NGHIÊN CỨU CHẾ ĐỘ ĐỘNG LỰC VÀ BỒI XÓI PHỤC VỤ TÌM GIẢI PHÁP BẢO<br />
VỆ BỜ BIỂN ĐỒI DƯƠNG, THÀNH PHỐ PHAN THIẾT<br />
Vũ Thanh Ca<br />
Viện Khí tượng Thuỷ văn<br />
Phạm Văn Long<br />
Công ty cổ phần tư vấn xây dựng VINAMEKONG<br />
<br />
<br />
Tóm tắt: Báo cáo này trình bày các kết quả tính toán chế độ động lực và xói mòn<br />
phục vụ tìm giải pháp bảo vệ bãi Đồi Dương. Trên cơ sở các số liệu quan trắc gió<br />
và sóng, đã rút ra giá trị độ cao và chu kỳ sóng tiêu biểu gây xói lở. Các mô hình<br />
số trị tính toán lan truyền sóng ven bờ, dòng chảy do sóng gây ra cũng như sự vận<br />
chuyển cát và sự thay đổi địa hình đáy đã được áp dụng để tính toán phục vụ lựa<br />
chọn giải pháp hiệu quả bảo vệ bãi Đồi Dương, Thành Phố Phan Thiết.<br />
I. Mục đích nghiên cứu<br />
Bãi biển Đồi Dương thuộc Thành phố Phan Thiết là một bãi biển đẹp về cảnh quan,<br />
thuận lợi về vị trí địa lý nên là một nơi nghỉ nghơi lý tưởng cho nhân dân Thành phố Phan<br />
Thiết và các vùng xung quanh. Trên bờ tại khu vực bãi biển có xây dựng rất nhiều khách sạn,<br />
nhà hàng với giá trị cao. Bởi vậy, khu vực bãi biển này có tầm quan trọng rất lớn về các mặt<br />
kinh tế, xã hội và môi trường không chỉ đối với Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận mà<br />
còn với cả nước. Tuy nhiên, gần đây, bãi biển này bị xói lở một cách nghiêm trọng. Vào mùa<br />
đông, sóng lớn kết hợp với triều cường đánh trực tiếp và gây xói lở nhiều đoạn bờ, làm sập<br />
nhiều nhà cửa, đe doạ sự an toàn của nhiều công trình xây dựng trên bờ. Vì vậy, vấn đề<br />
nghiên cứu tìm giải pháp bảo vệ bờ và bãi biển là rất cấp thiết.<br />
Mục đích của nghiên cứu này là tính toán trường sóng vùng ven bờ, chế độ vận<br />
chuyển bùn cát và tìm nguyên nhân hiện tượng xói lở bờ biển. Trên cơ sở đó, đề xuất ra<br />
phương án bảo vệ bờ biển hợp lý nhất.<br />
II Tổng quan về nguyên nhân xói lở bờ biển<br />
Quá trình xói lở bờ biển là do mất cân bằng bùn cát. Nếu lượng bùn cát mang tới một<br />
vị trí nào đó của bãi biển lớn hơn lượng bùn cát mang đi, bờ biển sẽ được bồi đắp. Trong<br />
trường hợp ngược lại, bờ biển sẽ bị xói lở.<br />
Vì bãi Đồi Dương nói riêng và vùng Vịnh Phan Thiết – Mũi Né nói chung là bãi cát<br />
nên khi ta chỉ xét tới sự vận chuyển cát ven bờ. Sự vận chuyển cát vùng ven bờ biển là do<br />
sóng và dòng chảy gây ra. Tác dụng của sóng lên quá trình vận chuyển bùn cát có hai mặt.<br />
Một mặt, sóng trực tiếp tác động lên các hạt cát và làm cho chúng chuyển động. Mặt khác,<br />
sóng khuấy động hạt cát, nâng chúng lên để dòng chảy ven bờ vận chuyển chúng đi. Dòng<br />
ven bờ được tạo ra đồng thời do sóng, gió, dòng triều và sự biến đổi mật độ của nước biển.<br />
Vùng biển Phan Thiết không có các cửa sông đổ ra nên sự biến đổi mật độ theo phương nằm<br />
ngang là không lớn. Vì vậy, dòng ven sẽ chủ yếu gây ra bởi sóng, dòng triều và gió. Trong<br />
điều kiện sóng lớn (tức là khi có lượng vận chuyển cát lớn), đóng góp của sóng trong việc tạo<br />
ra dòng ven là lớn nhất. Với tính chất cát như tại bãi biển Đồi Dương, để có thể tự mình gây<br />
ra vận chuyển cát, vận tốc dòng ven phải vào khoảng lớn hơn 0,2 m/s. Tuy nhiên, trừ trường<br />
hợp sóng rất lớn, với các bãi biển nói chung, vận tốc dòng ven không vượt quá giới hạn này.<br />
Trong trường hợp này, sóng vỡ tại dải ven bờ sẽ có tác dụng khuấy động cát, nâng các hạt cát<br />
lên thành cát lơ lửng để dòng ven mang đi. Như vậy, trong bất cứ trường hợp nào, sóng cũng<br />
là yếu tố quyết định sự vận chuyển cát ven bờ. Với lý do này, trong nhiều trường hợp, để tính<br />
toán vận chuyển cát ven bờ và bồi xói, người ta bỏ qua ảnh hưởng của gió, thuỷ triều mà chỉ<br />
quan tâm đến sóng. Thông thường, hướng vận chuyển cát sẽ trùng với hướng sóng lan truyền<br />
trong đới sóng vỡ ven bờ. Nếu sóng có hướng vuông góc với bờ, sóng sẽ gây ra vận chuyển<br />
cát theo hướng vuông góc với bờ. Nếu sóng có hướng xiên góc với bờ, sóng sẽ gây ra dòng<br />
vận chuyển cát cả theo hướng vuông góc với bờ và dọc bờ.<br />
Tuỳ theo sự mất cân bằng cát là do vận chuyển cát theo hướng dọc bờ hay theo hướng<br />
vuông góc với bờ gây ra mà cần có giải pháp bảo vệ bờ khác nhau. Nếu xói lở bờ do mất cân<br />
bằng cát do vận chuyển theo hướng dọc bờ, cần ổn định bờ bằng các giải pháp giảm dòng vận<br />
chuyển này như xây dựng các kè mỏ hàn, đê phá sóng ngoài khơi hay kết hợp kè mỏ hàn với<br />
đê phá sóng ngoài khơi. Nếu xói lở bờ do vận chuyển cát theo hướng vuông góc với bờ gây<br />
ra, có thể dùng kè sát bờ có chân khay sâu, kè mềm, đê phá sóng ngoài khơi. Trong trường<br />
hợp này, không thể dùng kè mỏ hàn vì các xoáy do sóng và dòng chảy gây ra tại đầu kè sẽ<br />
làm gia tăng dòng vận chuyển cát theo hướng vuông góc với bờ, tức làm gia tăng xói. Kè bảo<br />
vệ bờ cũng cần phải có hệ số phản xạ sóng thấp vì kè với hệ số phản xạ sóng cao (như tường<br />
đứng) sẽ làm gia tăng xói trong điều kiện sóng lớn triều cường, do vậy không giữ được bãi và<br />
khó có thể bảo vệ được bờ.<br />
Để bảo đảm được điều kiện bảo vệ và tôn tạo bãi cát phục vụ du lịch và ổn định các<br />
công trình bảo vệ bờ, ngoài những giải pháp công trình như trên, cần kết hợp với các giải<br />
pháp phi công trình như nuôi bãi, trồng cây chống cát bay ven biển.<br />
III Điều kiện tự nhiên vùng biển Phan Thiết<br />
Tại vùng biển Phan Thiết có hai mùa gió rất rõ rệt: mùa gió đông bắc và đông bắt đầu<br />
vào khoảng tháng 10 hàng năm và kết thúc vào khoảng giữa tháng 3 năm sau và mùa gió mùa<br />
nam, đông nam và tây nam trong thời gian còn lại của năm. Tương tự như gió, vào mùa đông<br />
(mùa khô), hướng sóng chính là hướng bắc, đông bắc và đông. Sóng trong thời gian tháng<br />
Giêng và tháng 2 là rất mạnh, tạo ra nước dâng sóng rất đáng kể gần bờ. Cát tại vùng biển này<br />
thường là khá thô. Do vậy, độ dốc bãi cát ven bờ thường là khá lớn, cho phép sóng tấn công<br />
trực tiếp vào bờ mà không bị mất mát năng lượng một cách đáng kể. Nước dâng do sóng kết<br />
hợp với triều cường cho phép sóng tấn công trực tiếp vào bờ, gây xói lở bờ nghiêm trọng. Đặc<br />
biệt là trong thời gian gần đây, sự xây dựng một số công trình ven biển có thể làm giảm dòng<br />
vận chuyển cát dọc bờ và vấn đề xói lở bờ dưới tác dụng của sóng vào mùa đông trở nên<br />
nghiêm trọng hơn.<br />
Vào cuối mùa khô, vào tháng 4 và tháng 5, vì gió yếu nên biển rất lặng. Đầu hè, gió<br />
đổi hướng thành gió tây và tây nam, thổi từ bờ ra biển. Gió thổi từ bờ ra đã triệt tiêu đáng kể<br />
sóng lừng truyền từ biển vào bờ. Do vậy, sóng vào bờ có độ cao và độ dốc rất nhỏ. Các con<br />
sóng này có tác dụng vận chuyển cát bị xói trong mùa đông từ ngoài khơi vào bờ và bồi lại<br />
bãi. Cuối hè, mùa bão bắt đầu và sóng trở nên mạnh hơn. Tuy vậy, chỉ trừ trong thời gian có<br />
bão lớn, sóng vẫn chưa gây xói lở nghiêm trọng vùng ven bờ. Từ tháng 10, gió mùa đông bắc<br />
bắt đầu và gây ra biển động liên tục hầu như suốt mùa đông.<br />
Để làm cơ sở cho việc tính toán bồi xói phục vụ thiết kế công trình bảo vệ bãi biển Đồi<br />
Dương, cần xác định các thông số sóng thích hợp. Theo nguyên tắc thiết kế các công trình ven<br />
bờ, cần phải xác định các thông số sóng nước sâu trên cơ sở các số liệu quan trắc và sử dụng<br />
một mô hình số trị thích hợp để dẫn sóng từ nước sâu vào vùng ven bờ. Vì hiện tượng xói lở<br />
tại vùng bãi biển Đồi Dương chỉ xảy ra vào mùa sóng lớn kết hợp với triều cường nên điều<br />
kiện sóng lớn sẽ được sử dụng để tính toán. Độ cao và chu kỳ trung bình của sóng cực trị<br />
trung bình với tần suất hiếm xảy ra 1 lần trong 50 năm trong tháng XI tại trạm Phú Quý trong<br />
cuốn Sổ tay tra cứu các đặc trưng khí tượng thuỷ văn vùng thềm lục địa Việt nam [3] tương<br />
ứng là 5.8m và 10.8s, tức là ứng với sóng hữu hiệu có độ cao là 9.3m. Các tác giả Nagai,<br />
Kono và Đào Xuân Quang [4] cũng tính được rằng, các kết quả tính toán sóng phục hồi dựa<br />
trên số liệu bão 27 năm từ 1961 tới 1997 cũng tìm ra rằng sóng hữu hiệu tại nước sâu trong<br />
bão với tần suất lặp lại là 50 năm có độ cao là 9.7m. Như vậy, giá trị độ cao sóng hữu hiệu<br />
này phù hợp với giá trị độ cao sóng hữu hiệu 9.3m trong bão trình bày ở trên. Tương tự như<br />
thế, độ cao và chu kỳ của sóng hữu hiệu cực đại tính theo gió mùa vào tháng II theo hướng<br />
Đông Đông Nam tương ứng là 4.3m và 9.8s, tương ứng với sóng cực đại có độ cao là 6.7m.<br />
Theo như kết quả quan trắc của các tác giả Nagai, Kono và Đào Xuân Quang [4] thì<br />
sóng cực đại trong bão có độ cao 9m, chu kỳ 8.7s đã được ghi bằng sóng ký ở độ sâu 24m tại<br />
cửa vịnh Đà nẵng vào ngày 25 tháng 9 năm 1997. Giá trị độ cao và chu kỳ của sóng hữu hiệu<br />
xác định theo phương pháp cắt đường không từ dưới lên tương ứng là 5.7m và 9.7s. Còn theo<br />
giản đồ sóng ký hiện được lưu trữ tại Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Biển, Bộ Tài nguyên và<br />
Môi trường thì vào tháng 12 năm 1991, tại dàn khoan Bạch Hổ đã ghi được một sóng có độ<br />
cao 10.5m, chu kỳ 10.5 giây. Đây là sóng do gió mùa Đông Bắc có tốc độ gió lớn hơn 25m/s<br />
gây ra ở ngoài khơi. Tuy không đủ số liệu để tính sóng hữu hiệu trong trường hợp này, nhưng<br />
cũng có thể ước tính là sóng hữu hiệu trung bình ở đây có độ cao khoảng chừng 6.3m. Vì dàn<br />
khoan Bạch Hổ khá gần với ngoài khơi Phan Thiết, về nguyên tắc, có thể lấy sóng nước sâu<br />
tại Phan Thiết có độ cao bằng độ cao sóng ghi được ngoài khơi Bạch Hổ.<br />
Từ các nhận xét trên, trong báo cáo này, sóng ghi được ngoài khơi Bạch Hổ với độ cao<br />
và chu kỳ sóng hữu hiệu tương ứng là 6.3m và 10.5s sẽ được dùng để tính sóng lan truyền vào<br />
bờ. Hướng sóng tới là hướng Đông và Đông Đông Nam.<br />
IV. Điều kiện và phương pháp tính<br />
Việc tính toán sẽ được thực hiện theo 2 bước. Trong bước 1, sự lan truyền sóng ngoài<br />
khơi vào gần bờ được tính toán bằng cách áp dụng mô hình cân bằng năng lượng sóng có tính<br />
đến hiệu ứng nhiễu xạ sóng [5]. Miền tính trong trường hợp này được lấy có kích thước<br />
90kmX60km theo hai hướng Bắc Nam và Đông – Tây (hình 1) . Lưới tính cho miền tính này<br />
là 100m theo cả hai hướng trên. Trên cơ sở độ cao sóng tính toán được trên miền tính rộng,<br />
một miền tính gần bờ với bước lưới tính 5m (hình 2) được thiết lập. Sóng lan truyền trong<br />
miền tính này được tính bằng một mô hình số trị hiện đại có tính tới tất cả các hiệu ứng của<br />
quá trình sóng vùng ven bờ như hiệu ứng nước nông, khúc xạ, phản xạ, nhiễu xạ sóng[1,2].<br />
Mô hình tính dòng ven gây bởi thuỷ triều và sóng. Mô hình tính vận chuyển bùn cát và thay<br />
đổi địa hình đáy gần bờ có tính tới vận chuyển bùn cát di đáy, lơ lửng và thay đổi địa hình do<br />
mất cân bằng bùn cát. Chi tiết về các mô hình nói trên có thể tìm được trong các bài báo của<br />
tác giả Vũ Thanh Ca và Phùng Đăng Hiếu [2], Vũ Thanh Ca [1], Mase và cộng sự [5].<br />
Cần chú ý rằng vì chưa quy được số liệu hải đồ về mốc Quốc Gia nên trong thực tế tại<br />
miền tính nhỏ chỉ có các đường đẳng sâu từ bờ ra tới độ sâu 2m (ứng với độ cao đáy biển lấy<br />
theo mốc quốc gia) là được lấy từ số liệu đo đạc. Các độ sâu lớn hơn 2m đều được ngoại suy<br />
từ giá trị độ sâu gần bờ. Do vậy, các giá trị độ sâu dùng trong nghiên cứu này chỉ có thể được<br />
dùng để tính sóng gây dòng vận chuyển cát theo hướng vuông góc với bờ, và tương ứng là sự<br />
xói lở bờ biển hay xói chân kè trong điều kiện sóng lớn triều cường. Để tính toán dự báo<br />
những biến đổi dài hạn của địa hình đáy biển, đường bờ và tương ứng là độ ổn định của công<br />
trình trong một thời gian dài, cần những số liệu độ sâu đầy đủ hơn trên cơ sở kết hợp các số<br />
liệu đo đạc địa hình theo mốc Quốc Gia và số liệu độ sâu hải đồ.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 1. Độ sâu miền tính rộng Hình 2 Độ sâu miền tính hẹp<br />
Các thông số để tính vận chuyển cát được lấy từ báo cáo đánh giá đặc điểm địa chất<br />
công trình công trình kè biển Đồi Dương. Cụ thể là độ lỗ rỗng của cát là 0.37, cấp độ hạt<br />
median d 50 =1.2mm, tỷ trọng trung bình 2580kg/m3.<br />
Việc tính toán trường sóng và độ sâu bồi xói được thực hiện với ba điều kiện mực<br />
nước: mực nước triều cường cực đại với chu kỳ lặp lại 50 năm là 138 cm, mực nước triều<br />
trung bình –9 cm và mực nước triều cực tiểu (triều kiệt) với chu kỳ lặp lại 50 năm là –143cm.<br />
Các tính toán này nhằm kiểm tra các điều kiện sóng và bồi xói trong các điều kiện triều khác<br />
nhau để tìm ra phương án bất lợi nhất phục vụ cho cho việc tính toán độ ổn định của công<br />
trình.<br />
V Kết quả tính sóng cho miền tính rộng<br />
Kết quả tính toán với sóng nước sâu với độ cao 6,3m, chu kỳ 10,5s và hướng sóng tới<br />
là đông bắc, đông và đông nam được trình bày trên các hình 3 đến 5. Có thể thấy trên các hình<br />
trên, sóng gần bờ tại vùng bãi biển Đồi Dương có hướng rất gần với hướng vuông góc với bờ.<br />
Như vậy, sóng này sẽ tạo ra dòng vận chuyển cát chủ yếu theo hướng vuông góc với bờ. Sóng<br />
lớn kết hợp với gió từ ngoài khơi thổi vào bờ sẽ gây nước dâng ở vùng ven bờ. Ước tính, mực<br />
nước dâng này có thể từ 0,6m tới 1m. Nước dâng do sóng, gió mùa cùng với triều cường làm<br />
tăng mực nước biển một cách đáng kể. Do vậy, sóng lớn trong điều kiện triều cường có khả<br />
năng tấn công trực tiếp vào bờ, gây xói lở nghiêm trọng bờ biển. Sóng còn có thể đào các hố<br />
sâu ngay sát bờ, làm sập kè bảo vệ bờ và các công trình xây dựng trên bờ. Cát từ vùng xói sẽ<br />
được vận chuyển ra xa, tạo các bãi bồi phía ngoài.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 3 Trường sóng khi sóng Hình 4 Trường sóng khi sóng Hình 5 Trường sóng khi sóng<br />
tới hướng Đông Bắc tới hướng Đông tới hướng Đông Nam<br />
Trong những điều kiện như trên, để bảo vệ bờ, có thể xây các kè ven bờ với độ sâu<br />
chân khay đủ lớn để ngăn xói lở vào mùa đông và giúp bồi lấp vào mùa hè. Tuy nhiên, cần<br />
tránh xây kè bảo vệ bờ là tường đứng với hệ số phản xạ sóng lớn vì sóng phản xạ sẽ tăng<br />
cường vận chuyển cát ra xa bờ và do vậy bãi cát sẽ khó được hồi phục vào mùa lặng sóng.<br />
Tuy nhiên, giải pháp xây kè cứng tại bờ có nhược điểm là nó làm gia tăng xói trong mùa xói<br />
lở. Do vậy, bãi biển phía trước kè bị hạ thấp và không thể sử dụng được để phục vụ tắm biển.<br />
Một hướng khác là dùng biện pháp công trình (như dùng đê phá sóng mềm đặt ngầm phía<br />
ngoài bãi) để ngăn dòng vận chuyển cát, ổn định bờ. Các đê phá sóng này có thể là các công<br />
trình cứng (như các khối bê tông) hoặc công trình mềm (như các ống vải địa kỹ thuật được<br />
bơm cát). Nếu không có dòng vận chuyển cát dọc bờ, vào mùa lặng gió (mùa hè thu), sóng<br />
đông nam và nam sẽ mang cát lại bồi vào vùng bị xói ven bờ, giúp ổn định bờ biển.<br />
Ngoài ra, như nhận xét ở trên, vì hướng sóng vỡ gần bờ không phải là hướng vuông<br />
góc với bờ nên rất có khả năng dòng vận chuyển cát là theo hướng vuông góc với bờ kết hợp<br />
với theo hướng dọc bờ. Việc xây dựng kè sẽ làm tăng sóng phản xạ tại bờ, và do vậy sẽ làm<br />
tăng tốc độ xói lở bờ do tất cả các loại kè đều có hệ số phản xạ sóng lớn hơn bãi cát.<br />
VI Kết quả tính toán cho miền tính hẹp<br />
Các nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy rằng việc sử dụng các công trình mềm<br />
với các ống vải địa kỹ thuật có bơm cát trong việc bảo vệ bờ biển có hiệu quả khá tốt. Các<br />
ống vải địa kỹ thuật được bơm cát có khối lượng lớn, linh động nên có khả năng biến dạng<br />
phù hợp với hình dạng đáy biển khi bị xói. Các ống này cũng không bị chìm xuống cát như<br />
các khối tetrapot, tripot sau một thời gian chịu tác động của sóng. Có thể xếp các ống này để<br />
tạo thành các kè phá sóng với độ dốc nhỏ. Bản thân bề mặt vải địa kỹ thuật có khả năng hấp<br />
thụ sóng khá tốt. Với tính năng này của bề mặt vải địa kỹ thuật, khi xây dựng kè phá sóng với<br />
độ dốc nhỏ, công trình ống cát bằng vải địa kỹ thuật không tạo ra sự gia tăng đáng kể sóng<br />
phản xạ so với bãi cát. Do vậy, trong nghiên cứu này, phương án công trình mềm với các ống<br />
vải địa kỹ thuật bơm cát đã được đề xuất để bảo vệ bãi biển Đồi Dương. Các ống vải địa kỹ<br />
thuật đã được lắp đặt tại bãi theo phương án thiết kế là xây dựng một kè phá sóng phía ngoài<br />
khu vực bị xói lở với cao trình đỉnh kè là +0.5m. Phía trong ke, dùng cát để tôn tạo bãi và<br />
trồng dương. Biện pháp này là kết hợp nhiều giải pháp để vừa bảo vệ bãi, vừa tạo cảnh quan<br />
(Hình 6). Với cao trình của đỉnh kè lựa chọn như trên, khi sóng lớn triều cường, sóng sẽ vỡ tại<br />
kè, mất năng lượng và do vậy hầu như không còn khả năng tấn công gây xói lở tại bãi phía<br />
sau kè một cách đáng kể. Thiết kế chi tiết của kè phá sóng được cho trên hình 7.<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 6 Phương án thiết kế kè phá sóng bảo vệ bờ<br />
<br />
<br />
Các tính toán được tiến hành với các giá trị mực nước triều cực đại, cực tiểu và trung<br />
bình. Tuy nhiên, ở đây chỉ trình bày các kết quả tính toán với giá trị mực nước triều cực đại,<br />
tức là ứng với điều kiện xói lở nguy hiểm nhất.<br />
Hình 7 Chi tiết về thiết kế kè<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
Hình 8. Trường sóng trong miền tính với Hình 9. Độ sâu bồi xói trong miền tính với<br />
phương án thiết kế kè phá sóng và phương án thiết kế kè phá sóng và hướng<br />
hướng sóng tới là hướng Đông sóng tới là hướng Đông<br />
<br />
Có thể thấy trên hình 8 rằng rằng sóng gần bờ lớn nhất trong trường hợp triều cường<br />
với độ cao sóng cực đại tại chân đê phá sóng ngoài khơi bằng ống vải địa kỹ thuật chứa cát<br />
đạt tới 2.5m. Tuy nhiên, đê phá sóng đã thực hiện được chức năng phá sóng rất hiệu quả. Độ<br />
cao sóng giảm rất mạnh sau khi vượt qua đê phá sóng và khi vào tới bãi phía sau đê, sóng chỉ<br />
còn có độ cao nhỏ hơn 0,5m. Trên hình 9, giá trị dương ứng với bồi và âm ứng với xói. Có thể<br />
thấy rằng trong điều kiện triều cường, cho dù sóng có thể vượt qua đê phá sóng ngoài khơi để<br />
tấn công vào bãi nhưng gây xói lở không đáng kể tại chân bãi. Chỉ có một khu vực không<br />
rộng lắm ở phía nam của bãi Đồi Dương là sóng có thể gây xói lở với độ sâu lớn hơn 2m ngay<br />
tại phía ngoài chân đê phá sóng. Tại tất cả các khu vực khác, sóng gây xói lở không đáng kể<br />
với độ sâu xói nhỏ hơn 1 m tại bãi và tại chân đê.<br />
Để tiện so sánh, một phương án bảo vệ bờ nữa là xây dựng các kè mỏ hàn bằng ống cát<br />
tại bãi được đưa ra để tính toán thử.. Phương án thiết kế này được gọi là phương án thiết kế 2.<br />
Các hình 10 và 11 cho các kết quả tương tự như trong các hình 8 và 9, nhưng với phương án<br />
thiết kế 2. Có thể thấy trên hình 10 rằng cũng tương tự như phương án thiết kế thứ nhất, do<br />
độ sâu của miền tính nhỏ nên sóng tới bị khúc xạ mạnh và chuyển hướng gần như vuông góc<br />
với bờ. Với hướng sóng như vậy, các đê phá sóng theo hướng vuông góc với bờ gần như<br />
không có khả năng ngăn sóng và sóng có thể tấn công trực tiếp vào bãi. Như thấy trên hình<br />
10, trong trường hợp triều cường, độ cao sóng cực đại ngay tại bờ biển đạt tới 2.5m. Trong<br />
điều kiện này, nếu bãi được tôn tạo nhân tạo, sóng sẽ gây xói lở bãi rất mạnh. Tại một số khu<br />
vực, độ sâu xói cực đại tại bãi đạt tới 3m. Cho dù bãi đã được bảo vệ bằng các lớp vải địa kỹ<br />
thuật nhưng việc bảo vệ là không hiệu quả do sóng tới bãi quá lớn.<br />
Hình 10. Trường sóng trong miền tính với Hình 11. Độ sâu bồi xói trong miền tính với<br />
phương án thiết kế 2 và hướng sóng phương án thiết kế 2 và hướng sóng tới là<br />
tới là hướng Đông hướng Đông<br />
<br />
Cần nhấn mạnh rằng các kết quả tính toán theo phương án 2 phù hợp với các kết quả<br />
nghiên cứu và tính toán hiện có tại các nước khác trên thế giới như đã trình bày trong phần I.<br />
Theo các kết quả nghiên cứu và tính toán này thì các công trình có dạng kè mỏ hàn (kè vuông<br />
góc với bờ) chỉ có tác dụng ngăn chặn vận chuyển cát và ổn định bờ nếu như dòng vận<br />
chuyển cát chính là theo hướng dọc bờ. Trong trường hợp dòng vận chuyển cát theo hướng<br />
vuông góc với bờ thì các xoáy lớn phía đầu kè sẽ làm tăng lượng vận chuyển cát ra xa, tức là<br />
tăng cường quá trình lở bờ. Như vậy, nếu dòng vận chuyển cát gây xói lở là theo hướng<br />
vuông góc với bờ thì việc xây dựng các kè mỏ hàn không những không ngăn được xói lở bờ<br />
mà thậm chí còn làm tăng cường quá trình xói lở bờ.<br />
Cũng tương tự như phương án 1, với các trường hợp triều trung bình và triều kém, vì<br />
sóng vỡ phía ngoài chân đê phá sóng nên miền xói nằm phía ngoài chân đê và không gây ảnh<br />
hưởng đáng kể tới sự ổn định của đê và bãi.<br />
Như vậy, có thể thấy rằng phương án thiết kế thứ nhất hiệu quả hơn so với phương án<br />
thiết kế thứ hai trong việc bảo vệ bãi. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng các kết quả tính<br />
toán trên chỉ áp dụng được trong trường hợp dòng vận chuyển cát là theo hướng vuông góc<br />
với bờ. Trong trường hợp dòng vận chuyển cát là theo hướng vuông góc với bờ kết hợp với<br />
theo hướng dọc bờ thì việc xây dựng các đê phá sóng bên ngoài như theo phương án 1 có thể<br />
tạm thời ngăn cản được xói lở bờ trong thời gian ngắn, nhưng nếu tính dài hạn thì sự thiếu hụt<br />
cát do dòng vận chuyển dọc bờ sẽ làm các ống cát làm đê phá sóng chìm xuống và mất đi khả<br />
năng bảo vệ bờ. Đấy là chưa kể các đê phá sóng gây cản trở cho khách du lịch xuống tắm ở<br />
bãi, làm xấu cảnh quan bãi và trong trường hợp bãi phía trước đê bị phá hoại, khả năng sử<br />
dụng bãi phục vụ mục đích du lịch sẽ bị giảm một cách đáng kể.<br />
VII Kết luận và kiến nghị<br />
7.1 Kết luận<br />
Các kết quả tính toán cho thấy phương án 1 cho phép bảo vệ bãi hiệu quả. Tuy vậy,<br />
phải tính dến các khả năng các đê phá sóng cũng làm thay đổi trong một phạm vi nào đó chế<br />
độ động lực và cảnh quan bãi.<br />
Việc tính toán sóng trên miền tính rộng cho thấy trong một số trường hợp, sóng có<br />
thể gây ra vận chuyển bùn cát một cách đáng kể theo hướng dọc bờ. Trong trường hợp sự xói<br />
lở gây ra do sự kết hợp giữa dòng vận chuyển cát theo hướng dọc bờ và vuông góc với bờ, bãi<br />
phía trước đê có khả năng bị phá hoại và do vậy khả năng sử dụng bãi phục vụ mục đích du<br />
lịch sẽ bị giảm một cách đáng kể nếu điều này xảy ra.<br />
7.2 Kiến nghị<br />
Việc áp dụng một giải pháp bảo vệ bờ không đúng có thể mang lại nguy cơ tăng cường<br />
xói lở bờ và gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và môi trường để khắc phục hậu quả của công<br />
trình. Do vậy, để tìm một giải pháp đúng đắn, hiệu quả và kinh tế nhất để chống xói lở cho bãi<br />
biển Đồi Dương nói riêng và Mũi Né nói chung, cần có một kế hoạch nghiên cứu chế độ thuỷ<br />
động lực học và vận chuyển bùn cát cho toàn khu vực. Việc này yêu cầu phải thu thập các tài<br />
liệu hiện có về bão, gió, sóng, dòng chảy, thuỷ triều, sự thay đổi địa hình đáy. Trên cơ sở đó,<br />
phân tích các tài liệu và kết hợp với việc mô phỏng số trị bằng các mô hình số trị hiện đại để<br />
xác định chính xác nguyên nhân xói lở cho vùng bờ biển. Do đó, cần phải xây dựng một dự<br />
án nghiên cứu phục vụ mục đích này.<br />
<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
[1] Vị Thanh Ca (2004) Ph¬ng ph¸p xư lý c¸c ®iỊu kiƯn biªn cng vµ biªn m trong c¸c m«<br />
h×nh sng tuyn tÝnh kh«ng dng. T¹p chÝ Thủ lỵi vµ M«i trng, S 6, 4958.<br />
[2] Vị Thanh Ca, Phng §¨ng Hiu, 2005, M« h×nh s trÞ tÝnh to¸n trng sng cho vng ven b biĨn<br />
c ® dc tho¶i, T¹p chÝ Thủ lỵi M«i trng, Th¸ng 6.<br />
[3] Sổ tay tra cứu các đặc trưng khí tượng thuỷ văn vùng thềm lục địa Việt nam. Tổng cục khí<br />
tượng thuỷ văn, Trung tâm khí tượng thuỷ văn Biển. Nhà xuất bản nông nghiệp. 2000.<br />
[4] Nagai K., Kono S. and Dao Xuan Quang (1998) Wave characteristics on the central coast<br />
of Vietnam in the South China sea. Coastal Eng. J., Vol. 40, No. 4, 347366.<br />
[5] Mase H., Takayama T., Kunitomi S. and Mishima T. (1999) Multi – Directional Spectral<br />
Wave Transformation Model Including Diffraction Effect. J. JSCE, II48, 177187.<br />