LỢI THẾ VÀ NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA<br />
CỦA HÌNH THỨC ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ<br />
TS. Nguyễn Hữu Vượng<br />
Khoa Giáo dục đại cương - Trường Đại học Văn Hiến<br />
<br />
<br />
Đào tạo theo học chế tín chỉ là một hệ thống đào tạo mềm dẻo, được tổ chức đảm<br />
bảo cho mỗi sinh viên có thể tìm được cách học thích hợp nhất cho mình, đồng thời đảm<br />
bảo cho trường đại học có thể nhanh chóng thích nghi và đáp ứng được những nhu cầu<br />
thực tiễn đặt ra. Học chế tín chỉ được phát triển và áp dụng vào đào tạo ở các trường đại<br />
học trên thế giới từ rất sớm (từ năm 1872 ở Mỹ). Ở Việt Nam, trường Đại học Bách khoa<br />
TP.HCM áp dụng học chế tín chỉ từ năm 1993, nhưng từ khi có Nghị quyết của Chính phủ<br />
về đổi mới cơ bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2001-2010, Bộ Giáo<br />
dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 43/ 2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007, kèm theo<br />
Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ (gọi là Quy chế<br />
43) mới được triển khai mạnh mẽ. Trường Đại học Văn Hiếnđã và đang triển khai đào tạo<br />
theo học chế tín chỉ cần có những bước đi vững chắc, thận trọng để gặt hái được thành<br />
công trong lĩnh vực giáo dục.<br />
1. Đôi nét về học chế tín chỉ<br />
Học chế tín chỉ được hiểu là chương trình đào tạo sử dụng tín chỉ làm đơn vị đo kiến<br />
thức, đồng thời là đơn vị để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Sau khi tích lũy được<br />
một số lượng tín chỉ tối thiểu là sinh viên đã hoàn thành chương trình đào tạo. Tín chỉ là<br />
đơn vị đo lường kiến thức mà sinh viên tích lũy được qua quá trình nghe giảng lý thuyết,<br />
làm bài tập, tự nghiên cứu, thảo luận, thuyết trình, viết tiểu luận, thực hành… theo yêu cầu<br />
và hướng dẫn của giảng viên.<br />
Vậy bản chất của việc đào tại theo hệ thống tín chỉ là gì? Theo GS.TSKH. Lâm<br />
Quang Thiệp: “bản chất của hệ thống tín chỉ là việc cá nhân hóa việc học tập trung trong<br />
một nền giáo dục đại học cho số đông”. Triết lý giáo dục cho hệ thống tín chỉ ở Mỹ là<br />
“giáo dục hướng về người học” và “giáo dục đại học đại chúng”. Theo Quy chế 43, “một<br />
tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30-45 tiết thực hành; 45-90 giờ thực tập<br />
tại cơ sở; 45-60 giờ làm tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp”. Để tiếp thu được một tín<br />
chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân. Ngoài ra, “1,5 đơn vị học trình<br />
được quy đổi thành 1 tín chỉ”. Tức là từ 22,5 tiết giảng lý thuyết ở trên lớp (trong đào tạo<br />
theo hệ niên chế), chỉ còn 12 tiết giảng lý thuyết + 6 tiết thảo luận ở trên lớp.<br />
Ở một số nước, để đạt được bằng cử nhân, sinh viên phải tích lũy đủ từ 120 đến 150<br />
tín chỉ, ví dụ ở Mỹ là 120-136 tín chỉ, ở Nhật Bản là 120-135 tín chỉ, ở Việt Nam là 140<br />
theo Quyết định số 31/2001/QĐ-BGDĐT ngày 30/07/2001. Sinh viên chủ động đăng ký<br />
các học phần, số tín chỉ sẽ hoàn thành trong một học kỳ theo quy định chung của nhà trường.<br />
Sinh viên phải hoàn thành các học phần bắt buộc trong chương trình đào tạo; nhưng có thể<br />
tự chọn các học phần tự chọn. Ngoài ra sinh viên có thể đăng ký học lại, lựa chọn lại các<br />
học phần tự chọn để cải thiện điểm.<br />
2. Những lợi thế của hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ<br />
Một là, đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học.<br />
Vì vậy, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. Trong đào tạo theo tín chỉ,<br />
tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được coi trọng, được tính vào nội dung và thời lượng<br />
của chương trình. Người học phát huy được tính chủ động tạo kiến thức, hướng tới đáp<br />
ứng nhu cầu của thị trường lao động xã hội. Đào tạo theo tín chỉ lấy người học là trung tâm<br />
được quán triệt từ khâu thiết kế chương trình, biên soạn tài liệu giảng dạy và sử dụng<br />
phương pháp giảng dạy.<br />
Hai là, đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về thời gian ra trường. Sinh<br />
viên được cấp bằng sau khi đã tích lũy được đủ số lượng tín chỉ do trường đại học quy định.<br />
Do vậy, họ có thể chủ động hoàn thành những điều kiện để được cấp bằng tùy theo năng<br />
lực và nguồn tài chính.<br />
Ba là, đào tạo theo tín chỉ bao gồm một hệ thống các môn học thuộc khối kiến thức<br />
chung, những môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành, những môn học thuộc khối<br />
kiến thức cận chuyên ngành. Sinh viên có thể tham khảo ý kiến giáo viên hoặc cố vấn học<br />
tập (nếu có) để chọn những môn học phù hợp với mình, với nghề nghiệp tương lai của<br />
mình. Do học chế tín chỉ có độ mềm dẻo về môn học, nên sinh viên được phép thay đổi<br />
ngành chuyên môn trong tiến trình học tập khi thấy cần thiết mà không phải học lại từ đầu.<br />
Học chế tín chỉ còn cho phép ghi nhận cả những kiến thức và khả năng tích lũy được ngoài<br />
trường (dĩ nhiên phải là cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép) để hoàn thành<br />
chương trình theo quy định.<br />
Bốn là, phương thức đào tạo theo tín chỉ sẽ tạo được sự liên thông giữa các cấp đào<br />
tạo đại học và giữa các ngành đào tạo khác nhau của cùng một trường đại học khi sự liên<br />
thông được mở rộng, một khi các trường đại học công nhận chất lượng đào tạo của nhau.<br />
Khi đó, sinh viên có thể dễ dàng di chuyển từ trường đại học này sang trường đại học khác<br />
(kể cả trong và ngoài nước).<br />
Năm là, đào tạo theo tín chỉ đạt hiệu quả cao về mặt quản lý và hạ giá thành đào tạo.<br />
Với đào tạo theo tín chỉ, kết quả học tập của sinh viên được tính theo từng học phần chứ<br />
không phải theo năm học. Do đó, nếu học phần nào đó không đạt, không cản trở quá trình<br />
học tập ở sinh viên, họ không phải quay lại học từ đầu. Đào tạo theo tín chỉ là thước do khả<br />
năng học tập của người học, vừa là thước đo hiệu quả về thời gian làm việc của giảng viên<br />
và đội ngũ cán bộ công nhân viên trong nhà trường nơi đào tạo.<br />
Tuy nhiên, đào tạo theo hệ thống tín chỉ có một số hạn chế như sau: Khó tạo nên sự<br />
gắn kết trong sinh viên. Vì các lớp học theo hệ tín chỉ không ổn định nên khó xây dựng các<br />
tập thể gắn kết chặt chẽ, việc tổ chức sinh hoạt đoàn thể của sinh viên cũng gặp khó khăn;<br />
Việc thừa nhận các hoạt động học tập ở ngoài trường đại học có giá trị như các tín chỉ được<br />
tích lũy trong các cơ sở đào tạo của nhà trường có nguy cơ làm giảm giá trị của các hoạt<br />
động khoa học nghiêm túc; Phải tuyên truyền, phổ biến để đảm bảo các đối tượng tham gia<br />
vào quá trình đào tạo đại học hiểu và làm đúng với nội dung thực chất của đào tạo theo hệ<br />
tín chỉ, tránh làm sai, động cơ học tập không đúng; Việc quản lý, quản trị chất lượng đảo<br />
tạo hết sức phức tạp, nếu không chú trọng sẽ mắc phải sai lầm.<br />
3. Những yêu cầu đặt ra của hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ<br />
Việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ không chỉ đem lại lợi thế cho người học mà còn<br />
có những yêu cầu rất nghiêm ngặt với người dạy, với người học, hệ thống đánh giá chất<br />
lượng và hệ thống quản lý.<br />
Đối với người dạy: Phải thay đổi phương pháp giảng dạy, người dạy đóng vai trò là<br />
người hướng dẫn về phương pháp tư duy, phương pháp tự học, tự nghiên cứu một cách<br />
sáng tạo, hiệu quả. Xây dựng giáo án và kế hoạch giảng dạy của người thầy phải được soạn<br />
thảo một cách tỷ mỷ, rõ ràng, khoa học. Giáo án phải tách bạch giữa phần cung cấp kiến<br />
thức nền tảng, lý thuyết với phần tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Đào tạo theo tín chỉ<br />
không chỉ yêu cầu người giảng viên phải thay đổi phương pháp dạy hệ thống giáo án, giáo<br />
trình, tài liệu tham khảo mà còn yêu cầu người giảng viên phải luôn luôn sáng tạo, tìm tòi,<br />
nghiên cứu tư duy sắc bén, linh hoạt.<br />
Đối với người học: Người học phải xác định đúng mục tiêu học tập, lập kế hoạch<br />
học tập của mình theo từng học kỳ, năm học. Người học phải thực hiện nghiêm túc kế<br />
hoạch học tập và hoàn thành thật tốt kế hoạch do mình đề ra. Người học phải tự học, tự<br />
nghiên cứu; bởi vì trong đào tạo theo hệ tín chỉ, số giờ học trên lớp không nhiều như đào<br />
tạo theo niên chế, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra. Sinh viên phải rèn luyện cho mình<br />
các kỹ năng làm việc nhóm, phải liên hệ lý luận gắn với thực tiễn; đồng thời phải nắm vững<br />
quy chế đào tạo theo tín chỉ để đảm bảo kế hoạch học tập.<br />
Đối với hệ thống đánh giá chất lượng học tập: Đào tạo theo hệ thống tín chỉ coi<br />
trọng cả quá trình hoc tập của sinh viên (các bài kiểm tra, bài tập giữa học phần, kết thúc<br />
học phần có trọng số tối đa là 50%).<br />
Đối với hệ thống quản lý: Đào tạo theo hệ thống tín chỉ đặt ra yêu cầu mềm dẻo,<br />
linh hoạt. Hệ thống quản lý sinh viên phải vận hành theo kế hoạch của mỗi người học. Vì<br />
thế, quá trình quản lý của bộ phận phòng đào tạo đối với sinh viên là vô cùng phức tạp. Do<br />
đó, các học phần phải được cấu trúc khoa học, lịch trình giảng dạy của giảng viên không<br />
được thay đổi, giảng viên lên lớp không được bỏ giờ. Đội ngũ nhân viên (các chuyên viên<br />
và nhân viên phục vụ) phải chịu trách nhiệm trực tiếp các hoạt động phục vụ đào tạo và<br />
kiểm định chất lượng đào tạo. Những hoạt động này có tính chuyên nghiệp cao trong đào<br />
tạo theo học chế tín chỉ, do đó đội ngũ nhân viên phải là những người được đào tạo, có<br />
trình độ chuyên môn giỏi trong lĩnh vực mà mình đảm nhận. Đồng thời họ phải thường<br />
xuyên được tập huấn bồi dưỡng để nâng cao tay nghề để có khả năng giải quyết những vấn<br />
đề phát sinh trong công tác quản lý và phục vụ đào tạo.<br />
Kết luận<br />
Việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với các trường đại học ở nước ta hiện nay nói<br />
chung và Trường Đại học Văn Hiếnnói riêng là việc làm tất yếu. Vì thế đòi hỏi cán bộ<br />
lãnh đạo nhà trường, hội đồng quản trị, các phòng ban, các khoa, đội ngũ giảng viên, công<br />
nhân viên chức trong nhà trường phải nỗ lực vượt bậc để việc đào tạo theo học chế tín chỉ<br />
của trường mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng<br />
cao cho xã hội.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
1. Lâm Quang Thiệp (2006), “Về việc áp dụng học chế tín chỉ trên thế giới và ở Việt<br />
Nam”, Tọa đàm khoa học về đào tạo theo tín chỉ ở ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.<br />
2. Quy chế đào tạo đại học cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ Ban hành<br />
kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ GD&ĐT.<br />
3. Bộ GD&ĐT (2001) Quy chế 31/2001 Về học chế tín chỉ, Hà Nội.<br />
4. Mai Trọng Nhuận (2008), Định hướng triển khai tổ chức đào tạo theo hệ thống<br />
tín chỉ ở ĐHQGHN, Hà Nội.<br />