MỤC LỤC<br />
Giới thiệu<br />
Chương 1: Tôi sẽ, tôi sẽ không, tôi muốn: Ý chí là gì và tại sao ý chí quan<br />
trọng đến vậy?<br />
Chương 2: Bản năng ý chí: Cơ thể bạn được sinh ra để cưỡng lại bánh kem<br />
Chương 3: Quá mệt mỏi để kháng cự: Tại sao tự chủ giống như cơ bắp?<br />
Chương 4: Giấy phép để phạm lỗi: Tại sao làm người tốt lại cho phép chúng<br />
ta trở nên tồi tệ?<br />
Chương 5: Lời nói dối vĩ đại của não: Tại sao chúng ta nhầm lẫn mong<br />
muốn với niềm hạnh phúc?<br />
Chương 6: Cảm giác tồi tệ dẫn đến sự đầu hàng<br />
Chương 7: Tại sao ý chí lại dễ lây lan?<br />
Chương 8: Đừng đọc chương này: Những hạn chế của quyền năng “tôi sẽ<br />
không”<br />
Chương 9: Những suy nghĩ cuối cùng<br />
<br />
GIỚI THIỆU:<br />
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI 101 BÍ<br />
QUYẾT Ý CHÍ<br />
<br />
B<br />
<br />
ất cứ khi nào tôi nói rằng, tôi đang giảng dạy một khóa học về ý chí, sự<br />
phản ứng thường thấy luôn là: “Ồ, đó chính là thứ tôi cần.” Hơn bao giờ<br />
hết, ngày nay người ta nhận thấy rằng, ý chí – khả năng kiểm soát sự tập<br />
trung, cảm xúc và ước muốn – ảnh hưởng đến sức khỏe về mặt thể chất, an ninh<br />
tài chính và sự thành công trong sự nghiệp của họ. Tất cả chúng ta đều biết rõ<br />
điều này. Rằng, chúng ta tưởng mình có thể kiểm soát được tất cả các khía cạnh<br />
trong cuộc sống, từ việc ăn gì, đến làm gì, nói gì và mua gì.<br />
Vậy mà, hầu hết mọi người đều cảm nhận được sự thất bại của ý chí - mới<br />
phút trước ta kiểm soát được, nhưng chốc lát sau lại bị lấn át và mất kiểm soát.<br />
Theo Hiệp hội Tâm lí học Hoa Kì, người Mỹ coi sự thiếu ý chí là nguyên nhân<br />
số một khiến họ phải đấu tranh vất vả để đạt được mục tiêu. Rất nhiều người<br />
cảm thấy có lỗi khi khiến chính mình và người khác thất vọng. Những người<br />
khác lại phó mặc cho ý nghĩ, cảm xúc và khao khát của chính mình, vì cuộc sống<br />
của họ được đưa đẩy bởi sự thôi thúc hơn là những lựa chọn có ý thức. Ngay cả<br />
người có-khả-năng-kiểm-soát-tốt-nhất cũng cảm thấy kiệt sức, khi lúc nào cũng<br />
phải kiểm soát mọi thứ và họ tự hỏi, chẳng lẽ cuộc sống lại là một cuộc chiến<br />
cam go đến vậy.<br />
Là một nhà tâm lí học sức khỏe và giảng viên chương trình Nâng cao Sức<br />
khỏe của Trường Y Standford, nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ mọi người chế ngự<br />
căng thẳng và đưa ra những lựa chọn lành mạnh. Sau nhiều năm quan sát mọi<br />
người phải vất vả đấu tranh để thay đổi suy nghĩ, cảm xúc, dáng dấp và thói<br />
quen, tôi nhận thấy rất nhiều người đặt niềm tin vào ý chí đã ngầm phá hoại sự<br />
thành công của chính họ và tạo ra sự căng thẳng không cần thiết. Mặc dù các<br />
nghiên cứu khoa học cho thấy, tin vào ý chí có thể giúp ích cho họ, nhưng rõ<br />
ràng, đa phần mọi người chưa hiểu rõ điều này. Họ tiếp tục trông cậy vào những<br />
chiến lược không-hiệu-quả để có được sự tự chủ. Rất nhiều lần tôi thấy rằng, các<br />
chiến lược mà mọi người áp dụng không những không hiệu quả mà còn gây<br />
phản tác dụng, dẫn đến sự tự hủy hoại và mất kiểm soát.<br />
<br />
Đó là lí do khiến tôi xây dựng khóa học “Khoa học Ý chí” dành cho toàn bộ<br />
công chúng thông qua chương trình Khóa học Nâng cao của Đại học Standford.<br />
Khóa học này cung cấp những hiểu biết mới nhất về sự tự chủ dưới quan điểm<br />
của tâm lí học, kinh tế học, khoa học thần kinh và y học, nhằm đưa ra phương<br />
pháp giúp chúng ta từ bỏ thói quen cũ và tạo dựng thói quen lành mạnh, chiến<br />
thắng được tính chần chừ, xây dựng khả năng tập trung và kiểm soát căng thẳng.<br />
Khóa học này cũng làm sáng tỏ nguyên nhân khiến chúng ta đầu hàng cám dỗ và<br />
phương pháp tìm thấy nghị lực để chống lại cám dỗ. Khóa học cũng cho thấy<br />
tầm quan trọng của sự hiểu biết về các mặt hạn chế của sự tự chủ, và đưa ra các<br />
chiến lược tốt nhất nhằm rèn luyện ý chí.<br />
Tôi rất vui sướng khi khóa học “Khoa học Ý chí” nhanh chóng trở thành một<br />
trong những khóa học phổ biến nhất được giảng dạy trong chương trình Khóa<br />
học Nâng cao của trường Standford. Lần đầu tiên khóa học diễn ra, chúng tôi<br />
phải tổ chức tại phòng học rộng gấp bốn lần dự kiến mới đủ sức chứa số lượng<br />
học viên ngày càng đông đảo. Những người quản lí trong tổ chức, giáo viên, vận<br />
động viên, nhân viên y tế và rất nhiều người vô cùng tò mò khi giảng đường<br />
rộng nhất trường Standford lại chật cứng học viên tham gia khóa học về ý chí.<br />
Các học viên cũng đưa theo chồng, con và đồng nghiệp tham gia khóa học để<br />
cùng nhau sẻ chia kinh nghiệm.<br />
Tôi mong khóa học sẽ hữu ích với nhóm học viên đa dạng này, bởi họ đến<br />
đây với rất nhiều mục tiêu, từ việc cai thuốc lá, giảm cân đến việc thoát khỏi nợ<br />
nần và trở thành người cha, người mẹ tốt hơn. Nhưng chính bản thân tôi cũng<br />
bất ngờ với kết quả đạt được. Sau bốn tuần tổ chức khóa học, một cuộc khảo sát<br />
được tiến hành và chúng tôi phát hiện ra rằng, 97% học viên cảm thấy họ hiểu<br />
hơn về hành vi của bản thân và 84% học viên nói rằng, các chiến lược đã giúp họ<br />
có nhiều ý chí hơn. Cuối khóa học, các học viên kể những câu chuyện về việc họ<br />
đã từ bỏ thói quen nghiện đồ ngọt suốt 30 năm, rồi việc cuối cùng họ cũng đã trả<br />
hết số thuế tồn đọng, thôi không quát mắng con cái, kiên trì với chương trình tập<br />
thể dục, và nhìn chung, họ cảm thấy tốt hơn và có trách nhiệm hơn với những<br />
lựa chọn của bản thân. Họ gọi đây là khóa học thay-đổi-cuộc-đời. Sự đồng lòng<br />
của học viên đã rất rõ ràng: họ hiểu rằng, khoa học ý chí đem đến cho họ các<br />
chiến lược xây dựng sự tự chủ, có thêm sức mạnh để theo đuổi các mục tiêu<br />
quan trọng trong cuộc đời. Các chiến lược tự chủ giúp mọi người cưỡng lại sự<br />
cám dỗ, ví dụ như sự cám dỗ của sô-cô-la, trò chơi điện tử, mua sắm và thậm chí<br />
cả sự cám dỗ của một đồng nghiệp đã có gia đình. Các học viên này tham gia<br />
khóa học nhằm đạt được các mục tiêu cá nhân, ví dụ như tham gia chạy ma-ratông, khởi nghiệp kinh doanh kiểm soát căng thẳng khi mất việc, mâu thuẫn gia<br />
<br />
đình và thậm chí cả bài kiểm tra học vần đáng sợ mỗi sáng thứ Sáu (đó là khi các<br />
bà mẹ bắt đầu đưa trẻ đi học).<br />
Hiển nhiên, tôi cũng học được rất nhiều điều từ các học viên này. Họ ngủ gật<br />
khi tôi nói giọng đều đều quá lâu về sự kì diệu của một phát hiện khoa học, mà<br />
lỡ quên không nói đến việc phát hiện kì diệu ấy liên quan thế nào đến những thử<br />
thách ý chí của họ. Họ nhanh chóng cho tôi thấy chiến lược nào hiệu quả và<br />
không hiệu quả trong thực tế (nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sẽ không bao<br />
giờ cho bạn thấy điều này). Trong các bài tập hàng tuần, các học viên đều đưa ra<br />
rất nhiều phương pháp sáng tạo và cho tôi thấy phương pháp mới để biến lí<br />
thuyết trừu tượng thành các quy tắc hữu ích trong cuộc sống thường nhật. Cuốn<br />
sách này là sự kết hợp của những phát hiện khoa học tốt nhất và các bài học thực<br />
tế từ khóa học, vận dụng các nghiên cứu mới nhất và vốn hiểu biết thu nhận<br />
được từ hàng trăm học viên tham gia.<br />
<br />
ĐỂ TỰ CHỦ THÀNH CÔNG, BẠN CẦN BIẾT MÌNH<br />
ĐÃ THẤT BẠI NHƯ THẾ NÀO<br />
Hầu như tất cả các cuốn sách về thay đổi hành vi – dù là chương trình ăn kiêng<br />
mới hay hướng dẫn về tự do tài chính – đều giúp bạn thiết lập mục tiêu, thậm chí<br />
còn chỉ cho bạn cách đạt được mục tiêu. Nhưng nếu như chỉ cần biết mình muốn<br />
thay đổi những gì là đủ, thì chắc chắn các cam kết trong năm mới sẽ là một<br />
thành công rực rỡ và khóa học của tôi sẽ vắng tanh vắng ngắt. Rất ít cuốn sách<br />
giúp bạn thấy rõ nguyên nhân khiến bạn chưa sẵn sàng làm mọi việc, mặc dù bạn<br />
dư sức biết rằng, bạn cần phải làm những việc đó.<br />
Bản thân tôi tin rằng, cách tốt nhất để nâng cao sự tự chủ là phải thấy rõ<br />
nguyên nhân và phương cách khiến bạn mất kiểm soát. Dù nhiều người lo sợ,<br />
nhưng biết rõ nguyên nhân khiến bạn đầu hàng không phải là lí do khiến bạn thất<br />
bại. Thay vào đó, nó sẽ giúp bạn cổ vũ chính mình và tránh xa những cạm bẫy<br />
dẫn đến thất bại ý chí. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người nghĩ họ có ý chí cao<br />
nhất, chính là những người có khả năng mất kiểm soát cao nhất mỗi khi bị cám<br />
dỗ(1). Ví dụ, những người nghiện thuốc lá có thái độ lạc quan nhất về khả năng<br />
chống lại cám dỗ là những người sẽ sớm tái hút vài tháng sau đó, và những<br />
người ăn kiêng lạc quan quá mức là những người khó giảm cân nhất. Tại sao ư?<br />
Vì họ thất bại trong việc dự đoán thời điểm, địa điểm và lí do họ phải từ bỏ. Họ<br />
khiến bản thân phải đối mặt với nhiều cám dỗ hơn, ví dụ như lang thang tụ tập<br />
với những người nghiện thuốc lá, hoặc để bánh ngọt khắp nhà. Họ cũng chính là<br />
<br />