NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA VĂN HỌC ĐẠI CHÚNG:<br />
SO SÁNH TIỂU THUYẾT FEUILLETON Ở NAM BỘ TRƯỚC 1945<br />
VÀ TIỂU THUYẾT CHƯƠNG HỒI<br />
PHAN MẠNH HÙNG*<br />
TÓM TẮT<br />
Tiểu thuyết Nam Bộ ra đời gắn với sự phát triển của báo chí. Do vậy phần lớn các tác<br />
phẩm xuất hiện dưới dạng feuilleton. Tiểu thuyết feuilleton mang những đặc tính xã hội giống<br />
tiểu thuyết chương hồi: bình dân, đại chúng. Về phương diện nghệ thuật, chúng có sự gặp gỡ ở<br />
việc chú trọng xây dựng cốt truyện tự sự, các thủ pháp mô tả nhân vật… Đặc biệt trong tiểu<br />
thuyết Nam Bộ đầu thế kỷ XX có sự thẩm thấu của dạng thức feuilleton và chương hồi và rất hấp<br />
dẫn đại chúng. Từ những vấn đề đã đặt ra, chúng tôi cho rằng văn học đại chúng phải trở thành<br />
đối tượng quan trọng của các nhà nghiên cứu.<br />
<br />
ABSTRACT<br />
The issues of mass literature: a comparative study of pre-1945 novel – feuilleton<br />
and the novel of chinese classical style (zhanghui xiaoshuo) in southern vietnam<br />
<br />
The formation of southern Vietnam novel was closely connected with the development of<br />
press and newspaper, for this reason, most of novels was feuilletonistic. Novel-feuilleton was<br />
closed to traditional novel of Chinese style (zhanghui xiaoshuo), because both tended to<br />
describing social side of common people. In poetic regard, both feuilleton and zhanghui<br />
xiaoshuo paid attention to plot and and character description. There were mixed forms of novelfeuilleton and zhanghui xiaoshuo, which very much attracted common readers in literature of<br />
Southern Vietnam in the early 20th century. Therefore, we assume that the mass literature should<br />
be an important subject for studies.<br />
<br />
*<br />
*<br />
<br />
*<br />
<br />
Văn học đại chúng (Mass literature) ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong xã<br />
hội hiện đại. Văn học đại chúng có mục đích giải trí, phục vụ một lớp người bình dân,<br />
chiếm đa số trong xã hội. Văn học đại chúng, theo nghĩa rộng bao gồm nhiều thể loại:<br />
tiểu thuyết, truyện tranh, thi ca bình dân, kịch bản phim truyền hình,… gắn liền với sự<br />
phát triển của các phương tiện truyền thông như báo chí, phim ảnh. Trong đó tiểu thuyết<br />
là thể loại chủ lực của văn học đại chúng.<br />
*<br />
<br />
1<br />
<br />
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, văn học đại chúng: “Còn gọi là văn học thông tục.<br />
Bộ phận văn học giải trí và giáo huấn được in với số lượng lớn, phổ biến từ cuối thế kỷ<br />
XIX và nhất là thế kỷ XX... Cơ sở tư tưởng của văn học đại chúng là chủ nghĩa thực<br />
dụng. Cơ sở xã hội của văn học đại chúng là chính sách nhượng bộ đối với lớp thị dân<br />
tầm thường: dùng phương tiện sản xuất hàng loạt để nuôi dưỡng tâm lý tiêu dùng, làm<br />
nguội lạnh tính công dân tích cực của quần chúng. Văn học đại chúng không có quan hệ<br />
trực tiếp với lịch sử văn học như là nghệ thuật ngôn từ, nhưng nó là một thành tố của quá<br />
trình văn học thế kỷ XIX – XX... Điểm mấu chốt của văn học đại chúng là làm cho người<br />
ta được can dự vào văn hóa hiện đại dưới dạng lược gọn, nó đưa ra một thế phẩm cho sự<br />
thỏa thuận thẩm mĩ. Thi pháp của nó là rập khuôn nhất là cách tả chân dung và tâm lý<br />
nhân vật, ở vần thơ và cốt truyện...” (1).<br />
Bàn về Tiểu thuyết đại chúng và đại chúng văn học, nhà phê bình Kiều Thanh Quế<br />
(1914-1947) cho rằng: “Đại chúng là bao gồm tất cả hạng dân tầm thường trong một<br />
nước… Tiểu thuyết ngày nay cũng nằm trong văn học đại chúng. Tiểu thuyết của đại<br />
chúng không thiên trọng về lối phô diễn cầu kỳ. Tánh chất, giá trị của nó là giản dị, đẹp<br />
và thật: dùng rất ít lời văn mà tả nên bức tranh linh hoạt đầy thi vị. Đó là yếu tố của đại<br />
chúng văn học… Tiểu thuyết đại chúng không vị nghệ thuật mà vị nhân sinh. Vị nghệ<br />
thuật là chú trọng ở lời văn. Vị nhân sinh là chú trọng ở hứng thú. Đại chúng là hạng<br />
người lao khổ, cả ngày vất vả với sống còn. Một khi được thảnh thơi mó đến quyển tiểu<br />
thuyết họ không cần gì hơn được tìm trong ấy một vài hứng thú, để qua những giờ nhàn<br />
rỗi vô vị. Tiểu thuyết đại chúng hiện có mấy loại: 1. Trinh thám tiểu thuyết, 2. Lịch sử<br />
tiểu thuyết, 3. Võ hiệp tiểu thuyết, 4. Diễm tình tiểu thuyết, 5. Phiêu lưu tiểu thuyết, 6.<br />
Giáo dục tiểu thuyết, 7. Xã hội tiểu thuyết” (2). Nhà phê bình cũng cho biết thêm những<br />
loại tiểu thuyết vừa kể trên ở Âu Mỹ đều có đủ, đặc biệt là ở nước Anh. Đồng thời Kiều<br />
Thanh Quế xếp các tiểu thuyết của Thế Lữ, Phạm Cao Củng vào loại trinh thám; tiểu<br />
thuyết Phú Đức vào loại võ hiệp; tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc,<br />
Lan Khai vào loại lịch sử; tiểu thuyết của Song An, Khái Hưng, Nhất Linh vào loại diễm<br />
tình; tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương vào loại xã hội. Những ý kiến của<br />
Kiều Thanh Quế cho thấy sự ảnh hưởng của tiểu thuyết đại chúng phương Tây đến nền<br />
tiểu thuyết Việt Nam. Và có lẽ Kiều Thanh Quế đã tiếp nhận được các đánh giá phẩm<br />
bình của các nhà nghiên cứu phê bình phương Tây để vận dụng vào trường hợp Việt<br />
Nam. Tiếc rằng, trong đánh giá xếp loại, nhà nghiên cứu chỉ thiên về các tác giả đất Bắc.<br />
Nguyễn Nam Trân trong Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản, chương Văn học đại<br />
chúng Nhật Bản hiện đại cho biết: “Từ điển Kôjien của Nhật định nghĩa văn học đại<br />
chúng như một hình thức đối lập với văn học thuần túy và nhắm quần chúng độc giả bình<br />
dân. Trong loại này có thể kể đến các loại tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết trinh thám<br />
(người Nhật gọi là tantei tức “thám trinh”, suiri hay suy lý, deduction), tiểu thuyết kiếm<br />
hiệp, tiểu thuyết tình cảm có tính chất gia đình hay yếu tố khôi hài” (3). Nguyễn Nam Trân<br />
đã khảo sát văn học đại chúng Nhật Bản ở các thể loại: tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết tân<br />
thời, tiểu thuyết trinh thám và suy luận, tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Trong quan niệm<br />
của ông, văn học đại chúng có nghĩa định lượng hơn định tính, nhằm chỉ một lớp người<br />
khá thuần nhất về mặt văn hóa, không có đặc tính gai cấp và hầu như cấu thành bởi lớp<br />
người trung lưu, chiếm đa số trong xã hội Nhật giai đoạn kỹ nghệ hóa.<br />
2<br />
<br />
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã dùng khái niệm “văn học thông tục” hay “tục<br />
văn học” để chỉ bộ phận văn học có tính bình dân, đại chúng, đối lập với bộ phận văn học<br />
chính thống bác học. Về thể loại, văn học thông tục Trung Quốc bao gồm: dân ca, ca dao,<br />
truyền thuyết, truyện cười, câu đố, khúc, các loại tiểu thuyết thông tục, giảng sử, thoại<br />
bản, v.v…<br />
Như vậy, văn học đại chúng có những vấn đề lý luận và thực tiễn đáng chú ý sau:<br />
Thứ nhất, văn học đại chúng ra đời và phát triển gắn liền với các loại phương tiện<br />
truyền thông đại chúng, phục vụ những cá nhân ở đô thị. Ở phương Đông, văn học đại<br />
chúng phát triển từ cội nguồn văn học dân gian, cùng với sự lớn mạnh của các đô thị và<br />
thể loại quan trọng là tiểu thuyết thông tục, trong đó tiểu thuyết chương hồi có một vị trí<br />
hết sức quan trọng.<br />
Thứ hai, văn học đại chúng có các đặc điểm đáng chú ý là viết về cuộc sống đời<br />
thường, trình bày đơn giản, hướng đến người đọc rộng lớn và có tính chất giải trí.<br />
Thứ ba, văn học đại chúng là một thành tố của quá trình văn học và khó có thể phân<br />
định rạch ròi ranh giới giữa văn học thuần túy và văn học đại chúng. Vấn đề xác định<br />
những tác phẩm nào thuộc về văn học đại chúng, loại nào thuộc văn học thuần túy và loại<br />
nào có tính chất trung gian là cần thiết trong nghiên cứu đánh giá nhưng không mấy dễ<br />
dàng. Môi trường văn học đại chúng có ưu thế lan tỏa, dễ tạo nên sự nổi tiếng đã khuyến<br />
khích nhiều tác giả thuộc dòng văn chương thuần túy ghé qua. Cũng có tác giả viết văn<br />
chương đại chúng nhưng nhờ tài năng nghệ sĩ, tác phẩm lại trở thành văn chương thuần<br />
túy và theo thời gian trở thành cổ điển. Do vậy, công việc viết văn học sử không chỉ đề<br />
cập đến những tác phẩm thuộc dòng văn chương thuần túy mà cần chú ý đền dòng văn<br />
chương đại chúng.<br />
*<br />
Văn học Nam Bộ cuối thế kỷ XIX – 1945 xuất hiện dòng văn chương đại chúng bên<br />
cạnh văn chương thuần túy. Văn chương Nam Bộ buổi đầu gắn với sự ra đời của báo chí.<br />
Báo chí buổi đầu đã cho thấy khả năng phổ biến thông tin và giải trí vô cùng to lớn trong<br />
xã hội hiện đại. Nhiều tờ báo ở Nam Bộ đã chọn lớp người chiếm số đông trong xã hội là<br />
người lao động bình dân để phục vụ. Giá bán của một tờ báo thường lấy giá của một li cà<br />
phê sáng của một người lao động bình thường trong xã hội làm chuẩn. Nhà văn Sơn Nam<br />
cho rằng, làm báo thời kì đầu là nghệ thuật quản lí, vì toà soạn giống như một xí nghiệp,<br />
nuôi sống công nhân, người làm báo, ngoài số kí giả, nhà văn. Các báo muốn tồn tại được<br />
cần hướng đến lớp độc giả đông đảo là những người lao động bình dân ngoại trừ các tờ<br />
báo được sự bảo hộ của nhà cầm quyền phục vụ cho mục đích chính trị. Mỗi tờ báo muốn<br />
thu hút người đọc cần phải đề cập đến nhiều vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, ưu<br />
tiên tính chất thông tin và khoa học, cách trình bày đơn giản và dễ hiểu. Lần mở lại các tờ<br />
báo thời kì đầu chúng ta không khỏi ngạc nhiên. Bên cạnh các bài biên khảo, tin tức thời<br />
sự, chiến sự, tiểu thuyết đăng nhiều kì (cả loại sáng tác và dịch), để lộn xộn bên những<br />
bài quảng cáo, rao vặt, hiếu hỉ. Dần dà, các mục tiểu thuyết (dạng feuilleton) trên báo<br />
ngày càng được chú ý trau chuốt, chăm sóc, vì đây là điểm nhấn quan trọng thu hút độc<br />
giả. Một số tờ báo về sau đã phát huy tốt điều này khi dành cho tiểu thuyết một vị trí<br />
quan trọng trên tờ báo, chẳng hạn như các tờ Phụ nữ tân văn, Lục tỉnh tân văn, Trung lập,<br />
Công luận, Bình dân, Đuốc nhà Nam. Theo Nguyễn Thị Thanh Xuân “Chúng ta đã biết,<br />
3<br />
<br />
báo chí làm nên phê bình văn học, nhưng ở Nam Bộ đầu thế kỷ, báo chí cũng làm nên<br />
tiểu thuyết. Và như vậy, vượt ra khỏi tính chất là một phương tiện thông tin, báo chí Việt<br />
Nam lúc bấy giờ đã là một sân chơi văn học dành cho đại chúng” (4). Có điều lạ, các tiểu<br />
thuyết sau khi đã đăng báo được in lại thành sách vẫn còn thu hút độc giả.<br />
Có sự tương đồng trong quá trình hiện đại hóa văn học giữa Việt Nam và Nhật Bản<br />
khi nền văn học mới bắt đầu gắn với báo chí và thể loại chủ lực là tiểu thuyết. Tiểu thuyết<br />
feuilleton ở Nhật xuất hiện khá sớm vào những năm đầu thời Minh Trị (Meiji). Báo chí<br />
Nhật thời này được chia làm ba loại: loại đại tân văn (báo lớn) nhắm đến độc giả trí thức,<br />
nặng về chữ Hán, nội dung bình luận về chính trị, thời cuộc; loại trung tân văn (báo vừa)<br />
nhắm đến số lượng lớn độc giả trong xã hội; loại tiểu tân văn (báo nhỏ) dành cho người<br />
đọc ít học, viết bằng chữ quốc ngữ hiragana. Theo Nguyễn Nam Trân “những tiểu thuyết<br />
đăng nhiều kỳ (romans-feuilletons) trước tiên đăng trên các loại báo nhỏ nhưng sau đó đã<br />
ăn lan sang các loại báo khác khi kiểu thương mãi này chứng tỏ được độc giả ưa chuộng”<br />
(5)<br />
.<br />
Tiểu thuyết feuilleton mang những đặc tính xã hội giống tiểu thuyết chương hồi:<br />
bình dân, đại chúng. Chúng tôi coi tính chất bình dân, hướng về đại chúng của văn học là<br />
một biểu hiện của cận đại hóa. Khi văn học từ hệ hình chú trọng chủ yếu chức năng thù<br />
tạc, quà tặng chuyển sang hệ hình mới mang chức năng giải trí thuần túy hướng tới số<br />
đông. Với văn học Nam Bộ, nói riêng bộ phận tiểu thuyết, đặc tính này cho thấy tính chất<br />
hiện đại sớm.<br />
Tiến hành những so sánh giữa tiểu thuyết feuilleton ở Nam Bộ trước 1945 (6) và tiểu<br />
thuyết chương hồi (ở đây xin hiểu là những tiểu thuyết chương hồi cổ điển Trung Quốc)<br />
chúng tôi hướng đến lý giải những tương đồng và khác biệt ở góc độ loại hình: một loại<br />
là sản phẩm điển hình của văn học có tính chất thông tục của phương Đông và một loại<br />
tiêu biểu cho tính chất đại chúng trong văn học của phương Tây. Riêng ở Nam Bộ, cần<br />
tính đến một thực tế là trước khi tiếp xúc và vận dụng kỹ thuật của phương Tây thì tiểu<br />
thuyết chương hồi Trung Quốc đã trở thành hình mẫu.<br />
Dưới đây là những phác thảo sơ bộ của chúng tôi.<br />
1. Môi trường tồn tại của tiểu thuyết và vấn đề độc giả<br />
Môi trường tồn tại của tiểu thuyết chương hồi vốn ở không gian mở như: góc chợ,<br />
bến đò. Không gian tồn tại đó tiêu biểu cho một kiểu sinh hoạt văn học cũ: kể - nghe và<br />
xem. Ở đây nảy sinh một vấn đề liên quan đến văn hóa tiền văn bản là việc mỗi lần nghệ<br />
nhân kể chuyện cũng là lúc anh ta đã tháo dỡ cấu trúc và tái cấu trúc truyện kể. Kể cả khi<br />
các thoại bản được các trí thức “điển nhã hóa” thì hình thức sinh hoạt văn chương này<br />
vẫn còn tiếp diễn. Kiểu sinh hoạt thời tiền văn bản vẫn được ưa thích có lẽ phần lớn độc<br />
giả không thể đọc sách (việc học chữ là một khó khăn, số lượng ấn bản tác phẩm chắc<br />
chắn còn hạn chế). Cũng không loại trừ một khả năng nằm trong bản chất của tự sự<br />
chương hồi vốn hấp dẫn bằng “lối kể”, và được đồng tạo tác bằng “kiểu kể”. Ở Nam Bộ,<br />
Truyện Lục Vân Tiên cuối thế kỷ XIX – đầu XX có thể là đã tồn tại theo kiểu sinh hoạt<br />
văn chương chương hồi. Tựa trên một cơ sở xã hội khác với môi trường tiểu thuyết<br />
chương hồi. Môi trường tồn tại của tiểu thuyết Feuilleton ở Nam Bộ là báo chí. Hình thức<br />
này đã dẫn đến kiểu sinh hoạt văn học mới có tích chất cá nhân: văn học gắn với hoạt<br />
4<br />
<br />
động viết – đọc. Văn chương chịu sự chi phối rõ rệt của khuôn khổ tờ báo và hoạt động<br />
xuất bản. Nói cách khác, môi trường tồn tại của tiểu thuyết feuilleton là báo chí, gắn với<br />
một kiểu văn hóa mới: văn hóa đọc.<br />
Vấn đề người tiếp nhận của tiểu thuyết chương hồi và feuilleton cũng có nhiều điểm<br />
khá thú vị: cả hai đều hướng đến độc giả đại chúng, bình dân. Con đường phát triển của<br />
tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc gắn liền với nhu cầu thưởng thức của công chúng<br />
bình dân, đặc biệt là tầng lớp thị dân thời Minh – Thanh. Độc giả của tiểu thuyết<br />
feuilleton ở Nam Bộ trước 1945 là đại chúng, bình dân ở đô thị có tính chất thuộc địa<br />
phương Tây. Cũng cần nhắc ở đây một vấn đề, có thể coi như đặc thù của Nam Bộ, đó là<br />
bên cạnh việc phát triển mạnh của tiểu thuyết feuilleton là trào lưu dịch thuật các bộ tiểu<br />
thuyết chương hồi Trung Quốc sang Việt ngữ. Thậm chí, bộ tiểu thuyết chương hồi nổi<br />
tiếng Tam quốc diễn nghĩa đã được dịch và công bố dưới hình thức feuilleton trên Nông<br />
cổ mín đàm ngay từ số thứ nhất, ra ngày 1/8/1901. Từ thực tế đó chúng ta có thể đặt vấn<br />
đề sự ảnh hưởng qua lại giữa tiểu thuyết chương hồi và tiểu thuyết feuilleton ở Nam Bộ<br />
và không loại trừ khả năng các nhà văn ở ta sử dụng tốt kĩ thuật felleton vì đã quen với kĩ<br />
thuật chương hồi.<br />
2. Phương diện thể tài<br />
Thể tài của tiểu thuyết chương hồi được các nhà nghiên cứu thừa nhận có các<br />
phương diện: “giảng sử” tiêu biểu cho loại này có Tam quốc diễn nghĩa; “yên phấn” tiêu<br />
biểu cho loại này có Hồng Lâu Mộng; “linh quái” tiêu biểu cho loại này có Tây du ký;<br />
“anh hùng thảo dã” tiêu biểu cho loại này có Thủy hử truyện; “phúng dụ” tiêu biểu cho<br />
loại này có Nho lâm ngoại sử, v.v... Trong các bộ phận trên thì thể tài giảng sử chiếm một<br />
số lượng lớn các tác phẩm chương hồi. Đề tài “yên phấn”, “phúng dụ” xuất hiện muộn<br />
hơn gắn liền với sự lớn mạnh của tầng lớp thị dân Trung Hoa. Riêng với Hồng lâu mộng,<br />
tiểu thuyết này đã báo hiệu một nhu cầu thị hiếu thẩm mĩ mới của công chúng: chuyển từ<br />
văn hóa nghe sang văn hóa đọc.<br />
Thể tài của tiểu thuyết feuilleton Nam Bộ trước 1945 khá đa dạng nhưng tiêu biểu<br />
có: Tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết xã hội.<br />
Tiểu thuyết trinh thám feuilleton ở Nam Bộ trước 1945 có các nhà văn như Biến<br />
Ngũ Nhy (1886 - 1963) với các bộ Mật thám truyện, Kim thời dị sử (Ba Lâu ròng nghề<br />
đạo tặc, Chủ nợ bất nhơn), Phú Đức (1901 – 1970) với các bộ Châu về hiệp phố, Lửa<br />
Lòng, Non tình biển bạc, Tình trường huyết lệ…, Phi Long (? - ?) với bộ Thùng thơ bí<br />
mật. Nam Đình Nguyễn Thế Phương (1906 – 1978) lại chuyên viết tiểu thuyết về vụ án<br />
với các bộ Túy hoa đình, Vô oan trái, Chén thuốc độc... Nhà văn Nguyễn Thế Phương<br />
đồng thời cũng là phóng viên pháp luật. Trong những nhà văn viết trinh thám feuilleton<br />
thì Phú Đức là nhà văn tiêu biểu nhất: số lượng tác phẩm lớn, bán chạy và sự nổi tiếng.<br />
“Chúng ta chưa có điều kiện để trả lời câu hỏi: ai là người đầu tiên đăng tiểu thuyết<br />
feuilleton trên báo Việt Nam, nhưng chúng ta có thể khẳng định, Phú Đức là một trong<br />
những người thành công nhất với tiểu thuyết feuilleton. Vậy nếu không có báo chí, chưa<br />
hẳn đã có một Phú Đức. Và ngược lại Phú Đức cũng làm sôi động báo chí một thời” (7).<br />
Phú Đức khiến người ta nghĩ đến kiểu nhà văn chuyên nghiệp của phương Tây.<br />
<br />
5<br />
<br />