VĂN PHÒNG GIÁO DỤC QUỐC TẾ THUỘC UNESCO<br />
<br />
CHÂN DUNG NHỮNG NHÀ CẢI CÁCH<br />
GIÁO DỤC TIÊU BIỂU TRÊN THẾ<br />
GIỚI<br />
Bản quyền tiếng Việt © Công ty Sách Alpha <br />
NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI<br />
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
<br />
LỜI GIỚI THIỆU<br />
Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com<br />
Giáo dục luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia.<br />
Tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, đều phải nỗ lực tìm ra<br />
những chính sách phù hợp và hiệu quả nhằm xây dựng nền giáo dục của mình để đáp ứng<br />
yêu cầu của thời đại, cũng như bắt kịp với sự tiến bộ của các quốc gia khác trên thế giới. <br />
Để đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã<br />
và đang thực hiện quá trình cải cách giáo dục sâu rộng ở mọi cấp học. Việc tìm hiểu, tham<br />
quan và học hỏi những bài học kinh nghiệm cả về lý thuyết và thực tiễn của các nền giáo<br />
dục tiên tiến khác là cần thiết. Sự nghiệp và tư tưởng của các nhà giáo dục xuất sắc và tiêu<br />
biểu trên thế giới chính là một trong những nguồn tư liệu quý giá cho các nhà hoạch định<br />
chính sách giáo dục và chính những cá nhân đang theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu giáo<br />
dục của chúng ta. <br />
Tuy nhiên, sách viết về những đề tài này còn rất ít, đặc biệt là khi những cuốn sách này lại<br />
là những tài liệu tham khảo rất có giá trị đối với giáo viên và sinh viên các ngành sư phạm.<br />
Hơn thế nữa, ngôn ngữ lại là rào cản đáng kể và hạn chế trong việc tìm hiểu các nguồn<br />
thông tin vốn hầu hết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Vì thế, cuốn sách “Chân dung các<br />
nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới” là một nguồn tài liệu đáng quý. Những chân<br />
dung các nhà giáo dục được giới thiệu trong tập sách này bao gồm những nhà tư tưởng,<br />
nhà chính trị, nhà cải cách và nhà sư phạm, tất cả đều là những con người cống hiến cho<br />
sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo những lớp công dân của đất nước mình và trên<br />
thế giới. <br />
Cuốn sách được biên dịch là tài liệu tham khảo có giá trị nhằm phục vụ các nhà hoạch<br />
định chính sách giáo dục, các nhà nghiên cứu cũng như các bậc phụ huynh muốn tìm hiểu<br />
thêm nguồn gốc những phương pháp và chính sách giáo dục đã được áp dụng trên thế<br />
giới. Trong quá trình gian nan để tìm ra các giải pháp giáo dục hiệu quả và phù hợp nhất<br />
với điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay, việc tham khảo các quá trình cải cách giáo<br />
dục, nhất là những mô hình cải cách đã thành công và thất bại là hết sức cần thiết đối với<br />
những nhà hoạch định chính sách giáo dục và nghiên cứu giáo dục của Việt Nam. <br />
Những bài học kinh nghiệm thiết thực đã được cụ thể hóa trong từng hoàn cảnh của các<br />
nền giáo dục khác nhau có thể là những gợi ý hữu ích cho các giáo viên trực tiếp giảng<br />
dạy và sinh viên các ngành sư phạm. Còn đối với đông đảo bạn đọc quan tâm khác, những<br />
tấm gương sáng về học thuật và ý chí lao động của những nhà tư tưởng và hoạt động thực<br />
tiễn này là một nguồn tư liệu tham khảo bổ ích. <br />
GS.TSKH Bành Tiến Long<br />
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo<br />
<br />
JOHN LOCKE (1632 - 1704)<br />
<br />
<br />
JOHN LOCKE<br />
(1632 - 1704)<br />
Nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh<br />
John Locke là nhà giáo dục vĩ đại trên một số phương diện. Theo cảm nhận trực quan,<br />
Locke là nhà thực nghiệm và chuyên gia nghiên cứu giáo dục. Sự mô tả sơ lược này gắn<br />
liền với nền tảng giáo dục, lý thuyết tri thức, những lời khuyên của ông tới các bậc cha mẹ<br />
trong việc nuôi dạy con cái, và những ưu tiên giáo dục thể hiện qua các chương trình cụ<br />
thể. Tuy nhiên, Locke cũng có những đóng góp đáng kể cho tri thức loài người trên một số<br />
lĩnh vực như thần học, kinh tế học, y học và khoa học, đặc biệt là triết học chính trị. Hai<br />
đóng góp nổi bật của Locke cùng lúc đã tạo cho ông hình ảnh tôn kính dài lâu của nhà<br />
giáo dục có đóng góp lớn nhất trong lịch sử nước Anh. Nathan Tarcov đã nhận xét: “Các<br />
triết gia có thể nổi lên ở cả hai lĩnh vực là lý thuyết giáo dục và lý thuyết chính trị kể từ<br />
khi cả hai luồng tư tưởng này xuất phát từ cùng một nguồn, tác phẩm Nền cộng hòa<br />
(Republic) của Plato”.<br />
Nước Anh thế kỉ XVII<br />
Vào thế kỉ XVII nước Anh đã trải qua 2 cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng đầu tiên nổ ra<br />
năm 1649, kết thúc nhiều năm nội chiến với đỉnh điểm là án tử hình vua Charles đệ Nhất<br />
của dòng dõi Stuart, và việc thành lập khối thịnh vượng chung, mà sau này vào năm 1653<br />
được thay thế bởi chế độ bảo hộ dưới quyền cai trị của Oliver Cromwell. Năm 1660, chế<br />
độ quân chủ được khôi phục dưới thời vua Charles đệ Nhị, và khi ông mất năm 1685, ngai<br />
vàng đã được truyền lại cho James - em trai của ông. Tuy nhiên, một lần nữa các điều<br />
khoản của Nghị viện và Nhà thờ đạo Tin Lành lại trong tình trạng bị đe dọa. Tiếp theo<br />
cuộc phản kháng chống lại chế độ quân chủ dưới thời Stuart, năm 1688 cuộc cách mạng<br />
thứ hai bùng nổ, nhân lúc này, vua James đệ Nhị đã bỏ chạy sang Pháp, vì thế đã tránh<br />
được kết cục như cha của ông ta. Ngai vàng sau đó được kế vị bởi con gái lớn của vua<br />
James là Mary cùng với chồng, hoàng tử William dòng họ Orange.<br />
Những sự kiện này chắc chắn đã tác động lớn đối với cuộc sống của rất nhiều người, nếu<br />
chưa muốn nói là tất cả, đặc biệt là những người dân sinh sống tại Anh, Ireland, Scotland<br />
<br />
và xứ Wales trong suốt thế kỉ XVII. Những sự kiện này là phần không thể thiếu để hiểu<br />
tường tận cuộc sống và sự nghiệp của John Locke - vừa là quan sát viên sắc bén, đôi khi<br />
vừa là người tham dự trực tiếp vào các cuộc tranh luận về chính trị, hiến pháp, tôn giáo,<br />
kinh tế và giáo dục trong những giai đoạn quan trọng này. Ông thực sự có mối liên hệ mật<br />
thiết với một trong những chính trị gia lỗi lạc của thời đại, Anthoni Ashley Cooper, bá<br />
tước đầu tiên nhà Shaftesbury.<br />
Năm 1638, Locke nhận thấy việc dời sang Hà Lan là ý kiến sáng suốt, cho dù tình trạng<br />
sức khỏe cũng như chính trị của ông không được sáng sủa lắm. Năm 1688, ông quay trở<br />
lại Anh với tư cách là người ủng hộ cho chế độ mới và ông thực sự đã nhận được sự ưu ái<br />
của hoàng tử William dòng họ Orange khi muốn cất nhắc ông vào vị trí sứ giả tại vùng<br />
công quốc Brandenburg, nhưng ông đã khước từ vị trí này. Tuy nhiên sau đó ông đã được<br />
bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong Chính phủ như: Ủy viên hội đồng phúc thẩm<br />
và thành viên của Hội đồng thương mại mới. Những năm 1690 được đánh dấu bằng nhiều<br />
sự kiện quan trọng không chỉ ở những hoạt động chính trị của Locke mà còn chính là thời<br />
điểm ông xuất bản những tác phẩm lớn ông đã dày công chuẩn bị từ nhiều năm. Những tác<br />
phẩm này gồm có Lá thư về lòng khoan dung (Letter Concerning Toleration) (1689), Luận<br />
về sự hiểu biết của con người (An essay concerning human understanding) (1690), Hai<br />
chuyên luận về Nhà nước (Two treaties of Government) (1690), và cuốn Một số tư tưởng<br />
giáo dục (Some thoghts concerning education) (sau đây gọi là Tư tưởng giáo dục), xuất<br />
bản lần thứ nhất năm 1693 - chính cuốn sách này đã khiến tên tuổi ông được biết tới như<br />
một nhà giáo dục.<br />
Vài nét về tiểu sử<br />
John Locke sinh ngày 29 tháng 8 năm 1632 tại Wrington, một làng nhỏ ở Somerset, phía<br />
Tây Nam nước Anh. Cha của ông, cũng tên là John, là một chủ đất nhỏ hành nghề luật sư,<br />
ủng hộ Quốc hội Anh chống lại vua Charles đệ Nhất và giữ cương vị Trung úy trong quân<br />
đội nghị viện trong suốt thời kì nội chiến Anh. Mẹ ông, bà Agnes - con gái của người thợ<br />
thuộc da tên Edmund keene - hơn cha ông khoảng 10 tuổi và hạ sinh cậu con trai đầu lòng<br />
John khi bước vào tuổi 35. Có vẻ như rằng cha của Locke là một người rất khắc nghiệt<br />
(ông ta luôn ủng hộ việc dùng đòn roi để trừng phạt những người đàn bà không chồng mà<br />
có con), ông không bao giờ cho rằng việc nuông chiều cậu con trai của mình là điều tốt,<br />
mà luôn luôn tạo trong con nỗi kính sợ cha và luôn giữ khoảng cách với cậu. Chúng ta<br />
cũng không biết khi còn bé Locke có hiểu được ích lợi của chế độ nuôi dạy hà khắc này<br />
hay không. Nhưng một điều chắc chắn rằng khi lớn lên, ông cũng khuyên các bậc cha mẹ<br />
nên nuôi dạy trẻ theo cách tương tự: “Bởi vì sự dễ dãi và nuông chiều không hề tốt cho<br />
bọn trẻ: ý muốn được phán xét người khác của chúng khiến chúng ta cần phải hãm chúng<br />
lại và thực hiện các hình thức kỉ luật cần thiết”. Một người khi còn bé không có thói quen<br />
tham khảo nguyện vọng của mình với người khác, thì đến một lúc nào đó khi cần tới, anh<br />
ta sẽ rất ít khi lắng nghe hoặc đưa ra ý kiến riêng của mình”.<br />
Mặc dù John Locke sinh trưởng trong gia đình có truyền thống học hành, nhưng những<br />
thông tin về thời tiểu học của ông thì hầu như chẳng ai biết. Năm 1647, khi 15 tuổi, ông<br />
được gửi tới trường Westminster ở London và học tập dưới sự bảo hộ của một trong<br />
những hiệu trưởng nổi tiếng nhất của trường, thầy Richard Busby. Busby nổi tiếng nhờ<br />
thời gian đương chức rất dài của ông (khoảng 50 năm), sự uyên thâm, kĩ năng của một nhà<br />
sư phạm và sự nghiêm khắc dùng đòn roi như công cụ uốn nắn những học trò ngỗ ngược.<br />
<br />