cũng nhìn thấy sự tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực thương mại điện tử, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25%/năm. Ngoài ra, dịch vụ lưu trú, ăn uống ghi nhận mức tăng 14,7% với quy mô 673,5 nghìn tỷ đồng; du lịch lữ hành đạt mức tăng ấn tượng 52,5% với quy mô 37,8 nghìn tỷ đồng và các dịch vụ khác tăng trưởng 10,4% với quy mô 661,9 nghìn tỷ đồng. Nhìn chung, hoạt động thương mại trong nước cơ bản đã khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tăng trưởng tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8 - 9%). Nguồn cung hàng hóa trong nước dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, giúp ổn định thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung được tổ chức đồng loạt ở các địa phương, nhu cầu mua sắm tăng. Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát của Chính phủ; củng cố liên kết giữa các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối lớn trên toàn quốc. Hình 4. GDP bình quân đầu người của Việt Nam giai đoạn 2014 - 2023 10.58% 8.20% 8.95% 6.21% 6.60% 4.64% 4.23% 2.51% 1.44% 4,110.00 4,284.00 2,559.20 2,596.00 2,757.30 2,983.50 3,250.50 3,464.90 3,552.00 3,716.80 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 Thu nhập (GDP) bình quân đầu người (USD) Tăng trưởng Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023), tác giả tổng hợp 363
  6. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Mặt khác, GDP đầu người bình quân năm 2023 vượt mốc 100 triệu đồng (tương đương 4.284 USD) tăng 4,23% so với năm 2022 và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ số này dự kiến sẽ vượt mốc 5.000 USD vào năm 2025, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người của Việt Nam luôn nằm trong nhóm hàng đầu thế giới. Năm 2023 còn là năm mà Việt Nam đón chào công dân thứ 100 triệu đưa quy mô dân số Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 trong khu vực ASEAN. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” với khoảng 66,6 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68% tổng dân số cả nước. Các con số về tăng trưởng GDP bình quân đầu người và quy mô dân số cho thấy, thị trường tiêu dùng nội địa vẫn còn nhiều dư địa để phát triển và là động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế vĩ mô. 2.2. Vốn đầu tư Hình 5. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành giai đoạn 2020 - 2023 3,423.5 3,222.7 2,896.7 550.2 2,803.1 522.0 463.3 458.1 1,919.7 1,868.6 1,605.1 1,719.4 734.7 719.2 832.1 953.6 2020 2021 2022 Ước tính 2023 Vốn đầu tư khu vực Nhà nước Vốn đầu tư của dân cư và tư nhân Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023), tác giả tổng hợp Do tình hình thị trường quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, biến động của kinh tế vĩ mô cùng với lãi suất tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của Việt Nam năm 2023, tình hình đầu tư khá ảm đạm với mức tăng trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt tăng trưởng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với các chính sách tài khóa, điều hành lãi suất cùng với sự quyết liệt trong đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ trong quý cuối năm đã giúp vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý IV/2023 theo giá hiện hành ước đạt 1.164,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này góp phần lớn đưa vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước. Trong đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước ước đạt 953,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,8% và tăng 14,6%, khu vực ngoài nhà nước ước đạt 1.919,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,1% và tăng 2,7%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 550,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,1% và tăng 5,4%. Riêng nguồn vốn đầu tư công cả năm 2023 tăng 21,2% so với năm trước, thanh toán ước đạt 579.848,8 tỷ đồng, đạt 73,5% kế hoạch, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ với Công điện số 749/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023 cùng với sự nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương đã đẩy mạnh thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò “vốn mồi” nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 364
  7. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Thêm vào đó, việc thực thi chính sách tài khóa về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng từ ngày 01/7/2023 nhằm kích cầu tiêu dùng và điều hành hạ nhiệt lãi suất của các cơ quan chức năng đã góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp và người dân hạn chế thu hẹp sản xuất, kinh doanh, quay lại thị trường. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 là 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với năm 2022. Thực tế cho thấy, khu vực đầu tư ngoài nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng quá bán trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội qua các năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế (Marobhe, 2015) và là động lực chính của hội nhập kinh tế toàn cầu (Ali và Hussain, 2017). Năm 2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam ước đạt hơn 848 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đăng ký mới đạt hơn 484 nghìn tỷ đồng, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Số dự án đăng ký mới đạt 3.188 dự án, tăng 56,6% so với năm 2022, ghi nhận một năm tăng trưởng mạnh của cả vốn đăng ký mới cũng như số lượng dự án mới. Đáng chú ý, vốn thực hiện ước đạt 550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2022 và là mức giải ngân cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Đây là kết quả của sự nỗ lực Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, chủ động xúc tiến đầu tư cũng như nguồn nhân lực ổn định tại Việt Nam. Các đối tác có tỷ trọng đầu tư cao vào Việt Nam tiếp tục là các nhà đầu tư đến từ châu Á như: Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, chiếm hơn 81,4% tổng vốn đầu tư của cả nước trong năm 2023. Nếu phân nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài theo các ngành thì ngành công nghiệp chế biến - chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Các ngành sản xuất, phân phối điện; tài chính - ngân hàng xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,37 tỷ USD (tăng 4,9%) và gần 1,56 tỷ USD (gấp gần 27 lần). Hình 6. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký và thực hiện giai đoạn 2019 - 2023 Vốn đăng ký (tỷ USD) Vốn thực hiện (tỷ USD) 38 36.6 31.2 28.5 27.7 22.4 23.2 20.4 20.0 19.7 2019 2020 2021 2022 2023 Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023), tác giả tổng hợp 365
  8. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 2.3. Xuất nhập khẩu Thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2023 dù đạt được một số thành tựu nhưng vẫn còn phải chịu áp lực và khó khăn từ những sự kiện diễn ra trên thế giới như: Trung Quốc mở cửa trở lại; các thị trường mà Việt Nam xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu... vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình hồi phục sau đại dịch; thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp tục giảm sút; hàng rào bảo hộ và phòng vệ thương mại gia tăng. Nhiều nước nhập khẩu yêu cầu chặt chẽ về yếu tố phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng hóa tương đồng. Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 không đạt được như kỳ vọng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%. Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp vì thực tế nhập khẩu giảm nhiều hơn xuất khẩu, với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỷ USD, gấp 2,3 lần năm 2022. Xuất khẩu được coi là một trong ba nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng âm trong cả ba quý đầu năm và chỉ có được mức tăng trưởng dương vào quý IV (lần lượt đạt -10%; -11,8%; -2,4% và +8,8%). Tính chung cả năm, xuất khẩu Việt Nam không được như kỳ vọng, giảm 4,4% so với năm 2022 với kim ngạch đạt khoảng 355,5 tỷ USD. Hình 7. Xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023 Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023) Xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu trong năm 2023. Riêng 7 mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo có giá trị kim ngạch trên 10 tỷ USD đã đạt chiếm 70,9% (năm 2022 chiếm 72,1%) tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đó là các nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may; giầy dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ. Dù nhóm các mặt hàng chế biến - chế tạo vẫn chiếm phần lớn hàng xuất khẩu nhưng vẫn cho thấy sự sụt giảm trong năm 2023, đặc biệt là nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ (giảm 16,2% so với năm 2022); giầy dép (giảm 14,7% so với năm 2022); điện thoại và linh kiện (giảm 8,3% so với năm 2022). 366
  9. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Bảng 2. Trị giá một số mặt hàng xuất khẩu năm 2023 Ước tính Tốc độ tăng/giảm (Triệu USD) so với năm trước (%) Các mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD Điện tử, máy tính và linh kiện 57.340 3,3 Điện thoại và linh kiện 53.188 -8,3 Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 43.176 -5,6 Dệt, may 33.226 -11,6 Giầy dép 20.374 -14,7 Phương tiện vận tải và phụ tùng 13.740 14,6 Gỗ và sản phẩm gỗ 13.424 -16,2 Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023) Trong khi đó, mặc dù chiếm tỷ trọng thấp nhưng xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm sản năm 2023 lại có những thành công bất ngờ, góp phần vào hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Đó là nhờ vào những hoạt động thúc đẩy xúc tiến thương mại, kết nối với các cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài nhằm nắm bắt các cơ hội giới thiệu quảng bá sản phẩm có thế mạnh và chất lượng cao để đưa vào các thị trường mới; tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu của các cơ quan quản lý nhà nước. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trong đó mặt hàng gạo xuất khẩu vào thị trường EU - khối lượng xuất khẩu không nhiều, nhưng đã xuất khẩu được chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm cho giá trị cao. Năm 2023 là năm thành công của ngành lúa gạo nước ta với sản lượng xuất khẩu đạt trên 8,1 triệu tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn (So với năm 2022, tăng 14,4% về số lượng và tăng 35,3% về giá trị, giá bình quân tăng 88,8 USD/tấn). Đặc biệt, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ khi tham gia xuất khẩu năm 1989. Việt Nam tiếp tục là một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan. Một yếu tố khác giúp đóng góp vào xuất khẩu năm 2023 là nhờ vào việc khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ước tính tăng 6,4% trong cả năm 2023, trong khi các thị trường lớn khác đều giảm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc trong năm 2023 ước đạt 173,2 tỷ USD, là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất với Việt Nam. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%. Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 04 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD là điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị; vải và sắt thép, chiếm 46,8%). 367
  10. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Bảng 3. Trị giá một số mặt hàng nhập khẩu năm 2023 Ước tính Tốc độ tăng/giảm (Triệu USD) so với năm trước (%) Các mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD Điện tử, máy tính và linh kiện 88.190 7,7 Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 41.478 -8,1 Vải 13.074 -11,1 Sắt thép 10.542 -11,6 Nguồn: Tổng cục Thống kê (2023) Những khó khăn về số lượng đơn hàng mới xuất khẩu trong những tháng đầu năm nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giảm; do đó, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2023 cũng bị tác động dây chuyền. Các nhóm hàng là đầu vào trong sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm mạnh, cụ thể như: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 8,1% so với năm 2022; thép giảm 11,6%; vải giảm 11,1%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 27,8%, bông giảm gần 30%, hàng điện gia dụng và linh kiện giảm 20,9%, chất dẻo giảm 21,1%... Là một nền kinh tế gia công, lắp ráp, với nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu hàng chục tỷ USD như: điện thoại, dệt may, da giầy... đều phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, trong khi nhập khẩu ít đi là tín hiệu không vui cho tương lai. 3. TRIỂN VỌNG KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2024 VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH 3.1. Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 Tình hình chính trị thế giới năm 2024 dự kiến vẫn còn nhiều biến động phức tạp, khó lường khi các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn không có hồi kết, kéo theo nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào tình trạng suy thoái. Trong thời kỳ có thể nói là ảm đảm của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thực thi các chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm phục hồi và tăng trưởng kinh tế quốc gia năm 2024. Tuy nhiên, hiệu quả trong việc tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất lớn vào cam kết thực hiện mạnh mẽ, có hiệu quả các chiến lược phát triển bền vững có thể kể đến như: Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết như: Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)…; đón đầu các làn sóng chuyển dịch đầu tư. Quốc hội đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 vào khoảng 6 - 6,5%, con số này khá tương đồng với dự đoán về tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến từ các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước. Bloomberg đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6% trong năm 2024 và vượt lên 6,4% trong năm 2025 với những kỳ vọng về xuất khẩu tăng mạnh và 368
  11. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI nguồn vốn FDI rót vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong bối cảnh các công ty nước ngoài đang đa dạng hóa và giảm rủi ro chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất sang Việt Nam (Cynthia, 2024). Standard Chartered thì có dự báo tích cực nhất với mức tăng trưởng 6,7% (dự báo đạt 6,2% trong nửa đầu năm và 6,9% trong nửa cuối năm) do có tiềm năng tăng trưởng và thu hút FDI lớn. Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Standard Chartered Bank, cũng chia sẻ thêm: Việt Nam nên tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng cũng như giảm lượng khí thải carbon để duy trì tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh (Vietnamplus, 2024). Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra con số thận trọng hơn khi dự báo kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng lần lượt là 5,8% và 5,5% vào năm 2024 vì những lo lắng về ảnh hưởng của những cú sốc từ bên ngoài như: rủi ro địa chính trị, tác động của các cuộc xung đột đối với giá năng lượng, căng thẳng tài chính liên quan đến sự gia tăng lãi suất dài hạn, và hoạt động kinh tế yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc (IMF, 2023; WB, 2023). Nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ có những thuận lợi tích cực tiếp tục kéo dài từ quý IV năm 2023, nhưng cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức từ bối cảnh của thế giới; sản xuất công nghiệp và đầu tư tư nhân phục hồi chậm; thu ngân sách nhà nước khó khăn hơn; ngoại thương giảm làm giảm dư địa của chính sách tài khóa... Tuy vậy, nhìn chung, chúng tôi vẫn tin rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới với mức tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ đạt mức 6 - 6,5% như mục tiêu của Quốc hội đề ra; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; thị trường xuất khẩu được duy trì và mở rộng thêm thị trường mới; thặng dư thương mại đạt mức 6,0 - 6,2 tỷ USD; lạm phát ở mức 4,0 - 4,20%; chỉ số CPI bình quân khoảng 3,5 - 4,0%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt mức 5,6%. Để đạt được các mục tiêu trên, phần lớn nền kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ dựa vào ba động lực tăng trưởng truyền thống chính của tổng cầu là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. 3.2. Khuyến nghị chính sách Dựa vào việc phân tích thực trạng nền kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024, nhóm tác giả đưa ra những khuyến nghị sau: Thứ nhất, Chính phủ cần rà soát, đánh giá lại những chính sách vĩ mô về phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa những hạn chế, bất cập, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp giúp thúc đẩy cả ba động lực chính của tổng cầu là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh đầu tư công một cách có hiệu quả nhằm đóng vai trò là “vốn mồi” cho đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, tạo đầu ra cho các ngành và lĩnh vực khác. Chính phủ nên tập trung chỉ đạo và tháo gỡ các điểm nghẽn kịp thời trong giải ngân đầu tư công, đôn đốc, thực hiện giải ngân quyết liệt gắn với hiệu quả và trách nhiệm ngay từ đầu năm vào các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông như: đường cao tốc, đường ven biển, liên vùng. 369
  12. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Thứ ba, ưu tiên việc tăng trưởng tiêu dùng nội địa, đây là động lực quan trọng nhưng thường chưa được đánh giá cao như xuất khẩu hay đầu tư. Ngày 01/7/2024 là cột mốc triển khai chính sách cải cách tiền lương cho khu vực công, cùng với tăng lương tốt thiểu vùng là những động lực cho tiêu dùng nội địa. Chính sách cần tiếp tục giảm một số loại thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng, cùng với các chính sách kích cầu phù hợp và đúng thời điểm để kích thích tiêu dùng nội địa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhằm kích thích nhóm ngành du lịch, dịch vụ vận tải, lưu trú, ăn uống, nghệ thuật... Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ và hoàn tất đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại nhằm mở rộng các thị trường quốc tế mới (như thị trường Nam Mỹ, UAE..). Hoàn thiện các cơ chế, chính sách, xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt các cơ hội từ các hiệp định thương mại đã ký kết (ví dụ như EVFTA) nhằm tăng trưởng lĩnh vực xuất khẩu. Kiên trì mục tiêu xuất khẩu “xanh”, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của quốc tế để hướng tới một nền xuất khẩu bền vững. Thứ năm, duy trì mặt bằng lãi suất thấp và đưa ra các chính sách để tăng khả năng hấp thụ vốn của thị trường khi mà các điều kiện kinh tế vĩ mô như: lạm phát, tỷ giá hối đoái cơ bản được duy trì ổn định ở mức tốt. Việc này sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn tín dụng, kích thích đầu tư của cả cá nhân và doanh nghiệp trên các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản. Thứ sáu, tiếp tục duy trì và phát triển hơn các chính sách ưu đãi thu hút FDI, tăng cường tiếp xúc làm việc với các tập đoàn hàng đầu của nước ngoài ở các cấp chính quyền để tiếp cận các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực. Song song với đó, cần thực hiện chính sách FDI một cách có chọn lọc, chất lượng và bảo vệ môi trường, đặc biệt là FDI vào các lĩnh vực mới, xu thế như: công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, năng lượng tái tạo... TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ali, N., & Hussain, H. (2017), Impact of Foreign Direct Investment on the Economic Growth of Pakistan. American Journal of Economics, 7(4), 163 - 170. DOI: 10.5923/j.economics.20170704.01. 2. Cynthia, L. (2024), “Vietnam Policy Rate Seen on Hold Through 2025 Amid Strong Growth”, Bloomberg, retrieved on February 20th 2024, from < https://www.bloomberg. com/news/articles/2024-01-08/vietnam-policy-rate-seen-on-hold-through-2025-amid- strong-growth>. 3. IMF (2023), “Article IV Executive Board Consultation”, IMF, retrieved on February 20th 2024, from < https://www.imf.org/en/Countries/VNM#whatsnew>. 4. Marobhe, M. (2015), Do Foreign Direct Investment Inflows Cause Economic Growth in Tanzania? The Granger Causality Test Approach. Journal of Economics and Sustainable 370
  13. KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2023 VÀ TRIỂN VỌNG NĂM 2024 THÚC ĐẨY TỔNG CẦU ĐỂ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ TRONG BỐI CẢNH MỚI Development, 6(24), 144 - 150. Retrieved from . 5. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023, Hà Nội. 6. Tổng cục Thống kê (2023), Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023, Hà Nội. 7. Tổng cục Thống kê (2023), Xuất nhập khẩu năm 2023 nỗ lực phục hồi, tạo đà bứt phá cho năm 2024, Hà Nội. 8. Vietnamplus (2024), Standard Chartered forecasts Vietnam’s 2024 GDP growth at 6.7%, retrieved on February 20th 2024, from . 9. World Bank (2023), Vietnam’s Economic Growth Slows Due to Global Headwinds and Internal Constraints, retrieved on February 20th 2024, from < https://www.worldbank. org/en/news/press-release/2023/08/10/vietnam-s-economic-growth-slows-due-to- global-headwinds-and-internal-constraints>. 371
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
15=>0