NGÔN TỪ NGHỆ THUẬT<br />
TRONG PHÓNG SỰ CỦA VŨ TRỌNG PHỤNG<br />
<br />
NGUYỄN HOÀI THANH(*)<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
<br />
Những thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng độc đáo không chỉ vì đã bóc trần được những mảng<br />
hiện thực xã hội đen tối đầy những bi hài mà còn ở lối thuật kể có duyên và hấp dẫn của một<br />
nghệ sĩ ngôn từ tài năng. Phóng sự của ông được viết bằng dạng ngôn ngữ đời sống, trong đó<br />
chất khẩu ngữ nổi lên như một đặc điểm cơ bản của ngôn từ nghệ thuật. Những lớp từ khẩu ngữ<br />
và một lượng thành ngữ, tục ngữ phong phú được gia công, trau truốt đã trở nên đắc dụng trong<br />
việc tái hiện những bức tranh đời sống sinh động như chính bản thân cuộc đời. Lời văn nghệ<br />
thuật đậm chất khẩu ngữ này đã góp phần tạo nên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm<br />
phóng sự và gần gũi, mới mẻ cả với người đọc hôm nay.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
The long reports of Vu Trong Phung not only show the really tragic and unfair society but also<br />
express the telling style with lovely and attractive of the talent speech art. His reports were<br />
written by the lively language, along with the way of speaking as the basic trait of arting speech.<br />
The ways of speaking and a lot of abundant phrases and proverbs are polished up every sentence<br />
and reperformed the picture of lively life in the society at that time. The arting style of writing<br />
with quality ways of speaking created realistic values and the humanization of reporting work<br />
and keep in close touch with the readers today.<br />
<br />
1. ĐẶT VẤN ĐỀ<br />
<br />
Tuy được viết cách đây gần bảy mươi năm, nhưng các thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng vẫn<br />
mới mẻ, đồng hành cùng với thời gian. Có được điều này không phải chỉ vì họ Vũ đã hướng ống<br />
kính phóng sự của mình vào những đề tài là những vấn đề xã hội có tính thời sự lâu dài như nạn<br />
cờ bạc bịp (Cạm bẫy người), tệ tham nhũng (Một huyện ăn Tết), nạn mại dâm (Lục xì),v.v. mà<br />
còn do ông đã viết phóng sự bằng một thứ ngôn ngữ đời sống, trong đó, chất khẩu ngữ nổi lên<br />
như một yếu tố cơ bản của lời văn nghệ thuật.<br />
<br />
2. NỘI DUNG<br />
<br />
Sự đậm đà màu sắc khẩu ngữ trong lời văn phóng sự của Vũ Trọng Phụng được thể hiện ở độ<br />
phân bố của khẩu ngữ, ở các lớp khẩu ngữ, ở lượng thành ngữ, tục ngữ và các biện pháp tu từ<br />
mang màu sắc khẩu ngữ. Họ Vũ đã huy động cái sức mạnh tổng hợp của khối lượng khẩu ngữ<br />
phong phú, dồi dào này vào việc phản ánh, đánh giá hiện thực, vào việc xây dựng nhân vật, khắc<br />
họa tính cách,v.v. hướng thẳng vào mỗi nội dung vấn đề mà mình trình bày, mô tả.<br />
<br />
Ở bất cứ trang phóng sự nào của Vũ Trọng Phụng, người đọc cũng có thể nhận ra cái giọng văn<br />
khẩu ngữ thân quen và bị lôi cuốn bởi giọng văn này. Khẩu ngữ tự nhiên không chỉ “có mặt”<br />
trong lời nhân vật mà còn xuất hiện ngay trong lời kể, lời tả của nhân vật Tôi – Tác giả - Người<br />
kể chuyện. Hầu hết các câu kể ở các thiên phóng của họ Vũ mang đậm chất khẩu ngữ. Có thể<br />
nói khẩu ngữ tự nhiên dày đặc trong các trang phóng sự của Vũ Trọng Phụng làm cho lời văn<br />
của ông vang động những âm thanh như chính cuộc đời và có sức lôi cuốn, hấp dẫn mạnh mẽ.<br />
<br />
<br />
(*)<br />
TS, Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM<br />
Lớp nhà văn cùng thời với Vũ Trọng Phụng đều quen dùng, ưa dùng khẩu ngữ và khai thác triệt<br />
để các “ nguồn” khẩu ngữ. Qua các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, người ta thấy ông rất sành<br />
lớp khẩu ngữ của dân thành thị. Trong những tác phẩm của Ngô Tất Tố, có thể thấy tác giả Tắt<br />
đèn, Việc làng… rất thạo lớp khẩu ngữ nông thôn. Còn ở phóng sự Vũ Trọng Phụng, người ta<br />
thấy ông như thành thục tất cả, vì trong đó có khẩu ngữ của đủ các hạng người: từ me Tây, gái<br />
điếm, đám cờ gian bạc bịp, lính lệ, lính cơ,v.v. ở thị thành, cho đến đám con đòi con ở từ thôn<br />
quê mới ra. Có thể thấy, các nhân vật trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng đều được tác giả cho<br />
nói năng theo đúng ngôn ngữ và giọng điệu của chính nó. Vì khẩu ngữ ở đây rất đỗi tự nhiên, “y<br />
hệt” như từng hạng người, nên đã tạo ra một hợp âm tiếng nói như chính đời sống. Giới me Tây<br />
với âm ngọng nghịu của thứ tiếng Tây “giả cầy” pha tiếng Việt “Maniet Bay dan, don Bố cu tốt<br />
! Toa vù lòa ê pu dê”; “Bạc đồng me sừ chớ có mà phát xê”… “Dân con trời” lại nói tiếng quan<br />
thoại xen với tiếng Việt thành một thứ tiếng “hẩu lốn”, như “Tủi nà ma nị ấy có được không?” .<br />
Giới cờ bạc bịp có hẳn một “kênh” ngôn ngữ riêng, thứ biệt ngữ pha rất nhiều tiếng lóng: mòng,<br />
két, thiếc, trạc xếch, giác mùi, giác bóng, róc mấu, xiếc, v.v.<br />
<br />
Có thể nói các lớp từ khẩu ngữ đủ loại trong phóng sự Vũ Trọng Phụng đã là một thành tố làm<br />
nên tính hiện thực sinh động cho tác phẩm. Những từ chạy làng, lệch nghiệp, trần, ít xu đã phản<br />
ánh nỗi khốn cùng của những kiếp me. Tiếng Tây bồi cát cút đích thị là ngôn ngữ của “vợ” Tây.<br />
Và những thành ngữ thân làm tội đời, lệch mạng mỡ,v.v. cho thấy sự khốn cùng của tình cảnh<br />
gia đình kẻ đi ở. Hoặc chỉ cần những yếu tố khẩu ngữ như, có lườn (có tiền), đông tấy lên, chia<br />
năm xẻ bảy cũng đã “cung cấp” cho ta thấy sự tràn lan của nghề cờ bạc bịp và sự giành giật<br />
miếng ăn giữa bọn chúng. Mặt khác, chính những thành tố khẩu ngữ này đã làm nên phong cách<br />
diễn đạt riêng của Vũ Trọng Phụng.<br />
<br />
Không chỉ dùng yếu tố khẩu ngữ để tạo tiếng nói riêng cho mỗi nhân vật, Vũ Trọng Phụng còn<br />
dùng nhiều yếu tố của phương tiện khẩu ngữ để xây dựng chân dung, khắc họa tính cách. Chẳng<br />
hạn ở “Cuốn tiểu thuyết” của con sen Đũi, tông tích của nhân vật này đã được kể bằng một lời<br />
văn pha nhiều khẩu ngữ:<br />
<br />
“… Năm lên 12 tuổi, cái Đũi là con một ông lý trưởng cứng cổ ra phết. Thế rồi từ khi ông lý là<br />
ông lý, thì cũng như từ khi loài người là loài người của cải của ông cứ việc từ trong nhà “đội nón<br />
ra đi”. Ruộng cả ao liền của ông lý bán hết… sạch sành sanh, cái Đũi phải ra tỉnh đi ở”.<br />
<br />
Trong các phóng sự của mình, Vũ Trọng Phụng đã dùng rất nhiều thành ngữ, tục ngữ. Tuy trong<br />
khẩu ngữ còn nhiều yếu tố khác, nhưng thành ngữ, tục ngữ là một đơn vị từ vựng, là một thành<br />
tố tạo nên diện mạo của phong cách khẩu ngữ. Với chức năng là thông báo và định danh, các<br />
thành ngữ, tục ngữ với số lượng hết sức phong phú và lại được dùng nguyên vẹn như một đội<br />
quân tinh nhuệ vừa sinh động vì giàu tính hình tượng, vừa có tính khái quát trong lời văn phóng<br />
sự Vũ Trọng Phụng đã có tác dụng gợi ra cuộc sống thực, làm bức tranh hiện thực của ông rất<br />
gần với cuộc sống, “y hệt” như cuộc đời.<br />
<br />
Sự phong phú của thành ngữ, tục ngữ trong phóng sự còn biểu hiện ở chỗ, ông không chỉ dùng<br />
đúng các thành ngữ, tục ngữ dân gian nói về các giới người và nghề nghiệp của họ, mà còn khai<br />
thác được những thành ngữ lóng của lớp người khác nhau trong xã hội, diễn tả đúng tình cảnh và<br />
tiếng nói của họ. Chẳng hạn: ở Cạm bẫy người có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ đọc lên biết đấy<br />
là cờ gian, bạc bịp, như: “Thay hình đổi dạng”, “che mắt thế gian”, “thiên biến vạn hóa”, “rong<br />
chơi bài bạc”, “hỗn quân hỗn quan”, “quay tít như con thò lò”, “bán trời không văn tự”, “thiên<br />
phương bách kế”, “biết rõ mười mươi”, v.v.. Đặc biệt là những thành ngữ lóng chỉ giới cờ bạc<br />
bịp mới dùng, như “Đào ngoái xoáy xỏa”, “nhét đất thó vào mũi” (mà lấy tiền), con bạc “mắt<br />
như rắn ráo”, “khôn sặc máu mồm” (thành ngữ dân gian là “khôn như rái”, “khôn có nọc”).<br />
Trong phóng sự Kỹ nghệ lấy Tây có những thành ngữ như: “trao xương gửi thịt”, “lá gió cành<br />
chim”, “bắt được quả tang”. Me Tây dùng thành ngữ Pháp “bồi” “ba xí ba tú”. Thậm chí, tác giả<br />
còn sửa đổi một vài thành tố của tục ngữ dân gian, “nhại” lại để châm biếm, mỉa mai: “Một<br />
người lấy Tây cả họ được nhờ”. Ở Cơm thầy cơm cô có những thành ngữ như; “chết rã họng”,<br />
“năm cha ba mẹ” “ăn chực nằm chờ”, “trầm luân khổ ải”, “con ong cái kiến”, “cơm thừa canh<br />
cặn”… và có những thành ngữ, nói về kiếp người đi ở, như “ăn đói làm no”, “ khổ tuyệt trần<br />
đời”, “nếm cơm thiên hạ”.v.v. Ở các phóng sự còn lại, thành ngữ, tục ngữ cũng ở dạng như thế.<br />
Ngoài những thành ngữ, tục ngữ được dùng nguyên vẹn, Vũ Trọng Phụng cũng hay dùng ý hoặc<br />
một vế của nhiều thành ngữ, tục ngữ khác.<br />
<br />
Một câu hỏi được đặt ra : vì sao Vũ Trọng Phụng lại sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ như vậy?<br />
Theo chúng tôi, do thành ngữ có đặc trưng là có tính hình tượng và khái quát cao nên phương<br />
tiện này rất thích hợp với khuynh hướng diễn đạt của họ Vũ là vừa mô tả một cách sống động<br />
đối tượng vừa làm rõ bản thể vốn thường bị che lấp của nó.<br />
<br />
Ngoài việc sử dụng khẩu ngữ, trong phóng sự của mình, Vũ Trọng Phụng còn dùng nhiều biện<br />
pháp tu từ. Trong đó, nổi bật là hai biện pháp tu từ so sánh và tương phản. So sánh là biện pháp<br />
tu từ cơ bản. Xét cho cùng, mọi biện pháp tu từ đều quy về so sánh. Vì vậy, so sánh là “linh hồn”<br />
của các biện pháp chuyển nghĩa. So sánh tu từ là sự đối chiếu hai hay nhiều đối tượng có một<br />
dấu hiệu chung nào đấy, nhằm diễn tả một cách hình ảnh đặc điểm của đối tượng, đem lại giá trị<br />
biểu cảm và hiệu quả thẩm mỹ. So sánh tu từ mang màu sắc khẩu ngữ là so sánh được dùng<br />
riêng cho khẩu ngữ. Vì là dùng riêng cho khẩu ngữ nên so sánh tu từ này chủ yếu mang sắc thái<br />
biểu cảm âm tính.<br />
<br />
Lối so sánh này xuất hiện khá phổ biến trong những phóng sự của họ Vũ. Chẳng hạn, đây là hình<br />
ảnh của kẻ bị lũ bạc bịp lột nhẵn túi, thua sạch sành sanh: “Ông chú bác bồi An rũ rượi người<br />
như con chim bị đạn”. Đây là “chân dung” mụ chủ nhà của con sen Đũi: “… cái má nó đã răn<br />
reo, nó lại trát phấn bự khắp cả, thành thử trông như mặt ngoáo ộp”. Còn đây là một hình ảnh<br />
một gái điếm trong lớp học của nhà Lục xì: “…nó xấu làm sao, mặt mũi béo phị và xanh nhợt,<br />
đứng lên khoanh tay lúc ngập ngừng, lúc lưu loát tựa hồ con vẹt” v.v… Lối so sánh mang tính<br />
dân gian như vậy xuất hiện hết sức thoải mái, tự nhiên như chẳng hề có một sự gia công, tô vẽ.<br />
<br />
Để lột tả bản chất của hiện tượng, để mỉa mai, đả kích, phủ định,v.v. Vũ Trọng Phụng còn sáng<br />
tạo ra nhiều kiểu so sánh theo kiểu “tạt ngang”, trùm lớp hoặc so sánh đối tượng với chính nó.<br />
Đây là lối so sánh “tạt ngang” như một cú đánh bất ngờ: “ Người Âu ở Đông Dương có cái thói<br />
quen hễ cứ thấy một người bản xứ làm báo thì nghi cho là làm hội kín, cũng như thấy một người<br />
vận âu phục lại gần nhà mình là chỉ có một nghề chim vợ Tây (Kỹ nghệ lấy Tây, Sđd, tr. 13).<br />
<br />
Thì ra, tâm địa của lũ người Âu đó thật là xấu xa: nghi ngờ từ chính trị cho đến khoản … tình<br />
dục… Kiểu so sánh này còn được họ Vũ thể hiện ở việc so sánh cái mặt của một me Tây “hầm<br />
hầm như quan khâm sai Lê Hoan”! Khuynh hướng diễn đạt chung của lời văn phóng sự Vũ<br />
Trọng Phụng là từ mô tả cái bên ngoài đi vào cái bản thể bên trong của sự vật. Sức mạnh chính<br />
của so sánh tu từ là nhận thức (còn sức mạnh của ẩn dụ là gợi cảm). Vì thế cho nên, lối so sánh<br />
tu từ có sắc thái biểu cảm âm tính rất thích hợp với lối diễn đạt cực mạnh nhằm phanh phui “sự<br />
thật ở đời” của Vũ Trọng Phụng. Lối so sánh này làm cho sức mạnh tố cáo của ngòi bút phóng<br />
sự họ Vũ tăng lên gấp bội.<br />
<br />
Cùng với so sánh tu từ, biện pháp tương phản cũng được dùng khá thường xuyên trong phóng sự<br />
Vũ Trọng Phụng. Tương phản (hay đối lập) là biện pháp tu từ sử dụng các từ ngữ biểu thị những<br />
khái niệm trái ngược nhau cùng trong một văn cảnh, nhằm mục đích làm rõ hơn đặc điểm của<br />
đối tượng được miêu tả. Trong lời văn phóng sự Vũ Trọng Phụng xuất hiện nhiều lối tương<br />
phản, để mô tả sự vật, hiện tượng, khắc họa, ngoại hình và nội tâm nhân vật. Chẳng hạn, để thể<br />
hiện cái nhục, cái khổ của kiếp người đi ở, Vũ Trọng Phụng đã đặt sự tương phản: “ Cái giá trị<br />
làm người… có khi không bằng súc vật (…). Mười sáu người, đủ hạng lớn bé trẻ già này, mỗi<br />
người chỉ cầu như một con chó, nhiều khi kém một con chó…” (Cơm thầy cơm cô). Sở dĩ có<br />
điều này vì “một vài con chó còn được chủ nhà mua thịt bò cho xơi! Có khi con chó mỗi tháng<br />
khiến chủ tốn kém hơn một đứa tôi tớ trong nhà” (Cơm thầy cơm cô). Nhưng cũng bằng nghệ<br />
thuật tương phản, Vũ Trọng Phụng đã diễn tả quá trình tha hóa hết sức nhanh chóng của giới<br />
cơm thầy cơm cô, trong cái môi trường thị thành đầy giả dối: “mới ra tỉnh thì ngẩn ngẩn ngơ ngơ<br />
mà ở được vài tháng thì ăn cắp như ranh, ăn bớt như quỷ” (Cơm thầy cơm cô, tr.71).<br />
<br />
Bằng lối tương phản, họ Vũ đã bóc trần cái thực trạng đen tối cùng cực của nạn mại dâm thời<br />
thuộc Pháp “… những cái vú nát nhẽo, những đùi hoặc ghẻ ruồi, hoặc hắc lào, hoặc điểm lấm<br />
tấm những vòng đen, di tích của trùng giang mai”, “những con ma lem mặt bủng da chì”, “hoàn<br />
toàn rách rưới, bệ rạc”. Thế mà “tối đến diện quần áo vào, đeo đồ nữ trang vào, một lượt phấn<br />
trát lên trên những mảng ghét thì một vài ả hóa ra ngon lành, kháu khỉnh trong những con mắt<br />
mờ vì men rượu của khách làng chơi” (Lục xì, trang 172).<br />
<br />
Thực trạng tệ nạn và những vấn nạn xã hội được bóc trần như vậy là triệt để. Ngòi bút phóng sự<br />
của Vũ Trọng Phụng không viết kín đáo được mà phải nói toạc ra. Biện pháp tương phản đã rất<br />
đắc dụng, giúp ngòi bút của ông lật tung cái sự thật đen tối đầy bất công của xã hội đương thời.<br />
<br />
3. KẾT LUẬN<br />
<br />
Lời văn giàu chất khẩu ngữ và những biện pháp tu từ mang màu sắc khẩu ngữ đã làm cho phẩm<br />
chất hiện thực của phóng sự Vũ Trọng Phụng cao hơn, sâu sắc hơn. Chất khẩu ngữ lại làm cho<br />
lời văn của họ Vũ “đời” hơn. Sự tương tác này cho thấy ngòi bút phóng sự Vũ Trọng Phụng gắn<br />
bó chặt chẽ với các phương tiện khẩu ngữ và những biện pháp tu từ mang sắc thái âm tính. Họ<br />
Vũ ưa dùng, quen dùng và sử dụng thành thạo những phương tiện quý báu đó của ngôn ngữ dân<br />
tộc, để tạo ra một lời văn với một lối phô diễn cực mạnh, nhằm phanh phui “sự thật ở đời” và<br />
trực tiếp bộc lộ “niềm căm uất không nguôi” của mình đối với cái xã hội thối tha, vô nhân đạo.<br />
<br />
Khẩu ngữ tự nhiên là một hiện tượng ngôn ngữ không bao giờ xưa cũ vì nó luôn thường trực<br />
trong lời ăn tiếng nói, trong đời sống ngôn ngữ của con người. Bằng việc sử dụng điêu luyện<br />
khẩu ngữ tự nhiên, Vũ Trọng Phụng đã làm cho phóng sự của ông tươi rói một thứ ngôn ngữ của<br />
đời sống. Chính vì vậy, lời văn phóng sự của “ông vua phóng sự” vừa mang tính truyền thống<br />
vừa hiện đại, rất gần gũi, mới mẻ đối với cả độc giả hôm nay.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
1. Vũ Trọng Phụng (1937), Cơm thầy cơm cô và Lục xì, NXB Minh Phương, Hà Nội.<br />
2. Vũ Trọng Phụng (1993), Cạm bẫy người, NXB Văn học, Hà Nội.<br />
3. Vũ Trọng Phụng (1989), Kỹ nghệ lấy Tây, NXB Hà Nội.<br />
4. Vũ Trọng Phụng (1987), Một huyện ăn Tết, (in trong Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập II), NXB<br />
Văn học, Hà Nội.<br />