intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Pháp luật tố tụng hình sự của một số quốc gia trên thế giới về bảo đảm quyền đối với người chưa thành niên bị buộc tội và định hướng gợi mở cho Việt Nam

Chia sẻ: _ _ | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:12

9
lượt xem
2
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết được nghiên cứu dưới góc độ quyền, góc độ pháp luật tố tụng hình sự, đồng thời sử dụng các phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp, đánh giá để làm rõ vấn đề và trên cơ sở đó đưa ra định hướng gợi mở cho pháp luật Việt Nam.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Pháp luật tố tụng hình sự của một số quốc gia trên thế giới về bảo đảm quyền đối với người chưa thành niên bị buộc tội và định hướng gợi mở cho Việt Nam

  1. PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI VỀ BẢO ĐẢM QUYỀN ĐỐI VỚI NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN BỊ BUỘC TỘI VÀ ĐỊNH HƯỚNG GỢI MỞ CHO VIỆT NAM Nguyễn Hà Ngân Lê Thị Thảo Nguyên Trần Thị Thu Hiền Tóm tắt: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp được nhận định là những quốc gia có hệ thống pháp luật mang nhiều tính ảnh hưởng, được nhiều nước biết đến và học hỏi bởi nền lập pháp tiên tiến, phát triển vượt bậc, đặc biệt về việc bảo đảm quyền đối với người chưa thành niên bị buộc tội trong tố tụng hình sự. Bài viết được nghiên cứu dưới góc độ quyền, góc độ pháp luật tố tụng hình sự, đồng thời sử dụng các phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp, đánh giá để làm rõ vấn đề và trên cơ sở đó đưa ra định hướng gợi mở cho pháp luật Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên trong pháp luật tố tụng hình sự là cần thiết để xây dựng một hệ thống tư pháp hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong quá trình tố tụng Từ khóa: Bảo đảm quyền, người chưa thành niên, pháp luật tố tụng hình sự, người bị buộc tội. 1. Đặt vấn đề Theo dòng chảy của thời đại, việc đảm bảo quyền cho người chưa thành niên (NCTN) - một trong các quyền của con người đang dần được đề cao vai trò và trở thành chủ đề nhận được sự quan tâm, thu hút, trên thế giới và ngay cả tại Việt Nam. Có thể hiểu một cách chung nhất, NCTN là người chưa đủ mười tám tuổi. Đây là nhóm người yếu thế, đang ở độ tuổi phát triển, hoàn thiện về thể chất cũng như về tâm – sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống cũng còn hạn chế. Vì vậy, quy định về thủ tục tố tụng nói chung và áp dụng biện pháp đảm bảo quyền cho họ cũng có những khác biệt so với với nhóm chủ thể là người đã thành niên. Là một thành viên của công ước quyền trẻ em (CRC), Việt Nam tìm ra những cách thức để tạo ra sự phù hợp giữa Luật hình sự, hệ thống tư pháp hình sự với những tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế về bảo vệ NCTN bị buộc tội và quyền của họ. Tuy nhiên, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện vẫn chưa có một văn bản pháp luật độc lập ở cấp độ một đạo luật, còn thiếu các quy định hướng dẫn chi tiết, cụ thể để thi hành pháp luật. Khác với Việt Nam, hiện nay ở Nhật Bản, Bang Georgia (Hoa Kỳ), Pháp đã xây dựng luật riêng về bảo đảm quyền của NCTN, bên cạnh  Nguyễn Hà Ngân; sinh viên lớp Luật K44H; email: ngan20a5011435@hul.edu.vn  Lê Thị Thảo Nguyên; sinh viên lớp Luật K44H; email: nguyen20a5011456@hul.edu.vn  Trần Thị Thu Hiền; sinh viên lớp Luật K44H; email: hien20a5010796@hul.edu.vn 183
  2. những quy định chung trong Bộ luật tố tụng hình sự. Chính vì sự khác biệt trong nền văn hóa - tư tưởng, kinh tế trong xã hội của Việt Nam với Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp nên những quy định pháp luật về vấn đề bảo đảm quyền của NCTN bị buộc tội ở cả bốn quốc gia cũng có những ảnh hưởng đáng kể. 2. Kinh nghiệm về bảo đảm quyền của người chưa thành niên bị buộc tội trong tố tụng hình sự theo pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới. Như đã đề cập ở trên, người chưa thành niên là một đối tượng có những đặc thù về độ tuổi, khả năng nhận thức, sự hiểu biết về pháp luật. Vì vậy quá trình xử lý nhóm đối tượng này cũng có những đặc thù và điểm cần lưu ý nhất định. Tại công ước về dân sự - chính trị năm 1966 đã quy định: “Tố tụng áp dụng đối với người chưa thành niên phải xem xét phải xem xét tới độ tuổi của họ và mục đích thúc đẩy sự phục hồi nhân cách của họ” (khoản 4, Điều 14).1 Đã có nhiều văn bản quốc tế về quyền con người của trẻ em, của người chưa thành niên ra đời trong hơn nửa thế kỷ qua. Đồng thời, việc tăng cường bảo vệ các quyền của trẻ em cũng là một khía cạnh quan trọng trong hoạt động của các cơ quan và chương trình của Liên Hợp Quốc (LHQ). Trong các văn bản quốc tế và các chương trình của LHQ về vấn đề trẻ em sử dụng đồng thời cả hai khái niệm trẻ em và người chưa thành niên. Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của LHQ về việc áp dụng pháp luật đối với người chưa thành niên (còn gọi là Quy tắc Bắc Kinh), được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 29/11/1985 cũng đã cụ thể hóa các quyền dành cho người chưa thành niên phạm tội trong hoạt động tư pháp như: quyền được bảo vệ sự riêng tư (khoản 8), quyền được giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời để tránh trì hoãn không cần thiết (khoản 20); quyền được có người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (khoản 22)...Ngoài ra LHQ cũng đã ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành như hướng dẫn của Liên Hợp quốc về phòng ngừa tình trạng người chưa thành niên phạm pháp (Hướng dẫn Ryad), Quy tắc của Liên Hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước đoạt tự do, Hướng dẫn hành động đối với trẻ em trong hệ thống tư pháp hình sự, Tuyên bố các nguyên tắc công lý cơ bản về tự do cho nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực…Từ các văn bản quốc tế trên, có thể thấy người chưa thành niên khi bị buộc tội được thụ hưởng các quyền dành riêng cho người chưa thành niên ở tất cả các tư cách pháp lý khác nhau trong tư pháp hình sự như quyền được hưởng các thủ tục điều tra, truy tố, xét xử phù hợp với tâm lý, lứa tuổi. Căn cứ những văn bản pháp lý quốc tế nêu trên, nhóm nghiên cứu rút ra một số quyền cơ bản của người chưa thành niên phạm tội như sau: 1 Đoàn Thị Ngọc Hải (2019), Quyền của người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, https://tapchitoaan.vn/quyen-cua-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-theo-phap-luat-quoc-te-va-phap-luat-viet- nam-2?fbclid=IwAR3kW9znEq8AMtSoxyqZT50kh3GKkIHvykzTlvTQau-CK0O5UXK99rSgjxM, ngày truy cập 10/10/2023 184
  3. Thứ nhất, quyền cơ bản của người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra. Ở nhóm này, bao gồm những quy định về đảm bảo quyền của người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra như tất cả những tiếp xúc giữa cán bộ thực thi pháp luật và người chưa thành niên phải mang tính thân thiện, nhạy cảm, phải diễn ra trong một môi trường phù hợp, hỗ trợ và đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của lứa tuổi; Cấm các biện pháp điều tra tùy tiện, trong mọi trường hợp, quyền riêng tư của các em phải được bảo vệ; Trong bất kỳ trường hợp nào, cán bộ điều tra đều phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật; Cần tránh những trì hoãn không cần thiết khi xử lý các vụ liên quan đến người chưa thành niên phạm tội; Người chưa thành niên có quyền trình bày quan điểm của mình và những quan điểm này phải được tôn trọng, xem xét một cách thận trọng…Trong đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy người chưa thành niên trong giai đoạn này có quyền vô cùng đó là quyền được xác định các đối tượng chứng minh đặc thù. Thứ hai, quyền cơ bản của người chưa thành niên khi bị bắt giữ hoặc bị giam giữ. Cũng như nhóm quyền thứ nhất, ở nhóm quyền này bao gồm những quy định nhằm đảm bảo quyền của người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra. Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy ở giai đoạn này, quyền nổi bật nhất mà người chưa thành niên được hưởng chính là quyền được ưu tiên trong việc hạn chế áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Theo đó biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là các biện pháp như bắt tạm giữ, tạm giam chỉ được coi là biện pháp cuối cùng, áp dụng vào những trường hợp thật sự cần thiết. Thời hạn tạm giam của người chưa thành niên cũng phải ngắn hơn đối với tạm giam người đã thành niên. Thứ ba, quyền của người chưa thành niên khi bị xét xử và tuyên án. Bao gồm các quy định như: giam giữ chỉ là biện pháp cuối cùng và nếu có chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn nhất; Người chưa thành niên có quyền giữ im lặng và quyền được chuyển đến những dịch vụ hỗ trợ phù hợp; (3) Người chưa thành niên có quyền được bảo vệ khỏi sự đối xử và trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, của các cơ quan chính quyền và các cơ quan khác… Ở giai đoạn này, ta có thể thấy pháp luật quốc tế đã có những quy định nhằm bảo vệ quyền của người chưa thành niên phạm tội đó chính là quy định quyền được xem xét xử lý chuyển hướng. Theo đó các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm các hình thức xử lý khác thay vì xử lý hình sự. Điều này có thể khiến cho quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên được dừng lại, thay vào đó có thể áp dụng các biện pháp khác. Điều này góp phần hướng tới mục tiêu giáo dục nhân cách, hình thành trách nhiệm xã hội đối với người chưa thành niên bị buộc tội thay vì mục tiêu trừng trị. Thứ tư, quyền của người chưa thành niên khi bị tước quyền tự do. Ở giai đoạn này, pháp luật quốc tế cũng đã có những quy định khác biệt dành riêng cho người chưa thành niên bị buộc tội. Điều này thể hiện qua các quy định như: Người 185
  4. chưa thành niên có quyền được cung cấp đầy đủ thực phẩm, nước uống sạch, chỗ ngủ sạch sẽ, quần áo phù hợp với thời tiết cũng như việc phòng bệnh và chữa bệnh; Người chưa thành niên được tiếp cận với các chương trình, hoạt động vui chơi giải trí có ý nghĩa cho việc phục hồi, tái hòa nhập và phát triển của họ; Cán bộ ở các cơ sở quản lý giáo dục tập trung cần được đào tạo về việc đối xử với người chưa thành niên sao cho phù hợp. Nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực hoặc các hình thức trừng phạt, truy bức, nhục hình; Đồng thời có cơ chế bảo vệ người chưa thành niên tránh khỏi mọi hình thức lạm dụng hoặc bóc lột; Người chưa thành niên cần được hỗ trợ khi các em trở về với gia đình và xã hội, được ưu tiên đi học và tìm việc làm sau khi chấp hành xong biện pháp giáo dục… Trên cơ sở tiếp thu những quy định của luật pháp quốc tế về người chưa thành niên, các quốc gia trên thế giới tùy vào điều kiện kinh tế – văn hoá – xã hội, phong tục, tập quán, pháp luật của mỗi nước.cũng đã đưa ra các quy định về người chưa thành niên nói chung, người chưa thành niên phạm tội nói riêng, các chế tài xử lý người chưa thành niên phạm tội phù hợp. Chẳng hạn như: 2.1. Quy định của pháp luật Nhật Bản Thứ nhất, sự ghi nhận về quyền của NCTN bị buộc tội. Từ năm 1949, Nhật Bản đã có một hệ thống tư pháp riêng cho trẻ em vi phạm pháp luật. Luật Người chưa thành niên Nhật Bản năm 1948, sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2021 hoàn toàn dựa trên nền tảng phúc lợi để điều chỉnh. Luật sửa đổi cũng quy định thiết lập một hệ thống mới có chức năng chuyển các vụ án nghiêm trọng từ Tòa Gia đình sang Toà dành cho người trưởng thành.2 Về cơ bản luật quy định việc xử lý và thủ tục đối với người chưa thành niên phạm pháp nhằm thúc đẩy việc giáo dục lành mạnh của người chưa thành niên. Như vậy, tại Nhật Bản đã có một đạo luật chuyên ngành ghi nhận quyền cho NCTN. Thứ hai, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của NCTN. Bộ luật hình sự Nhật Bản quy định rằng hành vi do người dưới 14 tuổi thực hiện sẽ không bị trừng phạt và độ tuổi tối thiểu có thể phải chịu trách nhiệm hình sự là 14.3 Thứ ba, nguyên tắc xét xử đối với NCTN.4 Một là, nguyên tắc không tiết lộ: Theo nguyên tắc chung, các phiên tòa xét xử người chưa thành niên được tiến hành kín không công khai. 5 Điều này rất khác với các phiên tòa hình sự, trong đó nguyên tắc hiến pháp là các phiên tòa được xét xử công khai.6 2 Trần Hưng Bình (2013), Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên theo pháp luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện khoa học xã hội, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, tr. 66. 3 Điều 41 Luật Hình sự Nhật Bản năm 1908. 4 少年審判の諸原則について (2018), https://harenokuni- law.com/%E5%B0%91%E5%B9%B4%E5%AF%A9%E5%88%A4%E3%81%AE%E8%AB%B8%E5%8E%9F%E 5%89%87%E3%81%AB%E3%81%A4%E3%81%84%E3%81%A6/, ngày truy cập 12/10/2023. 5 Điều 22 Luật Người chưa thành niên Nhật Bản năm 1948. 6 Điều 37-1 và Điều 82-1 Hiến pháp Nhật Bản năm 1945. 186
  5. Hai là, nguyên tắc xét xử hợp nhất: Nếu có nhiều vụ án liên quan đến một người chưa thành niên, người ta nói rằng nếu có thể, các vụ án nên được kết hợp và xét xử.7 Ba là, nguyên tắc tố tụng cá nhân: Tuy không có điều khoản rõ ràng nhưng khi có nhiều người chưa thành niên cùng tham gia vào một vụ án thì về nguyên tắc mỗi người chưa thành niên phải được xét xử riêng biệt, không được phép gộp các vụ án liên quan đến người chưa thành niên khác nhau.8 Trong các vụ án dành cho người chưa thành niên, có yêu cầu rất lớn về việc giữ bí mật giữa bản thân người chưa thành niên với gia đình và các bên liên quan khác, và việc xét xử phải được tiến hành theo từng trường hợp cụ thể. Bốn là, nguyên tắc xét xử trực tiếp: Nếu người chưa thành niên không có mặt vào ngày xét xử thì không thể tiến hành xét xử. 9 Trong các phiên tòa xét xử người chưa thành niên, để đảm bảo thủ tục tố tụng hợp pháp cho người chưa thành niên và để đảm bảo hiệu quả giáo dục của việc xét xử, người chưa thành niên cần phải tự mình tham gia phiên tòa. Thứ tư, trung tâm phân loại vị thành niên. Nhật bản có các trung tâm phân loại vị thành niên nhằm thực hiện việc phân loại những người bị phân loại theo yêu cầu của tòa án gia đình và cung cấp sự giáo dục lành mạnh cho những người được đưa vào nhà phân loại vị thành niên dưới các biện pháp giám sát. Các trung tâm này được lắp đặt ở 52 địa điểm trên toàn quốc, bao gồm cả thủ phủ của mỗi tỉnh.10 2.2. Quy định của pháp luật Bang Georgia (Hoa Kỳ) Hoa Kỳ là một nhà nước Liên bang nhưng không có hệ thống tư pháp NCTN ở cấp độ Liên bang. Hệ thống tư pháp NCTN ở Hoa Kỳ được quy định khác nhau theo từng bang. Thứ nhất, sự ghi nhận về quyền của NCTN bị buộc tội. Tại Bang Georgia (Hoa Kỳ),11 các vấn đề về tư pháp đối với NCTN được quy định trong Bộ luật Tư pháp người chưa thành niên (Law of Georgia Juvenile Justice Code) ban hành năm 2015 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2016. Thứ hai, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của NCTN. Theo quy định của Bộ luật Tư pháp người chưa thành niên Bang Georgia thì NCTN phạm tội là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi.12 Như vậy, có thể hiểu độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự ở Georgia là từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi. Thứ ba, nguyên tắc ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng. 7 Điều 25-2 của Quy tắc xét xử người chưa thành niên Nhật Bản số 33 ngày 21 tháng 12 năm 1948. 8 Điều 49 Luật Người chưa thành niên Nhật Bản năm 1948. 9 Điều 28-3 của Quy tắc xét xử người chưa thành niên số 33 ngày 21 tháng 12 năm 1948 của Nhật Bản. 10 少年鑑別所, https://www.moj.go.jp/kyousei1/kyousei_kyouse06.html, ngày truy cập 17/10/2023. 11 Georgia là một tiểu bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nằm giáp với Florida về phía nam, với Đại Tây Dương và Nam Carolina về phía đông, với Alabama về phía tây, và với Tennessee và Bắc Carolina về phía bắc. Miền bắc của tiểu bang này nằm trên dãy núi Blue Ridge, một dãy núi thuộc hệ thống núi của dãy Appalachian. Thủ phủ của Georgia là Atlanta. 12 Điều 3-1 Bộ luật Tư pháp người chưa thành niên Bang Georgia năm 2015 có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2016. 187
  6. Bộ Luật tư pháp người chưa thành niên Bang Georgia ghi nhận nguyên tắc ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng13 đối với người chưa thành niên ở giai đoạn sớm nhất và ưu tiên áp dụng xử lý chuyển hướng so với các biện pháp xử lý chính thức. Điều 8 và Điều 38-1 Bộ Luật tư pháp người chưa thành niên Bang Georgia quy định cần ưu tiên áp dụng các biện pháp khoan hồng và các biện pháp thay thế đối với NCTN phạm tội. Trong đó, khả năng áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng cần được ưu tiên xem xét ngay từ đầu, trước hết cho NCTN phạm tội. Thứ tư, chương trình xét xử chuyển hướng. Bang Georgia có chương trình chuyển hướng (Diversion Program) trước khi xét xử cho phép người chưa thành niên phạm tội tránh chịu hình phạt tù và tham gia vào các chương trình sửa đổi hành vi, giáo dục và phục hồi. Chương trình nhằm tạo cơ hội tái hòa nhập vào xã hội. Sau khi hoàn thành chương trình chuyển hướng trước khi xét xử một cách thành công, thẩm phán sẽ ký một văn bản bãi bỏ trong vụ án của người vi phạm. Lợi ích chính của việc này là người vi phạm có thể giữ cho hồ sơ hình sự của mình sạch sẽ bằng cách hoàn thành chương trình.14 Thứ năm, về tòa án trách nhiệm. Georgia đã thành lập các tòa án trách nhiệm (Accountability Courts)15 tạo điều kiện cho người chưa thành niên tham gia vào các chương trình giáo dục, tài trợ xã hội và hỗ trợ tâm lý nhằm tránh tái phạm và đạt được sự phục hồi. Tòa án trách nhiệm cung cấp một lựa chọn thay thế cho việc xét xử và giam giữ truyền thống, chủ yếu dành cho những người vi phạm không bạo lực, thường nhất là sau khi bị bắt vì tội liên quan đến sử dụng ma túy (tòa án ma túy), tình trạng sức khỏe tâm thần (tòa án sức khỏe tâm thần) hoặc tội lái xe trong trạng thái say (tòa án lái xe trong trạng thái say). 2.3. Quy định của pháp luật Cộng hòa Pháp Thứ nhất, sự ghi nhận về quyền của NCTN bị buộc tội. Cũng giống như Nhật Bản, Bang Georgia (Hoa Kỳ), ở Pháp đã có một văn bản pháp luật chuyên ngành ở cấp độ một đạo luật ghi nhận về việc đảm bảo quyền của NCTN nói chung, đặc biệt là NCTN bị buộc và đó chính là Bộ luật tư pháp hình sự về người chưa thành niên (CJPM) có hiệu lực từ ngày 30/09/2021. Luật này kết hợp các nguyên tắc chính của sắc lệnh ngày 02 tháng 02 năm 1945 (văn bản nền tảng của tư pháp hình sự đối với NCTN ở Pháp). Do đó, tất cả các điều khoản cụ thể liên quan đến NCTN đều được 13 Xử lý chuyển hướng là một quá trình thay thế nhằm xử lý các vi phạm của người chưa thành niên bằng các biện pháp không chính thức nằm ngoài hệ thống tư pháp chính thống. 14 Georgia Pretrial Diversion Program, https://www.georgiacriminallawyer.com/diversion, ngày truy cập 19/10/2023. 15 Accountability Court Program, https://cjcc.georgia.gov/grants/grant-subject-areas/criminal-justice/accountability- court-program, ngày truy cập 20/10/2023 188
  7. tập trung trong một khung pháp lý duy nhất.16 Như vậy, tại Pháp đã có một đạo luật chuyên ngành ghi nhận quyền cho NCTN. Thứ hai, về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của NCTN. Nghị quyết 2010 về tư pháp thân thiện với NCTN của Hội đồng châu Âu kêu gọi các quốc gia cần quy định độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi. Một số quốc gia ở châu Âu quy định độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là từ 10 tuổi trở lên.17 Theo đó, Pháp đã có quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của NCTN là 13 tuổi.18 Thứ ba, về Tòa án NCTN. Pháp quy định rằng tất cả trẻ vị thành niên đều chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội mà chúng đã phạm nếu chúng có khả năng nhận thức vào thời điểm chúng phạm tội.19 Tuy nhiên, do tuổi tác của họ, những người phạm tội chưa thành niên được tránh khỏi các tòa án hình sự theo luật thông thường, như Tòa án hình sự (Tribunal Correctionnel) hoặc Tòa án đại hình (Court of Assises). Do đó, để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm người này, việc điều tra và phán quyết cần được giao cho các thẩm phán và tòa án chuyên môn, cụ thể: thẩm phán trẻ em (le juge des enfants), tòa án trẻ em (le Tribunal pour enfants) và tòa án trẻ vị thành niên (la Cour d’Assises des mineurs). Quy trình ngoại lệ này có thể được ghi nhận ở mọi giai đoạn của thủ tục hình sự: từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn tuyên án hình sự đối với trẻ vị thành niên.20 Đồng thời, Pháp luật Cộng hòa Pháp có quy định các phiên tòa công khai áp dụng cho người đã thành niên sẽ không áp dụng với NCTN 21. Điều này giúp bảo vệ quyền riêng tư, sự phát triển về tâm sinh lý, đảm bảo công bằng, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo môi trường thân thiện trong quá trình xét xử và góp phần giúp người chưa thành niên hiểu rõ hậu quả của hành vi phạm tội bản thân đã thực hiện và từ đó sửa chữa lỗi lầm. Thứ tư, về quyền tham gia tố tụng của NCTN. Xuất phát từ quan niệm NCTN cần được hạn chế tối đa sự tham gia các hoạt động tố tụng công khai do các hoạt động này ảnh hưởng có ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và sự phục hồi nhân cách của NCTN. Pháp luật tố tụng hình sự Cộng hòa Pháp cho phép bị cáo chưa thành niên vắng mặt một phần hay toàn bộ trong quá trình xét xử, nếu bị cáo 16 Code de la justice pénale des mineurs : entrée en vigueur le 30 septembre 2021, https://www.vie- publique.fr/eclairage/281397-code-de-justice-penale-des-mineurs-en-vigueur-le-30-septembre-2021, ngày truy cập 20/10/2023. 17 Child Rights International Network, Minimum ages of criminal responsibility in Europe, https://archive.crin.org/en/home/ages/europe.html, ngày truy cập 23/10/2023. 18 Mineur délinquant: mesures et peines encourues, https://www.service- public.fr/particuliers/vosdroits/F1837/personnalisation/resultat?lang=&quest0=2&quest=, ngày truy cập 22/10/2023 19 Điều 122-8 Bộ luật Hình sự Pháp sửa đổi lần cuối ngày 29 tháng 07 năm 2023. 20 Nina LA CASA (2021), Droit pénal des mineurs: tout comprendre, https://beaubourg-avocats.fr/droit-des- mineurs/, ngày truy cập 22/10/2023. 21 Điều 397-6 Bộ luật Tố tụng Hình sự Pháp. 189
  8. phạm tội vi cảnh, thậm chí khinh tội thì phiên tòa cũng vẫn sẽ được giản lược, thậm chí được xét xử tại Chambre du conseil (bất kỳ phòng nào của Tòa án nhưng không công khai)22. Thứ năm, về quyền được trợ giúp của NCT bị buộc tội. Trong tất cả các giai đoạn của quy trình Tố tụng hình sự (điều tra, thẩm vấn, xét xử), NCTN có quyền được đi cùng một luật sư. Họ cũng có thể được đi cùng một thành viên trong gia đình hoặc người lớn phù hợp. Người chưa thành niên được trợ giúp trong quá trình tố tụng hình sự sẽ có cơ hội được bảo vệ tốt nhất về quyền lợi và lợi ích của mình.23 Thứ sáu, về hình phạt áp dụng đối với NCTN. Tòa án (thẩm phán trẻ em hoặc tòa án vị thành niên) đưa ra quyết định cuối cùng về hình phạt khi kết thúc thời gian quản chế giáo dục, trong phiên điều trần xử phạt. NCTN chỉ có thể áp dụng hình phạt tù nếu trẻ vị thành niên trên 13 tuổi, chỉ là biện pháp cuối cùng và tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Mức phạt dành cho NCTN luôn được giảm đi một nửa so với mức phạt dành cho NTN. Một số hình phạt không thể được áp dụng đối với trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi.24 3. Định hướng gợi mở cho Pháp luật Việt Nam Nhìn từ lăng kính pháp luật so sánh, nhóm tác giả rút ra được một số định hướng, kiến nghị gợi mở cho pháp luật Việt Nam như sau: Thứ nhất, xây dựng một đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Tại Việt Nam, các quy định nhằm bảo vệ NCTN được quy định trong Hiến pháp năm 201325 và có 30 Bộ luật, luật điều chỉnh các vấn đề về tư pháp NCTN như Bộ luật hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Phòng, chống ma túy; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Thi hành án hình sự; Luật Đặc xá...và hơn 20 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về tư pháp NCTN.26 Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý đặc biệt đối với NCTN hiện nay cũng được quy định rải rác ở nhiều luật và văn bản dưới luật nên đã gây ra tình trạng không thống nhất, khó thi hành hiệu quả. Các luật hiện hành chỉ đơn thuần quy định những sửa đổi nhỏ đối với các hệ thống và quy trình được thiết kế chủ yếu cho người lớn mà không thúc đẩy một cách tiếp cận riêng khác biệt đối với NCTN. Sau khi nghiên cứu và so sánh với pháp luật của Nhật Bản, Bang Georgia (Hoa Kỳ), Pháp thì nhóm tác giả nhận thấy những quy định pháp luật hiện 22 Lê Lan Chi, Nguyễn Văn Trường, Lê Quang Đạt (2023), Bảo đảm quyền của người chưa thành niên bị buộc tội trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, 2023, tr.178. 23 Éric Dupond-Moretti, garde des Sceaux, ministre de la Justice (2021), Guide de la justice des mineurs, https://www.justice.gouv.fr/guide-justice-mineurs, ngày truy cập 25/10/2023. 24 La justice pénale des mineurs, https://www.justice.gouv.fr/justice-france/justice-mineurs/justice-penale-mineurs, ngày truy cập 22/10/2023 25 Điều 14, Điều 16, Điều 19, Điều 20 Hiến Pháp Việt Nam năm 2013 26 Tòa án nhân dân tối cao (2022), Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên 190
  9. hành không đưa ra được những hướng dẫn chi tiết về một hệ thống chuyên biệt dành cho NCTN. Do đó, phải xây dựng một hệ thống đạo luật tư pháp người chưa thành niên riêng biệt, với cách tiếp cận chuyên biệt, cá thể hóa để bảo vệ và giải quyết các vấn đề có liên quan của người chưa thành niên. Đây cũng là cách thức được khuyến nghị bởi Liên hợp quốc và đã được nhiều nước triển khai. Thứ hai, quy định về biện pháp xử lý chuyển hướng. Pháp luật Việt Nam mặc dù đã có những quy định về các biện pháp như giám sát, giáo dục trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, các biện pháp tư pháp giáo dục tại giáo dưỡng… Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy, các trường hợp người chưa thành niên phạm tội được áp dụng các biện pháp trên vẫn còn rất ít. Trên thực tế người chưa thành niên bị buộc tội bị xử lý nghiêng về tính trừng trị nhiều hơn. So sánh với các quy định của Bang Georgia (Hoa Kỳ), nhóm tác giả nhận thấy cần xây dựng luật riêng về tư pháp NCTN trong đó phải có các quy định cụ thể về biện pháp xử lý chuyển hướng NCTN theo hướng “giáo dục” dựa trên những đặc điểm tâm lý cũng như nhận thức của NCTN còn chưa phát triển toàn diện nên khi tiến hành xử lý NCTN phạm tội phải hướng đến giáo dục hơn trừng phạt để giúp NCTN không tái phạm và tái hòa nhập cộng đồng như một số quốc gia châu Âu trong đó có Bang Georgia đã thực hiện thành công. Thứ ba, về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội. Việc xem xét xử lý hình sự đối với người chưa thành niên tại Nhật Bản có sự phân định rõ ràng giữa hai giai đoạn: giai đoạn xem xét để có truy tố hay không và giai đoạn sau khi quyết định truy tố (được tiến hành giống như các vụ án thông thường). Trong giai đoạn đầu, người dưới 18 tuổi gần như không bị áp dụng biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn mà cơ bản được gia đình giám sát, giáo dục. Trường hợp đặc biệt, họ được đưa vào Nhà phân loại vị thành niên để giám sát, giáo dục. Tuy nhiên tại Việt Nam, ngay ở giai đoạn đầu, người chưa thành niên có thể bị áp dụng rất nhiều các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế, trong đó ngăn chặn tạm giam là biện pháp nghiêm khắc nhất. Như vậy, có những trường hợp người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự nhưng trong giai đoạn đầu vẫn bị áp dụng biện pháp tạm giam, bị giam, giữ tại các cơ sở giam giữ. Trường hợp người chưa thành niên bị xử lý hình sự và được miễn trách nhiệm hình sự vẫn bị áp dụng biện pháp tạm giam giống nhau. Do vậy, nhóm tác giả nhận thấy rằng Việt Nam có thể học tập Nhật Bản để xây dựng một Nhà phân loại vị thành niên để giám sát, giáo dục riêng đối với người chưa thành niên trong giai đoạn tố tụng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu và thực hiện thí điểm nội dung này cho phù hợp với hệ thống tố tụng của Việt Nam. Thứ tư, sửa đổi hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, để đảm bảo quyền của người chưa thành niên, các biện pháp chuyển hướng như giám sát, giáo dục… sẽ được ưu tiên sử dụng thay vì sử dụng các hình phạt. Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả nhận nhận 191
  10. thấy có nhiều điểm tương đồng giữa biện pháp khiển trách được quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự với hình phạt cảnh cáo quy định tại khoản 1 điều 98 Bộ luật hình sự. Vậy thiết nghĩ hình quy định hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên là không cần thiết và trùng lặp. Theo đó, nhóm tác giả đề xuất các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên, bao gồm: phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn. Thứ năm, quy định về phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn. Cần bổ sung những quy định cụ thể về phạm vi, điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn đối với người chưa thành niên. Điều này hoàn toàn phù hợp về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên, góp phần bảo đảm sự hạn chế tối đa những tác động tiêu cực lên quá trình xử lý vụ án của người chưa thành niên. Qua đó góp phần bảo vệ tối đa quyền của nhóm đối tượng này. Thứ sáu, nâng cao trình độ, kiến thức tâm lý về NCTN. Nâng cao chất lượng thẩm phán, thư ký Tòa án nhân dân các cấp. Tạo điều kiện để thẩm phán, thư ký tòa án, đặc biệt là tòa Gia đình và người chưa thành niên được tham gia các lớp đào tạo bổ sung kiến thức, tâm lý người chưa thành niên, tập huấn kỹ năng, kinh nghiệm công tác khi làm việc với nhóm đối tượng đặc thù này. 4. Kết luận Với xu hướng phát triển của thế giới, quyền con người nói chung, quyền của người chưa thành niên phạm tội nói riêng sẽ luôn được bảo đảm và bảo vệ. Vì đây là một đối tượng có nhiều điểm đặc thù nên quá trình tố tụng giải quyết các vụ án do người chưa thành niên phạm tội cũng có nhiều điểm khác biệt cần lưu ý. Trên cơ sở pháp luật quốc tế và tiếp thu những tiến bộ của một số quốc gia điển hình như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, bài báo “Pháp luật tố tụng hình sự của một số quốc gia trên thế giới về bảo đảm quyền đối với với người chưa thành niên bị buộc tội và định hướng gợi mở cho Việt Nam” đã đưa ra những định hướng gợi mở cho Việt Nam, bên cạnh những gợi mở về hoàn thiện pháp luật, các giải pháp nâng cao chất lượng thực thi pháp luật cũng cần được chú trọng nhằm đảm bảo các quy định pháp luật thi hành có hiệu quả trên thực tế, qua góp phần hoàn thiện pháp luật về xử lý người chưa thành niên phạm tội, bảo vệ tối đa quyền của nhóm đối tượng này. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Quốc hội (2013), Hiến pháp Việt Nam năm 2013. 2. Quốc hội (2015), Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 3. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021. 4. Quốc hội (2012), Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi năm 2020. 192
  11. 5. Đoàn Thị Ngọc Hải (2019), Quyền của người chưa thành niên phạm tội theo pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, https://tapchitoaan.vn/quyen-cua-nguoi-chua- thanh-nien-pham-toi-theo-phap-luat-quoc-te-va-phap-luat-viet-nam- 2?fbclid=IwAR3kW9znEq8AMtSoxyqZT50kh3GKkIHvykzTlvTQau- CK0O5UXK99rSgjxM, ngày truy cập 10/10/2023. 6. Trần Hưng Bình (2013), Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên theo pháp luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Học viện khoa học xã hội, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. 7. Lê Lan Chi, Nguyễn Văn Trường, Lê Quang Đạt (2023), Bảo đảm quyền của người chưa thành niên bị buộc tội trong tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật quốc tế và một số quốc gia trên thế giới, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, 2023, tr.178. 8. Tòa án nhân dân tối cao (2022), Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật liên quan đến tư pháp người chưa thành niên. 9. 少年審判の諸原則について (Những điều cần lưu ý) (2018), https://harenokuni- law.com/%E5%B0%91%E5%B9%B4%E5%AF%A9%E5%88%A4%E3%81%AE%E8 %AB%B8%E5%8E%9F%E5%89%87%E3%81%AB%E3%81%A4%E3%81%84%E3% 81%A6/, ngày truy cập 12/10/2023. 10. 1908 年の日本の刑法 (Bộ luật hình sự Nhật Bản năm 1908), https://elaws.e- gov.go.jp/document?lawid=140AC0000000045, ngày truy cập 13/10/2023. 11. 日本国憲法 (Hiến pháp Nhật Bản năm 1945), https://elaws.e- gov.go.jp/document?lawid=321CONSTITUTION, ngày truy cập 14/10/2023. 12. 少年法 - 昭和二十三年法律第百六十八号 (Luật Người chưa thành niên Nhật Bản năm 1948), https://elaws.e-gov.go.jp/document?lawid=323AC0000000168, ngày truy cập 15/10/2023. 13. 少年審判規則(昭和二三年最高裁判所規則第三三号 (Quy tắc xét xử người chưa thành niên số 33 ngày 21 tháng 12 năm 1948 của Nhật Bản), https://www.japaneselawtranslation.go.jp/ja/laws/view/3374, ngày truy cập 16/10/2023. 14. 少年鑑別所 (Trung tâm phân loại trẻ vị thành niên), https://www.moj.go.jp/kyousei1/kyousei_kyouse06.html, ngày truy cập 17/10/2023. 15. Law Of Georgia Juvenile Justice Code (Bộ luật Tư pháp người chưa thành niên Bang Georgia năm 2015), https://matsne.gov.ge/en/document/download/2877281/0/en/pdf, ngày truy cập 18/10/2023. 16. Georgia Pretrial Diversion Program (Chương trình chuyển hướng trước khi xét xử Georgia), https://www.georgiacriminallawyer.com/diversion, ngày truy cập 19/10/2023. 193
  12. 17. Accountability Court Program (Chương trình tòa án trách nhiệm), https://cjcc.georgia.gov/grants/grant-subject-areas/criminal-justice/accountability-court- program, ngày truy cập 20/10/2023. 18. Code de la justice pénale des mineurs 2021 (Bộ luật Tư pháp hình sự về người chưa thành niên), https://www.legifrance.gouv.fr/codes/texte_lc/LEGITEXT000039086952/2021-09-30, ngày truy cập 20/10/2023. 19. Code de procédure civile (Bộ luật Tố tụng Hình sự Pháp) https://www.legifrance.gouv.fr/codes/texte_lc/LEGITEXT000006071154?init=true&pag e=1&query=Code+de+proc%C3%A9dure+p%C3%A9nale&searchField=ALL&tab_sele ction=all, ngày truy cập 20/10/2023. 20. Code pénal (Bộ luật hình sự Pháp sửa đổi lần cuối ngày 29 tháng 07 năm 2023), https://www.legifrance.gouv.fr/codes/texte_lc/LEGITEXT000006070719/, ngày truy cập 15/10/2023. 21. Code de la justice pénale des mineurs : entrée en vigueur le 30 septembre 2021 (Bộ luật Tư pháp hình sự người chưa thành niên: có hiệu lực từ ngày 30/9/2021), https://www.vie-publique.fr/eclairage/281397-code-de-justice-penale-des-mineurs-en- vigueur-le-30-septembre-2021, ngày truy cập 25/10/2023. 22. Child Rights International Network, Minimum ages of criminal responsibility in Europe (Độ tuổi chịu trách nhiệm tối thiểu ở Châu Âu), https://archive.crin.org/en/home/ages/europe.html, ngày truy cập 25/10/2023. 23. Mineur délinquant: mesures et peines encourues (Người phạm tội vị thành niên: biện pháp và hình phạt áp dụng), https://www.service- public.fr/particuliers/vosdroits/F1837/personnalisation/resultat?lang=&quest0=2&quest=, ngày truy cập 22/10/2023. 24. Nina LA CASA (2021), Droit pénal des mineurs: tout comprendre (Luật hình sự người chưa thành niên: Hiểu mọi thứ), https://beaubourg-avocats.fr/droit-des- mineurs/, ngày truy cập 22/10/2023. 25. Éric Dupond-Moretti, garde des Sceaux, ministre de la Justice (2021), Guide de la justice des mineurs (Hướng dẫn xét xử người chưa thành niên), https://www.justice.gouv.fr/guide-justice-mineurs, ngày truy cập 25/10/2023. 26. La justice pénale des mineurs (Tư pháp hình sự vị thành niên), https://www.justice.gouv.fr/justice-france/justice-mineurs/justice-penale-mineurs, ngày truy cập 22/10/2023. 194
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
12=>0