See discussions, stats, and author profiles for this publication at: https://www.researchgate.net/publication/309673455<br />
<br />
Nghiên cứu về hoà nhập xã hội của nhóm thiệt thòi qua các công trình<br />
nghiên cứu xã hội học<br />
Article · September 2016<br />
CITATIONS<br />
<br />
READS<br />
<br />
0<br />
<br />
348<br />
<br />
2 authors, including:<br />
Kham Tran<br />
Vietnam National University, Hanoi<br />
42 PUBLICATIONS 26 CITATIONS <br />
SEE PROFILE<br />
<br />
Some of the authors of this publication are also working on these related projects:<br />
<br />
Understanding Daily Life in Vietnam View project<br />
<br />
All content following this page was uploaded by Kham Tran on 04 November 2016.<br />
<br />
The user has requested enhancement of the downloaded file.<br />
<br />
Nghiên cứu hòa nhập xã hội của người thiệt thòi<br />
qua các công trình nghiên cứu xã hội học<br />
Phạm văn Quyết, Trường ĐHKHXHNV<br />
Trần Văn Kham, Trường ĐHKHXHNV<br />
Tóm tắt: Hòa nhập xã hội đang là một xu hướng khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các bối<br />
cảnh quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh phúc lợi, an sinh xã hội, cũng như tăng cường thêm các<br />
mô hình dịch vụ xã hội thường nhật. Từ thực tiễn như vậy, nghiên cứu về hòa nhập xã hội cũng<br />
được quan tâm trong các nghiên cứu xã hội ở các quốc gia phương Tây như Úc, Canada, Anh,<br />
Mỹ, Pháp… dựa trên các quan điểm của lý thuyết cấu trúc chức năng, hệ thống hay phát triển<br />
xã hội, đến các vấn đề thực tiễn hướng đến các mô hình trợ giúp từ góc độ luật học, nhân học,<br />
xã hội học, tâm lý học, công tác xã hội… Bài viết này đi vào phân tích tổng lược các xu hướng<br />
nghiên cứu về mặt lý thuyết và thực tiễn từ cách tiếp cận hòa nhập xã hội trên thế giới và Việt<br />
Nam, để qua đó chỉ ra những vấn đề đặt ra khi nghiên cứu về các nhóm thiệt thòi, dễ bị tổn<br />
thương ở Việt Nam trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, cũng như trong bối cảnh xây<br />
dựng các mô hình an sinh xã hội và dịch vụ xã hội.<br />
Từ khóa: Hòa nhập xã hội, Thiệt thòi, Cấu trúc chức năng, Hệ thống xã hội<br />
1. Dẫn nhập<br />
Vấn đề hoà nhập xã hội và hòa nhập xã hội của nhóm người thiệt thòi là một trong những<br />
chủ đề có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với các nghiên cứu về nhóm xã hội này, mà còn giúp<br />
hướng đến thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá, hợp tác và việc phân phối lại các nguồn lực kinh tế xã<br />
hội giữa các cá nhân, các nhóm để ngăn chặn sự gia tăng của bất bình đẳng và phân hóa giữa các<br />
nhóm xã hội, các dân tộc và các khu vực trên cơ sở sự giàu có của xã hội. Đã có rất nhiều công trình<br />
nghiên cứu của các tác giả quốc tế và của Việt Nam về chủ đề này. Họ đã đưa ra nhiều quan điểm<br />
khác nhau về hòa nhập xã hội, cũng như đã xem xét, phân tích nhiều chiều cạnh khác nhau liên<br />
quan đến hòa nhập xã hội của nhóm người thiệt thòi. Vì thế việc hệ thống hóa các quan điểm khác<br />
nhau về hòa nhập xã hội và hòa nhập xã hội của nhóm thiệt thòi là sự cần thiết, mang nhiều ý nghĩa.<br />
Nó không chỉ giúp làm rõ vấn đề đã được phân tích, khái quát, được giải quyết ở mức độ nào với<br />
những chiều cạnh nào, mà còn là cơ sở, những gợi ý giúp các nghiên cứu tiếp theo nên đi sâu vào<br />
chiều cạnh nào, nên vận dụng quan điểm, cách thức nào cho phân tích, nghiên cứu một trường hợp<br />
cụ thể của thực tế xã hội có liên quan.<br />
Trong rất nhiều chiều cạnh khác nhau của vấn đề hòa nhập xã hội và hòa nhập xã hội của<br />
nhóm người thiệt thòi mà các tác giả đi trước đã nêu ra, bài viết tập trung đi sâu vào hai chiều cạnh<br />
chủ yếu là nghiên cứu các quan điểm lý thuyết về hòa nhập xã hội và hòa nhập xã hội của nhóm<br />
người thiệt thòi qua tổng quan các công trình cả ở quốc tế và ở Việt Nam.<br />
2. Nghiên cứu các quan điểm lý thuyết về hòa nhập xã hội<br />
Theo mục tiêu và nội dung khái niệm hòa nhập xã hội (Social inclusion) và hội nhâp xã hội<br />
(Social intergration) trong nhiều trường hợp được sử dụng với sự phân biệt không đáng kể hoặc<br />
không rõ ràng. Cook S. (1994) cho rằng hòa nhập, hội nhập và sự cố kết (cohesion) được sử dụng<br />
có thể thay thế cho nhau, nhưng cũng có thể sử dụng với sự khác nhau được nhấn mạnh trong<br />
những trường hợp cụ thể. Ngay trong nghiên cứu của UNRISD (1994) đã cho rằng hội nhập xã hội<br />
“với một số người nó là mục tiêu của sự hòa nhập, nghĩa là quyền và cơ hội bình đẳng cho tất cả<br />
mọi người… Còn với những người khác, nó đơn giản chỉ là cách để mô tả các khuôn mẫu đã được<br />
thiết lập về mối quan hệ của con người trong một xã hội nhất định”.<br />
Quỹ Laidlaw, Canada cho rằng hội nhập xã hội là một trong chùm các thuật ngữ xã hội<br />
được sử dụng tất rộng rãi trong phát triển chính sách hiện nay ám chỉ nội dung hướng đến thúc đẩy<br />
xã hội bền vững, an toàn, công bằng, tôn trọng sự đa dạng, bình đẳng, tạo dựng cơ hội cho mọi<br />
người…. Một số thuật ngữ khác cũng được đề cập đến nhằm thúc đẩy những mục tiêu đó như hoà<br />
nhập xã hội, cố kết xã hội và vốn xã hội. Tất cả trở thành một chùm các vấn đề tạo nên nhiều tranh<br />
luận về ý nghĩa và khả năng ứng dụng chúng (Laidlaw Foundation, 2002).<br />
Theo đó hội nhập xã hội, sự hòa nhập của cá nhân/ nhóm vào xã hội đã được các nhà xã hội<br />
học quan tâm từ rất sớm. Nó là sự thể hiện đầy đủ nhất, bản chất nhất của mối quan hệ tác động cơ<br />
bản giữa cá nhân và xã hội, là kết quả của quá trình xã hội hóa. Các nhà chức năng luận, từ những<br />
<br />
76 <br />
<br />
<br />
người đặt nền móng đầu tiên như E. Durkheim (1858-1917), H. Spencer (1820-1903), V. Pareto<br />
(1848-1942) đến A. Radcliffe-Brown (1881-1955), B. Malinowski (1884-1955) và sau này là T.<br />
Parsons (1902-1979), R. Mertton (1910-2003), P. Blau (1918-2002) và nhiều người khác đều có<br />
những công trình nghiên cứu nổi tiếng đề cập đến vấn đề này.<br />
Các nhà xã hội học đầu tiên của chủ thuyết này đều nhấn mạnh đến sự hội nhập, sự liến kết<br />
chặt chẽ của các bộ phận cấu thành của chỉnh thể xã hội theo những chức năng nhất định. Trong tác<br />
phẩm “Phân công lao động xã hội”(The Division of Labor in Society, 1893), nhà xã hội học người<br />
Pháp E. Durkheim, ngay từ thế kỷ 19 đã rất nổi tiếng với khái niệm đoàn kết xã hội, mà có nội dung<br />
gần giống với khái niệm hội nhập xã hội đang được sử dụng rộng rài hiện nay (Lê Ngọc Hùng,<br />
2002). Ông sử dụng khái niệm này để chỉ các mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội. Ông tin xã hội<br />
tác dụng một lực mạnh mẽ lên cá nhân. Lực đó được tạo bởi từ niềm tin, giá trị và chuẩn mực ở con<br />
người, mà ông gọi là ý thức tập thể, hạt nhân cho đoàn kết xã hội và cũng là sự tồn tại của xã hội. Ý<br />
thức tập thể liên kết các cá nhân với nhau, tạo ra hội nhập xã hội (Dan Krier, 2014). Là người đầu<br />
tiên có những nghiên cứu về hội nhập xã hội, Durkheim với khái niệm đoàn kết xã hội, không<br />
những đã làm rõ được nội dung, cơ chế, cách thức của hội nhập xã hội, mà còn chỉ ra được sức<br />
mạnh tạo nên sự hội nhập của cá nhân xã hội.<br />
Nhà xã hội học nổi tiếng người Anh H. Spencer đã nói về sự cố gắng tồn tại của mỗi cơ thể<br />
trong sự cân bằng không ổn định giữa cơ thể và môi trường, vì vậy cơ thể luôn phải lưu ý đến sự<br />
khác biệt để giữ sự cân bằng đó, đồng thời cũng để thích nghi và hòa nhập. Trong quan niệm về<br />
“siêu cơ thể” xã hội, ông cho rằng cơ thể xã hội gồm nhiều thành phần phức tạp với những chức<br />
năng khác nhau trong khuôn khổ của cơ thể này và theo những phương thức nhất định, chúng phải<br />
trao đổi, thích ứng và hòa nhập với nhau (Hermann Korte, 1993, tr. 94).<br />
Trong nghiên cứu liên quan đến sự hội nhập của các thành tố xã hội với các thành tố khác<br />
trong cấu trúc xã hội, A. Radcliffe-Brown đã hướng đến xem xét mỗi thể chế xã hội ăn khớp thế<br />
nào với các thể chế xã hội khác để đáp ứng nhu cầu của xã hội và giữ vững sự thống nhất hài hòa<br />
mà nó được coi là chuẩn. Ngay cả khi xung đột được quan sát, thì điều này được coi là có chức<br />
năng cho sự hội nhập nếu nó là nghi thức và được thể chế hóa (Bilton T., K. Bonnett và những<br />
người khác, 1987, tr.507).<br />
Mở rộng và phát triển quan điểm của các bậc tiền bối của lý thuyết cấu trúc chức năng, mà<br />
trong đó xã hội được xem như những cấu trúc có liên quan đến việc hội nhập và thích ứng của các<br />
yếu tố cấu thành khi thực hiện chức năng nào đó của cấu trúc xã hội, T. Parsons, R. Mertton đã có<br />
công rất lớn khi áp dụng lý thuyết này giải thích sự hội nhập của các thành tố cấu trúc xã hội trong<br />
xã hội hiện đại của người Mỹ.<br />
Theo Lê Ngọc Hùng (2002, tr. 207) trong nhiều công trình nghiên cứu của mình T. Parson<br />
đã hướng đến xem xét cấu trúc, chức năng của hệ thống, sự hội nhập và duy trì trạng thái ổn định<br />
của hệ thống trong quá trình tương tác giữa hai hay nhiều chủ thể hành động. Parsons đã nói đến 4<br />
tiểu hệ thống, tương ứng với 4 nhu cầu, chức năng của xã hội trong sơ đồ AGIL của mình; đó là:<br />
Tiểu hệ thống thích ứng A (Adaptation) có chức năng cung cấp nguồn lực, tiểu hệ thống hướng đích<br />
G (Goal attaiment) có chức năng xác định mục tiêu, tiểu hệ thống hội nhâp I (Intergration) có chức<br />
năng hòa nhập, gắn kết các cá nhân, các nhóm và các tổ chức xã hội và tiểu hệ thống bảo toàn cấu<br />
trúc L (Latency) có chức năng của hệ thống văn hóa, kích thích các cá nhân, nhóm. Trong cấu trúc<br />
hệ thống xã hội, tiểu hệ thống I (hội nhập) làm nhiệm vụ quan trọng nhất của hệ thống xã hội, là bản<br />
chất của cộng đồng, nhóm xã hội.<br />
Nhìn chung hầu hết các nhà xã hội học theo chủ thuyết cấu trúc chức năng đều đã có các<br />
nghiên cứu về hội nhập xã hội, đều đã có lý giải về sự hội nhập, sự liên kết, sự thích ứng của các<br />
thành tố xã hội trong cấu trúc hệ thống xã hội, dù các yếu tố cấu trúc là cá nhân, nhóm, tổ chức xã<br />
hội, thiết chế xã hội hay là các yếu tố hành vi.<br />
Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước đã chứng kiến các nghiên cứu và hoạt động ở<br />
các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Úc... hướng đến thực hiện vấn đề loại trừ xã hội<br />
(social exclusion) gắn liền với những vấn đề nghèo đói, việc làm. Định hướng này được phát triển<br />
và ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh văn hóa, xã hội và dần được chuyển thành nội<br />
dung hòa nhập xã hội. Hòa nhập xã hội, vấn đề hòa nhập xã hội ngày càng được quan tâm nhiều<br />
hơn, song chủ yếu gắn với các nghiên cứu hướng đến giải quyết các vấn đề của thực tế xã hội, đặc<br />
biệt gắn với sự hòa nhập xã hội của các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương. Những nghiên cứu lý<br />
thuyết về hòa nhập xã hội chủ yếu hướng đến làm rõ nội dung, bản chất của hòa nhập xã hội và<br />
những định hướng quan điểm cho việc giải quyết vấn đề hòa nhập xã hội. Sau đây chúng ta lược<br />
<br />
<br />
<br />
77 <br />
<br />
qua một số nghiên cứu tiêu biểu có ảnh hưởng nhất định đến các xu hướng, quan điểm cho giải<br />
quyết vấn đề.<br />
Nhiều nghiên cứu cho rằng khi đề cập và bàn luận về hòa nhập xã hội thì cần xem xét nó<br />
trong mối quan hệ với loại trừ xã hội (social exclusion) (Abbott, S & R Mcconkey, 2006). Hai quan<br />
niệm này cần phân tích trong mỗi quan hệ tương hỗ lẫn nhau nhằm nhìn ra được xuất phát điểm cho<br />
việc phân tích các vấn đề liên quan. Do đó nhiều tác giả hướng tới nghiên cứu để làm rõ nội dung<br />
về loại trừ xã hội và những đối sách để giảm sự loại trừ, nghĩa là hướng tới hòa nhập xã hội (Sylver<br />
& Miller, 2003, Parr et al, 2004, Levitas, 2006, Buckmaster & Thomas, 2009...).<br />
Trong khi Linoir khái quát loại trừ xã hội khi chú ý nhiều đến chiều cạnh kinh tế và coi đó là<br />
những người rơi vào hệ thống bảo hiểm và mạng lưới đảm bảo xã hội thì Sylver & Miller nhấn<br />
mạnh đó là sự cắt đứt mối quan hệ xã hội được xem là trung tâm của khế ước xã hội giữa nhà nước<br />
và công dân; sự mất đi những vai trò, những mối quan hệ có ý nghĩa và trải nghiệm sự phân biệt đối<br />
xử, Levitas coi đó là những người cảm nhận được hậu quả của thiếu thốn vật chất trong điều kiện<br />
các cơ hội bị hạn chế để tham gia vào các hoạt động văn hóa xã hội rộng hơn, thì Buckmaster &<br />
Thomascho rằng đó là những người bị loại khỏi sự hỗ trợ xã hội, bị mất đi các mối quan hệ giữa cá<br />
nhân và xã hội và không có cơ hội tham gia vào đời sống kinh tế, xã hội và chính trị (Theo Cobigo<br />
V. et al, 2012).<br />
Một số tác giả khác khi nghiên cứu hòa nhập xã hội đã luôn gắn nó với loại trừ xã hội, qua<br />
đó hướng đến so sánh và làm rõ sự gắn kết và khác biệt giữa chúng (Cappo D, C. Jackson, M.<br />
Craig, Laidlaw Foundation và nhiều tác giả khác). Trong khi Jackson (1999) lưu ý rằng hòa nhập xã<br />
hội có thể cũng sản sinh ra sự loại trừ xã hội, và cái đó xuất hiện khi nhóm đã bị loại trừ thực hiện<br />
thành công sự hòa nhập trong so sánh với nhóm đang bị loại trừ ngay cả khi yếu hơn bản thân<br />
chúng, thì D. Cappo (2002) khi xem xét hòa nhập xã hội đã đặt hòa nhập bên cạnh sự loại trừ. Ông<br />
cho rằng một xã hội hòa nhập xã hội được coi là một nơi, ở đó tất cả mọi người cảm thấy có giá trị,<br />
sự khác biệt giữa họ được tôn trọng và các nhu cầu cơ bản được đáp ứng để họ có thể sống trong<br />
phẩm giá. Loại trừ xã hội là quá trình khép kín đối với hệ thống văn hóa, kinh tế, xã hội và chính trị<br />
cho sự hội nhập của một cá nhân vào trong đời sống cộng đồng.<br />
Quỹ Laidlaw, Canada (2002) coi loại trừ xã hội nổi lên như một xu hướng chính trị quan<br />
trọng ở châu Âu những năm 80 của thế kỷ trước do sự gia tăng của phân hóa xã hội từ điều kiện thị<br />
trường lao động mới và sự không đầy đủ của phúc lợi xã hội đang tồn tại. Hòa nhập xã hội, trong<br />
chừng mực nào đó là sự phản ứng lại của loại trừ xã hội. Trên cơ sở những tranh luận về vấn đề loại<br />
trừ xã hội,Qũy đã đưa ra cách hiểu biết về hòa nhập xã hội phù hợp với công việc thực tế. Theo đó<br />
hòa nhập xã hội là nói về sự đảm bảo chắc chắn rằng tất cả trẻ em và người lớn đều có khả năng<br />
tham gia như những thành viên có trách nhiệm, được tôn trọng và có phẩm giá của xã hội.<br />
Tuy nhiên theo Clegg et al (2008); Bollard (2009) việc xem hòa nhập xã hội đối lập với loại<br />
trừ xã hội gây ra sự nhầm lẫn và dẫn đến nhấn mạnh vào hàng rào của nó chứ không phải là yếu tố<br />
có thể làm tăng hòa nhập xã hội của cá nhân. Đó như một rào cản, tách nó ra khỏi các nhà hoạch<br />
định chính sách, người cung cấp dịch vụ và các nguồn tài nguyên khác cho hội nhập. Điều này có<br />
nguy cơ dẫn vấn đề hòa nhập xã hội đến sự hùng biện thuần túy về ý thức hệ.<br />
Tiếp cận hội nhập xã hội theo hướng thúc đẩy tăng cường sự hội nhập xã hội, tôn trọng sự<br />
khác biệt, giảm bớt khả năng xảy ra bạo lực và cung cấp nền tảng cho sự hợp tác đã trở lên phổ biến<br />
từ Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển xã hội năm 1995 tại Copenhagen. Trong báo cáo của<br />
Hội nghị bàn về hòa/hội nhập xã hội đã hướng đến một quá trình năng động có nguyên tắc trong đó<br />
có sự tham gia tích cực của xã hội để tiếp tục phát triển con người.<br />
Quá trình hội nhập xã hội khuyến khích, thực hiện việc "đến với nhau", khi tôn trọng sự<br />
khác biệt, có ý thức một cách rõ ràng và đặt giá trị lớn vào việc duy trì sự đa dạng. Hội nhập xã hội<br />
thể hiện cho nỗ lực không chỉ làm cho mọi người thích nghi với xã hội, mà còn để đảm bảo rằng xã<br />
hội chấp nhận được tất cả mọi người (United Nations, 1995). Quan điểm đẩy mạnh hội nhập xã hội<br />
đã được thể hiện trong các chương trình nghị sự của Hội đồng châu Âu vào những năm 1990 và<br />
2000 (Bach M, 2002) thông qua các chương trình chống đói nghèo, tăng cường sự cố kết xã hội như<br />
Chương trình nghị sự Lisbon (Béland, D, 2007). Phần lớn các tác giả nghiên cứu về hòa nhập xã hội<br />
trong khoảng hai chục năm lại đây đã chấp nhận, ủng hội và phát triển vấn đề hòa nhập xã hội theo<br />
hướng thúc đẩy và tăng cường hòa nhập xã hội.<br />
Theo hướng tiếp cận này hòa nhập xã hội được xem xét trên cơ sở bình ổn các vai trò xã hội<br />
(Wolfensberger, 1989), có đầy đủ các điều kiện tiếp cận công bằng đối với các hoạt động, vai trò xã<br />
hội và các mối quan hệ trực tiếp, rộng mở với các công dân khác (Bates & Davis, 2004), gặp gỡ,<br />
tiếp xúc với các công dân khác trong khung cảnh bình thường và được đối xử một cách bình đẳng<br />
<br />
<br />
<br />
78 <br />
<br />
(Abbott & McConkey, 2006), đảm bảo chắc chắn được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng với chăm sóc y<br />
tế, vai trò xã hội và có mối quan hệ bình đẳng với những người khác (Bollard, 2009), hoặc xem xet<br />
dựa trên sở thích cá nhân và nhu cầu (Cummins & Lau, 2003).<br />
Tăng cường hội nhập xã hội trên cơ sở giải quyết các yếu tố cấu thành của nó là một hướng<br />
đi được nhiều tác giả chú trọng phân tích. Khi đưa ra quan điểm về các tiêu chí thể hiện nội dung và<br />
bản chất của hòa nhập xã hội Cobigo and Stuart (2010) đề xuất bốn phạm trù công cụ để thúc đẩy<br />
hòa nhập xã hội. Một số có thể nâng cao kỹ năng của cá nhân để thực hiện các hoạt động và có<br />
được mối quan hệ với những người khác. Số khác đòi hỏi ở môi trường tạo điều kiện đầy đủ để tiếp<br />
cận công bằng đối với hàng hóa và các dịch vụ công như y tế, phúc lợi xã hội, sinh hoạt, hoạt động<br />
giải trí, thu nhập và dạy nghề. Bốn loại phạm trù là: Thứ nhất gắn với pháp chế và chính sách: Đó là<br />
quyền của con người thảo luận và hành động để bảo vệ những quyền chính đáng và tự do của người<br />
khuyết tật; thứ hai, sự ủng hội của cộng đồng và dịch vụ: Các bằng chứng để chứng tỏ tính hiệu qủa<br />
của sự hỗ trợ cộng đồng; thứ ba, chống kỳ thị và phân biệt đối xử: Việc cung cấp cách thức quan<br />
trọng để loại trừ những rào cản xã hội và thúc đẩy tiếp cận đầy đủ và bình đẳng đối với hàng hóa và<br />
dịch vụ công; thứ tư, hệ thống giám sát và đánh giá: Xác định một cách hệ thống và đo lường các<br />
yếu tố cản trở hay tạo điều kiện hòa nhập xã hội là điều cần thiết để nâng cao nhận thức, thiết kế can<br />
thiệp với chính sách phù hợp và đánh giá hiệu quả của chúng.<br />
Burchardt, Le Grand & Piachaud trên cơ sở đảm bảo sự tham gia đầy đủ vào các hoạt động<br />
cộng đồng và mạng lưới xã hội trong một xã hội rộng lớn, đã xác định 4 khía cạnh cảu hội nhập xã<br />
hôi là: i) Tiêu dùng: Khả năng mua hàng hóa và các dịch vụ như thu nhập; ii) Sản xuất: Tham gia<br />
vào các hoạt động kinh tế và các giá trị xã hội như việc làm, chăm sóc trẻ và các công việc tình<br />
nguyện; iii) Hoạt động chính trị: Tham gia ở các địa phương, quốc gia vào việc ra các quyết định<br />
thông qua bầu cử hoặc là thành viên của ban vận động bầu cử; iiii)sự tham gia xã hội với gia đình,<br />
bạn bè và cộng đồng (Cobigo V. et al,2012).<br />
Ở một khía cạnh khác theo hướng tiếp cận thúc đẩy hòa nhập xã hội, nhiều tác giả quan tâm<br />
đến các điều kiện đảm bảo sự bình đẳng theo những chiều cạnh văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội<br />
(C. Ferguson, V. Cobigo et al, Laidlaw Foundation).<br />
Trong báo cáo ủy quyền của UNDESA tại cuộc gặp gỡ nhóm chuyên gia về thúc đẩy hòa<br />
nhập xã hội ở Helsinki, Finland, 8-10 July 2008, Clare Ferguson (2008) hướng đến phân tích 3 quá<br />
trình cần phải chú ý cho thúc đẩy hòa nhập xã hội. Đó là ba quá trình khác biệt nhau, nhưng gắn kết<br />
với nhau, thể hiện cụ thể phạm vi, mà với nó mọi người có thể sống và làm việc với nhau trên cơ sở<br />
bình đẳng: Công nhận các nhóm xã hội, các nền văn hóa với bản sắc khác nhau nhằm thúc đẩy tôn<br />
trọng phẩm giá và sự hợp tác; đại diện của tiếng nói chính trị để đảm bảo rằng các lợi ích của các<br />
nhóm khác nhau được tính đến trong việc ra quyết định và phân bổ nguồn lực; phân phối lại các<br />
nguồn lực kinh tế xã hội giữa các cá nhân và các nhóm để ngăn chặn sự gia tăng của bất bình đẳng<br />
và phân hóa giữa các dân tộc, khu vực, giới tính, tuổi tác hay bản sắc xã hội, trên cơ sở sự giàu có<br />
của xã hội.<br />
Sau khi điểm qua các quan điểm khác nhau về hòa nhập xã hội V. Cobigo et al (2012)<br />
hướng đến 4 điểm cần chú ý khi xem xét về nội dung, ý nghĩa của hòa nhập xã hội. Đó là: Thứ nhất,<br />
chỉ dẫn xác đinh các công cụ cho cải thiện việc hòa nhập xã hội; thứ hai, từ bỏ các quan điểm đạo<br />
đức có xu hướng áp đặt quan điểm của nhóm thống trị và hướng tới một cách tiếp cận tôn trọng kỳ<br />
vọng, sự lựa chọn, và nhu cầu cá nhân; thứ ba, hòa nhập xã hội được xem xét từ quan điểm phát<br />
triển mà ở đó hòa nhập xã hội của một người cải thiện với nhiều cơ hội để tương tác và tham gia<br />
vào các hoạt động với những người khác; thứ tư, cần có sự đo lường hòa nhập xã hội về sự phụ<br />
thuộc xã hội và hạnh phúc của một người.<br />
Laidlaw Foundation (2002) nhấn mạnh 5 điểm cần chú ý khi xem xét hòa nhập xã hội: Công<br />
nhận các giá trị, phát triển con người, lôi cuốn và cam kết, có cơ hội tham gia các mối quan hệ và sự<br />
đảm bảo về vật chất.<br />
Ở Việt Nam dường như những nghiên cứu lý thuyết về hòa nhập xã hội chưa thật nhiều.<br />
Một số công trình công bố liên quan đến chủ đề hòa nhập xã hội vẫn chủ yếu được phân tích trên cơ<br />
sở một sự xác định làm việc phù hợp với nghiên cứu về hòa nhập xã hội của một nhóm yếu thế cụ<br />
thể (Trần Nguyệt Minh Thu, 2014). Việc xem xét, tiếp cận hòa nhập xã hội cũng chủ yếu theo<br />
hướng tăng cường thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với các nhóm yếu thế (Trần Văn Kham, 2011;<br />
Phạm Văn Quyết và Trần văn Kham, 2016; Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Á,<br />
ĐHQGHCM, 2016)<br />
Như vậy ngay từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước đến nay đã có rất nhiều công trình<br />
nghiên cứu, tọa đàm, hội nghị, hội thảo bàn về hòa nhập xã hội. It có tác giả nào đã tổng thuật được<br />
<br />
<br />
<br />
79 <br />
<br />