Luận án Tiến sĩ Sử học: Giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt thế kỷ XVII -XVIII
lượt xem 11
download
Mục đích nghiên cứu của Luận án là làm sáng rõ tình hình tổ chức giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt ở cả hai miền đất nước. Từ đó, thấy được đóng góp của nền giáo dục và khoa cử Nho học đối với việc phát triển của quốc gia Đại Việt trong hai thế kỷ này. Mời các bạn cùng tham khảo!
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận án Tiến sĩ Sử học: Giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt thế kỷ XVII -XVIII
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRỊNH THỊ HÀ GIÁO DỤC VÀ KHOA CỬ NHO HỌC ĐẠI VIỆT THẾ KỶ XVII -XVIII Ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 9.22.90.13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ SỬ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS VŨ DUY MỀN Hà Nội – 2019
- LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu do tôi thực hiện. Các tư liệu sử dụng trong Luận án là trung thực, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Những kết quả nghiên cứu của Luận án chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu này. Hà Nội, tháng 12 năm 2019 Tác giả Luận án
- MỤC LỤC TRANG MỞ ĐẦU 1 1. Tính cấp thiết của đề tài 1 2 Mục đích và nhiệm vụ của luận án 2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 2 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án 6 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 7 7. Cấu trúc của luận án 8 Chương 1: TỔNG QUAN TƯ LIỆU VÀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 9 VẤN ĐỀ 1.1 Nguồn tư liệu 9 1.1.1 Trong nước 9 1.1.2 Nước ngoài 12 1.2 Tình hình nghiên cứu trong nước 12 1.2.1 Nhóm công trình viết về giáo dục và khoa cử Nho học Việt Nam 12 1.2.2 Nhóm công trình nghiên cứu về giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt 18 thế kỷ XVII, XVIII 1.3 Tình hình nghiên cứu ngoài nước 26 1.4 Những vấn đề liên quan đến đề tài đã được các công trình nghiên cứu 28 giải quyết 1.5. Những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu 30 Chương 2: GIÁO DỤC NHO HỌC 31 2.1 Mục đích của giáo dục Nho học 31 2.1.1 Học để làm người 31 2.1.2 Học để làm quan 31 2.1.3 Học để lưu danh muôn đời 32 2.2 Giáo dục Nho học Đàng Ngoài 33 2.2.1 Chính sách giáo dục Nho học của chính quyền Lê -Trịnh 33 2.2.2 Tổ chức giáo dục Nho học 36 2.3 Giáo dục Nho học Đàng Trong 53 2.3.1 Chúa Nguyễn đối với giáo dục Nho học 53 2.3.2 Tổ chức giáo dục Nho học 57 Tiểu kết chương 2 73 Chương 3: KHOA CỬ NHO HỌC 75 3.1 Khoa cử Nho học Đàng Ngoài 75 3.1.1 Khảo hạch 75 3.1.2 Thi Hương 76 3.1.3 Thi Hội 83 3.1.4 Thi Đình 89 3.1.5 Các khoa thi khác 95 3.1.6 Chính sách đãi ngộ dành cho người đỗ đạt 98 3.2 Khoa cử Nho học Đàng Trong 104 3.2.1 Xuân thiên quận thí 104 3.2.2 Thu vi Hội thí (thi Hội vào mùa thu) 105 3.2.3 Các khoa thi khác 109
- 3.2.4 Chính sách đãi ngộ dành cho người đỗ đạt 110 Tiểu kết chương 3 113 Chương 4: THÀNH TỰU, HẠN CHẾ CỦA GIÁO DỤC VÀ KHOA CỬ 115 NHO HỌC 4.1 Đào tạo, cung cấp đội ngũ trí thức Nho học 115 4.1.1 Số lượng Tiến sĩ và việc bổ dụng của Nhà nước 115 4.1.2 Số Hương cống và việc bổ dụng của Nhà nước 119 4.1.3 Hình thành đội ngũ quan chức trung nghĩa, nhà Nho có đức nghiệp 124 4.1.4 Các Nho sĩ tiêu biểu 128 4.2 Duy trì và phát huy truyền thống hiếu học 133 4.2.1 Thêm nhiều địa phương có người đỗ đạt 133 4.2.2 Hình thành nhiều làng khoa bảng, dòng họ khoa bảng 134 4.3. Một số hạn chế 138 4.3.1 Coi trọng bằng cấp, đề cao văn chương 138 4.3.2 Coi trọng học thuộc lòng trong dạy học và thi cử 139 4.3.3 Các hiện tượng tiêu cực khác 140 Tiểu kết chương 4 143 KẾT LUẬN 145 TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
- DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU Danh mục các bảng biểu Trang Bảng 3.1: Các khoa thi thời chúa Nguyễn 108 Bảng 4.1: Thống kê số Tiến sĩ chia ba giáp 115 Bảng 4.2: Phẩm hàm và chức quan cao nhất các Tiến sĩ chia theo 3 giáp 117 triều Lê -Trịnh Bảng 4.3 Chức vụ cao nhất của Hương cống triều Lê - Trịnh 120
- DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT Cb Chủ biên CTQG Chính trị Quốc gia ĐHKHXHVNV Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn HN Hán Nôm KHXHVN Khoa học Xã hội Việt Nam NCLS Nghiên cứu Lịch sử Nxb Nhà xuất bản QTG Quốc Tử Giám QGHN Quốc gia Hà Nội TP.HCM Thành phố Hồ Chí Minh TTHĐ VHKH Trung tâm hoạt động văn hóa Khoa học Tr Trang UBND Ủy ban Nhân dân VHKH Văn hóa khoa học VHNT Văn hóa Nghệ thuật VHTT Văn hóa Thông tin
- MỞ ĐẦU 1.Tính cấp thiết của đề tài Thế kỷ XVII, XVIII là giai đoạn lịch sử “khá đặc biệt” với nhiều biến cố, trong đó nổi bật là tình trạng cát cứ: vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Ở Đàng Ngoài, không chỉ có triều đình Lê -Trịnh đóng đô ở Kinh đô Thăng Long tồn tại theo định chế vừa có Vua lại vừa có Chúa, mà ở vùng đất Cao Bằng còn có sự quản lý của nhà Mạc tồn tại cho đến năm 1677 mới chấm dứt. Trong khi đó, sự xuất hiện của chúa Nguyễn ở Đàng Trong trên vùng đất phía Nam của đất nước, tồn tại trên một miền đất mới, lại mang dáng dấp của một quốc gia độc lập vừa tạo nên sự đa dạng nhưng cũng không kém phần phức tạp về mặt chính trị. Chính bối cảnh chính trị này đã có tác động không nhỏ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Đại Việt thế kỷ XVII, XVII. Trong đó, giáo dục và khoa cử Nho học là một trong những nhân tố quan trọng vừa tạo nên nét riêng biệt trong bản sắc văn hóa của từng vùng miền, cùng với những thành tựu và giá trị của nó đã có đóng góp to lớn vào việc tạo nên tính phong phú trong bản sắc văn hóa chung của dân tộc Việt Nam. Nghiên cứu tình hình Đại Việt trong hai thế kỷ XVII, XVIII đã có nhiều công trình được công bố, phản ánh được một số lĩnh vực quan trọng trong đời sống như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo.v.v… Riêng với vấn đề giáo dục và khoa cử Nho học ở thời kỳ này đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Một số vấn đề cơ bản thuộc giáo dục và khoa cử Nho học thế kỷ XVII, XVIII đã được tìm hiểu nhưng mới dừng lại ở mức độ là một phần nội dung trong các công trình chuyên khảo khi nghiên cứu về lịch sử hình thành, sự phát triển của chế độ giáo dục và khoa cử thời quân chủ nói chung. Hoặc một số khía cạnh cụ thể thuộc về giáo dục hoặc khoa cử Nho học của cả quốc gia, hoặc của từng vùng cụ thể (Đàng Ngoài, Đàng Trong) cũng đã có một số công trình nghiên cứu đề cập đến. Tuy nhiên, những công trình đó chủ yếu là những nghiên cứu riêng lẻ, chưa trình bày một cách đầy đủ, bao quát tất cả các vấn đề của giáo dục và khoa cử Nho học của hai thế kỷ này. Nhất là vấn đề giáo dục và khoa cử Nho học của chúa Nguyễn ở Đàng Trong lại chưa được giới nghiên cứu quan tâm nhiều, do vậy, có thể thấy đây vẫn còn là một khoảng trống trong nghiên cứu về giáo dục và khoa cử Nho học Việt Nam dưới thời quân chủ. Một vấn đề rất quan trọng khi tìm hiểu giáo dục, khoa cử trong xã hội cổ truyền đó là làm thế nào để mô tả và thấy được tính kế thừa, tiếp nối về truyền thống giáo dục, truyền thống khoa bảng trong các gia đình, dòng họ nơi làng xã theo tiến trình lịch sử. Trong hai thế kỷ XVII, XVIII, mặc dù xảy ra rất nhiều biến cố về mặt chính trị, xã hội song những chính sách trong giáo dục và khoa cử của Nhà nước, chủ yếu là của triều Lê -Trịnh ở Đàng Ngoài đã góp phần không nhỏ vào việc tiếp tục củng cố và phát huy truyền thống hiếu học, đỗ đạt của nhiều dòng họ ở nhiều làng xã, nhất là làng xã vùng 1
- đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Sau này, khi triều đình Nguyễn đặt kinh đô tại Huế, trung tâm giáo dục của cả nước được chuyển vào trong Huế, thì giáo dục, khoa cử của vùng Đàng Ngoài đã không còn “khởi sắc” khi số người đỗ đại khoa dưới triều Nguyễn không nhiều như các triều đại trước đây. Dù vậy, truyền thống giáo dục Nho học của các gia đình, dòng họ ở các làng xã nơi đây vẫn tiếp tục được duy trì. Do vậy, việc tìm hiểu giáo dục, khoa cử Nho học Đại Việt trong hai thế kỷ XVII, XVIII cũng đồng thời là cơ sở để thấy được sự tiếp nối trong truyền thống hiếu học của dân tộc ta. Xuất phát từ các mục đích trên, với mong muốn tìm hiểu một cách hệ thống, chi tiết hơn về tình hình giáo dục và khoa cử Đại Việt trong hai thế kỷ XVII, XVIII, thấy được nét chung, nét riêng của vấn đề này trong từng vùng không gian (Đàng Ngoài, Đàng Trong), tôi chọn vấn đề “Giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt thế kỷ XVII -XVIII” làm đề tài luận án Tiến sĩ của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1 Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở nghiên cứu về giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê -Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong thế kỷ XVII và XVIII, luận án sẽ làm sáng rõ tình hình tổ chức giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt ở cả hai miền đất nước. Từ đó, thấy được đóng góp của nền giáo dục và khoa cử Nho học đối với việc phát triển của quốc gia Đại Việt trong hai thế kỷ này. 2.2 Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án: Để đạt được mục đích trên, đề tài sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau: - Phân tích khái quát bối cảnh chính trị - xã hội Đại Việt thế kỷ XVII, XVIII tác động đến chính sách, tình hình giáo dục và khoa cử thời kỳ này. -Trình bày khái quát mục tiêu của giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt thế kỷ XVII, XVIII. Tìm hiểu về chính sách giáo dục cũng như làm rõ tình hình tổ chức giáo dục của thời kỳ này thông qua việc lựa chọn những sự kiện lịch sử tiêu biểu về tổ chức trường lớp (gồm cấp trung ương và địa phương), chương trình học tập, chế độ khảo thí... của cả vùng Đàng Ngoài, Đàng Trong, qua đó làm rõ sự kế thừa, nét riêng biệt về giáo dục giữa hai vùng. -Trình bày, phân tích tình hình khoa cử Nho học của triều Lê -Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong thông qua việc tìm hiểu về thể lệ thi cử, quá trình tổ chức các khoa thi cụ thể của hai chính quyền. Từ đó góp phần làm rõ đặc điểm khoa cử Nho học của mỗi vùng miền. - Phân tích những thành tựu, hạn chế của giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt trong hai thế kỷ XVII, XVIII, chủ yếu là thành tựu, để qua đó, thấy được vai trò và ảnh hưởng của tầng lớp trí thức Nho học được giáo dục, tuyển chọn qua khoa cử đối với sự phát triển xã hội trên nhiều khía cạnh, nhất là trong lĩnh vực chính trị, văn hóa. 2
- 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1 Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của luận án là giáo dục và khoa cử Nho học, thực trạng và đóng góp của nền giáo dục, khoa cử này đối với xã hội Đại Việt thế kỷ XVII, XVIII. 3.2 Phạm vi nghiên cứu: Về không gian: Đề tài giới hạn nghiên cứu về giáo dục và khoa cử Nho học của quốc gia Đại Việt gồm vùng Đàng Ngoài và Đàng Trong. Vùng đất Đàng Ngoài được giới hạn từ Bắc sông Gianh trở ra (phía Bắc huyện Bố Trạch ngày nay), Đàng Trong được giới hạn từ vùng đất Nam sông Gianh đến Hà Tiên thời chúa Nguyễn, tương ứng với các tỉnh từ Quảng Bình, Quảng Trị đến hết các tỉnh Nam Bộ ngày nay. Đàng Ngoài ở thế kỷ XVII gồm triều Lê - Trịnh ở Thăng Long và nhà Mạc ở Cao Bằng cùng trị vì. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt tư liệu nên tác giả luận án giới hạn vấn đề nghiên cứu thuộc phạm vi không gian đặt dưới sự trị vì của chính quyền Lê -Trịnh mà chưa tìm hiểu giáo dục, khoa cử vùng không gian thuộc nhà Mạc ở Cao Bằng. Vùng đất Đàng Trong từ thế kỷ XVII cho đến hết thế kỷ XVIII gồm các thể chế chính quyền khác nhau cùng cai trị, ngoài chính quyền của chúa Nguyễn trị vì từ 1558 đến năm 1777, từ năm 1778 đến 1802 là thời kỳ quản lý của vương triều Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tuy nhiên, trong luận án tác giả chủ yếu nghiên cứu về tổ chức giáo dục và khoa cử Nho học vùng đất Đàng Trong dưới thời trị vì của các chúa Nguyễn, đến hết đời Nguyễn Phúc Thuần (1777). Đây là thời điểm Đàng Trong với tư cách là một khu vực địa - chính trị trong ý nghĩa phân biệt, đối sánh và cả đối đầu với khu vực địa lý - chính trị Đàng Ngoài chính thức được xác lập. Đại Việt tuy bị chia cắt làm hai miền nhưng không phải là hai miền tách biệt khi cả Đàng Ngoài và Đàng Trong luôn có ý thức là người Việt Nam, đều lấy niên hiệu vua Lê Trung hưng để tính thời gian. Trong chế độ quan chế của chúa Nguyễn tuy có thay đổi, nhưng cơ bản vẫn kế thừa, mô phỏng theo chế độ quan chế chính quyền Lê -Trịnh. Do đó, luận án khuôn giới hạn phạm vi không gian nghiên cứu về giáo dục và khoa cử Nho học của vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong trong hệ thống của nền giáo dục và khoa cử Nho học chính thống. Về thời gian: Phạm vi thời gian nghiên cứu của luận án là từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII. Ở Đàng Ngoài, tuy đề tài xác định thời gian nghiên cứu từ thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XVIII (từ năm 1600 -1799) nhưng trong quá trình triển khai nội dung luận án, tác giả có điều chỉnh thời gian viết từ năm 1592 cho đến khi sự tồn tại của triều Lê kết thúc vào năm 1788. Năm 1592 là thời điểm họ Trịnh đánh đổ nhà Mạc, nhanh chóng đón vua Lê trở về Kinh thành Thăng Long. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đặt nền tảng để vua Lê, chúa Trịnh từng bước thiết lập, xây dựng chính quyền, trong đó có vấn đề tổ chức khoa cử. Năm 1595 và 1598, triều Lê -Trịnh đã cho mở hai khoa 3
- thi Hội đầu tiên ở Thăng Long, sang thế kỷ XVII vấn đề giáo dục, khoa cử được triều đình quan tâm, tổ chức đều đặn hơn. Từ việc tìm hiểu vấn đề nghiên cứu đó để thấy được sự liền mạch khi nghiên cứu khoa cử triều Lê -Trịnh, từ khi chính thức cầm quyền ở Thăng Long cho đến khi vương triều này bị lật đổ. Ở Đàng Trong, năm 1777 chính quyền chúa Nguyễn bị sụp đổ bởi phong trào Tây Sơn, Nguyễn Ánh rời Thuận Hóa đi vào Gia Định. Vùng đất Đàng Trong từ năm 1777 cho đến hết thế kỷ XVIII đặt dưới sự quản lý của triều Tây Sơn và Nguyễn Ánh (vùng Gia Định). Xét về mặt thể chế chính trị, chính quyền chính thống của họ Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân đã không còn tồn tại. Nhưng khoa cử Nho học của họ Nguyễn vẫn tiếp tục được duy trì, khi vào năm 1788 chúa Nguyễn Ánh đã cho mở khoa thi ở Gia Định, tuyển chọn được nhiều danh sĩ có những đóng góp cho triều Nguyễn sau này. Tuy nhiên, vì mục đích nghiên cứu của đề tài nhằm làm rõ tình hình giáo dục và khoa cử Nho học của Đại Việt, trong đó có vấn đề giáo dục, khoa cử của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong tồn tại với tư cách một chính quyền độc lập ở vùng đất phía Nam, đối sánh với triều Lê -Trịnh ở Đàng Ngoài, do vậy, trong luận án, tác giả không đề cập đến giáo dục và khoa cử Nho học vùng đất Đàng Trong thuộc triều Tây Sơn và chính quyền của chúa Nguyễn Ánh ở Gia Định. Phạm vi nội dung: Đề tài tập trung nghiên cứu về tổ chức giáo dục và khoa cử Nho học của cư dân người Việt (người Kinh) đặt trong sự quản lý của chính quyền vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Luận án chủ yếu nghiên cứu về hoạt động dạy và học theo hệ thống trường lớp do Nhà nước mở, lớp học của các Nho sĩ, lớp học tư gia. Riêng việc học chữ Nho tại các cơ sở khác như nhà chùa, hoặc việc học của bộ phận cư dân người Khơme, người Chăm... luận án chưa đề cập đến. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4.1 Phương pháp luận: Đề tài sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở phương pháp luận nghiên cứu. Phương pháp duy vật biện chứng được vận dụng trong luận án nhằm làm rõ mối quan hệ giữa bối cảnh lịch sử xã hội, nhu cầu đào tạo tuyển chọn nhân tài của Nhà nước qua khoa cử có tác động tới tình hình giáo dục, khoa cử trong hai thế kỷ XVII, XVIII và ngược lại. Do đó để có nhận thức và đánh giá đúng thành tựu, hạn chế của giáo dục, khoa cử thời kỳ này cần đặt vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Phương pháp duy vật lịch sử được vận dụng trong luận án nhằm làm rõ quá trình vận động, phát triển của giáo dục, khoa cử Nho học của Đại Việt trong hai thế kỷ XVII, XVIII được tiếp nối từ các thời kỳ lịch sử trước đó. Đồng thời thông qua việc đối sánh về giáo dục, khoa cử giữa hai vùng Đàng Ngoài và Đàng Trong của thời kỳ lịch sử này để thấy được điểm tương đồng, khác biệt. 4
- 4.2 Phương pháp nghiên cứu: Nhằm đạt được mục đích đề tài đặt ra, các phương pháp nghiên cứu của khoa học được sử dụng gồm những phương pháp cơ bản sau: - Phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic là hai phương pháp chủ yếu được sử dụng kết hợp nhằm làm rõ nội dung của luận án. Trong đó sử dụng phương pháp lịch sử nhằm đặt sự kiện lịch sử theo lịch đại và đồng đại, trình bày, mô tả một cách đầy đủ về mục đích giáo dục, chính sách, tình hình tổ chức giáo dục và khoa cử ở cả hai vùng Đàng Ngoài, Đàng Trong. Với vấn đề trường lớp, việc vận dụng phương pháp lịch sử nhằm thấy được quá trình ra đời, sự thay đổi về diện mạo, kiến trúc của trường Quốc Tử Giám cùng các nội dung liên quan thuộc ngôi trường Quốc học này như: chế độ tuyển chọn giáo quan, tuyển chọn Giám sinh, chương trình học tập... từ các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc. Đây là cơ sở quan trọng để đề tài triển khai sâu hơn khi tìm hiểu về hoạt động giáo dục trường Quốc Tử Giám ở hai thế kỷ XVII, XVIII. Đặc biệt, phương pháp lịch sử giúp đề tài làm rõ nội dung quan trọng là từ thế kỷ XVIII trở đi, làng xã Đàng Ngoài đã xuất hiện loại hình trường học mới “trường dân lập” do nhân dân đóng góp tiền của, đất đai xây dựng. Loại hình trường học này chỉ có từ thế kỷ XVIII. Trong cái nhìn đồng đại, luận án đặt những vấn đề giáo dục, khoa cử Đàng Ngoài so sánh với Đàng Trong để thấy được sự kế thừa chính quyền Đàng Trong trong việc áp dụng một số thể lệ thi cử của Đàng Ngoài, cũng như điểm riêng biệt về tổ chức giáo dục, khoa cử của hai vùng này. - Phương pháp lôgic cho phép tác giả trình bày các vấn đề liên quan theo mối quan hệ nhân quả khi lý giải, phân tích khái quát bối cảnh lịch sử đã có tác động như thế nào đến chính sách cũng như thực trạng giáo dục và khoa cử của chính quyền Đại Việt trong hai thế kỷ XVII, XVIII? Đồng thời, phương pháp lôgic còn cho chúng ta thấy chính sách trọng dụng nhân tài của Nhà nước, khi bổ dụng các Nho sĩ xuất thân từ chốn “Cửa Khổng, Sân Trình” vào trong bộ máy chính quyền. Trên cương vị làm quan, các Nho sĩ đó, đã có những đóng góp gì cho vương triều mà họ tôn phò? Đó chính là ảnh hưởng của nền giáo dục, khoa cử đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong hai thế kỷ XVII, XVIII. -Phương pháp thống kê sử dụng trong luận án được áp dụng với hướng tiếp cận nghiên cứu lịch sử xã hội. Dựa trên các bộ chính sử, tác giả luận án tiến hành thống kê, phân tích các số liệu liên quan đến người học, người thi và quan trường như: số Giám sinh trường Quốc Tử Giám thời Lê -Trịnh, danh sách các chức quan của trường Quốc Tử Giám; danh sách trường tư của các Nho sĩ trong hai thế kỷ XVII, XVIII; số người đỗ trong từng khoa thi của Đàng Ngoài và Đàng Trong; nguồn gốc của các Tiến sĩ; số lượng, phẩm hàm quan trường... Ưu điểm của phương pháp thống kê cho nhận thức khách quan về vấn đề nghiên cứu trên cơ sở của phương pháp định lượng. 5
- -Phương pháp so sánh cũng rất hữu ích trong việc đúc rút những kết luận, nhận xét, đánh giá trong luận án được khách quan và chính xác hơn. Trong đó phương pháp so sánh được sử dụng để thấy được sự tương đồng, khác biệt khi so sánh giáo dục, khoa cử Nho học Đàng Ngoài với Đàng Trong; giữa triều Lê-Trịnh với các triều Lê sơ, Mạc. Từ sự so sánh đó thấy được những ưu điểm, hạn chế của giáo dục, khoa cử Nho học trong hai thế kỷ này. Ngoài ra, luận án còn sử dụng phương pháp khảo sát điền dã trong việc khảo cứu những dấu tích các trường Nho học tại một số địa phương, sưu tầm tư liệu gia phả của các dòng họ về các nhà khoa bảng đỗ đạt trong hai thế kỷ XVII, XVIII, qua đó góp phần làm rõ truyền thống hiếu học của các địa phương thời kỳ này. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Trên cơ sở của các nguồn tài liệu, phương pháp nghiên cứu cũng như đối tượng và phạm vi nghiên cứu, đóng góp của luận án tập trung vào một số nội dung chính sau: Thứ nhất: trên cơ sở nguồn sử liệu gốc và các nghiên cứu, tác giả thống kê, phân tích và hệ thống các vấn đề liên quan đến tổ chức trường lớp của Đại Việt trong hai thế kỷ XVII, XVIII. Ở Đàng Ngoài: Theo các nghiên cứu trước đều chỉ ra dưới thời Lê -Trịnh ở Đàng Ngoài rất quan tâm đến tổ chức giáo dục cao cấp tại trường Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, đối tượng theo học, học quan gồm những chức quan gì, chế độ đãi ngộ của Nhà nước dành cho họ ra sao thì những công trình nghiên cứu trước đây chỉ nói chung chung, đặt trong nội dung nghiên cứu liên tục từ triều Lý đến triều Nguyễn mà chưa đề cập cụ thể. Trên cơ sở nghiên cứu từ nhiều nguồn tư liệu, tác giả luận án góp phần làm rõ những vấn đề này. Ở Đàng Trong: Trên cơ sở khảo cứu tư liệu, bước đầu tác giả đưa ra nhận định dưới thời các chúa Nguyễn đã chủ trương xây dựng một ngôi trường có tên là “Học Cung” tại thủ phủ Phú Xuân. Tác giả cũng góp phần làm rõ vấn đề về chức quan giảng dạy đối với con cháu trong hoàng tộc chúa Nguyễn, chỉ ra nét riêng trong tổ chức giáo dục Đàng Trong là thường gửi các Công tử tới nhà các quan viên để họ giảng dạy. Đây là những vấn đề ít được các công trình chuyên khảo đề cập đến. Về trường tư: Tác giả cố gắng thống kê hệ thống trường tư của các Nho sĩ ở cả hai miền để thấy được việc học trong hai thế kỷ XVII, XVIII đã có sự phát triển khởi sắc. Nhất là vùng Đàng Trong, khi trường công chưa phát triển, thì trường tư của các Nho sĩ giữ vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp đội ngũ Nho sinh tham dự các khoa thi của chính quyền chúa Nguyễn. Đối với trường học cấp làng xã: Tác giả cố gắng mô tả và trình bày loại hình trường dân lập - trường học do người dân tự quyên góp ruộng đất hoặc tiền để xây dựng nên, đây là trường học xuất hiện ở Đàng Ngoài từ thế kỷ XVIII. Nhất là chính 6
- sách khuyến học ở làng xã dành cho việc học và người đỗ đạt khoa cử từ nhiều tư liệu khác nhau. Thứ hai: Bước đầu tác giả thống kê được số lượng các khoa thi, số người lấy đỗ của kì thi Hương, thi Hội, thi Đình của triều Lê -Trịnh ở Đàng Ngoài; các kì thi Thu vi Hội thí (gồm Chính đồ, Hoa văn), Thám phỏng, Tam ty của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Việc bổ dụng chức quan của chính quyền Đại Việt dành cho người đỗ đạt, họ chính là đội ngũ trí thức có những đóng góp quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thế kỷ XVII, XVIII. Thứ ba: Trên cơ sở so sánh thể lệ, tính chất trong giáo dục và khoa cử của triều Lê -Trịnh và các chúa Nguyễn, tác giả chỉ ra được sự kế thừa, nét riêng biệt về chế độ giáo dục và khoa cử giữa hai chính quyền này. Mặc dù nền giáo dục, khoa cử Nho học ở Đàng Trong hình thành muộn nhưng về tính chất, mục đích dạy học, nội dung thi cử của vùng đất này lại mang tính cởi mở hơn so với Đàng Ngoài. Tuy chúa Nguyễn đã mở được một số khoa thi, lấy được khá nhiều người đỗ Hương cống nhưng lại chưa tổ chức được kì thi Hội để lấy học vị Tiến sĩ như ở Đàng Ngoài. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Trên cơ sở phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu khoa học và nguồn tài liệu tin cậy, luận án cung cấp những kết quả nghiên cứu về thực trạng, đặc điểm của giáo dục, khoa cử Nho học của Đại Việt trong hai thế kỷ XVII, XVIII, góp phần hiểu biết sâu sắc hơn về giáo dục Nho học Việt Nam trong quá khứ. Luận án “Giáo dục và khoa cử Nho học Đại Việt thế kỷ XVII -XVIII” cho thấy mối quan hệ biện chứng giữa giáo dục, khoa cử Nho học với nhu cầu phát triển xã hội, giữa tổ chức khoa cử với chính sách của Nhà nước. Mối quan hệ đó thể hiện ở góc độ bối cảnh xã hội là nhân tố quan trọng đặt ra nhu cầu giáo dục, thi cử để đào tạo nhân tài tham gia bộ máy Nhà nước; ngược lại chính đội ngũ trí Nho học được Nhà nước trọng dụng, bổ dụng vào các vị trí khác nhau, bằng tài năng và tâm huyết đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển quốc gia dân tộc trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, an ninh quốc phòng. Trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa trên nhiều lĩnh vực, thì vai trò của giáo dục trong sự nghiệp đào tạo nhân tài cho đất nước tiếp tục được khẳng định. Luận án ít nhiều đưa ra những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong việc lựa chọn phương thức giáo dục, đào tạo phù hợp cùng chính sách đãi ngộ đối với nhân tài, một trong chính sách đó là bổ dụng đội ngũ trí thức vào những cương vị phù hợp trong bộ máy Nhà nước. Đồng thời, luận án sẽ cung cấp hệ thống tài liệu cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập về lịch sử giáo dục Nho học thời quân chủ nói chung, nghiên cứu các vấn đề lịch sử cụ thể của hai thế kỷ XVII, XVIII nói riêng. 7
- 7. Cấu trúc của luận án: Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung luận án được kết cấu làm 4 chương: Chương 1: Tổng quan tư liệu và tình hình nghiên cứu vấn đề Chương 2: Giáo dục Nho học Chương 3: Khoa cử Nho học Chương 4: Thành tựu, hạn chế của giáo dục và khoa cử Nho học 8
- Chương 1: TỔNG QUAN TƯ LIỆU VÀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ 1.1 Nguồn tư liệu 1.1.1 Trong nước Nguồn sử liệu quan trọng nhất và chủ yếu nhất được sử dụng trong luận án là các bộ sử do Nhà nước đứng ra tổ chức biên soạn dưới thời Lê -Trịnh và triều Nguyễn, cụ thể là: Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên và các Sử thần triều Lê gồm ba bộ: Đại Việt sử ký toàn thư (Bản khắc Chính Hòa thứ 18 - 1697) (khắc in và công bố năm 1697 do nhóm Lê Hy biên soạn); Đại Việt sử ký, Bản kỷ tục biên (1676- 1740), tập 1; Đại Việt sử ký tục biên (1676 -1789); Lê triều chiếu lệnh thiện chính thư; Lê triều quan chế; Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục phần Tiền biên; Đại Nam liệt truyện tiền biên; Đại Nam nhất thống chí... Đây là nguồn tư liệu chính yếu ghi chép trực tiếp chính sách và hoạt động giáo dục, khoa cử Đại Việt thế kỷ XVII, XVIII gồm cả Đàng Ngoài và Đàng Trong. Đại Việt sử ký toàn thư gồm ba bản: Đại Việt sử ký toàn thư (Bản khắc Chính Hòa thứ 18 - 1697) (khắc in và công bố năm 1697 do nhóm Lê Hy biên soạn) biên chép một cách hệ thống lịch sử dân tộc từ Hồng Bàng đến năm 1675. Bản Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ tục biên (1676- 1740), tập 1: do nhóm Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Phạm Nguyễn Du (1740 -1787), Ninh Tốn (1744-?), Nguyễn Sá ( -?) đồng biên tập dưới quyền Tổng tài của nhóm Nguyễn Hoãn (1712 -1791), Vũ Miên (1718 -1782) và Lê Quý Đôn (1726 -11784) chịu trách nhiệm biên soạn, ghi chép từ đời Lê Hy Tông (1676) đến Lê Ỷ Tông (1740) gồm 63 năm; Đại Việt sử ký tục biên (1676 -1789) do các sử gia triều Lê biên soạn [38] ghi chép sự kiện lịch sử từ đời Lê Hiển Tông (1740 - 1786) đến Lê Chiêu Thống (1786 -1788). Đây là bộ chính sử quan trọng nhất, ghi chép trực tiếp các sự kiện về giáo dục, khoa cử thời kỳ vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài với các nội dung được nhắc đến nhiều nhất là thi Hương, thi Hội, thi Đình. Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn được biên soạn dưới thời Tự Đức, gồm 2 phần Tiền biên và Chính biên. Trong đó phần Chính biên (chép từ năm Đinh Tiên Hoàng thứ nhất (968) đến năm 1788 đời Lê Chiêu Thống) gồm 19 quyển (từ q.29 - q.47) có ghi chép về thời kỳ Lê -Trịnh, một phần chúa Nguyễn Đàng Trong. Khâm định Việt sử thông giám cương mục được biên soạn theo lối biên niên, lại có phần “lời chua”, “lời cẩn án”, “lời các sử gia”, do vậy khi tham khảo bộ sách này, để khảo cứu các sự kiện giai đoạn vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong, luận án thu thập được nhiều tư liệu, làm sáng tỏ nhiều nhân vật, địa danh, đồng thời tiếp cận được những lời nhận xét, phê phán của Quốc sử quán về một số sự việc liên quan đến thực trạng giáo dục, khoa cử thời Lê -Trịnh. 9
- Đại Nam thực lục gồm 560 quyển do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn là nguồn tư liệu chủ yếu khi tìm hiểu về thời kỳ lịch sử chúa Nguyễn và triều Nguyễn. Trong đó phần Đại Nam thực lục tiền biên gồm 13 quyển, chép các sự việc của chúa Nguyễn, bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng vào Trấn thủ vùng Thuận Hóa đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần trị vì gần hai trăm năm (1558 -1777). Đây là nguồn tư liệu chính yếu để luận án khai thác các nội dung về tổ chức giáo dục, khoa cử thời chúa Nguyễn. Tuy không ghi chép cụ thể về giáo dục, khoa cử thời chúa Nguyễn, nhưng Đại Nam liệt truyện là bộ sử rất có giá trị khi tìm hiểu về hành trạng các nhân vật liên quan thời chúa Nguyễn. Bộ sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn bắt đầu từ đời vua Thiệu Trị thứ 1 (1841), gồm ba phần, 85 quyển: Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập. Riêng Đại Nam liệt truyện tiền biên gồm 6 quyển là phần rất quan trọng trong việc làm rõ thân thế, công trạng của một số vị danh thần, quan viên trực tiếp tham gia bộ máy chính quyền chúa Nguyễn; hoặc hành trạng của một số Nho sĩ tuy lựa chọn lối sống “ẩn dật” nhưng vẫn nặng lòng với thời cuộc, có những đóng góp quan trọng về mặt tư tưởng đối với việc duy trì cơ nghiệp chúa Nguyễn trong giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII. Nghiên cứu cụ thể hơn về thân thế, hành trạng các vị đại khoa, luận án còn khai thác thông tin từ nguồn thư tịch về đăng khoa lục (sách ghi chép về tên tuổi và tiểu sử các vị trúng tuyển các khoa thi) như: Lịch đại danh hiền phổ (không rõ tác giả); Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều Đăng khoa lục của Nguyễn Hoàn, quyển nhì; Từ Liêm huyện đăng khoa chí của Bùi Xuân Nghi; Thu tỉ đề danh ký (Đăng Khoa lục Thanh Hóa) (không rõ tác giả); Phượng Dực đăng khoa lục của Đinh Danh Bá; Ngọc Than đăng khoa lục...Trong đó, Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục do Vũ Miên, Nguyễn Hoàn, Phan Trọng Phiên, Uông Sĩ Lăng biên soạn [113] ghi chép khá cụ thể tiểu sử, quê quán của các vị Tiến sĩ thời Lê -Trịnh, thi đỗ từ khoa thi năm 1694 đến khoa thi năm 1787. Mặc dù bộ sách không ghi chép gì về năm sinh, năm mất, chức vụ của họ khi tham gia phục vụ bộ máy chính quyền, nhưng đây vẫn là nguồn tư liệu rất quan trọng cho tác giả luận án trong việc thống kê, phân loại số người đỗ theo địa phương cụ thể, qua đó thấy được truyền thống khoa bảng của làng xã Việt Nam dưới thời Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài đã diễn ra như thế nào. Luận án còn khai thác, sử dụng một số tác phẩm do các sử gia tư nhân biên soạn như: Ô châu cận lục của Dương Văn An (1514 -?); Việt Nam khai quốc chí truyện của Nguyễn Khoa Chiêm (1659 -1736); Thiên Nam liệt truyện Hoan Châu ký của Nguyễn Cảnh Thị, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (1726 -1784); Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1720 -1791); Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch (1758 -1827); Hải Dương phong vật chí của Trần Công Hiến (? -1817) và Đạm Trai Trần Huy Phác (1754 -1834); Nam Hà tiệp lục của Lê Đản (1742 -?); Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1765 -1825); Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao 10
- Lãng ( ? - ?); Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ (1768 -1839); Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1782-1840); Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng (1828 -1910)1... Những tư liệu này giúp người nghiên cứu có hình dung rõ ràng về khoa cử Đại Việt thế kỷ XVII, XVIII. Chẳng hạn quyển “Thể lệ thượng” trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cung cấp những thông tin có giá trị về khoa cử bên cạnh một số vấn đề khác như lễ nghi, phong tục, quan chức, bổng lộc... của Đại Việt từ thời Lý đến Lê Trung hưng. Trong phần “Khoa mục chí” của cuốn Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú dành hẳn quyển 27 để nói về thể lệ thi Hương, thi Hội, thi Đình của triều Lê -Trịnh khi trị vì ở Thăng Long. Luận án sử dụng một số văn bia, gia phả các dòng họ, hương ước của các địa phương như Hà Nội (gồm Hà Tây cũ), Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... nhằm thống kê số người đỗ đạt. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, đã có khá nhiều công trình biên soạn mang tính liệt kê về người đỗ khoa cử nói chung, người đỗ đạt của từng địa phương nói riêng được xuất bản là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị cho luận án trong việc thống kê người đỗ Tiến sĩ, đỗ Hương cống thời Lê -Trịnh, qua đó thấy được truyền thống hiếu học ở làng xã Việt Nam trong hai thế kỷ XVII, XVIII. Đó là: Tiến sĩ Nho học Hải Dương (1075 -1919) do Tăng Bá Hoành (cb), Bảo tàng Hải Dương, 1997; Các nhà khoa bảng Hưng Yên (1075-1919) do Dương Thị Cẩm biên soạn (Sở VHTT Hưng Yên, 1999); Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 -1919) của Ngô Đức Thọ (cb), Nxb Văn học 1993 (tái bản 2006); Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống Việt Nam của nhóm tác giả Bùi Hạnh Cẩn, Minh Nghĩa, Việt Anh biên soạn (Nxb VHTT, 2002); Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh (từ đời Trần đến đời Nguyễn) của Thái Kim Đỉnh (Hội Liên hiệp VHNT, Hà Tĩnh, 2004); Khoa bảng Nghệ An (1075 -1919) của Đào Tam Tỉnh (Nxb Nghệ An, 2005); Tiến sĩ Nho học Thăng Long Hà Nội của Bùi Xuân Đính (Nxb Thanh Niên, 2010); Tiểu sử và hành trạng các nhà khoa bảng Hán học Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư (Nxb Đồng Nai, 2013); ... Riêng tác phẩm Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 -1919) của nhóm tác giả Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi biên soạn là công trình khảo cứu rất công phu về thân thế, sự nghiệp của 2.894 vị Tiến sĩ đã trúng tuyển trong các khoa thi Hội, thi Đình do triều đình tổ chức từ thời Lý đến triều Nguyễn. Công trình không chỉ có giá trị về mặt tra cứu, mà còn có giá trị rất lớn trong việc tìm hiểu tình hình và truyền thống đỗ đạt của các địa phương trong phạm vi cả nước. Năm 2019, nhóm tác giả do Nguyễn Thúy Nga chủ biên đã xuất bản bộ sách về khoa cử Việt Nam gồm 4 cuốn, khảo cứu những người đỗ kì thi Hương, thi Khảo hạch của nước ta từ thời Lê đến thời Nguyễn. Trong đó hai cuốn: Khoa cử Việt Nam Hương cống triều Lê và Khoa cử Việt Nam Sinh đồ triều Lê thời các chúa Nguyễn và Tây Sơn 1 Tác giả luận án còn sử dụng phần “Tổng luận” trong Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993. 11
- (Nxb Đại học QGHN) khảo cứu trực tiếp về thân thế, hành trạng các Hương cống và Sinh đồ của triều Lê ở Đàng Ngoài, Hương cống của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đây là công trình khảo cứu đầu tiên liệt kê khá đầy đủ về những người đỗ đạt trong kì thi Khảo hạch và thi Hương ở nhiều địa phương, vốn là những khoa thi được mở ở cấp địa phương, tư liệu ghi chép không đầy đủ. Để nguồn tài liệu này phục vụ tốt cho nội dung nghiên cứu của luận án, chúng tôi phải xác minh, chỉnh lý trước khi sử dụng. 1.1.2 Nước ngoài Luận án còn khai thác nguồn tư liệu là các ghi chép của các Giáo sĩ, thương nhân phương Tây, người Trung Hoa đến giao thương, truyền giáo và có ghi chép về Đại Việt thế kỷ XVII, XVIII, trong đó có nhiều ấn phẩm đã được dịch và xuất bản như: Histoire du royaume de Tunquin (Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài) của Alexandre de Rhodes viết năm 1651; Divers voyages et missions (Hành trình và truyền giáo) của Alexandre de Rhodes; Relation nouvelle et singguiére du Royaume de Tunquin (Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài) của Jean-Baptiste Tavernier viết khoảng thời gian từ năm 1639 - 1645, hoàn thiện năm 1681; A Description of the Kingdom of Tonqueen (Mô tả vương quốc Đàng Ngoài) của Samuel Baron viết trong khoảng thời gian 1685-1686; Voyages and Discoveries (Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688) của William Dampier; Journal de voyage du yacht hollandais Grol du Japon au Tonkin 1637 (Những thương nhân Hà Lan đầu tiên đến Đàng Ngoài và Kẻ chợ năm 1637) của Geerts; Xứ Đàng Trong năm 1621 của Christophoro Borri; Description historique de la Cochinchine (Mô tả lịch sử Đàng Trong) của Jean Koffler viết năm 1755; A voyage to Cochinchina in the years 1792 -1793”(Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 -1793) của J.Barrow; Histoire moderne du pays d’Annam (Lịch sử cận đại xứ An Nam) của Chrles.B Maybon. Hoặc một số ghi chép của người Trung Quốc như An Nam cung dịch kỷ sự2 (Ký sự về việc phục dịch ở An Nam) của Chu Thuấn Thủy; Hải ngoại kỷ sự của Thiền sư Thích Đại Sán biên soạn năm 1695. Nhìn chung, các tác phẩm của người nước ngoài khi viết về Đại Việt ở thế kỷ XVII, XVIII đã mô tả khá sinh động những nét chung về điều kiện tự nhiên, sản vật, tổ chức bộ máy chính quyền, phong tục của cư dân, việc học hành, thi cử của từng vùng Đàng Ngoài hoặc Đàng Trong. Những ghi chép đó chứa đựng nhiều thông tin quan trọng, bổ sung thêm nhiều sự việc lịch sử không được ghi chép trong nguồn thư tịch chữ Hán, do vậy đây cũng là nguồn tư liệu có giá trị cho luận án. Tuy nhiên khi sử dụng nguồn tư liệu này, chúng tôi phải có sự đối chiếu, so sánh với thư tịch, ghi chép trong nước. 1.2. Tình hình nghiên cứu trong nước 1.2.1 Nhóm công trình viết về giáo dục, khoa cử Nho học Việt Nam Trong nửa đầu thế kỷ XX đã xuất hiện một số công trình nghiên cứu về giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ của các học giả Việt Nam vừa hiểu biết về Hán học 2 Bản dịch trích trong Vĩnh Sính (2016), Việt Nam và Nhật Bản giao lưu văn hóa [171] từ tr.303 đến tr.360. 12
- vừa chịu ảnh hưởng bởi vốn kiến thức Tây học. Phần lớn những bài viết trong giai đoạn này được đăng trên các tạp chí như Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân.., có thể kể đến một số bài như: “Khảo cứu về sự thi ta” của Dương Bá Trạc (Tạp chí Nam Phong, số 23, 1919, tr.373 -385) giới thiệu những nét đại cương về giáo dục, khoa cử thời quân chủ; “Vài thể văn khoa cử xưa” của Hoa Bằng (Tạp chí Tri Tân, 1942, số 44, tr.3 -5); “quyển Thi văn bình chú” của Ngô Tất Tố (Tạp chí Tri Tân, số 94, 1943; tr.8, 23; số 95, tr 8 -9)... Đáng chú ý nhất là cuốn Lược khảo về khoa cử Việt Nam từ khởi thủy đến Mậu Ngọ 1918 (H. Impr.du Nord, 1941) của Trần Văn Giáp, đây được xem như chuyên luận sớm nhất của giới nghiên cứu hiện đại đối với thể chế khoa cử phong kiến Việt Nam. Thông qua khảo cứu trường thi Nam Định, tác giả đã cung cấp những kiến thức cơ bản về tổ chức giáo dục thời xưa và nhấn mạnh nội dung học tập chính yếu là rèn tập cho học trò các thể văn bài để tham dự các kì thi. Tác giả đã có những khảo cứu, so sánh giữa phép thi văn, thi võ và chế độ thi cử của ta với chế độ thi cử của các triều đại Trung Quốc, cùng sự thay đổi của các phép thi qua mỗi triều đại từ thời Lý, Trần đến thời Nguyễn. Trong công trình: Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước năm 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1985, tác giả Vũ Ngọc Khánh đã trình bày một cách tổng quát về tiến trình lịch sử nền giáo dục Việt Nam từ đầu cho đến thời kỳ Pháp đô hộ thế kỷ XX. Riêng nội dung giáo dục, khoa cử thời quân chủ được tác giả trình bày trong phần thứ nhất: “Trên tiến trình lịch sử từ đầu đến thế kỷ XIX” với dung lượng 130 trang từ tr.30 đến tr.159. Từ kết quả nghiên cứu, tác giả đã đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan về mục tiêu, nội dung, tổ chức, phương pháp của giáo dục Nho học gồm cả hai mặt đối lập của nó. Khi đánh giá về nội dung và chương trình giáo dục thời kỳ quân chủ, tác giả coi đó là một cách học cần thiết nhằm: “học kinh nghiệm để quản lý xã hội. Học sử chính là học kinh nghiệm các triều đại để rút ra bài học mà xử lý các mối quan hệ trong triều chính và với các tầng lớp dân chúng. Nhận thức như vậy không phải là không thiết thực” [89; tr 89]. Tác giả cũng chỉ ra những hạn chế của giáo dục Nho học trong việc đề cao học để làm chính sự, giáo dục để đào tạo người ra làm quan, từ đó gây nên tư tưởng “chỉ làm quan mới là vinh dự, là cao quý, còn bao nhiêu nghề khác đều thấp kém” [89; tr 94]. Đây là công trình nghiên cứu sớm nhất đưa ra những nhận xét, đánh giá về giáo dục Nho học, có ý nghĩa về mặt phương pháp luận trong việc giúp tác giả luận án có cái nhìn, đánh giá khách quan về thực trạng và đặc điểm nền giáo dục trong hai thế kỷ XVII, XVIII. Đặc biệt từ năm 2013 đến năm 20153, tập thể các nhà nghiên cứu của Viện Sử học đã xuất bản công trình “Lịch sử Việt Nam” gồm 15 tập, trong đó phần nội dung giáo dục, khoa cử trong lịch sử qua các triều đại được viết khá chi tiết ở các tập: tập 2 (Từ 3 Đến năm 2017, Viện Sử học đã bổ sung, tái bản lại bộ Lịch sử này gồm 15 tập. 13
- thế kỷ XI đến thế kỷ XIV), tập 3 (Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI), tập 4 (từ thế kỷ XVII -XVIII), tập 5 (từ năm 1802 -1858), tập 6 (từ năm 1858 đến năm 1896) do Nxb Khoa học Xã hội xuất bản 2013. Trong đó tập 4 là công trình viết rất cụ thể, chi tiết nhiều vấn đề liên quan đến thời kỳ vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong như: việc phân chia quyền lực giữa vua Lê - Chúa Trịnh và chúa Nguyễn, bộ máy chính quyền, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, tư tưởng, giáo dục cùng thành tựu về văn hóa của hai miền đất nước. Trong chương 12 của cuốn sách (từ tr.512 - tr.522), nhóm tác giả đã mô tả, phân tích các nét rất cơ bản về tình hình giáo dục, thi cử ở cả Đàng Ngoài và Đàng Trong, so sánh và phân tích nguyên nhân về sự hạn chế của khoa cử Đàng Trong so với Đàng Ngoài. Từ tr.523 đến tr.586 của chương, nhóm tác giả cũng đã trình bày về thành tựu văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật của thế kỷ XVII, XVIII, qua những thành tựu đó, thấy được đóng góp của nền giáo dục đối với sự phát triển quốc gia Đại Việt trên nhiều lĩnh vực. Từ thập niên 1990 của thế kỷ XX đến nay, các công trình nghiên cứu về vấn đề giáo dục và khoa cử Việt Nam thời quân chủ xuất hiện ngày một nhiều, biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau (bài viết, công trình chuyên khảo, luận án). Trong đó có thể kể đến một số công trình sau: Tình hình giáo dục thi cử triều Mạc của Nguyễn Hữu Tâm (Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6 -1991); Khoa cử và giáo dục Việt Nam của Nguyễn.Q. Thắng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1993; Giáo dục Việt Nam thời cận đại của Phan Trọng Báu (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994); Nho học ở Việt Nam - Giáo dục và thi cử của Nguyễn Thế Long, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995; Khoa cử và giáo dục Việt Nam của Nguyễn. Q. Thắng (Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1998); Lịch sử giản lược hơn 1000 năm nền giáo dục Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, 2003 của Lê Văn Giạng; Chính sách giáo dục của nhà Nguyễn đối với các dân tộc ít người ở Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ 19 (Tạp chí Dân tộc học, số 2/ 2005) của Phạm Thị Ái Phương; Giáo dục và thi cử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám 1945) của Phan Ngọc Liên (Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2006); Giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê ở Việt Nam qua tài liệu Hán Nôm, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009 của Đinh Khắc Thuân; Giáo dục và khoa cử Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội, 2010 của Bùi Xuân Đính;Khoa thi Tiến sĩ cuối cùng trong lịch sử khoa cử Việt Nam: Kỷ Mùi, Khải Định năm thứ tư, 1919, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010 của Phạm Văn Khoái; Giáo dục Thăng Long - Hà Nội - Quá trình, kinh nghiệm lịch sử và định hướng phát triển của Nguyễn Hải Kế (Nxb Hà Nội, 2010); Vài nét về giáo dục Nho học từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX ở Việt Nam của Vũ Duy Mền (Tạp chí NCLS, số 5 (421)/2011); Hệ thống giáo dục và khoa cử Nho giáo triều Nguyễn, Nxb CTQG, 2011 của Nguyễn Ngọc Quỳnh; Giáo dục khoa cử và quan chế ở Việt Nam thời phong kiến, thời Pháp thuộc của Nguyễn Công Lý, Nxb Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, 2011; Giáo dục và thi cử triều Tây Sơn (Tạp chí Hán Nôm, số 4 (119), 2013) của Nguyễn Thúy Nga; 14
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam
190 p | 402 | 114
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay
191 p | 285 | 75
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Giao dịch dân sự có điều kiện theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam
304 p | 171 | 40
-
Luận án Tiến sĩ Sinh học: Nghiên cứu đặc điểm cấu trúc một số gen thuộc hệ miễn dịch tôm sú (Penaeus Monodon)
0 p | 223 | 38
-
Luận án Tiến sĩ Sử học: Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng 1820 – 1840
154 p | 143 | 33
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Bảo đảm thực hiện nguyên tắc suy đoán vô tội trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay
182 p | 84 | 33
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo pháp luật tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay
180 p | 86 | 29
-
Luận án Tiến sĩ Khoa học giáo dục: Vận dụng quan điểm sư phạm tương tác vào dạy học Sinh học 9 trường THCS
165 p | 156 | 23
-
Luận án Tiến sĩ Sử học: Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1965
244 p | 123 | 15
-
Luận án Tiến sĩ Khoa học giáo dục: Sử dụng di sản văn hóa vùng ĐBSCL trong dạy học Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1918 ở trường THPT Thành phố Cần Thơ
290 p | 24 | 13
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam - những vấn đề lý luận và thực tiễn - Nguyễn Thành Luân
210 p | 40 | 12
-
Tóm tắt luận án Tiến sĩ Luật học: Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
12 p | 164 | 9
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự từ thực tiễn các tỉnh miền Đông Nam Bộ
207 p | 19 | 8
-
Luận án Tiến sĩ Sử học: Giáo dục và khoa cử Đại Việt từ năm 1527 đến năm 1592
234 p | 14 | 8
-
Luận án Tiến sĩ Luật học: Hội thẩm nhân dân trong tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay
201 p | 35 | 8
-
Luận án Tiến sĩ Văn học Việt Nam: Đặc điểm nhân vật dũng sĩ trong truyện cổ tích và sử thi một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên
219 p | 28 | 6
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn học Việt Nam: Đặc điểm nghệ thuật nhóm sử thi Dăm Giông
52 p | 135 | 5
-
Tóm tắt Luận án Tiến sĩ Văn học Việt Nam: Đặc điểm nhân vật dũng sĩ trong truyện cổ tích và sử thi một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên
27 p | 5 | 0
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn