Sù kiÖn - NhËn ®Þnh<br />
<br />
Xã hội học số 3 (123), 2013<br />
<br />
MỘT SỐ SUY NGHĨ BAN ĐẦU VỀ NGHIÊN CỨU VỐN XÃ HỘI TRONG<br />
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY<br />
VƯƠNG HỒNG HÀ*<br />
<br />
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong các giai đoạn khác nhau đều đặt con<br />
người ở vị trí trung tâm, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển. Chính vì<br />
vậy, trong các kỳ Đại hội Đảng, vấn đề xây dựng và phát triển nguồn nhân lực được coi là yếu<br />
tố quyết định sự phát triển ổn định và bền vững đất nước. Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện<br />
đại hoá, cần có các nguồn lực như: con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên. Các nguồn lực này<br />
đều cần thiết và có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó nguồn lực con người có vai trò quyết<br />
định. Nguồn lực con người là nguồn lực nội tại, cơ bản, tất yếu, giữ vị trí trung tâm trong hệ<br />
thống các nguồn lực của công nghiệp hoá, hiện đại hoá; là nguồn lực của mọi nguồn lực; là tài<br />
nguyên của mọi tài nguyên; là chủ thể trực tiếp quyết định toàn bộ quá trình công nghiệp hoá,<br />
hiện đại hoá. Từ lý thuyết và thực tiễn phát triển ở tất cả các nước trên thế giới đã cho thấy nguồn<br />
nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.<br />
Không chỉ có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực có chất lượng cao<br />
còn có ý nghĩa trong việc giải quyết các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, đói nghèo, môi trường,<br />
và sự tiến bộ về mọi mặt của xã hội. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khi sự cạnh tranh diễn ra<br />
ngày càng gay gắt thì nguồn nhân lực đóng vai trò ngày càng quan trọng. Do vậy, phát triển<br />
nguồn nhân lực có chất lượng cao, là một yếu tố then chốt nhằm phát triển kinh tế bền vững.<br />
1. Tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực<br />
Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát<br />
triển kinh tế-xã hội của mọi quốc gia. Trong xu hướng toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực, một mặt<br />
tạo ra những khả năng và cơ hội phát triển cho các quốc gia; mặt khác cũng tiểm ẩn những<br />
nguy cơ liên quan đến các vấn đề xã hội như đói nghèo, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường.<br />
Muốn nắm bắt được thời cơ, giảm thiểu nguy cơ, tất cả các quốc gia cần huy động mọi nguồn<br />
lực của đất nước, trong đó quan tâm đặc biệt đến việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và<br />
các nguồn vốn nội tại; đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững kinh tế tri thức, có khả năng cạnh<br />
tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đây chính là nhu cầu cấp thiết của Việt<br />
Nam trong quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế và tham gia tích cực vào phân công lao<br />
động quốc tế.<br />
Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam có những cơ hội phát triển to lớn, đồng thời cũng<br />
phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức gay gắt và khắc nghiệt của thời đại. Với nhận thức<br />
rõ ràng về vai trò quyết định của con người trong phát triển, Đảng và Nhà nước đang xây dựng<br />
chiến lược phát triển con người, chiến lược phát triển nguồn nhân lực như trung tâm của chiến<br />
lược phát triển. Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2010-2020 hướng vào nâng<br />
cao chất lượng toàn diện con người Việt Nam về chính trị, đạo đức, ý chí, tri thức, thể lực; phát<br />
*<br />
<br />
ThS, Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực I.<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học<br />
<br />
www.ios.org.vn<br />
<br />
Xã hội học số 3 (123), 2013<br />
<br />
huy tiềm năng lao động dồi dào của đất nước; hình thành nguồn nhân lực có cơ cấu hợp lý,<br />
trong đó đặc biệt là lao động trình độ cao. Có thể nói đó là chiến lược phát triển con người lao<br />
động mới Việt Nam, có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, có nhân cách.<br />
Nhận thấy vai trò của phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực, Hồ Chủ tịch đã<br />
từng nói “vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và<br />
“muốn có chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Trên cơ sở đó, từ thực<br />
tiễn và lý luận về vai trò động lực của nguồn nhân lực đối với quá trình công nghiệp hóa-hiện<br />
đại hóa đất nước, Đảng ta đã chỉ đạo “lấy việc phát huy yếu tố con người làm yếu tố cơ bản cho<br />
sự phát triển nhanh và bền vững”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn<br />
chú trọng yếu tố con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của xã<br />
hội. Đại hội Đảng lần thứ VIII (6-1996) đã đưa ra một quan điểm về công nghiệp hóa-hiện đại<br />
hóa là: "Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh<br />
chóng và bền vững"; "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người<br />
Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa". Đại<br />
hội Đảng lần thứ XI (2011) đã cụ thể hóa, bổ sung, phát triển và làm sáng rõ thêm một số nội<br />
dung mới. Trước hết, đặc trưng về con người xã hội chủ nghĩa nêu trong Cương lĩnh (bổ sung,<br />
phát triển năm 2011) là: “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát<br />
triển toàn diện”. Để phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo<br />
hướng hiện đại và thực hiện được mục tiêu phát triển con người mà Cương lĩnh 2011 đề ra,<br />
Đảng ta nêu ra quan điểm: "Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người<br />
là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”. Tiếp theo, Đảng ta lựa chọn<br />
phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu đột phá của<br />
chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2020, được xem là khâu đột phá thứ hai.<br />
Cuối cùng, đặt ra yêu cầu phải “gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển<br />
và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Nghiên cứu bản chất phát triển nguồn nhân lực trong chiến<br />
lược phát triển con người, chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn tầm quan trọng đặc biệt của đầu tư<br />
vào con người, vào phát triển nguồn nhân lực, thực chất là đầu tư cho phát triển để tạo ra vốn<br />
nhân lực, nguồn nội lực vô tận của đất nước.<br />
Theo báo cáo điều tra lao động và việc làm 6 tháng đầu năm 2011 của Tổng cục Thống kê<br />
cho thấy, đến thời điểm 1/7/2011 (cuối quý 2), cả nước có 51,33 triệu người từ 15 tuổi trở lên<br />
thuộc lực lượng lao động, chiếm 58,4% tổng dân số, bao gồm 50,38 triệu người có việc làm và<br />
0,95 triệu người thất nghiệp. Trong tổng số lực lượng lao động của cả nước, nữ giới chiếm tỷ<br />
trọng thấp hơn nam giới (48,3% nữ giới so với 51,7% nam giới). Trong vòng ba thập kỷ qua,<br />
mặc dù có sự tăng lên đáng kể về tỷ trọng lực lượng lao động khu vực thành thị, nhưng đến nay<br />
vẫn còn 71,5% lực lượng lao động nước ta tập trung ở khu vực nông thôn. Cùng thời điểm này,<br />
trong tổng số hơn 50,4 triệu người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, chỉ có gần 7,7<br />
triệu người đã được đào tạo, chiếm 15,2%. Hiện cả nước có 84,8% số người đang làm việc chưa<br />
được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó. Bên cạnh đó, cả nước có gần 1<br />
triệu người thất nghiệp, trong đó khu vực thành thị chiếm 47,7% và số nữ chiếm 58,0% tổng số<br />
thất nghiệp. Số người thất nghiệp trẻ tuổi (từ 15-29 tuổi) chiếm tới ba phần năm (58,9%), trong<br />
khi đó nhóm dân số từ 15-29 tuổi chỉ chiếm 33% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên của cả nước. Số<br />
liệu theo khu vực thành thị và nông thôn phản ánh, số lao động thất nghiệp ở cả khu vực thành<br />
thị và nông thôn đều tập trung chủ yếu vào nhóm thanh niên dưới 30 tuổi.<br />
Ở hai trung tâm kinh tế-xã hội lớn nhất của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,<br />
tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo cao nhất. Tỷ trọng lao động đang làm việc có trình<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học<br />
<br />
www.ios.org.vn<br />
<br />
Xã hội học số 3 (123), 2013<br />
<br />
độ đại học trở lên khác nhau đáng kể giữa các vùng. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là<br />
những nơi tập trung nhiều nhất lao động đang làm việc có trình độ đại học trở lên nhưng chiếm<br />
tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê: thành phố Hồ Chí Minh đứng<br />
đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 với mức 3,9%. Đồng bằng Sông Cửu Long và Hà<br />
Nội đứng ở vị trí thứ 2 và 3 trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực miền núi và trung du phía Bắc<br />
ở mức thấp nhất, gần 0,8%. Như vậy, vấn đề thất nghiệp được đặt ra với lao động trẻ, là một<br />
trong những nhóm lao động được xem là dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các biến động trên thị trường<br />
lao động.<br />
2. Vai trò của vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực<br />
Nói đến vốn xã hội, mọi người thường nghĩ đó là vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế, nhưng thực<br />
chất vốn xã hội là một thuật ngữ xuất phát từ các lý thuyết xã hội học. Tuy nhiên thời gian gần đây<br />
các nhà nghiên cứu kinh tế sử dụng để giải thích các vấn đề kinh tế và quản trị. Họ xác định vốn<br />
xã hội theo nhiều góc độ tiếp cận khác nhau và cũng cho ra nhiều kết quả khác nhau về tác động<br />
của vốn xã hội đến các hoạt động kinh tế. Bàn về vốn xã hội, các nhà nghiên cứu lấy khái niệm<br />
nguồn nhân lực để định nghĩa, xem nó là một nguồn lực góp phần trong rất nhiều nguồn lực để<br />
phát triển kinh tế xã hội. Nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực quan tâm đến vốn xã hội, nghiên cứu<br />
nó với tư cách là yếu tố nảy sinh hoặc yếu tố trung tâm, yếu tố tác động đến thực tiễn của các vấn<br />
nghiên cứu khác nhau. Vốn xã hội được coi là không chỉ đóng góp vào phát triển nền kinh tế bền<br />
vững mà nó còn là yếu tố tác động, đóng góp vào việc tạo lập, hình thành và giải quyết các vấn đề<br />
xã hội như: bất bình đẳng xã hội, chênh lệch giàu nghèo, phân công lao động xã hội...<br />
Vốn xã hội được coi là một nguồn lực tồn tại trong đời sống xã hội bên cạnh các nguồn<br />
lực khác. Đây là một khái niệm không mới đối với thế giới, nhưng còn khá mới đối với Việt<br />
Nam. Các nghiên cứu về vốn xã hội ở Việt Nam chia làm hai hướng: một số nghiên cứu quan<br />
tâm đến việc tổng kết, giới thiệu lý thuyết về vốn xã hội; những nghiên cứu khác tập trung vận<br />
dụng lý thuyết vốn xã hội trong các nghiên cứu thực tiễn. Theo lý thuyết của các nhà nghiên<br />
cứu thế giới, vốn xã hội được xem xét trong các mối quan hệ liên quan đến mọi lĩnh vực của<br />
đời sống xã hội, đồng thời nó còn được coi là một nguồn lực, các mối quan hệ có sự tin cậy lẫn<br />
nhau trong mạng lưới xã hội, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội bên cạnh các nguồn vốn<br />
khác. Bàn về vốn xã hội, các nhà nghiên cứu có nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên xét về<br />
mặt lý thuyết và thực tiễn cho thấy có sự thống nhất ở các điểm sau đây. Thứ nhất, vốn xã hội<br />
gắn liền với các mạng lưới xã hội. Thứ hai, vốn xã hội được định nghĩa từ khái niệm nguồn<br />
lực, cho đó là một nguồn lực dựa trên mạng lưới xã hội. Thứ ba, vốn xã hội được tạo ra thông<br />
qua việc đầu tư vào các quan hệ xã hội để tìm kiếm lợi ích. Thứ tư, vốn xã hội được đề cập đến<br />
sự tin cậy (lòng tin, niềm tin) và mối quan hệ qua lại của nguồn lực dựa trên mạng lưới xã hội.<br />
Vậy, dựa vào những điểm thống nhất trên định nghĩa vốn xã hội của các nhà khoa học cho thấy<br />
các yếu tố sau cấu thành vốn xã hội: các mạng lưới xã hội, nguồn lực xã hội, quan hệ xã hội<br />
dựa trên các chuẩn mực xã hội và lòng tin trong xã hội. Chính vì vậy mà khẳng định nó là một<br />
loại vốn tồn tại song song cùng nhiều loại vốn khác trong đời sống xã hội. Bên cạnh những<br />
điểm thống nhất về khái niệm vốn xã hội nêu trên còn có những cách hiểu khác nhau dựa trên<br />
lập trường và lĩnh vực khác nhau của các nhà nghiên cứu. Chẳng hạn, có nhà nghiên cứu cho<br />
rằng vốn xã hội gồm các mạng lưới xã hội, khía cạnh của cấu trúc xã hội, thì nhà nghiên cứu<br />
khác cho đó là nguồn lực liên kết các mạng lưới xã hội, hay nguồn lực trong mạng lưới xã hội;<br />
bên cạnh đó, có tác giả coi vốn là chuẩn mực không chính thức, chuẩn mực của quan hệ trao<br />
đổi qua lại và niềm tin, hay khả năng của cá nhân trong việc tìm kiếm lợi ích thông qua tư cách<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học<br />
<br />
www.ios.org.vn<br />
<br />
Xã hội học số 3 (123), 2013<br />
<br />
thành viên của mạng lưới xã hội, cấu trúc xã hội. Sự khác biệt trong quan niệm về vốn xã hội<br />
đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu khác nhau trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên<br />
nó cũng đem đến những khó khăn trong nghiên cứu thực tiễn bởi cách hiểu và cách sử dụng<br />
chưa được thống nhất. Nghiên cứu vốn xã hội đối với phát triển nguồn nhân lực rất ít, mặc dù<br />
vốn xã hội được định nghĩa từ khái niệm nguồn lực, mà nguồn nhân lực được coi là nguồn lực<br />
quan trọng nhất trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Những nghiên cứu<br />
sau đây có đề cập đến phần nào đến nguồn nhân lực, nhưng chưa đặt trực tiếp sự phát triển<br />
nguồn nhân lực trong tiếp cận nghiên cứu vốn xã hội. Cohen và Prusak (2001) định nghĩa:<br />
“Vốn xã hội bao gồm phần lớn sự hợp tác xây dựng giữa những con người với nhau: Sự tin<br />
tưởng, sự hiểu biết lẫn nhau, và sự chia sẻ những giá trị đạo đức, phong cách nối kết những<br />
thành viên trong các tập đoàn, các cộng đồng lại với nhau làm cho việc phối hợp hành động có<br />
khả năng thực hiện được”. Các nghiên cứu cho thấy, vốn xã hội có vai trò trọng tâm trong phát<br />
triển kinh tế và xóa bỏ đói nghèo, bên cạnh đó “vốn xã hội còn được coi là có ý nghĩa lớn trong<br />
việc hình thành vốn con người” hay nói các khác vốn xã hội có tầm quan trọng trong việc hình<br />
thành và phát triển nguồn nhân lực.<br />
“Điều này được minh chứng qua nghiên cứu “Vốn xã hội trong việc tạo ra vốn con người”<br />
(Coleman, 1988). Coleman đã phân tích mối quan hệ giữa ba loại vốn: vốn kinh tế, vốn xã hội<br />
và vốn con người và đi đến kết luận rằng cả vốn kinh tế lẫn vốn xã hội đều có ý nghĩa tích cực<br />
đối với việc tạo ra vốn con người … Một nghiên cứu khác về vốn xã hội và vốn con người của<br />
Portes cũng cho thấy rõ điều này. Dựa vào ví dụ thực tế từ nghiên cứu của của Zhou và<br />
Bankstson về cộng đồng liên kết chặt của người Việt Nam ở New Orleans (Mỹ), Portes (1998)<br />
kết luận rằng “nhờ vốn xã hội trong mạng lưới người Việt ở đây, việc học tập của con cái họ<br />
có được sự kiểm soát hiệu quả mà không cần thiết phải sử dụng tới các thiết chế kiểm soát<br />
chính thức hoặc công khai” (dẫn theo Nguyễn Tuấn Anh trong “Vốn xã hội và mấy vấn đề đặt<br />
ra trong nghiên cứu vốn xã hội ở Việt Nam hiện nay", Tạp chí Xã hội học, số 3(115), 2011).<br />
3. Sự cần thiết phát triển nguồn nhân lực trẻ trong tiếp cận nghiên cứu vốn xã hội<br />
Xuất phát từ các mối quan hệ bền chặt giữa vốn xã hội và thực trạng nguồn nhân lực Việt<br />
Nam, cho thấy sự cần thiết nghiên cứu vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt là<br />
đặt vấn đề phát triển nguồn nhân lực trẻ trong tương quan với vốn xã hội, trong quá trình phát<br />
triển, tăng trưởng kinh tế và công bằng, tiến bộ xã hội ở Việt Nam hiện nay. Do vậy, vấn đề<br />
đặt ra là các nghiên cứu phải trả lời cho câu hỏi: trên thực tế, vốn xã hội đã được tạo dựng, duy<br />
trì và sử dụng như thế nào trong quá trình phát triển nguồn nhân lực trẻ Việt Nam, đặc biệt là<br />
thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh? Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp những thông tin<br />
ban đầu, cần thiết về vốn xã hội đã được tạo dựng, duy trì và sử dụng như thế nào trong quá<br />
trình phát triển nguồn nhân lực trẻ ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời đưa ra những phân tích và<br />
các yếu tố của vốn xã hội: các mạng lưới xã hội, nguồn lực xã hội, quan hệ xã hội dựa trên các<br />
chuẩn mực xã hội và lòng tin trong xã hội tác động tích cực và tiêu cực như thế nào đến quá<br />
trình phát triển nguồn nhân lực. Qua đó giúp các cơ quan và các nhà chuyên môn trong việc<br />
hoạch định chính sách có những đề xuất phù hợp đối với vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng,<br />
phát triển nguồn nhân lực trẻ đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện<br />
đại hóa đất nước.<br />
Với một số vấn đề nghiên cứu đặt ra trên đây, các nghiên cứu đó sẽ góp phần soi sáng vai trò<br />
quan trọng của vốn xã hội đối với vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ<br />
trong thời kỳ đổi mới đất nước, trên cơ sở làm sáng tỏ tác động của vốn xã hội đến chiến lược phát<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học<br />
<br />
www.ios.org.vn<br />
<br />
Xã hội học số 3 (123), 2013<br />
<br />
triển nguồn nhân lực trẻ của Đảng về các ngành, các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội,<br />
cùng với những lợi thế, nguy cơ, thách thức, kinh nghiệm, của thực trạng nguồn nhân lực nói chung<br />
và nguồn nhân lực trẻ nói riêng trong thời đại mới. Đồng thời, các nghiên cứu cũng sẽ góp phần<br />
xây dựng cơ sở lý luận về vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ cũng như đóng góp cho<br />
lý luận xã hội học về vai trò, tầm quan trọng của việc đưa vấn đề nghiên cứu vốn xã hội và những<br />
yếu tố tạo nên vốn xã hội tác động đến thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội trong các điều kiện cụ thể<br />
ở Việt Nam.<br />
Tài liệu trích dẫn<br />
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. 1991. Nxb Sự thật,<br />
Hà Nội, tr.9.<br />
Đảng Cộng sản Việt Nam. 2006. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nxb Chính trị<br />
Quốc gia, Hà Nội, tr.68.<br />
Đảng Cộng sản Việt Nam. 2001. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính<br />
trị Quốc gia, Hà Nội, tr.70.<br />
Nguyễn Tuấn Anh. 2011. Vốn xã hội và mấy vấn đề đặt ra trong nghiên cứu vốn xã hội ở Việt<br />
Nam hiện nay. Tạp chí Xã hội học, số 3(115), 2011.<br />
Tổng cục Thống kê. Kết quả sơ bộ Tổng Điều tra dân số Việt Nam 2009.<br />
Tổng cục Thống kê. Điều tra lao động & việc làm 2011.<br />
Tổng cục Thống kê. Điều tra lao động & việc làm 2012.<br />
<br />
Bản quyền thuộc Viện Xã hội học<br />
<br />
www.ios.org.vn<br />
<br />