NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI<br />
NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ NÔNG DÂN<br />
TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ<br />
<br />
Th.S Nguyễn Thị Phương Mai<br />
Trường Đại học Thủy lợi<br />
<br />
<br />
Một trong những đặc điểm nổi bật của nền kinh tế thế giới trong những thập kỷ vừa qua<br />
là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. Những thành tựu<br />
của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại đã làm thay đổi lực lượng sản xuất của xã<br />
hội loài người, dẫn đến xu thế toàn cầu hóa kinh tế.<br />
Toàn cầu hoá kinh tế đang là xu thế vận động tất yếu trong thời đại ngày nay. Toàn cầu<br />
hóa kinh tế có tác động nhiều mặt, vừa mang lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng mang lại<br />
nhiều khó khăn, thách thức cho các nước, đặc biệt đối với nước ta, một nước nông nghiệp, dân số<br />
chủ yếu là nông dân và sinh sống ở nông thôn.<br />
Quan điểm của Đảng ta là “...chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu hơn, đầy đủ hơn với<br />
khu vực và thế giới” [1]. Việc nước ta gia nhập WTO, đã khẳng định sự chủ động, tích cực tham<br />
gia vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế một cách ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ. Tham gia vào<br />
quá trình toàn cầu hóa kinh tế, gia nhập WTO, thể hiện nước ta sẵn sàng chấp nhận những thời<br />
cơ và thách thức mới. Như vậy, việc nắm vững những cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa, của<br />
hội nhập kinh tế quốc tế đối với sự phát triển kinh tế xã hội nước ta nói chung, đối với nông<br />
nghiệp - nông thôn - nông dân nói riêng là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo cho sự<br />
thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.<br />
Những cơ hội của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình hội nhập kinh tế<br />
quốc tế.<br />
+ Cơ hội mở rộng thị trường<br />
Khi tham gia vào quá trình toàn cầu hoá, trở thành thành viên của các tổ chức kinh tế khu<br />
vực và thế giới như WTO, ASEAN, nông nghiệp nước ta sẽ có cơ hội mở rộng thị trường nông<br />
sản xuất khẩu, bởi sẽ được tiếp cận thị trường nông sản của các nước thành viên của các tổ chức<br />
khu vực và thế giới. Những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của nước ta như gạo, cà phê, cao<br />
su, điều... sẽ có điều kiện tốt hơn về thị trường đầu ra. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo ra<br />
những cơ hội thu hút vốn đầu tư cho nông nghiệp, tạo điều kiện để nông nghiệp có thể tiếp thu<br />
công nghệ thông qua chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý, tạo điều kiện để nâng cao hiệu<br />
quả sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp.<br />
+ Cơ hội để nông thôn thoát khỏi đói nghèo<br />
Việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa<br />
dạng hóa sẽ là những cơ hội rất to lớn để nông thôn thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu và<br />
chậm phát triển. Nông thôn sẽ có cơ hội tiếp cận với những tiến bộ về khoa học - công nghệ;<br />
giao lưu với các nền văn hoá; tiếp cận với những nguồn tài trợ để phát triển kết cấu hạ tầng, xoá<br />
đói giảm nghèo. Nhờ vậy, kinh tế nông thôn sẽ có cơ hội phát triển. Các ngành nghề kinh tế ở<br />
nông thôn, các thành phần kinh tế ở nông thôn như kinh tế hộ và kinh tế trang trại, các doanh<br />
nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản, gia công, sản xuất đồ gia dụng, sẽ được chú trọng phát<br />
triển, nhất là các làng nghề được khôi phục và phát huy. Bộ mặt kinh tế - xã hội, văn hoá - xã hội<br />
của nông thôn đã có những đổi thay đáng kể, góp phần làm cho nông thôn được đô thị hoá, xích<br />
lại gần hơn với thành thị và thế giới.<br />
+ Góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế<br />
Việt nam vốn là một nước nông nghiệp, với cơ cấu kinh tế thuần nông, lao động trong<br />
nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội. Từ những năm 60 của thế kỷ XX,<br />
nước ta đã tiến hành công nghiệp hóa, với mục tiêu phát triển nước ta thành một nước công<br />
nghiệp có cơ cấu kinh tế hiện đại.<br />
Trong quá trình đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có rất nhiều biến đổi, cơ cấu kinh tế ở nông<br />
thôn cũng dần được chuyển dịch theo hướng hiện đại, cả cơ cấu ngành nghề, cơ cấu thành phần,<br />
cơ cấu lao động. Cơ cấu kinh tế công - nông - dịch vụ từng bước được hình thành, trong đó nông<br />
nghiệp đóng vai trò nền tảng cho công nghiệp và dịch vụ phát triển, nông dân luôn là chủ thể<br />
năng động, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn là địa bàn diễn ra những hoạt động<br />
kinh tế sôi nổi.<br />
Trong quá trình đổi mới, giá trị sản lượng nông nghiệp (cả nông, lâm, ngư nghiệp) liên<br />
tục tăng trưởng với tốc độ bình quân 5,55%/năm và tăng GDP 3,36%/năm. Người nông dân đã<br />
dần chú trọng đến phát triển thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; nhiều vùng sản xuất hàng<br />
hoá tập trung được hình thành như vùng lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng, cà<br />
phê ở Tây Nguyên, chè ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, cao su ở Đông Nam Bộ... Vì thế, Việt Nam<br />
đã trở thành nước xuất khẩu thứ nhất về hạt tiêu (chiếm 14,3% thị phần thế giới), về cà phê vối<br />
(chiếm 40% thị phần thế giới), thứ hai về lúa gạo (chiếm 12% thị phần thế giới), về hạt điều<br />
(chiếm 9,5% thị phần thế giới)... Với vị trí quan trọng như vậy, nông nghiệp đã trở thành chìa<br />
khoá đối với sự ổn định và phát triển của đất nước. [4]<br />
Phát triển công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh sẽ tạo việc làm và thu nhập cho dân cư nông<br />
thôn, thuận lợi cho tích luỹ và đầu tư. Cơ sở công nghiệp là nơi đặt hàng, tiêu thụ hàng hóa cho<br />
nông nghiệp và giúp nông nghiệp sản xuất nguyên liệu với công nghệ, chất lượng, giá trị cao<br />
hơn; cung cấp vật tư, thiết bị cho nông nghiệp với giá cạnh tranh hơn. Các loại hình dịch vụ ở<br />
nông thôn như thương nghiệp, tín dụng, khoa học công nghệ và tư vấn cùng với cơ sở hạ tầng ở<br />
nông thôn như điện, đường, trường, trạm tạo điều kiện hơn cho sản xuất và kinh doanh nông<br />
nghiệp.<br />
Quá trình phát triển kinh tế nông thôn là quá trình phát triển của phân công lao động xã<br />
hội. Quá trình đó đã dẫn đến những biến đổi cơ cấu giai cấp xã hội, lực lượng lao động đáng kể<br />
sẽ ra khỏi nông thôn để làm công nghiệp - dịch vụ. Vì vậy, nông thôn bây giờ không chỉ là nơi<br />
sinh sống của nông dân mà còn của các giai cấp khác nhau.<br />
+ Xây dựng người nông dân mới thích nghi với cơ chế thị trường.<br />
Trong hơn 20 năm đổi mới, do tác động của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn<br />
cầu hoá, những người nông dân tiểu nông sản xuất tự cấp, tự túc, bảo thủ, lạc hậu đã trở thành<br />
người nông dân năng động, sáng tạo trong sản xuất hàng hoá để hội nhập với thế giới. Người<br />
nông dân, nhất là những chủ trang trại và chủ doanh nghiệp trong nông nghiệp đã được tiếp cận<br />
trực tiếp với thị trường thế giới, họ càng năng động, sáng tạo hơn trong sản xuất và kinh doanh.<br />
Họ đã học tập được những kinh nghiệm của nông dân nước khác, cũng như ý thức sẵn sàng cạnh<br />
tranh với các đối thủ quốc tế, nhận biết được giá trị của thương hiệu, của xúc tiến thương mại,<br />
của luật pháp quốc tế...<br />
Những thách thức và khó khăn đối với nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong quá<br />
trình hội nhập kinh tế quốc tế<br />
Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi nêu trên, nền nông nghiệp nước ta cũng<br />
không tránh khỏi những tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế. Những biến động của<br />
kinh tế và thị trường nông sản thế giới tất yếu ảnh hưởng tới sự phát triển của nền nông nghiệp<br />
Việt Nam. Gia nhập WTO, nông nghiệp Việt Nam dù còn nhiều yếu kém nhưng phải đối mặt với<br />
sự cạnh tranh bình đẳng theo luật chơi chung của nền kinh tế thế giới mà trong đó Việt nam là<br />
một thành viên.<br />
+ Khó khăn do sự bảo hộ của các nước phát triển.<br />
Hội nhập sẽ là thách thức lớn cho nông nghiệp nước ta, nhất là ở các vấn đề liên quan tới<br />
giá cả hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng lao động, môi trường, vệ sinh an toàn thực<br />
phẩm, khiếu kiện thương mại... Các sản phẩm truyền thống sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với<br />
hàng nhập khẩu khi hàng rào bảo hộ phải hạ xuống theo yêu cầu của WTO.<br />
<br />
<br />
Theo cam kết với WTO, thời gian tới, mức cắt giảm thuế nông sản bình quân là<br />
10,6 % (nếu tính theo thuế ngoài hạn ngạch) và 20% so với mức MFN hiện hành.<br />
Trong số 1185 dòng thuế nông sản cam kết, có tới 500 mặt hàng -dòng thuế (chiếm<br />
42%- chủ yếu là thịt, rau quả, nông sản chế biến) sẽ giảm thuế; 535 dòng thuế không<br />
thay đổi (chiếm 45%- chủ yếu là gia súc sống, cây con giống, nông sản thô), và chỉ<br />
có 150 dòng thuế (chiếm 13%) sẽ tăng. Cam kết mở cửa thị trường này sẽ tiếp tục<br />
gây áp lực cạnh tranh tới nhiều mặt hàng nông sản sản xuất trong nước.<br />
+ Đối mặt với sự cạnh tranh.<br />
Việc mở rộng tự do hóa thương mại, sẽ làm cho nông sản hàng hoá của nước ta bị nông<br />
sản hàng hoá của nước ngoài cạnh tranh khốc liệt. Trên thực tế, phần lớn nông sản của nước ta<br />
chỉ được tiêu thụ ở thị trường dành cho khách hàng bình dân, trong khi đó các mặt hàng rau quả<br />
tại các siêu thị, nhà hàng chủ yếu là có xuất xứ từ nước ngoài; ngành chăn nuôi của nước ta cũng<br />
sẽ gặp phải cạnh tranh khốc liệt với nông sản thực phẩm vừa được trợ cấp cao, vừa có chất lượng<br />
cao và giá cả rẻ của Mỹ, EU, Úc... Điều này sẽ ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp trong<br />
nước.<br />
Trong khi đó, các doanh nghiệp của nông dân thường có quy mô nhỏ, năng suất lao động<br />
thấp, sức cạnh tranh thấp. Hơn nữa, trình độ lực lượng sản xuất của nông nghiệp còn thấp, nhất<br />
là về công cụ sản xuất phần nhiều còn thô sơ, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật của người<br />
nông dân vào sản xuất và kết cấu hạ tầng nông nghiệp còn hạn chế, nên nông nghiệp còn lệ thuộc<br />
nhiều vào thiên nhiên, điều này đựng nhiều rủi ro, bấp bênh về giá cả, thị trường tiêu thụ.<br />
Ngoài ra, tình trạng phân tán, manh mún của ruộng đất còn phổ biến, gây khó khăn rất<br />
lớn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói chung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng,<br />
vật nuôi nói riêng từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá lớn.<br />
+ Chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn.<br />
Những yêu cầu chung về nhân lực trong thời kỳ hội nhập là phải có tri thức, có năng lực<br />
tư duy sáng tạo, có những hiểu biết nhất định về kinh tế thị trường và luật pháp quốc tế. Nhưng,<br />
hiện nay, do trình độ học vấn, trình độ chuyên môn và khoa học - kỹ thuật còn rất thấp, do năng<br />
lực tư duy kinh tế, hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế, do thất nghiệp vì mất đất, thiếu kinh<br />
nghiệm làm ăn, do còn chịu ảnh hưởng nhiều của tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu, những<br />
thói quen tuỳ tiện, đại khái của phần lớn nông dân, nên nông dân vẫn là đối tượng khó tiếp cận<br />
được với những cơ hội để hội nhập có hiệu quả, thậm chí họ còn trở thành đối tượng chịu nhiều<br />
thiệt thòi nhất khi nước ta tham gia toàn cầu hoá. Người nông dân hiện nay, kể cả các chủ trang<br />
trại, các chủ doanh nghiệp nông dân còn rất ít hiểu biết về những quy định, quy tắc, các chế tài<br />
pháp lý trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, còn thiếu thông tin về thị trường, về quyền sở hữu<br />
trí tuệ, về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, về thương hiệu, nhãn mác sản phẩm, thiếu thông tin kịp<br />
thời về sự bảo trợ nông nghiệp của các đối thủ cạnh tranh ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ... điều này<br />
cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập.<br />
+ Khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa thành thị và nông thôn có xu hướng<br />
tăng lên<br />
Do kết cấu hạ tầng nông thôn còn rất yếu kém, nên rất khó mời gọi đầu tư của các đối tác<br />
để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, tiên tiến. Đa số những dự án FDI đầu tư cho<br />
nông nghiệp lại chỉ tập trung vào những vùng có khả năng sản xuất nguyên liệu với quy mô lớn,<br />
giao thông thuận lợi... điều này đã làm gia tăng sự chênh lệch về trình độ phát triển sản xuất hàng<br />
nông sản xuất khẩu, do đó đã làm gia tăng sự chênh lệch về trình độ phát triển, thu nhập và sự<br />
phân hoá giàu nghèo giữa các vùng và nhóm dân cư.<br />
Ngoài ra, hiện còn có một bộ phận nông dân rất nghèo khó, đã làm gia tăng khoảng cách<br />
giầu nghèo giữa nông dân với các tầng lớp dân cư khác, giữa nông thôn với thành thị, giữa nước<br />
ta với thế giới. Khu vực nông thôn, tuy đã có những bước đổi thay đáng kể, nhưng nhìn chung<br />
vẫn còn rất nghèo nàn, lạc hậu và chậm phát triển không chỉ về đời sống vật chất, mà còn cả về<br />
đời sống văn hoá, tinh thần. Đa số lao động nông thôn chưa được đào tạo nên ít có cơ hội được<br />
hưởng tương xứng từ những thành quả của quá trình này. Người nông dân là những người chịu<br />
thiệt thòi một cách trực tiếp trong quá trình công nghiệp hóa. Mặt khác, đô thị và công nghiệp sẽ<br />
tiếp tục thu hút và tranh chấp mạnh tài nguyên với nông nghiệp, nông thôn mà trọng tâm là đất,<br />
nước và sau đó là lao động và vốn. Trong vòng 10 năm từ 1998-2008, FDI trong nông nghiệp chỉ<br />
chiếm 10,7% tổng số dự án FDI của cả nước với 966 dự án. Quy mô của các dự án này chỉ bằng<br />
1/10 mức trung bình của các dự án khác [5]. Nếu chính sách phát triển không được điều chỉnh<br />
hợp lý, khoảng cách về thu nhập và điều kiện sống giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa nông<br />
thôn và đô thị tiếp tục rộng ra sẽ dẫn đến tình trạng di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị, gây ra<br />
sức ép lớn đối với thành thị về việc làm, nhà ở, môi trường, tệ nạn xã hội...<br />
<br />
<br />
Việt nam: chỉ số chênh lệch giàu nghèo (chỉ số) Gini): 34,4 lần<br />
10% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 4,2% thu nhập và chi tiêu quốc gia.<br />
10% giàu nhất chiếm 28,8% thu nhập và chi tiêu quốc gia.<br />
20% dân số nghèo nhất chiếm 9% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia.<br />
20% dân số giàu nhất chiếm 44,3% tổng thu nhập và chi tiêu quốc gia.<br />
Chênh lệch giữa 10% dân số giàu nhất với 10% dân số nghèo nhất là 6,9 lần,<br />
( Báo cáo phát triển con người 2007-2008 của UNDP<br />
<br />
<br />
* *<br />
*<br />
Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong quá trình công nghiệp hóa,<br />
hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở<br />
nước ta có vị trí quan trọng lâu dài, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững,<br />
ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.<br />
Phát triển toàn diện và bền vững nông nghiệp, nông dân và nông thôn là vấn đề có vị trí và vai<br />
trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với Việt Nam. Tuy nhiên, từ<br />
thực tế phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân có thể thấy, cái mà nông dân được hưởng,<br />
nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp của người nông dân, những<br />
thành tích mà nông nghiệp đã mang lại cho nền kinh tế.<br />
Qua kinh nghiệm của một số nước đã thực hiện vấn đề “tam nông” như Trung Quốc,<br />
Hàn quốc, có thể thấy sự chênh lệch về cuộc sống, về cơ hội phát triển của cư dân nông thôn và<br />
cư dân đô thị, cách biệt giữa nông thôn và thành thị là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự bất<br />
ổn xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, "Mô hình hy sinh nông nghiệp, nông thôn trước, rồi bù đắp<br />
lại, hàng trăm năm sau đó” chắc chắn không còn thực hiện được nữa. Muốn công nghiệp hoá,<br />
trước hết phải giải quyết thành công các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân.<br />
Để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Việt Nam đến<br />
năm 2020, đòi hỏi phải xây dựng được một chiến lược toàn diện về phát triển nông nghiệp,<br />
nông thôn và nông dân Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Trong mối quan hệ<br />
mật thiết giữa nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cần quán triệt quan điểm“nông dân là chủ<br />
thể” của quá trình phát triển, “xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp,<br />
dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản”; “phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông<br />
nghiệp là khâu then chốt”.<br />
Nhận diện đúng những cơ hội và thách thức của nông nghiệp, nông thôn và nông dân<br />
chính là yếu tố quan trọng để nước ta có thể thực sự “tích cực”, chủ động” trong hội nhập quốc<br />
tế, giúp chúng ta có thể nắm bắt và phát huy các cơ hội cũng như có giải pháp để hạn chế được<br />
những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung,<br />
của nông nghiệp, nông thôn và nông dân nói riêng, đảm bảo sự phát triển bền vững, thực hiện<br />
được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh.<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH<br />
1. Đảng Cộng sản Việt nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, Hà<br />
nội, 2006, tr.204<br />
2. Đảng Cộng sản Việt nam, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7<br />
(khóa X)<br />
3. GS,TS. Hoàng Ngọc Hoà, Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công<br />
nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta , NXB. CTQG, 2008<br />
4. Nông Văn Kế, Tạp chí Cộng sản , Số 12 (156), năm 2008<br />
5. http://taichinh.saga.vn/view.aspx?id=22046<br />