Phương pháp Học gần học xa
lượt xem 30
download
Tài liệu được biên soạn bằng lối viết bình dị để nói lên những suy nghĩ, trăn trở của tác giả trong việc dạy, việc học sao cho tốt, có hiệu quả thực chât. Cuốn sách xoáy sâu vào một vấn đề mà xã hội quan tâm, tìm cách tháo gỡ và phát triển đó chính là việc học.
Bình luận(0) Đăng nhập để gửi bình luận!
Nội dung Text: Phương pháp Học gần học xa
- 1
- HỌC GẦN, HỌC XA (Tạp đàm) Bùi Trọng Liễu Nguyên Giáo sư Đại học (Paris, Pháp) Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005 Mục lục 0. Lời nói đầu 4 Chương 1: Tạp đàm với Y, nhưng Y là ai ? 6 Chương 2: Từ ngữ, chơi chữ, và « biết hay không biết » 15 Chương 3: Thương nhân và ảnh hưởng 25 Chương 4: Về một bài báo mang tên « Giảm khinh » 56 Chương 5: Về sắc đẹp phụ nữ và chuyện tình 71 Chương 6: Đọc sách và điểm sách 82 Chương 7: Lại chuyện Giáo dục Đào tạo 120 Về tác giả:: Sinh năm 1934, du học ở Pháp (1950), rồi định cư ở Pháp. Tiến sĩ nhà nước về khoa học, ngành Toán. (Docteur d’Etat ès sciences mathématiques), Paris 1962. Nghiên cứu viên tại Direction des Etudes et Recherches de l'EDF (1959-1963). Giáo sư đại học (Lille 1963-1969, Paris 1969-2003). 2
- Nghỉ hưu 2003. Bùi Trọng Liễu là tác giả của 4 cuốn sách đã xuât bản ở Việt Nam: - "Tự sự của người xa quê hương” (tên cũ là “Chuyện gia đình và ngoài đời”) , nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004. - "Chung quanh việc Học", nxb Thanh niên 2004. - “Học gần, Học xa” , nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2005. Hai cuốn sách sau do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb Tổng hợp tp HCM tái bản dưới đầu đề “Học gần, Học xa” 2006. - "Học Một Sàng Khôn", nxb Tri thức Hà Nội 2007. Một cuốn sách thứ 5, chưa xuất bản, là một "tạp ký bỏ ngỏ: "Hướng về quê cũ lúc chiều tà" gồm các bài báo gần đây của tác giả đã đăng trên báo. 3
- Lời nói đầu Tôi vốn là một nhà giáo. Thuở trẻ thì đi học ; lúc vào đời thì dạy học. Nhưng dạy học thì cũng vẫn luôn luôn phải học, học để trau dồi nghề nghiệp, nhưng cũng học để hiểu biết thêm thế giới chung quanh mình, vì mọi sự hiểu biết đều có liên quan. Trong bốn mươi năm hành nghề giáo sư đại học ở Pháp trong khuôn khổ chuyên môn của mình, tôi chăm chú chắt lọc, thu gọn những hiểu biết tích lũy của thiên hạ và những tìm tòi suy ngẫm của chính mình, tìm những cái mà mình cho là tinh túy để ghi thành những bài giảng, để chuyển giao cho những sinh viên của mình. Tôi vẫn nghĩ rằng đó là cách tiết kiệm thời giờ nhất, có hiệu quả nhất, để chuyển giao kiến thức cho những người theo học, dù ở bất cứ cấp bậc nào, dù là ở năm đầu đại học hay ở cấp nghiên cứu sinh ; thu gọn thì giờ cho họ, để họ có thời gian suy ngẫm tự tìm hiểu thêm những điều cần biết và muốn biết. Đó là trong khung cảnh nghề nghiệp của tôi. Như đã nói trên, ngoài đời, tôi cũng có nhiều điều phải học hỏi, về lịch sử, về văn hóa, về học thuật, về cách ứng xử, vv. Học hỏi đây, không chỉ qua việc đọc sách, đọc báo, đọc tin, tìm tài liệu, mà còn qua những trao đổi với những người khác, điều gì biết được thì nhớ lấy, điều chưa tỏ thì hỏi những người đã biết. Những sự tích lũy đó, mà tôi đã « học gần, học xa », tôi không muốn bỏ phí. Từ hơn một năm nay nghỉ hưu, tôi chẳng còn bổn phận phải chuyển giao hiểu biết cho ai nữa ; nhưng cái ý tiết kiệm thời giờ cho người khác vẫn còn đó ; vì thế nên tôi muốn ghi chép lại một số điều đã tích lũy, để « tặng » những ai muốn đọc, muốn biết, hoặc muốn giải trí trong lúc thư nhàn.. Sự hiểu biết là vô tận, ai mà biết hết được những điều muốn biết ! Mục tiêu cuốn sách này rất là khiêm tốn : ghi chép lại một số điều đã thu thập được về những chuyện đông, tây, kim, cổ, dưới dạng trao đổi không « hàn lâm », với cách viết bình dị nhất. Tự tôi không thể biết xếp cuốn sách này vào thể loại nào, tạp sử trá hình ? tạp luận ? tùy bút ?… Hình như từ « tạp » trong tiếng Việt Nam ta là một từ không biểu hiện sự « sang trọng », thuần túy, « phải đạo ». Nhưng lấy gì để chỉ một tập hợp của nhiều đề tài, nhiều vấn đề khác nhau, tuy có một dây liên lạc, dù mỏng manh, nối chúng với nhau ? Từ chuyện thương nhân buôn vua như Lã Bất Vi, tới Tần Thủy hoàng, dứt nền phong kiến phương đông, qua Lữ hậu giết Hàn Tín, sang đến truyền thuyết hậu duệ là họ Vi, tàn dư phong kiến ở nước ta và đức độ của cụ Hồ, cũng có chút mối liên quan. Thương nhân phương Tây với dòng họ Medici, và dây mơ rễ má tới các giáo hoàng của giáo hội La-mã, tới vua chúa, tới mấy nhà văn Pháp, cũng thế. Chơi chữ, đọc sách và điểm sách, ông Hồ Tông Thốc và giấc mơ ở đền Hạng vương, cô đào Nicole Kidman và cuốn phim ma tưởng mình là người, Trang Sinh mơ mình là bướm hay bướm mơ mình là Trang Sinh, mê lộ, vv.và vv., việc học hành, lẽ ra thế này sao lại thế kia, đáng lẽ phải vậy mà hóa ra không phải vậy. Linh tinh như thế, không dùng chữ « tạp » thì dùng chữ gì ? Hay nó cũng như thương nhân, hạng chót của bậc thang xã hội ta thuở xưa, sao lại thịnh như vậy trong xã hội khác ? Nhưng tôi là người « bất cơ », nếu dùng theo nghĩa của Tư Mã Thiên , nghĩa là không biết buộc mình theo tập tục, mà vượt ra ngoài lề thói. 4
- Viết sách, tôi mới nhận thấy những khó khăn khi ghi tên người, hoặc địa danh nước ngoài, nhất là tiếng ta hình như chưa định chuẩn thống nhất. Ghi bằng tự dạng nước gốc, thì tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể làm được (như chữ Hán, chữ A-rập, …) , phiên âm từ cách phát âm bản xứ cũng thế ; rồi viết có gạch nối hay không, vv. Có lẽ tên ta hoặc tên Tàu, vì do ngôn ngữ đơn tiết, tôi sẽ viết không gạch nối. Còn tên thuộc ngôn ngữ khác, khi phiên âm, tôi đành để gạch nối, với chữ hoa khởi đầu, chứ không dùng chữ hoa sau gạch nối. Nhưng tên người Mông Cổ, lúc chưa Hán hóa thì viết thế nào, lúc đã Hán hóa và vào Trung quốc rồi thì viết thế nào ? Lại còn khó khăn khác. Xin đơn cử vài thí dụ : tên gọi các giáo hoàng, ghi theo âm quốc tịch gốc của các vị, hay theo tên ghi bằng tiếng La-tinh ? Lại như cái tên của nhà thám hiểm Kha-luân-bố (sinh năm 1450 hay 1451 không rõ, mất năm 1506). Ông ta vốn sinh ra ở Genova (nay thuộc Ý), tên lúc sinh ra là Cristoforo Colombo, rồi tiếng Bồ-đào-nha (nơi mà ông ta sinh sống nhiều năm và cố thuyết phục nhưng không thành công vua nước này giúp cho ông ta thực hiện đề án thám hiểm) gọi ông ta là Cristóvão Colombo ; tiếng Tây-ban-nha (nơi mà ông ta thuyết phục được vua Fernando II và hoàng hậu Isabel la Catolica đỡ đầu và trao sứ mạng thám hiểm cho ông ta) thì gọi ông ta là Cristóval Colón (xứ Castillan) hay là Cristofor Colom (xứ Catalan) ; người Pháp gọi là Christophe Colomb ; tiếng La-tinh viết là Christophorus Colombus ; tiếng Anh là Christopher Columbus ; tiếng Đức là Christoph Kolumbus ; tiếng Hà-lan là Christoffel Columbus, tiếng Thụy-điển là Kristoffer Kolumbus ; những người thủy thủ xứ Breton (Pháp) thì gọi ông ta là Kristol Goulm, vv. Còn ta thuở xưa, theo tự dạng chữ Hán của người Tàu phiên âm theo cách đọc của họ, rồi đọc theo kiểu đọc chữ Nho của ta thành Kha-luân-bố. Biết viết thế nào cho hợp ? Rốt cục, tôi đánh cố gắng tùy trường hợp, ghi bằng cách nào mà tự mình cho là phù hợp hơn cả, mặc dù tôi sống ở Pháp, quen với cách phát âm của người Pháp, nên có phần thiên vị ngả về tiếng Pháp hơn. Mong người đọc thông cảm và khoan dung. Tôi có lời cám ơn các anh chị ĐT, NT, KV, QV, ĐVN nói riêng và DĐF nói chung, đã trực tiếp hay gián tiếp cho tôi một số thông tin về những sự việc, điển tích hay cách dùng từ ngữ. Viết sách mà có được người đọc, là một sự may mắn ; còn khen hay chê là điều mà tác giả, như tôi, phải biết sẵn sàng đón nhận . Paris, tháng 3, 2005 Bùi Trọng Liễu 5
- Chương 1 Tạp đàm với Y. Nhưng Y là ai ? Y là ai ? Y là tên húy hay là đại từ ngôi thứ ba? Gọi Y là « y » hay gọi Y là « hắn »? Mà viết Y với chữ hoa, hay viết y với chữ thường ? Thuở nhỏ, khi còn ở Việt Nam, y ngủ hay bị « bóng đè ». Nghĩa là khi giở tỉnh giở mê, muốn thức dậy mà không được, tựa như có cái « bóng » nó đè xuống làm ngạt, phải cố vùng vẫy, đụng đậy được cái tay hay bàn chân, rồi mới thoát để tỉnh dậy. Hình như một thời, đã có những người cựu « thuyền nhân » định cư ở nước ngoài tự nhiên chết vì bóng đè. Thế rồi một đêm mộng mị, y mơ thấy mình thoát xác, hồn bay lên cao nhìn thấy xác y còn đang nằm đó, cũng như chính y đang nhìn người khác. Tỉnh dậy, y nghĩ : nếu vậy, có lẽ mình nhìn mình cũng không khác gì lắm khi mình nhìn người khác. Y lại nhớ chuyện Trang Sinh thuở xưa mơ mình hóa bướm ; khi tỉnh dậy thì tự hỏi rằng đúng vậy hay là mình đang là bướm mơ mình là Trang Sinh (Sách Nam Hoa kinh, thiên Tề vật luận). Y lại liên tưởng đến cuốn phim « Những kẻ khác » của Alejandro Amenabar, với nữ diễn viên Nicole Kidman trong vai một người phụ nữ trẻ sinh đẹp, góa chồng, cố sống và nuôi dạy hai đứa con nhỏ của mình trong một tòa nhà hẻo lánh. Nhà có ma ? Cháu gái bé kể cho em trai nghe thỉnh thoảng về đêm thấy một bé trai xuất hiện … Rốt cuộc, chính ba mẹ con này không ngờ mình đã là ma, và chính những kẻ mà họ tưởng là ma lại là những người đang sống, đến ở thử tòa nhà này mà họ đang dạm mua. Mờ mờ ảo ảo. Cũng như y tự hỏi y là Y, hay y là người khác ? Rồi lại có câu chuyện « Mê lộ», xưa và nay, thật và giả. Nhắc lại sự tích mê lộ mà nhiều người đã biết. Ngày xửa ngày xưa, ở phương Tây, theo huyền thoại Hy-lạp, con trai vua Egée (Ê-giê) là chàng dũng sĩ hào hiệp Thésée (Tê-dê), tình nguyện đi giết con quái Minotaure (Mi-nô-to) ưa ăn thịt người, để tránh họa cho các thanh thiếu niên bị dâng làm vật hy sinh, mà vua Egée phải cung đốn hằng năm, để trả một món nợ cho vua Minos, chúa đảo có con quái đó. Con quái này sống trong một hang sâu, mà đường vào là một công trình kiến trúc kỳ dị mang tên là « Mê lộ » (Labyrinthe), do một kiến trúc sư tên là Dédale (Đê-đa-lơ) xây cất. Ai theo con đường này vào, thì lạc không biết lối ra. (Do đó, ngày nay trong tiếng Pháp, tên labyrinthe và dédale đã trở thành danh từ chung mang nghĩa mê lộ, đường đi quanh co rắc rối). Ariane (A-ri-an), con gái chúa đảo, phải lòng mê Thésée, bày kế cho chàng hiệp sĩ này, khi lọt vào Mê lộ rồi, có thể tìm được cách ra : đó là kéo theo một sợi dây mà nàng ta cầm một đầu và đứng đợi ở cửa hang, trong khi chàng đi đến đâu thì cứ thả chùng dây đến đó, để rồi khi trở ra thì cứ lần theo dây đó mà ra. (Sợi dây đó sau này được gọi là « sợi dây Ariane » trong điển tích văn học). Nhờ có sợi dây đó mà, sau khi giết được con quái, Thésée tìm được đường ra khỏi Mê lộ (1) . Ở phương Tây, Mê lộ không 6
- những đã khởi hứng cho nhiều nhà văn nhà thơ, mà cho cả những nhà kiến trúc nữa. Đặc biệt, xin kể đến các Mê lộ của 3 nhà thờ Amiens, Reims và Chartres, là ba nhà thờ có tiếng của Pháp (2) . Mê lộ của nhà thờ Amiens (thế kỉ 13) là một hình bát giác lát bằng đá trên nền nhà thờ, «vẽ» theo một nét như một sợi dây liên tục dài 234m; hình bát giác này gần như cân đối, nét vẽ quanh co làm hiện lên, ở trung tâm, một cái thánh giá mà bốn đầu chỉ bốn phương. Mê lộ của nhà thờ Chartres (cũng thế kỉ thứ 13) là một hình tròn lát bằng đá trên nền nhà thờ, «vẽ» theo một nét như một sợi dây liên tục dài 261m50. Mê lộ của nhà thờ Reims là một hình vuông mỗi chiều là 10m36 lát bằng đá trên nền nhà thờ, mỗi góc «cắm vào » một hình bát giác, bốn bát giác đóng khung hình của bốn ông kiến trúc sư xây dựng nhà thờ này. Vấn đề ở đây là : cả ba Mê lộ này đều được «vẽ » theo một nét liên tục như sợi dây Ariane; như vậy thì tuy quanh co nhưng không thể «lạc », trong khi theo truyền thuyết thì Mê lộ quanh co mắc míu khó ra, chủ ý làm cho người ta bị lạc. Vậy thì đó là Mê lộ « giả » hay Mê lộ «thật »? Câu hỏi này, y đặt cho tôi khi y ngắm hai bức tranh gỗ tôi vẽ : một bức vẽ tặng vợ tôi, thể hiện câu Kiều lẩy « Mấy mươi năm ấy biết bao nhiêu tình » và bức tranh thưởng cho cháu tôi khi cháu mới biết đọc, thể hiện câu Kiều lẩy « Đầu lòng một ả tố nga ». Cả hai bức đều là những chữ Nôm tôi viết theo thể chữ triện, cho nên các cháu nhỏ gọi đùa là Mê lộ, nhưng tất nhiên những nét vẽ ở đây không liên tục một chặng như sợi dây Ariane, và cũng không chủ ý làm lạc lối ai. Vậy thì Mê lộ đây tất là Mê lộ « giả » rồi. Vậy là có « giả » mà cũng có « thật ». Rồi ngày nay, ở Pháp, Mê lộ cũng là thời thượng của mấy nhà nông chế biến ra : vào mùa hè, một số nhà nông trồng những bụi cây, sắp xếp chúng theo những hàng rào Mê lộ trên những thửa vườn rộng rãi, để du khách dạo chơi. Cũng là một thú vui giải trí lành mạnh, thanh tao. Đời Đường bên Tàu cũng có chuyện « Giấc mộng kê vàng »: Lư Sinh đi thi không đỗ, chán nản trở về quê. Trên đường, ghé vào quán trọ, thấy ông già chủ quán (một đạo sĩ) đang nấu một nồi kê. Chàng mệt mỏi ngủ thiếp đi, mơ thấy mình thi đỗ, lấy vợ đẹp, làm quan to, hiển vinh, nhưng rồi bị họa. Chợt vùng tỉnh dậy, thấy nồi kê của chủ quán còn chưa chín. Một cách diễn tả cảnh phù du của cõi đời. Rồi lại có chuyện ông Hồ Tông Thốc. Theo cuốn Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (xem bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, nxb Văn học 1971), ông là sứ thần nước ta cuối đời Trần, đi sứ sang Trung quốc. Ông là người thích mỉa mai châm biếm. Trên đường, qua đền thờ Hạng vương (3) , ông ghé thăm, làm một bài thơ tỏ vẻ chế giễu hành động của vương khi còn sống . Rồi trở về nhà trọ, uống rượu say nằm ngủ. Chợt thấy có người đến, nói có đức vua mời ông lại chơi nói chuyện. Ông vội mặc áo, theo người đó đến một nơi cung điện, đã thấy Hạng vương ngồi chờ, mời ông cùng ngồi. Hạng vương hỏi sao lúc ban ngày ông làm bài thơ mỉa mai dữ vậy, rồi phân tích từng điều để giải thích. Ông Hồ Tông Thốc đáp lại từng điều, đưa những lý do của mình. Đến một lúc Hạng vương « tắc họng », không đáp được, mặt tái như tro nguội, thì có vị lão thần là Phạm Tăng tiến lên đỡ lời, phân trần phải trái một hồi, làm cho ông Hồ Tông Thốc rốt cục cũng phải gật đầu coi là có lý. Trà cạn, canh tàn, ông từ giã xin về, Hạng vương tiễn ra đến cửa, trời đã rạng sáng, ông chợt vùng thức dậy, té ra chỉ là một giấc mơ. Ông bèn mua rượu bày một lễ cúng trước khi rời khỏi nơi đó. Ông Hồ Tông Thốc vốn là người có thật (4) , nhưng câu chuyện ông mơ ở đền Hạng vương thì ai mà biết thực hư thế nào! Có lẽ cũng là một cách ông nói mà không muốn nhận là chính ông nói, vậy thôi. Thêm vào đó, câu chuyện do ông Nguyễn Dữ 7
- (5) kể, ông có viện cớ câu chuyện ông Hồ Tông Thốc để gửi gắm tâm sự của mình vào đó không, cho nên lại càng mơ mơ ảo ảo. Khi đề cập đến mấy chuyện trên, y muốn nói là thật giả khó lường. Mê mê tỉnh tỉnh. Rồi có lúc trong cơn mê, có khi y lại ngỡ y có thể là ai ai đó. Nhưng điều này chắc gì đã đúng. Y là « một » hay y là « nhiều »? Thôi, xét cho cùng, cái đó cũng không quan trọng. Cái đáng chú ý là y lại có nhiều điều muốn kể, muốn luận bàn. Rồi y rủ tôi cùng trao đổi; rồi y muốn tôi viết ra. Cũng được. Nhưng tôi mất công ghi chép, thì tôi cũng muốn được nhận phần « hơn » : những gì ôn tồn, nghiêm chỉnh, thanh tú, thì tôi nhận phần tôi ; những gì thô bạo, ngang ngược, chướng tai thì y phải nhận. Và y đồng ý. Nào, mời bạn đọc nghe y và tôi tạp luận. __________ Chú thích : (1) Câu chuyện không chỉ có vậy : Sau khi giết xong con quái Minotaure, và nhờ sợi dây Ariane, chàng Thésée thoát ra khỏi Mê lộ. Nàng Ariane mê chàng nên bỏ đảo, theo chàng lên thuyền. Trên đường trở về nước, để tránh bão, thuyền ghé vào một đảo hoang để tạm trú. Mọi người mỏi mệt, lên bộ nghỉ ngơi. Ariane ngủ quên, lúc tỉnh dậy thì thuyền đã đi mất hút : chàng Thésée tệ bạc đã bỏ rơi nàng. Nàng chơ vơ, khóc lóc, than vãn ; may sao có thần Dionysos (người La-mã gọi là Bacchus, thần Mùa màng và Rượu) bay qua đó, thấy nàng xinh đẹp, bèn ghé lại hỏi thăm. Đôi bên chuyện trò, cảm thấy vừa ý, bèn lấy nhau. Thế là nàng Ariane vừa mất một người tình bạc, lại vớ được ông chồng sộp ! Còn chàng Thésée trên đường về cũng còn có chuyện. Vốn là khi ra đi, trước khi chàng cùng đám thủy thủ lên thuyền, vua cha có dặn người hoa tiêu rằng : « Nếu con ta giết được con quái trở về bình yên, thì thuyền phải kéo buồm trắng báo hiệu ; còn nếu con ta bị con quái ăn thịt, thì cứ để buồm đen như lúc ra đi ». Lúc trở về, mọi người mừng thoát nạn, ai nấy đều quên lời dặn, cả người hoa tiêu cũng quên. Lúc thuyền trở về, xuất hiện ở chân trời, vua Egée trông thấy buồm đen ngỡ con mình đã chết, buồn bã đau đớn, bèn đâm đầu xuống biển tự tử. Từ thuở ấy, biển đó mang tên là biển Egée (tức là một phần của Địa Trung hải ngày nay). Nhưng nguồn gốc câu chuyện thần thoại Hy-lạp này còn ly kỳ phức tạp quái gở hơn nữa. Khởi thủy là Poseidon (Pô-dê-i-đông), thần Biển, tặng cho vua Minos một con bò đực để vua này làm lễ tế mình (thần Poseidon), nhưng vua này thấy con bò này đẹp quá, nên giữ lại không giết để làm lễ tế. Poseidon giận, muốn trả thù, mới làm phù phép để cho hoàng hậu Pasiphaé (Pa-xi-pha- ê) vợ vua Minos trở thành mê con bò đực này. Để bà này có thể giao hoan được với con bò đực, kiến trúc sư Dédale mới làm một cái hình con bò cái rỗng để bà Pasiphaé có thể nằm trong đó. 8
- Con bò đực thấy bò cái, tưởng lầm nên mới giao hoan được với bà hoàng. Bà này thụ tinh con bò, mới đẻ ra con quái Minotaure nửa bò nửa người, thích ăn thịt người như đã kể trên. Để giấu con quái Minotaure này, vua Minos mới sai Dédale xây cái Mê lộ để giấu kín con quái trong đó. Như vậy là nàng Ariane là chị em cùng mẹ khác cha với con quái, và nhờ sự chỉ dẫn của Dédale, mới biết bí quyết để giúp cho Thésée ra khỏi được Mê lộ. Sau khi Thésée trốn thoát rồi, vua Minos giận việc Dédale tiết lộ bí mật, mới giam ông này và con trai ông ta là Icare (I-ca). Để trốn thoát ra, Dédale mới chế ra cách dùng lông chim và sáp dính lại thành bộ cánh chim gắn vào hai cánh tay Icare, để chàng này cõng bố bay lên không trốn ra khỏi nơi giam. Dédale dặn con đừng bay thấp quá vì sợ hơi nuớc biển bốc lên làm ướt cánh, nhưng cũng đừng bay cao quá , sợ sức nóng của mặt trời làm chảy sáp gắn lông cánh. Nhưng tới một lúc Icare bay cao quá, sáp chảy ra, hai bố con lăn tòm xuống biển, Icare chết đuối. Bố vớt thây con đem chôn ở một cái đảo, nay là cái đảo Icara ở Hy-lạp, mang dấu tích tên Icare. Nhưng ở đây cũng không chỉ vì chuyện thần thoại Hy-lạp quái gở mà tôi kể ra, mà còn liên quan một chút đến ngày nay . Trên kênh France 5-Arte của đài truyền hình Pháp tối 26-2-2005, có chiếu một cuốn phim thời sự mang tên « Những ngày cuối cùng của thành phố Zeugma », kể lại câu chuyện xây cái đập Birecik ở Thổ-nhĩ-kì. Nhân đào bới xây đập, người ta phát hiện ra duới lòng đất một ngôi thành cổ xây bằng đá đã có từ khoảng hai nghìn năm trước đây, với nhà cửa phố xá, hệ thống cống rãnh rất tinh vi, vv., và nhất là trong một dinh thự, nền nhà được lát bằng những bức tranh ghép mảnh (mosaïques), tất cả khoảng 15 bức, tổng cộng đến hàng trăm mét vuông, còn nguyên vẹn, màu sắc và hình thể thật là đẹp, diễn lại tích Pasiphaé, Ariane, Dédale, vv. kể trên… Trong năm năm làm việc khẩn cấp các nhà khảo cổ Thổ-nhĩ-kì và Pháp đã cố cứu những gì có thể cứu được, trước khi nước của đập làm ngập hết những di tích nằm trong lòng đất đã hai nghìn năm nay. Người xem như tôi tất cảm thấy một niềm khâm phục đối với kiến trúc và nghệ thuật của người thời đó. (2) Ba cái nhà thờ lớn này là ba nhà thờ cổ có danh của nước Pháp, hiện còn tồn tại. Đó là ba cái nhà thờ trong 88 cái xây ở thế kỉ 13 ở Pháp. Nhà thờ Reims xây trên nền của hai nhà thờ cũ (cái cũ nhất có từ năm 401 và là nơi tấn tôn (khoảng năm 498) của Clovis vua « Pháp » đầu tiên theo đạo Ki-tô. Nhà thờ Reims hiện nay bắt đầu xây vào năm 1211, tạm xong vào năm 1275 và tiếp tục được sửa sang thêm. Tất cả có 25 vua làm lễ đăng quang ở nhà thờ này. Mê lộ trong nhà thờ này khởi lát năm 1286, bị hủy năm 1779. Nhà thờ Amiens (cao 112,70 m kể cả đỉnh tháp) bắt đầu xây năm 1220, đến năm 1269 thì tạm xong khung ngoài ; Mê lộ của nó khởi công năm 1288. Nhà thờ Chartres (cao 115 m kể cả đỉnh tháp), khởi công xây năm 1194 et tạm xong năm 1223 (trên nền một nhà thờ cổ thế kỉ 4). ( 3) Hạng vương đây là Hạng Vũ, thời cổ Trung quốc, tương truyền có sức khỏe tuyệt luân. Nhắc cái bài thơ « Nói khoác » : Ta con ông trạng cháu ông nghè, Nói khoác trên trời dưới đất nghe. 9
- Sức khỏe Hạng vương cho một đấm. Cờ cao Đế thích chấp đôi xe. Nhẩy ùm xuống biển lôi tàu lại. Chạy tót lên non bắt cọp về. Thuở nọ vào chơi trong Thủy phủ, Ba nghìn công chúa phải lòng mê. Cái câu thứ ba chính là chỉ ông Hạng vương này. Còn Đế Thích là ông tiên cao cờ.. Sau khi Tần Thủy hoàng chết, người con thứ là Hồ Hợi theo mưu kế của hoạn quan Triệu Cao, bức tử người anh là thái tử Phù Tô, rồi lên ngôi tức là Tần Nhị Thế. Vì chính sách nhà Tần quá khắc nghiệt, dân chúng oán hận. Khoảng năm 209 trước Công nguyên, Hạng Vũ (Sở) và Lưu Bang (người đất Bái, sau là Hán vương) khởi binh, diệt được nhà Tần. Tiếp đó, Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ thua tự tử chết, Lưu Bang thống nhất nước Tàu, lên ngôi tức là vua Cao Tổ nhà Hán. Trong truyện, bài thơ của Hồ Tông Thốc viết bằng chữ Hán, phiên âm như sau : Bách nhị sơn hà khởi chiến phong, Huề tương tử đệ nhập Quan Trung, Yên tiêu Hàm Cốc châu cung lãnh, Tuyết tán Hồng môn ngọc đẩu không. Nhất bại hữu thiên vong Trạch tả, Trùng lai vô địa đáo Giang Đông. Kinh doanh ngũ tải thành hà sự ? Tiêu đắc khu khu táng Lỗ Công. Trúc Khê trong bản dịch sách đã dẫn trên, có dịch bài đó thơ như sau : Non nước trăm hai nổi bụi hồng, Đem đoàn đệ tử đến Quan Trung. Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh, Tuyết rã Hồng Môn đấu ngọc không . 10
- Thua chạy giời xui đường Trạch tả, Quay về đất lấp nẻo Giang Đông. Năm năm lăn lộn hoài công cốc, Còn được vùi trong mả Lỗ Công. Và ông có chú thích rõ ràng các điển tích dùng trong bài thơ để người đọc có thể hiểu nội dung : Nhà Tần đóng đô ở Quan Trung là nới hiểm cố, chỉ hai người ở trong có thể chống được với trăm người ở ngoài, vì thế nên mới gọi là « non nước trăm hai ». Câu thơ thứ ba chỉ việc Hạng Vũ đốt cung A Phòng nhà Tần. Câu thứ tư chỉ bữa tiệc ở Hồng Môn, Phặm Tăng khuyên Hạng Vũ giết Lưu Bang, Hạng Vũ không nghe, Phạm Tăng giận chém vỡ cái đấu ngọc của Trương Lương, mưu sĩ của Lưu Bang biếu. Câu thứ năm chỉ việc Hạng Vũ thua chạy đến một nơi không biết đường, hỏi thăm một ông già làm ruộng ; ông này đánh lừa bảo đi theo phía bên tả, rồi mắc kẹt vào một cái đầm (trạch) không chạy thoát được. Câu thứ sáu chỉ việc Hạng Vũ chạy đến sông Ô, người lái thuyền khuyên nên qua sông trở về Giang Đông rồi sau này sẽ tính chuyện phục thù, nhưng Hạng Vũ không nghe, tự tử. Câu thứ tám kể việc khi Hạng Vũ chết rồi, Lưu Bang lấy lễ chôn Hạng Vũ theo tước công nước Lỗ, tiếng là tử tế, nhưng thực ra cũng là mỉa mai vì lúc sống Hạng Vũ đã từng xưng là Sở Bá vương đứng trên các chư hầu kể cả Lưu Bang. (Một số chi tiết sẽ nói dưới đây). Nói tóm, bài thơ nêu những điều lầm lẫn của Hạng Vũ ; rồi khi đối đáp với Hạng Vương trong giấc mơ, ông Hồ Tông Thốc còn nêu một số điều nữa, nhắc đến những tàn bạo của Hạng vương và ngụ ý cho rằng do đó mà thua Hán. Hạng vương và Phạm Tăng trong giấc mơ thì cãi lại cho rằng thắng thua là số phận tại trời, và nêu những cái xấu của Hán, để dẫn chứng. Những điều trách Hạng Vũ đại loại như sau : (a) Thuở còn giao tranh, trong bữa tiệc Hồng Môn, Phạm Tăng xui Hạng Vũ giết Lưu Bang, nhưng Vũ không nghe, để Bang thoát về. (b) Tần Nhị Thế chết rồi, Tử Anh nối ngôi là Tần Tam Thế, không phải là người ác, đã đầu hàng mà Hạng Vũ còn giết. (c) Hạng Vũ đốt cung A Phòng tráng lệ của nhà Tần là phí phạm vô ích. (d) Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ đóng đô ở Quan Trung là lời khuyên đúng, Vũ không nghe, Hàn Sinh nói lén, Hạng Vũ đem nấu cho chết trong vạc dầu, vv. Những điều chê Lưu Bang thì đại loại như sau : (e) Thuở còn giao tranh, Hạng Vũ bắt được cha Lưu Bang mang ra trước trận để làm áp lực với Lưu Bang, thì Lưu Bang giả say bảo « Cha ta cũng như cha mày, nếu mày nấu cha ta thì chia cho ta một bát nước suýt ». (Sau Hạng Vũ thả cha Lưu Bang cho về). (g) Khi Lưu Bang lên ngôi (Hán Cao Tổ) rồi, yêu vợ lẽ là Thích Cơ, muốn cho con nhỏ là Như Ý nối ngôi, mà không thực hiện được, để đến nỗi khi Lưu Bang chết rồi, vợ cả là Lữ hậu đổ thuốc độc giết Như Ý mặc dù có sự che chở của vua Hiếu Huệ đế (con của Lữ hậu). Rồi Lữ hậu báo thù Thích Cơ bằng cách chặt cụt chân tay, móc mù hai mắt, đốt tai cho điếc, đổ thuốc cho câm, vứt vào nhà xí gọi là « con lợn người », vv. (Những việc này có kể trong Sử ký của Tư Mã Thiên). Nhân đây, kể kỹ hơn một chút, chuyện của Lưu Bang và những việc làm của Lữ hậu vì có liên quan đến việc kể ở những phần sau : 11
- Lưu Bang vốn gốc gác là thường dân ở đất Bái , sau làm đình trưởng (cai quản một « đình », tức là một đơn vị gồm mười làng), lấy vợ họ Lữ (sau này là Lữ hậu) có một con trai và một con gái với bà này (sau này là vua Hiếu Huệ và công chúa Lỗ Nguyên). Đời nhà Tần, vì chức vụ đình trưởng, Lưu Bang có nhiệm vụ đưa những người bị tội đi đày đến Lịch Sơn ; giữa đường nhiều người bỏ trốn. Theo pháp lệnh nhà Tần, nếu để người trốn, thì người trách nhiệm bị tội chết. Lưu Bang mới họp những người chưa trốn, thả họ và khuyên họ trốn đi, còn mình cũng phải trốn luôn ; có một số người tình nguyện theo. Năm thứ nhất đời Tần Nhị Thế (209 trước Tây lịch), hào kiệt nhiều nơi nổi lên chống nhà Tần, Lưu Bang khởi nghĩa ở đất Bái, nên gọi là Bái công. Lúc đó các thế lực khởi nghĩa tạm tôn một người làm vua, tức là Hoài vương. Quân Tần lúc đó còn mạnh, đánh nhau lúc được lúc thua. Hoài vương mới giao ước rằng ai đánh chiếm được đất Quan Trung trước, thì làm vua nơi đó. Các tướng không ai xem việc đánh Quan Trung là có lợi cho mình, nên không mặn mà, chỉ có Hạng Vũ và Lưu Bang là chịu đi, nhưng Hạng Vũ vốn bị tiếng là tàn ác hay giết, nên bị gạt ra. Sau nhiều gian nan, Lưu Bang mang quân chiếm được Quan Trung. Đó là vào năm 207 trước Công nguyên. Lúc đó Tần Nhị Thế đã chết, Tần Tử Anh làm vua mới được bốn mươi sáu ngày thì đầu hàng Lưu Bang. Lưu Bang tỏ ra rộng lượng không giết, vào kinh đô Hàm Dương niêm phong kho tàng, bỏ pháp luật khắc nghiệt nhà Tần, vỗ về dân chúng, không vào ở trong cung A Phòng (là cung tráng lệ nhà Tần) để hưởng lạc, nên rất được lòng dân. Có người khuyên Lưu Bang rằng đất Tần là đất giàu có, nếu để quân các chư hầu kéo vào thì đất này sẽ không thuộc phần mình nữa, vậy nên sai quân sĩ giữ cửa ải Hàm Cốc không cho họ vào. Tháng sau, Hạng Vũ thống lĩnh quân chư hầu đến nơi, bị chặn ở cửa Hàm Cốc, không vào được. Hạng Vũ nổi giận muốn đánh ; quân Hạng Vũ bốn mươi vạn, quân Lưu Bang mười vạn, liệu chống không nổi, mới nghe theo kế, xin đến gặp Hạng Vũ ở Hồng Môn, dùng lời lẽ khéo léo ngụy biện để xin hòa. Phạm Tăng là quân sư của Hạng Vũ khuyên Hạng Vũ nhân bữa tiệc, bắt Lưu Bang giết đi để trừ hậu hoạn, nhưng Hạng Vũ không nghe, để Lưu Bang trốn thoát về. Đấy là cái tích Hồng Môn nói trên (a). Hạng Vũ đem quân vào Hàm Dương, sai giết Tần Tử Anh là vua Tần đã hàng mà trước đây Lưu Bang đã tha. Đó là cái tích (b). Lại sai nổi lửa đốt cung A Phòng và các cung điện khác, cháy ba tháng không hết ; đó là tích (c). Lúc bấy giờ có Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ nên đóng đô ở đất Quan Trung, là nơi « bốn phía có núi sông che chở, đất đai phì nhiêu, có thể đóng đô ở đấy để làm nên nghiệp bá ». Hạng Vũ không nghe, muốn đem quân trở về phía quê cũ đất Sở và đóng đô nơi khác. Hàn Sinh nói lén : « Người nước Sở giống như những con khỉ đội mũ người », ý nói con khỉ dù có đội mũ người thì chỉ chốc lát sẽ vứt mũ đi và bản tính của khỉ sẽ lộ ra. Hạng Vũ nghe thấy, nổi giận sai bắt bỏ vào vạc dầu mà nấu. Đó là tích (d). Thắng Tần rồi, Hạng Vũ xin mệnh lệnh của Hoài vương, ý muốn xúi ông ta bội ước không cho Lưu Bang làm vua đất Quan Trung, nhưng Hoài vương giữ lời ước cũ. Vì có binh quyền trong tay, Hạng Vũ giả tôn Hoài vương làm Nghĩa đế, nhưng không theo lệnh ông ta nữa, mà phong cho các tướng của mình làm vua các nước chư hầu, phong cho Lưu Bang đất Ba Thục ở tận cùng phía Tây. Lại sai người lén giết Nghĩa đế. Sau Hạng vương (Hạng Vũ) và Hán vương (Lưu Bang) đánh nhau giành đất, đó là thời Hán Sở tranh hùng. Hán vương có ba người giúp sức là 12
- Trương Lương làm quân sư, Tiêu Hà lo việc hậu cần, và Hàn Tín làm tướng cầm quân, có biệt tài, công lao rất lớn. Lúc đầu Hán vương thua, nhiều lần nguy khốn, có lúc cha và vợ đều bị Hạng vương bắt làm con tin để ép Hán vương hàng, nếu không sẽ nấu cha ; Hán vương không chịu, giả say nói câu « Cha ta cũng như cha mày, nếu mày nấu cha ta thì chia cho ta một bát nước suýt » như đã kể trên ; đó là cái tích (e). Năm 202 trước Công nguyên, Hán vương thắng Hạng vương (Hạng vương tự tử chết). Hán vương Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế, tức là vua Hán Cao Tổ. Lữ hậu là vợ cả của Hán Cao Tổ , từ thuở còn hàn vi. Sau Hán Cao Tổ yêu vợ thứ là Thích Cơ, có lúc muốn cho con trai Thích Cơ là Như Ý làm thái tử, nhưng Lữ hậu theo mưu của Trương Lương và nhờ được quần thần can ngăn nên việc không thành. Hán Cao Tổ chết, con trai của Lữ hậu nối ngôi tức là (Hiếu) Huệ đế, người hiền lành, nhân từ, yếu đuối. Trước đó, Hán Cao Tổ đã cẩn thận phong cho Như Ý làm vương ở đất Triệu. Nhưng khi Hán Cao Tổ chết rồi, Lữ hậu, nay là Lữ thái hậu giam Thích Cơ và triệu Như Ý về kinh. Huệ đế biết ý mẹ, nên thân hành đón Như Ý, rồi luôn luôn kèm bên cạnh để che chở, Lữ Thái hậu muốn giết Như Ý mà không có dịp. Năm 194 trước Công nguyên, một hôm Huệ đế đi săn buổi sớm, Như Ý còn nhỏ không dạy sớm đi theo. Lữ thái hậu cho người mang thuốc độc đến bắt uống, khi Hiếu Huệ đế đi săn về, thì Như Ý đã chết. Tiếp đó, Lữ thái hậu thực hiện việc báo thù Thích Cơ bằng cách chặt cụt chân tay, móc mù hai mắt, đốt tai cho điếc, đổ thuốc cho câm, vứt vào nhà xí gọi là « con lợn người », đến nỗi Hiếu Huệ đế khi biết được sự việc, đã khóc rống lên mà nói rằng « Việc đó không phải là việc của con người làm ». Đó là cái tích (g) đã nói trên. Lữ thái hậu là người cứng rắn, quyết đoán, củng cố quyền lực của mình bằng cách cất nhắc người thân và dòng họ Lữ của mình. Thí dụ như việc « vô hiệu hóa » công thần cũ của Hán Cao Tổ và dòng dõi họ Lưu, bổ nhiệm người tình của mình là Thẩm Tự Cơ làm tả thừa tướng, nhất là bắt Hiếu Huệ đế lấy cháu gái. Vốn Lữ thái hậu chỉ có hai người con : Lỗ Nguyên là chị và Hiếu Huệ là em trai. Lỗ Nguyên lấy chồng là Trương Ngao, đẻ ra một người con gái. Lữ thái hậu bắt Huệ Đế lấy người con gái này để củng cố uy thế của mình, nhưng bà này không có con ; Lữ thái hậu bắt bà ta phải giả bộ có mang, và chọn con người khác, giết mẹ đi, thay vào đó. Năm 191 trước Công nguyên, Huệ đế chết, người con này được Lữ thái hậu đưa lên làm vua, nhưng người này biết được mới nói rằng « Giết mẹ ta, sao lại gọi ta là con ; nay ta còn bé, sau này ta trưởng thành sẽ thay đổi ». Lữ thái hậu nghe được, sợ cho sau này, nên giam vua này ở trông cung, phao tin vua mắc bệnh nặng, mất trí, phế truất rồi giết đi, đưa người khác lên làm hoàng đế, sử gọi là Thiếu đế. Lữ thái hậu thường dặn tông tộc nhà mình chớ thả binh quyền vào tay người khác. Khi bà ta chết rồi, mấy người họ Lữ nghe xúi dại, hám giàu sang chức tước cao xa, thả binh quyền ; các cận thần cũ của Hán Cao Tổ mới đảo chính, giết hết họ hàng nhà Lữ, kể cả vua do Lữ thái hậu lập nên, và đưa một người con khác của Lưu Bang lên làm vua tức là Hán Văn đế. Lữ thái hậu cầm quyền tám năm, ám sát, giết người ghê gớm, cũng có thể là để uy hiếp tinh thần những đối thủ, nhưng những việc này chủ yếu là việc giành quyền lực cho họ Lữ trong cung đình. Còn ngoài dân gian thì thái bình, không bị khổ về chiến tranh, hình phạt ít dùng, dân yên lòng cày cấy, ăn no mặc đủ, cũng là chuyện lạ một thời. Nhắc lại chuyện Hàn Tín là người có kỳ tài, cầm quân rất giỏi , giúp Hán vương Lưu Bang lập được nhiều công lao, đã có lúc được phong vương đất Tề. Khi Hạng vương đã chết, Lưu Bang 13
- lên ngôi hoàng đế là Hán Cao Tổ, cũng có nhiều lần có chư hầu làm phản. Hàn Tín vì có tài nên luôn luôn bị Hán Cao Tổ nghi sợ, sau Hán Cao Tổ giả vờ đi tuần thú, lập mưu dụ Hán Tín lại chầu, rồi sai bắt, chở về kinh đô Lạc Dương. Nhưng không có chứng cớ nên được tha tội, cải phong làm Hoài Âm hầu. Năm 116 trước Công nguyên, người quen của Hán Tín là Trần Hy dấy binh làm phản ở Cự Lộc, Hán Cao Tổ thân chinh, Hán Tín cáo ốm không đi theo. Có người vu cáo (hay là được gợi ý vu cáo), Lữ thái hậu bàn với tướng quốc Tiêu Hà giả vờ có sứ giả từ chỗ vua sai về báo tin đã phá được Trần Hy. Các quan đều vào chầu mừng ; tướng quốc lừa khuyên Hán Tín : « Tuy ngài ốm, cũng nên cố gắng vào mừng ». Hán Tín vào, Lữ thái hậu sai võ sĩ bắt trói, đem chém và giết ba họ. Khi Hán Cao Tổ thực sự phá được Trần Hy trở về kinh đô, nghe tin Hàn Tín đã bị giết, nhà vua vừa mừng vừa thương. Mừng vì trừ được một người mình sợ, thương vì có công lao lớn mà bị giết oan ? Bà Lữ thái hậu này quả là người ghê gớm. Cũng còn một điều lạ : Tiêu Hà thuở trước là người thân với Hàn Tín, chính Tiêu Hà đã tiến cử Hàn Tín với Lưu Bang thuở còn tranh giành với Hạng Vũ, nay sao lại lừa Hàn Tín cho Lữ thái hậu bắt giết ? Quan hệ giữa Tiêu Hà và Hàn Tín sẽ được nhắc đến trong phần 3 sau đây khi nói về họ Vi. (4 ) Ông Hồ Tông Thốc là người thế kỉ 14, quê ở phủ Diễn Châu (nay thuộc Nghệ An) thi đỗ trạng nguyên vào khoảng những năm 1370-1372 gì đó, làm quan to cuối đời Trần, tác giả của Việt sử cương mục, Việt Nam thế chí, Thảo nhàn hiệu tần thi tập, Phú học chỉ nam, vv. (Theo cuốn Từ điển Văn hóa Việt Nam, nxb Văn hóa 1993). (5) Ông Nguyễn Dữ, người của thế kỷ 16, vốn là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ; ông có đi thi hội (?) và làm quan tri huyện ít lâu rồi cáo về (theo lời tựa của ông Bùi Kỷ, trong cuốn sách dịch đã dẫn trên). Ông sống dưới thời vua Mạc ; khi viết cuốn sách, ông có dụng ý gì để ám chỉ nhà Mạc chăng (cuốn sách Truyền kỳ mạn lục của ông tập hợp một số truyện ngắn, đặc biệt là hai truyện « Đối đáp của người tiều phu núi Na » và « Bữa tiệc đêm ở Đà giang », trong đó ông mượn lời nhân vật khác để công kích triều nhà Hồ, vì nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần). Còn ông thì đang sống dưới thời nhà Mạc, mà nhà Mạc thì lại cướp ngôi nhà Lê. 14
- Chương 2 Từ ngữ, chơi chữ và « biết hay không biết ». Y không phải là chuyên gia về từ ngữ, nhưng lại có ý kiến muốn phát biểu. Thế cũng là một thứ « múa rìu qua mắt thợ ». Y bảo : Tiếng Việt xưng hô thật phức tạp.Thuở xưa đã vậy mà ngày nay cũng vậy. Luôn luôn là thứ bậc. Trong gia đình thân, cha mẹ anh chị em ruột thịt đã đành, vì đã quá biết nhau. Chứ còn xa ra một chút là thấy khó. Còn đối với người lạ, thì thật là khó quá. Thí dụ xửa xưa : Với vua, chúa thì tâu Bệ hạ, Chúa thượng, Thượng đức, xưng tiện thần – thí dụ như cách xưng hô của Nguyễn Thiếp đối với Nguyễn Huệ, xem trong « La Sơn Phu tử » của Hoàng Xuân Hãn, nxb Minh Tân, 1952 – với quan văn thì bẩm tướng công, quan võ thì bẩm tướng quân, xưng tiện dân. Trong giới quan với nhau thì gọi người là các hạ, xưng mình là tại hạ ; quan trên với kẻ dưới thì xưng mình là bản chức… Phiền hà quá. Ngày nay lại càng phiền hơn. Thí dụ khi viết thì đại từ ngôi thứ ba, chữ Người viết hoa là tôn kính, chữ người không viết hoa thì là giễu cợt – thí dụ như trong cuốn « Chiều chiều », của ông Tô Hoài, nxb Hội Nhà văn, Hà Nội 1999, trang 164, cô bồ của ông Đ.Đ.H. nói : « Người khó tính lắm ạ. Đòi phải mua rau lấy người mới xơi được. Nhưng người khôn lắm, không đòi luộc lấy » – dùng đại từ ngôi thứ hai thì gọi các người theo kiểu xưa thì là khinh khi. Ngày nay lại còn sinh ra cái việc dùng chữ « Ngài ». Thôi thì nghi lễ triều đình, nghi lễ ngoại giao, vào dịp long trọng, còn có thể hiểu được. Chứ lạm dùng nghe thật là kỳ : có vị đại sứ khi gửi giấy mời chiêu đãi còn tự xưng mình là « Ngài » [« Ngài Đại sứ cạnh Cơ quan … xin có lời mời .. »]. Qua điện thoại, không biết người ở đầu dây là ai, giả thử như đoán được người đó là nam giới (nữ giới), thì gọi người ta là anh (chị), là ông (bà), là bác hay là cụ ? Gọi không đúng thì làm mích lòng người ta, hoặc người ta làm mích lòng mình. Lấy thí dụ tôi là kẻ trung niên gặp một vị lớn tuổi, tôi gọi bằng cụ, cụ gọi tôi bằng ông, thì có vẻ khách sáo ; tôi gọi cụ bằng bác, bác gọi tôi bằng anh thì bác sợ tôi cho là thiếu tôn trọng ; bác gọi tôi bằng chú thì tôi không ưa vì có vẻ thứ bực gia trưởng. Tôi : 15
- Trong bài « Tâm tình về cụ Hồ », trên tạp chí Xưa và Nay, số' tháng 6/2003, tác giả Trần Văn Giàu có kể như sau: [Cuối năm 1945, được gọi ra Hà Nội, ...]. Nhớ đời, phút đầu tiên, gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh (hôm đi Bắc bộ phủ), tôi được Cụ « chỉnh » cho một trận. Chủ tịch bắt tay tôi. Tôi nhanh miệng nói « Chào anh, anh mạnh giỏi » thì Chủ tịch vừa siết chặt tay tôi, vừa đưa một ngón tay lên môi, mỉm cười nói : « Nên nói chào Cụ nghe, đừng nói chào anh, có biết tại sao không? ». Tôi hiểu ngay; ỏ đây đông khách, xưng hô theo lối đồng chí trong nội bộ với nhau, là bất lịch sự. Y: Thuở ấy, 1945, 1946, tôi nghe nói ai cũng gọi cụ Hồ là cụ, trừ các nhi đồng mới gọi cụ bằng Bác, như bài hát : « Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng, … ». Hình như sau 1950, cách xưng hô bằng « Bác » mới phổ biến. Cũng có thể là mấy năm kháng chiến gần gụi với những người cộng tác, cách xưng hô « gia đình » dần dần cũng trở thành thói quen chăng (?). Rồi chữ « Bác » trở thành « Bác » viết hoa. Ông Cù Huy Cận trong bài trả lời phỏng vấn về cái vụ « ấn kiếm » hồi vua Bảo Đại thoái vị 1945 (nay tôi không nhớ xuất xứ) cũng kể rằng bắt đầu 1950 mới gọi Cụ bằng Bác. Trong cái thư Cụ viết hỏi thăm sức khỏe ông Tạ Quang Bửu đang ốm, đề tháng 5/1950, lúc đó đang kháng chiến chống Pháp, Cụ viết: « Chú Bửu. Hôm nọ gặp Hai (chú thích: Đại tướng Võ Nguyên Giáp), hỏi thăm chú. Mới biết chú đang mệt. Sao? Đủ cơm ăn thuốc uống chứ? Cần gì phải nói thật với Hai, hoặc hỏi B. (chú thích : Bác)… » (bút tích chụp lại trong tập hồi ký « Tạ Quang Bửu, nhà trí thức yêu nước và cách mạng », Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hà Nội 1996, và « GS Tạ Quang Bửu, con người và sự nghiệp » nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000). Nhưng cách xưng hô này với ông Bửu không phải là điển hình vì Cụ với ông Bửu là chỗ có quan hệ mật thiết (mẹ ông Bửu thuở xưa là chỗ thân với bà Thanh, chị Cụ Hồ). Thành ra ta cứ duy trì mãi quan hệ lích kích trên-dưới, quan-dân, sang-hèn, gần-xa, … Nghe nói người Trung quốc ngày nay, về đại từ nhân xưng số ít, họ dùng chữ « ngã » cho ngôi thứ nhất (tương đương với « I » tiếng Anh hay « je » tiếng Pháp), « nhĩ » cho ngôi thứ hai (tương đương với « you » tiếng Anh hay « tu /hay vous » tiếng Pháp), chữ « tha » cho ngôi thứ ba (tương đương với « he, she » tiếng Anh hay « il, elle » tiếng Pháp), về đại từ nhân xưng số nhiều họ dùng « ngã môn » cho ngôi thứ nhất, « nhĩ môn » cho ngôi thứ hai và « tha môn » cho ngôi thứ ba. Xem chừng như vậy là phù hợp được với đời sống giao dịch hiện đại, chứ họ không câng câng khoe rằng cách xưng hô của họ đầy « tình người »… Y lại bảo tôi : Thôi, chúng ta qui ước gọi nhau bằng « vị » là hay hơn cả, chả còn ngôi thứ, không cao thấp, không giới, không sang hèn, không giàu nghèo, lễ độ chung chung, hoàn toàn « nặc danh » (anonyme) nhé . 16
- Tôi : Đồng ý. Y kể : Này, tôi mới nghe được câu chuyện vui tai, (chuyện lượm được trên mạng DĐF, do nhiều tác giả trao đổi mà nên), tôi chép lại . Chuyện như vầy : Có cô ca sĩ Nam Bộ ra Bắc hát bài dân ca « Trống cơm » ; cô hát « Một bày tang tình con nít,…, lội, lội, lội sông,… ». Mấy chị ngoài Bắc mới sửa rằng : phải hát « con xít » chứ không phải « con nít », có điều là các chị cũng không biết viết chính tả « con xít » hay « con sít », và nó là con gì. Mấy anh Việt kiều ở Pháp nghe chuyện, cũng kể ngày xửa ngày xưa, khi còn thời chiến tranh, khi hát hợp xướng trong các buổi văn nghệ cũng hát là « con nít », mà lại là con nít … Bắc kỳ, mà lại … lội sông, kỳ quá ! Rồi có anh mới tra cứu từ điển suy ra rằng đó là « con sít », một loại chim to cỡ con gà, chân cao mỏ đỏ, lông đen ánh xanh, sống ở ruộng nước, hay phá hại lúa. Có điều là chính tả « x » hay « s » thì hơi khó phân biệt cho một số người, đặc biệt là mấy người quê miền Bắc. Có anh mới kể rằng thuở nhỏ đi học được ông thày dạy cho một mẹo để phân biệt : gọi « x » là « xờ bướm » vì dấu chéo như hai cánh bướm, và gọi « s » là « sờ chim » vì ký tự viết tay chữ « s » giống như cái mỏ chim, do đó mới có câu : « sờ chim thì sướng, « xờ » bướm xấu xa ». Hay chưa ? Tôi : Đó thuộc về lĩnh vực « biết hay không biết ». mà chuyện « biết hay không biết » thì linh tinh lắm. Như chuyện này. Trong bài «Bà huyện Thanh Quan, nhà thơ luật Đường Hà Thành nổi tiếng », đăng trong tạp chí Dạy và Học ngày nay của Hội Khuyến học, số tháng 6/2004, trang 41, tác giả viết: « [...]. Thời gian là « bóng xế tà », « bóng tịch dương », « bảng lảng bóng hoàng hôn » … Bởi vì buổi chiều dễ gợi nhớ, gợi thương. Rất nhiều buổi chiều trong thơ ca cũng đã được sử dụng để diễn tả một tâm trạng như vậy. Ta đã chả thấy, một buổi chiều xao xuyến đối với cô thôn nữ đó sao ? » . Tôi đọc rồi thấy ngỡ ngàng, tự hỏi rằng tác giả muốn nói câu thơ của bà huyện Thanh Quan hay là tôi hiểu sai ý tác giả muốn dẫn một bài thơ nào khác của một tác giả nào khác ? Chứ nếu là bài « Chiều hôm nhớ nhà » của bà huyện Thanh Quan, thì tôi nhớ có hai câu: Gác mái ngư ông về viễn phố, Gõ sừng mục tử lại cô thôn. « Cô thôn » đây là nghĩa là xóm [« thôn »] hẻo lánh [« cô »], chứ tôi không hiểu đó là một « cô thôn nữ »! Hai câu đó tôi hiểu là : ông chài gác mái chèo rồi về phố xa, trẻ chăn trâu gõ sừng trong khi trở lại xóm hẻo lánh. Chao ôi, học văn thời này sao mà khó thế! Y: 17
- Loại chuyện như vậy thiếu gì đâu. Nghe kể học sinh còn lầm « sĩ tử » với « tử sĩ ». Còn thày giáo thì lầm « Nam triều » (triều đình nước Nam, cụm từ hay dùng thời triều Nguyễn thuộc Pháp) với lính « Nam Triều tiên » sang đánh hôi ở miền Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Đã có ông Việt kiều kể rằng báo Văn Nghệ số 39, 29/9/1979, trong bài viết của nhà văn Triêu Dương, có đoạn : « Có giáo viên khi giảng bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, do không có chú thích về chữ linh , đọc lính và giảng rằng cụ Đồ Chiểu đứng vững trên quan điểm nhân dân lao động nên chỉ chú ý tới lính chứ không chú ý đến tướng tá. Sau đây là lời bàn của anh NHT : « Thày giáo nói trên đây là thuộc diện hồng hơn chuyên (có lẽ được chiếu cố), nhưng biết bao nhiêu thầy cô rất xứng đáng, tận tụy với nghề mà không đủ sống với nghề mà lương không đủ nuôi sống một mình ». Nhưng đây là chuyện một thời có lẽ đã qua. Y kể tiếp và hỏi : Trong một buổi trao đổi, được nghe kể là cách đây hai mươi lăm năm, có một quan chức lớn sang Pháp, khi nói chuyện với bà con Việt kiều, để chứng tỏ cái nhìn « thoáng » của ông về vấn đề « quốc tịch » (Việt Nam hay nước ngoài), đại khái ông bảo : «Tịch là cái chiếu ; quốc tịch cũng như cái chiếu, lúc nào đứng dậy đi nơi khác thì cuốn nó lại thôi mà ». Tất nhiên, ý tưởng rộng rãi này - người gốc Việt Nam ở nơi nào, mang quốc tịch nào, khi về Việt Nam thì vẫn được coi là người Việt Nam - thì nhiều người hoan nghênh, chả có gì đáng bàn. Vấn đề là chữ « tịch » (mang nghĩa cái chiếu) và chữ « tịch » trong từ kép « quốc tịch » (mang nghĩa sổ sách, quê quán, như chữ « tịch » của từ kép « hộ tịch ») , tuy đồng âm, nhưng chữ Nho viết khác nhau và nghĩa khác nhau. Đó là sự nhắc nhở và giải thích của một học giả Việt kiều Ca-na-đa khi nghe câu chuyện này. Do đó có người đặt câu hỏi là vị quan chức nói trên nhầm hai chữ với nhau nên ông nói vậy - nhưng không lẽ ông là người cầm trịch cho cả nước về văn hóa trong nhiều năm, mà lại không biết phân biệt hai chữ này sao? - hay là ông « chơi chữ » ? Tôi góp lời : Về câu chuyện hai chữ « tịch ». Ai mà biết chắc được sự thật, mặc dù khả năng tỉ số « người Việt Nam không biết phân biệt hai chữ này » hẳn là cao. Tôi không được hân hạnh quen biết vị quan chức quan trọng này nhiều, tôi chỉ được gặp ông có một lần, chính trong lần ông sang Pháp kể trên. Buổi gặp diễn ra ở Sứ quán ta ở Paris, do đại sứ tổ chức mời một số trí thức dùng cơm với ông, ông đã nói câu đó. Hôm ấy, tôi kẹt xe nên đến hơi chậm ; lúc tôi vào phòng khách thì ông đã ngồi ở cái ghế dài đi-văng, ông vồn vã đứng dậy ôm tôi, kéo tay tôi ngồi cạnh ông và nhắc lại việc ông đã đọc tất cả các thư điều trần của tôi gửi về nước, bởi vì [ông nói] « chúng tôi trong Bộ chính trị chuyền tay nhau đọc ». Rồi ông còn dặn tôi : « Từ nay trở đi, anh có viết thư thì viết gửi cho một mình tôi là đủ », điều mà tất nhiên tôi không thực hiện được như ông muốn. Ông tỏ thiện cảm với tôi như vậy, tất nhiên là tôi cũng có thiện cảm đáp lại ; có lẽ vì vậy mà tôi thiên về giả thuyết ông « chơi chữ ». Mà « chơi chữ » thì thiếu gì trong các giai thoại văn học Việt Nam, đủ kiểu, đủ cách, hay cũng có, mà dở cũng có (thí dụ « vị » có thể đọc lại cuốn « Chơi chữ » của Lãng Nhân, nxb Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn 1963, hay cuốn « Văn Đàn bảo giám » của Trần 18
- Trung Viên, nxb Nghiêm Hàm, 3 cuốn 1925,1927,1930, tái bản 3 tập 1931 nxb Nam ký, và sau này có in lại). Nhân đây, tôi xin kể vài chuyện vặt, liên quan đến việc « chơi chữ » hay đến việc « biết hay không biết ». Hồi Hội nghị Paris (1968-1973) về chiến tranh Việt-Mỹ, trong một buổi gặp gỡ với trí thức Việt kiều, có một chị giới thiệu một nhà khoa học Việt kiều với ông Nguyễn Minh Vỹ ( tên thật là Tôn Thất Vỹ, lúc đó đang là phó của bộ trưởng Xuân Thủy, trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa). Chị kia nói : « Đây là anh X, nhà khoa học đang làm việc tại CNRS » (chú thích : CNRS là tên gọi tắt của Centre National de la Recherche Scientifique, Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học của Pháp). Tôi không rõ vì ông Vỹ không có cảm tình với anh đó, hay vì ông muốn « chơi chữ », mà ông hỏi : « CRS hả ? » (chú thích : CRS là tên gọi tắt của Compagnie Républicaine de Sécurité, đội lính giữ an ninh của Pháp, trong thực tế thuở đó, thường dùng để dẹp các buổi biểu tình hay đình công, thí dụ như của giới lao động). Rõ ràng là ông nói đùa, nên anh chị em chung quanh cười ầm lên. Nhưng cái « chị giới thiệu » lại ngây thơ, ngỡ ông không hiểu, nên vội vàng giải thích, làm cho anh chị em chung quanh lại cười ầm lên một đợt nữa. Lại một loại « chơi chữ » nữa, nhảm hơn : Tôi nhớ loáng thoáng (nếu tôi nhớ nhầm thì ai biết xin sửa hộ, bởi vì sách báo ít nói đến) : vào khoảng năm 1943 gì đó xảy ra một câu chuyện tình, lẽ ra là « đại sự » của nước Đại Nam. Việc xảy ra ở Đà Lạt: Đức vua lên nghỉ trên ấy, chả biết chim chuột thế nào mà ngài Nam Phuơng nổi ghen, hình như rút súng bắn (?), may mà Đức vua kịp ngự xuống gầm giường nên thoát. Do đó, toàn quyền Decoux (đọc là Đờ-Cu) vội cử toàn quyền phu nhân lên Đà Lạt hòa giải. Chẳng may xe phu nhân bị nạn, phu nhân bị chết (nghe nói mộ còn ở Đà Lạt, hình như trong tu viện Couvent des Oiseaux). Cho nên thời đó mới có câu rằng : vì bà chết, nên ông mới « đờ cu »! Sau đó để đền công Toàn quyền đại nhân, nhà vua mới ban tặng cho quan toàn quyền tước « Phò vương », hay « Phò quận vương » gì đó. Y bảo : Ngày nay, mấy học sinh của ta học tiếng Việt nhưng không có vốn chữ Nho nên có khi hiểu sai tuột, thí dụ như đọc « trọng nghĩa khinh tài » lại hiểu là trọng nghĩa nhưng khinh khi sự tài giỏi, chứ không biết rằng tài đây là « tiền tài ». Nếu ta đùa một chút, chế ra cụm từ « trọng tài khinh tài » theo nghĩa trọng tiền tài và khinh sự tài giỏi, có lẽ phù hợp cho ngày nay đấy. Rồi « cố » trong « cố vấn » lại được hiểu là « cũ », hỏi cái cũ rích. Hay là phải dạy lại chữ Nho trong trường ? Tôi đáp : 19
- Chớ nên mỉa mai quá đáng. Như tôi đã viết trong bài « Thoáng nghĩ về chữ Nho » đăng trong tạp chí Tia Sáng, số Xuân, tháng 2/2002, chẳng cần học chữ Nho và nhớ tự dạng các chữ đâu, vì khó nhớ lắm và lại vô ích, chỉ cần khi học tiếng Việt, học sinh được giải thích cặn kẽ rằng có nhiều từ đồng âm mà khác nghĩa là đủ. Thí dụ « đại diện », rốt cục ai cũng hiểu là « thay mặt », chứ có hiểu là « mặt to » đâu ; nếu có ai cắt nghĩa là tại mặt to cho nên mới thay mặt cho người khác được, thì chỉ là bỡn cợt thôi. Y: Giữa cái « biết hay không biết » và cái « chơi chữ », còn cả một đống trường hợp trung gian. Có chuyện một ông già Việt Nam quen nói tiếng Pháp kiểu xưa, còn quen thuộc với những kiểu cách baisemain (cúi đầu hôn tay phụ nữ hay vua chúa), với kiểu cách rút pochette (khăn để thò trên túi ngực áo) lót tay khi mời phụ nữ khiêu vũ, vv. Vào khoảng những năm 1950, ông sang Pháp sống ; lúc đó ông chưa thích nghi được với thay đổi của xã hội này. Một bữa đi dạo, ông gặp mấy bà già Pháp người quen, đang dắt cháu đi chơi. Cháu bé trai của bà này gặp cháu bé gái của bà kia, cả hai bé mới lên năm tuổi ; chúng làm bisous nhau (hôn má). Ông cụ nói đùa với bé trai : « A ton âge, tu baises déjà les petites filles? ». Mấy bà già Pháp chưng hửng, không dám cười, mà cũng không dám sửa (vì lẽ rằng trong tiếng Pháp hiện đại, động từ « baiser » đã chuyển nghĩa : không còn nghĩa là « hôn » nữa mà mang nghĩa « làm tình ». Như vậy là cái câu « Ở tuổi cháu mà cháu đã biết hôn các cháu gái à ? » đã được hiểu rằng « Ở tuổi cháu mà cháu đã làm tình với cháu gái à ? ». Chuyện này có thật, không phải chuyện tiếu lâm bịa đặt. Tôi : Cũng không nên « trách » ông cụ, bởi vì ngay cuốn Từ điển Pháp-Việt , do nhóm Lê Khả Kế thuộc Ủy Ban Khoa học Xã hội Việt Nam soạn, và do Tổ chức Hợp tác Văn hóa và Kỹ thuật (Agence de Coopération Culturelle et Technique) xuất bản năm 1981, trang 96, còn dịch từ « baiseur » là « người hay hôn ». Nhóm người làm từ điển còn nhầm, thì người thường tránh sao được. Tôi nói tiếp : « Biết hay không biết », cũng là chuyện phức tạp lắm. Tôi xin thử nêu vài chuyện làm thí dụ : Do thời cuộc xảy ra trong những năm thuộc nửa sau của thế kỉ 20, nhiều người nghĩ rằng ông Bảo Đại làm vua bù nhìn thời Pháp thuộc, tất là một con người « ì », « chẳng biết gì ». Nhắc lại là khi ông Khải Định được chính quyền thực dân Pháp đưa lên làm vua, ông có gửi gắm con trai là ông Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại tương lai) cho vợ chồng ông Charles đưa sang Pháp du học. Vì vậy hồi ông Vĩnh Thụy du học ở Pháp, thời đầu ông ấy ở nhà ông bà Charles. Ông này trước là khâm sứ Trung Kỳ (tức là quan tây đứng đầu Trung Kỳ). Ông Charles vốn quen biết ông Khải 20
CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD
-
Bí quyết nhớ lâu khi học thi
5 p | 114 | 20
-
SẮC MÀU CUỘC SỐNG - Lá gan kỳ diệu
6 p | 118 | 16
-
Trẻ học gì từ dịp sum họp đầu năm?
4 p | 78 | 9
-
Lý do trẻ thiếu tự tin
8 p | 79 | 9
-
Phạt bé bằng roi vọt
3 p | 93 | 8
-
Để luôn gần gũi con
4 p | 111 | 5
-
Để bé làm quen với người giúp việc
5 p | 118 | 4
-
Chăm sóc trẻ điếc thế nào
4 p | 69 | 3
Chịu trách nhiệm nội dung:
Nguyễn Công Hà - Giám đốc Công ty TNHH TÀI LIỆU TRỰC TUYẾN VI NA
LIÊN HỆ
Địa chỉ: P402, 54A Nơ Trang Long, Phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Hotline: 093 303 0098
Email: support@tailieu.vn