Phát triển các loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự trên thị trường bảo hiểm Việt Nam
lượt xem 5
download
Lịch sử phát triển của ngành Bảo hiểm thế giới đã chứng minh bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) không chỉ là một công cụ đặc biệt hữu hiệu giúp các chủ thể kinh tế - xã hội đối phó với những rủi ro TNDS vốn luôn tiềm ẩn trong mọi mặt hoạt động của cuộc sống mà còn có ý nghĩa nhân đạo, đặc biệt giúp các nạn nhân bị thiệt hại kịp thời khắc phục khó khăn trong sản xuất và đời sống.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phát triển các loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự trên thị trường bảo hiểm Việt Nam
- PHÁT TRIỂN CÁC LOẠI HÌNH BẢO HIỂM TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRÊN THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM VIỆT NAM PGS.TS. Đoàn Minh Phụng Trưởng khoa, Khoa Ngân hàng - Bảo hiểm, Học viện Tài chính Tóm tắt Lịch sử phát triển của ngành Bảo hiểm thế giới đã chứng minh bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) không chỉ là một công cụ đặc biệt hữu hiệu giúp các chủ thể kinh tế - xã hội đối phó với những rủi ro TNDS vốn luôn tiềm ẩn trong mọi mặt hoạt động của cuộc sống mà còn có ý nghĩa nhân đạo, đặc biệt giúp các nạn nhân bị thiệt hại kịp thời khắc phục khó khăn trong sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một bộ phận lớn các sản phẩm bảo hiểm TNDS, mà vai trò ổn định quá trình phát triển kinh tế cũng như ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của nó đã được thừa nhận cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn trên thế giới, lại hầu như chưa được chú trọng phát triển ở Việt Nam. Vậy đâu là nguồn cơn của thực trạng này và cần phải làm gì để các sản phẩm bảo hiểm TNDS phát huy được vai trò quan trọng của mình trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh như định hướng phát triển đất nước mà Đảng và Nhà nước đã đề ra? Đó là một vấn đề nan giải nhưng nhất thiết phải được giải quyết và giải quyết càng sớm càng tốt. Từ khóa: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự, sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự, thị trường bảo hiểm Việt Nam, pháp luật trách nhiệm dân sự 1. Mở đầu Ở Việt Nam, vai trò kinh tế - xã hội của bảo hiểm đã dần được khẳng định thông qua sự hiện diện của các chương trình bảo hiểm mang tính phúc lợi cộng đồng như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, cùng với các sản phẩm bảo hiểm thương mại như: bảo hiểm tài sản, bảo hiểm con người… Mỗi năm, các nhà bảo hiểm chi bồi thường hàng nghìn tỷ đồng, kịp thời hỗ trợ các nạn nhân gặp rủi ro ổn định cuộc sống. Đóng góp vào hàng nghìn tỷ đồng bồi thường đó, các sản phẩm bảo hiểm TNDS chủ sở hữu các phương tiện giao thông vận tải đã khẳng định vai trò quan trọng của mình thông qua các khoản bồi thường cho hàng chục nghìn nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông đường bộ hàng năm, cũng như thay mặt các chủ tàu được bảo hiểm thực hiện các khoản bồi thường TNDS với giá trị lớn vượt quá khả năng gánh vác của bản thân chủ tàu đó... Tuy nhiên, ở Việt Nam, một bộ phận lớn các sản phẩm bảo hiểm TNDS hầu như chưa được chú trọng phát triển. Trong khi đó, hàng ngày, 31
- chúng ta vẫn thấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông những thông tin đau lòng về chất lượng cuộc sống cũng như tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân bị ảnh hưởng nặng nề do hoạt động của các nhà máy công nghiệp; về những người lao động bị tai nạn, bị nhiễm bệnh nghề nghiệp do sự thiếu trách nhiệm của người sử dụng lao động; về tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng bị đe dọa do sử dụng sản phẩm bị lỗi, sản phẩm không đủ tiêu chuẩn… mà những nạn nhân đó không được nhận khoản bồi thường nào để bù đắp lại những mất mát của mình. 2. Các nhóm sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự Dựa trên nguồn phát sinh rủi ro, bảo hiểm TNDS có các nhóm sản phẩm cơ bản sau: (i) Bảo hiểm trách nhiệm công cộng và bảo hiểm TNDS đối với thiệt hại về môi trường Sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm công cộng bảo hiểm cho trách nhiệm pháp lý của người được bảo hiểm (NĐBH) về: - Các thương tổn về người và thiệt hại về tài sản của bên thứ ba phát sinh từ hoạt động của NĐBH thỏa mãn các điều kiện của hợp đồng bảo hiểm (HĐBH). - Các chi phí phải bồi thường cho bên thứ ba bị thiệt hại và các chi phí phát sinh được sự đồng ý của nhà bảo hiểm liên quan đến tổn thất nói trên. - Sản phẩm bảo hiểm TNDS đối với thiệt hại môi trường tập trung bảo vệ TNDS đối với các thiệt hại môi trường bị gây ra một cách đột ngột, bất ngờ cũng như các thiệt hại diễn ra một cách từ từ theo thời gian, miễn là nguyên nhân của nó có thể quy kết cho các phương tiện, thiết bị hay hoạt động diễn ra tại cơ sở kinh doanh của NĐBH. (ii) Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm Loại hình bảo hiểm này bảo vệ cho trách nhiệm pháp lý của NĐBH về: - Các thương tổn về người và thiệt hại về tài sản của bên thứ ba gây ra bởi các sản phẩm được bán, cung cấp, sửa chữa, phân phối hoặc sản xuất bởi NĐBH liên quan đến quá trình hoạt động của NĐBH và thỏa mãn các điều kiện của HĐBH. - Các chi phí phải bồi thường cho bên thứ ba bị thiệt hại và các chi phí phát sinh được sự đồng ý của người bảo hiểm (NBH) liên quan đến tổn thất nói trên. Hạn mức trách nhiệm trong đơn này thường được quy định cho mỗi một sự cố xảy ra với một tổng hạn mức chung cho cả kỳ hạn hợp đồng. Do tính chất phức tạp ngày càng cao của các sản phẩm đã qua chế biến, xử lý (chẳng hạn do ứng dụng công nghệ nano, công nghệ gen), các sản phẩm sản xuất hàng loạt, các nhà sản xuất càng có nhiều nguy cơ phải đối mặt với các tổn thất lớn ở những mức độ chưa thể biết trước, đặc biệt những tổn thất liên quan đến thương tổn về con người. Các loại sản phẩm đặc biệt rủi ro cao bao gồm: dược phẩm, hóa chất, thực phẩm, đồ uống; các loại thiết bị y tế (mô cấy), hàng điện tử (máy tính, máy móc, thiết bị) cũng có nguy cơ tương đối cao. 32
- (iii) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn Sản phẩm này bảo hiểm cho TNDS của các chuyên gia đối với các thiệt hại gây ra cho khách hàng của họ, phát sinh từ sự vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn. “Nghề nghiệp chuyên môn” bao gồm: kế toán, kiểm toán, kỹ sư, kiến trúc sư, tư vấn dự toán, tư vấn tài chính, môi giới bảo hiểm, môi giới tài chính, tư vấn quản lý, luật sư, môi giới bất động sản, giám định viên và chuyên viên định giá, bác sĩ… “Vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn” bao gồm: các hành động bất cẩn, sai sót và nhầm lẫn, vi phạm quyền hạn, bội tín, phỉ báng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. HĐBH trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn cũng thường bảo vệ cho TNDS đối với thiệt hại của các bên bị hại do hành động gian lận và không trung thực của nhân viên NĐBH. Ngoài ra, hợp đồng này cũng bảo vệ các chi phí pháp lý và chi phí khác phát sinh để bảo vệ NĐBH trong trường hợp bị khiếu nại. (iv) Bảo hiểm trách nhiệm người điều hành doanh nghiệp Ở những nước phát triển, thông thường người điều hành doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm khi sự bất cẩn trong quản lý của họ gây ra tổn thất cho các cổ đông, khách hàng hay người lao động của doanh nghiệp. Sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm người điều hành (D&O insurance) bảo hiểm cho trách nhiệm của bất cứ người điều hành nào đối với các khiếu nại của một bên thứ ba về các tổn thất gây ra bởi hành động sai sót của họ trong điều hành công việc. Nhà bảo hiểm cũng có thể bảo hiểm cho cả các chi phí phát sinh nhằm bảo vệ NĐBH chống lại các khiếu nại đó. (v) Bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động Sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động bảo vệ cho trách nhiệm pháp lý của người sử dụng lao động đối với thiệt hại cũng như các chi phí của người khiếu nại liên quan đến thương tổn thân thể hay bệnh tật của người lao động phát sinh từ và trong quá trình làm việc của họ. (vi) Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới Bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới có mục đích bảo hiểm cho những rủi ro thuộc về TNDS của chủ xe cơ giới. Về nguyên tắc, người có quyền sở hữu đối với phương tiện xe cơ giới được gọi là chủ xe. Nhìn chung, họ là người đứng tên trong Giấy đăng ký xe và cả trong Giấy phép lưu hành xe. TNDS của chủ xe cơ giới là phần trách nhiệm theo quy định của luật pháp mà một người hay nhiều người phải bồi thường hậu quả của tai nạn đã gây ra cho một hoặc nhiều người khác trong những vụ tai nạn giao thông đường bộ. (vii) Bảo hiểm TNDS chủ tàu biển Hoạt động hàng hải có thể chia làm ba loại chính gồm: hoạt động của tàu buôn, hoạt động của tàu công vụ nhà nước và hoạt động của tàu quân sự và các tàu khác. Nội dung phần này chủ yếu đề cập đến bảo hiểm TNDS của các chủ tàu buôn. 33
- Trong quá trình kinh doanh, khai thác tàu, chủ tàu thông thường phải chịu trách nhiệm phát sinh trong các trường hợp chủ yếu sau: - TNDS phát sinh liên quan đến bản thân con tàu; - Trách nhiệm đối với con người; - Trách nhiệm đối với hàng hóa chuyên chở; - Trách nhiệm của chủ tàu đối với các khoản tiền phạt của tòa án, chính quyền, cảng, hải quan áp dụng cho sự vi phạm những quy định về an toàn lao động, về hải quan, môi trường do sai sót, bất cẩn của đại lý tàu, thuyền viên hoặc người làm thuê cho chủ tàu trong quá trình thực hiện các tác nghiệp khai thác tàu. (viii) Bảo hiểm TNDS chủ hãng hàng không Sản phẩm này bảo vệ cho chủ hãng hàng không trước các rủi ro TNDS đối với hành khách, hành lý, bưu kiện, hàng hóa và người thứ ba khác phát sinh từ các vụ tai nạn máy bay và liên quan đến các hoạt động kinh doanh/cơ sở kinh doanh và hành động của người làm công của họ. 3. Khái quát về thực trạng phát triển các nghiệp vụ bảo hiểm trách nhiệm dân sự tại Việt Nam Ở Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm TNDS đầu tiên được triển khai trên thị trường là bảo hiểm TNDS chủ tàu biển được Bảo Việt cung cấp ngay từ những ngày đầu thành lập cùng với bảo hiểm thân tàu. Cùng với sự phát triển của các dòng sản phẩm bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản, đến nay, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường Việt Nam đều đã cung cấp hầu hết các sản phẩm liên quan đến bảo hiểm TNDS, bao gồm: bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới đối với người thứ ba; bảo hiểm TNDS chủ tàu biển (P&I), bảo hiểm TNDS chủ tàu thủy nội địa; bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không; bảo hiểm trách nhiệm công cộng/bảo hiểm TNDS đối với người thứ ba; bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp kiến trúc sư/kỹ sư tư vấn, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp môi giới bảo hiểm, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bác sĩ, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư…; bảo hiểm trách nhiệm người điều hành doanh nghiệp; bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động... Doanh thu phí bảo hiểm các nghiệp vụ bảo hiểm TNDS chủ yếu và tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm TNDS trong tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ của thị trường như ở Bảng 1 và Bảng 2. 34
- Bảng 1. Doanh thu phí bảo hiểm TNDS toàn thị trường giai đoạn 2017 - 2021 Đơn vị: triệu đồng Các nghiệp vụ 6 tháng Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Năm 2020 bảo hiểm năm 2021 Bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới 3.285.337 3.440.467 3.632.382 4.664.235 2.160.855 Bảo hiểm TNDS chủ tàu 1.191.122 1.201.300 1.198.545 1.157.800 657.670 Bảo hiểm TNDS chủ hãng 311.290 320.547 418.210 345754 178.000 hàng không Bảo hiểm trách nhiệm trong 48.673 58.034 67.623 74.145 47.863 khám, chữa bệnh Bảo hiểm trách nhiệm nghề 7.186 2.584 69.481 18.087 8.976 nghiệp trong tư vấn đầu tư xây dựng Bảo hiểm trách nhiệm chủ thầu 6026 9.741 103.722 102.211 41.304 đối với người lao động Các nghiệp vụ bảo hiểm trách 865.550 947.261 875.509 895.670 591.178 nhiệm khác Tổng 5.715.274 5.979.934 6.365.472 7.257.902 3.685.846 Nguồn: Vinare, PVI Re, các DNBH, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Bảng 2. Tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm TNDS trong tổng doanh thu toàn thị trường giai đoạn 2017 - 2021 Doanh thu Tổng doanh thu Tăng Tăng bảo hiểm Năm toàn thị trường trưởng trưởng Tỷ trọng (%) TNDS (triệu đồng) (%) (%) (triệu đồng) (1) (2) (3) (4) (5) = (3)/(1) 2017 41.344.055 - 5.715.274 - 13,8 2018 46.652.682 12,8 5.979.934 4,6 12,8 2019 52.842.223 13,2 6.365.472 6,4 12,0 2020 56.347.969 6,6 7.257.902 14,0 12,8 6 tháng 29.565.774 - 3.865.846 - 13,0 năm 2021 Tổng 226.752.703 - 29.184.428 - 12,8 Nguồn: Vinare, PVI Re, các DNBH, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và tính toán của tác giả 35
- Qua Bảng 1 và Bảng 2 có thể thấy, dòng sản phẩm bảo hiểm TNDS ở thị trường Việt Nam đem lại doanh thu còn khiêm tốn so với các dòng sản phẩm bảo hiểm con người và bảo hiểm tài sản. Bình quân các năm nghiên cứu, doanh thu của ngành Bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam chủ yếu mang lại từ bảo hiểm con người và bảo hiểm tài sản (trên 87%). Tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm TNDS/doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ trong 5 năm gần đây lần lượt đạt bình quân 12,8%, tương đối thấp so với tỷ lệ ở các thị trường bảo hiểm TNDS phát triển như: Mỹ (19,87%) và Anh (18,35%). Chỉ tính riêng năm 2020, tốc độ tăng trưởng của dòng sản phẩm bảo hiểm TNDS đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn thị trường. Doanh thu của nghiệp vụ bảo hiểm TNDS chủ yếu được đem lại từ sản phẩm bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới; bảo hiểm TNDS chủ tàu và bảo hiểm TNDS của người vận chuyển hàng không. Các nghiệp vụ bảo hiểm TNDS khác trên thị trường bảo hiểm Việt Nam đều ở trong tình trạng kém phát triển. Sở dĩ sự phát triển của các lĩnh vực bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn, bảo hiểm trách nhiệm người điều hành doanh nghiệp cũng như bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng phát triển là do các nguyên nhân cơ bản sau đây: Nguyên nhân từ phía xã hội - Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa thực sự nhận thức được các rủi ro về TNDS mà họ có thể gặp phải trong quá trình hoạt động; - Thói quen sử dụng sản phẩm bảo hiểm để bảo vệ mình trong quá trình hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa cao; - Nhận thức về quyền nhân thân của người dân còn thấp; - Thói quen sử dụng công cụ pháp luật (khiếu nại/khiếu kiện) để bảo vệ quyền lợi cá nhân của dân chúng hầu như chưa có. Nguyên nhân từ phía Nhà nước - Hệ thống luật về TNDS chưa hoàn thiện; - Công tác kiểm tra giám sát thi hành luật chưa hiệu quả cũng như các chế tài xử phạt chưa nghiêm; - Nhà nước chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện đối với các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; - Nhà nước chưa có quy định về bảo hiểm bắt buộc trong một số lĩnh vực có rủi ro cao như: + Bảo hiểm trách nhiệm công cộng đối với chủ sở hữu một số nguồn nguy hiểm cao độ như: các nhà máy điện, các cơ sở khai khoáng, lọc hóa dầu… ; + Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm đối với các loại sản phẩm phổ biến và có nhiều khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người như: dược phẩm, thực phẩm, thuốc lá…; 36
- + Bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động trong các ngành nghề rủi ro lao động hoặc nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cao như: khai khoáng, xây dựng, dầu khí (đối với các giàn khoan)…; + Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn đối với các ngành nghề có khả năng gây ảnh hưởng trọng yếu tới quyền lợi của số đông dân chúng như lĩnh vực y tế, kiểm toán...; + Bảo hiểm trách nhiệm người điều hành doanh nghiệp đối với các lĩnh vực hoạt động nhạy cảm của nền kinh tế, có khả năng gây thiệt hại cho nhiều người nếu xảy ra sai sót như: lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm và các công ty đại chúng lớn. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm - DHBH chưa coi bảo hiểm TNDS là dòng sản phẩm quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn ý nghĩa xã hội, thậm chí nhiều trường hợp các sản phẩm bảo hiểm TNDS được các DNBH sử dụng như một sản phẩm “khuyến mãi” kèm theo cho các gói sản phẩm bảo hiểm “chính” khác; - DHBH chưa có chiến lược phát triển đối với dòng sản phẩm TNDS cả về mặt tìm hiểu thị trường mục tiêu, đào tạo con người, nghiên cứu sản phẩm cũng như các phương thức phân chia phân tán rủi ro. 4. Xu hướng phát triển của bảo hiểm trách nhiệm dân sự ở các thị trường mới nổi Trong tương lai gần, các thị trường mới nổi sẽ phát triển mạnh các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp gồm: bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm công cộng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn, bảo hiểm trách nhiệm người điều hành doanh nghiệp và bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động, xuất phát từ các lý do sau: - Mô hình tăng trưởng kinh tế hướng về xuất khẩu, trong đó thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã, đang và sẽ thúc đẩy mạnh sự phát triển của bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. - Vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các thị trường mới nổi ngày càng nhiều, trong đó chủ yếu là nguồn vốn phi chính phủ đi kèm với truyền thống được bảo vệ bởi các sản phẩm bảo hiểm TNDS đa dạng của các nhà đầu tư trực tiếp cũng như yêu cầu của các cổ đông/trái chủ được bảo vệ với tiêu chuẩn tương đương như ở đất nước của họ. Mặt khác, thị trường nội địa được mở cửa đối mặt với sự cần thiết phải áp dụng các quy tắc tiêu chuẩn về quản trị doanh nghiệp. Sự phát triển này sẽ khuyến khích nhận thức về TNDS, kéo theo sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm bảo hiểm TNDS cho khối doanh nghiệp. - Sự thay đổi của các ngành công nghiệp trong nước, chẳng hạn như sự bùng nổ của các ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe, vốn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều khả năng bị khiếu nại liên quan đến sức khỏe con người. Đồng thời, các ngành công nghiệp công nghệ cao cũng đang phát triển với tốc độ hết sức nhanh chóng. Những ngành này được xem như là những nguồn rủi ro trách nhiệm mới, chưa được thử nghiệm và tất nhiên cũng rất nhạy cảm với các vụ khiếu kiện. 37
- - Xu hướng xuất khẩu nguồn lực nhằm tìm kiếm những thị trường đầu tư mới đặt các doanh nghiệp liên quan trước nguy cơ phải đối mặt với các tranh cãi pháp lý nhưng mặt khác cũng mở ra những nhu cầu mới đối với các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm. - Pháp luật về TNDS, nhất là pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, pháp luật về doanh nghiệp và môi trường đang dần thay đổi theo hướng thắt chặt hơn do tác động của hội nhập kinh tế, đặc biệt là do ảnh hưởng của các quy định pháp luật nghiêm ngặt ở các thị trường xuất khẩu chính và các quốc gia xuất khẩu vốn, điển hình là Mỹ và EU, Nhật Bản, từ đó, thúc đẩy nhu cầu về bảo hiểm TNDS. 5. Một số gợi ý nhằm phát triển các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự ở Việt Nam 5.1. Nâng cao kiến thức pháp luật trách nhiệm dân sự và thói quen sử dụng công cụ bảo hiểm của dân chúng Đây là giải pháp cần có sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan chức năng nhà nước và các DNBH. Các đề xuất chính bao gồm: - Nâng cao nhận thức của người dân về TNDS nói chung, đặc biệt về quyền nhân thân và các công cụ để bảo vệ quyền cá nhân. Nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật TNDS là một vấn đề mang tầm quốc gia và cần được sự quan tâm thực hiện bởi các cơ quan chức năng nhà nước. Khi chúng ta thực hiện được điều này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm TNDS mà quan trọng hơn là sẽ góp phần thực hiện xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, trong đó con người ý thức được và tôn trọng quyền lợi của nhau; đồng thời biết tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình thông qua các biện pháp thương lượng, khiếu nại, khiếu kiện; đảm bảo sự hoạt động ổn định của các doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế trước sự thay đổi phức tạp của môi trường pháp luật trong điều kiện toàn cầu hóa. Giải pháp này có thể được thực hiện thông qua các cách thức sau: + Tuyên truyền thông qua các mục giải đáp, tư vấn pháp luật trên báo chí, phương tiện truyền thanh, truyền hình; + Tuyên truyền thông qua xây dựng và xử lý các tình huống pháp luật trên báo chí, phương tiện truyền thanh, truyền hình; + Tận dụng sức mạnh tuyên truyền của kênh truyền hình thông qua các bộ phim xoay quanh nội dung TNDS và việc bảo vệ quyền cá nhân từ các tình huống thường gặp trong đời thường, ví dụ về cuộc đấu tranh của dân cư chống lại các nhà máy không thực hiện đúng các biện pháp xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường sống hay về hành trình tìm kiếm sự công bằng cho các nạn nhân của một loại thực phẩm chứa chất gây ung thư…; + Có thể phối hợp với các trường đại học luật để đưa các tiết học thực hành xử lý tình huống của sinh viên thành các tiểu phẩm công chiếu trên truyền hình với thời lượng phát sóng nhất định. 38
- - Tuyên truyền, phân tích cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu về các rủi ro TNDS có thể gặp phải trong quá trình hoạt động và chứng minh cho họ thấy vai trò của bảo hiểm trong quá trình chuyển giao các rủi ro đó. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, các cá nhân hầu như không ý thức được các rủi ro TNDS họ có thể gặp phải trong quá trình hoạt động, vì vậy, cũng không quan tâm đến các biện pháp bảo vệ tương ứng. Để khai phá mảng thị trường tiềm năng này, các DNBH, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm Việt Nam cần thực hiện các biện pháp sau: + Tổ chức các buổi hội thảo về bảo hiểm TNDS cho các bộ phận khách hàng tiềm năng nhất và đưa thông tin tóm tắt về các buổi hội thảo này lên các phương tiện truyền thông. + Chuẩn bị các tài liệu thuyết trình đơn giản, dễ hiểu với các ví dụ sinh động, các dẫn chứng thuyết phục về sự cần thiết của bảo hiểm TNDS nói chung, về các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nói riêng để chủ động tiếp cận tuyên truyền cho các nhóm đối tượng khách hàng phù hợp. 5.2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về trách nhiệm - Hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật: Do hệ thống pháp luật của Việt Nam là theo luật định nên để có thể điều chỉnh được mọi quan hệ xã hội phức tạp thì các văn bản luật cần phải đầy đủ, bao quát được mọi lĩnh vực đời sống. Một số nguyên tắc trong ban hành luật: + Các dự thảo luật phải được trưng cầu lấy ý kiến của các chủ thể kinh tế, xã hội và các ban, ngành liên quan, đặc biệt các chủ thể hoạt động trong ngành như: luật sư, các trường đại học luật, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp và các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn đó nhằm tránh sự áp đặt một chiều gây ra những phiền toái trong qúa trình thực hiện; + Đối với những lĩnh vực hoạt động mang tính quốc tế (chẳng hạn như hoạt động hàng hải), xuất - nhập khẩu nên tham gia ký kết các văn bản, Điều ước quốc tế hợp lý hoặc ban hành các quy định pháp luật phù hợp với xu hướng phát triển của luật pháp quốc tế để các chủ thể hoạt động trong đó không bị bỡ ngỡ khi hòa mình vào môi trường quốc tế; + Các quy định pháp luật phải công bằng và bám sát thực tiễn cuộc sống, đặc biệt là các khoản phạt phải thực sự hỗ trợ được các nạn nhân và mang tính răn đe, ngăn ngừa hành động tái phạm; + Đưa ra các quy định cưỡng chế thi hành nếu bên có lỗi không chịu thực hiện nghĩa vụ bồi thường, kể cả khi khiếu nại được giải quyết thông qua đàm phán. - Ban hành các quy định về bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc đối với các chủ thể hoạt động trong những lĩnh vực rủi ro cao, cụ thể: 39
- + Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm công cộng đối với chủ sở hữu các nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm: “hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định…”; + Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm đối với nhà sản xuất/cung cấp các sản phẩm liên quan trực tiếp và mật thiết với sức khỏe con người như: dược phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm; + Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các nhóm ngành sản xuất, dịch vụ mà người lao động có nhiều nguy cơ gặp tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp như: ngành khai thác mỏ, dầu khí, năng lượng nguyên tử, hóa chất, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ, vệ sinh môi trường…; + Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chuyên môn đối với các nhóm ngành mà chất lượng dịch vụ do họ cung ứng có khả năng ảnh hưởng trọng yếu đến quyền lợi của nhiều người trong xã hội như: bác sĩ, tư vấn đầu tư chứng khoán, kiểm toán, kế toán; + Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm người điều hành doanh nghiệp đối với các lĩnh vực hoạt động mà sai sót của người điều hành trong quá trình tác nghiệp có thể gây ảnh hưởng trên diện rộng cho các nhóm người trong xã hội như: ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, công ty kế toán chuyên nghiệp, công ty kiểm toán và các công ty đại chúng có quy mô lớn. - Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các quy định pháp luật/ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực tác động tới đời sống dân chúng như: pháp luật bảo vệ người lao động; pháp luật về doanh nghiệp… 5.3. Đảm bảo thực hiện pháp luật - Trao quyền kiểm tra, xử phạt việc thực thi/không thực thi pháp luật của các chủ thể kinh tế - xã hội cho các cơ quan chức năng chủ quản, đặc biệt đối với các quy định về bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; - Tạo điều kiện cho dân chúng dễ dàng tiếp cận với các tòa án nhằm bảo vệ quyền lợi bị xâm phạm như: giảm các thủ tục hành chính; bỏ quy định nộp tạm ứng án phí hoặc giảm mức án phí; - Tăng tính chủ động trong vai trò điều hành phiên tòa của các quan tòa, thẩm phán: một thực tế không thể chối cãi là các quy định pháp luật dù đầy đủ đến đâu cũng không thể bao quát hết mọi tình huống có thể nảy sinh trong đời sống. Do vậy, cần trao quyền chủ động quyết định hơn nữa cho những người điều hành phiên tòa, miễn là hợp với những quy tắc đạo đức được thừa nhận; 40
- - Đảm bảo tính công bằng, minh bạch, không thiên vị của các quan tòa trong xử án; - Tăng cường kiểm tra thực hiện luật như: tăng cường biện pháp kiểm tra chéo giữa các cơ quan chức năng; đảm bảo vai trò giám sát thực hiện luật của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đặc biệt đối với quá trình xét xử của các tòa án; tăng cường vai trò đảm bảo thi hành án và cưỡng chế thi hành án của Sở Tư pháp. 5.4. Doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng chiến lược phát triển lâu dài và hợp lý đối với dòng sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự Việc tập trung phát triển sản phẩm nào là tùy thuộc vào thế mạnh của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là một mảng thị trường còn ở dạng tiềm năng trong khi sự cạnh tranh ở các mảng khác là rất gay gắt, thậm chí không lành mạnh. Do đó, chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp nào đi tiên phong trong lĩnh vực này tất yếu sẽ giành được nhiều khả năng thành công. - Định hướng cơ bản Để phát triển mảng sản phẩm này, trước hết, DNBH cần phải quán triệt các quan điểm, các định hướng phát triển thông qua xây dựng một chiến lược phát triển lâu dài và hợp lý đối với bảo hiểm TNDS. Trong đó, phải xác định bảo hiểm trách nhiệm là một dòng sản phẩm quan trọng mà doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực hợp lý để phát triển. Chiến lược phát triển của DNBH phải dựa trên hoàn cảnh cụ thể của thị trường nội địa nhưng có tính đến xu hướng phát triển của thế giới bởi một mặt, bảo hiểm vốn là một lĩnh vực hoạt động mang tính quốc tế; mặt khác xu thế toàn cầu hóa cùng với những thay đổi của thế giới sẽ tác động tới mọi mặt hoạt động của Việt Nam. - Xác định khách hàng mục tiêu Đối tượng khách hàng mục tiêu là các tổ chức kinh tế vì đây là nhóm chủ thể dễ gặp rủi ro trách nhiệm nhất do phạm vi hoạt động rộng, dễ trở thành mục tiêu của các khiếu nại, khiếu kiện và có khả năng tài chính để chi trả cho phí bảo hiểm. - Phát triển sản phẩm Trước mắt, DNBH cần tập trung triển khai các sản phẩm có tiềm năng cao mà nghiên cứu ở trên đã chỉ ra là bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng lao động, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và bảo hiểm trách nhiệm người điều hành doanh nghiệp. Các sản phẩm được thiết kế phải phù hợp với thị trường Việt Nam và nên phân nhóm đối tượng khách hàng để đưa ra các sản phẩm phù hợp mang tính khả thi cao, trước mắt cần hướng đến khách hàng mục tiêu là nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu hoặc hoạt động liên quan nhiều đến yếu tố nước ngoài, đặc biệt là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và các công ty cổ phần, sau đó là nhóm khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, phạm vi hoạt động chủ yếu trong thị trường nội địa. 41
- - Kênh phân phối DNBH nên sử dụng kết hợp các kênh phân phối, trong đó hai kênh phân phối phù hợp với nhóm sản phẩm này là: môi giới bảo hiểm chuyên nghiệp và nhân viên của DNBH. + Môi giới bảo hiểm chuyên nghiệp: Môi giới bảo hiểm có ưu thế trong khai thác lĩnh vực này do đây là các sản phẩm có tính kỹ thuật cao, đòi hỏi người bán hàng phải có hiểu biết sâu rộng và kỹ năng thuyết trình tốt. Mặt khác, các môi giới thường có lợi thế trong tiếp cận với các nhóm khách hàng này. + Nhân viên của DNBH: Do đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm và đối tượng khách hàng, nhân viên bán hàng trong trường hợp này phải là các nhân viên cao cấp, nắm vững sản phẩm và hiểu biết về các lĩnh vực hoạt động của khách hàng. - Chương trình tái bảo hiểm Vai trò của thị trường tái bảo hiểm đặc biệt quan trọng, do đó, DNBH có thể sử dụng công cụ này theo các bước như sau: + Giai đoạn đầu của quá trình phát triển: DNBH đang từng bước thăm dò thị trường và cố gắng để nắm bắt được kiến thức lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tế cơ bản nhất. Do vậy, trong thời gian này, sự hỗ trợ của thị trường tái bảo hiểm quốc tế thường trên phương diện hỗ trợ đào tạo cơ bản, cung cấp mẫu đơn, các tài liệu khai thác và năng lực tái bảo hiểm tạm thời cùng với việc xây dựng điều kiện điều khoản cho từng dịch vụ cụ thể. + Giai đoạn thứ hai: DNBH đã bắt đầu có kiến thức lý thuyết tương đối vững chắc về sản phẩm và kinh nghiệm sơ đẳng về đánh giá rủi ro, về thị trường. Khi đó, nhằm giảm chi phí quản lý và nâng cao tính chủ động trong khai thác, DNBH nên đàm phán với công ty tái bảo hiểm để xây dựng thỏa thuận tái bảo hiểm Facilities – công ty bảo hiểm gốc sẽ tiến hành thu thập thông tin, đánh giá sơ bộ rủi ro, đề xuất điều kiện điều khoản và mức phí hợp lý dựa trên mức độ rủi ro, khả năng tài chính của khách hàng, điều kiện thị trường và hỏi ý kiến của công ty tái bảo hiểm cho từng trường hợp cụ thể. Việc thanh toán tái bảo hiểm sẽ được thực hiện định kỳ thông qua các bảng kê thu - chi và các bản tóm tắt thông tin dịch vụ tương ứng. + Giai đoạn thứ ba: DNBH đã nắm được sản phẩm và khả năng đánh giá rủi ro cũng như hiểu biết về thị trường và kỹ năng khai thác. Lúc này, DNBH nên xây dựng các hợp đồng tái bảo hiểm cố định với hạn mức trách nhiệm phù hợp để tạo tính chủ động trong khai thác và giảm thiểu chi phí quản lý của cả hai bên. Đối với các dịch vụ rủi ro cao, hạn mức trách nhiệm lớn, có liên quan đến rủi ro Mỹ/Canada hoặc điều kiện điều khoản đặc biệt/phi tiêu chuẩn thì vẫn phải nhờ đến sự tư vấn khai thác và năng lực nhận tái tạm thời của thị trường quốc tế. 42
- 5.5. Phát triển nguồn nhân lực Yếu tố cơ bản để thành công của mỗi một doanh nghiệp, một chiến lược, một chính sách cụ thể luôn là vấn đề con người, đặc biệt đối với lĩnh vực bảo hiểm phức tạp như bảo hiểm TNDS. Doanh nghiệp bảo hiểm cần phải đầu tư đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các giải pháp cụ thể như sau: - Nâng cao kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng khai thác cho đội ngũ khai thác viên: + Tự đào tạo: Hiện nay, ở Việt Nam, không có nhiều chuyên gia về mảng bảo hiểm trách nhiệm. Tuy nhiên, các DNBH Việt Nam có thể tận dụng kiến thức của các nhân viên cấp cao và các giảng viên Bộ môn Bảo hiểm của Học viện Tài chính và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân để đào tạo các kiến thức cơ bản cho đội ngũ nhân viên khai thác trực tiếp thông qua các buổi hội thảo, các hội nghị chuyên đề, các bài viết trên tạp chí chuyên ngành...; + Xây dựng các chương trình hợp tác đào tạo cơ bản với các công ty môi giới bảo hiểm cũng như các công ty bảo hiểm nước ngoài, có thể là qua các buổi hội thảo tổ chức tại Việt Nam hoặc các chương trình thực tập nghề nghiệp tại các công ty mà DNBH có mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài; + Tài trợ một phần hoặc toàn phần cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo từ xa, chẳng hạn các chương trình đào tạo của Học viện Bảo hiểm Australia. - Nâng cao trình độ và kiến thức pháp luật cũng như kinh nghiệm thực tế của đội ngũ nhân viên pháp lý của doanh nghiệp. Tóm lại, bảo hiểm TNDS là loại hình bảo hiểm phức tạp nhưng có ý nghĩa kinh tế - xã hội sâu sắc và thực sự cần thiết cho sự phát triển ổn định, công bằng của đất nước. Để loại hình sản phẩm này phát triển đòi hỏi các DNBH cùng với các cơ quan chức năng nhà nước phải thực hiện đồng bộ các giải pháp kiên trì theo các quan điểm và định hướng phát triển đã nêu. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2008), Nghị định số 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, ban hành ngày 16/9/2008. 2. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2021), Nghị định số 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, ban hành ngày 15/02/2021. 3. Đoàn Minh Phụng (2018), Phát triển các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự ở Việt Nam. 43
- 4. Đoàn Minh Phụng (2021), Chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách. 5. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (2017 - 2021), Số liệu thị trường từ năm 2017 đến năm 2021. 6. Mai Cẩm Thúy (2013), Phát triển các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm dân sự trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. 7. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2000), Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật số 24/2000/QH10, ban hành ngày 09/12/2000. 8. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2019), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật số 42/2019/QH14, ban hành ngày 14/6/2019. 9. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2015), Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật số 91/2015/QH13, ban hành ngày 24/11/2015. 10. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2015), Bộ luật Hàng hải năm 2015, Luật số 95/2015/QH13, ban hành ngày 25/11/2015. 44
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Tiểu luận vai trò và sự phát triển của bảo hiểm
24 p | 774 | 260
-
Bài thuyết trình bảo hiểm nhân thọ
20 p | 1163 | 125
-
Vận dụng phương pháp Phân loại chi phí nhằm góp phần kiểm soát hoạt động
4 p | 400 | 109
-
Các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán theo thời gian
5 p | 444 | 94
-
Bảo hiểm doanh nghiệp
109 p | 260 | 77
-
Chương 2: Bảo Hiểm Hàng hải - Ths. Bùi Quỳnh Anh
88 p | 276 | 55
-
Tài liệu học tập môn học Bảo hiểm - ThS. Võ Thị Pha (chủ biên)
121 p | 222 | 50
-
Tài liệu Lý luận chung về bảo hiểm nhân thọ - ĐH Kinh tế Quốc dân
33 p | 219 | 49
-
Bài giảng Các chế độ bảo hiểm xã hội - Khoa kinh tế phát triển
45 p | 151 | 29
-
CHƯƠNG VI: BẢO HIỂM CON NGƯỜI
36 p | 106 | 29
-
Phát triển dịch vụ bancassurance tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam
9 p | 89 | 17
-
Bài giảng Kiểm toán căn bản: Bài 1 - TS. Phạm Thanh Thủy
38 p | 68 | 14
-
Bảo hiểm nông nghiệp: Kinh nghiệm áp dụng ở các nước và khả năng áp dụng ở Việt Nam
13 p | 75 | 10
-
Để Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ
13 p | 68 | 7
-
Bài giảng Nguyên lý thực hành bảo hiểm: Phần 1 - Trường ĐH Võ Trường Toản
110 p | 14 | 6
-
Bài giảng Kinh tế bảo hiểm - Chương 1: Những vấn đề chung về bảo hiểm
12 p | 31 | 5
-
Bài giảng Bảo hiểm: Chương 2 - ThS. Cao Tuấn Linh
14 p | 7 | 2
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn