4. MUÔN MẶT CÔNG VIỆC QUẢN LÝ<br />
Không phải là mớ bòng bong của xung đột<br />
Nhưng cũng giống như thế giới hài hòa mà lộn xộn<br />
Nơi trật tự có mặt trong sự đa dạng ta nhìn<br />
Và nơi, dù mọi thứ khác biệt, đều đồng tình.<br />
Alexander Pope, Windsor Forest (Rừng Windsor)<br />
Chỉ cần dành vài giờ với các nhà quản lý, bạn sẽ dễ dàng bị choáng ngợp<br />
bởi sự đa dạng của công việc này: vị chủ tịch ngân hàng đi thăm các chi<br />
nhánh; người đại diện Hội Chữ thập đỏ để ý tới các xung đột tại một trại tị<br />
nạn; vị nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc luyện tập và biểu diễn; nhà lãnh đạo tổ<br />
chức phi chính phủ vừa đắm mình trong việc hoạch định lại vừa đương đầu<br />
với một thách thức về chính trị. Công việc quản lý quả thực muôn màu muôn<br />
vẻ tựa như cuộc sống, bởi nó thâu tóm biết bao nhiêu điều xảy ra trong cuộc<br />
sống này.<br />
Hai chương trước đã nghiên cứu các đặc trưng và vai trò chung của hoạt<br />
động quản lý. Chương 4 sẽ tập trung vào các dạng quản lý khác nhau. Làm<br />
thế nào tìm được trật tự trong sự đa dạng mà chúng ta nhìn thấy? Đó là chủ<br />
định của chương này.<br />
<br />
Công việc quản lý – mỗi lúc một yếu tố<br />
Chúng ta có xu hướng giải quyết lần lượt từng yếu tố. Giới hàn lâm gọi đó<br />
là “thuyết Tùy” (thuyết ứng phó với các tình huống bất ngờ), còn các yếu tố<br />
được gọi là “các nhân tố khả biến.” Trong nghiên cứu, các nhân tố khả biến<br />
này bị cô lập (chẳng hạn như quy mô của tổ chức hay cấp bậc quyền hạn), và<br />
người ta nghiên cứu sức ảnh hưởng của chúng tới việc thực thi quản lý. Ví<br />
dụ: “Tổ chức càng lớn thì các nhà quản lý cấp cao càng dành nhiều thời gian<br />
vào việc bàn bạc trao đổi” (1973).<br />
Nhưng giới hàn lâm không đơn độc. Xu hướng này còn tồn tại cả trong<br />
thực tiễn. Hãy nghĩ tới việc bạn thường xuyên được nghe hoặc hỏi về hàng<br />
loạt câu hỏi kiểu như nhà quản lý Nhật Bản khác với nhà quản lý Mỹ như thế<br />
nào, hoạt động quản lý trong chính phủ khác với trong lĩnh vực kinh doanh<br />
ra sao, quản lý “cấp cao” khác với quản lý “cấp trung” như thế nào.<br />
Đó cũng chính là nguyên do thúc đẩy tôi viết chương này. Tôi tách rời 12<br />
yếu tố chung được tìm thấy trong kho dữ liệu, cả về nghiên cứu lẫn ứng dụng<br />
(Fondas và Stewart, 1992), và cố gắng tóm tắt bằng chứng về từng yếu tố.<br />
Chúng thuộc năm nhóm sau:<br />
Phương diện ngoại biên: văn hóa dân tộc, lĩnh vực (kinh doanh, nhà nước,<br />
v.v…) và ngành nghề<br />
Phương diện tổ chức: dạng tổ chức (doanh nghiệp, chuyên nghiệp, v.v…)<br />
cùng thâm niên, quy mô, và giai đoạn phát triển của nó.<br />
Phương diện công việc: hệ thống cấp bậc trong quản lý và công việc (hoặc<br />
chức năng) được giám sát<br />
Phương diện tạm thời: các sức ép nhất thời và phong cách quản lý<br />
Phương diện cá nhân: kinh nghiệm của người giữ chức vụ, thâm niên<br />
(trong công việc, tổ chức, ngành) và phong cách cá nhân<br />
Nhưng khi tôi bắt đầu xem xét bằng chứng này, có điều gì đó dường như<br />
chưa thật ổn thỏa. Tôi không hài lòng với những luận điểm mà mình đưa ra,<br />
chắc chắn là chúng không tương xứng với sự đa dạng phong phú của 29<br />
ngày quản lý mà tôi đã theo dõi.<br />
<br />
Công việc quản lý – Mỗi thời điểm một ngày<br />
Vậy nên tôi đã đảo ngược quá trình. Tôi nhìn vào 29 ngày và tự hỏi, với<br />
mỗi ngày, những yếu tố nào gây sức ảnh hưởng đặc biệt tới hành xử của nhà<br />
quản lý.<br />
Câu trả lời khiến tôi ngạc nhiên: trong nhiều ngày, chỉ một vài yếu tố. Và<br />
một số yếu tố tiêu biểu nhất trong kho dữ liệu (chẳng hạn như văn hóa dân<br />
tộc) lại hầu như không có ảnh hưởng gì.<br />
Bảng 4.1 ghi lại những kết quả đó. Chúng thuộc trường phái ấn tượng –<br />
nhận xét cá nhân của tôi về những gì tôi quan sát – nhưng khi chúng ta tiếp<br />
tục, tôi nghĩ bạn sẽ coi trọng quan điểm của tôi (dù không nhất thiết phải<br />
đồng tình với mỗi nhận xét riêng lẻ). Các yếu tố có vẻ như ảnh hưởng lớn tới<br />
mỗi ngày được trình bày trong một ô màu; các yếu tố ít có ảnh hưởng nhất<br />
được thể hiện bằng một dấu chấm; còn các yếu tố ngẫu nhiên, có vẻ như<br />
không lý giải nhiều (hoặc là chẳng lý giải điều gì), được thể hiện bằng<br />
khoảng trống. Hãy chú ý tới tất cả các khoảng trống trong bảng.<br />
Trong 12 yếu tố, trung bình có khoảng 3 yếu tố có sức ảnh hưởng đặc biệt<br />
mỗi ngày, ảnh hưởng lớn nhất là 5, ảnh hưởng ít nhất là 1. Yếu tố nổi bật<br />
nhất là dạng tổ chức, có mặt 20 ngày trong số 29 ngày, tiếp đó là yếu tố về<br />
ngành nghề, xuất hiện trong 12 ngày. Ở đầu bên kia, phong cách chỉ đặc biệt<br />
ảnh hưởng tới một ngày trong số 29 ngày. Vì thế, các yếu tố được chú ý<br />
nhiều nhất trong kho dữ liệu, cả về mặt lý thuyết lẫn ứng dụng (chẳng hạn<br />
như văn hóa dân tộc và phong cách cá nhân), có lẽ không mấy quan trọng<br />
trong hoạt động của các nhà quản lý như người ta vẫn nghĩ, trong khi các<br />
yếu tố không được chú ý nhiều (dạng tổ chức, cũng như đặc trưng ngành<br />
nghề và thâm niên) có thể mang tầm quan trọng lớn hơn. Hơn thế nữa, một<br />
số yếu tố dường như rất rõ ràng khi đứng độc lập nhưng lại trở nên rối rắm<br />
khi xem xét cùng các yếu tố khác trên cùng một phương diện. Sau đây là ví<br />
dụ cho thấy điều này:<br />
Liệu Bramwell Tovey, nhạc trưởng dàn giao hưởng Winnipeg mang quốc<br />
tịch Anh hay biểu diễn tại Canada có phải là điều to tát không? Ông là một<br />
nhà quản lý “tối cao,” thậm chí là giám đốc cấp cao, song ông cũng đảm<br />
nhiệm vai trò giám sát, bởi đây là một tổ chức nhỏ không có cấp bậc quản lý.<br />
Thế còn phong cách cá nhân của ông thì sao? Đó là một yếu tố – luôn luôn là<br />
một yếu tố – nhấn mạnh về việc Bramwell làm việc như thế nào hơn là ông<br />
thật sự làm gì: ông chỉ huy dàn nhạc giống như mọi nhạc trưởng khác. Hai<br />
yếu tố có vẻ mang tính lý giải đặc biệt là ngành nghề (thực tế đó là một dàn<br />
nhạc giao hưởng) và dạng tổ chức (dàn nhạc bao gồm các nhạc công chuyên<br />
nghiệp được đào tạo bài bản).<br />
<br />