Luận văn Thạc sĩ Luật học: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam
lượt xem 4
download
Mục đích của luận văn là nghiên cứu toàn diện, có hệ thống những vấn đề về lập pháp, lý luận và thực tiễn định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam. Trên cơ sở đó, dựa vào quan điểm và định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách hình sự về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, luận văn làm sáng tỏ cơ sở lý luận, nội dung mới đối với tội phạm này từ yêu cầu của thực tiễn đất nước hiện nay.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Luận văn Thạc sĩ Luật học: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT PHẠM THỊ BÍCH NGỌC TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC HÀ NỘI - 2010
- ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA LUẬT PHẠM THỊ BÍCH NGỌC TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM Chuyên ngành : Luật hình sự Mã số : 60 38 40 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Ngọc Chí HÀ NỘI - 2010
- MỤC LỤC Trang Trang phụ bìa Lời cam đoan Mục lục Danh mục các bảng MỞ ĐẦU 1 Chương 1: KHÁI NIỆM VÀ DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA TỘI CÔNG 7 NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN 1.1. Khái niệm và lịch sử lập pháp của tội công nhiên chiếm đoạt 7 tài sản 1.1.1. Khái niệm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 7 1.1.2. Lịch sử lập pháp của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 12 1.2. Dấu hiệu pháp lý của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 18 1.2.1. Khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 19 1.2.2. Mặt khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 24 1.2.3. Chủ thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 31 1.2.4. Mặt chủ quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 34 Chương 2: ĐƯỜNG LỐI XỬ LÝ TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT 40 TÀI SẢN VÀ PHÂN BIỆT VỚI MỘT SỐ TỘI PHẠM KHÁC 2.1. Đường lối xử lý tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo luật 40 hình sự Việt Nam 2.1.1. Phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không có các tình tiết 40 định khung hình phạt 2.1.2. Các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt 49 2.1.3. Hình phạt bổ sung 56 2.2. Phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với một số tội 57 phạm theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999
- 2.2.1. Phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội cướp giật 57 tài sản 2.2.2. Phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội cưỡng đoạt 61 tài sản 2.2.3. Phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội cướp tài sản 66 2.2.4. Phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội trộm cắp 71 tài sản 2.2.5. Phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội chiếm giữ 73 trái phép tài sản Chương 3: THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT 78 HÌNH SỰ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN 3.1. Thực trạng xét xử tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 78 3.1.1. Thực tiễn xét xử tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 78 3.1.2. So sánh thực trạng xét xử tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với 87 các tội phạm và các tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu 3.1.3. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân 91 3.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự và nâng cao hiệu quả công 96 tác đấu tranh, phòng chống tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 3.2.1 Tiếp tục hoàn thiện Bộ luật hình sự để pháp điển hóa về tội 96 công nhiên chiếm đoạt tài sản từ thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử 3.2.2. Tăng cường hướng dẫn, giải thích những quy định của Bộ luật 100 hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản 3.2.3. Nâng cao hiệu quả công tác áp dụng pháp luật hình sự và đấu 101 tranh phòng, chống tội công nhiên chiếm đoạt tài sản KẾT LUẬN 109 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 112
- Danh mục các bảng Số hiệu Tên bảng Trang bảng 3.1 Số án phải giải quyết hằng năm 79 3.2 Phân tích số án đã giải quyết 82 3.3 So sánh tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với các tội 88 phạm nói chung và tỷ lệ cụ thể 3.4 So sánh tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với các tội 89 phạm thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu
- MỞ ĐẦU 1. Sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo qua hai mươi lăm năm đã thu được những thành tựu quan trọng. Nền kinh tế đã vượt qua thời kỳ suy giảm, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững và ngày càng được tăng cường; quan hệ đối ngoại có bước phát triển mới, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu mà nhiều tệ nạn xã hội đã và đang nảy sinh do những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, trong đó có tình trạng vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vụ phạm pháp hình sự, đòi hỏi Nhà nước và xã hội phải quan tâm, giải quyết. Qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự những năm gần đây, cho thấy tình hình tội phạm nói chung, các tội xâm phạm sở hữu nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả và tác hại lớn cho xã hội, trong đó có tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Loại tội phạm này không chỉ tăng về số lượng mà cả về đối tượng phạm tội. Phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng lớn. Tình trạng đó đã và đang gây ra không ít những khó khăn, thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử cũng như trong chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh và phòng chống tội phạm, bảo đảm phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội để góp phần bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, do các quy định của luật hình sự Việt Nam về tội công nhiên chiếm đoạt còn chưa minh bạch, chưa bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, nhất là 1
- thiếu quy phạm định nghĩa và một số quy định liên quan đến các yếu tố định tội và định khung hình phạt nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí không thống nhất trong nhận thức về dấu hiệu pháp lý, đường lối xử lý và thực tiễn định tội danh đối với tội phạm này. Do vậy, trong một số vụ án cụ thể đã có tình trạng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có nhận thức khác nhau về việc định tội và định khung hình phạt khi tiến hành xử lý hình sự đối với hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Cá biệt, có trường hợp còn nhầm lẫn trong việc xác định tội danh, áp dụng không đúng pháp luật, thậm chí không làm sáng tỏ được ranh giới giữa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác hoặc không phân biệt được sự khác nhau giữa tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với một số tội phạm có tính chất chiếm đoạt khác trong Bộ luật hình sự 1999 như: tội cướp tài sản (Điều 133), tội cướp giật tài sản (Điều 136), tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135); tội trộm cắp tài sản (Điều 138). Để tiếp tục nghiên cứu, nhận diện đầy đủ và làm sâu sắc hơn các vấn đề lý luận về cấu thành tội phạm này cũng như thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản làm căn cứ để đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm này, việc nghiên cứu đề tài: "Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam" là rất cần thiết và thực sự cấp bách. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hiện đã được nghiên cứu, đề cập đến trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo luật học cũng như các nhà hình sự học, tội phạm học. Ở Việt Nam, các Giáo trình luật hình sự Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật học cũng nghiên cứu về tội này như: Trường Đại học Luật Hà Nội; Khoa luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác... 2
- Từ góc độ thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử cũng như định tội danh, tội công nhiên chiếm đoạt cũng được nghiên cứu, bàn luận và làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn trong nhiều cuốn chuyên khảo, trong đó phải kể đến một số công trình nghiên cứu của ThS. Luật học Đinh Văn Quế như: Bình luận án, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998; Pháp luật hình sự thực tiễn xét xử và án lệ, Nxb Lao động xã hội. Hà Nội, 2005); Thực tiễn xét xử và pháp luật hình sự, Nxb Đà Nẵng, 2000; Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Phần các tội phạm, tập II, các tội xâm phạm sở hữu, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2005; một số chuyên khảo như: Định tội danh: Lý luận, hướng dẫn mẫu và 350 bài thực hành, của Lê Cảm và Trịnh Quốc Toản, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004; Bình luận khoa học Bộ luật hình sự phần các tội phạm, của Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999... Các vấn đề lý luận và thực tiễn định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản còn được nghiên cứu và làm sáng tỏ trong một số bài viết đăng trên Tạp chí chuyên ngành luật như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, của ThS. Mai Bộ, Tạp chí Toà án nhân dân, số 11, 2007; Một số vấn đề cần hoàn thiện đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, của ThS. Nguyễn Văn Trượng, Tạp chí Kiểm sát, số 24, 2008…Các bài nghiên cứu trên đã nhận diện và làm sáng tỏ một số vấn đề về khái niệm, đặc trưng, các dấu hiệu pháp lý của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử hình sự; phân tích, đối chiếu và phân biệt với một số tội phạm trong Bộ luật hình sự 1999 và đề xuất giải pháp hoàn thiện… Từ thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự liên quan đến các tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, có nhiều bài viết đề cập đến tội công nhiên chiếm đoạt tài sản ở góc độ so sánh, đối chiếu với một số tội phạm khác có nhiều điểm tương đồng như tội trộm cắp tài sản, tội cướp giật tài sản; tội cướp tài sản; tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là một số bài nghiên cứu của ThS. Mai Bộ đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân… Trong thực tiễn xét xử, một số bài viết, tranh luận cũng trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến cấu thành tội công nhiên 3
- chiến đoạt tài sản qua phân tích, đánh giá, nhận định về một số hành vi phạm tội có tính chất chiếm đoạt, ngoài ra còn phải kể đến một số luận văn tốt nghiệp Đại học Luật nghiên cứu về tội này như: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự 1999 - những vấn đề lý luận và thực tiễn, của Đặng Đình Chung, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2001 và một số luận văn cử nhân, thạc sĩ luật khác. Tuy nhiên, có thể khẳng định, đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống các vấn đề pháp lý, lý luận và thực tiễn định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu của đề tài Luận văn nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, dấu hiệu pháp lý, đường lối xử lý và thực tiễn định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam. Trong khuôn khổ một luận văn thạc sĩ luật học, phạm vi nghiên cứu của luận văn tập trung vào các dấu hiệu pháp lý đặc trưng, đường lối xử lý và những vấn đề liên quan đến định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản những năm gần đây với tư cách là một tội phạm trong chương các tội phạm xâm phạm sở hữu của Bộ luật hình sự năm 1999 mà chưa có điều kiện nghiên cứu, phân tích từ góc độ tội phạm học. 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài Mục đích của luận văn là nghiên cứu toàn diện, có hệ thống những vấn đề về lập pháp, lý luận và thực tiễn định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam. Trên cơ sở đó, dựa vào quan điểm và định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là chính sách hình sự về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu, luận văn làm sáng tỏ cơ sở lý luận, nội dung mới đối với tội phạm này từ yêu cầu của thực tiễn đất nước hiện nay. 4
- Để đạt được mục đích trên, đề tài có nhiệm vụ: - Phân tích các căn cứ về mặt lập pháp, lý luận và thực tiễn định tội danh, bản chất, dấu hiệu pháp lý của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, đường lối xử lý hình sự có so sánh với một số tội phạm theo Bộ luật hình sự 1999. - Phân tích lịch sử lập pháp hình sự, đường lối xử lý và thực tiễn định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam. - Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, luận văn đề xuất một số kiến nghị, đề xuất dưới góc độ hoàn thiện pháp luật hình sự, đường lối xử lý cũng như định tội danh đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm này trong thời gian tới. 5. Cơ sở lý luận và phƣơng pháp nghiên cứu Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, định hướng của Đảng về chính sách hình sự; quan điểm, đường lối xử lý các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, trong đó có tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trước yêu cầu mới. Phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin. Các phương pháp của khoa học luật hình sự, tội phạm học, thống kê tư pháp, khoa học lịch sử, so sánh kết hợp với phân tích xã hội học, phương pháp hệ thống - cấu trúc, phương pháp quy nạp, diễn dịch được sử dụng linh hoạt trong nghiên cứu. 6. Những đóng góp mới của đề tài Luận văn được hoàn thành sẽ là chuyên khảo khoa học trình bày tương đối toàn diện, có hệ thống về căn cứ lập pháp hình sự, các vấn đề lý luận và thực tiễn đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, có đóng góp mới sau đây: 5
- Một là, phân tích căn cứ pháp lý, giải quyết những vấn đề lý luận về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nhằm góp phần bổ sung và hoàn thiện lý luận về tội phạm đối với các tội phạm cụ thể trong luật hình sự Việt Nam, nhất là các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt. Hai là, phân tích, đánh giá lịch sử lập pháp hình sự đối với tội công nhiên chiếm đoạt, đường lối xử lý và thực tiễn định tội danh đối với tội phạm này. Ba là, đề xuất các phương hướng tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự, đường lối xử lý hình sự và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Khái niệm và dấu hiệu pháp lý của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Chương 2: Đường lối xử lý tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và phân biệt với một số tội phạm khác Chương 3: Thực trạng, giải pháp hoàn thiện pháp luật hình sự và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. 6
- Chương 1 KHÁI NIỆM VÀ DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN 1.1. KHÁI NIỆM VÀ LỊCH SỬ LẬP PHÁP CỦA TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là một trong số các tội xâm phạm sở hữu, lần đầu tiên được quy định trong một điều luật độc lập (Điều 137) của Bộ luật hình sự năm 1999 trên cơ sở tách tội cướp giật và tội công nhiên chiếm đoạt được quy định tại Điều 131 (Tội cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa) và Điều 154 (Tội cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân) theo Bộ luật hình sự năm 1985. Do Điều 137 Bộ luật hình sự không mô tả hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản mà chỉ nêu tội danh nên vấn đề đặt ra là cần phải nghiên cứu, làm rõ khái niệm của tội phạm này để từ đó, đi sâu phân tích những đặc trưng, đánh giá thực tiễn, đường lối xử lý, định tội danh và đề xuất giải pháp hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. 1.1.1. Khái niệm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản Để hiểu khái niệm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, cần phân tích và làm rõ các khái niệm "tài sản"; "chiếm đoạt tài sản", "công nhiên chiếm đoạt tài sản" từ góc độ Luật hình sự, trên cơ sở đó, phân tích, đưa ra những đặc trưng thuộc về nội hàm khái niệm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Khái niệm "tài sản", nghĩa Hán - Việt là khái niệm dùng để "chỉ chung tiền bạc, của cải" 16, tr. 622; "tiền của, của cải nói chung" 9, tr. 734, 17, tr. 602; là "của cải vật chất dùng để sản xuất hoặc tiêu dùng" 47, tr. 1483. Theo Điều 163 Bộ luật dân sự năm 2005, tài sản được hiểu bao gồm "vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản", trong đó quyền tài sản là "quyền trị giá được bằng tiền 7
- và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ" (Điều 181). Tuy nhiên, từ góc độ luật hình sự, đối với các tội phạm có tính chất chiếm đoạt tài sản trong đó có tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, không phải lúc nào tài sản theo quan niệm của Bộ luật dân sự cũng được coi là đối tượng của tội phạm này bởi lẽ không phải tài sản nào người phạm tội cũng có thể công nhiên lấy được từ chủ tài sản, ví dụ như các quyền tài sản. Đây là một dạng tài sản vô hình, không nhìn thấy được, nó gắn liền với quyền nhân thân và cố định với một chủ thể cụ thể được pháp luật công nhận, do đó, nó không thể bị dịch chuyển trái phép, bị chiếm đoạt bởi người khác được, vì về mặt pháp lý "quyền tài sản" phải được pháp luật thừa nhận thì mới có giá trị. Ví dụ: Quyền của chủ nợ, quyền sở hữu đối với các giấy tờ có giá… Những quyền này gắn liền với nhân thân của một chủ thể xác định. Mọi trình tự, thủ tục thực hiện các quyền này đều tuân theo quy định của pháp luật, do đó, tội phạm không thể chiếm đoạt được "loại tài sản này" nên nó không thể là đối tượng tác động của tội "công nhiên chiếm đoạt tài sản". Ngoài ra, một số tài sản khác là bất động sản có tính chất vật lý cố định; một số loại tài sản chưa xác định được chủ sở hữu hoặc tài sản không có giá trị sử dụng, một số loại giấy tờ có giá và một số loại tài sản có tính chất và công dụng đặc biệt cũng không thể là đối tượng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Khái niệm "chiếm đoạt", theo nghĩa Hán - Việt, "Chiếm" là "lấy làm của mình"; "chiếm đoạt" là "dùng sức mạnh, thế lực mà lấy làm của mình" 9, tr. 142, 16, tr. 140; chiếm là: "giữ lấy làm của mình", đoạt là cướp lấy, chiếm đoạt là "cướp lấy bằng võ lực hay quyền thế" 9, tr. 142, 17, tr. 108; chiếm đoạt còn được hiểu là "chiếm của người khác bằng cách dựa vào quyền hành, sức mạnh vũ lực" 47, tr. 1483. Dưới góc độ pháp luật hình sự "chiếm đoạt tài sản" là hành vi cố ý chuyển dịch trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình 39, tr. 366 hoặc "hành vi cố ý chuyển biến một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình hoặc của một 8
- nhóm người hoặc cho người khác mà mình quan tâm" 3, tr. 230. Ở đây, khái niệm "quản lý" có thể hiểu là "trông coi, giữ gìn và theo dõi việc gì" 47, tr. 1363, "chủ tài sản" được hiểu bao gồm chủ sở hữu tài sản hoặc người được giao quản lý tài sản đó (thông qua giao dịch dân sự hoặc theo quy định của pháp luật được giao nhiệm vụ quản lý tài sản). Hành vi chiếm đoạt tài sản có đặc điểm sau đây: Thứ nhất, xét về mặt khách quan, hành vi chiếm đoạt là hành vi làm cho chủ tài sản (người là chủ sở hữu tài sản hoặc người có quyền quản lý tài sản) mất hẳn khả năng thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình và tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt trái pháp luật tài sản đó. Như vậy, chiếm đoạt xét về mặt thực tế là quá trình vừa làm cho chủ tài sản mất tài sản vừa tạo cho người chiếm đoạt có tài sản đó, quá trình này xét về mặt pháp lý không làm cho chủ sở hữu mất quyền sở hữu của mình mà chỉ làm mất khả năng thực tế thực hiện các quyền cụ thể của quyền sở hữu. Hành vi chiếm đoạt được thể hiện dưới những dạng hành vi cụ thể khác nhau tùy thuộc vào mối quan hệ cụ thể giữa người chiếm đoạt với tài sản chiếm đoạt cũng như vào hình thức chiếm đoạt cụ thể. Thứ hai, tài sản là đối tượng tác động của hành vi chiếm đoạt đòi hỏi phải có đặc điểm là còn nằm trong sự chiếm hữu, sự quản lý, kiểm soát của chủ tài sản. Nếu tài sản đã thoát ly khỏi sự chiếm hữu, sự quản lý, kiểm soát của chủ tài sản (bị thất lạc) thì không còn là đối tượng của hành vi chiếm đoạt. Chỉ khi tài sản còn đang do chủ tài sản chiếm hữu thì mới có thể nói đến hành vi chiếm đoạt, mới nói đến hành vi làm mất khả năng chiếm hữu của chủ tài sản. Thứ ba, xét về mặt chủ quan, chiếm đoạt là hành vi được người phạm tội thực hiện có chủ đích nên lỗi của người có hành vi chiếm đoạt là lỗi cố ý trực tiếp. Người thực hiện hành vi chiếm đoạt biết tài sản chiếm đoạt là tài sản 9
- đang có người quản lý nhưng vẫn mong muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình. Những trường hợp lầm tưởng là tài sản của mình hoặc tài sản không có người quản lý đều không phải là trường hợp có hành vi chiếm đoạt. Như vậy, hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là bắt đầu khi người phạm tội bắt đầu thực hiện việc làm mất khả năng chiếm hữu của chủ tài sản, để tạo khả năng đó cho mình. Khi người phạm tội đã làm chủ được tài sản chiếm đoạt thì lúc đó hành vi chiếm đoạt được coi là đã hoàn thành, người phạm tội coi là đã chiếm đoạt được tài sản. Dấu hiệu chiếm đoạt có thể là mục đích chiếm đoạt, là hành vi chiếm đoạt hoặc là chiếm đoạt được. Khái niệm "công nhiên", theo nghĩa Hán - Việt được giải thích là "rõ ràng như vậy, ai cũng thấy"; thuật ngữ "công khai" được hiểu là "mở chung cho mọi người cùng thấy, không dấu diếm" 16, tr. 114; "công nhiên" còn được giải thích là "một cách công khai, rõ ràng, không giấu giếm" 47, tr. 457; "đường hoàng trước mặt mọi người" 17, tr. 143; "rõ ràng, ai cũng có thể thấy" - đồng nghĩa với từ "đàng hoàng - một cách ung dung" và trái nghĩa với từ "lén lút- cố ý dấu diếm, vụng trộm, không để lộ ra do có ý gian" 9, tr. 182; 242; 467. Khái niệm "công nhiên chiếm đoạt tài sản" được hiểu là "ngang nhiên chiếm đoạt tài sản do người khác giữ mà không chạy trốn" 43, tr. 198; "là lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ" 39, tr. 381. Về lý luận, "công nhiên chiếm đoạt tài sản" được hiểu là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản", đó là "hành vi lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản một cách công khai" 25, tr. 175. Dưới góc độ khoa học pháp lý, công nhiên chiếm đoạt tài sản là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng chủ tài sản không có điều kiện bảo vệ tài sản hoặc ngăn cản hành vi phạm tội mà chiếm đoạt tài sản của họ" 3, tr. 260. 10
- Như vậy, công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện có tính chất công khai, lợi dụng tình trạng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản. Tính chất công khai thể hiện ở chỗ, người thực hiện hành vi phạm tội không cần và không có ý định có bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó với chủ tài sản, họ cũng không phải đối phó với bất kỳ sự phản ứng nào của chủ tài sản vì lý do chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản do đang ở trong hoàn cảnh không thể ngăn cản hành vi phạm tội. Khái niệm tội phạm, theo Điều 8 Bộ luật hình sự: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hay vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa 28, tr. 46. Từ góc độ khoa học luật hình sự, tội phạm được định nghĩa là "hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt" 39, tr. 33; "là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự (tức là hành vi bị luật hình sự cấm), do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách có lỗi (cố ý hoặc vô ý)" 3, tr. 297. Theo tác giả luận văn, tội phạm có 5 dấu hiệu đặc trưng: 1) Tính nguy hiểm cho xã hội; 2) Tính trái pháp luật hình sự; 3) Tính có năng lực trách nhiệm hình sự; 4) Tính đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; 5) Tính có lỗi. Với cách tiếp cận đó, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có 5 đặc trưng cơ bản: 1) Đó là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm cho 11
- xã hội; 2) Hành vi đó bị luật hình sự cấm, nếu thực hiện hành vi này là trái với pháp luật hình sự; 3) Hành vi này phải do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện; 4) Người thực hiện hành vi phạm tội phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; 5) Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi có lỗi. Từ những phân tích trên đây, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những điểm hợp lý trong các khái niệm về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và những vấn đề đã được thực tiễn áp dụng pháp luật kiểm nghiệm, có thể đưa ra định nghĩa khoa học về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là một tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác bằng hành vi lợi dụng chủ tài sản trong hoàn cảnh đặc biệt không có điều kiện bảo vệ tài sản hoặc ngăn cản hành vi phạm tội để công khai chiếm đoạt tài sản của họ. 1.1.2. Lịch sử lập pháp của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản a) Giai đoạn trước năm 1985 Nhận thức được vai trò của pháp luật hình sự trong việc bảo vệ chế độ sở hữu nhằm củng cố, duy trì trật tự xã hội, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các chủ thể pháp luật, nhiều Nhà nước phong kiến ở nước ta đã sử dụng hình luật để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu. Dưới thời Lê Sơ mà đỉnh cao là triều đại trị vì của vua Lê Thánh Tông, Bộ luật Hồng Đức đã được ban hành, trong đó dành gần 50 Điều để thiết lập các quy định nhằm bảo vệ chế độ sở hữu phong kiến. Theo Điều 370 Bộ luật Hồng Đức thì: Các nhà quyền quý chiếm đoạt nhà cửa, ruộng đất, ao đầm của lương dân, từ một mẫu trở lên thì xử tội phạt; từ năm mẫu trở lên thì xử tội biếm. Quan tam phẩm trở lên thì xử tội năng thêm hai bậc và phải bồi thường như luật định. Đã tâu lên rồi thì xử khác". Đối với những kẻ cướp (nghĩa là ban đêm cầm khí giới giết người lấy của): 12
- Thì xử tội chém, tòng phạm thì xử tội giảo, ngoài việc phải đền tang vật ăn cướp, điền sản phải sung công. Cướp của lại giết người thì xử tội chém bêu đầu, tòng phạm xử chém phải nộp tiền đền mạng và tiền đền tang vật gấp đôi trả lại cho chủ nhà bị cướp. Kẻ chứa chấp bọn cướp lâu ngày thì xử đồng tội, mới khoảng mười ngày thì xử giảm một bậc, đều phải bồi thường một phần ba nộp vào kho. Kẻ biết việc mà không cáo giác thì xử tội đồ làm chủng điền binh [29, Điều 426]. Cũng theo Bộ luật trên "kẻ ăn trộm mới phạm lần đầu thì phải lưu châu xa. Kẻ trộm có tiếng và kẻ trộm tái phạm thì phải bị chém. Giữa ban ngày ăn cắp vặt cũng bị xử tội đồ…" (Điều 429). Liên quan đến hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, tại Điều 435 của Bộ luật trên quy định: Những kẻ thừa thời cơ lúc có trộm, cướp, cháy, lụt là lấy trộm của cải của người ta, hay là giữa ban ngày mà đoạt lấy tiền tài của người, cùng là lấy của cải đánh rơi mà lại đánh lại người mất của thì cũng phải đền tội như ăn trộm thường, mà giảm một bậc. Lột lấy những quần áo và đồ vật của trẻ em, người điên, người say thì phải tội đồ và phải bồi thường gấp đôi [29]. Có thể nói, đây là những quy định đầu tiên trong hình luật nước ta mà trong đó, những dấu hiệu trong hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản sau này đã được đề cập. Đặc biệt, nhà làm luật đã mô tả và mô hình hóa khá chính xác điều kiện thực tiễn nước ta lúc bấy giờ, đồng thời răn đe, phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật do lợi dụng hoàn cảnh, tình trạng thân phận của người có tài sản để trục lợi, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt trong trường hợp này được xác định nhẹ hơn tội ăn trộm thường, mục đích của việc ghi nhận tội phạm này là để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các chủ thể có nguy cơ bị tội phạm xâm hại 13
- trong những điều kiện, tình huống đặc biệt mà người có tài sản không có điều kiện bảo quản, coi giữ. Quy định này được duy trì và áp dụng trong suốt các giai đoạn của Nhà nước phong kiến, từ thời Lê - Trịnh - Nguyễn, đáng tiếc rằng, dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, qua nghiên cứu Bộ luật của triều đại này - Hoàng Việt luật lệ - những quy định trên không còn thấy được đề cập. Sau đó, mặc dù ở nước ta có tồn tại các bộ Hình luật Trung Kỳ; Hình luật Bắc Kỳ; Hình luật Nam Kỳ nhưng những quy định liên quan đến tội công nhiên chiếm đoạt tài sản lại không được đề cập đến, nói cách khác, hình luật không quy định tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là một tội phạm độc lập, được quy định trong Bộ luật hình sự để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các chủ tài sản. Ngay sau khi giành được độc lập, công cuộc xây dựng, quản lý nước nhà bằng pháp luật bước đầu được quan tâm, pháp luật mới ra đời - pháp luật dân chủ nhân dân - công cụ để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân lao động, bảo vệ thành quản của cách mạng. Sắc lệnh số 26/SL ngày 25/02/1946 quy định về trừng trị tội phá hủy công sản, theo đó nếu người phạm tội thực hiện một trong các tội sau đây sẽ bị phạt tù từ hai năm đến mười năm và có thể bị xử tử: 1) Cố ý phá hoại một phần hay toàn thể các cầu cống hay sông đào, vận hà, nông giang, thuộc công ích, đường xe lửa, các đường giao thông công hay tư đường bộ hay đường thủy, đê đập, các công sở, kho tàng hoặc các nhà máy điện, máy nước; 2) Cố ý hủy hoại hoặc ăn trộm các dây điện thoại, điện tín cùng các cột dây điện và dây thép; 3) Đặt ở các nơi nói trên những khí cụ dùng để giết người, đốt phá hay tác liệt. Tiếp theo là Sắc lệnh số 233/SL ngày 17/01/1946 về trừng trị tội phù lạm, biển thủ công quỹ, Thông tư số 442/TTg ngày 19/01/1955 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn các Tòa án trừng trị một số tội phạm xâm phạm sở hữu như trộm cắp, cướp của, lừa gạt, bội tín… Qua nghiên cứu các 14
- văn bản pháp luật này, cho thấy nhà lập pháp chưa đề cập đến tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tư cách là một tội phạm độc lập. Ngày 15/6/1956, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 267/SL trừng trị những âm mưu hoạt động phá hoại tài sản của Nhà nước, Hợp tác xã và của nhân dân, làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch xây dựng kinh tế và văn hóa. Văn bản này tuy chưa quy định tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, song theo tinh thần của nó thì các dạng hành vi thuộc cấu thành của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản ngày nay cũng đã được đề cập và hướng dẫn về đường lối xử lý tương tự tội cướp và tội cướp giật tài sản. Để củng cố thành quả mà cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đạt được ở miền Bắc, bảo đảm sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển sản xuất để chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, các quy định pháp luật về kinh tế, tài chính, dân sự, lao động, hình sự từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của quản lý đất nước trong tình hình mới, ngày 21/10/1970, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân. Theo hai Pháp lệnh trên, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chưa được đề cập với tư cách là một tội phạm độc lập mà nằm trong quy định gắn với tội cướp giật tài sản (Điều 4 và 5) và được hướng dẫn chi tiết, cụ thể tại Thông tư liên Bộ ngày 16/3/1973 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an (điểm 1 Mục c Phần II). Theo đó, hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản được nhà làm luật mô tả như sau: "trường hợp kẻ phạm tội lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người giữ tài sản, bất thần giằng lấy tài sản trên tay người giữ tài sản, hoặc công nhiên lấy từ nơi để tài sản với ý thức không che giấu hành vi phi pháp của mình rồi chạy trốn hoặc bỏ đi không dùng vũ lực". Đây là quy định thể hiện khá rõ một số đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng lúc đó, về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật chưa thừa nhận đây là một tội phạm độc lập mà được hiểu là một dạng hành vi của tội cướp giật tài sản. 15
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ở Việt Nam
25 p | 311 | 69
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Luật học: Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay
26 p | 527 | 47
-
Luận văn Thạc sĩ Luật học: Quản trị công ty cổ phần theo mô hình có Ban kiểm soát theo Luật Doanh nghiệp 2020
78 p | 212 | 47
-
Luận văn Thạc sĩ Luật học: Thực hiện pháp luật về tiếp công dân từ thực tiễn tỉnh Thanh Hóa
78 p | 172 | 45
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Luật học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hợp đồng tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại Việt Nam
20 p | 236 | 29
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Luật học: Xây dựng ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an nhân dân Việt Nam
15 p | 350 | 27
-
Luận văn Thạc sĩ Luật học: Người bị tạm giữ trong tố tụng hình sự
102 p | 63 | 23
-
Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng
86 p | 113 | 19
-
Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về mua bán nhà ở xã hội, từ thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh
83 p | 100 | 19
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất, qua thực tiễn ở tỉnh Quảng Bình
26 p | 113 | 16
-
Luận văn Thạc sĩ Luật học: Thực hiện pháp luật về thanh niên từ thực tiễn thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam
83 p | 112 | 15
-
Luận văn Thạc sĩ Luật học: Hợp đồng mua bán thiết bị y tế trong pháp luật Việt Nam hiện nay
90 p | 81 | 14
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ luật học: Pháp luật Việt Nam về hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán trong mối quan hệ với vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư
32 p | 246 | 14
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật hình sự Việt Nam về tội gây rối trật tự công cộng và thực tiễn xét xử trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
17 p | 153 | 13
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực kinh doanh - qua thực tiễn tại tỉnh Quảng Trị
31 p | 107 | 10
-
Luận văn Thạc sĩ Luật học: Cấm kết hôn theo Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000
119 p | 66 | 10
-
Tóm tắt luận văn Thạc sĩ luật học: Pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA và thực tiễn tại Thanh tra Chính phủ
13 p | 264 | 7
-
Tóm tắt Luận văn Thạc sĩ Luật học: Pháp luật bảo vệ tài nguyên rừng - qua thực tiễn Quảng Bình
30 p | 85 | 5
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn