intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Nghệ thuật kể chuyện trong văn xuôi Nguyễn Thị Diệp Mai và Bích Ngân

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:7

47
lượt xem
5
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Văn xuôi Nguyễn Thị Diệp Mai và Bích Ngân phản ánh những vấn đề đa dạng trong đời sống xã hội và nhân tính con người. Nghiên cứu nghệ thuật kể chuyện thực chất là tìm hiểu một phương diện quan trọng của thi pháp xây dựng truyện ngắn, cung cấp một cái nhìn toàn diện và hệ thống về văn xuôi của hai nhà văn này. Sự lựa chọn ngôi kể đã tạo nên tính độc đáo, linh hoạt trong mỗi tác phẩm.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Nghệ thuật kể chuyện trong văn xuôi Nguyễn Thị Diệp Mai và Bích Ngân

  1. NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN THỊ DIỆP MAI VÀ BÍCH NGÂN TRẦN THỊ BÍCH THẢO Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Văn xuôi Nguyễn Thị Diệp Mai và Bích Ngân phản ánh những vấn đề đa dạng trong đời sống xã hội và nhân tính con người. Nghiên cứu nghệ thuật kể chuyện thực chất là tìm hiểu một phương diện quan trọng của thi pháp xây dựng truyện ngắn, cung cấp một cái nhìn toàn diện và hệ thống về văn xuôi của hai nhà văn này. Sự lựa chọn ngôi kể đã tạo nên tính độc đáo, linh hoạt trong mỗi tác phẩm. Sử dụng ngôi kể thứ nhất, ngôi kể thứ ba, đặc biệt người kể chuyện với cái tôi hư cấu đã tạo nên những cái tôi phong phú, sinh động. Lựa chọn ngôi kể phù hợp đã thể hiện những quan điểm, những cách nhìn độc đáo đa chiều của hai nhà văn nữ về hiện thực cuộc sống và khám phá thế giới nội tâm con người. Từ khoá: văn xuôi, nghệ thuật kể chuyện, ngôi kể 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Nằm trong dòng chảy chung của văn học thời đại, văn xuôi của Nguyễn Thị Diệp Mai và Bích Ngân đại diện tiêu biểu cho những đổi thay và cách tân của văn học thời kỳ đổi mới. Trong đó, việc xây dựng được những loại hình tượng người kể chuyện sinh động là một nỗ lực đáng ghi nhận của hai nhà văn này. Để tạo nên những câu chuyện đầy sức thuyết phục, tác giả đã vận dụng hết sức linh hoạt các hình thức tự sự để xây dựng nên nghệ thuật kể chuyện đa dạng. Việc tìm hiểu nghệ thuật kể chuyện trong văn xuôi của Diệp Mai và Bích Ngân giúp chúng ta xác định sâu sắc hơn vai trò của cấu trúc trần thuật trong việc làm nổi bật giá trị tư tưởng và nghệ thuật của các tác phẩm. 2. KỂ CHUYỆN NGÔI THỨ NHẤT VỚI CÁI TÔI TRẢI NGHIỆM Tự sự học là hệ thống lý thuyết có nội hàm nghiên cứu sâu rộng, bao gồm nhều thành phần của nghệ thuật tự sự. Trong đó, nghệ thuật kể chuyện là một yếu tố trọng yếu có khả năng chi phối đến việc tổ chức cấu trúc tác phẩm. Đối với mỗi nhà văn, việc lựa chọn ngôi kể đối với tác phẩm của mình là vấn đề rất quan trọng. Bởi vì, người kể chuyện thể hiện cách nhìn, cách đánh giá về con người, về cuộc sống của các nhà văn. Hình thức tự sự ngôi thứ nhất ở các truyện ngắn này khá đa dạng. Sử dụng ngôi kể thứ nhất để trần thuật giúp nhà văn đi sâu vào thế giới nội tâm của từng nhân vật. Với ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện không những miêu tả được các biến cố, sự kiện của tác phẩm mà còn cho phép nhà văn đi sâu vào thế giới bên trong của nhân vật. Người kể chuyện vừa là người kể lại câu chuyện vừa đóng vai trò là một nhân vật trong tác phẩm, bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm mang tính chủ quan. Khảo sát văn xuôi Diệp Mai và Bích Ngân, chúng tôi thấy rằng mỗi nhà văn có một sở trường khác nhau khi chọn ngôi kể thứ nhất và đằng sau đó có bóng dáng của những trải nghiệm và cá tính của riêng họ. Mỗi câu chuyện là một số phận khác nhau, tính cách khác nhau, do vậy thế giới nội tâm của từng nhân vật cũng khác nhau. Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất làm cho tác phẩm của họ dễ dàng hơn trong việc khám phá chiều sâu thế giới nội tâm của nhân vật và nó phù hợp với nhu cầu giãi bày, tự kể chuyện của các nhà văn nữ. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 305-311
  2. 306 TRẦN THỊ BÍCH THẢO Người kể chuyện ngôi thứ nhất trong sáng tác của nhà văn Bích Ngân khá nhiều, đó là những cái tôi mong muốn tự kể về mình với mong muốn được giãi bày. Trong truyện ngắn Biển, bình minh và đôi lứa, nhân vật tôi đã tự bộc bạch nỗi lòng của mình, đó cũng là tâm sự chung của những người phụ nữ hiện đại. Tình duyên đến muộn màng nhưng không vì như thế mà họ sẵn sàng chấp nhận một cuộc hôn nhân khi họ cảm nhận được sự chênh vênh trong lòng. “Sinh nhật lần thứ ba mươi tôi nhận lời cầu hôn. Ba mươi là tuổi bước đến một cái vạch có sắc màu chói mắt khiến tôi khựng lại. Tôi chùng chình rồi chợt nhận ra là mình không thể đi tiếp cuộc hành trình trong đơn độc. Tuy nhiên, đó chưa phải là lý do khiến tôi nhận lời khi anh nói cầu hôn mà chính là anh, người đàn ông tôi sẽ lấy làm chồng. Không đẹp trai, không ga lăng, không thề thốt: “Anh chỉ yêu em”, cũng không hứa hẹn rằng anh sẽ bao bọc tôi suốt đời; nhưng tôi thấy ở anh sự vững chãi của một người có thể làm trụ cột gia đình” [1, tr. 81]. Họ có những phút yếu đuối, cần một nơi vững chãi để nương tựa nhưng không vì thế mà họ nhắm mắt để quyết định vội vàng. Họ luôn thể hiện bản lĩnh để vượt qua và tìm con đường hạnh phúc cho riêng mình. Truyện ngắn Hai chấm sao xa đem đến cái tôi đầy trăn trở của một người phụ nữ trên con đường kiếm tìm hạnh phúc của mình. Hạnh phúc ngỡ là trong tay nhưng cô luôn cảm thấy có gì đó chông chênh khi những mặc cảm trong cô cứ giằng xé. “Lẽ ra tôi đang cuộn tròn trong vòng tay Huy. Lẽ ra tim tôi đầy ắp Huy. Lẽ ra trong đầu tôi không còn lướng vướng những câu hỏi và lơ lửng lời đáp. Và lẽ ra tôi phải lắng nghe những lời đáp thẳng thừng, rằng tôi đang tự lừa dối tôi. Tôi bay ra với Huy vì tôi chạy trốn sự cô quạnh. Tôi muốn làm vợ Huy vì tôi không muốn tiếp tục chống chọi với cuộc sống đơn chiếc của mình” [4, tr. 98]. “Tôi” luôn khao khát một sự đồng điệu với người đàn ông cô quyết định làm chồng mình, nhưng điều đó luôn là quá xa vời. Đó còn là câu chuyện cảm động khi nhân vật “tôi” chứng kiến về bà nội của mình ròng rã suốt mấy năm trời tìm hài cốt của đứa con gái hi sinh trong chiến tranh. Mỗi lần được gọi lên để xác nhận hài cốt nhưng rồi lại thất vọng trở về càng khứa sâu nỗi đau của bà nội. Cùng cảnh ngộ với bà nội là một người mẹ nữa giành quyền hương khói cho bộ hài cốt mà bà đinh ninh rằng đó là của con gái bà nhưng lại không phải. Truyện Con chung gợi cho người đọc những ám ảnh về những nỗi đau tấm lòng vĩ đại của những bà mẹ, những mất mát về tinh thần khi những đứa con hi sinh không tìm được hài cốt khiến lòng mẹ như lửa đốt. Hiểu được điều đó nên họ đồng cảm được với nhau và đùm bọc nhau cùng vượt qua đau thương. Nhà văn Diệp Mai đã thể hiện thành công ngôi kể thứ nhất trong truyện ngắn của mình. Dưới dạng kể chuyện mang tính tự thuật, chân dung nhân vật hiện lên một cách chân thực và rõ nét, mang tính chủ quan của nhân vật đồng thời đảm bảo độ chính xác và tin cậy. Xưng “tôi” để kể về câu chuyện của mình hoặc câu chuyện của một người khác nhưng với tư cách là vai chứng nhân, người kể chuyện có điều kiện bày tỏ thái độ, tình cảm và quan niệm sống của mình. Với truyện Dã Quỳ dị mộng, nhà văn đã để cho nhân vật xưng tôi kể về cảm xúc thật của mình. “Tôi” - Dã Quỳ, nói về cảm xúc thật của cô khi yêu một người nhưng lại chấp nhận làm vợ người kia, cô muốn chạy trốn cảm xúc của mình nhưng trái tim không tuân theo. “Vì sợ trái tim bất trị bay mất, tôi vội vã nhận lời làm vợ Hoàng. Tôi chạy trốn nỗi khát khao được gặp lại anh, được làm người đàn bà của anh. Tôi chạy trốn bằng cách biến mình thành người của công việc cho sự nghiệp, thành đàn bà cho gia đình, thành người vợ ngoan của Hoàng, thành người mẹ mẫu mực của con trai và thành osin cho chính mình” [3, tr. 12]. Trong truyện Những ả váy ngắn, nhà văn Diệp Mai lựa chọn ngôi kể thứ nhất, trao quyền giới thiệu cho các nhân vật tôi. Câu chuyện được kể lại với cái tôi đóng vai trò chính trong truyện, sử dụng trần thuật ngôi thứ nhất giúp cho nhân vật thoải mái kể về mình từ góc nhìn
  3. NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN THỊ DIỆP MAI VÀ BÍCH NGÂN 307 bên trong. Bốn nhân vật là bốn cái tôi cùng giới thiệu về mình và những biến cố của câu chuyện đó được kể lại bởi cái tôi mang chức năng kết nối câu chuyện. Ngôi kể thứ nhất trong Ngộ nhận vẫn là thiên đường đã bộc lộ chiều sâu nội tâm bên trong của nhân vật. Cô gái kể quá khứ mà cô đã trải qua và cả hiện tại, về những mối tình mà cô chỉ là người tình mà người đàn ông đó xem như qua đường. Để khi gặp gỡ một người mới thì những ám ảnh về quá khứ khiến cô không thể tiếp tục yêu. “Tôi giải thích với anh sao đây. Giải thích rằng bác sĩ nói tại tôi tự làm tổn thương mình nếu gặp lại bất cứ thứ hình ảnh nào gợi lại ký ức về người ấy. Tại vì anh hỏi quá nhiều câu ngày xưa người ấy đã nói. Tại anh ghì chặt tôi như người ấy đã từng làm. Tại tôi tự làm mình đau khi không thể tin anh thật lòng yêu vì tôi là tôi chứ không phải là một người vui vội qua đường. Tại tôi không thể vượt qua bản thân mình… Và tại một ngàn lý do khiến tôi không thể mở miệng trả lời được” [3, tr. 99]. Sự kết hợp nhiều hình thức tự sự đa dạng đã đem lại cho tác phẩm cái nhìn đa chiều hấp dẫn, đồng thời mở rộng tầm khái quát hiện thực của truyện ngắn. Tự sự ngôi thứ nhất giúp người kể chuyện thể hiện được tính cá thể cao trong lời kể, người kể chuyện có khả năng bộc lộ chiều sâu trong nhận thức và thể hiện sâu sắc quá trình tự vấn của bản thân. Ở ngôi kể thứ nhất với điểm nhìn bên trong khám phá thế giới nội tâm nhân vật, văn xuôi của Diệp Mai và Bích Ngân đã phát huy tối đa khả năng khám phá chiều sâu bản thể con người, khám phá những gì thiêng liêng, cao cả nhất trong mỗi con người. 3. KỂ CHUYỆN NGÔI THỨ NHẤT VỚI CÁI TÔI HƯ CẤU Văn học nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống nhưng không sao chép, mang tính sáng tạo. Từ những chất liệu thực tế, nghệ sĩ tổ chức, nhào nặn, tạo ra những hình tượng nghệ thuật sinh động, rõ nét và điển hình hơn, tuỳ thuộc chủ đề của tác phẩm. Hư cấu chính là phương thức xây dựng hình tượng điển hình qua việc sáng tạo ra những giá trị mới, những yếu tố mới như: sự kiện, cảnh vật, nhân vật trong một tác phẩm theo sự tưởng tượng của tác giả. Đây là một yếu tố không thể thiếu của sáng tác văn học nghệ thuật. Không lựa chọn cái tôi hư cấu phong phú về nhân vật như các nhà văn khác, qua khảo sát văn xuôi của Bích Ngân, chúng tôi thấy rằng nhà văn sử dụng nghệ thuật hư cấu đa số là các nhân vật nam giới, chứng kiến hoặc trải nghiệm câu chuyện. Qua cái tôi nam giới, câu chuyện Ẩn hiện trong mưa được kể cảm động với những biến cố thực trong cuộc sống nhưng không phải người đàn ông nào cũng bộc bạch ra được. Chính điều đó tạo nên cho người đọc những bất ngờ và sự đồng cảm với nhân vật. Đó là câu chuyện về người vợ bị những nỗi sợ hãi ám ảnh khi phải từ bỏ đứa con chưa thành hình của mình, cảm xúc của “tôi” khi bị người vợ giấu giếm uống thuốc ngủ khi mang thai. “Tôi hết sức bất ngờ vì quả thật tôi không rõ ràng nàng dùng thuốc khi nào, bởi chưa lần nào tôi nhìn thấy nàng bỏ viên thuốc vào miệng và cũng chưa nghe nàng ca cẩm về chứng khó ngủ…” [5, tr. 141]. Những cố gắng an ủi động viên người vợ cũng không có kết quả tốt mà tình trạng người vợ càng thêm tồi tệ và người chồng càng thấy rõ khoảng cách giữa hai người. Cõi riêng là câu chuyện viết về những xúc cảm của một người đàn ông, những xáo động trong gia đình vì cõi riêng của mỗi người đã thực sự làm đổ vỡ hạnh phúc. Những dòng văn thấm đẫm cảm xúc đau xót của nhân vật tôi thực sự đã chạm tới tâm hồn bạn đọc. “Vẫn đưa mắt ra khung của sổ, nàng tìm kiếm mải miết trong bóng tối lễnh loãng của đêm. Cái nhìn chăm chú xa xăm ấy của nàng làm tôi đau hơn bất kỳ thái độ cuồng nộ, gây gổ đôi khi xấc xược, tàn nhẫn của nàng dành cho tôi, riêng tôi - chồng nàng” [6, tr. 107]. Không muốn làm khổ cho cả hai, “tôi” tự nguyện ra đi dù trong lòng xót xa khôn cùng.
  4. 308 TRẦN THỊ BÍCH THẢO Câu chuyện là một cái nhìn tinh tế và sâu sắc của nhà văn trong việc đi sâu vào thế giới nội tâm của nam giới. Không chỉ những người phụ nữ mới là những người phải chịu những đau khổ trong tâm hồn mà những người đàn ông từ trong sâu thẳm tâm hồn, sự đổ vỡ hôn nhân là điều họ không muốn nhưng cũng không thể tránh được. Trong tiểu thuyết Thế giới xô lệch, mượn môt cái tôi hư cấu nhưng thực sự nhà văn đã cho người đọc thấy được sự gò công xây dựng một nhân vật tôi nam giới nhạy cảm, tinh tế với cái nhìn sâu sắc về cuộc sống. Bước ra từ cuộc chiến tranh với hình hài thiếu mất đôi chân, anh không thể đảm đương được những công việc bình thường. Tuy mặc cảm tự ti nhưng anh ta không đánh mất mình, luôn khao khát sống có ích và khao khát giao cảm yêu thương. Những trăn trở trong suy nghĩ khiến nhân vật tôi luôn tự cật vấn mình. “Và khi cái ranh giới giữa ngày và đêm mất đi, thì đâu đó trong sâu thẳm tôi, cứ cồn cào câu xé cái dự cảm bất an. Bất an phập phồng câu hỏi, liệu tôi một người chồng thiếu mất đôi chân, có thể đem lại hạnh phúc cho một trinh nữ có cái bóng bơ vơ?” [7, tr. 174]. Nhà văn Diệp Mai đã rất tinh tế khi xây dựng kiểu nhân vật với cái tôi hư cấu là nam giới. Với tấm lòng bao dung đồng cảm với những nỗi xót xa đối với những người phụ nữ bị phụ bạc, nhà văn đã để cho sự đồng cảm yêu thương chân thành từ một người đàn ông, một người quan trọng mà người phụ nữ cần sẻ chia trong lúc đớn đau nhất. Trong Lấy tay che mặt, cái tôi nam giới bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình: “Xuyên không thích nhìn mặt tôi lúc yêu đương. Cái không thích đó khiến tôi luôn sống trong cảm giác: Xuyên không yêu tôi. Cảm giác ấy làm tôi đau khổ một thì chuyện Xuyên rất sẵn sàng khơi dậy và chà đạp những gã đàn ông bám theo, trong số đó không biết có tôi hay không, làm tôi đau khổ gấp mười, gấp trăm lần. Trời ạ, tôi không thể nào rời bỏ Xuyên. Tôi yêu như khùng, như điên” [3, tr. 104]. Trong Dã Quỳ dị mộng, nhà văn Diệp Mai đã thể hiện thành công kiểu trần thuật xưng tôi, gợi suy nghĩ của nhân vật. Mỗi nhân vật đều được nhà văn mổ xẻ những suy nghĩ giấu kín trong lòng. Khi đọc tác phẩm này, ta thấy mỗi nhân vật đều giữ những hoài nghi của riêng mình, nhà văn bằng mạch câu chuyện đã giải đáp những thắc mắc cho người đọc thấy được những tình cảm của nhân vật. “Tôi - Cơn Lốc” với tình yêu dành cho Dã Quỳ: “Không còn gì hối tiếc nếu ra đi trừ tình yêu của Dã Quỳ. Phải làm sao để lại cho em một niềm tin là tôi yêu em, thật sự yêu. Chứng minh thế nào để Dã Quỳ hiểu tình yêu ấy đây? Dã Quỳ còn cả nửa đoạn đời phải đi tiếp. Em chỉ có thể đi tiếp khi tin rằng dù tôi mất đi thì tình yêu vẫn còn và có người khác vẫn tiếp tục yêu em” [3, tr. 18]. Và “Tôi - Hoàng” một người đàn ông có tình yêu cao thượng và lòng vị tha. Với những dòng bộc bạch, nhà văn cho người đọc thấy được cảm xúc đau đớn của Hoàng khi quyết định để cho vợ mình đến bên người đàn ông của cô ấy, người đàn ông sắp từ giã cõi đời này. Gần gũi với cuộc sống, văn xuôi Diệp Mai và Bích Ngân là những góc quay vừa cay đắng, vừa ngọt ngào về tình yêu và về tình người. Không xa lạ cũng không quá cao sang, những câu chuyện của họ là những lát cắt của cuộc sống đang bề bộn diễn ra trước mắt. Đừng suy nghĩ và cố kiếm tìm bóng dáng của người nào đó trong văn xuôi của họ bởi người kể chuyện xưng tôi ấy không phải là ai đó cụ thể mà chỉ là một bản mẫu được nhào nặn bởi bao số phận, bao con người mà nhà văn đã từng gặp trong cuộc sống. 4. KỂ CHUYỆN NGÔI THỨ BA VÀ KHẢ NĂNG CHIẾM LĨNH HIỆN THỰC Nếu như người kể chuyện ở ngôi thứ nhất được xuất hiện trực tiếp xưng “tôi” hoặc “chúng tôi” thì đối lập lại ở ngôi kể thứ ba, người kể chuyện không được biểu thị trực tiếp bằng đại từ mà được gọi bằng người kể chuyện hàm ẩn và luôn được cụ thể hoá bằng tên riêng. Kể chuyện thứ ba là ngôi kể rất phổ biến trong văn học truyền thống, nó có lợi thế vươn xa và phản ánh mọi vấn đề của hiện thực của đời sống, thường mang tính khách quan bởi nó để cho
  5. NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN THỊ DIỆP MAI VÀ BÍCH NGÂN 309 nhân vật tự thể hiện. Trong giao tiếp, người kể chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai có thể trao đổi vị trí truyền phát và nhận thông tin cho nhau nhưng ngôi kể thứ ba thì không thể ở một trong hai vị trí đó vì bản thân nó là một biến cố nên nó không thể tự kể lể về mình. Người kể chuyện ngôi thứ ba luôn được giấu mặt, đứng đằng sau văn bản để kể lại câu chuyện. Nó đẩy nhân vật ra trước độc giả, vì thế không thấy xuất hiện người kể chuyện mà chỉ thấy hành động bằng hiện thực. Với kiểu trần thuật ngôi thứ ba, câu chuyện được kể lại bởi một người không phải là nhân vật trong truyện, người trần thuật nằm ngoài những biến cố, sự kiện của câu chuyện mà được nó kể lại. Đây là kiểu trần thuật dấu mặt, không công khai, không lộ diện. Trong truyện Bốn nữ ký giả, người kể chuyện không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm mà đứng bên ngoài thế giới nhân vật. Không theo điểm nhìn của nhân vật mà người kể chuyện kể theo điểm nhìn của chính mình, những điều mình thấy và cảm nhận được. Những biến cố trong câu chuyện bắt đầu khi An được bổ nhiệm làm người chịu trách nhiệm cao nhất ở một toà soạn đến những thành công cô mang lại cho toà soạn. “An nhìn khung chỉ ngày trên máy tính. Hôm nay đúng ba năm cô về toà soạn. Vất vả khỏi phải nói. Toà soạn giờ đâu vào nếp nấy. Tờ báo ngày càng được nhiều người hoan nghênh. Số lượng phát hành tăng gấp đôi, bán được cả ra ngoài tỉnh” [2, tr. 219]. Người kể chuyện ẩn giấu đằng sau văn bản, đứng ngoài hiện thực câu chuyện để kể, bởi vậy lời kể trong chuyện không mang giọng chủ quan của nhân vật. Người kể chuyện nằm hoàn toàn ngoài những biến cố, sự kiện của câu chuyện mà nó kể lại, điều này có ưu thế rất lớn cho nhà văn trong việc phản ánh hiện thực một cách khách quan. Không bị hạn chế bởi tầm nhìn của nhân vật, với sự lựa chọn ngôi kể thứ ba này nhà văn đã phản ánh hiện thực của đời sống và khả năng biểu hiện con người độc đáo. Sử dụng ngôi kể thứ ba, nhà văn trao quyền kể chuyện cho các nhân vật được tự do kể về mình, về những điều được chứng kiến. Trong văn xuôi Bích Ngân, người đọc có thể thấy được đằng sau các nhân vật luôn ẩn giấu bên trong là những câu chuyện cuộc đời, những trải nghiệm của nhà văn. Người đọc thường bắt gặp trong sáng tác của nhà văn Bích Ngân thế giới riêng chỉ có mẹ và con. Thấp thoáng trong một số tác phẩm của Bích Ngân là những nhân vật mang bóng dáng của chị. Như Thuỳ trongLong lanh ký ức là một người phụ nữ “ương bướng, dễ bốc đồng, muốn làm cái gì là làm bằng được, bất chấp lời khuyên, bất chấp những hậu quả nhãn tiền. Ngay cả việc hệ trọng là chọn bạn đời, Thuỳ cũng hành động theo thói đồng bóng thời thượng là lấy người đàn ông có cái phong thái phớt đời và bộ ria giống bộ ria của Rhett trong phim Cuốn theo chiều gió mà không nhận ra mình không phải là Scarlet và ngay cả người tài sắc mạnh mẽ như Scarlet cũng đã không giữ được người mình yêu” [5, tr. 60]. Không chấp nhận được cuộc sống đơn điệu, cô chị trong Thế giới xô lệch đã từ bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi của trái tim mà chị cho rằng đó là hạnh phúc để rồi kết cục nhận được vẫn là sự cô đơn, xót xa. “Mái tóc dày đen của hắn vuốt ngược ra sau, khoe cái đuôi rùa chỗ chân tóc. Hắn có một bộ ria của anh rể tôi, bộ ria của Rhett Butler trong bộ tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió mà chị tôi mê mẩn. Và một đôi mắt nhìn thẳng. Hắn nhìn tôi nhưng ánh mắt ấy không phải cho tôi. Có lẽ chị tôi đã mê hoặc và bị nhấn chìm bởi ánh mắt thăm thẳm như mặt hồ đêm của hắn” [7, tr. 21]. Tuy đứng ngoài kể lại những câu chuyện nhưng ngôi kể thứ ba đã có được cái nhìn bao quát toàn bộ câu chuyện và có thể hiểu thấu đáo trước mọi diễn biến. Ngôi kể này thể hiện được nội tâm xót xa của những người phụ nữ bất hạnh, phản ánh lại hiện thực và những sự việc đang xảy ra trong tác phẩm một cách khách quan nhất. Đó là những góc riêng của mẹ và con không ai được phép xâm phạm trong Long lanh ký ức, Hạnh trong Cái rùng mình của vũ
  6. 310 TRẦN THỊ BÍCH THẢO trụ hay những cảnh ngộ xót xa của những cô gái như Thi trong Bồng bềnh thiên sứ, Thuý trong Biển không có hoa hồng, Thư trong Phế tích,… và Lam trong Kẻ tống tình… Sử dụng ngôi kể thứ ba, nhà văn đã tái hiện thành công được gương mặt quá khứ từ góc nhìn hiện tại, hiện thực cuộc sống và số phận con người hiện lên với đầy đủ vẻ vốn có của nó. Chiến trong truyện Những chiếc lông cò dù được người vợ đánh bóng về lí lịch và ngoại hình nhưng từ trong sâu thẳm anh cũng không bao giờ quên được quá khứ của mình, và nhất là khi đứa con riêng tìm đến anh. Hay Hiếu trong Trăng vỡ cũng không thể quên được việc làm tàn nhẫn của anh đối với con Phèn, để rồi chuyện đó cứ ám ảnh mãi đến cuộc sống của anh, muốn trốn tránh nhưng lại càng nhớ về nó. “Gió, dường như không còn là tiếng gió dặt dìu. Sóng, dường như không còn là những con sóng mơn man. Chúng hoà điệu. chúng hú lên từng tràng, từng tràng. Mặt biển dưới ánh trăng chỉ còn là những mảnh vỡ. Vô số những mảnh vỡ. Ánh trăng nhễ nhại, thịt da nhễ nhại, chuỗi chuỗi mê đắm… rùng rùng bục vỡ, từng tràng âm thanh rờn rợn. Những tiếng tru dài….” [5, tr. 48]. Trao quyền kể lại câu chuyện cho nhân vật, tác giả hàm ẩn không xâm nhập hay can thiệp vào câu chuyện để mặc các sự kiện của câu chuyện trải ra theo tự nhiên. Câu chuyện được bộc lộ khách quan và thế giới nội tâm nhân vật được bộc lộ rõ nét hơn. Lựa chọn ngôi kể thứ ba, nhà văn đã cho người đọc có một cái nhìn khách quan về những sự việc diễn ra, tạo nên một sự độc đáo cho những xúc cảm của các nhân vật trong tác phẩm được tuôn trào. 5. KẾT LUẬN Sự tương tác, đối thoại giữa những ý thức chủ thể độc lập góp phần tạo nên tiếng nói đa thanh, đa giọng điệu trong tác phẩm. Sự lựa chọn ngôi kể đã tạo nên tính độc đáo, linh hoạt trong mỗi tác phẩm của Nguyễn Thị Diệp Mai và Bích Ngân. Sử dụng ngôi thứ nhất, tác phẩm đã soi rọi vào tận đáy tâm hồn nhân vật để nhân vật tự bộc lộ nội tâm của mình. Ngôi thứ ba tạo nên cái nhìn khách quan về những sự việc diễn ra, thể hiện được những xúc cảm của nhân vật. Đặc biệt với sự tưởng tượng, hư cấu đã tạo nên những cái tôi phong phú, sinh động. Lựa chọn ngôi kể phù hợp đã thể hiện những quan điểm, những cách nhìn độc đáo đa chiều của hai nhà văn về hiện thực cuộc sống và khám phá thế giới nội tâm của con người. Thông qua nghệ thuật kể chuyện, Nguyễn Thị Diệp Mai và Bích Ngân đã thể hiện những quan niệm sâu sắc của mình về bản chất của đời sống xã hội hiện tại. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng những vấn đề triết lý sâu sắc có khả năng lay động suy nghĩ và cảm xúc của người đọc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Nguyễn Danh Lam - Bích Ngân - Phan Hồn Nhiên - Trần Nhã Thụy (2012). Say sóng (20 truyện ngắn mới nhất), NXB Văn hoá - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. [2] Diệp Mai, Huệ Minh, Thái Lê (2007) (Tuyển chọn và giới thiệu). Truyện ngắn ba tác giả nữ, NXB Công an nhân dân, Thành phố Hồ Chí Minh. [3] Nguyễn Thị Diệp Mai (2010). Ngộ nhận vẫn là thiên đường, NXB Phụ nữ, Thành phố Hồ Chí Minh. [4] Trịnh Bích Ngân (2011). Người đàn bà bơi trên sóng (tập truyện ngắn), NXB Văn hoá - Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. [5] Trịnh Bích Ngân (2009). Làn gió hôm qua (tập truyện ngắn), NXB Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. [6] Trịnh Bích Ngân (2012). Bồng bềnh thiên sứ (tập truyện ngắn), NXB Văn học, Hà Nội. [7] Trịnh Bích Ngân (2009). Thế giới xô lệch, NXB Hội nhà văn, Hà Nội.
  7. NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI NGUYỄN THỊ DIỆP MAI VÀ BÍCH NGÂN 311 Title: THE ART OF NARRATIVE IN PROSE OF NGUYEN THI DIEP MAI AND BICH NGAN Abstract: The Proses of Nguyen Thi Diep Mai and Bich Ngan reflect various issues in social life and man humanity. Actually, the research of narrative art is learning about a crucial aspect of building poetics of short stories, providing a comprehensive and systematic view about these two writers’ prose. The choice of grammatical person has created originality, versatility in every work. The use of first person, second person, third person, especially the storyteller with fictional ego has created vivid and various grammatical person. Choosing suitable grammatical person has shown the points of view, the unique multi-dimensional view of two women writers of realistic life and discover one's inner world. Keywords: prose, narrative art, person TRẦN THỊ BÍCH THẢO Học viên Cao học, chuyên ngành Văn học Việt Nam, khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0915 804 306 , Email: bichthaoqb89@gmail.com
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
12=>0