NHỮNG THUỘC TÍNH NGỮ PHÁP CỦA ĐỀ TRONG CẤU TRÚC<br />
CÚ PHÁP CƠ BẢN CỦA CÂU TIẾNG VIỆT<br />
<br />
NGUYỄN VĂN BẰNG(*)<br />
<br />
TÓM TẮT<br />
<br />
Trên cơ sở quan điểm của Lí thuyết Ngữ pháp chức năng, tác giả bài viết trình bày những thuộc<br />
tính ngữ pháp tính xác định, vị trí đầu câu, tính không thể lược bỏ, kiểm định đại từ mình,<br />
kiểm định việc sử dụng từ đều tạo thành cương vị ngữ pháp của Đề trong cấu trúc cú pháp cơ<br />
bản của câu tiếng Việt. Cương vị ngữ pháp của Đề khiến cho cái ngữ đoạn làm Đề mang những<br />
thuộc tính ngữ pháp mà các ngữ đoạn khác trong câu không thể có được. Do vậy, có thể nhận<br />
diện Đề trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt nhờ các thuộc tính ngữ pháp của nó.<br />
Việc nghiên cứu những thuộc tính ngữ pháp của Đề trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng<br />
Việt, cùng với việc nghiên cứu Đề trên bình diện nghĩa học và bình diện dụng pháp, có vai trò<br />
đặc biệt quan trọng trong việc tường minh và khẳng định cương vị ngôn ngữ học của Đề (mà<br />
không phải là Chủ ngữ) trong câu tiếng Việt.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
<br />
On the point of view of Functional Grammar Theory, the author analyses the grammatical<br />
properties of the Topic in the basic syntactic structure in Vietnamese sentences : definiteness, the<br />
first position in the sentence, non-omittedness, mình control, đều control. These grammatical<br />
properties make the grammatical status of the Topic in sentences in Vietnamese. Other noun<br />
phrases which are not Topics of sentences haven’t these properties. Thus, the Topic can be<br />
identified by these properties. The study of the grammatical properties of the Topic in the basic<br />
syntactic structure in Vietnamese sentennces, with the study of its properties in semantic and<br />
pragmatic levels, has an important meaning in the explanation and the affirmation of the<br />
grammatical status of Topic (not Subject) in sentences in Vietnamese.<br />
<br />
1. MỞ ĐẦU<br />
<br />
Nói ra một câu, thông thường, là thực hiện một hành động mệnh đề (propositional act), cùng với<br />
một hành động ngôn trung (illocutionary act) và / cùng với một hành động xuyên ngôn<br />
(perlocutionary act). Mệnh đề do câu biểu đạt [1] được Lô gích học miêu tả như một cấu trúc<br />
gồm hai phần : Sở đề (Subjectum) và Sở thuyết (Praedicatum). Sở đề chỉ “cái được nói đến” và<br />
Sở thuyết chỉ “điều nói về Sở đề”. Chẳng hạn :<br />
<br />
(1) a. Tôi sẽ gặp anh vào lúc 8 giờ.<br />
b. Hôm qua mưa đá.<br />
<br />
Sở đề của mệnh đề được diễn đạt ở câu (1)a là tôi, ở câu (1)b là hôm qua, và Sở thuyết ở câu<br />
(1)a là sẽ gặp anh vào lúc 8 giờ, ở câu (1)b là mưa đá.<br />
<br />
Diễn đạt một mệnh đề, tức là thực hiện một hành động mệnh đề, là thực hiện:<br />
<br />
<br />
<br />
<br />
(*)<br />
TS, Khoa Thư viện Thông tin, Trường Đại học Sài Gòn<br />
1.1. hành động quy chiếu (reference) nhằm mục đích, khi cần thiết, chỉ vào (các) thực thể trong<br />
cái thế giới (thế giới hiện thực hoặc một thế giới nào đó) hữu quan, chẳng hạn, các thực thể được<br />
chỉ ra ở câu (1)a là tôi, bạn, lúc 8 giờ, ở câu (1)b là hôm qua<br />
<br />
1.2. hành động nhận định (predication) về một hành động (act), một quá trình (process), một tư<br />
thế (position), một trạng thái (state) có liên quan đến (các) thực thể ấy. Hành động nhận định ấy<br />
được thực hiện trên cơ sở một cấu trúc cú pháp. Nói cách khác, câu diễn đạt được một mệnh đề<br />
là nhờ cấu trúc cú pháp. Nói theo cách định nghĩa của E. Sapir thì “câu là sự thể hiện ngôn ngữ<br />
của một mệnh đề” “It is the linguistic expression of a proposition” (Sapir E. 1921)<br />
<br />
Cái cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt dùng để diễn đạt một mệnh đề tương ứng<br />
một đối một với cấu trúc của mệnh đề, trong đó thành phần thứ nhất – Đề (Topic) – biểu<br />
thị Sở đề, và thành phần thứ hai – Thuyết (Comment) – biểu thị Sở thuyết của mệnh đề.<br />
<br />
Đề trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt mang những thuộc tính nghĩa học, thuộc<br />
tính ngữ pháp và thuộc tính dụng pháp. Bài viết này chỉ trình bày những thuộc tính ngữ pháp của<br />
Đề trong cấu trúc cú pháp cơ bản (i.e. Nội Đề) của câu tiếng Việt.<br />
<br />
2. NHỮNG THUỘC TÍNH NGỮ PHÁP CỦA ĐỀ<br />
<br />
2.1. Tính xác định (definiteness)<br />
<br />
Tính xác định / tính không xác định (indefiniteness) là những thuộc tính ngữ pháp đối lập liên<br />
quan đến ngữ danh từ. Trong tiếng Việt, một ngữ danh từ đảm đương phần Đề trong cấu trúc cú<br />
pháp cơ bản của câu phải có tính xác định. Trong những câu như :<br />
<br />
(2) a. Quyển này rất hay.<br />
b. Người ấy vừa đi khỏi đây.<br />
c. Những học sinh đoạt giải trong kì thi vừa qua đều được khen thưởng.<br />
d. Những quyển sách anh cho mượn đều đáng đọc.<br />
<br />
Đề của câu (2)a là quyển này, (2)b là người ấy, (2)c là những học sinh đoạt giải trong kì thi<br />
vừa qua, và (2)d là những quyển sách anh cho mượn. Những ngữ đoạn đảm đương phần Đề<br />
trong những câu này đều là ngữ danh từ. Những ngữ danh từ này đều có tính xác định.<br />
<br />
Tính xác định của một ngữ danh từ tiếng Việt được biểu hiện nhờ những từ trực chỉ này, ấy, nhờ<br />
ngữ vị từ hoặc tiểu cú (cấu trúc Đề - Thuyết bậc dưới câu), v.v. đặt sau trung tâm của ngữ danh<br />
từ, chẳng hạn : quyển này, người ấy, những học sinh đoạt giải trong kì thi vừa qua, những<br />
quyển sách anh cho mượn trong các câu (2)a, b, c, d nêu trên. Có nhiều trường hợp, tính xác<br />
định của một ngữ danh từ phải nhờ vào ngữ cảnh mới nhận ra được. Chính nhờ tính xác định này<br />
mà ngữ danh từ mới có thể có Sở chỉ (referent). Nói cách khác, một ngữ danh từ muốn chỉ vào<br />
một / những thực thể cụ thể trong hiện thực thì phải có tính xác định.<br />
<br />
Sở dĩ Đề trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt phải có tính xác định là vì Đề chỉ ra<br />
cái phạm vi ứng dụng của điều được nói ở phần Thuyết. Cái phạm vi ứng dụng ấy có thể là một<br />
thực thể cụ thể trong hiện thực do một ngữ danh từ (đại từ nhân xưng, đại từ hồi chỉ, tên riêng,<br />
ngữ đoạn có danh từ đơn vị / khối làm trung tâm) biểu thị, có thể là một sự tình (state of affairs)<br />
do một ngữ vị từ hoặc một tiểu cú biểu thị. Chẳng hạn những câu (2)a, b, c, d nêu trên, và những<br />
câu (3) sau đây :<br />
<br />
(3) a. Hắn vừa rời khỏi chỗ này.<br />
b. Nam đi học.<br />
c. Mẹ đã về.<br />
d. Tham thì thâm.<br />
e. Mai đi thì muộn.<br />
<br />
Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét đến một kiểu câu tiếng Việt trong đó Đề do một ngữ danh từ<br />
không xác định đảm đương. Chẳng hạn trong những câu sau đây :<br />
<br />
(4) a. Một số người không biết việc ấy.<br />
b. Một người bi xử tử hình vì can tội sát nhân.<br />
c. Một số tác giả lại nhận định khác hẳn.<br />
<br />
Đề (phần in đậm nghiêng) một số người (4)a, một người (4)b, một số tác giả (4)c là những ngữ<br />
danh từ không xác định.<br />
<br />
Một ngữ danh từ không xác định làm Đề của một câu như những câu nêu trên thường giả định sự<br />
tồn tại của cái sở chỉ của ngữ danh từ hữu quan. Do đó, có thể lí giải một câu như (4)a là sự hợp<br />
nhất hai câu :<br />
<br />
(5) a. Có một số người.<br />
b. Số người này không biết việc ấy.<br />
<br />
Cũng do vậy mà về cú pháp, có thể coi toàn bộ câu này là bổ ngữ của vị từ tồn tại có tạo thành<br />
một câu :<br />
<br />
(6) Có một số người không biết việc ấy.<br />
<br />
đề thuyết<br />
<br />
bổ ngữ<br />
<br />
Việc giả định một sự tồn tại như vậy có tác dụng như một cách giới thiệu một đề tài mới (Givón<br />
T. 1976). Như vậy, có thể nói rằng, trừ Đề ở kiểu câu (4) nêu trên, Đề trong cấu trúc cú pháp cơ<br />
bản của câu tiếng Việt bao giờ cũng phải có tính xác định. Bất kì một ngữ đoạn nào đảm đương<br />
phần Đề trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt cũng đều phải được đánh dấu (marked)<br />
tính xác định. Cái lí do đơn giản, như đã nêu ở phần trên, là tính xác định của ngữ đoạn làm Đề,<br />
một thuộc tính thuộc bình diện ngữ pháp, liên hệ mật thiết với việc chỉ ra cái phạm vi ứng dụng<br />
của Đề.<br />
<br />
2.2. Tính không thể lược bỏ<br />
<br />
Trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt, Đề, nói chung, không thể lược bỏ. Sở dĩ không<br />
thể lược bỏ Đề là vì nó chỉ ra cái phạm vi để cho điều nói ở phần Thuyết trong cấu trúc cú pháp<br />
cơ bản của câu có hiệu lực. Những câu (7) sau đây<br />
<br />
(7) a. Anh thì muốn gì mà chẳng được.<br />
b. Giàu thì ai lại không muốn.<br />
c. Quyển sách này tôi đọc rồi.<br />
<br />
được thừa nhận là có Đề, trong (7)a là anh, (7)b là giàu, và (7)c là quyển sách này.<br />
Một số tác giả lại coi những ngữ đoạn in đậm nghiêng ở những câu (7) nêu trên nằm ngoài cấu<br />
trúc cú pháp cơ bản của câu hoặc là một thành phần phụ của câu. Nếu như vậy thì có thể lược bỏ<br />
phần này của câu. Tình hình lại không phải như vậy khi lược bỏ cái phần được coi là nằm ngoài<br />
cấu trúc cú pháp cơ bản hoặc là thành phần phụ. Các câu (7) nêu trên nếu lược bỏ phần in đậm<br />
nghiêng, vốn là Đề, thì sẽ sai ngữ pháp hoặc ít nhất cũng mất đi cái nghĩa vốn có của nó. So sánh<br />
các câu (7) với những câu (8) sau đây :<br />
<br />
(8) a. (?) thì muốn làm gì mà chẳng được.<br />
b. (?) thì ai lại không muốn.<br />
c. (?) tôi đọc rồi.<br />
<br />
Sở dĩ như vậy là vì những câu (8) đã bị lược bỏ cái phần chỉ ra cái phạm vi ứng dụng của điều<br />
được nói ở phần Thuyết : ở câu (7)a là anh, (7)b là giàu, và (7)b là quyển sách này. Câu (8)c có<br />
vẻ như vẫn có thể chấp nhận được nhưng thực ra, nó đã bị tước bỏ cái phần chỉ ra phạm vi ứng<br />
dụng là quyển sách này, nghĩa là câu (8)c nói về tôi chứ không phải là nói về quyển sách này<br />
((7)c).<br />
<br />
(7) c. Quyển sách nàyi tôij đọc i rồi.<br />
<br />
(8) c. Tôij đọc i rồi.<br />
<br />
Cũng cần nói thêm, tính không thể lược bỏ của Đề trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng<br />
Việt có tính tương đối, nghĩa là trong một số trường hợp, có thể tỉnh lược Đề. Đó là trường hợp<br />
ngữ danh từ đảm đương Đề chỉ người nói (ngôi thứ nhất), chỉ người nghe (ngôi thứ hai), chỉ thời<br />
điểm nói ra câu ấy (bây giờ), chỉ nơi nói ra câu ấy (ở đây) ; đó còn là trường hợp người nói ước<br />
đoán rằng, nhờ ngữ cảnh, người nghe có thể nhận ra sở chỉ của ngữ danh từ làm Đề của câu, như<br />
câu (7)c. Trong những trường hợp như vậy, người nói không cần phải nói ra phần Đề ấy nữa.<br />
Chẳng hạn trong những câu như<br />
<br />
(9) a. Đi đâu thế ?<br />
b. Đi đằng này một tí.<br />
c. Mưa.<br />
d. Nóng quá !<br />
<br />
Đề được tỉnh lược ở câu (9)a chỉ người nghe (ngôi thứ hai), ở câu (9)b chỉ người nói (ngôi thứ<br />
nhất), ở câu (9)c chỉ thời điểm nói ra câu này, và ở câu (9)c chỉ nơi nói ra câu này.<br />
<br />
2.3. Vị trí đầu câu<br />
<br />
Trong một câu cơ bản, loại câu có cấu trúc cú pháp tối giản mà không có những bộ phận xác lập<br />
mối quan hệ giữa câu với văn bản hoặc với tình huống đối thoại, Đề có vị trí đầu câu (Li CH.N.<br />
& Thompson S.A. 1976) và thường đặt trước phần Thuyết (Cao Xuân Hạo 1991). Thuộc tính vị<br />
trí đầu câu của Đề được coi là hiển nhiên, vì Đề, như trên đã nói, chỉ ra cái “phạm vi ứng dụng<br />
của điều được nói ở phần Thuyết”. Nó thuộc về chiến lược phát ngôn (discourse strategies) trong<br />
đó Đề là cái phần được đưa vào trước tiên. Chẳng hạn trong những câu (10) sau đây :<br />
<br />
(10) a. Hôm qua mưa.<br />
b. Trong nhà có khách.<br />
c. Mỗi ngày một lá thư.<br />
các ngữ danh từ hôm qua ở câu (10)a, trong nhà ở câu (10)b, và mỗi ngày ở câu (10)c là Đề và<br />
chiếm lĩnh vị trí đầu câu, trước các ngữ đoạn làm Thuyết mưa ở câu (10)a, có khách ở câu<br />
(10)b, và một lá thư ở câu (10)c. Vị trí đầu câu của Đề trong quan hệ với Thuyết trong cấu trúc<br />
cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt có thể kiểm định được bằng từ thì. Ở các câu (10) nêu trên, có<br />
thể đặt từ thì ở ranh giới của Đề và Thuyết :<br />
<br />
(11) a. Hôm qua (thì) mưa.<br />
b. Trong nhà (thì) có khách.<br />
c. Mỗi ngày (thì) một lá thư.<br />
<br />
Trong khi đó, nếu thay đổi vị trí của Đề và Thuyết thì không thể kiểm định vị trí của Đề bằng từ<br />
thì được nữa :<br />
<br />
(12) a. Mưa (*[2]thì) hôm qua.<br />
b. Có khách (*thì) trong nhà.<br />
c. Một lá thư (*thì) mỗi ngày.<br />
<br />
2.4. Các quá trình ngữ pháp (grammatical processes)<br />
<br />
Trong trường hợp Đề có được cái cương vị “đối tượng của tư duy”, (i.e. có cương vị Chủ Đề)<br />
[3], nó có những thuộc tính về quá trình ngữ pháp. Các quá trình ngữ pháp này liên quan đến các<br />
hiện tượng tỉnh lược đồng sở chỉ (coreferential deletion), kết cấu phản thân (reflexivization), cấu<br />
trúc bị động (passivization), v.v. (Keenan E.L. 1976). Trong một câu, kể cả câu cơ bản và câu<br />
khai triển (câu gồm nhiều bậc cú pháp (Cao Xuân Hạo 1991; Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Văn<br />
Bằng, Bùi Tất Tươm, Cao Xuân Hạo (chủ biên) 1992). Đề của câu do ngữ danh từ đảm đương có<br />
những thuộc tính về quá trình ngữ pháp sau đây :<br />
<br />
2.4.1. Đề của câu là Chủ Đề kiểm định việc tỉnh lược ngữ danh từ đồng sở chỉ<br />
<br />
Trong những câu (13) sau đây :<br />
<br />
(13) a. Tôii có một điều Þi muốn thú thật với ông.<br />
b. Quyển sách nàyi tôij đọc i rồi.<br />
<br />
phần Đề tôi ở câu (13)a, quyển sách này ở câu (13)b kiểm định những ngữ danh từ đồng sở chỉ<br />
được tỉnh lược (Þ), nghĩa là ngữ danh từ tôi có sở chỉ như thế nào thì ngữ danh từ tỉnh lược (Þ)<br />
sau đó cũng có sở chỉ như vậy ; cùng một cách như vậy là ngữ danh từ quyển sách này và ngữ<br />
danh từ được tỉnh lược (Þ) sau đó .<br />
<br />
2.4.2. Đề của câu là Chủ Đề kiểm định việc sử dụng đại từ mình<br />
<br />
Trong những câu (14) sau đây :<br />
<br />
(14) a. Ông ấyi nhận là mìnhi thiếu quan tâm về vấn đề này.<br />
b. Aii cũng chỉ nghĩ đến mìnhi thì hỏng việc.<br />
c. Người viếti thường cho văn mìnhi là nhất.<br />
<br />
thì phần Đề ông ấy ở câu (14)a, ai ở câu (14)b, và người viết ở câu (14)c kiểm định đại từ phản<br />
thân mình, nghĩa là mình đồng sở chỉ với Đề của câu.<br />
<br />
2.4.3. Đề của câu là Chủ Đề kiểm định việc sử dụng từ đều<br />
Nghĩa của từ đều bao giờ cũng liên quan đến một lượng phức các thực thể. Trong những câu<br />
(15) sau đây :<br />
<br />
(15) a. Những thứ gì hay mắt nó đều mua.<br />
b. Những ai cần được quan tâm thì ông ấy đều đã quan tâm.<br />
<br />
phần Đề của câu (15)a những gì hay mắt, của câu (15)b những ai cần được quan tâm (chứ<br />
không phải là nó ở câu (15)a, và ông ấy ở câu (15)b) kiểm định việc sử dụng từ đều, nghĩa là cho<br />
phép sử dụng từ đều ở những câu này. Do vậy những câu (16) sau đây không thể chấp nhận<br />
được:<br />
<br />
(16) a. *Nó đều mua những thứ gì hay mắt.<br />
b. *Ông ấy đều đã quan tâm đến những ai cần được quan tâm.<br />
<br />
3. KẾT LUẬN<br />
<br />
Tóm lại, những thuộc tính ngữ pháp tính xác định, vị trí đầu câu, tính không thể lược<br />
bỏ, kiểm định đại từ mình, kiểm định việc sử dụng từ đều tạo thành cương vị ngữ pháp của<br />
Đề trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt. Ngược lại, cương vị ngữ pháp của Đề khiến<br />
cho cái ngữ đoạn làm Đề mang những thuộc tính ngữ pháp mà các ngữ đoạn khác trong câu<br />
không thể có được. Do vậy, có thể nhận diện Đề trong cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt<br />
nhờ các thuộc tính ngữ pháp của nó. Việc nghiên cứu những thuộc tính ngữ pháp của Đề trong<br />
cấu trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt có vai trò đặc biệt quan trọng, cùng với việc nghiên<br />
cứu Đề trên bình diện nghĩa học và bình diện dụng pháp, trong việc tường minh và khẳng định<br />
cương vị của Đề (mà không phải là Chủ ngữ) trong câu tiếng Việt.<br />
<br />
CHÚ THÍCH<br />
<br />
[1]. Có những câu không có nội dung mệnh đề, chẳng hạn: Á!, Ối!, Hoan hô!, Bravo!, v.v.<br />
[2]. Dấu * chỉ phần đi sau không thể chấp nhận được<br />
[3]. Nội Đề gồm 2 loại: Chủ Đề và Khung Đề. Chủ Đề chỉ “đối tượng của tư duy”, tức là cái<br />
thực thể được nói đến, Khung Đề chỉ cái “khung cảnh huống” trong đó một sự tình diễn ra.<br />
<br />
TÀI LIỆU THAM KHẢO<br />
<br />
1. Dik S.C (1981), Functional Grammar, Foris publications – Dordrecht.<br />
2. Dik S.C (1989), The Theory of Functional Grammar, Foris publications – Dordrecht.<br />
3. Dyvik H.J.J (1984), Subject or Topic in Vietnamese ? University of Bergen, Deparment of<br />
Linguistics and Phonetics.<br />
4. Givón T (1976), Topic, Pronoun, and Grammatical Agreement, In: Ch.Li (ed), 147 – 188.<br />
5. Cao Xuân Hạo (1991), Tiếng Việt. Sơ thảo ngữ pháp chức năng, Q.1, NXB Khoa học xã hội.<br />
6. Cao Xuân Hạo (1991), Mấy tiền đề cho việc phân tích cú pháp tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 2.<br />
7. Cao Xuân Hạo (chủ biên), Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Văn Bằng, Bùi Tất Tươm, (1992),<br />
Ngữ pháp chức năng tiếng Việt, Q.1, Câu trong tiếng Việt. Ngữ pháp – Nghĩa – Công dụng.<br />
NXB Giáo dục.<br />
8. Cao Xuân Hạo (1998), Tiếng Việt. Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, NXB Giáo<br />
dục.<br />
9. Cao Xuân Hạo (chủ biên), Nguyễn Văn Bằng, Hoàng Xuân Tâm, Bùi Tất Tươm (2005), Ngữ<br />
pháp chức năng tiếng Việt, Q.2, Ngữ đoạn và Từ loại. NXB Giáo dục<br />
10. Keenan E.L (1976), Towards a Universal Definition of “Subject”, In: Ch.Li (ed.), 305 – 333.<br />
11. Li CH.N. & Thompson S.A. (1976), Subject and Topic: a New Typology of Language, In:<br />
Ch.Li (ed.) 457 – 489.<br />
12. Li CH.N (1976), Subject and Topic, New York: Academic Press.<br />
13. Sapir E. (1921), Language, An Introduction to the Study of Speech, New York<br />
14. Siewierska A. (1991), Functional Grammar, Routledge, London and New York.<br />
15. Bùi Tất Tươm, Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Văn Bằng, Cố vấn : Cao Xuân Hạo (1994), Ứng<br />
dụng ngữ pháp chức năng vào việc xây dựng một hệ thống ngữ pháp tiếng Việt trong nhà<br />
trường, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Tp. HCM<br />
16. Bùi Tất Tươm (chủ biên), Nguyễn Văn Bằng, Hoàng Xuân Tâm (1997), Giáo trình Cơ sở<br />
ngôn ngữ học và Tiếng Việt, NXB Giáo dục.<br />