intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Một số ý kiến về xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

17
lượt xem
3
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết Một số ý kiến về xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm phân tích xác định thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm; phân tích thực trạng áp dụng pháp luật về xác định thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm và kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Một số ý kiến về xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm

  1. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VÀ MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN CỦA CÁ NHÂN BỊ XÂM PHẠM Cao Thị Thùy Duyên, Phạm Nguyễn Hoài Nam, Lê Minh Vũ, Phan Hữu Đức* Viện Công Nghệ Việt Nhật (VJIT) - Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM GVHD: ThS. Lê Thị Minh Thư TÓM TẮT Ở thời đại công nghệ thông tin 4.0 hiện nay, điện thoại thông minh, máy tính cùng với mạng Internet đã trở thành những phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Chỉ cần một bài phốt dùng để công khai bí mật đời tư hay bịa đặt bôi xấu người khác, thì sẽ có hàng trăm, ngàn thậm chí là hàng triệu lượt tương tác cùng các bình luận và chia sẻ với nội dung tiêu cực và công kích, ta có thể thấy rằng thiệt hại sẽ rất khó lường và thậm chí gây nguy hại tới tính mạng của những người có liên quan. Từ những vấn đề trên, sẽ xảy ra rất nhiều vụ việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Qua đó, chủ thể bị xúc phạm cần phải cung cấp đầy đủ chứng cứ, chứng minh để yêu cầu Toà án giải quyết về vụ việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với người có hành vi gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất. Trong bài viết này, nhóm tác giả chỉ phân tích xác định thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm; phân tích thực trạng áp dụng pháp luật về xác định thiệt hại, mức bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm và kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này. Từ khóa: thiệt hại, danh dự, nhân phẩm, uy tín, cá nhân, xâm phạm 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Danh dự là sự đánh giá của xã hội về một con người thông qua hành vi ứng xử của họ trong xã hội, một người được đánh giá là có danh dự là người có lòng tự trọng cao, trung thực, ngay thẳng, không tham lam, gian dối, lọc lừa…. Vì vậy họ được xã hội tôn trọng, quý mến. Nhân phẩm là những phẩm chất tốt đẹp của con người, những phẩm chất mà chỉ có con người mới có, nó làm cho con người là người và khác với những động vật khác 89. Uy tín là sự tin tưởng, tín nhiệm và mến phục của mọi người dành cho một người nhất định. Họ có tầm ảnh hưởng lớn tới những mối quan hệ xung quanh và sự ảnh hưởng này được thể hiện ra một cách tích cực. 89 Lê Minh Hùng, Sách tình huống Pháp luật hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam, năm 2019, tr. 446. 2641
  2. Hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân: hiện nay, pháp luật chưa có khái niệm cụ thể thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác. Tuy nhiên ta có thể hiểu rằng xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín là những hành vi được hành động có chủ ý bằng các thức thể hiện như bằng lời nói hay bằng hành động nhằm công kích, thóa mạ, gây kích động tới chủ thế đang hướng tới. Điểm chung của những hành vi này đều là dùng những hành vi như có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. 2. XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VÀ MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN CỦA CÁ NHÂN BỊ XÂM PHẠM THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015 2.1. Xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm Hiện nay tuy đã có BLDS 2015 nhưng trên thực tiễn xét xử tại Tòa án, các Thẩm phán vẫn còn áp dụng Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP để xét xử các vụ án mà yêu cầu của đương sự là buộc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thiệt hại tại thời điểm BLDS 2015 đang có hiệu lực, nhưng vẫn áp dụng được Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP là vì căn cứ vào điểm a Khoản 1 Điều 153 và Khoản 2 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (SĐ,BS 2020) có quy định. Thế nhưng Nghị quyết trên vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định bãi bỏ, vậy nên Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP vẫn còn hiệu lực và được áp dụng đồng thời cùng BLDS 2015. Khi xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cần chú ý và phân tích vào Khoản 1 và Khoản 2 được quy định tại Điều 592 BLDS 2015. Vì vậy, nhóm tác giả sẽ phân tách Khoản 1 và Khoản 2 thành hai nhóm cơ bản dựa vào tính đặc trưng của chủ thể có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Nhóm một, Căn cứ vào mục 3 Phần II trong Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP có quy định hướng dẫn gồm có “chi phí hợp lý phải có để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định”. Thiệt hại khác do luật định: Các thiệt hại khác liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm có thể làm phát sinh ra những thiệt hại khác tùy vào từng trường hợp, hoàn cảnh mà pháp luật không thể liệt kê hết tất cả hoặc có thể còn tồn tại những bất cập, bởi vì các điều luật sẽ chịu sự phụ thuộc theo sự phát triển xã hội để có sự sửa đổi, bổ sung Bộ luật và luật, hay ban hành các Nghị quyết, công bố án lệ và giải đáp nghiệp vụ, công văn hướng dẫn từ Tòa án nhân dân Tối cao. Tác giả cho rằng tính đặc trưng của pháp luật chính là “Pháp luật được ban hành, sửa đổi bổ sung nhằm làm hạn chế tối thiểu rủi ro và giảm tối đa thiệt hại có thể xảy ra trong các mối quan hệ xã hội chứ không vì mục đích ngăn chặn hoàn toàn rủi ro đang tồn tại trong các mối quan hệ xã hội đó”. Vì thế, quy định này là quy định được mở rộng bao hàm các trường hợp còn lại trên thực tế. Nhóm hai, được quy định tại Khoản 2 Điều 592 BLDS 2015 “...phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu” và được hướng dẫn cụ thể tại mục 3 Phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP. Vậy nên thiệt hại về tinh thần là không thể xác định cụ thể bằng các biện pháp đo lường, nhưng bản thân người bị thiệt hại không có nghĩa vụ phải chứng minh thiệt hại về tinh thần 2642
  3. có tồn tại. Bởi đây là thiệt hại xảy ra đương nhiên khi danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm. Có thể hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân không làm phát sinh thiệt hại vật chất, nhưng chắc chắn trong mọi trường hợp đều sẽ phát sinh thiệt hại về tinh thần. Bởi vì giá trị nhân thân của một người là luôn luôn tồn tại và gắn bó với mọi cá nhân chỉ cho tới khi sự sống của cá nhân đó chấm dứt, còn giá trị vật chất thì ngược lại, một cá nhân có thể có hoặc không có vật chất bên mình, nhưng danh dự, nhân phẩm, uy tín là luôn luôn hữu hiện. Do đó, tại tiểu mục 3.3, điểm b của Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP có quy định chi tiết rằng “trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị xâm hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…” ; Dù vậy, mức độ thiệt hại về tinh thần không thể được xác định một cách chính xác và rất khó để chứng minh mức độ thiệt hại về tinh thần mà một cá nhân bị xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín. Tuy nhiên tiếp đến tiểu mục 3.3, điểm c của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP đã có hướng dẫn cụ thể rằng “mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường”, điều này cho thấy rằng sự thỏa thuận của người bị xâm phạm và người có hành vi xâm phạm là mấu chốt quan trọng để giải quyết thiệt hại về tổn thất tinh thần một cách nhanh chóng, bởi vì sự việc xảy ra như thế nào, tổn thất tinh thần ra sao thì chỉ có các bên trong cuộc mới có thể hiểu được, vậy nên Tòa án tối cao đã nêu rõ quan điểm rằng “...trước hết do các bên thỏa thuận” và chỉ khi mà các bên không thể thỏa thuận được, thì Chủ tọa mới căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần của người bị xâm phạm, xem xét đánh giá hành vi của người xâm phạm mà đưa ra phán quyết cuối cùng nhưng cũng chỉ trong một “mức bồi thường” chính là không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường. So với Điều 611 BLDS 2005 và Điều 592 BLDS 2015 thì BLDS 2015 đã sửa đổi, bổ sung như sau: Thứ nhất, BLDS 2015 đã xóa bỏ sự phân chia giữa hai chủ thể cá nhân, pháp nhân được bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Theo Khoản 1 Điều 592 BLDS 2015, cá nhân và pháp nhân đều có thể bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín; Thứ hai, phạm vi xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín được mở rộng không chỉ dừng lại ở chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút mà mở rộng ra các “thiệt hại khác do luật quy định”; Thứ ba, người phải bồi thường do xâm phạm trái pháp luật danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác không chỉ là người trực tiếp xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà bao gồm tất cả người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm; Thứ tư, các mức bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần trên được xác định cho từng người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại; Thứ năm, về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, mức tối đa cho một người có danh 2643
  4. dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định ( Khoản 2 Điều 592 BLDS 2015) 90. Dù chỉ là sự thay đổi nhỏ trong cách dùng từ, nhưng nó lại mang một ý nghĩa lớn hơn rất nhiều. Với năm luận ý trên, ta có thể thấy Điều 592 BLDS 2015 đã hoàn chỉnh và bao quát hơn về các trường hợp bất cập ở BLDS 2005, điều này thể hiện sự chỉnh chu, tiến bộ trong công tác xây dựng pháp luật của nhà nước ta. 2.2. Mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm Mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân khi bị xâm phạm chính là mức bồi thường được xác định dựa trên những thiệt hại thực tế đã xảy ra. Và để có thể xác định được thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì ta phải căn cứ tại mục 3 Phần II trong Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP. Để có thể xác định được mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín khi cá nhân bị xâm phạm, căn cứ vào tiểu mục 3.1, mục 3, phần II trong Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP có hướng dẫn rõ chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Ở điều khoản trên, ta có thể thấy rằng điều luật quy định cụ thể về chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bồi thường và rất bám sát thực tế, bởi lẽ khi xảy ra hành vi xâm phạm tới giá trị nhân thân thì người bị xâm phạm chắc chắn sẽ phát sinh những chi phí thực tế xảy ra như là thu nhập tài liệu, chứng cứ chứng minh có hành vi xâm phạm xảy ra, ví dụ như là chi phí lập vi bằng, chi phí tư vấn pháp lý từ các văn phòng luật sư…hay phát sinh chi phí là tiền tàu xe đi lại, tiền nhà trọ để người bị xâm phạm thực hiện việc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền, cụ thể là TAND tại nơi cư trú của bị đơn. Kế đến là quy định tại điểm a tiểu mục 3.2, mục II phần II của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP có quy định về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút là: “Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu thập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó”. Tại điểm b tiểu mục 3.2, mục 3 phần II có quy định về cách xác định thu nhập thực tế, cụ thể là “Việc xác định thu nhập thực tế của người bị xâm phạm và việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị xâm phạm được thực hiện như sau: Bước một: Xác định thu nhập thực tế của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị có hay không. Nếu có thì tổng hợp số thu nhập là bao nhiêu; Bước hai: Lấy tổng số thu nhập thực tế mà người bị thiệt hại có được trong thời gian điều trị so sánh với thu nhập thực tế tương ứng: Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động, thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người bị xâm phạm sức khỏe nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại; Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có làm việc và hàng tháng có thu nhập thực tế 90 Bộ Tư pháp (2017), Những điểm mới cơ bản của Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb Lao động, Hà Nội. 2644
  5. nhưng mức thu nhập của các tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập trung bình của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì của tất cả các tháng) trước khi sức khỏe bị xâm phạm nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại; Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại; Nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm, người bị thiệt hại chưa làm việc và chưa có thu nhập thực tế thì không được bồi thường ; Nếu không có khoản thu nhập thực tế nào của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị mất; nếu thấp hơn thì khoản chênh lệch đó là thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bị giảm sút; nếu bằng thì thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không bị mất” Căn cứ vào tiểu mục 3.3, mục 3 phần II trong Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP có quy định về khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cần căn cứ vào việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mấy uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm. Và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu. Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà tổ chức phải chịu. Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường". Để cụ thể hóa mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần, căn cứ vào khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 có quy định: “Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng…”. Vậy nên tại khoản 2 Điều 592 BLDS 2015 có quy định rằng trong trường hợp không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín sẽ không quá mười lần mức lương cơ sở, từ đó tính ra rằng số tiền cần bồi thường tối đa về thiệt hại tinh thần sẽ không quá mức 16.000.000 đồng. 2645
  6. 3. THỰC TRẠNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VÀ MỨC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN CỦA CÁ NHÂN BỊ XÂM PHẠM VÀ KIẾN NGHỊ 3.1. Những hạn chế trong việc áp dụng quy định pháp luật về xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm Hạn chế về “nghĩa vụ chứng minh có hành vi trái pháp luật xảy ra”. Trong thực tiễn, rất khó để có thể chứng minh được rằng có hành vi trái pháp luật của người xâm phạm gây ra, vì trong thời đại xã hội phát triển vượt bậc, mọi hành vi, mọi sự việc đều có thể dễ dàng bị làm giả, bị cắt ghép, làm mất đi sự khách quan của vụ việc. Thế nên việc chức minh có hành vi trái pháp luật của một cá nhân nào đó thì người bị xâm phạm rất khó có thể tự mình thu thập được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh rằng có hành vi trái pháp luật của người đã xâm phạm tới giá trị nhân thân. Ở phần giải pháp, nhóm tác giả sẽ có phương pháp hướng dẫn cho mọi người cách có thể giải quyết được vấn đề nan giản về “nghĩa vụ chứng minh có hành vi trái pháp luật xảy ra”. Hạn chế về “chứng minh thiệt hại xảy ra trên thực tế”. Chứng minh thiệt hại xảy ra trên thực tế không hề đơn giản, nhất là nhóm thiệt hại về vật chất: Khi nhắc đến thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, sẽ có hai đối tượng cần được bồi thường đó là thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất. Thiệt hại về tinh thần tuy khó xác định nhưng đã được “lập khuôn” là tối đa 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định, cũng có thể hiểu là dù có chứng minh được hay không thì theo điểm b tiểu mục 3.3, mục 3 phần II của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP thì “trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần”, cũng đồng nghĩa rằng người bị xâm phạm sẽ nhận được khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tối thiểu là 1.600.000 đồng và tối đa là 16.000.000 đồng tùy theo khả năng chứng minh thiệt hại về mặt tinh thần của người bị xâm phạm. Tuy nhiên thiệt hại về mặt vật chất thì lại không như vậy, có nghĩa rằng tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại tới đâu thì bồi thường tới đó. Do vậy, người bị xâm phạm sẽ đôi khi quên đi việc lưu giữ lại các phiếu thu chi, thu ngân, biên lai nhằm thể hiện được giá trị mà thực tế đã bị thiệt hại. Từ đó sẽ phát sinh bất lợi cho người bị xâm phạm khi mà chi phí bỏ ra để giải quyết vụ việc này là 10 phần, nhưng chỉ có khả năng chứng minh được một phần và tuyên xử chỉ nhận lại một phần. 3.2 Nguyên nhân của hạn chế trong việc áp dụng quy định pháp luật về xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm Thứ nhất, nguyên nhân của sự hạn chế về nghĩa vụ chứng minh có hành vi trái pháp luật xảy ra. Nhóm tác giả sẽ phân tích như ở phần “Thực trạng áp dụng pháp luật về mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm”. Khi có một sự việc, một hành vi xảy ra nhằm mục đích xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và nếu người bị xâm phạm có đủ căn cứ và các yếu tố luật định thì người thực hiện hành vi xúc phạm, bôi nhọ tới quan hệ nhân thân trên facebook, zalo, instagram, twitter, blog, các trang báo mạng, tin nhắn trên điện thoại di động, e-mail sẽ bị xử phạt tùy thuộc vào mức độ của hành 2646
  7. vi, nhẹ thì bị phạt hành chính bởi Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử hoặc Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, nặng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hay khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại do quan hệ nhân thân đã bị xâm phạm. Ngược lại, nếu không có đủ căn cứ chứng minh hành vi thì chính người bị nói xấu mới là người có khả năng bị xử phạt về hành vi vu khống. Đặc biệt, khi bị xúc phạm tới các quan hệ nhân thân trên mạng xã hội thì các chứng cứ rất khó lưu giữ, người đã đăng tải các nội dung đó có thể xóa bất cứ khi nào và sẽ gây khó khăn trong quá trình chứng minh hành vi của họ.Với hành động chụp lại các bài viết hay các đoạn hội thoại có nội dung xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín trên mạng xã hội, thì dữ liệu điện tử đó chỉ mang tính tham khảo khi có xảy ra tranh chấp tại Tòa án. Với trách nhiệm và nghĩa vụ tìm ra sự thật, đảm bảo tính công minh và khách quan của vụ án và áp dụng pháp luật lên các mối quan hệ tranh chấp giữa các bên tham gia tố tụng, ban hành bản án hay quyết định buộc người có hành vi xâm phạm phải bồi thường thiệt hại cho người bị xâm phạm thì với một lẽ đương nhiên, cán bộ Tòa án sẽ không loại trừ các trường hợp những tài liệu, dữ liệu điện tử kia có thể không khách quan mà có khả năng đã bị tác động do chỉnh sửa, cắt ghép hay thậm chí là tự người bị hại đã thực hiện hành vi tạo lập tài khoản giả mạo để xúc phạm chính mình và sử dụng những thông tin, hình ảnh của đối phương nhằm đổ hết tội lỗi cho họ. Do đó, nếu người bị hại không thể chứng minh được rằng có hành vi trái pháp luật xảy ra bằng các biện pháp thu thập tài liệu một cách đúng đắn thì yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường sẽ có khả năng bị bác yêu cầu vì chính đương sự đã không thể cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có cơ sở để xem xét. Thứ hai, nguyên nhân của sự hạn chế về chứng minh thiệt hại xảy ra trên thực tế. Như nhóm tác giả đã phân tích ở trên, thiệt hại về tinh thần tuy khó xác định nhưng đã được “lập khuôn” là tối đa 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định, cũng có thể hiểu là dù có chứng minh được hay không thì người bị xâm phạm sẽ nhận được khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tối thiểu là 1.600.000 đồng và tối đa là 16.000.000 đồng tùy theo khả năng chứng minh thiệt hại về mặt tinh thần của người bị xâm phạm. Tuy nhiên thiệt hại về mặt vật chất thì lại không như vậy, có nghĩa rằng tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại tới đâu thì bồi thường tới đó. Trên thực tế có nhiều hạn chế cho việc chứng minh này bởi vì không phải thiệt hại vật chất, chi phí nào cũng có thể được ghi nhận lại bằng hóa đơn, chứng từ, biên lai thu chi. Thế nên đôi khi trong quá trình giải quyết, nếu người bị xâm phạm không có được tài liệu, chứng cứ mà cụ thể là biên lai thu chi nhằm giải quyết thiệt hại thì khoản chi phí yêu cầu bồi thường sẽ không được Tòa án xem xét chấp nhận. 3.3. Kiến nghị góp phần hoàn thiện việc áp dụng quy định pháp luật về xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm Giải pháp thứ nhất: Đẩy mạnh việc áp dụng Nghị định 15/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03 – 02 – 2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định 144/2021/NĐ-CP ban hành ngày 31 – 12 – 2021 quy định xử 2647
  8. phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Để đưa ra được giải pháp này, nhóm tác giả đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về cách thức để có thể không cần phải chứng minh có hành vi trái pháp luật xảy ra của người xâm phạm, bởi vì để có thể chứng minh được có hành vi trái pháp luật là một vấn đề khó giải quyết trong thời đại 4.0 ngày này. Và thêm nữa, nhóm tác giả cũng đã nghiên cứu tới cách thức rút ngắn thời gian giải quyết vụ án dân sự nhưng vẫn đảm bảo được quá trình thủ tục tố tụng dân sự vẫn được đảm bảo. Vậy nên một giải pháp này sẽ là giải pháp tối ưu nhất để giải quyết cả hai hạn chế về chứng minh có hành vi trái pháp luật. Ta thấy rằng Nghị định 15/2020/NĐ-CP được ban hành theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, vậy nên nhóm tác giả đánh giá rằng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có vai trò xử lý các hành vi vi phạm tới Nghị định trên. Vậy nên khi có vụ việc xảy ra trên mạng xã hội người bị xâm phạm tới giá trị nhân thân có thể làm một lá đơn yêu cầu có tên là “Đơn yêu cầu xử lý hành vi xúc phạm của chủ tài khoản và gửi toàn bộ tài liệu, chứng cứ lên cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông để yêu cầu được giải quyết. Tương tự vậy, với Nghị định 144/2021/NĐ-CP được ban hành theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, vậy nên Bộ Công an, Cơ quan Công an tại địa phương sẽ có vai trò xử lý các hành vi vi phạm tới các điều khoản được quy định trong Nghị định trên. Sau khi có vụ việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín xảy ra, người bị xâm phạm làm một lá đơn tố cáo hoặc là đơn yêu cầu và gửi cho cán bộ Công an phường nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi mà người có hành vi xâm phạm đang cư trú để giải quyết vụ việc. Sau khi tiếp nhận vụ việc, thì ở hai cơ quan là Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan Công an Phường sẽ xem xét, đánh giá, xác minh có hành vi trái pháp luật trên hay không. Người bị xâm phạm có thể tiếp tục nộp đơn khởi kiện lên cho Tòa án có thẩm quyền kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh thiệt hại có xảy ra để tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm mà không cần phải chứng minh có hành vi trái pháp luật xảy ra. Bởi vì căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 92 BLTTDS 2015 (SĐ,BS 2019,2020) có quy định: “….quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật” là một trong những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Giải pháp thứ hai: Thực hiện việc lưu giữ các giấy tờ, biên lai thu chi có liên quan tới hành vi xâm phạm giá trị nhân thân. Ở giải pháp này, để giải quyết được hạn chế chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra, việc mà ta cần làm đơn giản là phải lưu giữ lại các giấy tờ để chứng minh rằng có thiệt hại vật chất xảy ra hoặc là có phát sinh chi phí hợp lý như là chứng từ, hóa đơn, biên lai đóng tiền, biên lai thu tiền, tiền xe, tiền phòng trọ (nếu có) trong các hoạt động được thực hiện để nhằm hạn chế và khắc phục thiệt hại như là tiền tàu xe để đến Tòa án nơi người có hành vi xâm phạm cư trú, chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như lập vi bằng để Thừa phát lại ghi nhận lại hiện trạng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ luật Dân sự 2015; 2. Bộ luật Dân sự 2005; 3. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2019,2020; 2648
  9. 4. Hội đồng thẩm phán (2006), Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 của Hội đồng thẩm phán về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. 5. Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; 6. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; 7. Lê Minh Hùng, Sách tình huống Pháp luật hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam, năm 2019, tr. 446. 8. Bộ Tư pháp (2017), Những điểm mới cơ bản của Bộ luật dân sự năm 2015, Nxb Lao động, Hà Nội. 2649
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
9=>0