intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất ở Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

21
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết "Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất ở Việt Nam" đề cập đến thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam; đồng thời đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong tình hình mới, hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất với phương châm “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Mời các bạn cùng tham khảo!

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất ở Việt Nam

  1. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC HƯỚNG TỚI MỘT NỀN GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THỰC CHẤT Ở VIỆT NAM TS. Lê Sỹ Điền1 Tóm tắt: Sau 35 năm đổi mới, được sự quan của Đảng và Nhà nước, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều thay đổi, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, giáo dục đại học Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cũng như đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hạn chế của giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay là: hiệu quả hoạt động giáo dục đại học chưa cao; đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường đại học còn thiếu thốn; chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa, chưa được công nhận trên phạm vi quốc tế; công tác quản lý giáo dục đại học còn kém hiệu quả... Bài viết này, chúng tôi đề cập đến thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam; đồng thời đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong tình hình mới, hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất với phương châm “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Từ khóa: Chất lượng giáo dục; giáo dục đại học; giáo dục thực chất; giải pháp; “học thật, thi thật, nhân tài thật” . 1. MỞ ĐẦU Xác định tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương đã xác định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội” [2]. Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề nổi cộm và là “chỗ nghẽn” lớn nhất trong phát triển xã hội là giáo dục. Chính vì vậy, vấn đề đổi mới toàn diện giáo dục chưa bao giờ lại đòi hỏi diễn ra mạnh mẽ và cấp thiết đến thế. Nói như Giáo sư Hoàng Tụy: “Giáo dục và giáo dục, không có gì quan trọng hơn. Và vì vậy cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh cuộc sống. Càng chần chừ, càng trì hoãn càng trả giá đắt, và không loại trừ đến một lúc nào đó sẽ là quá trễ như đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới” [11]. Trong một thế giới toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão thì giáo dục đại học là một trong những thách thức lớn nhất với nền giáo dục nước ta hiện nay. Xây dựng một nền giáo dục đại học tiên tiến tất yếu phải hướng theo các chuẩn mực quốc tế trong mọi lĩnh vực. Mặc dù trải qua thời gian dài xây dựng nhưng nền giáo dục đại học của nước ta vẫn còn rất nhiều vấn đề đòi hỏi phải thay đổi Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương. 1
  2. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 569 tận gốc, từ chiến lược phát triển cho đến cách thức thực hiện chiến lược. Nếu không quyết tâm đổi mới thì “giáo dục đại học sẽ không đủ sức cạnh tranh, bản sắc văn hóa dân tộc và những giá trị văn hóa truyền thống sẽ bị phai nhạt, tình trạng thất thoát chất xám ngày càng trầm trọng, quyền lợi người học sẽ bị xâm hại, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước phát triển sẽ ngày càng gia tăng” [9, tr.72]. Điều đó gây lãng phí lớn và khó hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất với phương châm: “học thật, thi thật, nhân tài thật”. 2. NỘI DUNG 2.1. Thế nào là một nền giáo dục thực chất? Trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 06/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu đối với ngành giáo dục trong thời gian sắp tới phải hướng đến một nền giáo dục “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Vậy thực chất của nền một nền giáo dục với phương châm “học thật, thi thật, nhân tài thật” là như thế nào? Theo Từ điển Tiếng Việt, “thực chất là cái sự thật bên trong của sự vật, hiện tượng; nội dung chủ yếu, cơ bản nhất” [12, tr.973]. Đề cập đến một nền giáo dục thực chất là bàn tới vấn đề thực học trong việc học thật, thi thật của nền giáo dục. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thì thực học có nghĩa là “nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất; giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học” [5]. Vào ngày 31/7/2006, tại Hội nghị toàn quốc của ngành Giáo dục, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã phát động Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” với mong muốn chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, sau 15 năm thực hiện, nhìn lại chặng đường đã qua của cuộc vận động, dường như nền giáo dục đã quay lại thời điểm trước đó, khi các vấn đề trong thi cử và “sức nặng thành tích” vẫn “đè nặng lên đôi vai” của giáo dục. Tiêu biểu là những vụ việc liên quan đến gian lận thi cử trong kì thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang với hơn 200 thí sinh và hàng chục quan chức của các địa phương vướng vào vụ tiêu cực. Mới đây nhất, năm 2020 là vụ Trường Đại học Đông Đô cấp hàng trăm bằng giả ngành Ngôn ngữ Anh nhằm thu lợi bất chính. Phải khẳng định rằng, chính bệnh thành tích với tâm lí sính chuộng hình thức đã sản sinh ra một nền giáo dục hình thức. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc học và thi cử hiện nay: “Thực tế còn nhiều người nhiều nơi học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng. Có người nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc thì không làm được...” [5].
  3. 570 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Nền giáo dục ấy chưa hề thực chất, chưa hề trung thực, chính điều đó đã nảy sinh rất nhiều hệ lụy cho xã hội, như: tệ tham nhũng, tệ sính bằng cấp; hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học mà không xin được việc; các công trình xây dựng tốn kém, lãng phí tiền của nhà nước mà không hiệu quả... Tất nhiên, nói như thế không phải đánh đồng toàn bộ nền giáo dục hiện nay là “hư rỗng”. Không thể phủ nhận những thành tựu đáng kể mà nền giáo dục đã làm được trong thời gian qua, và cũng không thể phủ nhận được việc vẫn có số đông, rất đông những cá nhân, tập thể đang nỗ lực, cố gắng dạy thật, học thật, thi thật, năng lực thật. Họ thực sự tâm huyết và mong mỏi vào những đổi thay sắp tới của giáo dục. Hướng tới một nền giáo dục thực chất là hướng tới một nền giáo dục trước tiên phải trung thực, bởi trung thực là nền móng vững chắc để công cuộc cải tổ, chấn hưng giáo dục được thực hiện một cách khả thi, hiệu quả. Điều đó sẽ tạo cú “hích” để giáo dục và đất nước chúng ta phát triển nhanh chóng và bền vững. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: “để học thật trước hết là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, không “ngồi nhầm lớp”, luận án không chất lượng thì không cho qua...” [5]. Từ những quan điểm đã trình bày ở trên, theo chúng tôi, một nền giáo dục thực chất trước hết là một nền giáo dục trung thực, không chấp nhận các hoạt động, hành động gian lận, lừa dối tồn tại trong các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục. Nền giáo dục đó phải nói không với bệnh thành tích; phải chấp nhận dạy thật, học thật, thi thật tức là dạy cho người học tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức cần thiết nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng, có năng lực thích ứng với công việc, nghề nghiệp trong tương lai, góp phần hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu thực hiện được những điều đó, sẽ tạo nên những bước phát triển mới như một quá trình tự nhiên tất yếu, phá vỡ các vòng tiêu cực luẩn quẩn của giáo dục đang tồn tại hiện nay, đưa giáo dục nước nhà phát triển lành mạnh, bền vững, từng bước hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 2.2. Thực trạng chất lượng giáo dục đại học Việt Nam Trong bức tranh toàn cảnh của giáo dục Việt Nam, giáo dục đại học luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, bởi đây là bậc học đào tạo trực tiếp ra sản phẩm lao động cho đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xét về khía cạnh chất lượng, tuy đã có những bước phát triển, đạt được một số thành tựu nhưng so với chất lượng giáo dục của các trường đại học trong khu vực và trên thế giới thì chất lượng giáo dục đại học Việt Nam được xem là có sự tụt hậu lớn. Theo thống kê của TS. Lê Đông Phương,
  4. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 571 Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, “số đại học vào top 1.000 của ba bảng xếp hạng uy tín Webometrics, QS và THE do Ngân hàng thế giới thực hiện năm 2020, Việt Nam đứng cuối cùng, sau cả Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan” [4]. Những nội dung mà chúng tôi trình bày dưới đây sẽ góp phần làm rõ hơn thực trạng chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam. Thứ nhất, nội dung, chương trình, giáo trình chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa. Hiện nay “sức ỳ” của nhiều năm đào tạo theo “hướng cung” với những chương trình đào tạo cứng, cũ là lực cản đối với sự phát triển của giáo dục đại học. Chương trình và giáo trình giảng dạy chưa được tiêu chuẩn hóa, chưa tạo được sự liên thông giữa các chuẩn mực giáo dục đại học trong nước và giáo dục thế giới vì có sự khác biệt về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước. Điều này dẫn đến việc bằng cấp của nước ta cũng chưa được thế giới công nhận về mặt chất lượng, hệ quả là sinh viên khó tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu với các trường đại học trên thế giới hoặc chuyển ngang sang học tiếp tại các trường đại học quốc tế. Thực tế cho thấy sinh viên Việt Nam còn tụt hậu rất xa ở năng lực ngoại ngữ, tin học, trình độ chuyên môn... Những kĩ năng xử lí tình huống, làm việc nhóm, thích nghi với khoa học công nghệ, môi trường làm việc... của sinh viên Việt Nam cũng kém xa so với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, “trong số khoảng 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng hàng năm, chỉ 50% kiếm được việc làm và trong số này cũng chỉ có 30% làm đúng ngành nghề được đào tạo” [8, tr.77]. Thứ hai, đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, chưa cao về chất lượng. Những năm qua, đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học đã có sự phát triển cả về chất và lượng, tuy nhiên vẫn còn một số những bất cập sau: - Về số lượng giảng viên trong các trường đại học: Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2019-2020, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có 237 trường đại học, học viện, 37 viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, 31 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm [7]. Cũng theo số liệu năm 2019, cả nước hiện có 74.991 giảng viên, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 20.198, thạc sĩ 44.634. Quy mô đào tạo tiến sĩ là 14.686, thạc sĩ là 106.567, sinh viên đại học là 1.707.025. Như vậy, số sinh viên trên một giảng viên trung bình là gần 23. Trong khi đó, các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến thường có tỷ lệ 15-20 sinh viên/1 giảng viên. Với con số trung bình 23 sinh viên/1 giảng viên thì hiện nay giáo dục đại học nước ta thiếu khoảng 40.000 đến 50.000 giảng viên. - Về chất lượng đội ngũ giảng viên: Hiện nay chất lượng đội ngũ giảng viên đang từng bước được nâng cao, tuy nhiên, nhìn vào số lượng giảng viên có trình độ
  5. 572 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP tiến sĩ trong các cơ sở giáo dục đại học, tỉ lệ tiến sĩ/ giảng viên trung bình ở nước ta mới đạt 12,42%, trong khi ở các cơ sở giáo dục trên thế giới, tỉ lệ này là khoảng 70%. Mặt khác trình độ ngoại ngữ, tin học của giảng viên trong các trường đại học cũng chưa đáp ứng được với yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Không những thế, thành tích nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên còn rất hạn chế. Thứ ba, hoạt động nghiên cứu khoa học chưa thật sự nổi bật. Theo số liệu thống kê được công bố năm 2019, trong 10 năm qua, số lượng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam tăng gấp 7 lần, từ 1.764 bài năm 2009 lên 12.431 bài vào năm 2019. Mặc dù có sự gia tăng trong công bố quốc tế nhưng nhìn vào thực tế hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, có thể thấy chất lượng nghiên cứu khoa học luôn được đánh giá ở mức thấp do thiếu các nghiên cứu chất lượng đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và đặc biệt trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus. Thực tế ở các trường đại học, nhiều giảng viên chỉ biết thực hiện nhiệm vụ giảng dạy còn nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ xa lạ, quá tầm so với khả năng của họ, có chăng làm nghiên cứu khoa học chỉ để đối phó hoặc để tính giờ giảng dạy... Do đó, chất lượng nghiên cứu khoa học không cao, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu tại cơ sở giáo dục đại học. Thứ tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường còn thiếu thốn, lạc hậu. Nhìn vào thực tế hiện nay, có thể nói cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục đại học còn rất thiếu thốn, lạc hậu. Rất nhiều cơ sở giáo dục đại học thiếu quỹ đất để xây dựng, mở rộng nhà trường. Tình trạng thiếu các phòng thí nghiệm, thực hành, nghiên cứu... ở mức trầm trọng, chưa đáp ứng yêu cầu của giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Không những thế, thư viện của nhiều cơ sở giáo dục đại học còn chậm đổi mới việc áp dụng thành tựu công nghệ số trong quản lí, điều hành để trở thành các thư viện điện tử tạo thuận lợi cho việc tra cứu tài liệu, thông tin đối với người học. Việc lắp ráp, sử dụng các trang thiết bị công nghệ cao phục vụ quá trình đào tạo, nghiên cứu, trao đổi, hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước của các cơ sở giáo dục đại học mặc dù đã được chú trọng nhưng chưa tương xứng với đà phát triển của công nghệ số hiện nay. Thứ năm, công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Thể chế quản lý nhà nước chưa hoàn thiện khung pháp lí phân cấp quản lí đối với các cơ sở giáo dục đại học. Bên cạnh đó, công tác quản lí mới tập trung vào các vấn đề quản lí hành chính mà thiếu sự đồng bộ, hệ thống trong việc đổi mới
  6. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 573 thể chế quản lí nhà nước về giáo dục đại học. Việc hoạch định và thực thi chiến lược phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam còn hạn chế khi chính sách phát triển giáo dục đại học đã đặt ra mục tiêu cụ thể nhưng chưa thể hiện được hiệu quả; bộ máy quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học còn phân tán, đồng thời, còn có sự chồng chéo giữa chức năng quản lí nhà nước và chức năng cung ứng dịch vụ công. Hiện nay, công tác quản lý giáo dục đại học đang có sự phân mảnh, chưa thống nhất, không có hệ thống thông tin kết nối đồng bộ khiến công tác quản lý đại học gặp nhiều khó khăn. * Nguyên nhân của những hạn chế trong chất lượng giáo dục đại học Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới những bất cập, hạn chế, yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam trong suốt thời gian qua nhưng nguyên nhân chính là sự buông lỏng trong quản lý nhà nước về giáo dục đại học và sự yếu kém trong quản lý bản thân các trường đại học. Tình trạng gian dối, không trung thực, tranh tối tranh sáng chạy theo số lượng, chủ trương “phát triển kinh tế” thông qua giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học đã và đang làm suy giảm đáng kể chất lượng giáo dục đại học. Bên cạnh đó, sức ép về bệnh thành tích vẫn chưa thuyên giảm trong khi xã hội chưa giám sát đầy đủ, chưa có biện pháp xử lý và chấn chỉnh kịp thời. Các hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục hoạt động chưa thật sự hiệu quả dẫn tới nhiều vi phạm có tính hệ thống tại các cơ sở giáo dục đại học... Những nguyên nhân đó làm cho chất lượng giáo dục đại học của nước ta rất thấp, ngày càng lạc hậu, tụt xa so với các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. 2.3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất với phương châm “học thật, thi thật, nhân tài thật” Hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội, toàn hệ thống giáo dục từ trung ương, địa phương đến các cơ sở giáo dục đại học. Giáo dục đại học Việt Nam muốn hướng đến những mục tiêu tốt đẹp đó, trước tiên cần phải triển khai đồng bộ, hệ thống các giải pháp sau: Thứ nhất, xây dựng triết lý giáo dục cho giáo dục đại học Việt Nam. Giáo dục Việt Nam cần xây dựng triết lí giáo dục, hướng tới một nền giáo dục hiện đại, phù hợp với bản sắc văn hóa, trình độ, năng lực của người Việt Nam. Do đó, đối với giáo dục đại học, mỗi cơ sở giáo dục cũng cần có triết lý giáo dục riêng phù hợp với tôn chỉ, mục đích và hướng tới hội nhập nền giáo dục thế giới. Điều quan trọng, tất cả các triết lí giáo dục đó phải hướng tới phương châm “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Phương châm này phải được quán triệt và thực hiện sâu rộng, thấu triệt tới mọi tổ chức, cá nhân có liên quan và phải được kiểm chứng bằng nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá khác nhau.
  7. 574 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Hiện nay, cả nước có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Các trung tâm này căn cứ vào bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng các cơ sở giáo dục đại học được quy định trong Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học [3] để đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực và quốc tế. Trong quá trình kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học, cần thay đổi hoạt động kiểm tra, đánh giá. Theo Đặng Bá Lãm: “Kiểm tra bao gồm việc xác định điều cần kiểm tra, công cụ kiểm tra và sử dụng kết quả kiểm tra, tức đánh giá” [6, tr.15]. Do đó, hoạt động đo lường đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học phải là sự đánh giá cả quá trình của cơ sở giáo dục đại học đó chứ không nên đo lường đánh giá chất lượng mang tính tổng kết như hiện nay. Một khi kiểm định chất lượng theo cả quá trình sẽ có cái nhìn cụ thể, cặn kẽ từng phương diện của tổng thể chất lượng giáo dục, đào tạo của một cơ sở giáo dục đại học. Khi đó mới tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu và hướng xây dựng, phát triển cho các trường đại học. Việc kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, khách quan. Tập trung kiểm định chất lượng, bao gồm kiểm định tổng thể trường đại học, kiểm định nội dung, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học... Trường nào chất lượng yếu, kém sau một thời gian không cải thiện, nâng cấp sẽ phải đóng cửa để trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học có sự cạnh tranh bình đẳng về chất lượng, tạo sự yên tâm với xã hội, với chủ thể sử dụng lao động về sự trung thực của chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Các trung tâm kiểm định chất lượng được phép hoạt động trong cả nước không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn trong việc thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải cập nhật những thành tựu mới nhất, tiên tiến nhất của kiểm định chất lượng giáo dục thế giới, đề xuất với các cấp thẩm quyền xây dựng, bổ sung quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nhằm tăng hiệu quả hoạt động cũng như cách thức đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục đại học. Thứ ba, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy. Các chương trình, ngành/ chuyên ngành truyền thống đã triển khai từ trước tới nay cần giảm tải những vấn đề mang nặng tính lí thuyết, hàn lâm, tăng cường kĩ năng thực hành để người học áp dụng lí thuyết vào thực tiễn và rèn nghề. Đồng thời, chương trình cần tăng thời lượng những môn học thuộc kiến thức ngành và chuyên ngành; có sự tích hợp liên ngành hoặc xuyên ngành, giáp ranh giữa các lĩnh vực tạo điều kiện cho sinh viên lĩnh hội thêm kiến thức, kĩ năng, năng lực để nâng cao khả năng lĩnh hội tri thức đáp ứng
  8. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 575 yêu cầu công việc sau khi tốt nghiệp. Các nhà trường cũng phải liên tục cập nhật, điều chỉnh các chương trình theo triết lí tăng cường tính liên thông giữa các ngành/ nghề đào tạo; từng bước tạo điều kiện cho người học được tiếp cận với triết lí giáo dục khai phóng, cá nhân hóa và học tập suốt đời. Không những thế, các trường đại học cũng cần nghiên cứu để hướng tới việc xây dựng, phát triển nội dung, chương trình các ngành/ chuyên ngành mới phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội đất nước trong thời kì hội nhập, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc đầu tư học liệu, giáo trình, sách tham khảo, tài liệu học tập cũng là một khâu rất quan trọng trong việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo bởi nếu thiếu sách, giáo trình, tài liệu... sẽ dẫn tới sự không đồng bộ với chất lượng đào tạo. Tổ chức dịch thuật hay đầu tư viết sách, giáo trình hoặc nhập khẩu chương trình đào tạo của nước ngoài rồi cải tạo theo đặc trưng giáo dục của đất nước mình để nhanh chóng có nhiều nguồn tài liệu tham khảo, giáo trình cho sinh viên là một số trong những cách góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Thứ tư, đổi mới phương pháp giảng dạy. Đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những yêu cầu căn bản cần thiết trong các cơ sở giáo dục đại học để các trường ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Hiện nay, hầu như không còn tranh cãi về phương pháp giảng dạy như thế nào là có chất lượng. Ai cũng rõ rằng phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm là đối thoại, là đặt vấn đề, là tình huống, là thảo luận, là sinh viên phải làm việc nhiều và đương nhiên giáo viên cũng cần làm việc nhiều hơn trước khối lượng kiến thức ngày càng nhiều và thông tin cũng nhiều. Do đó, đánh giá kết quả học tập của sinh viên “phải chú trọng và đánh giá năng lực học tập, khả năng học tập, đánh giá khách quan và cả quá trình chứ không phải kiểm tra kiến thức đã học” [1, tr.59]. Giảng viên là người giảng dạy, tương tác với sinh viên, vì thế, giảng viên phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu để có trình độ chuyên môn vững vàng, năng lực sư phạm hiện đại, năng lực sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ trong quá trình dạy học, hỗ trợ sinh viên học tập, nghiên cứu khoa học. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sinh viên phải tự học là chính và vai trò của người giảng viên cũng thay đổi từ trạng thái dạy học sang hướng dẫn. Giảng viên hướng dẫn sinh viên học qua các dự án, giải quyết các bài toán từ thực tế, hướng sinh viên tới nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Trước yêu cầu của thực tiễn giáo dục, cùng với xu hướng chuẩn hóa giáo dục ngày càng mạnh mẽ, để đảm bảo nhiệm vụ theo yêu cầu, việc phát triển đội ngũ giảng viên của các cơ sở đại học vừa đảm bảo đủ số lượng cần thiết đáp ứng yêu
  9. 576 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP cầu đổi mới của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong từng thời kỳ; vừa đảm bảo chất lượng đội ngũ để nâng cao tính ứng dụng trong công tác chuyên môn. Không những thế, nhà trường cần thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng năng lực giảng viên theo từng giai đoạn, có tính kế thừa và phát triển. Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, giảng viên phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu để có trình độ chuyên môn vững vàng, năng lực sư phạm hiện đại, năng lực sử dụng các thành tựu của khoa học công nghệ trong quá trình dạy học và hỗ trợ sinh viên học tập. Xu hướng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người học tại các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức chuyên môn hiệu quả kết hợp với tư duy liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng... sẽ là xu hướng bồi dưỡng, đào tạo trong tương lai. Điều này tạo áp lực lớn cho các cơ sở giáo dục về chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy, xây dựng không gian học tập. Do vậy, các trường đại học cần phát triển đội ngũ nhà giáo theo khung năng lực, đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và sử dụng theo quy hoạch, vận dụng các chính sách tạo động lực làm việc, cống hiến và sáng tạo của đội ngũ giảng viên. Thứ sáu, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở quy chế về tổ chức quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên trong các trường đại học, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng quy chế riêng phù hợp với đặc thù của từng nhà trường nhưng không được thấp hơn so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Không những thế, cần thiết phải nâng cao hơn nữa những tiêu chuẩn trong công tác nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên. Các trường đại học phải quy định cụ thể những kết quả nghiên cứu khoa học mà mỗi giảng viên phải đạt trong năm học đó, như công bố được bao nhiêu công trình khoa học trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Đối với các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/ Scopus, nhà trường phải động viên, khuyến khích, hỗ trợ kinh phí, thủ tục hành chính... để giảng viên có điều kiện đăng bài ở các tạp chí. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng tạo điều kiện cho giảng viên tiếp cận, tham gia đấu thầu những đề tài khoa học các cấp từ cấp cơ sở, cấp tỉnh/ thành phố, cấp bộ, cấp Nhà nước nhằm tạo môi trường nghiên cứu khoa học và tạo ra sản phẩm khoa học chất lượng. Việc đầu tư viết sách, giáo trình, tài liệu cũng cần được quan tâm thích đáng để vừa để phục vụ công tác đào tạo vừa khẳng định được “phẩm giá khoa học” của đội ngũ giảng viên. Các cơ sở giáo dục đại học cần liên kết với các NXB uy tín, đặt hàng giảng viên viết sách, giáo trình, tài liệu tham khảo... nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng phục vụ quá trình đào tạo của nhà trường. Để có được những giảng viên có đủ lực và tâm huyết trong nghiên cứu khoa học thì các trường đại học cần có chính
  10. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 577 sách thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ giảng viên giỏi, có năng lực nghiên cứu khoa học. Chính những người này sẽ là chỗ dựa vững chắc, là nền tảng cho sự phát triển cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Thứ bảy, tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất. Các cơ sở giáo dục đại học cần tranh thủ sự ủng hộ của các cấp có thẩm quyền nơi trường đóng chân để có thể mở rộng quỹ đất, tăng quy mô diện tích trường học, mở rộng địa giới trường; qua đó có điều kiện xây dựng thêm các phòng học, giảng đường, thư viện, phòng đọc... đảm bảo các điều kiện liên quan đến đủ diện tích sử dụng cho hoạt động học tập của sinh viên, nơi làm việc, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học... Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ số mới trong việc “xây dựng các mô hình trường quay thu nhỏ, các phòng học ảo, phòng thí nghiệm ảo, thiết bị ảo, thư viện ảo, dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh…” [10] hay tích hợp với các công cụ cho chuyển đổi số như: “công cụ hội nghị truyền hình Skype, Gotomeeting, Blue jeans; ứng dụng đàm thoại, chia sẻ tài nguyên Microsoft Teams; ứng dụng OneNote; Stream; ứng dụng phân tích người đọc Reader Analytics; tra từ điển Tflat; dịch vụ trực tuyến Wolfram Alpha; công cụ Power BI và các hệ thống quản lý học tập Blackboard…” [10] là rất quan trọng, mang tính sống còn đối với các trường đại học. Đây là vấn đề mà các trường đại học Việt Nam cần triển khai để kịp với xu hướng giáo dục công nghệ số trên toàn thế giới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất có ứng dụng thành tựu của công nghệ truyền thông... Trong chiến lược phát triển các trường đại học cũng như nâng cao chất lượng giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học cần đặc biệt chú trọng ưu tiên xây dựng, phát triển hệ thống thư viện điện tử hiện đại, tăng diện tích sử dụng của thư viện. Các trường cần nhanh chóng tìm các nguồn đầu tư cho giáo dục, trong đó có đầu tư về thư viện điện tử. Các thư viện này đóng vai trò quan trọng đối với quá trình học tập của sinh viên. Sinh viên sẽ có môi trường học tập tốt hơn, có cơ hội tiếp thu các nguồn tài liệu phong phú không những trong trường mà còn ở các cơ sở giáo dục khác cũng như tiếp cận thư viện các trường đại học trên thế giới. Thứ tám, đổi mới công tác quản lí nhà nước về chất lượng giáo dục đại học. Đổi mới vai trò quản lý của nhà nước phải kết hợp với việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học, ngược lại các trường đại học phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục trước các cấp có thẩm quyền và đối với toàn xã hội. Khi đó, cơ quan quản lí nhà nước chỉ tập trung vào việc xác định tầm nhìn và chiến lược cho nền giáo dục đại học, kiến tạo phát triển, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học thông qua hệ thống thể chế, chính sách phù hợp, đồng thời, thực hiện giám sát phát triển, bảo đảm sự phát triển giáo dục đại học theo đúng định hướng chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học.
  11. 578 KỶ YẾU HỘI THẢO QUỐC GIA: XÂY DỰNG NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT - ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP Đổi mới công tác quản lí nhà nước về chất lượng giáo dục đại học còn thể hiện ở việc hoàn thiện chiến lược và chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng tập trung xác định tầm nhìn, mục tiêu cho giáo dục đại học. Chiến lược bảo đảm chất lượng giáo dục đại học cần phải đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực quốc gia nhằm đạt hiệu quả trong quá trình thực hiện. Hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực thực hiện thể chế quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học theo hướng phân tầng giáo dục đại học, gắn chất lượng giáo dục đại học với đầu tư ngân sách, tăng cường sự tham gia của cộng đồng xã hội vào giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Thể chế quản lí nhà nước phải đáp ứng được nhu cầu của người học và cộng đồng xã hội về chất lượng giáo dục đại học. Tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước theo hướng xác định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lý, phân định chức năng quản lý nhà nước và chức năng cung cấp dịch vụ công. Theo đó, cần đổi mới chức năng và phương thức hoạt động của Hội đồng giáo dục Quốc gia do Thủ tướng làm chủ tịch. Điều này sẽ giúp việc chỉ đạo chiến lược phát triển giáo dục đại học được thuận lợi hơn. Các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lí theo sự phân công của Chính phủ, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển giáo dục đại học; xây dựng cơ chế chính sách và quy chế quản lí nội dung, chất lượng giáo dục đại học; tổ chức thanh, kiểm tra... để đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhằm tạo bước chuyển mới trong quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học, đội ngũ cán bộ, công chức cần được nâng cao một cách xứng tầm. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có tác động trực tiếp đến chất lượng thể chế và hiệu lực thực hiện thể chế quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học trong thực tiễn. Việc này sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực cần thiết nhằm thực hiện các sáng kiến và nỗ lực cải tiến chất lượng cho giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai. Các cơ quan quản lí nhà nước cần hoàn thiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quản lý nhà nước về chất lượng giáo dục đại học. Trong giai đoạn hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra cần tập trung vào các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học cũng như công tác tuyển sinh; chế độ tài chính, học phí, cấp phát văn bằng chứng chỉ và đảm bảo chất lượng đào tạo... KẾT LUẬN Hướng tới một nền giáo dục đại học thực chất với phương châm “học thật, thi thật, nhân tài thật” là vấn đề quan trọng, cốt lõi và cấp thiết của giáo dục đại học Việt
  12. Phần 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NỀN GIÁO DỤC THỰC CHẤT 579 Nam. Nhìn vào thực trạng của giáo dục đại học, còn rất nhiều những hạn chế, bất cập. Thiết nghĩ, trong giai đoạn tới, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ tạo ra sự đột phá, chuyển biến, khởi sắc cho giáo dục đại học. Một nền giáo dục đại học trung thực, đổi mới trên tất cả các phương diện, có sự quản lí, kiểm soát chặt chẽ của các cấp thẩm quyền sẽ góp phần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: ngành Giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật” để đưa giáo dục nước nhà phát triển, tiệm cận với nền giáo dục thế giới. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Kiều Lan Thương (2018), “Giáo dục Việt Nam: Thực trạng, cơ hội và thách thức”, Tạp chí Giáo dục lí luận, số 279, tr.54-60. 2. Ban chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017 Quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. 4. Thanh Hằng (2021), “Chất lượng giáo dục đại học Việt Nam “tụt hậu”, Nguồn: https:// vnexpress.net/chat-luong-giao-duc-dai-hoc-viet-nam-tut-hau-4309606.html. Cập nhật ngày 23/7/2021. 5. Nghiêm Huê (2021), “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Hành động vì một nền giáo dục thực chất”, Nguồn: https://tienphong.vn/bo-truong-bo-gd-dt-nguyen-kim- son-hanh-dong-vi-mot-nen-giao-duc-thuc-chat-post1338137.tpo. Cập nhật ngày 23/7/2021. 6. Đặng Bá Lãm (2003), Kiểm tra - đánh giá trong dạy - học đại học, NXB Giáo dục, Hà Nội. 7. Thùy Linh (2019), “Những con số nổi bật của giáo dục đại học Việt Nam”, Nguồn: https:// giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nhung-con-so-noi-bat-cua-giao-duc-dai-hoc-viet-nam- post201566.gd. Cập nhật ngày 23/7/2021. 8. Trần Thị Bảo Khanh (2014), “Phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 10(83), tr.76-83. 9. Duy Tuấn (2007), “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam là cần thiết, trong Giáo dục đại học Việt Nam thời hội nhập”, tr. 72, NXB Lao động, Hà Nội. 10. Nguyễn Văn Tỵ (2019), “Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0”, Nguồn: http://tuyengiao.vn/nghien-cuu/ly-luan/doi-moi-giao-duc-dai-hoc-trong-boi- canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0-123652. Cập nhật ngày 23/7/2021. 11. Hoàng Tụy (2011), “Diễn từ tại buổi lễ trao giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh, năm 2011”, Nguồn: https://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/gs-hoang-tuy-tran- tro-voi-nen-giao-duc-viet-nam-3383770/. Cập nhật ngày 23/7/2021. 12. Trung tâm Từ điển học (Viện Ngôn ngữ học) (2003), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
4=>1