intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số giải pháp đẩy nhanh quá trình tự chủ trong giáo dục đại học công lập ở Việt Nam hiện nay

Chia sẻ: Quang Lê | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:14

41
lượt xem
4
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết này nhằm tìm hiểu một số kinh nghiệm trong tiến trình tự chủ trong giáo dục đại học ở một số quốc gia trên thế giới và một số cơ sở giáo dục đại học công lập trong nước đã tiến hành tự chủ trong thời gian qua, từ đó tác giả đưa ra một giải pháp để đẩy nhanh quá trình tự chủ trong giáo dục đại học công lập ở Việt Nam hiện nay.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số giải pháp đẩy nhanh quá trình tự chủ trong giáo dục đại học công lập ở Việt Nam hiện nay

  1. MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH QUÁ TRÌNH TỰ CHỦ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CÔNG LẬP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Chu Thị Thanh Tâm Trường Đại học Công Đoàn Tóm tắt: Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 và Nghị định số 99/2019/NÐ-CP (Nghị định 99) quy định cụ thể và góp phần tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động đổi mới giáo dục đại học những năm qua. Trong hoạt động đổi mới giáo dục đại học (GDĐH) có đề cập đến vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập (GDĐHCL), tiến tới quản trị và tự chủ đại học là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tiến hành thực hiện mô hình tự chủ trong GDĐH nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo. Ở Việt Nam, trong thời gian qua, một số cơ sở GDĐHCL đã thực hiện mô hình thí điểm tự chủ trong GDĐH bước đầu đưa lại nhiều kết quả tích cực. Bài viết này nhằm tìm hiểu một số kinh nghiệm trong tiến trình tự chủ trong giáo dục đại học ở một số quốc gia trên thế giới và một số cơ sở giáo dục đại học công lập trong nước đã tiến hành tự chủ trong thời gian qua, từ đó tác giả đưa ra một giải pháp để đẩy nhanh quá trình tự chủ trong giáo dục đại học công lập ở Việt Nam hiện nay. Từ khóa: Tự chủ trong giáo dục đại học, kinh nghiệm thế giới, giải pháp ở Việt Nam. 1. Đặt vấn đề Tự chủ đại học - vấn đề đã được nhiều nước trên thế giới đề cập đặc biệt là các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến luôn quan tâm. Tự chủ đại học là một tất yếu khách quan để đổi mới nền giáo dục và phát triển đất nước. Đối với Việt Nam, Đảng, Chính phủ đã ban hành nghị quyết, Nghị định và Luật giáo dục đại học sửa đổi liên quan đến vấn đề tự chủ tuy nhiên vẫn đang loay hoay. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, tự chủ là một thuộc tính cần thiết của đại học thế giới. Khi thực hiện nó, Việt Nam có nhiều khó khăn nhưng không còn cách nào khác là phải làm mạnh mẽ hơn nữa. Trong sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, Việt Nam không thể không đẩy nhanh, đẩy mạnh tự chủ đại học đồng nghĩa với không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và tự chủ là phát triển. 2. Tự chủ trong giáo dục đại học trên thế giới Hiện nay ở trên thế giới vấn đề tự chủ giáo dục đại học đã được thực hiện ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, do đặc thù và quan niệm từng quốc gia vấn đề tự chủ đại học được thực hiện theo mô hình riêng. Theo Báo cáo tổng quan về xu thế quản trị đại học trên thế giới của Ngân hàng Thế giới năm 2008, trên thế giới có bốn mô hình tự chủ đại học như: Nhà nước kiểm soát hoàn toàn, bán tự chủ, bán độc lập và mô hình độc lập. Nhưng các mô hình trên vẫn có sự kiểm soát của Nhà nước tùy theo cấp độ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nghiên cứu mô hình tự chủ đại học và kinh nghiệm của một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore để liên hệ tới quá trình đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam. 2.1. Tự chủ đại học và kinh nghiệm từ Mỹ 361
  2. Hoa Kỳ là quốc gia có nền giáo dục đại học chất lượng, và danh tiếng hàng đầu thế giới. Theo xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học năm 2019 của Tổ chức Quacquarelli Symonds có sự tham gia của 1.000 cơ sở giáo dục đại học ưu tú nhất toàn cầu, Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu với 11 trường nằm trong top 20, trong đó các vị trí từ 1 đến 4 đều thuộc các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ. Trong đó có Viện Công nghệ Massachuset đứng vị trí số 1 của bảng xếp hạng. Mô hình giáo dục đại học của Hoa Kỳ là mẫu điển hình cho nền giáo dục mở, đa dạng về loại hình và chất lượng cho nhiều quốc gia học tập trong đó có Việt Nam. Hệ thống giáo dục đại học của Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng nhiều của nền giáo dục châu Âu nhưng không bị ràng buộc bởi các khuôn phép của nền giáo dục kiểu châu Âu cũ, do đó đã chọn mô hình tự chủ đại học tuyệt đối. Khác với các nền giáo dục đại học ở nhiều nước Châu Á, các cơ sở giáo dục đại học Hoa kỳ không có hệ thống quản lý giáo dục quốc gia (trừ các học viện quân sự và các trường học dành cho người Mỹ bản địa), các cơ sở giáo dục đại học không chịu sự chỉ đạo, quản lý, ràng buộc của bất kỳ cơ quan trung ương nhưng lại gắn sự quản lý một phần của các tiểu bang. Các tiểu bang đầu tư một khoản kinh phí và cử đại diện tham gia Hội đồng quản trị. Bộ giáo dục quản lý hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và cung cấp các chương trình học bổng, tín dụng cho sinh viên của các cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định. Ở các cơ sở giáo dục đại học, Hội đồng quản trị cóa quyền lực tối cao, giám sát đảm bảo chất lượng, thông qua chủ trương liên quan đến chương trình đào tạo; tổ chức nhân sự; thiết lập cơ chế, chính sách giúp hoạt động tài chính sử dụng hiệu quả, đúng quy định. Hội đồng quản trị có 25 đến 30 người trong đó tỷ lệ thành viên ngoài trường (những người có danh tiếng, uy tín, thành công về một lĩnh vực nào đó) do tiểu bang đề cử chiếm 60 đến 70% còn lại do giảng viên bầu. Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học rất cao, một mặt các cơ sở này không bị chi phối bởi các thủ tục hành chính nặng nề, các cơ quan quản lý chính vì vậy nó đã tạo ra sự linh hoạt trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa khọc. Cơ chế tự chủ này đã tạo nên một môi trường cạnh tranh, bám sát nhu cầu của thị trường lao động, liên tục đổi mới, sáng tạo và khuyến khích nghiên cứu khoa học. Nguồn tài chính chủ yếu từ nghiên cứu, dịch vụ, đầu tư, học phí và tài trợ. Ở các cơ sở giáo dục đại học công lập thì hiến tặng là nguồn tài chính chủ yếu để đầu tư cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, cấp học bổng, giảm học phí cho sinh viên. 2.2. Tự chủ đại học và kinh nghiệm từ Nhật Bản Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền giáo dục hiện đại và phát triển so với các nước khu vực và trên thế giới. Năm 2004, Nhật Bản có 6 trường đại học lọt vào top 200 trường đại học hàng đầu của thế giới theo bảng xếp hạng QS là: The University of Tokyo, Kyoto University, Tokyo Institute of Technology, Osaka University, Tohoku University và Nagoya University, năm 2018 đã tăng lên thêm 3 trường vào top 200 đại học hàng đầu thế giới, là Hokkaido University, Kyushu University và Keio University. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều nhà khoa học nhận giải Nobel trong nhiều lĩnh vực. Trong vòng 15 năm (2000-2014) đã có 13 nhà khoa học người Nhật Bản được nhận giải Nobel trong các lĩnh vực, chỉ xếp sau Mỹ và Anh. Các trường đại học Nhật Bản vươn lên trong các bảng xếp hạng của thế giới: Kết quả đó có nguyên nhân do những chính sách phát triển hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng của Nhật Bản. Hệ thống giáo dục đại học ở Nhật Bản được đổi mới căn bản và mạnh mẽ từ năm 2004, 86 trường Quốc lập của Nhật Bản chuyển sang mô hình tự chủ, từ mô hình 362
  3. đại học quốc gia chuyển sang mô hình tập đoàn đại học quốc gia. Các cơ sở giáo dục đại học được công nhận như các tổng công ty, tập đoàn nhằm xây dựng và quản lý dựa trên các nguyên tắc độc lập, tự chủ (có quyền quyết định về các vấn đề nhân sự, ngân sách, tự quản lý theo trách nhiệm và có quyền tự định đoạt dưới sự lãnh đạo của chủ tịch trường), tự do sáng tạo để tăng cường các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Tổng công ty, tập đoàn đại học quốc gia được điều hành thông qua hệ thống Hội đồng quản trị, bao gồm chủ tịch và người được ủy thác trong đó có mời những người bên ngoài tham gia thành viên của Hội đồng trường và trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý. Mỗi trường đại học quốc gia có Chủ tịch trường và bộ máy điều hành. Mỗi trường thành lập 03 hội đồng gồm: Hội đồng quản trị là bộ phận cao nhất có quyền quyết định về tài chính do Chủ tịch trường đứng đầu; Hội đồng quản lý, điều hành có trách nhiệm quyết định các vấn đề về hành chính, điều hành hoạt động của trường; Hội đồng giáo dục và nghiên cứu thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến đào tạo và nghiên cứu. Chủ tịch trường là người có quyền ra quyết định cuối cùng dựa trên sự hỗ trợ của Hội đồng quản trị. Thực hiện tự chủ đại học ở Nhật Bản, các tập đoàn đại học quốc gia được tự chủ sử dụng kinh phí chi hoạt động thường xuyên, được tự quyết định mức học phí, được tự quyết định biên chế cán bộ, giảng viên, thành lập Khoa mới và mở chương trình đào tạo mới, thành lập hoặc xóa bỏ Trường và Viện thành viên. Tuy nhiên, các cơ sở này không được làm khi tự chủ là: chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô đào tạo các trường không được tự quyết định. Điểm khác biệt lớn nhất so với các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ ở nhiều nước hiện nay. Mặt khác, các cơ sở giáo dục tự chủ ở Nhật Bản vẫn cấp được cấp kinh phí chi thường xuyên của Nhà nước, nhưng hàng năm, ngân sách hỗ trợ hoạt động thường xuyên bị cắt giảm 1%, và tinh giản biên chế khoảng 1% mỗi năm. Từ khi có chính sách tự chủ đại học, các trường đại học quốc lập đã phát huy cao nhất sự năng động, sáng tạo và tính linh hoạt trong các hoạt động, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, thúc đẩy KHCN và kinh tế phát triển. Đồng thời giúp cho Nhà nước giảm được gánh nặng ngân sách. Những chính sách tự chủ đại học trên ở Nhật Bản là những kinh nghiệm quý để Việt Nam học tập, vận dụng một cách linh hoạt vào đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam theo mô hình tự chủ. 2.3. Tự chủ đại học và kinh nghiệm từ Hàn Quốc Hàn Quốc là quốc gia có sự phát triển nhanh chóng về phát triển khoa học công nghệ và có nhiều thành tựu to lớn trong giáo dục đại học. Thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX. Chính phủ Hàn Quốc thực hiện đổi mới giáo dục đại học nhưng cũng loay hoay để tìm ra mô hình cho đổi mới giáo dục đại học. Đến năm 1995, Hàn Quốc đã chính thức cải cách hoàn toàn cơ chế quản lý giáo dục xin cho để trao quyền tự chủ cho các trường đại học với những nội dung như: 1. Đa dạng hóa và chuyên sâu hóa hệ thống giáo dục ĐH 2. Đa dạng hóa các tiêu chí cho phép thành lập các trường ĐH tư thục. 3. Trao quyền tự chủ cho các trường quyết định chỉ tiêu tuyển sinh và quản lý trường. 4. Tạo hệ thống hỗ trợ đặc biệt cho nghiên cứu khoa học. 5. Gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá chất lượng của trường ĐHvới hỗ trợ tài chính từ Chính phủ.” Trong cải cách giáo dục đại học của Hàn Quốc nhằm đảm bảo trách 363
  4. nhiệm xã hội của các trường khi được giao quyền tự chủ có 2 cơ chế nổi là: một là gắn đánh giá chất lượng giáo dục (bằng một cơ quan kiểm định độc lập) với hỗ trợ tài chính từ chính phủ; hai là quy định rõ việc thành lập hội đồng trường và điều lệ trường nhằm giám sát hoạt động các trường. Qua phân tích quá trình đổi mới giáo dục ĐH của Hàn Quốc như trên, có thể rút ra một số điểm mấu chốt liên hệ tới quá trình đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay. 2.4. Tự chủ đại học và kinh nghiệm từ Singapore Singapore là một quốc đảo nhỏ bé nằm ở khu vực Đông Nam Á phát triển trên nhiều lĩnh vực trong đó giáo dục đào tạo. Trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu trên thế giới do Hệ thống tư vấn thị trường giáo dục Anh quốc công bố năm 2015, Singapore có 2 trường đại học: Đại học Quốc gia Singapore (NUS) xếp thứ 12 và trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU) xếp thứ 13. Sự phát triển của 2 trường đại học trên chứng tỏ Chính phủ Singapore rất quan tâm đổi mới chất lượng giáo dục đại học. Từ năm 2005, Chính phủ Singapore đã ban hành một loạt những sáng kiến mới về cơ chế quản lý sau khi tự chủ của các trường đại học ở Singapore với nội dung: sửa chữa pháp lệnh, chính phủ thông qua Khung thỏa thuận trách nhiệm đối với các trường đại học, xây dựng Hội đồng trường. Các trường đại học sau khi tiến hành tự chủ thông qua việc xây dựng cương lĩnh tổ chức và quy định hoạt động của mình, đăng ký tự chủ với hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn phi lợi nhuận, hoạt động theo khung pháp lý đối với công ty hay nói theo cách khác là hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Mặc dù hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhưng kinh phí hoạt động của các trường đại học tự chủ vẫn được chính phủ tài trợ 75% kinh phí, còn lại huy động kinh phí từ các nguồn xã hội khác. Về tổ chức hoạt động, Trong các trường đại học tự chủ, hội đồng trường trở thành bộ máy lãnh đạo cao nhất trong nhà trường. Hội đồng trường gồm hơn 20 nhà quản lý giỏi, là những người lãnh đạo cao nhất của nhà trường, các chuyên gia kinh tế, doanh nhân thành đạt. Hội đồng trường có nhiệm vụ: chỉ đạo vĩ mô lãnh đạo trường thực hiện đề án, chịu trách nhiệm chính và tự quyết định các hoạt động của nhà trường về tổ chức nhân sự, học thuật, tài chính. Dưới hội đồng trường có 8 ban chuyên trách giúp Hội đồng trường kiểm soát mọi tình hình nhà trường và tư vấn các quyết sách. Hiệu trưởng có quyền thực thi các quyết sách của Hội đồng trường, các chuyên gia có trách nhiệm tư vấn và cùng bàn bạc, thảo luận các vấn đề lớn của nhà trường. Hàng năm nhà trường phải có trách nhiệm báo cáo, công khai công bố tình hình hoạt động, phát triển của nhà trường theo sự giám sát của Bộ Giáo dục, các cơ quan ban ngành liên quan của chính phủ và sự giám sát của xã hội. Mặt khác để phát triển nhà trường, các trường nhanh nhạy với thời cuộc như: nắm bắt thị hiếu của xã hội thông qua đào tạo các ngành “hot”, các ngành có cơ hội tìm kiếm việc làm và thu nhập cao đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mặc dù các trường đại học ở Singapore được giao quyền tự chủ nhưng không có nghĩa là tự chủ hoàn toàn mà vẫn theo sự giám sát của Chính phủ. Để đảm bảo trong việc thu chi ngân sách, mục tiêu đào tạo phù hợp với chính sách của Nhà nước, có chất lượng đào tạo tốt nhằm đảm bảo định hướng đào tạo và chất lượng đào tạo của các trường, chính phủ Singapore giám sát chủ yếu dựa trên ba thỏa thuận sau: một là, thỏa thuận về chính sách: làm rõ phạm vi tự chủ của trường đại học và đưa ra qui định xử phạt nếu các trường vi phạm về chính sách; hai là, thỏa thuận về hiệu quả: do các trường tự vạch ra, Bộ giáo dục phê duyệt, chủ yếu nhằm xác định các chỉ tiêu phát triển chính trong các mục cụ thể như mục tiêu phát triển tổng thể, chất lượng đào tạo, 364
  5. nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội, phát triển nhân sự - phòng ban. tiêu đào tạo và quy hoạch. Ba là, hệ thống đảm bảo chất lượng: quy định thông qua đánh giá của bản thân nhà trường và đánh giá ngoài của Hội đồng đánh giá do Bộ Giáo dục chỉ định, đảm bảo nhà trường sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện mục tiêu phát triển. Mô hình giáo dục đại học tự chủ Singapore là những kinh nghiệm quý trong việc tự chủ đại học ở Việt Nam. Tóm lại, trên cơ sở nghiên cứu một số cơ sở giáo dục đại học tự chủ Mĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore cho thấy được các mô hình tự chủ đại học ở các quốc gia này. Mỗi mô hình tự chủ đại học có cơ chế khác nhau nhưng chủ yếu được chia làm bốn lĩnh vực: tổ chức, nhân sự, học thuật và tài chính. Đồng thời các mô hình này vẫn có sự kiểm soát của nhà nước tùy theo cấp độ. Nhờ có đổi mới theo mô hình tự chủ mà các cơ sở đại học của các quốc gia trên ngày càng phát triển về số lượng, chất lượng và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Và là cơ sở để Việt Nam đổi mới giáo dục đại học theo mô hình tự chủ. 3. Tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam Tự chủ đại học là xu hướng tất yếu để đổi mới giáo dục đại học và phát triển đất nước. Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của nhiều mô hình tự chủ ở các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến, Việt Nam đã và đang tiến hành thí điểm tự chủ đại học. Tự chủ đại học ở Việt Nam bắt đầu thí điểm từ năm 2004 nhưng chính thức thực hiện từ năm 2014, hiện nay có 23 trường thực hiện thí điểm. Trong bài viết này, tác giả ngiên cứu 3 trường đại học công lập thực hiện thí điểm và bước đầu có hiệu quả. Và cho thấy, cần đẩy nhanh, mạnh tự chủ đại học ở Việt Nam. 3.1. Đại học Tôn Đức Thắng được thành lập ngày 24/9/1997. Tiền thân là một trường đại học hoạt động theo mô hình dân lập, sau chuyển sang bán công và hiện nay là công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đặc thù từ lịch sử hình thành trường đã giúp cho trường Đại học Tôn Đức Thắng cơ chế hoạt động tự chủ ngay từ đầu đến nay. Mặc dù chuyển sang trường công lập nhưng vẫn giữ cơ chế tài chính như một trường ngoài công lập về mức thu học phí. Từ khi có Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, Nhà trường xây dựng Đề án Tự chủ đại học theo Nghị quyết đó. Ngày 19/01/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Thực tế cho thấy quyết định này là khẳng định về quyền tự chủ đã có của trường về nhân sự, tổ chức, học thuật và tài chính. Đại học Tôn Đức Thắng được tổ chức xếp hạng đại học (ARWU) xếp thứ 701-800 trên thế giới, tăng 200 bậc từ thứ 901-1000 năm 2019. Hiện tại, Đại học Tôn Đức Thắng xếp vị trí số 1 Việt Nam và thuộc top 800 đại học tốt nhất thế giới. Về tổ chức nhân sự, Trường có Hội đồng trường gồm 01 chủ tịch và 15 thành viên, có sự tham gia của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Nhà nước làm chủ tịch, thành viên hội đồng. Hiện nay, Nhà trường có 17 khoa, 67 nhóm nghiên cứu, 1400 giảng viên, kiêm chức và 23.792 sinh viên. Để có một nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy, tạo uy tín, thương hiệu, Nhà trường đã thu hút nhân lực giỏi, có nhiều chích sách, khuyến khích động viên cán bộ, giảng viên tham gia học tập, nâng cao trình độ, chuyên môn. Nhà trước tổ chức đưa người đi đào tạo nước ngoài, thúc ép viên chức phải học ngoại ngữ (tiếng Anh là chủ yếu). Nhà trường cấp tiền, thời gian cho giảng viên, viên chức đi học và quy định thời hạn từ 12 -24 365
  6. tháng phải đạt tiếng Anh với chuẩn TOEIC quốc tế 4 kỹ năng từ 600 điểm trở lên nhằm xây dựng môi trường tiếng Anh để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu theo chuẩn quốc tế. Về chuyên môn, học thuật: Trường đào tạo theo hướng đa ngành, đa nghề, với nhiều cấp, nhiều loại hình đào tạo và liên kết quốc tế tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu thị trường lao động. Tích cực mở rộng hoạt động đào tạo sau đại học và liên kết giáo dục, khoa học công nghệ với các đại học danh tiếng nước ngoài để vận dụng thế mạnh của các đại học đi trước, đại học đẳng cấp quốc tế cho sự phát triển của Trường. Trong nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thành lập Quỹ nghiên cứu khoa học hỗ trợ giảng viên làm nghiên cứu và công bố quốc tế. Nguồn tài trợ cho nghiên cứu khoa học là từ quỹ của trường và một số hợp đồng từ bên ngoài, hiện nay trường có 67 nhóm nghiên cứu với nhiều công trình công bố trên các tạp chí, hội thảo quốc tế uy tín trong nước và nước ngoài (tạp chí được công nhận chỉ số ISI, Scopus). Đồng thời, hàng năm Nhà trường và các Khoa tổ chức đều đặn các hội thảo quốc tế với kỷ yếu hội thảo được vào ISI hoặc Scopus. Với những nỗ lực trên, Trường đã vươn lên là một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam. Về tài chính, Trường hoạt động theo cơ chế tự chủ việc thu chi học phí. Đây cũng là nguồn thu chính. Chính sách học phí của trường cũng chia làm hai nhóm: cao và thấp hơn cho những ngành xã hội, kế toán. Đặc biệt có Trường Đại học Tôn Đức Thắng ngoài việc đảm bảo hoạt động chi thường xuyên cũng đã đảm bảo được hoạt động chi đầu tư (vay vốn kích cầu không lãi suất). Về cơ cấu thu chủ yếu là từ nguồn học phí và lệ phí chiếm 70% tổng thu so với thu từ ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên, không thường xuyên và vốn đầu tư cơ bản là 30%. Thu nhập của người lao động đã tăng lên rõ rệt so với thu nhập bình quân giai đoạn trước, hầu hết thu nhập của người lao động tại các trường ở giai đoạn sau khi tự chủ đều tăng từ 1,5 đến 2 lần so với giai đoạn chưa thực hiện tự chủ. Với những kết quả đạt được từ khi tự chủ đến nay, Nhà trường là một hình mẫu cho nhiều trường đại học Việt Nam học tập. Theo ông Bùi Quang Vinh Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định: “Chất lượng đào tạo của Đại học Tôn Đức Thắng và những cơ chế Đại học Tôn Đức Thắng thực hiện sẽ là những hình mẫu tốt cho sự phát triển của các trường đại học công lập tại Việt Nam trong thời gian tới học tập..." 2.2. Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 1976, là một trường đại học chuyên ngành kinh tế tại Việt Nam, được đánh giá là một trong 1000 trường đại học chuyên ngành kinh tế đứng đầu thế giới. Được xếp vào nhóm Đại học trọng điểm quốc gia. Đồng thời Trường cũng là trung tâm nghiên cứu các chính sách kinh tế và quản lý cho Chính phủ, và các doanh nghiệp lớn. Về tổ chức bộ máy và nhân sự, Trường có hội đồng trường gồm một số thành viên trong trường và 5 thành viên bên ngoài là lãnh đạo thành phố, vùng Tây Nam Bộ và các tập đoàn lớn. Trường có 15 đơn vị đào tạo, 14 đơn vị quản lý chức năng, 7 đơn vị quản lý và phục vụ đào tạo. Ngoài các đơn vị đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM còn có hai cơ sở nghiên cứu và đào tạo cao cấp tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu long và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và 4 trung tâm, chương trình đào tạo liên kết quốc tế. Ngoài ra, trường có 9 trung tâm nghiên cứu, dịch vụ khoa học - thông tin kinh tế và hai công ty TNHH một thành viên hoạt động trong lĩnh vực in và 366
  7. sách. Trường có chiến lược thu hút và ký kết hợp đồng làm việc với chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt trong lĩnh vực NCKH và đào tạo đang tiến tới quốc tế hóa trong các lĩnh vực hoạt động của trường. Các chương trình liên kết quốc tế của trường có rất nhiều chuyên gia, giảng viên nước ngoài có chuyên môn, phương pháp sư phạm tiên tiến, nghiên cứu hiện đại và có nhiều kinh nghiệm. Đây chính là lợi thế cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập của trường. Quy mô nhân sự khá lớn, có tổng số cán bộ công nhân viên khoảng 1.000 người, cán bộ viên chức khối phòng ban chiếm 30%, giảng viên có 13 giáo sư, 58 phó giáo sư, 206 tiến sỹ, 329 thạc sỹ và trên 100 cử nhân; Với quy mô trên 25.000 sinh viên các bậc đào tạo. Về chuyên môn, học thuật, Trường đào tạo bậc đại học theo hướng đa ngành, đa nghề với hai loại hình chính quy và vừa làm vừa học, đào tạo sau đại học theo loại hình không tập trung; lưu lượng sinh viên, học viên của trường hàng năm khoảng trên 35.000. Hoạt động nghiên cứu khoa học và dịch vụ của trường, có cơ chế khuyến khích công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí có uy tín như ISI, Scopus, ABS, ABCD. Về tài chính, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm tự chủ tài chính thì trường tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; được tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo Quyết định đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chủ trương đầu tư từ nguồn NSNN và tích lũy của Trường. Với quy mô về đào tạo hiện có, đã góp phần cho nguồn thu từ đào tạo chiếm trên 80% tổng nguồn thu của trường, còn lại thu từ hoạt động dịch vụ, đầu tư tài chính, lãi ngân hàng. Về chế độ chính sách đối với người học, trường có quỹ học bổng cho sinh viên do các doanh nghiệp tài trợ và trích lập từ nguồn thu của trường. Nhà trường đảm bảo được thu nhập cho cán bộ giảng viên và đã có những khoản dư nhất định. Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM Nguyễn Đông Phong khẳng định: "Tự chủ mang đến cho trường tôi nhiều đổi mới mà trong 42 năm công tác ở trường tôi chưa từng thấy". 2.3. Trường Đại học Kinh tế quốc dân được thành lập theo Nghị định số 678- TTg ngày 25 tháng 01 năm 1956 với tên gọi ban đầu là Trường Kinh tế Tài chính. Ngày 22 tháng 5 năm 1958, Thủ tướng Chính Phủ ra Nghị định số 252-TTg đổi tên trường thành Trường Đại học Kinh tế Tài chính trực thuộc Bộ Giáo dục. Tháng 01 năm 1965 Trường lại một lần nữa được đổi tên thành trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Sau nhiều lần đổi tên trường đến ngày 22 tháng 10 năm 1985, Bộ trưởng Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ra Quyết định số 1443/QĐ-KH đổi tên Trường thành trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Là một trong những trường đại học hàng đầu về đào tạo khối ngành kinh tế và quản lý tại Việt Nam. Đồng thời, trường còn là trung tâm nghiên cứu kinh tế chuyên sâu, tư vấn các chính sách vĩ mô cho Nhà nước Việt Nam, chuyển giao và tư vấn công nghệ quản lý và quản trị.chất lượng đẳng cấp khu vực và quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh và một số lĩnh vực mũi nhọn khác. Về tổ chức bộ máy, nhân sự: gồm Hội đồng trường (1 chủ tịch Hội đồng và 25 thành viên), Ban giám hiệu gồm 1 Hiệu trưởng, 3 Hiệu phó. Hiện nay, Trường ĐH Kinh tế quốc dân có 20 khoa, 11 viện đào tạo và nghiên cứu, 26 trung tâm dịch và 14 đơn vị phòng ban chức năng, với 940 giảng viên cơ hữu, hợp đồng dài hạn gồm 16 giáo sư, 132 phó giáo sư, 290 tiến sỹ và 457 thạc sỹ. Quy mô sinh viên của trường hiện có hơn 26.400 sinh viên hệ chính quy, tuyển sinh hệ chính quy trong ba năm qua ổn định với hơn 3.900 sinh viên/năm; cao học là 1.300 học viên và chương trình tiến sỹ là 150 nghiên cứu sinh. Trường luôn chú trọng phát triển đội ngũ nhân sự giỏi thông qua 367
  8. các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các nhà khoa học có uy tín, các cán bộ có bằng tiến sĩ nước ngoài, có khả năng dạy bằng tiếng Anh và có công bố quốc tế. Tạo điều kiện cử cán bộ giảng viên thâm nhập thực tiễn hoặc đi trao đổi nghiên cứu, giảng dạy ở các nước phát triển. Đồng thời thức đẩy, có chính sách hỗ trợ việc trao đổi giảng viên với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Trường xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, tạo sức thu hút và động lực làm việc sáng tạo của đội ngũ cán bộ giảng dạy. Tăng cường liên kết, thu hút giảng viên từ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, giảng viên có trình độ quốc tế đến làm việc tại Trường. Hàng năm đánh giá kết quả hoạt động theo các chỉ số kết quả hoạt động làm cơ sở cho chính sách trả lương, thưởng và khuyến khích. Tăng tính chuyên nghiệp và văn hóa phục vụ của đội ngũ viên chức hành chính. Trường cũng chú trọng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ để Trường trở thành nguồn cung cấp nhân lực lãnh đạo, quản lý cấp cao cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, tập đoàn, các cở sở nghiên cứu, đào tạo. Về chuyên môn, học thuật, Trường có nhiều cấp: đại học, sau đại học, chương trình tiên tiến, chất lượng cao và ngắn hạn với hai loại hình đào tạo chính quy và không tập trung. Thực hiện đổi mới cơ bản, toàn diện chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế. Tăng cường đào tạo bằng tiếng Anh. Tiên phong trong việc mở các ngành đào tạo và đưa vào chương trình đào tạo các môn học mới đáp ứng nhu cầu xã hội. Đổi mới mạnh mẽ công nghệ và phương thức đào tạo theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trên quan điểm lấy người học làm trung tâm. Gắn kết chặt chẽ đào tạo với thế giới việc làm, tăng hàm lượng thực tiễn trong quá trình đào tạo. Công nhận văn bằng, tín chỉ, liên thông với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế. Từng bước mở rộng lĩnh vực đào tạo. Trong nghiên cứu khoa học, phát triển nghiên cứu khoa học theo cả hai hướng hàn lâm và ứng dụng. Các nghiên cứu hàn lâm chủ yếu phục vụ đăng tải quốc tế trong khi các nghiên cứu ứng dụng chủ yếu hướng tới nhu cầu tư vấn và giải quyết các vấn đề thực tiễn trong nước và khu vực. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu. Đa dạng hóa các nguồn lực cho nghiên cứu khoa học. Tăng mạnh số công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus. Phát triển những nhóm nghiên cứu mạnh với hạt nhân là các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, có khả năng dẫn dắt các xu hướng nghiên cứu mới. Tăng cường gắn kết nghiên cứu với đào tạo và thực tiễn. Có cơ chế khuyến khích đưa các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy một cách nhanh chóng. Ưu tiên thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức. Tăng cường phát triển hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học. Về tài chính, tích cực mở rộng và đa dạng hóa nguồn thu. Nguồn thu phần lớn nhờ vào mở rộng quy mô và đa dạng hóa các hình thức đào tạo phi chính quy, thu hoạt động dịch vụ, sau này tăng nguồn thu từ các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, liên kết quốc tế, mở rộng nhiều hình thức đào tạo khác, khai thác cơ sở vật chất, khai thác các nguồn tài trợ. Tận dụng các nguồn ngân sách thông qua các nhiệm vụ đấu thầu cạnh tranh. Cơ cấu nguồn thu từ NCKH và kết quả hoạt động khoa học. Trường có đủ năng lực để chuyển qua tự chủ tài chính trên một số mặt như đảm bảo cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ giảng viên tương đối mạnh, có các ngành học đang có nhu cầu thị trường và xã hội. Quá trình thực hiện thí điểm tự chủ tài chính đã cho trường được quyền tự chủ về tuyển sinh, chủ động trong liên kết đào tạo, mở ngành, đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng nguồn thu từ học phí để tự bảo đảm chi thường xuyên, cải 368
  9. thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ công nhân viên. Đầu tư có trọng điểm vào những chương trình, hoạt động mang lại uy tín, vị thế và nguồn thu cho Nhà trường. Cơ chế quản lý tài chính minh bạch công khai. Từng bước tăng cường cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị theo mô hình phát triển của Nhà trường. Đảm bảo cho các đơn vị có đủ nguồn lực để phát huy tính sáng tạo, chủ động thực hiện chiến lược phát triển chung của Nhà trường. Tóm lại, trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu một số cơ sở tự chủ đại học trong nước cho thấy, khi được tự chủ, các Trường sẽ thuận lợi hơn trong việc đưa ra các chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ giảng viên nghiên cứu, giảng dạy, làm việc hiệu quả; đa dạng hóa các nguồn thu, chế độ đãi ngộ với cán bộ giảng viên thỏa đáng; chủ động trong thu, chi theo hướng minh bạch, công khai; mở rộng đào tạo các cấp, các loại hình không ngừng thu hút người học từ khắc nơi trong và ngoài nước, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhà trường. Qua đó là cơ sở để các cơ sở giáo dục đại học khắp cả nước học tập và thúc đẩy nhanh, mạnh theo hướng tự chủ. 3. Quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam Tự chủ đại học là một chính sách lớn của Đảng và Chính phủ. Để phát triển nguồn lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xã hộị, giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước đồng thời tăng tính độc lập, chủ động, năng động, sáng tạo ở các cơ sở giáo dục đại học, Đảng, Chính phủ, Bộ, các cơ quan chủ quản đã ra nhiều nghị quyết, nghị định, luật Giáo dục… về đổi mới nền giáo dục nước nhà trong đó có đề cập đến tự chủ đại học. Với các chủ trương, chính sách này từng bước tháo gỡ những rào cản phát triển của các cơ sở giáo dục đại học và từng bước thúc đẩy các trường đại học tự chủ. Trước hết, Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ có đề cập vấn đề quyền tự chủ đại học đã được Chính phủ đề cập một cách chính thức trong điều lệ trường đại học ban hành, theo tại điều 10 của điều lệ có ghi nhận: “Trường đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học, công nghệ, tài chính, quan hệ quốc tế, tổ chức và nhân sự”. Sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Nghị quyết đã khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học, theo đó đổi mới cơ chế quản lý cần chuyển các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính. Tiếp theo, Luật Giáo dục đại học 2012 ra đời và có hiệu lực ngày 1-1-2023 tiếp tục khẳng định quyền tự chủ đại học như là một trong ba nội dung trọng tâm của luật. Theo đó, quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học được quy định tại Điều 32 của Luật Giáo dục Đại học 2012, cụ thể: “Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong các hoạt động chủ yếu thuộc các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Cở sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ ở mức độ cao hơn phù hợp với năng lực, kết quả xếp hạng và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục”. 369
  10. Tiếp đến, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng, khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Đây là quan điểm được đặt ở vị trí đầu tiên trong 7 quan điểm về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), thể hiện tinh thần nhất quán của Đảng ta là xác định GD&ĐT không chỉ là quốc sách hàng đầu, mà còn là một trong những kế sách được ưu tiên đi trước tạo tiền đề, động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Trong Nghị quyết 29 BCH Trung ương ngày 4-11-2013 có chủ trương về tự chủ đại học: “Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường”. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24-10-2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017 trong đó có quy định nếu trường công lập cam kết tự đảm bảo kinh phí thường xuyên và chi đầu tư được tự chủ cơ cấu bộ máy, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ đơn vị trực thuộc; quyết định số lượng nhân viên, công tác mở ngành; quyết định mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh; in bằng, liên kết đào tạo trong và ngoài nước; quyết định mức học phí, thu sự nghiệp, chi thường xuyên, chi đầu tư. Nghị quyết trên, một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh chủ trương về tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay. Tiếp theo đó là Nghị định số 16/2015/NĐ- CP ngày 14/2/2015 quy định đầy đủ về tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành. Nghị quyết 05 BCH Trung ương ngày 1-11-2016 tiếp tục chủ trương: “Tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập…” Nghị quyết 89 của Chính phủ ngày 10-10-2016 khẳng định: “Chính phủ thống nhất chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH gắn với nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Theo đó, các trường ĐH được giao quyền tự chủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình”. Nghị quyết 19 BCH Trung ương ngày 25-10-2017 nhận định: “Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục đại học”. Nghị quyết 08 của Chính phủ ngày 24-1-2018 tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao. Luật 34/2018/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 19-11-2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018) đã mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (ĐH) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 sẽ "cởi trói" và giao quyền tự chủ cho các trường đến mức nào, nhận được những câu trả lời hào hứng lẫn băn khoăn từ chính các trường ĐH. Ngày 17.7.2019, ngay sau khi Luật giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các hội nghị chuẩn bị và hội nghị triển khai luật, chủ yếu để hướng dẫn triển khai thực hiện tự chủ đại học trong toàn hệ thống. 370
  11. Cuối cùng là Nghị định 99/2019/NĐ-CP ban hành ngày 30-12-2019 gồm 20 điều có quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học trong đó quy định rõ về tự chủ trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính tài sản... đồng thời hướng dẫn thi hành những nội dung chính căn bản các nhóm vấn đề: Hệ thống cơ sở GDÐH; chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở GDÐH; liên kết các trường đại học thành đại học; công nhận cơ sở GDÐH định hướng nghiên cứu; quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình… Nghị định này hiện đang được áp dụng triển khai thực hiện trong toàn hệ thống giáo dục đại học nhằm khắc phục những vấn đề còn bất cập, đồng thời đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống giáo dục Việt Nam. Những chủ trương, chính sách trên là cơ sở pháp lý để các cơ sở GDÐH đặc biệt các cơ sở GDÐH công lập Việt Nam căn cứ để thực hiện đẩy nhanh, mạnh quá trình tự chủ đại học nghiêm túc, hiệu quả. 5. Một số giải pháp đẩy nhanh quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học công lập Từ những nghiên cứu về 4 mô hình tự chủ đại học trên thế giới, 3 cơ sở giáo dục tự chủ đại học tại Việt Nam đồng thời tìm hiểu những chủ trương, sách sách của Đảng, Chính phủ về tự chủ đại học, cho thấy tự chủ đại học là xu thế phát triển tất yếu của nền giáo dục và hưng thịnh của mỗi quốc gia trong đó có Việt Nam. Trong nội dung bài viết, tác giả xin đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm đẩy nhanh tự chủ tại các cơ sở GDĐH công lập như sau: Thứ nhất, cần điều chỉnh hợp lý về về thể chế (chính sách, pháp luật). Tập trung sửa đổi Luật Giáo dục và Luật GDĐH, từ đó rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật giáo dục đại học sửa đổi có liên quan để tạo điều kiện thực hiện tự chủ đại học. Ngoài việc khắc phục những bất cập, mâu thuẫn đã nêu ở phần trên, cần luật hóa nội dung quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, theo đó sẽ có quy định về điều kiện, cách thức thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện tự chủ; làm rõ trách nhiệm giải trình của các trường, phân biệt trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận và không vì mục đích lợi nhuận để các trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực của Nhà nước. Tự chủ tạo điều kiện cho các trường đại học chủ động trong tổ chức bộ máy nhân sự, học thuật, đào tạo, nghiên cứu và tài chính. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn cần giữ vai trò quản lý chất lượng đào tạo, giám sát thu chi của các trường và phân bổ nguồn ngân sách nhà nước hợp lý. Nhà nước cần phải thay đổi phương thức quản lý các trường đại học bằng cách tập trung vào đánh giá kết quả hoạt động và không can thiệp quá sâu vào các công việc nội bộ của trường. Nâng cao quyền chủ động của mỗi trường, đồng thời quy định rõ trách nhiệm, bảo đảm xử lý nghiêm minh các vi phạm. Trao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và kiểm định chất lượng độc lập theo chuẩn quốc gia và quốc tế để bảo đảm lợi ích của người học, xã hội và phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tê. Thứ hai, về tổ chức - nhân sự, theo xu hướng thế giới, các cơ sở giáo dục đại học công lập được công nhận như các doanh nghiệp (có chủ tịch và hội đồng quản trị) trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao tính độc lập, tự chủ để tăng cường các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục đại học chuyển sang cơ chế tự chủ cần tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, chỉ chịu sự quản lý 371
  12. Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự lãnh đạo từ hội đồng trường. Sửa đổi, bổ sung thêm quy định về hội đồng trường, nghiên cứu, giải quyết mối quan hệ giữa hội đồng trường (hội đồng quản trị) với tổ chức, cá nhân có liên quan, trước hết là với Đảng ủy ở trường công lập để hội đồng có đủ năng lực và thực quyền quyết định các vấn đề của nhà trường. Hội đồng trường trở thành bộ máy lãnh đạo cao nhất trong nhà trường và sự cần thiết phải đa dạng thành phần hội đồng trường. Hội đồng trường gồm những nhà quản lý giỏi, những người lãnh đạo cao nhất của nhà trường, đại diện sinh viên, nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, doanh nhân thành đạt... càng đa dạng độ tuổi, học vấn càng tốt. Thành viên ngoài trường nhiều hơn thành phần bên trong trường và đại diện cho những tiếng nói khác nhau để tạo ra cơ chế giám sát hợp lý, hạn chế việc lạm quyền và nâng cao trách nhiệm cá nhân của người quản lý, làm cho nhà trường gắn bó với lợi ích và nhu cầu của xã hội. Hội đồng trường chỉ ra quyết định trong cuộc họp, ra quyết định tập thể, ra nghị quyết về mục tiêu, phương hướng, kế hoạch phát triển, quy chế tổ chức hoạt động, các vấn đề tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản… Đồng thời có cơ chế giám sát của hội đồng trường. Thứ ba, về chuyên môn, học thuật, để nâng cao chất lượng đầu vào, phân loại thí sinh, các trường tự quyết định việc tuyển sinh của mình. Các trường chủ động mở đa dạng các ngành, lĩnh vực, các loại hình đào tạo phù hợp với đặc điểm của trường, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và xã hội. Xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, trang bị thêm các kỹ năng mềm bên cạnh chuyên môn, chú trọng chuẩn ngoại ngữ trước mắt ngang hàng với yêu cầu của các trường đại học hàng đầu trong khu vực; gắn kết chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động (doanh nghiệp, cơ quan tuyển dụng, các trung tâm giao dịch việc làm…); thực hiện sàng lọc mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo. Tăng cường học hỏi, liên kết với nhiều trường đại học trên thế giới. Có cơ chế thu hút nhân tài, những người có trình độ, được đào tạo từ nước ngoài, từ các đơn vị, cơ quan khác về làm việc tại trường. Khuyến khích cán bộ giảng viên nâng cao trình độ, học ngoại ngữ, giảng bằng ngoại ngữ. Đầu tư nghiên cứu khoa học theo hai hướng hàn lâm và ứng dụng. Thành lập quỹ nghiên cứu khoa học hỗ trợ với những cán bộ, giảng viên tích cực nghiên cứu và có các công trình công bố quốc tế trên các tạp chí, hội thảo có kỷ yếu thuộc danh mục ISI và Scopus Thứ tư, về tài chính, trên cơ sở tổng kết quá trình thí điểm thực hiện tự chủ đại học trong đó có thí điểm tự chủ về tài chính, cần sửa đổi bổ sung quy định về tự kiểm tra tài chính, kế toán phù hợp với các đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Bổ sung quy định về đầu tư đối với các cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện tự chủ ở các mực độ khác nhau thay vì đầu tư các bằng bình quân trong các cơ sở giáo dục đại học. Các trường có quyền tự chủ trong quyết định các nguồn thu và mức chi theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Tích cực, chủ động khai thác, tìm kiếm, thu hút nguồn tài chính, đa dạng hóa các nguồn thu (nghiên cứu, dịch vụ, đầu tư, học phí, tài trợ và hiến tặng), cách thức sử dụng các nguồn tài chính và tài sản hiện có, đầu tư cho tài sản tương lai, cân đối thu và chi nhằm đảm bảo hệ thống tài chính công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật. Xây dựng các quỹ như quỹ học bổng, vay vốn… để sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với các quỹ đó. 6. Kết luận Tự chủ đại học ở các quốc gia khác nhau sẽ có mức độ và cách thức thực hiện khác nhau phụ thuộc vào chủ trương, chính sách, pháp luật, kinh tế, văn hóa tuy nhiên tự chủ đại học là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học do các trường đào tạo. Vì vậy, nghiên cứu mô hình tự chủ đại 372
  13. học của các quốc gia trên thế giới, các cơ sở giáo dục tự chủ đại học trong nước đồng thời nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và căn cứ vào các nhóm giải pháp trên đây để các cơ sở giáo dục đại học công lập tiến hành và đẩy nhanh tự chủ đại học trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, phục vụ công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30 tháng 7 năm 2003 về việc ban hành “Điều lệ trường đại học”. 2. Luật Giáo dục, số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 3. Luật Giáo dục đại học, số 08/2013/QH12 ngày 18/6/2012 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 4. Luật Đầu tư công, số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 5. Luật Ngân sách Nhà nước, số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 6. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện Giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. 6. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 04/11/2013 tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 7. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24-10-2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. 8. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. 9. Các nghị quyết, nghị định của Trung ương, Chính phủ như: Nghị quyết 05 BCH Trung ương ngày 1-11-2016, Nghị quyết 89 của Chính phủ ngày 10-10-2016, Nghị quyết 19 BCH Trung ương ngày 25-10-2017, Nghị quyết 08 của Chính phủ ngày 24-1-2018, Nghị quyết 05 BCH Trung ương ngày 1-11-2016, Nghị quyết 89 của Chính phủ ngày 10-10-2016, Nghị quyết 19 BCH Trung ương ngày 25-10- 2017 đề cập tiếp tục và đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học. 10. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2017. 11. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Báo cáo kết quả đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2015 - 2017. 12. Nghị quyết 08 của Chính phủ ngày 24-1-2018 về đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa, trước hết là các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở y tế, tổ chức khoa học và công nghệ ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao. 373
  14. 13. Luật 34/2018/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 19-11-2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 14. Nghị định 99/2019/NĐ-CP ban hành ngày 30-12-2019 gồm 20 điều có quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. 15. “ARWU World University Rankings 2020”. Truy cập 27 tháng 8 năm 2020. 16. Fielden J. (2008), Global Trends in University Governance, Education Working Paper Series, No.9, World Bank, Washington D.C. 17. “THE WORLD'S TOP 1000 BUSINESS SCHOOLS” truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2020. 18. Website: Giaoduc.net.vn, dantri.com.vn, home.hiroshima-u.ac.jp, laodongthudo.vn, moet.gov.vn, nghiencuuquocte.org, neu.edu.vn, tapchicongthuong.vn, tapchitaichinh.vn, tcnn.vn, tdtu.edu.vn, tiasang.com.vn, tuoitre.vn, ueh.edu.vn. 374
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
10=>1