Liên kết chuyển đổi sản xuất nông nghiệp<br />
Những năm gần đây, dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm, song TP Cần<br />
Thơ luôn nỗ lực giữ vững gia tăng năng suất, chất lượng thông qua tổ chức các<br />
hình thức liên kết sản xuất và mở rộng những vùng tập trung chuyên canh.<br />
Riêng năm 2014, ngành nông nghiệp thành phố tập trung vào nhiệm vụ tái cơ<br />
cấu ngành trên tất cả các lĩnh vực, chuyển đổi sản xuất theo hướng đa dạng sản<br />
phẩm nông nghiệp theo yêu cầu thị trường gắn với phát triển nông nghiệp công<br />
nghệ cao.<br />
Nâng chất<br />
Với mục tiêu giữ vững sản lượng và nâng cao chất lượng, ước tính đến cuối năm<br />
2014, các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp của thành phố đều đạt mục tiêu đề ra. Theo<br />
đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt hơn 12.126 tỉ đồng, tăng<br />
5,24% so năm 2013. Diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 232.335 ha, sản lượng lúa<br />
ước đạt hơn 1,423 triệu tấn tăng 3,9% so năm 2013. Diện tích rau màu tăng 17,7%<br />
so năm 2013 với hơn 11.451ha, sản lượng ước đạt trên 100.000 tấn. Diện tích cây<br />
ăn trái gần 14.290ha, sản lượng ước đạt 85.451 tấn. Diện tích nuôi thủy sản ước đạt<br />
13.190ha, sản lượng thu hoạch hơn 198.300 tấn. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu<br />
ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và<br />
Quyết định số 580/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi<br />
từ trồng lúa sang trồng cây màu, ngành nông nghiệp thành phố đã tích cực hướng<br />
dẫn nông dân chuyển đổi sang các mô hình canh tác hiệu quả.<br />
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần<br />
Thơ, cho biết: "Năm qua, ngành nông nghiệp các quận, huyện khuyến khích chuyển<br />
đổi hơn 5.840ha từ đất lúa sang trồng cây màu như trồng mè, đậu nành, bắp, dưa các<br />
loại… với lợi nhuận đạt từ 25-40 triệu đồng/ha/vụ. Lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển<br />
dịch từ các quận trung tâm về các huyện theo hướng tập trung, đảm bảo vệ sinh an<br />
toàn sản xuất. Thủy sản tập trung phát triển các loài đặc sản có giá trị kinh tế, tạo<br />
điều kiện cho các hộ nuôi có quy mô sản xuất kinh tế hộ gia đình vừa và nhỏ. Công<br />
tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản<br />
được thực hiện ngày càng có trọng tâm, trọng điểm".<br />
<br />
Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa giống ở huyện Cờ Đỏ.<br />
Năm 2014, toàn thành phố xây dựng được 58 cánh đồng lớn với diện tích hơn<br />
39.000ha. Nông dân trong các cánh đồng lớn quen dần với việc sử dụng giống lúa<br />
xác nhận, gieo sạ mật độ phù hợp, bón phân cân đối, hạn chế sử dụng các loại thuốc<br />
bảo vệ thực vật. Ông Phạm Minh Trí, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông<br />
thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Từ 2 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 475ha được<br />
thực hiện vào đầu năm 2012, đến nay toàn huyện xây dựng được 29 cánh đồng lớn<br />
với diện tích 6.738ha. Lợi nhuận của nông dân tham gia cánh đồng lớn tăng thêm từ<br />
2-4 triệu đồng/ha so với sản xuất theo tập quán cũ. Cá biệt có cánh đồng lớn lợi<br />
nhuận tăng thêm từ 15-16 triệu đồng/ha nhờ chuyển đổi giống có giá trị cao như<br />
cánh đồng D2 xã Thạnh Lợi, cánh đồng của Tổ hợp tác Đồng Vạn thị trấn Thạnh<br />
An". Ngoài phát triển các cánh đồng lớn, ngành nông nghiệp thành phố cũng chú<br />
trọng xây dựng vùng sản xuất rau màu an toàn tại các quận Bình Thủy, Ô Môn, Thốt<br />
Nốt góp phần gia tăng khả năng cung cấp sản phẩm rau an toàn, có kiểm soát chất<br />
lượng và phù hợp yêu cầu thị trường. Các mô hình nuôi cá tra đạt theo tiêu chuẩn<br />
ASC, VietGAP, GlobalGAP, BAP tiếp tục được duy trì nhằm đáp ứng được yêu cầu<br />
xuất khẩu.<br />
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp<br />
Thời gian qua, thành phố triển khai hàng loạt chính sách của Trung ương nhằm thúc<br />
đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố. Trong đó, chính sách thu mua<br />
tạm trữ lúa gạo cho nông dân đã thu hút 23 doanh nghiệp tham gia trong vụ đông<br />
xuân 2013-2014. Với chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đã nâng tỷ lệ cơ<br />
giới hóa khâu thu hoạch đạt trên 65% diện tích lúa thu đông, 70% diện tích lúa hè<br />
<br />
thu và 100% diện tích lúa thu đông. Các chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển<br />
đất trồng lúa, hỗ trợ giống để chuyển đổi từ lúa sang cây màu, chính sách về nuôi,<br />
chế biến và xuất khẩu cá tra góp phần giúp nông dân chuyển đổi sản xuất theo nhu<br />
cầu thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông, thủy sản. Tuy nhiên, sản xuất<br />
nông nghiệp của thành phố nhìn chung vẫn còn mang tính tự phát, chưa tương xứng<br />
với tiềm năng. Chất lượng nông sản hàng hóa thấp làm giảm khả năng cạnh tranh.<br />
Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện<br />
Thới Lai, cho biết: "Những cơ chế chính sách của Chính phủ đối với phát triển nông<br />
nghiệp, nông dân, nông thôn hết sức đúng đắn. Nhưng một số cơ chế vẫn chưa đến<br />
được với người dân, một số chính sách chưa phù hợp nên nông dân rất khó tiếp cận.<br />
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở nông thôn còn chậm, mô hình liên<br />
kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới thực hiện thí điểm trên một số sản phẩm nông<br />
nghiệp". Do đó, phát triển sản xuất với quy mô lớn, phù hợp yêu cầu thị trường để<br />
tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế là nhiệm vụ quan trọng<br />
hàng đầu. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp thành phố đang hướng đến mục tiêu<br />
phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần tạo điều kiện tối đa để nông dân có thể<br />
thuận lợi tiếp cận các chính sách và phát huy cao nhất hiệu quả sản xuất.<br />
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, để chuyển<br />
đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp, thành phố cần tăng cường hỗ trợ kêu gọi<br />
các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản (lúa và các loại cây<br />
ăn trái) cho nông dân. Đồng thời hỗ trợ các quận, huyện về kinh phí đầu tư hoàn<br />
thiện hạ tầng đê bao, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh phí<br />
trợ giá giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù<br />
hợp. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP<br />
Cần Thơ, cho biết: Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi phải sử dụng linh hoạt<br />
diện tích đất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và linh hoạt theo yêu cầu thị<br />
trường. Để phát triển nông nghiệp theo định hướng công nghệ cao, thành phố cần ưu<br />
tiên các nguồn lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao TP<br />
Cần Thơ, tăng cường nguồn nhân lực con người và kinh phí phục vụ phát triển nông<br />
nghiệp công nghệ cao.<br />
Từ thực tế sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố thời gian qua, Phó Chủ tịch<br />
UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng, cùng với yêu cầu phát triển nông<br />
nghiệp công nghệ cao, đa dạng về sản phẩm và đảm bảo chất lượng, khả năng cạnh<br />
tranh cần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây là mục tiêu sống còn của ngành<br />
nông nghiệp. Vì vậy, cần tăng cường nghiên cứu phát triển và ứng dụng các gói giải<br />
pháp kỹ thuật, tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu<br />
nhập cho nông dân. Song song đó, trong năm 2015, ngành nông nghiệp thành phố<br />
<br />
cần xúc tiến làm việc với đơn vị tư vấn, các sở ngành hữu quan, các bộ, ngành Trung<br />
ương sớm thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố để triển khai<br />
thực hiện gắn liền với các Quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần đưa ngành nông<br />
nghiệp phát triển bền vững.<br />
Bài, ảnh: MINH HUYỀN<br />
<br />