LIỆU PHÁP PHÂN TÂM CỔ ĐIỂN - CƠ SỞ LÝ LUẬN<br />
<br />
BS Nguyễn Minh Tiến<br />
<br />
Sigmund Freud (1856-1939) là cha đẻ của phân tâm học và đồng thời cũng là một nhà thực hành phân tâm.<br />
Theo Freud, hành vi của một con người được xác định bởi cả những yếu tố bên trong nội tâm (intrapsychic) lẫn<br />
những yếu tố trong mối quan hệ liên cá nhân (interpersonal). Con người không làm chủ được số phận của mình,<br />
vì hành vi được dẫn dắt bởi bản năng và việc thỏa mãn các nhu cầu sinh học cơ bản. Hành vi không có tính ngẫu<br />
nhiên mà đã được xác định bởi những trải nghiệm trong quá khứ.<br />
<br />
Các mức độ nhận biết của tâm trí<br />
<br />
Freud (1935) phân chia hoạt động tâm trí thành ba khu vực với ba mức độ khác nhau về sự nhận biết:<br />
<br />
z Ý thức (consciouss): tầng mức hoạt động của tâm trí mà con người có thể nhận biết được thông qua tư<br />
duy, ý tưởng và cảm xúc.<br />
z Tiền ý thức (preconsciouss): làm phần ký ức có thể gợi nhớ lại được.<br />
z Vô thức (unconsciouss): theo Freud, đây là phần quan trọng nhất của bộ máy tâm trí vì đó phần quy định<br />
nên những hành vi của con người. Con người không thể nhận biết được những hoạt động đang diễn ra<br />
trong phần vô thức.<br />
<br />
Theo lý thuyết phân tâm, tầm quan trọng của các cảm xúc bên trong vô thức là ở chỗ chúng thường xuyên cố<br />
gắng thoát lộ lên trên phần ý thức và mỗi người đều phải cố gắng đầu tư năng lượng để giữ chúng lại bên trong<br />
vô thức. Freud xem con người luôn ở trong trạng thái xung đột nội tâm thường xuyên với những gì mà bản thân<br />
không tự nhận biết được.<br />
<br />
Cấu trúc của nhân cách<br />
<br />
Về sau, trong khi vẫn giữ sự phân chia tâm trí thành ba mức độ nhận biết nêu trên, Freud đưa ra thêm lý thuyết<br />
về một cấu trúc nhân cách ba ngôi gồm cái Tôi (ego), cái Siêu Tôi (superego) và cái Ấy (id).<br />
<br />
Id tức “cái Ấy” bao gồm những bản năng, với hai loại bản năng quan trọng nhất là dục tính (sex) và hung tính<br />
(aggression). Chức năng cơ bản của cái Ấy là duy trì con người ở trong trạng thái thoải mái, không bị những áp<br />
lực căng thẳng. Cái Ấy vận hành theo “nguyên lý khoái lạc” (pleasure principle) hướng đến sự thỏa mãn các nhu<br />
cầu có tính bản năng. Nói chung, các xung năng từ cái Ấy (id impulses) chỉ đi vào phần ý thức khi cái Tôi ở trong<br />
tình trạng yếu kém. Cái Ấy hiện diện ngay từ lúc sinh ra, là thành phần chủ yếu của tâm trí một đứa bé sơ sinh.<br />
Cái Ấy chứa đựng những năng lượng của dục tính mà Freud gọi là libido.<br />
<br />
Cái Tôi (ego): Không giống như cái Ấy, cái Tôi không có sẵn vào lúc sinh ra, nhưng nó sẽ dần dần hình thành và<br />
phát triển khi đứa trẻ tương tác với mội trường sống. Chức năng của cái Tôi là thực hiện việc kiểm soát bản thân<br />
và hiểu biết thế giới bên ngoài. Trong giai đoạn đầu đời, đứa trẻ không thể phân biệt được các sự vật, và đó là lý<br />
do chủ yếu khiến đứa bé con đang đói bụng có thể cho vào miệng tất cả những gì mà nó có được trong tay. Đứa<br />
trẻ khi đó vẫn không có được những cảm nhận về thế giới thực tại ở bên ngoài, và rồi trẻ sẽ phải học cách phân<br />
biệt giữa thực tế khách quan và những hình ảnh bên trong tâm trí của nó. Cũng qua quá trình đó, đứa trẻ sớm<br />
nhận ra rằng việc tạo nên những hình ảnh trong tâm trí không hề giúp thỏa mãn được những nhu cầu của nó, và<br />
hệ quả là trẻ bắt đầu phân biệt được giữa bản thân nó và thế giới bên ngoài, bắt đầu học cách tìm kiếm những<br />
sự vật bên ngoài để phù hợp với những hình ảnh bên trong tâm trí của nó. Quá trình này tạo điều kiện cho cái<br />
Tôi tách biệt ra khỏi cái Ấy và được xem là quá trình đồng nhất hóa (identification). Đây là một trong những khái<br />
niệm quan trọng nhất trong lý thuyết phân tâm.<br />
<br />
Trong khi cái Ấy có chức năng chủ yếu là nhằm thỏa mãn các nhu cầu của bản thân mà không cần xem xét đến<br />
thực tế bên ngoài, thì cái Tôi lại phát triển vượt lên trên cái Ấy bởi vì bản thân con người cũng có nhu cầu phải<br />
giải quyết những việc xảy ra trong thực tế. Cái Tôi đảm nhận việc điều hòa giữa cái Ấy và thế giới bên ngoài. Vì<br />
thế, cái Tôi vận hành dựa trên “nguyên lý thực tế” (reality principle), nó cố gắng kềm giữ việc tiêu hao năng<br />
lượng tâm trí cho đến khi xác định được một đối tượng ở bên ngoài thích hợp để thỏa mãn các nhu cầu của cá<br />
nhân. Ở trẻ em đang lớn lên, sự phát triển dần của cái Tôi sẽ làm thay đổi dần hành vi nơi đứa trẻ. Khi trẻ biết rõ<br />
vật gì ở bên ngoài có thể giúp nó thỏa mãn được cơn đói, nó sẽ ngưng dần việc bỏ tất cả mọi thứ vào miệng. Cái<br />
Tôi sau đó sẽ trở nên là thành phần chủ đạo trong nhân cách con người.<br />
<br />
Cái Siêu Tôi (superego): Tiến trình đồng nhất hóa cũng quan trọng trong sự phát triển của cái Siêu Tôi. Những<br />
đối tượng đầu tiên trong thế giới bên ngoài giúp thỏa mãn các nhu cầu của đứa trẻ chính là cha mẹ của nó. Ngay<br />
từ giai đoạn phát triển đầu đời, trẻ cũng nhận ra rằng ngay cả những con người quan trọng đó cũng có lúc không<br />
chấp nhận những biểu hiện từ các xung năng của nó. Cha mẹ hành xử như những người gìn giữ kỹ cương, thông<br />
qua các quá trình thưởng và phạt với nhiều mức độ khác nhau khiến đứa trẻ dần nhận ra được những hành vi<br />
nào của nó là được chấp nhận và những hành vi nào là không chấp nhận được. Khi quá trình này tiếp diễn suốt<br />
thời thơ ấu, trẻ không những nhận được các giá trị và tập quán của cha mẹ, mà nó còn thống nhập những giá trị,<br />
truyền thống và tập quán mà xã hội chấp nhận.<br />
<br />
Cái Siêu Tôi là một dạng thức kiểm soát từ bên trong của mỗi cá nhân. Khi trẻ thực hiện một hành vi phù hợp mà<br />
không có ai khác ở tại chỗ để chứng kiến, khi ấy có sự hiện diện của cái Siêu Tôi. Theo quan điểm của Freud, cái<br />
Siêu Tôi được tạo nên bởi hai thành phần, đó là lương tâm (conscience) và cái Tôi lý tưởng (ego-ideal). Lương<br />
tâm thể hiện những điều mà một con người tin rằng mình không nên làm; còn cái Tôi lý tưởng thì thể hiện những<br />
điều mà một con người muốn thực hiện.<br />
<br />
Các thành phần của cái Siêu Tôi vẫn thường xảy ra xung đột với các xung năng của cái Ấy. Cái Siêu Tôi là cơ chế<br />
kiểm soát được “cài đặt” bên trong để đảm nhận chức năng chính là kiểm soát các xung năng có tính nguyên sơ<br />
của cái Ấy, để từ đó con người có thể thực hiện những hành vi được xã hội chấp nhận. Sự kiểm soát này chủ yếu<br />
xảy ra trong phần vô thức của tâm trí, cá nhân mỗi người không thể nhận biết được. Cái Siêu Tôi nói chung thể<br />
hiện những điều có tính lý tưởng bên trong mỗi cá nhân và nó luôn hướng con người đến sự hoàn hảo.<br />
<br />
Theo quan điểm của Freud, động lực của nhân cách (dynamics of personality) có trọng tâm nằm ở mối tương tác<br />
giữa ba thành phần cái Ấy, cái Tôi và cái Siêu Tôi. Freud mô tả lý thuyết phân tâm như một “quan niệm động lực<br />
học, xem cuộc sống tinh thần như một giao diện giữa các lực vừa thúc đẩy nhau vừa kiểm tra lẫn nhau” (Freud,<br />
1910). Cái Ấy vận hành theo nguyên lý khoái lạc, thường xuyên tìm kiếm việc thỏa mãn các nhu cầu của cá nhân,<br />
trong khi đó, năng lượng của cái Tôi và cái Siêu Tôi lại vận hành theo kiểu vừa thỏa mãn nhu cầu cá nhân, vừa<br />
duy trì sự kiểm soát các xung năng từ cái Ấy. Cái Tôi không những phải đáp ứng với thế giới bên ngoài, mà nó<br />
còn phải làm trung gian điều hòa giữa cái Ấy và cái Siêu Tôi. Một cá nhân có cái Ấy vận hành nổi trội sẽ có khung<br />
hướng gia tăng xung động; còn một người có cái Siêu Tôi vận hành nổi trội sẽ trở nên đạo đức thái quá. Chức<br />
năng của cái Tôi còn là giữ cho cá nhân được quân bình giữa hai cực đối lập đó.<br />
<br />
Các giai đoạn phát triển tâm lý – tính dục (psychosexual development)<br />
<br />
Freud khẳng định rằng nhân cách của một con người được hình thành cơ bản từ trong 5 năm đầu đời, khoảng<br />
thời gian mà người ấy học được những cách thức để làm giảm những áp lực căng thẳng phát sinh từ sự tăng<br />
trưởng sinh học, từ những hụt hẫng, xung đột hoặc từ các mối đe dọa (Hall & Lindzey, 1957). Ba nguồn gốc sau<br />
phần lớn cũng là sản phẩm của quá trình tăng trưởng về mặt sinh học.<br />
<br />
Theo Freud, sự phát triển nhân cách, bao gồm những cơ chế phòng vệ khác nhau và cách thức mà con người sử<br />
dụng chúng, phần lớn phụ thuộc vào quá trình phát triển tâm lý – tính dục của người ấy. Phần lớn quá trình phát<br />
triển này xảy ra trong 5 năm đầu đời; tiếp theo sau đó là một khoảng thời gian 6 năm có diễn biến tương đối tĩnh<br />
lặng, gọi là thời kỳ tiềm ẩn. Để rồi bước sang tuổi thiếu niên, quá trình này trở nên mạnh mẽ trở lại. Freud còn<br />
đưa thêm một giả thuyết quan trọng, đó là ở mỗi giai đoạn của sự phát triển sẽ có một vùng nhất định trên cơ<br />
thể con người đóng vai trò nổi trội như một nguồn gây khoái cảm. Trong sự phát triển bình thường, mỗi người sẽ<br />
trải qua<br />
<br />
một diễn biến có trình tự, hết giai đoạn nổi trội của một khu vực cơ thể này thì sẽ tiếp nối bằng giai đoạn nổi trội<br />
của một vùng cơ thể khác, và thứ tự này là giống nhau ở tất cả mọi người. Và một giả thuyết thứ ba của Freud<br />
cho rằng: sự thất bại trong việc hoàn tất trình tự phát triển phát triển này sẽ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng<br />
của nhân cách.<br />
Các giai đoạn tiền sinh dục<br />
<br />
Giai đoạn miệng (oral stage)<br />
<br />
Freud tin rằng khi một đứa trẻ làm động tác bú, nó không phải chỉ để nhận lấy thực phẩm, mà còn là do việc bú<br />
có thể tạo nên những cảm giác khoan khoái. Giai đoạn phát triển này kéo dài suốt một năm đầu đời, trong đó<br />
mối quan hệ mẹ-con có vai trò cực kỳ quan trọng. Khi đứa bé đồng nhất hóa với người mẹ, nó sẽ chuyển dần từ<br />
trạng thái ái kỷ (narcissism) hoặc “tự yêu mình” (self-love) sang trạng thái có thể yêu thương người khác. Freud<br />
khẳng định có một mối nguy trong giai đoạn phát triển này: Nếu mối quan hệ giữa trẻ và mẹ quá thuận lợi, trẻ<br />
sẽ trở nên lệ thuộc quá đáng với mẹ và sẽ “cắm chốt” (fixed) ở giai đoạn này, dẫn đến việc hình thành một nhân<br />
cách lệ thuộc ở tuổi trưởng thành. Ở một cực ngược lại, khi tương tác mẹ-con được trẻ trải nghiệm với nhiều nỗi<br />
lo âu, trẻ có thể cảm thấy không an toàn, và trải nghiệm bất an này có thể vẫn tiếp tục cho đến tuổi trưởng<br />
thành.<br />
<br />
Giai đoạn hậu môn (anal stage)<br />
<br />
Trong năm thứ hai của cuộc sống, nguồn gốc phát sinh các khoái cảm được chuyển từ vùng miệng sang khu vực<br />
hậu môn. Trong giai đoạn này, cách thức mà người lớn tập cho trẻ đi vệ sinh (tiêu, tiểu) đóng vai trò hết sức<br />
quan trọng. Nếu một trẻ ở giai đoạn này được xử lý vấn đề vệ sinh theo một cách thức rất ngiêm khắc, nó sẽ có<br />
thể phát triển một loại nhân cách có tính “kềm chế rất cao” (very retentive). Một người lớn có tính cách rất thô<br />
lỗ, ngoan cố hoặc keo kiệt, được xem là bị “cắm chốt” ở giai đoạn hậu môn. Trong giai đoạn hậu môn, đứa trẻ sẽ<br />
thực hiện những cố gắng đầu tiên trong việc kiểm soát bản thân và kiểm soát người khác.<br />
<br />
Giai đoạn cơ quan sinh dục (phallic stage)<br />
<br />
Khoảng thời gian từ 3 đến 5 hoặc 6 tuổi là giai đoạn cơ quan sinh dục. Đây là giai đoạn thường hay phát sinh các<br />
hành vi kém thích nghi cho các giai đoạn sau của đời sống. Freud tin rằng trong giai đoạn này đứa trẻ nhận được<br />
các khoái cảm chủ yếu thông qua việc tự kích thích các cơ quan này. Khi tầm quan trọng của cơ quan sinh dục<br />
càng gia tăng, một số quá trình về tâm lý sẽ xảy ra: đó là nỗi lo sợ bị thiến (castration anxiety) ở bé trai, nỗi<br />
khao khát muốn có dương vật (penis envy) ở bé gái, và đặc biệt nổi tiếng trong học thuyết của Freud đó là có sự<br />
hình thành mặc cảm Oedipe (Oedipus Complex) trong giai đoạn này.<br />
<br />
Nổi lo sợ bị thiến nẩy sinh khi đứa bé trai sợ bị mất đi dương vật của mình. Cha mẹ, khi cố gắng ngăn chận việc<br />
trẻ hay sờ mó vào dương vật, có thể làm cho trẻ lo sợ rằng mình sẽ bị thiến bỏ vật ấy. Nỗi sợ này đặc biệt càng<br />
nhiều thêm khi đứa bé trai có dịp nhìn thấy một bé gái không có dương vật; nó có thể kết luận rằng mình cũng<br />
có thể “bị phạt” giống như bé gái kia đã bị. Tương tự, một bé gái giai đoạn này có thể bẩy sinh nỗi khát khao<br />
muốn có dương vật khi nó phát hiện ra mình không có vật này. Bé gái có thể nhận thấy “dương vật” của nó đã bị<br />
cắt bỏ do nó có thể đã làm điều gì đó sai trái. Freud khẳng định rằng, ở cả hai giới tính nam và nữ, những vấn đề<br />
nghiêm trọng trong sự phát triển nhân cách đều có thể qui về giai đoạn phát triển này.<br />
<br />
Trong giai đoạn cơ quan sinh dục, có sự hình thành của điều mà Freud gọi tên là mặc cảm Oedipe ở các bé trai<br />
và mặc cảm Electra ở các bé gái. Nói tóm gọn thì mặc cảm Oedipe nói đến việc đứa bé trai mong muốn chiếm<br />
hữu người mẹ và loại bỏ vai trò của người bố. Mặc cảm Electra là mong muốn của đứa bé gái muốn chiếm hữu<br />
bố mình và loại bỏ vai trò của người mẹ. Do những mối quan hệ này khó có thể được hoàn tất theo cách thức<br />
như mong muốn, cho nên giải pháp cuối cùng cho các mối xung đột sẽ có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát<br />
triển nhân cách về sau của đứa trẻ. Trẻ về sau sẽ phải từ bỏ đối tượng (tức người bố hoặc mẹ khác giới) để đồng<br />
nhất hóa với người bố hoặc mẹ cùng giới, để sau này khi lớn lên có thể hướng sự khích lệ giới tính sang những<br />
đối tượng khác giới bên ngoài xã hội. Thái độ sau này của một con người đối với những người khác giới và đối<br />
với những người có quyền lực trong xã hội được xác định chủ yếu bởi việc người đó có thành công trong việc giải<br />
tỏa mặc cảm Oedipe trong giai đoạn này hay không. Việc giải tỏa mặc cảm Oedipe sẽ được thực hiện thông qua<br />
việc đứa trẻ đồng nhất hóa bản thân mình với người bố hoặc mẹ cùng giới tính với mình, và sau đó trẻ sẽ tái<br />
định hướng cho việc đầu tư năng lượng libido thông qua các quá trình hợp nhất và thăng hoa.<br />
<br />
Giai đoạn tiềm ẩn (latency period)<br />
Theo quan điểm của Freud, từ cuối năm thứ 5 hoặc năm thứ 6 trở đi cho đến trước tuổi dậy thì, đứa trẻ sẽ ở<br />
trong giai đoạn tiềm ẩn: giai đoạn mà trẻ dành phần lớn thời gian để phát triển các kỹ năng mà không còn mang<br />
sắc thái về tính dục nữa.<br />
<br />
Giai đoạn sinh dục (genital stage)<br />
<br />
Trong giai đoạn cơ quan sinh dục (phallic stage) tình yêu của trẻ mang nét đặc trưng của tính ái kỷ. Sang giai<br />
đoạn sinh dục, sự tự yêu mình được chuyển đổi thành yêu người khác. Bắt đầu tuổi dậy thì, trẻ bước vào giai<br />
đoạn đạt đến việc hình thành những hành vi tình dục bình thường có tính trưởng thành đối với người khác giới.<br />
Cá nhân trẻ sẽ chuyển dần từ một người có tính ái kỷ thành một con người trưởng thành có tính xã hội. Trong<br />
giai đoạn này, một cá nhân bình thường sẽ không đi tìm khoái cảm từ những khu vực trên cơ thể mình như<br />
miệng, hậu môn hoặc thông qua việc tự kích thích nữa; người đó cũng không còn chịu ảnh hưởng của nỗi lo sợ bị<br />
thiến hoặc chưa giải quyết xong mặc cảm Oedipe... Thay vào đó, những niềm vui lớn lao có thể sẽ đến từ trong<br />
mối quan hệ với những người trưởng thành khác giới sau này.<br />
<br />
Các cơ chế phòng vệ (defense mechanisms)<br />
<br />
Mỗi giai đoạn phát triển tâm lý – tính dục đều chứa đầy những tiềm năng phát sinh ra các hụt hẫng, xung đột và<br />
đe dọa đối với trẻ. Freud tin rằng con người sẽ giải quyết các áp lực căng thẳng này thông qua các quá trình<br />
đồng nhất hóa (identification), chuyển vị (displacement) và các cơ chế phòng vệ.<br />
<br />
Một trong những vai trò quan trọng nhất của cái Tôi là giải quyết những sự kiện nào khuấy động sự lo âu bên<br />
trong con người. Cái Tôi có thể tiếp cận vấn đề bằng cách giải quyết vấn đề một cách thực tế, hoặc cũng có thể<br />
giải quyết vấn đề bằng cách chối bỏ (deny), huyễn tưởng hóa (fantasy) hoặc bằng những cách thức khác nhằm<br />
bóp méo thực tại. Nếu cái Tôi tiếp cận vấn đề một cách thực tế, các cấu trúc nhân cách của đương sự sẽ được<br />
củng cố mạnh thêm; ngược lại, nếu cái Tôi lựa chọn những giải pháp bóp méo thực tại, thì quá trình phát triển<br />
nhân cách sẽ bị ngăn trở. Mặc dù Freud xếp loại các quá trình đồng nhất hóa, chuyển vị và thăng hoa như là các<br />
cơ chế phòng vệ, tuy nhiên cả ba quá trình này đều là những phương thức giải quyết vấn đề có tính thực tế và<br />
về cơ bản chúng khác xa với các cơ chế phòng vệ khác (chối bỏ, huyễn tưởng hóa hoặc bóp méo thực tại). Phần<br />
lớn các cơ chế phòng vệ được vận hành bên trong vô thức. Mặc dù đôi lúc các cơ chế phòng vệ vận hành hiệu<br />
quả, giúp làm giảm bớt các nỗi lo âu, nhưng nếu sử dụng chúng càng nhiều thì nhân cách con người càng có khả<br />
năng trở nên cứng nhắc chừng ấy.<br />
<br />
Trong giai đoạn phát triển đầu đời, những mối nguy hiểm đe dọa bản ngã thường có nguồn gốc đến từ bên<br />
ngoài. Ví dụ, đứa trẻ sợ bố mẹ, những người có quyền uy, những người cao lớn... Khi cái Siêu Tôi phát triển, mối<br />
đe dọa đối với bản ngã cũng có thể đến từ bên trong: lo âu có thể phát sinh khi một người lo sợ những xung<br />
năng từ cái Ấy có thể chiếm quyền kiểm soát bản thân. Các cơ chế phòng vệ được phát triển để giúp cá nhân có<br />
thể đương đầu với những mối đe dọa đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài, và đa phần chúng xảy ra ở tầng vô<br />
thức.<br />
<br />
Đồng nhất hóa (identification)<br />
<br />
Đồng nhất hóa là một tiến trình xảy ra khi cái Tôi và cái Siêu Tôi phát triển. Tiến trình này còn kéo dài sang các<br />
giai đoạn về sau của cuộc sống, thông qua đó một con người khi cố gắng đạt đến một mục đích nào đó sẽ thống<br />
nhập các đặc trưng, tính cách của người khác vào trong cấu trúc nhân cách của mình. Hầu hết việc này xảy ra<br />
trong tầng vô thức và theo phương thức thử-và-sai. Nếu một hành vi nào đó được một cá nhân thực hiện mà<br />
giúp làm giảm bớt áp lực căng thẳng thì người ấy sẽ có khuynh hướng duy trì hành vi đó. Nếu hành vi mới được<br />
thực hiện không giúp làm giảm bớt áp lực căng thẳng, cá nhân người ấy sẽ không thực hiện hành vi đó nữa. Mặc<br />
dù cha mẹ là những người đầu tiên và quan trọng nhất để mỗi người trong chúng ta thực hiện việc đồng nhất<br />
hóa, nhân cách con người vẫn là kết quả của những tiến trình đồng nhất hóa từ vô số người khác được thực hiện<br />
trong suốt quá trình phát triển của một con người.<br />
<br />
Chuyển vị (displacement)<br />
Một đặc trưng rất độc đáo của loài người là khả năng chuyển đổi sự đầu tư năng lượng tâm trí từ một đối tượng<br />
này sang một đối tượng khác[1]. Nếu một đối tượng trước đây có tác dụng làm giảm căng thẳng, nhưng nay<br />
không còn hoặc đã bị mất đi một phần tác dụng, thì có khả năng xuất hiện một đối tượng khác để thay thế. Sự<br />
phát triển của nhân cách tùy thuộc phần lớn vào quá trình chuyển vị năng lượng và thay thế đối tượng: bởi vì đối<br />
tượng mới không thể thỏa mãn được hoàn toàn nhu cầu làm giảm áp lực căng thẳng như đối tượng ban đầu, cho<br />
nên cá nhân con người luôn tìm kiếm những phương thức mới và tốt hơn để làm gảm căng thẳng. Chuyển vị là lý<br />
do của những nỗ lực và cố gắng thường xuyên của con người và tạo khả năng có thể thay đổi những hành vi của<br />
chúng ta.<br />
<br />
Freud tin rằng hình thức có ý nghĩa nhất của sự chuyển vị trong quá trình phát triển của nền văn minh chính là<br />
sự thăng hoa (sublimation). Thăng hoa chính là quá trình trong đó một cá nhân thay đổi cách thể hiện những<br />
xung năng có tính nguyên sơ thành ra những hành vi có thể được xã hội chấp nhận. Sự thăng hoa sẽ “tạo kênh<br />
dẫn” cho các năng lượng dục tính và hung tính đi theo các mục đích có tính chất thông thái hơn, nhân văn hơn,<br />
nghệ thuật hơn và văn hóa hơn. Vì thế, khi một con người trưởng thành, người đó có thể hoặc chuyển vị đến các<br />
đối tượng sao cho không chỉ thỏa mãn được các nhu cầu của bản thân mà còn góp phần vào lợi ích chung của xã<br />
hội.<br />
<br />
Dồn nén (repression)<br />
<br />
Một trong những khái niệm mà Freud đã đề xướng sớm nhất đó là sự dồn nén. Dồn nén là những cố gắng của<br />
tâm trí dùng áp lực để đưa một xung năng gây lo âu vào tầng vô thức. Cá nhân người ấy cố gắng rời xa xung<br />
năng này bằng cách từ chối thừa nhận sự hiện diện của nó. Một người đang trải qua sự dồn nén có thể không<br />
nhìn thấy được một sự vật rất dễ được nhận biết, hoặc thậm chí sự dồn nén có thể dẫn đến những tác dụng về<br />
mặt thực thể: ví dụ một người đàn ông quá lo sợ các xung năng dục tính đến mức trở nên mất chức năng quan<br />
hệ tình dục. Mặc dù sự dồn nén là cần thiết trong sự phát triển nhân cách bình thường và vẫn thường xảy ra với<br />
một chừng mực nào đó ở tất cả mọi người, nhưng một số người lại có thể trở nên lệ thuộc vào sự dồn nén vì đã<br />
sử dụng quá mức cơ chế phòng vệ này. Những người này có khuynh hướng rút lui khỏi những sự tiếp xúc với thế<br />
giới bên ngoài và nói chung có một nhân cách căng thẳng và cứng nhắc. Ở họ, cái Siêu Tôi được xem là có ưu<br />
thế nổi trội hơn cái Tôi, còn cái Tôi đã mất đi một phần sức mạnh của nó đối với cái Siêu Tôi.<br />
<br />
Để giải quyết những xung năng bị dồn nén, cá nhân con người phải tìm cách tin rằng xung năng ấy không còn<br />
tạo nên mối nguy hiểm nữa. Một người đã từng dồn nén các xung năng dục tính trong tuổi thiếu niên có thể<br />
nhận thấy cái Tôi của mình có thể đương đầu được với các xung năng này ở tuổi trưởng thành và sự dồn nén sẽ<br />
chấm dứt. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bản thân đương sự không hề hay biết rằng một sự dồn nén vào<br />
lúc ấy có còn cần thiết nữa hay không.<br />
<br />
Phóng chiếu (projection)<br />
<br />
Sự lo âu xuất phát từ nguồn gốc bên ngoài thì dễ giải quyết hơn sự lo âu gây nên từ các xung năng của cái Ấy. Vì<br />
thế, nếu một con người có thể qui kết được nỗi lo âu của mình là do một đối tượng ở thế giới bên ngoài gây ra<br />
thì người ấy có thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Cơ chế phòng vệ này được gọi là phóng chiếu. Trước tiên, quá trình<br />
phòng chiếu bao gồm việc xác định một tính chất đặc trưng trong con người mình và kế đó, nó qui kết tính chất<br />
đặc trưng ấy cho một người khác. Thay vì nói rằng “Tôi ghét chị tôi”, đương sự lại sử dụng cơ chế phóng chiếu<br />
để nói “Chị tôi ghét tôi”. Phóng chiếu là dạng phòng vệ rất hay gặp ở những người đang cố gắng gia tăng lòng tự<br />
tôn (self-esteem) của họ. Người ấy cố gắng làm cho bản thân mình có vẻ tốt hơn và cùng lúc ấy thì cố gắng hạ<br />
thấp người khác.<br />
<br />
Tạo phản ứng ngược lại (reaction formation)<br />
<br />
Khi một người có một xung năng gây lo âu, cái Tôi có thể sẽ cố gắng giải quyết xung năng ấy bằng cách tập<br />
trung vào một chiều hướng ngược lại. Khi một người cảm thấy ganh ghét một ai đó, cái Tôi có thể sẽ tìm cách<br />
giải quyết xung năng ganh ghét ấy bằng cách thể hiện ra bên ngoài thật nhiều dấu hiệu của tình yêu thương đối<br />
với người đó. Dạng phòng vệ này gọi là “tạo phản ứng ngược lại”. Các hình thức hành vi có tính cực đoan như<br />
ám ảnh sợ (phobia) chẳng hạn thường có thể được qui là do sự phòng vệ theo kiểu tạo phản ứng ngược lại.<br />
Cắm chốt (fixation)<br />
<br />
Theo Freud, sự phát triển nhân cách bình thường diễn ra thông qua một loạt các giai đoạn được phân chia rõ rệt<br />
của sự phát triển tâm lý – tính dục. Việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn sau thường bao gồm những<br />
trạng thái lo âu và hụt hẫng. Khi nỗi lo xảy ra quá lớn, sự tăng trưởng tâm lý bình thường sẽ bị đình hoãn, ít nhất<br />
là trong tạm thời, bởi vì cá nhân ấy lo ngại không dám đi tiếp sang giai đoạn sau. Người ấy khi đó đang trải qua<br />
một tình trạng gọi là “cắm chốt”. Trong những trường hợp như thế, đương sự không muốn rời bỏ khuôn mẫu<br />
hành vi quen thuộc vốn đã tạo sự thỏa mãn cho bản thân và không muốn chấp nhận những hành vi mới, những<br />
hành vi mà theo đương sự là không mang lại sự thỏa mãn cần thiết.<br />
<br />
Thoái lùi (regression)<br />
<br />
Tương tự như cơ chế cắm chốt, có một cơ chế phòng vệ khác được gọi tên là sự thoái lùi: Một người có thể quay<br />
trở về một giai đoạn phát triển đã vượt qua trước đó thay vì đi tiếp sang giai đoạn phát triển sau. Việc này<br />
thường xảy ra khi đương sự đang đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng. Một đứa trẻ nhỏ có thể quay trở lại<br />
thực hiện những hành vi của tuổi nhũ nhi trong hoàn cảnh nó cảm thấy bị đe dọa sẽ mất đi tình yêu thương mà<br />
người khác dành cho nó.<br />
<br />
Một người trưởng thành có thể rút lui né tránh những quan hệ tình dục nam nữ, vì người ấy cảm thấy mình<br />
không được đầy đủ, và nhờ sự rút lui khỏi những quan hệ này mà người ấy tránh được những tình huống gây ra<br />
lo âu. Nói chung, một người thoái lùi sẽ quay trở lại vị trí của một giai đoạn phát triển mà người ấy đã từng có<br />
lần cắm chốt tại đó.<br />
<br />
Sự xuất hiện của thoái lùi hoặc cắm chốt thì có tính tương đối về mặt mức độ. Sự cắm chốt ở một giai đoạn phát<br />
triển nào đó thì hiếm khi xảy ra hoàn toàn; tương tự sự thoái lùi về một giai đoạn trước đó cũng hiếm khi là sự<br />
thoái lùi toàn bộ.<br />
<br />
Tóm lại, Freud tin rằng nhân cách con người phát triển như là kết quả của hai yếu tố chính: (1) Sự trưởng thành<br />
bằng cách đi suốt qua một khuôn mẫu tăng trưởng tự nhiên và (2) Việc học cách khắc phục những lo âu, căng<br />
thẳng, xung đột, hụt hẫng và các mối đe dọa bằng cách sử dụng sự đồng nhất hóa, chuyển vị và các cơ chế<br />
phòng vệ. Tất cả những quá trình này sẽ “tái tạo các kênh dẫn” cho những xung năng nguyên sơ của cái Ấy<br />
hướng đến những nguồn lực và những đối tượng dễ tiếp cận hơn và dễ được chấp nhận hơn. Sự phát triển nhân<br />
cách xảy ra theo một thể thức có trình tự, và có liên quan đến những khu vực cơ thể mà từ đó mỗi cá nhân con<br />
người cảm nhận được sự khoái lạc. Và sau cùng, mô hình nhân cách của Freud là một mô hình theo kiểu “động<br />
lực học” (dynamic), trong đó những mối tương tác thường xuyên giữa cái Ấy, cái Tôi và cái Siêu Tôi sẽ xác định<br />
cách thức phát triển của nhân cách. Sức khỏe tâm trí lành mạnh là một sản phẩm của sự cân bằng giữa ba thành<br />
phần cái Ấy, cái Tôi và cái Siêu Tôi.<br />
<br />
Sự phát triển nhân cách bất thường<br />
<br />
Các lý thuyết gia của trường phái phân tâm cổ điển xem các bất thường về nhân cách có những nguyên nhân bắt<br />
nguồn từ bên trong cá nhân con người: nghĩa là một rối loạn về hành vi có nguyên nhân từ sự xáo trộn trong<br />
trạng thái cân bằng động lực nội tại (internal dynamic equilibrium). Hai nguyên nhân có thể gây nên sự mất<br />
thăng bằng này là: (1) Tương quan động lực kém hiệu quả giữa cái Ấy, cái Tôi và cái Siêu Tôi, và (2) Việc học<br />
tập diễn ra không đúng trong thời thơ ấu. Trong trường hợp thứ nhất, cái Tôi vì lý do nào đó đã để bị thất bại<br />
không đóng vai trò chủ đạo trong con người ấy. Thay vì vận hành với chức năng thống hợp, cái Tôi lại cho phép<br />
đương sự sử dụng quá mức các cơ chế phòng vệ. Sự lạm dụng quá mức này, chủ yếu bằng hình thức dồn nén,<br />
đã bắt đầu rất sớm trong thuở ấu thời. Đứa trẻ sử dụng cơ chế dồn nén để đương đầu với các xung năng gây lo<br />
âu, đẩy chúng xuống tầng vô thức, ở đó các xung năng ấy vẫn tồn tại, chỉ đến các giai đoạn phát triển về sau<br />
chúng mới lộ diện ra và gây nên những khó khăn với mức độ tăng cao. Nếu cái Tôi có khả năng giải quyết các<br />
xung năng này khi chúng lần đầu tiên xuất hiện, tiềm năng phát triển một nhân cách lành mạnh hẳn sẽ được<br />
nâng cao.<br />
<br />
Yếu tố thứ hai tham gia vào sự hình thành của các hành vi kém thích nghi đó là khả năng học tập ở giai đoạn<br />
đầu đời (early learning). Freud tin rằng những hành vi được trẻ lĩnh hội hoặc nhằm làm giảm năng lượng tâm lý<br />
sao cho nó có thể được xã hội chấp nhận, hoặc nhằm kiểm soát được các ham muốn tạo nên khoái cảm nhưng<br />
phải đi kèm theo những sự trừng phạt nặng nề. Vì thế, phần lớn những hành vi mà trẻ học được là những sản<br />
phẩm của một tình huống “tiếp cận – né tránh”: nghĩa là có một sự thôi thúc từ bên trong hướng đến việc thực<br />
hiện hành vi, nhưng lại có những lực từ bên ngoài cấm đoán điều đó. Một trạng thái xung đột như thế có thể gây<br />
nên những vấn đề như nhiễu tâm lo âu, hành vi ám ảnh – cưỡng chế, hoặc thậm chí là tâm thần phân liệt.<br />
<br />
Theo quan điểm của Freud, bản chất của một tình trạng nhiễu tâm (neurosis) phần lớn được xác định bởi những<br />
trải nghiệm học tập đầu đời., bởi những cơ chế phòng vệ mà đương sự sử dụng để chống lại những căng thẳng,<br />
và bởi những giai đoạn phát triển tâm lý – tính dục mà tại đó đương sự đã cắm chốt lại hoặc đã thoái lùi về. Sau<br />
khi cố gắng đối đầu với tình thế và bị thất bại, đương sự mới phải sử dụng đến phương thức thoái lùi để thỏa<br />
mãn những nhu cầu của mình. Sự thoái lùi này sẽ dẫn đến những nỗi lo âu và căng thẳng đầu đời mà sau đó<br />
những trạng thái này sẽ bị dồn nén lại. Hành vi nhiễu tâm sẽ xuất hiện trong cố gắng giải quyết áp lực căng<br />
thẳng này. Hành vi ấy sẽ cần đền nhiều năng lượng tâm trí để giải quyết lo âu; vì thế đương sự sẽ ngày càng bị<br />
giảm dần năng lượng để có thể đương đầu với cuộc sống thực tế. Và như vậy, đã có sự hình thành một vòng lẩn<br />
quẩn.<br />
<br />
Mục đích của việc trị liệu<br />
<br />
Mục đích chính của phương pháp phân tâm là đưa những xung năng gây lo âu đang bị dồn nén từ vô thức ra<br />
tầng ý thức. Đây là những xung năng của cái Ấy mà cái Tôi đã giải quyết không thành công. Trong trị liệu, thân<br />
chủ sẽ có cơ hội đối mặt với những tình huống mà họ đã không thể giải quyết nổi. Nhà trị liệu sẽ thiết lập nên<br />
một bối cảnh an toàn, không có tính đe dọa, qua đó thân chủ có thể học cách giải bày những suy nghĩ và cảm<br />
xúc của mình mà không sợ bị người khác lên án. Với sự tự do ấy, thân chủ được phép khám phá các mặt thích<br />
đáng và không thích đáng của hành vi hiện tại và từ đó có thể xem xét việc thực hiện những hành vi mới.<br />
<br />
Các kỹ thuật trong trị liệu<br />
<br />
Các kỹ thuật được áp dụng trong trị liệu là liên tưởng tự do (free association), chuyển di (transference) và diễn<br />
giải (interpretation). Bài này chủ yếu trình bày cơ sở lý luận của học thuyết, nên chỉ đưa ra những tóm lược về kỹ<br />
thuật trị liệu.<br />
<br />
Liên tưởng tự do đơn giản là việc yêu cầu thân chủ nói ra thành lời tất cả những gì hiện diện trong tâm trí họ.<br />
Mặc dù nghe có vẻ đơn giản, thực sự điều khó nhất chính là làm sao để thân chủ có thể tham gia vào làm việc<br />
này. Nói chung, việc cố gắng nói ra tất cả những gì xảy ra trong đầu là một hành vi không được xã hội khuyến<br />
khích.<br />
<br />
Hiện tượng chuyển di thì rất phức tạp. Nó bao gồm việc thân chủ hướng các phản ứng cảm xúc của họ vào nhà<br />
trị liệu như thể nhà trị liệu là “đối tượng gốc” (original object) gây nên những cảm xúc ấy. Tiến trình này cho<br />
phép thân chủ “khơi thông” (work through) mối xung đột gốc ban đầu.<br />
<br />
Nhà trị liệu sử dụng kỹ thuật diễn giải để giúp cho tư duy của thân chủ trở nên có lý trí hơn, và thay thế dần<br />
những chức năng của cái Siêu Tôi bằng những chức năng của cái Tôi. Vì thế, diễn giải là một kỹ thuật được thiết<br />
kế để từng bước, từng bước đưa thân chủ trở về với cuộc sống thực tế. Kỹ thuật này được áp dụng dựa trên<br />
những tư liệu được thân chủ trình bày thông qua liên tưởng tự do, phân tích giấc mơ hoặc thông qua phân tích<br />
hiện tượng chuyển di.<br />
<br />
TÓM LẠI<br />
<br />
Mặc dù có ảnh hưởng to lớn đối với chuyên khoa tâm thần học và chuyên ngành tham vấn, tuy nhiên, học thuyết<br />
phân tâm cổ điển vẫn cần có những phương thức diễn đạt cụ thể hơn về việc bằng cách nào mà hành vi có thể<br />
được con người lĩnh hội và bằng cách nào mà hành vi có thể được thay đổi. Học thuyết phân tâm cổ điển sẽ có<br />
tầm quan trọng lớn lao hơn trong việc ngiên cứu và thay đổi hành vi của con người nếu tất cả các quan niệm và<br />
giả thuyết của nó có thể được hợp nhất vào trong một lý thuyết khái quát chung về hành vi của con người (Ford<br />
& Urban, 1964).<br />
Các khái niệm cơ bản của trường phái phân tâm cổ điển về phát triển nhân cách đã có ảnh hưởng lên nhiều<br />
phương pháp trị liệu khác, đặc biệt là trường phái “phân tích cái Tôi” (ego-analysis). Tuy nhiên, người học cần<br />
tham khảo thêm chi tiết ở các tài liệu chuyên khảo khác về phân tâm học, nhất là các tác phẩm của chính<br />
Sigmund Freud, cha đẻ của học thuyết này.<br />