L. T. B. Thủy / Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong tập truyện ngắn “Mây và mặt trời”…<br />
<br />
NGHỆ THUẬT MIÊU TẢ TÂM LÝ NHÂN VẬT TRONG TẬP TRUYỆN NGẮN<br />
MÂY VÀ MẶT TRỜI CỦA RABINDRANATH TAGORE<br />
Lê Thị Bích Thủy<br />
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh<br />
Ngày nhận bài 03/7/2017, ngày nhận đăng 05/10/2017<br />
Tóm tắt: Rabindranath Tagore được xem là thiên tài kỳ diệu của văn học Ấn Độ.<br />
Suốt cuộc đời, R. Tagore đã cất lên những bài đạo ca để tôn vinh, tỏ lòng sùng kính đối<br />
với con người. Những sáng tác của ông luôn xuất phát từ lòng yêu thương con người.<br />
Mây và mặt trời là tập truyện ngắn thành công trên nhiều phương diện và nổi bật là<br />
nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. R. Tagore thường nhìn sâu vào thế giới nội tâm<br />
con người bằng đôi mắt của tình yêu thương và miêu tả tâm lý nhân vật thông qua hình<br />
ảnh thiên nhiên, ngôn ngữ và cử chỉ, hành động của nhân vật. Qua đó, người đọc thấy<br />
được quan niệm nghệ thuật, quan niệm nhân sinh cũng như tài năng văn chương của<br />
nhà văn vĩ đại R. Tagore.<br />
<br />
1. Mở đầu<br />
Rabindranath Tagore là ngôi sao sáng<br />
của nền văn hóa, văn học Ấn Độ, được<br />
coi như mặt trời của Ấn Độ, là nhà khai<br />
sáng vĩ đại và “đỉnh cao của văn hóa nhân<br />
loại”. Qua sáng tác của mình, ông lên án<br />
xã hội với những quan niệm lạc hậu, sự<br />
phân biệt đẳng cấp, sự bất công và áp bức,<br />
bóc lột của thực dân đã khiến cho nhân<br />
dân Ấn Độ phải chịu nhiều đau khổ. Đồng<br />
thời, những sáng tác của ông còn thể hiện<br />
rõ “tinh thần nhân đạo chủ nghĩa, lòng<br />
yêu thiên nhiên, đất nước và con người<br />
Ấn Độ, lòng yêu nhân loại, yêu hòa bình<br />
và tinh thần chống phong kiến thực dân<br />
đế quốc, chống chiến tranh” [3, tr. 827].<br />
R. Tagore đặt ra nhiều vấn đề trong các<br />
tác phẩm mà nổi bật là vấn đề giải phóng<br />
dân tộc, giải phóng phụ nữ, bảo vệ trẻ em<br />
và tìm kiếm tự do đích thực cho con<br />
người.<br />
Tập truyện ngắn Mây và mặt trời gồm<br />
25 truyện ngắn với thế giới nhân vật<br />
phong phú, đa dạng và phức tạp. Trong<br />
đó, ông luôn dành nhiều tình cảm cho<br />
những nhân vật chịu nhiều thiệt thòi bất<br />
công trong xã hội như trẻ em, phụ nữ,<br />
.<br />
<br />
Email: Lebichthuyhcm@gmail.com<br />
<br />
56<br />
<br />
người lao động nghèo, những trí thức yêu<br />
nước… Khi miêu tả nhân vật, R. Tagore<br />
thường nhìn sâu vào thế giới nội tâm bằng<br />
đôi mắt của tình yêu thương. R. Tagore<br />
miêu tả tâm lý nhân vật với quá trình diễn<br />
biến tâm lý thông qua cách miêu tả trực<br />
tiếp tâm lý nhân vật, miêu tả thông qua<br />
những hình ảnh thiên nhiên, qua ngôn<br />
ngữ, cử chỉ và hành động của nhân vật.<br />
2. Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân<br />
vật trong tập truyện ngắn Mây và mặt<br />
trời của R. Tagore<br />
2.1. Miêu tả trực tiếp tâm lý nhân vật<br />
R. Tagore thành công trong miêu tả<br />
trực tiếp tâm lý nhân vật qua việc nắm bắt<br />
những nét tâm lý riêng biệt của từng nhân<br />
vật và quá trình diễn biến tâm lý của nhân<br />
vật qua những bối cảnh rộng và bối cảnh<br />
cụ thể. Trong đó, trẻ em là đối tượng được<br />
R. Tagore khắc họa có chiều sâu, với<br />
những phẩm chất trong sáng, thơ ngây và<br />
tốt đẹp. Trong tập Mây và mặt trời có<br />
12/25 truyện xuất hiện nhân vật trẻ em và<br />
phần lớn nhân vật trẻ em giữ vai trò là<br />
nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong<br />
những tác phẩm này, nhân vật trẻ em<br />
<br />
Trường Đại học Vinh<br />
<br />
thường là điểm hội tụ nhiều nhất các chi<br />
tiết quan trọng, các vấn đề trung tâm, các<br />
mâu thuẫn, các quan điểm nghệ thuật,<br />
triết học của tác phẩm. Đồng thời, trẻ em<br />
cũng là những nhân vật trung tâm có ảnh<br />
hưởng rất lớn tới chiều hướng vận động<br />
của các chi tiết trong tác phẩm. Để người<br />
đọc hiểu rõ hơn về thế giới tâm hồn trẻ<br />
thơ, R. Tagore sử dụng phương thức miêu<br />
tả tâm lý trực tiếp. Sự miêu tả này thường<br />
nằm ở những lời bình luận của người kể<br />
chuyện hay những lời nửa trực tiếp xuất<br />
hiện cùng với những lời miêu tả ngôn<br />
ngữ, hành động, cử chỉ của nhân vật. Đối<br />
với những trẻ em có cuộc sống tốt đẹp,<br />
bình yên thì thế giới tâm hồn của các em<br />
rất dễ miêu tả và nắm bắt như trong<br />
truyện Người chủ bút, Bác hàng rong<br />
người Kabun… Nhưng với những nhân<br />
vật trẻ em bất hạnh, thế giới tâm hồn của<br />
các em có nhiều dằn vặt, khổ đau, mâu<br />
thuẫn nên tác giả phải sử dụng nhiều hơn<br />
những lời miêu tả trực tiếp tâm lý nhân<br />
vật như truyện Đứa trẻ bơ vơ, Kẻ lang<br />
thang, Xuba… R. Tagore đã miêu tả trực<br />
tiếp tâm lý đau khổ, ghen tức của cậu bé<br />
Ninkata trong Đứa trẻ bơ vơ khi thấy<br />
mình trở thành kẻ bị bỏ rơi và đẩy ra<br />
ngoài lề từ lúc có Xatit, người em trai của<br />
Sarat xuất hiện: “Trong lòng nó tràn đầy<br />
một nỗi cay đắng mà nó cảm thấy phải<br />
trút lên đầu ai nỗi cay đắng ấy hoặc một<br />
cái gì đó cho bõ hờn” [2, tr. 281]. Do đó,<br />
Ninkata đã phá phách vô lối, đánh bạn,<br />
đánh chó, đánh cả những cái cây ven<br />
đường và rồi nó bỏ ăn, khóc thầm trong<br />
bóng tối sau những nỗ lực để Kiran quan<br />
tâm nhưng đều vô ích: “Và nó mong đợi<br />
được ai đền bù? Cuối cùng khi không có<br />
ai đến, Bà - Mẹ - Giấc - Ngủ, bằng những<br />
vuốt ve êm ái đã xoa dịu trái tim bị<br />
thương của đứa trẻ không mẹ” [2, tr. 282].<br />
Đặc biệt, tâm trạng phức tạp, ngổn ngang<br />
với những giằng xé của Ninkata khi thấy<br />
Kiran phát hiện ra thứ đồ bị mất ở trong<br />
<br />
Tạp chí khoa học, Tập 46, Số 2B (2017), tr. 56-62<br />
<br />
rương của nó. Đó là tâm trạng xấu hổ của<br />
một tên trộm khi bị phát hiện xen lẫn tâm<br />
trạng phẫn uất khi không thể thanh minh<br />
cho hành động lấy trộm cái giá bút của<br />
Xatit không phải xuất phát từ lòng tham<br />
và đặc biệt là cảm giác buồn tủi khi bị<br />
Kiran rình nó như một kẻ trộm. R. Tagore<br />
đã miêu tả tâm trạng phức tạp với những<br />
hoảng loạn, rối bời đau khổ qua việc pha<br />
trộn các câu hỏi, câu trần thuật, câu cầu<br />
khiến xen lẫn với những lời thoại giả<br />
định: “Làm sao nó có thể hy vọng nổi cho<br />
nàng tin được nó không phải là một đứa<br />
ăn trộm, mà chỉ do muốn báo thù nó đã<br />
lấy cái giá bút, định bụng hễ có dịp là<br />
quảng ngay xuống sông? Nhưng trong<br />
một phút yếu đuối nó đã nhét chiếc giá<br />
bút ấy vào rương. “Tôi không phải là một<br />
thằng ăn cắp”, trái tim nó gào lên “Tôi<br />
không phải một thằng ăn cắp!”. Vậy thì<br />
nó là gì? Nó có thể nói gì được? Nói rằng<br />
nó đã lấy cắp, nhưng nó vẫn không phải là<br />
một kẻ cắp ư? Không bao giờ nó có thể<br />
giải thích được cho Kiran hiểu là nàng<br />
tưởng lầm biết bao và làm sao nó chịu nổi<br />
cái ý nghĩ là chị đã tìm cách dò la nó” [2,<br />
tr. 286]. Bằng sự thấu hiểu tâm lý trẻ thơ,<br />
qua việc miêu tả những trạng thái tâm lý<br />
hờn ghen, vỡ mộng của đứa trẻ, R. Tagore<br />
đã cho người đọc hiểu rằng nguyên nhân<br />
sâu xa của những hành động của trẻ thơ<br />
đều xuất phát từ nhu cầu tình cảm, chúng<br />
thiếu thốn tình yêu thương nên rất cần<br />
được yêu thương.<br />
Thế giới tâm hồn của người phụ nữ<br />
đang yêu là một thế giới tâm trạng phức<br />
tạp và đầy mâu thuẫn. Đó là cảm giác<br />
choáng ngợp trước cuộc đời của những cô<br />
gái suốt ngày chỉ ở trong những bức<br />
tường của ngôi nhà, cũng có khi là niềm<br />
hối hận nuối tiếc khôn nguôi của con<br />
người tưởng chừng như đã để hạnh phúc<br />
tuột khỏi tầm tay, có khi là tâm trạng đau<br />
khổ, thất vọng khi người phụ nữ hiểu rõ<br />
sức mạnh tình yêu không đủ để vượt qua<br />
57<br />
<br />
L. T. B. Thủy / Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong tập truyện ngắn “Mây và mặt trời”…<br />
<br />
những ràng buộc khắt khe của tôn giáo.<br />
Những biểu hiện, hành động bề ngoài của<br />
nhân vật tưởng chừng như phi logic<br />
nhưng R. Tagore đã nắm bắt được những<br />
trạng thái tâm lý riêng biệt, nhỏ lẻ, bằng<br />
những lời bình luận, phân tích của mình,<br />
ông đã chứng minh cho người đọc thấy<br />
logic bên trong nhân vật - logic của tình<br />
yêu thương. Tác giả thường dành những<br />
đoạn văn có dung lương dài trong khuôn<br />
khổ hạn chế của truyện ngắn để giúp nhân<br />
vật giải bày tâm trạng. Cô gái Giribala<br />
trong truyện Mây và mặt trời luôn dùng<br />
những trò tinh nghịch để thu hút sự chú ý<br />
của Xasibuxan khi chàng đang mải mê<br />
đọc sách bên ngoài cửa sổ. Tưởng chừng<br />
như hành động này thật khó hiểu và khó<br />
lý giải, nhưng nhìn bằng đôi mắt của một<br />
nhà tâm lý, R. Tagore cho người đọc thấy<br />
đó là hành động của một cô gái đang yêu.<br />
Ông mô tả tường tận những nét tâm lý<br />
vừa yêu thương, vừa hờn giận của cô gái<br />
khi cô muốn tạo điều kiện để chàng trai<br />
chủ động bắt chuyện với mình nhưng<br />
chàng trai chỉ biết đến sách vở đã không<br />
hiểu ý cô. Tác giả miêu tả trực tiếp tâm<br />
trạng của cô gái khi những cố gắng của cô<br />
không được đáp đền: “Giribala rưng rưng<br />
nước mắt. Cô thấy trái tim tổn thương của<br />
mình được an ủi đôi phần khi nghĩ rằng<br />
Xasibuxan sẽ vô cùng hối hận nếu cô<br />
quên các bài học anh đã dạy, và trong óc<br />
tưởng tượng của cô bé bỗng vọt ra một<br />
dòng suối xót thương cho cô bé Girabala<br />
tội nghiệp này, đã quên mất hết những gì<br />
đã học chỉ vì lỗi lầm của Xasibuxan” [2,<br />
tr. 31]. Cũng có khi R. Tagore dùng<br />
những câu văn dài mở rộng biên độ so<br />
sánh, liên tưởng để miêu tả tâm lý nhân<br />
vật thấm đẫm chất trữ tình với những hình<br />
ảnh thiên nhiên vừa sống động vừa gần<br />
gũi: “Cô thấy cuộc sống ấy trôi đi nhẹ<br />
nhàng như một con suối trong trẻo, rì rầm.<br />
Cô tưởng mọi con đường của thế giới<br />
trước mặt cô đều rộng rãi, thẳng tắp và<br />
58<br />
<br />
huy hoàng. Cô nghĩ tất cả hạnh phúc đợi<br />
chờ ngay ngoài cửa sổ nhà mình. Chỉ có<br />
trong trái tim khốn khổ, xốn xang của các<br />
cô gái ham muốn không được thỏa mãn<br />
mới tìm thấy chất nuôi dưỡng chúng.<br />
Ngọn gió xuân nhè nhẹ thổi vào từng thớ<br />
thịt con người cô, trái đất mênh mông<br />
được bao bọc trong một làn hơi ấm áp.<br />
Hemsasi có cảm tưởng bầu trời xanh rờn<br />
run rẩy theo mỗi rung động của trái tim cô<br />
và xung quanh hạt nhân thơm ngát này cả<br />
vũ trụ đã xòe mở các cánh hoa của nó” [2,<br />
tr. 339].<br />
Khi miêu tả nội tâm của những nhân<br />
vật nam trong tập Mây và mặt trời, R.<br />
Tagore đã chú ý miêu tả những góc khuất<br />
trong tâm hồn của họ qua hình ảnh giọt<br />
nước mắt với nhiều nguyên nhân phong<br />
phú và đối tượng được mở rộng. Miêu tả<br />
giọt nước mắt đàn ông, R. Tagore đặt<br />
nhân vật vào những tình huống khác<br />
nhau. Có khi giọt nước mắt để khóc<br />
thương cho chính mình “giọt nước mắt<br />
làm giọng anh nghẹn lại”, có lúc là giọt<br />
nước mắt khi tình cảm của họ giành cho<br />
người khác không được đáp đền hay có<br />
khi bất ngờ xúc động vì nhận được sự ban<br />
phát tình thương yêu. Cũng có khi giọt<br />
nước mắt là sự ân hận, tiếc nuối vì đã phụ<br />
lòng người khác và làm người khác đau<br />
khổ và có cả tiếng nấc nghẹn ngào trong<br />
những tình huống đau khổ, bất lực và cầu<br />
xin tha thứ: Rajib hiểu là sấm sét đã nổ.<br />
Anh quỳ sụp xuống ôm hôn hai bàn chân<br />
nàng, khóc lóc: “Em hãy tha thứ cho anh”<br />
[4, tr. 79].<br />
Sự am hiểu tâm lý con người của R.<br />
Tagore còn được thể hiện qua việc miêu<br />
tả chi tiết, phân tích cặn kẽ những khoảnh<br />
khắc bừng ngộ trong tâm hồn của mỗi<br />
nhân vật, những diễn biến trong quá trình<br />
phát triển tâm lý của nhân vật một cách<br />
lôgic dưới tác động của những nguyên<br />
nhân khách quan và chủ quan.<br />
<br />
Trường Đại học Vinh<br />
<br />
2.2. Miêu tả tâm lý nhân vật thông<br />
qua hình ảnh thiên nhiên<br />
Sự am hiểu con người được R.<br />
Tagore thể hiện qua cách ông miêu tả tâm<br />
lý nhân vật một cách gián tiếp thông qua<br />
những hình ảnh thiên nhiên. Trong tập<br />
truyện ngắn Mây và mặt trời, thiên nhiên<br />
được xem như một sân khấu lớn “sân<br />
khấu bầu trời”, “sân khấu vĩ đại của thiên<br />
nhiên”… để trình diễn nội tâm nhân vật.<br />
Tác giả miêu tả thiên nhiên trong sự<br />
tương đồng giữa người và cảnh, có khi là<br />
sự phán ánh những xáo trộn trong nội tâm<br />
của nhân vật. Thiên nhiên như một người<br />
mẹ vĩ đại - “bà mẹ Thiên nhiên”, “bà mẹ<br />
Trái đất” luôn lắng nghe những tâm sự<br />
của con người và đáp lại bằng thứ ngôn<br />
ngữ riêng của thiên nhiên.<br />
Những hình ảnh thiên nhiên luôn gắn<br />
kết chặt chẽ với nội tâm của nhân vật,<br />
phản ánh được những biến động trong<br />
tâm trạng của nhân vật: “Thiên nhiên có<br />
mặt khắp mọi nơi, mọi lúc và bao giờ<br />
cũng mang nặng tâm tư, mọi sắc thái của<br />
cảnh vật đều phản ánh những biến động<br />
của tâm hồn” [2, tr. 11], “Mặt trời và mây<br />
thủ vai trên toàn bộ sân khấu bầu trời, thì<br />
vô số vở khác cũng được diễn ở bên dưới,<br />
tại những điểm khác nhau trên sân khấu<br />
thế gian” [2, tr. 13]. Thiên nhiên mang<br />
những dáng vẻ khác nhau trong tâm trạng<br />
của nhân vật: “Tuần trăng khuyết trời tối<br />
đen, không có tiếng chim hót. Cây vải bên<br />
bể nước nom như một vết mực giây trên<br />
một cái nền nhạt màu hơn. Gió nam đang<br />
chờn vờn quẩn quanh trong bóng tối như<br />
một kẻ mộng du; những vì sao trên bầu<br />
trời mắt thao láo không chớp nhìn xuyên<br />
qua bóng tối cố gắng dò dõi một bí ẩn sâu<br />
xa nào đó” [2, tr. 131], có khi cảm thông,<br />
che chở, nhẹ nhàng như “nắng bỡn mây<br />
đùa” và thiết tha, trong sáng, tươi đẹp sau<br />
bao sóng gió, thăng trầm như “ánh sáng<br />
êm dịu của buổi sáng mưa rơi” [2, tr. 49].<br />
Thiên nhiên cũng có khi khơi nguồn<br />
cho tâm trạng, nói hộ những tâm tư, uẩn<br />
<br />
Tạp chí khoa học, Tập 46, Số 2B (2017), tr. 56-62<br />
<br />
khúc sâu kín trong tâm hồn của nhân vật<br />
như hình ảnh “cơn mưa lớn đầu mùa” đã<br />
thể hiện tâm trạng, nỗi lòng đau khổ của<br />
nhân vật khi phải xa cách người yêu “các<br />
ngôi nhà gỗ ở cạnh Cancơta như bị mềm<br />
đi và những âm thanh chói tai của thành<br />
phố bị nghẹt lại như giọng nói nghẹn ngào<br />
nước mắt” [2, tr. 131]…<br />
2.3. Miêu tả tâm lý nhân vật thông<br />
qua ngôn ngữ của nhân vật<br />
Để miêu tả được thế giới nội tâm đa<br />
dạng, phong phú và phức tạp của mỗi<br />
nhân vật, R. Tagore đã tập trung miêu tả<br />
thông qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm và<br />
đối thoại của từng nhân vật.<br />
Thông qua ngôn ngữ độc thoại nội<br />
tâm, R. Tagore đã cho người đọc thấy<br />
được mọi cung bậc cảm xúc, tâm trạng<br />
trong thế giới nội tâm của từng nhân vật.<br />
Trong những câu chuyện có nhân vật trẻ<br />
em, R. Tagore thường để cho các em bộc<br />
lộ tâm tư, tình cảm của mình thông qua<br />
những lời độc thoại và đối thoại. Qua<br />
những dòng độc thoại nội tâm, các em tự<br />
nói lên những tâm trạng cô đơn, đau khổ,<br />
uất ức đến tột cùng khi không biết chia sẻ,<br />
giải bày cùng ai hay khi không được<br />
người lớn ủng hộ, khuyến khích. Đó là<br />
tâm trạng nghẹn lời, trái tim như muốn<br />
gào lên “Tôi không phải là một thằng ăn<br />
cắp” vì không thể chia sẻ, giải bày và<br />
không giải thích được của cậu bé<br />
Ninkanta khi bị Kiran phát hiện chiếc giá<br />
bút của Xatit trong giương của mình. Đó<br />
là tâm trạng đầy chua xót của cô gái câm<br />
Xuba “Em đã làm điều gì phạm đến anh”,<br />
tâm trạng đau khổ cầu cứu mặt đất như<br />
cầu cứu người mẹ duy nhất của mình “Mẹ<br />
ơi, đừng để con phải lìa mẹ. Mẹ hãy giang<br />
tay ôm lấy con như con đang ôm mẹ và<br />
ghì chặt con đi mẹ” [2, tr. 305] hay tâm<br />
trạng tức giận của cô bé Saru ích kỷ, hay<br />
ghen tuông khi cô nghĩ thầm: “Nếu gia<br />
đình ta không mang anh ấy về đây,<br />
không giữ gìn hết sức cẩn thận thì lấy<br />
59<br />
<br />
L. T. B. Thủy / Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật trong tập truyện ngắn “Mây và mặt trời”…<br />
<br />
đâu mà mẹ con Xônama được nhìn thấy<br />
anh ta” [2, tr. 211]…<br />
Đối với nhân vật người lớn, R.<br />
Tagore thường để cho nhân vật độc thoại<br />
để bộc lộ những trạng thái tâm lý khác<br />
nhau của con người khi đối diện với<br />
những tình huống khó khăn, sự tổn<br />
thương, đau khổ, cô đơn khi không tìm<br />
được sự cảm thông, chia sẻ trước những<br />
khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Tác<br />
giả đã để cho nhân vật của mình chìm sâu<br />
trong dòng suy tưởng miên man và sống<br />
đời sống nội tâm chân thật nhất qua<br />
những độc thoại nội tâm. Qua những dòng<br />
độc thoại nội tâm, người đọc thấy được<br />
tâm trạng băn khoăn của cô gái đang yêu<br />
không biết có nhận được sự đáp đền của<br />
tình yêu đó hay không: “Độc lập, cô đơn,<br />
luôn thanh khiết, cách biệt, không ai có<br />
thể đến gần, cho nên em cũng không xứng<br />
đáng được xả thân vì chàng chăng?” [2,<br />
tr. 357]. Đó là tâm trạng nuối tiếc của cô<br />
gái về những kỷ niệm đẹp và tình yêu<br />
thương bên những người thân trong gia<br />
đình để chạy theo một tình nhân bội bạc:<br />
“Tất cả những điều đó hiện ra với cô như<br />
một hạnh phúc hiếm có, đắm chìm trong<br />
một bầu không khí êm đềm, yên tĩnh. Cô<br />
tự hỏi: “Tại sao với chừng ấy báu vật<br />
trong cuộc đời, người ta vẫn còn có thể<br />
cần đến một thứ hạnh phúc nào khác?” [2,<br />
tr. 342]. Hay nỗi đau khổ của chàng trai<br />
sau nhiều cố gắng vẫn không hiểu được<br />
thế giới tâm hồn của người mình yêu:<br />
“Rajin đau khổ, day dứt: Tạo hóa đã đặt<br />
ra khá nhiều hàng rào ngăn cách giữa con<br />
người” [2, tr. 113]. Trong một số tác<br />
phẩm, những lời độc thoại của nhân vật<br />
còn là sự tự động viên trước băn khoăn về<br />
một hướng đi cho tương lai hay sự ngao<br />
ngán của nhân vật khi đột nhiên bị quấy<br />
rầy; sự hoài nghi trước một hiện tượng<br />
mới lạ mà không biết được bản chất của<br />
nó vĩ đại hay tầm thường và lang thang<br />
như một kẻ mất trí mà tâm trạng rối bời:<br />
60<br />
<br />
“Ta biết làm gì bây giờ? Ta biết làm gì<br />
bây giờ?”<br />
R. Tagore cũng sử dụng hình thức đối<br />
thoại để miêu tả những trạng thái tâm lý<br />
phức tạp, đặc trưng cho tính cách của các<br />
nhân vật trong tác phẩm. Lời đối thoại của<br />
nhân vật người lớn trong tác phẩm được<br />
sử dụng nhiều với những dụng ý nghệ<br />
thuật khác nhau để thể hiện những cung<br />
bậc cảm xúc trong thế giới nội tâm của<br />
nhân vật. Một tâm hồn đang khép kín<br />
bỗng nhiên mở ra cho người đọc thấy vẻ<br />
đẹp nồng nàn và say đắm rồi bất chợt<br />
khép lại bằng cái chết của nhân vật như<br />
đoạn đối thoại ngắn của Kuxum trong<br />
Những bậc bến tắm bên sông. Đó là tâm<br />
hồn của nhân vật vừa mới thức tỉnh với<br />
những khát khao yêu thương thì gặp phải<br />
cản trở của tôn giáo…<br />
Trong Mây và mặt trời nhân vật trẻ<br />
em ít phát ngôn hơn người lớn. Thế giới<br />
tinh thần của các em chủ yếu được bộc lộ<br />
thông qua cử chỉ, hành động. Tuy nhiên,<br />
nhân vật trẻ em ít phát ngôn hay phát<br />
ngôn ngắn cũng đều thể hiện rõ nét tính<br />
cách của các em một cách tinh túy và cô<br />
đọng. Thông qua cách xưng hô trong<br />
những lời đối thoại đã thể hiện những sắc<br />
thái tâm trạng và tính cách của nhân vật.<br />
Những câu nói ngắn gọn và những câu trả<br />
lời cụt lủn của Nitaipan: “Cháu tên là gì?<br />
Nitai Pan; Nhà cháu ở đâu? Không nói;<br />
Bố cháu là ai? Không nói…” [2, tr. 190]<br />
đã bộc lộ tính cách ngỗ nghịch của cậu bé<br />
không được giáo dục cẩn thận. Qua những<br />
lời thoại đáp lại của nhân vật Mrinmanyi<br />
đối với Apơbô như “không”, “có”, “đúng<br />
thế”… biểu hiện thái độ ngỗ nghịch,<br />
không chịu khuất phục của cô bé với<br />
người anh chồng. Tuy nhiên, qua những<br />
lời thoại rất mực trìu mến của cô với<br />
người cha làm việc ở nơi xa đã bộc lộ sự<br />
nhớ thương, niềm mong mỏi thiết tha<br />
được gặp lại cha của một tâm hồn trong<br />
sáng, giàu tình yêu thương sau dáng vẻ<br />
<br />